10 thg 7, 2012

Những bài thơ về Người Lính

Mình không biết làm thơ nên chỉ có thể đưa lên đây những bài thơ của mọi người mà mình đã được đọc, cảm nhận và yêu thích nó vì trong đó có một phần tình cảm của mình.
Những bài thơ về Người Lính nhân ngày 27/7 sắp đến

THÁNG BẨY NHỚ BẠN
Nguyễn Trọng Luân
(Kính tặng hương hồn lính sinh viên ở mặt trận Quảng Trị năm 1972

Đợi mãi bạn vẫn không trở về
Để cùng nhau dự ngày vui gặp mặt
Đồng đội ngày ấy giờ thưa thớt lắm
Hội trường đầy hoa mà nước mắt tuôn trào.
Mới đó, đã hơn ba mươi năm rồi sao!
Ngày từ biệt giảng đường chưa dám cầm tay con gái
Chôn bạn nơi cửa rừng, trong balô còn lại
Tấm ảnh nhỏ nhoi cô bạn gái cùng trường...
Vẫn còn đây những góc phố, con đường
Đêm chia tay, mặt trận đầy súng nổ
Cùng hát “Chiều Mátxcơva” trước khi vào Thành cổ
Khúc hát lặng rồi, vượt Thạch Hãn luồn sâu...
Bao người ngã xuống ngay sáng hôm sau
Những đứa bạn cùng trường chung ngày giỗ
Hoa phượng ơi, mùa hạ về cháy đỏ
Trẻ mãi lời ru nơi đồng đội tôi nằm...




ĐIỂM DANH ĐỒNG ĐỘI
Nguyễn Trung Kiên


Năm hàng dọc – những mộ bia đứng thẳng
Một hàng ngang – kia lau trắng cuối trời
Ba mươi năm! Nay điểm danh lần nữa
Những đứa – những thằng biền biệt xa quê!

Đâu hết rồi! Đời lính trẻ ngông nghênh
Ba lô cóc ôm cả hồn danh tướng
Da ngựa bọc thây – “nhân gian bất kiến…”
Tao nhớ tụi mầy như nhớ giai nhân!

Mãi mùa xanh – mãi hai mươi tuổi Trường Sơn
Thằng Hiển - Cần Thơ, thằng Hùng - Kinh Bắc
Cung đường ngày xưa bom rơi trụi lá
Bồi đắp máu xương nay đã xanh màu

Tao trở lại đây màu trắng trên đầu
Men rượu trắng mỗi năm mẹ khóc
Những đứa con gái trắng trinh như ngọc
Thiếu phụ buồn! Trắng song cửa chiều hôm

Đâu hết rồi! Những “mi – tớ – chi – mô”
Khi cất giọng cả ba miền góp mặt
Về đây uống cùng tao chung rượu nhạt!
Như ngày xưa chia sớt miếng rau rừng



Chiều Trường Sơn lộng gió đại ngàn
Hồn lính trẻ – đồng đội già khóc bạn
Thằng mất tuổi tên – đứa không còn xác!
Đất nước nầy hạt bụi hóa linh thiêng

Hàng dọc – hàng ngang, đồng đội điểm danh
Những nấm mồ xếp hàng ra trận
Nén nhang trắng khóc tụi mầy lần cuối
Mai gặp nhau rồi… cùng thét xung phong!


Rừng ơi!
Nguyễn Thị Hồng Ngát

Em đã hiểu rằng từ khi biết yêu anh
Cái cảm xúc ban đầu thật đẹp
Anh bộ đội có cái nhìn chân thật
Mọi gian truân không xoá nổi nét cưới

Khu rừng gai đêm ấy mưa rơi
Lá cây ướt mà đất rừng không ướt
Anh hái cho em trái me chua ngọt
Và nói về những chuyện mai sau…

Dòng suối trong rừng nước xanh bóng rêu
Bom rơi xuống làm chết bao nhiêu cá
Anh đã quen còn em thấy lạ
Tiếng ầm ì giữa tiếng xe- tiếng bom

Ơi nhưng khu rừng trên dãy Trường Sơn
Nơi tôi đến giữa những năm tuổi trẻ
Giữa những năm đạn bom khói lửa
Và đâu hay tôi có một mối tình…


 Một mối tình trong năm tháng chiến tranh
Giữa khốc liệt vẫn mang nhiều thơ mộng
Anh bộ đội áo sạm đen khói súng
Và cô văn công đứng hát trước bom thù

Những lúc yên bình đi dạo dưới rừng thu
Chợt quên tiếng bom chỉ còn nghe rừng hát
Rồi bỗng đâu bắt gặp trong ánh mắt
Trong muôn người bắt gặp một bàn tay

Suốt những năm dài cho đến hôm nay
Đã đi hết một đoạn đời tuổi trẻ
Vẫn giữ mãi cái nhìn chân thật quá
Và dư âm về những cách rừng già

Lúc vui buồn hay nhớ đến Rừng ơi!


 Lính mà em
 
Em trách anh sao gửi thư chậm thế,
Em đợi hoài sẽ giận cho xem.
Biên thư cho em bao giờ anh muốn thế,
Hành quân đường dài đấy chứ.
Lính mà em!

Anh gửi cho em mấy cành hoa dại,
Để làm quà, không về được em ơi,
Không dạo mát nửa đêm cùng em được,
Thôi đừng buồn em nhé.
Lính mà em!

Hẹn nghỉ phép, anh cùng em dạo phố,
Tay chiến binh đan đầu ngón tay mềm,
Em xót xa đời anh nhiều gian khổ,
Anh chỉ cười và nói:
Lính mà em!

Qua xóm nhỏ anh ghi dòng lưu niệm,
Trời mưa hai đứa đứng bên thềm,
Anh che cho em khỏi ướt tà áo tím,
Anh quen rồi, không lạnh.
Lính mà em!

Anh kể chuyện hành quân và gối súng,
Trăng đêm đầu không đủ viết thư đâu,
Biên thư cho em nét nhòe như vụng.
Hiểu giùm anh, em nhé!
Lính mà em.

Ghét anh ghê, chỉ có tài biện luận,
Làm người ta thêm nhớ thương nhiều.
Em xa lánh những ngày vui trên phố,
Để nhớ người hay nói
“Lính mà em”.


Nếu kg được làm nhà thơ, kiếp sau tôi sẽ làm con chó!


Posted on Thứ sáu, ngày 06 tháng bảy năm 2012
Nguyễn Văn Thiện

Thật thế đấy, bởi vì làm thơ hơi bị sướng! Mà khỏi phải nói rồi, làm chó thì hơi bị… nhục, nhưng chó có cái hay của chó! Vì thế, tốt nhất là kiếp nào cũng xin làm thơ, nếu không được làm thơ thì mới xuống làm chó.

Làm thơ, tức là làm nhà thơ í. Mặc cho bọn rỗi hơi nào đó hò hét rằng biển Đông sắp về tay thằng bạn, mặc cho bọn hết việc nào đó đội mưa đội gió đi biểu tình, mặc cho bọn ngu si nào đó ca cẩm về kinh tế xuống dốc hay xuống vực… mặc xác, mặc xác, mặc xác… Nhà thơ tui ngồi nhà rung đùi mần thơ. A ha, máy tính của nhà thơ sẽ chạy vèo vèo, thơ đăng lên phấp phới, chả bị bố con thằng nào chặn tường lửa cả! Tường lửa chỉ dành cho bọn phản động truyền bá tư tưởng tầm phào, rỗi hơi mà chặn nhà thơ?!

Tui sẽ viết rằng, quê hương tui đẹp lắm, đẹp gấp vạn lần quê thằng khác…

Tui sẽ viết rằng, đất nước tui bình yên hạnh phúc lắm, gấp vạn gấp tỉ lần đất nước khác…

Tui viết tiếp rằng, nhân dân tui lam lũ một nắng hai sương mà hiền lành chất phác vô cùng, hơn hẳn nhân dân chỗ khác …

Tui cũng sẽ viết rằng, tui sống đây là nhờ ông nọ bà kia bú mớm nuôi dạy nên người chứ không phải như những đứa nhà thơ khác

Rồi tui nói luôn, đất nước này trưa hè gió quạt, mùa đông ấm áp, ra đường gặp ai cũng muốn ôm hôn, thấy mặt ai cũng nhân từ, không có bọn ma cô kẻ cướp, nghiện ngập đĩ điếm tuyệt đối không…

Nhân thể tui “trường ca” luôn, ơ hờ về biển đảo quê tui, rằng đảo nọ đảo kia liền một dải là khúc ruột thân thương, là không bao giờ mất… ơ hờ luôn về biên giới phía bắc phía nam nơi nào cũng vững vàng chắc chắn, và thế là nhân tiện tui bùi ngùi sa nước mắt...

Khi đã đủ một “độ dày sáng tạo” rồi tui sẽ tổ chức hội thảo rầm rộ, thuê và nhờ người viết bài nâng tui lên thành hàng thi tiên thi thánh, rồi Lí Bạch rồi Đỗ Phủ rồi Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến gặp tui sẽ phải cúi đầu sa lệ vì tài thấp phận cao…

Dĩ nhiên đứa nào dám mở miệng chê thơ tui thì tui sẽ chửi và thuê thêm vài thằng thợ chửi nó chửi lại, biết đứa nào chửi to hơn mà nói?

Bạn đọc thấy mần thơ như tui sướng không? Sang trọng không? Hoành tráng không?

Tất nhiên, tui sẽ an nhàn sung sướng tận hưởng hết kiếp này, số kiếp của một nhà thơ. Còn nếu kiếp sau không được làm thơ nữa thì dứt khoát tui sẽ làm chó, một con chó tự do không bị rõ mõm, và tui sẽ sủa, đúng như tui làm thơ kiếp này…
Nhiệt liệt…
Nhiệt liệt…

Nguyễn Văn Thiện

Chân lý quý hơn thầy


Posted on Thứ hai, ngày 09 tháng bảy năm 2012

…………. Xem tấm hình này... tôi buồn mất một tuần có lẻ ! Vì tấm hình nói lên quá nhiều điều. Nó đưa người ta suy ngẫm về phương Đông và phương Tây, về triết học và văn hóa của hai phương trời. Từ trước Công nguyên, Aristote (384-322 trước CN) đã tuyên bố: Platon là thầy tôi, nhưng chân lý quý hơn thầy ! Engel rất hâm mộ Aristote và luôn dẫn câu nói nổi tiếng này của Aristote trong các bài viết của mình.

Từ trước Công nguyên, chân lý khách quan khoa học luôn là thước đo của mọi giá trị trong xã hội phương Tây. Vì thế, phương Tây văn minh. Xã hội phương Đông từ trước Công nguyên, triết lý Khổng Mạnh chỉ đề cao đạo lý vua tôi, cha con, chồng vợ... Kẻ sĩ trí thức phương Đông đến cửa Khổng sân Trình  chỉ để mong thi đỗ làm quan, để được quỳ lạy trước sân Rồng ! Văn hóa phương Đông từ thời Khổng Mạnh đến nay là thứ văn hóa quỳ lạy. Thấy kẻ trên là... quỳ lạy, không cần biết kẻ đó có đồng nghĩa với lẽ phải, với chân lý hay không (!) Kẻ đó nói những câu vô hồn, vô bổ như "khách quan", "biện chứng"... hay gì gì đi nữa, nhưng là quyền lực thì cứ thế mà cung kính, mà ngưỡng mộ !

Cái hình ảnh đau khổ mà tôi vừa kể ở trên nói lên cả một nền văn hóa quỳ lạy của phương Đông.

Có lần, tướng Lưu Á Châu ở Trung Quốc có kể lại rằng, khi ông là một sĩ quan, dự một lớp học, thấy thầy giảng chướng tai quá, ông đứng lên cãi lại, thầy liền mắng rằng: Sao anh dám cãi lại tôi. Tướng Lưu Á Châu bình luận rằng, chỉ câu nói ấy của thầy đã nói lên tất cả! Sao thầy không mắng : - Sao anh dám nói như thế ! Có nghĩa là thầy không mắng, không dám tranh luận về nội dung lời cãi của tướng Châu, mà chỉ biết là không được cãi thầy. Cái văn hóa dưới không được cãi trên ấy, còn tồn tại ở Trung Quốc và Việt Nam cho đến tận hôm nay, như một chân lý bất di bất dịch ! Vì thế tướng Châu đã buồn rầu và đi đến kết luận: Trung Quốc không có nhà tư tưởng, chỉ có các nhà mưu lược mà thôi !

Người phương Tây có câu ngạn ngữ rằng: Cái gì có lý thì nó tồn tại, cái gì tồn tại thì nó có lý (tout ce qui est rationnel, est reel...).

Cái lý tồn tại của chính thể độc tài là vì còn "lưu hành" thứ văn hóa quỳ lạy, mà những người nhiễm phải nền văn hóa này còn không ít trong xã hội phương Đông.

Hình ảnh thảm thương của các ông già cử tri khi tiếp xúc với đại biểu Quốc hội nói lên điều đó. Nó có cội rễ từ Khổng Tử. Tôi nghĩ như vậy. Thật là buồn !

Lê Phú Khải - 7-2012