25 thg 1, 2014

Chân lý còn quý hơn thầy

Thứ bảy, 25/1/2014 15:53 GMT+7

Chân lý còn quý hơn thầy

“Platon là thầy tôi, nhưng chân lý còn quý hơn thầy” (Aristote). Đó là thái độ hiền minh của những người sống bằng lòng yêu mến tri thức.
Vừa rồi có chuyện dịch giả Thái Bá Tân và tác phẩm dịch Thơ Haiku Nhật Bản (Nhà sách Đông Tây liên kết với NXB Lao Động ấn hành) bị đưa ra bàn bạc trên một vài trang mạng. Dịch là câu chuyện muôn thuở. Dịch sai lại càng là chuyện bình thường. Còn nhớ dịch giả, nhà thơ Dương Tường (ở tuổi 81), khi bị phát hiện lỗi sai trong Lolita, đã khiêm cung xin lỗi người đọc. Và đó cũng là chuyện bình thường trong phép tắc ứng xử của những người yêu văn chương, học thuật.
Tôi viết thế này vì bắt đầu thấy phần bình luận bên dưới (tính đến lúc tôi đọc là 41 comments) bài viết: "Thái Bá Tân bị phát hiện dịch sai Thơ Haiku Nhật Bản" có phần bất thường.
Bất thường ở chỗ: rất nhiều người bình luận bỗng dưng viết về "lòng tử tế"
của thầy Thái Bá Tân (trong ứng xử với học trò nghèo) để đối trọng với "lòng không tử tế" của Nhật Chiêu (khi nói về những điểm sai trong tác phẩm chuyển dịch của người khác).
Kính quý thầy, thương quý thầy là điều lễ trọng, cần gìn giữ. Nhưng đã có hai câu chuyện khác nhau trong vấn đề này.
Câu chuyện thứ nhất là những tranh cãi về học thuật. Câu chuyện thứ hai là những kỷ niệm về nhân cách. Thực ra, không bao giờ có thể tráo đổi hai chuyện này. Không cần trình độ cao siêu gì mấy, cứ đọc hai bản dịch: một của Thái Bá Tân, một của Nhật Chiêu về thơ Haiku, thì một độc giả bình thường cũng có thể hiểu tường tận điều gì đã xảy ra… Thậm chí có thể không nhịn được cười.
Từ "tử tế" là một từ khó. Nó càng khó hơn khi được dùng để định vị nhân cách người khác trong một cuộc hội ngộ thơ ca, ngôn từ. Trong câu chuyện cuối năm này, thực ra nó chỉ có thể là chuyện học thuật đơn thuần. Nhưng cách tiếp nhận nó của dịch giả Thơ Haiku Nhật Bản có phần đi xa hơn…
Dù sao, chân lý và sự mủi lòng vẫn ít khi đi chung đường. Dù sao, chân lý còn quý hơn thầy. Đó mới thực là tử tế.
Lê Thị Thanh Tâm