3 thg 8, 2012

Hỗn loạn nhớ ngày làm thẻ sinh viên

     Mấy hôm nay, qua báo chí thấy rất nhiều điều bức xúc: nào là giám đốc công an Vĩnh Phú bị nổ mìn trước nhà chưa tìm ra thủ phạm thì giám đốc công an Khánh Hòa cũng bị tương tự, nào là trung tá cảnh sát giao thông tỉnh Đồng Nai đang làm nhiệm vụ cho xe chuyên dụng vào cây xăng ven đường tiếp nhiên liệu bị chém trọng thương, nào là hai cảnh sát đặc nhiệm Đồng Hới - Quảng Bình bị thanh niên đánh nguy kịch. Xa hơn một tí, rừng Phong Nha - Kẻ Bàng bị các nhóm lâm tặc ngang nhiên đốn hạ gỗ quý, thậm chí lâm tặc các tỉnh khác biết tin còn đến đây đón lõng đánh cướp từng mẫu cành khúc rễ. Ở Lâm Đồng, giữa thành phố mà công ty cây xanh phải cử nhân viên căng võng ngay ở gốc các cây sưa, cây huê, đúng là hết chỗ nói.
     Nhìn cảnh tượng này nhớ khi vào ĐHBK Hà Nội làm thẻ sinh viên: Năm học đầu tiên ở Hoài Đức mới khai giảng được một hai tuần, một hôm, các lớp nhận được lệnh tập trung sau khi tan học trước nhà ban giám hiệu khoa Vô tuyến, thầy Hoàng phổ biến kế hoạch làm thẻ sinh viên: Ai đã có ảnh thì ghi tên mình ra phía sau rồi gửi cho lớp trưởng, ai chưa có ảnh thì chủ nhật tới được về Hà Nội chụp ảnh, chụp xong gửi giấy hẹn cho các bạn người Hà Nội cùng lớp tuần tiếp về thăm nhà nhận ảnh hộ. Sau khi có thẻ nhớ giữ gìn cẩn thận vì đó là giấy tùy thân của mình. Trường hợp xấu bị mất phải khai báo cho công an gần nhất ngày, giờ, và địa điểm, khai báo cho công anh xong về khai báo cho ban giám hiệu khoa vào sổ để theo dõi và làm thẻ mới, tránh trường hợp oan uổng như những khóa trước. Thầy Hoàng nói tiếp: một hôm, độ khoảng 20h tối có 2 công an đi trên xe moto 3 bánh đến trường ĐHBK Hà Nội, sau khi làm việc với bảo vệ nhờ bảo vệ dẫn đường, họ trực chỉ đến khoa Vô tuyến đọc lệnh bắt 1 nam sinh viên K12, khi ra về, họ không quên cho bảo vệ nhà trường biết đơn vị và địa chỉ tổ làm nhiệm vụ. Bảo vệ nhà trường đến báo cáo với ban chủ nhiệm khoa Vô tuyến, thế rồi, đại diện ban chủ nhiệm khoa trực tiếp là thầy Hoàng cùng bảo vệ vượt cầu Long Biên sang Gia Lâm trong đêm đó. Đơn vị công an cho thầy Hoàng biết độ khoảng lúc 19h buổi chập tối, có 1 phụ nữ đến khai báo có một sinh viên ĐHBK đã giở trò đồi bại với chị, minh chứng là chị đã nhặt được chiếc ví bên trong có thẻ sinh viên. Qua xác minh, chiều hôm đó khóa 12 thi môn cuối cùng và người sinh viên này đi thi về còn mệt thậm chí chưa kịp ăn cơm còn chiếc ví và thẻ sinh viên thì đã bị kẻ gian móc túi trên tàu điện tuyến biện viện Bạch Mai đi Cửa Nam. Sáng hôm sau, nhà trường phải có giấy bảo lãnh bằng văn bản kèm theo chứng cứ giờ vào phòng thi và giờ rời khỏi phòng thi của giáo viên bộ môn,công an  Long Biên mới trao trả người sinh viên khoa vô tuyến bị bắt oan kèm theo giấy vô tội. Hóa ra, anh sinh viên này bị kẻ gian móc mất ví, nhưng vì ví đẹp nên họ để lại sử dụng kèm theo thẻ sinh viên. Khi họ giở trò xấu xí, người phụ nữ bị hại nhặt được đến khai báo công an.
       Câu chuyện trên đây tuy nhỏ nhưng nó xảy ra trong một xã hội lớn: xã hội sống, học tập, lao động và làm việc theo pháp luật, một xã hội có kỉ cương, phép nước rõ ràng. Những người công an họ làm việc đúng nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao, mình không có quyền trách cớ họ mà phải tự trách mình thiếu cẩn thận trong sinh hoạt. Giá như câu chuyện đó xảy ra hiện nay thì người phụ nữ ấy cũng chỉ ngậm đắng nuốt cay giấu chồng (nếu đã có gia đình) và giấu bạn trai (nếu trong thời kì yêu đương), họ không dại gì mà đi báo bởi vì có báo đi chăng nữa thì cũng chẳng có ai thực thi nhiệm vụ, thậm chí họ còn đàm tiếu  làm trò.
        Theo Tất Nam, tệ nạn xã hội bây giờ không còn là hồi chuông báo động mà nó đã sang giai đoạn hỗn loạn.