8 thg 8, 2013

Ký ức của Nguyến Thành Sự - 9

Ở vùng ga Thượng Lâm Sen Thuỷ, Lệ Thuỷ
           Ngay hôm đầu về trạm xá tôi đã được điều trị tích cực. Anh Hạnh tiêm Quy Nin và B1, C cho tôi ngày nhiều lần. Chủ nhà là hai vợ chồng bác khoảng trên 30 tuổi có 2 đưa con gái nhỏ. Bác chủ nhà nấu cơm cho chúng tôi. Bác chủ nhà cho tôi ăn những món ăn dân dã, nào là mắn đuốc, nào là canh dưa chua lá môn, mít trộn. Bây giờ tôi lại thèm cay, từ bé đến giờ tôi luôn sợ ớt, thế mà bây giờ tôi đã biết ăn ớt. Cứ chiều chiều tôi lại dạo quanh xóm, xóm tôi ở chỉ có mấy nhà. Địa hình ở đây có đồi lúp xúp. Làng xóm ở trên đồi, phía dưới là ruộng, có một con sông nhỏ chảy từ Lệ Thuỷ về đây. Khi mưa to nước lên, có chỗ phải lội quá ngực. Bà con ở đây có trồng mía, thời gian này mía cũng đã vào được bánh tẻ rồi. Thế là có mấy đồng còn sót lại trong túi, bấy lâu chẳng để làm gì, bây giờ mang ra mua mía, mua rau muống để bồi dưỡng. Rau muống ở đây khá đắt. Gần trạm xá khoảng hơn trăm mét, có một bến trung chuyển vũ khí đạn dược. Bất kể ngày đêm liên tục ở đó, hết thuyền nọ đến thuyền kia cập bến, chuyển đạn pháo 130, đạn pháo lựu, và đủ các loại đạn khác. Hàng dỡ lên là có ngay xe ô tô chở đi, những thùng đạn vỡ hỏng đều được để lại. Tôi thấy hàng bó liều phóng của đạn 130, hàng bao liều phóng của đạn pháo lựu, rơi ra, lính ta lấy nhóm lửa rất nhạy, nhưng cũng rất nguy hiểm. Tôi ở trạm xá gần một tuần thì một hôm có người nhìn tôi và nói: “có phải anh Sự đấy không”. Tôi định thần nhìn lại; lại câu hỏi tiếp: “anh có nhận ra em không?; Em Kháng đây mà”. Tôi la lên:“A Kháng, nhìn mãi mới nhận ra em”. Đấy là Kháng con bác Cơ, bạn học với em tôi ở Lương Sơn, và là em con cô của Chu Hoàng Anh lớp tôi. Sau khi chào nhau. Kháng rơm rớm nước mắt : “Anh Sự ơi, chị em và các cháu vừa bị bom ở Vĩnh Phú rồi”. Tôi giật mình hỏi: “em biết lúc nào”; Kháng nói: “em mới được tin đây thôi”. Tôi cứ đinh ninh tin này là đúng như vậy (Không ngờ sau này, tôi gặp lại em Chu Hoàng Anh (con cô cậu với Kháng) ở Hà Nội năm 2002, nói lại: “Thằng Kháng nó được báo nhầm, chị và các cháu nó không việc gì cả”. Thế mà sau bao nhiêu năm không gặp Kháng tôi cứ đinh ninh mãi chị và cháu Kháng đã mất (Kháng chỉ có 2 chị em). Sau một hồi đau buồn anh em tôi lại hỏi tình hình. Kháng đang ở C 969, và cả Phán nữa, Phán  cũng học cùng với em tôi ở Lương Son. Kháng nói đã lên đây mấy lần rồi cũng để chữa bệnh. Chúng tôi nói chuyện đến hết chiều, trong khi cơn sốt trong người tôi bắt đầu lên, ơn ớn, ren rét, mền mệt. Sau cùng Kháng nói, chỗ em đóng quân cách đây khoảng cây số, chủ nhật này bọn em làm bún, mời anh sang chơi.