24 thg 10, 2012

Hãy luôn nhanh tay...

HÃY LUÔN NHANH TAY BẢO VỆ BÀ MẸ VÀ TRẺ EM MỌI NƠI MỌI LÚC

Trong xã hội hiện đại, ở VN cũng như rất nhiều nơi trên TG vẫn còn tệ nạn bạo ngược phụ nữ và trẻ em, bóc lột sức lao động quá mức của phụ nữ và trẻ em, đã đến lúc chúng ta cần dóng lên hồi chuông cảnh báo về sự nguy hại của tệ nan đó và đồng thời hãy nhanh ra tay cứu giúp những hoàn cảnh éo le của những bà mẹ và đứa trẻ đang vạ vật đâu đó, không nơi nương tựa. XIn trân trọng giời thiệu bài viết sau của tg Đoàn Bảo Châu (UNICEF Việt Nam\2006\Đoàn Bảo Châu) Các vấn đề về bảo vệ trẻ em ngày càng được quan tâm tại Việt Nam. Theo báo cáo, có hơn 2,6 triệu trẻ em ở Việt Nam cần được bảo vệ đặc biệt. Trong số đó có trẻ em bị lạm dụng, bị bóc lột và buôn bán vì mục đích tình dục; trẻ em lang thang cơ nhỡ; trẻ em tật nguyền; trẻ em vi phạm pháp luật; trẻ mồ côi; trẻ em bị ruồng bỏ; trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; và trẻ em sống trong cảnh nghèo đói. Hoàn cảnh của các em đều hết sức nghiệt ngã. Chỉ có một số ít trẻ em Việt Nam được nuôi dưỡng và chăm sóc ở các cơ sở của nhà nước, còn rất nhiều em khác phải tự bươn trải để kiếm sống. Một số em bị bắt lao động, còn một số khác sống lang thang trên các đường phố - chính tình cảnh đó khiến cho các em có nguy cơ cao bị nhiễm HIV, sử dụng ma túy và bị lôi cuốn vào các hành vi phạm tội và mại dâm. Có nhiều lý do phức tạp khiến các em lâm vào những tình cảnh éo le như vây. Các yếu tố kinh tế như nghèo đói, chênh lệch về thu nhập và sự chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường cũng làm cho các em trở nên dễ bị tổn thương hơn. Các trào lưu xã hội như di cư, các giá trị gia đình đang bị băng hoại và tình trạng phân biệt đối xử về giới cũng ảnh hưởng xấu tới trẻ em. Các vấn đề bất cập mang tính hệ thống như thiếu một khung pháp lý toàn diện, việc thực thi pháp luật còn yếu và nhận thức về vấn đề bảo vệ trẻ em còn hạn chế cũng đe dọa ảnh hưởng tới trẻ em. Số trường hợp nhiễm HIV đang gia tăng cũng khiến cho trẻ em phải đối mặt với nguy cơ cao hơn. Một thực tế làm cho vấn đề trở nên trầm trọng hơn, đó là Việt Nam chưa có hệ thống bảo vệ trẻ em một cách toàn diện cũng như chưa có các dịch vụ bảo vệ trẻ em. Vấn đề này gây cản trở những nỗ lực tiếp cận và chăm sóc cho những trẻ em cần được bảo vệ đặc biệt. Chính phủ Việt Nam đang bắt đầu giải quyết những vấn đề này. Với sự hỗ trợ trực tiếp của UNICEF, Chính phủ đang xây dựng Chiến lược Quốc gia về Bảo vệ trẻ em nhằm thiết lập một bộ máy và hệ thống bảo vệ cho trẻ em trong giai đoạn 2006 - 2015. HỖ TRỢ CỦA UNICEF UNICEF hỗ trợ những nỗ lực của Chính phủ nhằm tăng cường bộ máy và chiến lược tổng thể về bảo vệ trẻ em và thiết lập một hệ thống công lý thân thiện với trẻ em. Sau đây là những biện pháp chiến lược và hoạt động chính của UNICEF về bảo vệ trẻ em: Tuyên truyền, vận động và xây dựng chính sách: UNICEF chia sẻ kiến thức chuyên môn, công cụ và những kinh nghiệm, tập quán hay cũng như hỗ trợ công tác nghiên cứu và theo dõi để giúp Chính phủ xây dựng mới và rà soát lại các bộ luật, chính sách và chiến lược về bảo vệ trẻ em. UNICEF cũng đã giúp Chính phủ khuyến khích xã hội dân sự và khu vực tư nhân tham gia cung cấp các dịch vụ bảo vệ trẻ em. Xây dựng năng lực: UNICEF hỗ trợ thiết kế và xây dựng công tác xã hội, bộ máy bảo vệ trẻ em cũng như các quy trình, thủ tục và tiêu chuẩn chuyên môn trong lĩnh vực này. UNICEF cũng cho rằng việc đào tạo về công tác xã hội, bảo vệ và chăm sóc về mặt tâm lý-xã hội cho trẻ em là một chiến lược quan trọng nhằm tăng cường việc công tác bảo vệ trẻ em nói chung. Trên tinh thần đó, UNICEF hỗ trợ xây dựng chương trình và giáo trình đào tạo, và tiến hành đào tạo các giảng viên dạy về công tác xã hội ở các trường đại học và cao đẳng. Ngoài ra, UNICEF hỗ trợ xây dựng và thực hiện các chương trình đào tạo ngắn hạn cho cán bộ ở các cơ quan chủ chốt của Chính phủ. Xây dựng mô hình và tăng cường nguồn lực phục vụ bảo vệ trẻ em: UNICEF hỗ trợ cả về kỹ thuật và tài chính cho việc xây dựng và thực hiện các mô hình bảo vệ trẻ em ở cấp cộng đồng. Sau này có thể nhân rộng và sử dụng những mô hình này làm cơ sở để xây dựng chính sách và luật pháp trong tương lai. Nâng cao nhận thức và tham gia: UNICEF góp phần nâng cao nhận thức về vấn đề bảo vệ trẻ em, thay đổi ý thức, thái độ đối với trẻ em dễ bị tổn thương và tạo ra sự thay đổi hành vi trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo chính trị và xã hội; giới báo chí; các cộng đồng; và các gia đình. UNICEF còn nâng cao vị thế của trẻ em bằng cách khuyến khích chính các em tham gia vào các hoạt động bảo vệ trẻ em. Ngoài ra, UNICEF đã góp phần huy động và tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự và khu vực tư nhân trong sự nghiệp bảo vệ trẻ em. CÁC MỐI QUAN HỆ ĐỐI TÁC Trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em, UNICEF phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chính phủ (như Bộ Lao động, Thương binh và xã hội; Bộ Tư pháp; và Bộ Công an), các NGO, các cơ quan LHQ, các tổ chức cơ sở như Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, các tổ chức tôn giáo, các trường đại học, các hiệp hội ngành nghề, các gia đình, giới báo chí và, quan trọng nhất là trẻ em và thanh niên.

Ăn chay

Trong thời đại văn minh hiện đại, ăn chay đã trở nên khá phổ biến và là nhu cầu tất yếu của hàng triệu triệu người khi họ đã nhận thức ra rằng: ăn chay không những có lợi cho sức khỏe: giảm nguy cơ bệnh tật, tăng sức đề kháng cho cơ thể và theo đó làm tăng tuổi thọ; Tuy nhiện ai cũng hiều ăn chay có nghĩa là dùng thức ăn phi động vật, đó là điều hoàn toàn đúng, tuy nhiên yếu tố quan trọng hàng đầu là phải biết chế biến suất ăn chay sao cho đảm bảo đủ năng lượng cần thiết và phù hợp với khẩu vị mọi người, HT (đã ăn chay "nghiệp zư" hơn 10 năm nay) đồng thơi ăn chay còn mang lại cho ta vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái. Xin giới thiệu với các vị bài viết sau của Tâm Diệu: ĂN CHAY BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG SINH THÁI - Tâm Diệu (02/18/2011) (Xem: 13706)

ĂN CHAY BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG SINH THÁI

Thành phố San Francisco ở California đã trở thành thành phố thứ nhì trên thế giới và đầu tiên của Mỹ có một ngày chính thức trong tuần không ăn thịt. Thành phố Ghent của Bỉ là thành phố đầu tiên trên thế giới đã làm việc này. Phong trào không ăn thịt, ít nhất là một ngày trong tuần hiện đang có khuynh hướng gia tăng tại Hoa Kỳ và các nơi trên thế giới nhằm ủng hộ lối sống lành mạnh, ý thức về môi trường sinh thái, đồng thời kêu gọi sự thức tỉnh của con người về mối liên hệ giữa thói quen ăn uống, sức khỏe và sự biến đổi khí hậu toàn cầu. Nhiệt độ ấm dần lên của địa cầu, thời tiết biến động nhiều khiến mưa lũ cùng bão lớn, lốc xoáy nhiều hơn và ngày càng khủng khiếp như bão Kathina 2005 ở Hoa Kỳ, bão Nargis 2008 ở Miến Điện, mới đây những trận bão liên tiếp ở vịnh Mexico: Gustav, Hanna, Ike. Nhiều người lo ngại và tìm biện pháp đối phó. Các khoa học gia tìm hiểu nguyên nhân, xác nhận ăn thịt có tác động lớn đến môi trường sinh thái và ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe con người. Vào năm 2006, báo cáo của LHQ kết luận việc sản xuất và tiêu thụ thịt góp phần làm biến đổi khí hậu qua quá trình tạo chất khí gây hiệu ứng nhà kính của nền công nghệ chăn nuôi súc vật. Cơ quan Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) xác nhận việc chăn nuôi và giết thịt bò cùng các loại động vật khác chiếm 18% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính qua việc thải phân, xì hơi (trung tiện) và ợ hơi của chúng. Các chất khí gây hiệu ứng nhà kính như methane, cacbon đai ốc xai và nitrous oxide, có liên quan đến tình trạng trái đất nóng dần lên làm biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu gây bão tố thường xuyên, ảnh hưởng đến môi trường sống con người. Theo Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 26-2-2007, mực nước biển dâng cao do hiện tượng trái đất nóng dần lên gây ảnh hưởng mạnh nhất ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng. Nước biển tăng lên 5m, Việt Nam có thể mất đi 16% diện tích đất với hơn 35% dân số và khoảng 35% tổng giá trị GDP bị ảnh hưởng. Mực nước tăng 1m có khoảng 10,8% tổng dân số Việt Nam phải chịu ảnh hưởng tổn thất nặng nề. Vì thế ăn chay có thể góp phần vào việc giảm bão tố, lụt lội. Theo báo cáo của FAO, ngành chăn nuôi súc vật đã chiếm hơn 30% diện tích đất trên địa cầu để sản xuất thịt và ngày càng có khuynh hướng gia tăng. Số nông trại nuôi súc vật để làm thức ăn cho con người ngày nay đã gia tăng hơn bốn lần so với năm 1945. Để yểm trợ, con người phải phá hủy cây rừng thiên nhiên, lá phổi thở quý báu của nhân loại. Người ta tính cứ mỗi mẫu rừng phá hủy để làm nhà, làm chợ, làm bãi đậu xe và làm đường thì có đến bảy mẫu rừng bị phá hủy để nuôi súc vật và trồng ngũ cốc cho chúng ăn. Hiện nay ở Hoa Kỳ, phân nửa diện tích đất nông nghiệp được dùng để sản xuất thực phẩm cho ngành chăn nuôi súc vật, 90% tổng sản lượng lúa mì thu hoạch được dùng cho ngành này. Thống kê cho biết, cứ 16 pounds lúa mì cho súc vật ăn mang lại 1 pound thịt và theo Aaron Altshul viết trong tác phẩm Protein: Their Chemistry and Politics (Protein: Hóa học và Chính trị): " Chúng ta sử dụng một mẫu đất (4.046m2) để trồng ngũ cốc cung cấp thực phẩm cho những người không ăn thịt, được sản lượng nhiều hơn gấp 20 lần so với sử dụng đất ấy để sản xuất thịt". Thịt bò nói riêng và súc vật nuôi để làm thức ăn cho con người nói chung đã và đang tổn hại môi trường sinh thái. Các nhà khoa học đã tính "Cứ mỗi quarter (một phần tư) pound thịt bò bạn ăn là 55 square feet rừng cây nhiệt đới vùng Trung Mỹ bị phá hủy, sự phá hủy này cung cấp 500 pounds khí cạc bon đai ốc xai vào bầu khí quyển". Bác sĩ Neal D. Barnard, chủ tịch Ủy ban Y sĩ trách nhiệm Y khoa Hoa Kỳ nhấn mạnh "Bạn ăn thịt là góp phần vào việc phá hủy môi trường sinh sống trên trái đất dầu bạn biết hay không. Điều bạn làm được là không yểm trợ nền kỹ nghệ sản xuất thịt và bơ sữa Hoa Kỳ". Ăn chay góp phần vào việc bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ rừng cây xanh. Báo cáo của Liên Hiệp Quốc cho biết có khoảng từ một tỷ đến hơn ba tỷ người sẽ thiếu nước và hàng triệu người sẽ đối mặt với nạn đói cũng như nhiều thảm họa thiên nhiên. Băng trên đỉnh núi Hy Mã Lạp Sơn đang tan nhanh khiến diện tích vùng băng tuyết có thể thu hẹp từ 500 ngàn cây số vuông xuống còn 100 ngàn cây số vuông trước năm 2030. Trong khi đó ngành công nghệ sản xuất thịt lại sử dụng nước nhiều hơn tất cả các ngành công nghệ khác cộng lại, đồng thời thải ra sông rạch, ao hồ chất cặn bã nhiều nhất làm ô nhiễm, ảnh hưởng các nguồn nước thiên nhiên tinh khiết ngày càng cạn dần. Chỉ lò sát sanh lớn tại Nebreska Hoa Kỳ, chuyên sản xuất thịt gà, sử dụng 100 triệu gallon nước mỗi ngày tương đương lượng nước cung cấp cho thành phố có 25.000 dân cư. Trong quyển Population, Resources and Environment (Dân số, Tài nguyên và Môi sinh), tác giả Paul và Anne Ehrlich đã so sánh: Nếu chúng ta muốn thu hoạch 1 pound lúa mì, chỉ cần 60 pound nước nhưng nếu chúng ta muốn sản xuất 1 pound thịt bò, phải tiêu thụ từ 2.500 đến 6.000 pound nước. Ngoài ra, không khí chúng ta thở bị ô nhiễm do khí methane thoát ra từ công nghệ sản xuất thịt. Robins Baskin, tác giả Diet for a New America đã viết rằng mỗi 1,3 triệu súc vật sản xuất khoảng 100 triệu tấn khí methane hàng năm, khí này là một trong ba loại khí do tác dụng nhà kính gây ra ảnh hưởng đến độ ấm nóng trái đất. Do vậy, chúng ta ăn chay sẽ tránh được lượng nước lớn ô nhiễm môi sinh và giảm thiểu khối lượng khí methane thải vào không khí. Tóm lại, nguyên nhân đưa đến tình trạng biến đổi khí hậu khiến bão tố, lụt lội nhiều hơn, nguồn nước sạch cùng không khí bị ô nhiễm do chính con người gây ra, là mối đe dọa chung liên quan đến môi trường sống hiện nay. Đối với hàng triệu người nghèo đói trên thế giới thì vấn đề biến đổi khí hậu, ảnh hưởng xấu không còn là vấn đề tương lai, đã và đang hủy hoại ước mơ, nỗ lực thoát khỏi cảnh nghèo đói. Thế hệ con cháu chúng ta có nguy cơ bị ảnh hưởng. Tương lai không phải định mệnh mà tùy thuộc nơi chính chúng ta. Chúng ta có thể thay đổi tình thế và chiến thắng cuộc chiến chống hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu, chống không khí và nước uống bị ô nhiễm, chiến thắng đó đạt được khi toàn thể chúng ta cùng hiệp lực, trong đó có việc tiết giảm nhu cầu ăn thịt, ít nhất là một ngày trong tuần như nhân dân hai thành phố San Francisco ở Hoa Kỳ và Ghent ở Bỉ Quốc đã làm. Dù là Phật tử hay không, dù giàu sang hay nghèo khó, chúng ta cũng có thể góp phần vào việc này bằng tình thương yêu của mình đối với môi trường xung quanh qua những hành động mang tính không sát hại chúng sinh, tôn trọng sự sống của muôn loài từ người, vật cho đến cỏ cây, hoa lá. (Tạp chí Đạo Phật Ngày Nay).