12 thg 12, 2012

Cứ vui sống mà... đóng phí


Tác giả: Hải Tâm
Bài đã được xuất bản bởi tuanvietnam.net: 10/12/2012 08:00 GMT+7

NASA đã khẳng định: Hãy yên tâm vui sống, sẽ không có tận thế vào năm 2012, còn chúng ta cũng hãy yên tâm vui sống mà đóng phí.

1. Khắp nơi trên thế giới đang hoang mang khi ngày 21/12/2012 đến gần, thời điểm 'tương truyền" sẽ là ngày tận thế của nhân loại theo lịch cổ của người Maya.

Trừ NASA ra, chẳng ai dám khẳng định hoàn toàn là lời nguyền đó có xảy ra hay không, chứ chưa nói đến nó sẽ xảy đến như thế nào. Nhưng rất nhiều người đang cấp tập chuẩn bị đón chờ ngày thảm họa đó, bằng tất cả khả năng và trí tượng tượng mà họ có….

Đáng ngạc nhiên là, theo khảo sát mới đây của một tờ báo, người Việt ta hóa ra lại khá dửng dưng, bình thản trước "ngày tận thế". Không lạ sao, với một nước mà nhiều khi con cá có hình dáng lạ cũng được "phong thần" và ngay thành tích bóng đá bi bét còn được quy tội cho... ma.

Phản ứng bình thản này liệu có liên quan gì đến kết quả khảo sát khác, do một tổ chức quốc tế uy tín tiến hành, chỉ ra người dân Việt Nam "vô cảm" (tức ít cảm xúc) đứng thứ 13 thế giới? Hay đó là "thành quả" thu được sau cả quá trình "tôi luyện" khắc nghiệt nhằm hướng tới khả năng sống chung với... tất tật mọi thứ:

Có người dân mấy nước được rèn luyện trong từng bữa ăn như người Việt? Nào rau phun thuốc sâu, thực phẩm ôi thiu, bốc mùi, tẩm hóa chất bảo quản, v.v... Khác nào mỗi lần ăn là một lần tích lũy thêm chất độc vào người.

Có người dân mấy nước vào bệnh viện lại đủ khả năng xoay sở 3, 4 người chung một giường. Rồi lúc cận kề cái chết cũng vẫn phải nhớ thực hiện đúng "lễ" phong bì cho bác sĩ.

Có người dân mấy nước được rèn luyện "yên tâm" ở lại khi các thủy điện to nhỏ cứ thi nhau "sinh sự"? Rồi cả yên tâm khi các công trình dân sinh, đường xá "nối đuôi" bong nứt, sụt lún dù "tuổi đời" còn trẻ trung phơi phới.

Về giao thông thì bạn bè thế giới vẫn luôn phải "ngả mũ" kính phục khả năng "sinh tồn" của người Việt. Chưa kể chúng ta còn có thần kinh thép để thản nhiên lái xe khi mà đến nay nguyên nhân các vụ cháy nổ bất thình lình vẫn còn là điều bí hiểm.

Và còn vô vàn "thử thách nào cũng vượt qua" khác của chúng ta, hẳn đủ để lý giải cho sự dửng dưng trước cái tin đồn tận thế khiến cả thế giới hoang mang kia.

Cảnh trong phim khoa học viễn tưởng 2012

2. Nhưng vẫn có những thứ khiến người Việt không thể dửng dưng. Đó là bức tranh kinh tế ảm đạm suốt năm qua và tương lai không mấy sán lạn năm tới đã được khắc họa trong các bản tổng kết cuối năm.

Trước hết là bức tranh tổng quan cho thấy, năm 2012, cả ba đầu tàu kinh tế Tp. HCM, Hà Nội, Đã Nẵng đều giảm thu, không "chạm đích" nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng.

Tp Hồ Chí Minh có tới 6 chỉ tiêu không đạt. Trong đó, chỉ tiêu thu ngân sách không đạt lần đầu tiên kể từ khi thống nhất đất nước, tăng trưởng GDP cũng không hoàn thành mục tiêu.

Tương tư, GDP của Hà Nội tăng thấp hơn so với kế hoạch cũng như so với cùng kỳ các năm. Ngân sách thủ đô lần đầu tiên sau 15 năm không đạt dự toán.

Còn ở Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh đánh giá, năm 2012 tình hình kinh tế, xã hội thành phố phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có.

Trên cả 3 thành phố lớn, đều là những "lần đầu tiên", "chưa từng có"... đáng buồn. Đằng sau đó là bức tranh bi quan về thực trạng phát triển của doanh nghiệp trong cả nước.

Những từ ngữ như "xóa sổ", "phá sản", "chết lâm sàng", "khai tử" đã được lặp đi lặp lại trong thời gian qua khi đề cập đến doanh nghiệp. Thậm chí, có người còn dự báo cả "ngày tận thế" cho một trong những lĩnh vực kinh doanh bi bét nhất 2012 là bất động sản.

Những "con số biết nói" do một vị lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cung cấp có thể giúp chúng ta hình dung cụ thể. Theo đó, chỉ trong 2 năm qua, gần 100.000 doanh nghiệp "rời thị trường" - tương đương với một nửa số doanh nghiệp đóng cửa trong vòng 20 năm qua.

Số 70% chưa chết còn lại, theo ông, cũng hết sức khó khăn, sống được là nhờ "lương khô", tức là những gì họ tích lũy được từ nhiều năm trước. Nhưng nay lương khô có lẽ cũng đã cạn!

Cuối các năm trước, báo chí sôi nổi bàn về các mức thưởng tết khủng của doanh nghiệp. Năm nay, nhiều tin tức lại xoay quanh chuyện khả năng không thưởng tết, rồi thưởng "hẻo", hay tổng kết những kiểu thưởng tết... "khó đỡ".

Trong khi đó, một số khảo sát của các tổ chức khác nhau đều thể hiện các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp lớn, bi quan về triển vọng phát triển của năm 2013. Một điều tra cho thấy "mức độ lạc quan của doanh nghiệp đã xuống mức thấp nhất kể từ 2005".

"Tôi nghĩ điều quan trọng với các bạn lúc này là một liều thuốc niềm tin". Mới đây, Tiến sĩ người Anh Patrick Dixon, được biết đến như một trong những "bộ óc" quản trị hàng đầu thế giới, đã "kê đơn" cho doanh nghiệp Việt Nam như vậy.

Và đó là "đơn thuốc" được nhiều người đồng tình. Chẳng hạn, Phó chủ tịch hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội Đặng Đức Dũng, đã trả lời là "cần lấy lại niềm tin", khi được hỏi thực sự hiện nay doanh nghiệp cần nhất điều gì nhất. Nhưng niềm tin đó, như doanh nhân này chỉ ra, chỉ có thể đến từ sự minh bạch, nhất quán của chính sách nhà nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: Dân trí

3. Giữa lúc cần nhóm lên niềm tin cho doanh nghiệp, thông tư thu phí sử dụng đường bộ chính thức đi vào thực hiện từ 1/1/2013, có lẽ không khác nào một mồi... nước lạnh.

Thông tư được Bộ Tài chính ký thông qua ngày 15/11. Âm thầm đến mức, 1 tuần sau đó, Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM không hề biết sự ra đời của nó, vẫn tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp.

Có thông tin cho hay, tính cả lần "góp ý trượt" này, các doanh nghiệp vận tải đã có 6 lần góp ý nhiều điểm mà họ cho là vô lý trong việc thu phí sử dụng đường bộ. Nhưng theo những người trong cuộc, các kiến nghị của họ vẫn gần như chưa được sửa đổi trong thông tư đã ban hành.

Dù thế, các doanh nghiệp vẫn cứ nên lạc quan, tin tưởng, vì như một thứ trưởng Bộ Tài chính đã khẳng định: Mức thu như vậy "đã chia sẻ với doanh nghiệp, phù hợp với tình hình hiện nay". Một dẫn chứng được vị thứ trưởng đưa ra là thông tư đã bỏ thu phí... xe đạp điện.

Thêm một tin tức chẳng mấy vui cho cái túi chi tiêu vốn đã quay quắt của người dân thời khủng hoảng, là giá điện chắc chắn cũng sắp tăng. Giá điện quyết tăng, dù năm nay EVN làm ăn có lãi.

Lý lẽ là lãi của năm nay chưa đủ bù cho lỗ khủng của EVN trong các năm trước. Vì thế, những "thượng đế bất đắc dĩ" của EVN sẽ còn được chung vai gánh lỗ cùng tập đoàn này dài dài, bằng cách nộp thêm tiền điện.

Theo báo chí đưa tin, chỉ trong tháng 12 này, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ phương án tăng giá điện. Nghĩa là chỉ ngay ra Giêng (mà là tháng Giêng dương), chúng ta tha hồ ngày rộng tháng dài để đóng thêm phí, nộp thêm tiền, khởi đầu là phí đường bộ và giá điện.

Phản ứng dây chuyền tiếp theo, không khó hình dung, khi mà vận tải và năng lượng là hai lĩnh vực thiết thân với đời sống người dân, chi phối mạnh đến giá cả tiêu dùng.

Một khi lòng (lãnh đạo) đã quyết thì ắt túi người dân, doanh nghiệp phải theo. Nhưng chí ít, chúng ta cũng "có quyền" chờ đợi sự minh bạch, sòng phẳng, hợp lý đối với các khoản tiền đã bỏ ra?

"Cõng nợ" cùng EVN thì phải chăng "khách hàng" cũng nên được "nhà đèn" minh bạch, cụ thể chuyện lỗ lãi, giá cả. Tuy nhiên, "Số liệu này mang tính bí mật kinh doanh của doanh nghiệp, nên không thể công bố", vị lãnh đạo Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực đã trả lời gọn như vậy khi được hỏi về cơ cấu cũng như giá thành mỗi nguồn điện của EVN.

Còn đóng phí đường bộ, người dân sẽ đổi lại những con đường đẹp đẽ, an toàn để xe lăn bánh? Hay lại vẫn tiếp tục nhận "điệp khúc" hố tử thần, đường cao tốc xuống cấp... siêu tốc?

Cứ theo kinh nghiệm quá khứ thì không thấy có gì đảm bảo tiền trao, sẽ "múc" lại chất lượng tương xứng. Chẳng hạn, viện phí đã tăng 4, 5 tháng, mà chất lượng bệnh viện thì "nguyễn y vân", đến mức bộ trưởng y tế mỗi lần vào bệnh viện đều... thấy buồn.

Dẫu sao, vẫn cứ nên lạc quan, tin tưởng. Vì NASA đã khẳng định: Hãy yên tâm vui sống, sẽ không có tận thế vào năm 2012. Chúng ta cũng hãy yên tâm vui sống mà... tiếp tục đóng phí.