3 thg 4, 2013

Ừ nhỉ, đi Mỹ làm quái gì cơ chứ.

Nguyễn Đại Hoàng dịch Thứ ba ngày 2 tháng 4 năm 2013 5:30 AM

      TNc: Xin gửi đến bài viết thú vị về nước Mỹ qua giọng văn châm biếm của một người Trung Quốc. Bản tiếng Việt do anh Nguyễn Đại Hoàng chuyển ngữ kèm lời giới thiệu.
       Dẫn : Xuất hiện lần đầu tiên trên mạng xã hội Sina Weibo, bài viết này đã nhận được hàng chục ngàn chia sẻ và bình luận. Nội dung tưởng như châm chích cười cợt mỉa mai nước Mỹ như một quốc gia ngu ngốc, sơ khai và ngây ngô, nhưng thực ra lại là lời phê phán sắc sảo sâu cay thú vị về chính Trung Quốc ! Tờ Tea Leaf Nation đã trích dịch , biên tập lại những phần đinh nhất của bài viết nói trên. Chúng tôi xin giới thiệu sau đây bản chuyển ngữ của Nguyễn Đại Hoàng.

            Tôi có thời gian qua Mỹ khá lâu. Và nói thật đến giờ này tôi vẫn còn thấy hối hận vì sự lựa chọn đó! Truyền thông phương Tây đã khiến chúng ta mê muội rằng Hoa Kỳ là một xứ sở hiện đại ! Tôi đã từng ôm giấc mộng được học tập ở đó, đã tìm mọi cách tới được cái xứ sở siêu cường đó.
            Nhưng than ôi những gì tôi chứng kiến là rất đáng thất vọng !
1. Công nghiệp
            Nước Mỹ thật ra chỉ là một làng quê khổng lồ chậm phát triển !
Hồi trung học, chúng ta đã được dạy rằng, công nghiệp càng phát triển bao nhiêu thì môi trường càng bị xâm hại bấy nhiêu.
            Chúng ta biết rằng một thành phố công nghiệp tất phải có nhiều ống khói,nhiều nhà máy và khói bụi khắp nơi. Đó là biểu tượng của sự công nghiệp hóa ! Thế mà ở tại xứ Cờ Hoa này, tịnh không có một cái ống khói nào ! Họa hoằn lắm mới thấy một vài cái nhỏ tí ti để trang trí nhà cửa thôi !
            Và ở Mỹ bạn cũng chỉ thấy toàn sông hồ trong sạch thôi. Chả tìm đâu ra những nhà máy giấy, nhà máy luyện thép bên bờ sông ! Không khí trong lành thanh khiết này là dấu hiệu của một xã hội sơ khai chứ gì nữa ! Chả có dấu vết gì của công nghiệp hóa cả !
2. Kinh tế
            Người Mỹ hầu như không biết làm kinh tế ! Bạn biết đấy, nước họ có cơ man nào là xa lộ tỏa đi mọi hướng, vươn đến mọi làng mạc xa xôi, thế mà tịnh không thấy một trạm thu phí nào ! Thế là mất toi cả núi vàng!
            Ước gì tôi có thể xây dựng vài cái trạm thu phí nhỉ ! Chắc chắn non tháng đã gom đủ tiền mua được cả tòa lâu đài trông ra Đại Tây Dương ấy chứ !
            Hai bên xa lộ còn những cụm hồ hoang sơ tĩnh lặng. Thế mà chính quyền cứ để mặc cho lũ chim trời cá nước thỏa sức vẫy vùng, không nghĩ đến việc xây dựng vườn cảnh để thu lợi.     Người Mỹ rõ ràng là không có đầu óc kinh tế tí tẹo nào !
3. Xây dựng
            Trình độ xây dựng của người Mỹ còn sơ khai lắm.Ngoài một số ít tòa nhà chọc trời tại các thành phố lớn, tôi dám chắc bạn rất ít gặp những công trình bê tông ở nước Mỹ. Nhà của người Mỹ thường làm bằng gỗ và vài thứ vật liệu khác.
            Thử nghĩ mà xem, đến giờ này mà gỗ vẫn còn được dùng để xây dựng nhà cửa, thì có thể nói là trình độ kiến trúc của ngoại bang này còn thua xa trình độ của triều đại nhà Thanh xưa kia ấy chứ !
4. Văn hóa
            Người Mỹ có cách suy nghĩ thật là lạc hậu và khờ khạo.
            Hồi mới tới Mỹ, tôi thuê một xe chở hành lý giá 3 đô la. Nhưng tôi lại không có tiền lẻ. Một người Mỹ liền trả dùm tôi 3 đô la đó, và thấy tôi lỉnh kỉnh đồ đạc nên còn giúp mang lên xe nữa ! Người Mỹ cũng luôn sẵn sàng mở cửa giúp tôi và hỏi tôi có cần giúp đỡ gì không ? Thế đấy !
            Ở nước ta, mấy chuyện này chỉ có vào thời Lôi Phong tức là vào những năm 50, 60 của thế kỷ trước thôi – còn bây giờ lối cư xử đó quá ư lạc hậu. ( Lôi Phong là một thanh niên mà thời Mao thường nhắc tới như một tấm gương về đạo đức).
            Hồi đó người ta chuộng lối sống “ đạo đức giả ”nhưng bây giờ chúng ta không như vậy nữa. Bây giờ chúng ta nên sống thực dụng trần trụi, đó mới là hiện đại chứ ! Tư duy của người Mỹ lạc hậu hơn chúng ta hàng mấy thập kỷ, và không có dấu hiệu nào cho thấy họ có thể bắt kịp chúng ta cả !
5. Ẩm thực
            Người Mỹ làm như không biết thưởng thức thịt thú rừng.
            Một đêm nọ, tôi cùng các bạn cùng lớp lái xe đi đến một thành phố khác, thình lình có mấy con nai nhảy xổ ra. Anh bạn tôi lập tức thắng lại và bẻ sang hướng khác để tránh. Ai cũng biết tai nạn loại này có thể làm hỏng cả chiếc xe. Thế mà chính quyền đành bó tay không biết phải xử lý tụi thú hoang này như thế nào cơ đấy !
            Người Mỹ làm như cũng không biết ăn thịt thú rừng, thậm chí không có nhà hàng nào bán thịt thú rừng, họ chả thiết đến loại thịt thú rừng thơm ngon bổ như hươu nai, và cũng chả thiết lấy sừng bọn thú này để kiếm bộn tiền ! Người Mỹ vẫn sống cùng những con thú hoang dã đó, thậm chí còn đưa ra những biện pháp để bảo vệ chúng. Quả thật đó là một xã hội còn quá sơ khai !
6. Phong cách
            Người Mỹ làm như không biết tự trọng !
            Các giáo sư Mỹ không quan tâm nhiều đến bề ngoài , họ không hề có cái gọi là phong thái bác học. Giáo sư D chẳng hạn, là một giáo sư tâm lý học cực kỳ nổi tiếng thế mà giờ nghỉ ông ấy cũng thường ăn bánh bích quy với sinh viên trong văn phòng của mình, và bàn tán xôm tụ với họ về bộ phim 21, hay về minh tinh Trung Quốc Chương Tử Di ! Ông cũng không có phong cách uy nghi của một nhà bác học, và điều đó làm tôi thất vọng ghê gớm !
            Các nghiên cứu sinh sau tiến sĩ cũng không bao giờ ghi hai chữ PhD. lên danh thiếp của mình. Họ thậm chí cũng không biết cách thể hiện vị thế của mình. Thành ra những người học những ông thầy như vậy nếu trở thành những quan chức thì làm sao biết cách đi đứng nói năng cho đúng bộ lệ đây !
            Còn ở Trung Quốc, giờ đây các công chức dường như rất biết cách để thu hút sự kính trọng của dân chúng, thậm chí đến cả vị giám đốc của một cơ quan tầm tầm ở Trung Quốc có khi còn uy thế hơn cả Tổng Thống Mỹ cơ đấy ! Một công dân hạng ba của Trung Quốc có khi còn xa một công dân hạng nhất của Mỹ là vậy !
7. Học đường
            Học sinh tiểu học Mỹ chả có lý tưởng cao xa gì sất.
Chúng không hề có ý định đi học để trở thành ông này bà nọ trong chính quyền! Không hề có học đường nào dành cho chủ tịch, bí thư, ủy viên tương lai, như tôi đã từng thấy hồi còn nhỏ ở quê nhà. Các em không có bài tập về nhà. Bài tập về nhà kiểu như các học sinh như các học sinh Trung Quốc là khá xa lạ ở Mỹ.
            Trường học ở Mỹ chú trọng đến đạo đức, trước hết để giúp cho các đứa trẻ trở nên những công dân có đủ tư cách , sau đó mới tính đến chuyện lý tưởng lâu dài. Trở thành công dân có đủ tư cách ư ? Một quan niệm nghe mới cổ hủ làm sao !
8. Y tế
            Người Mỹ làm lớn chuyện một cách kỳ cục khi có bệnh.
            Đầu tiên họ đi bác sĩ khám bệnh, rồi bác sĩ kê toa. Rồi cầm toa đó đi mua thuốc, mua xong còn phải nghe dược sĩ hướng dẫn sử dụng …ôi chao mọi việc chẳng thể nhanh gọn như ở Trung Quốc …Tôi chả hiểu tại sao ở Mỹ lại phân biệt việc khám bệnh với việc bán thuốc … mà lẽ ra nên tách rời lợi nhuận với trách nhiệm !
            Rõ ràng là các bệnh viện ở Hoa Kỳ không biết kiếm tiền mà ! Sao lại phải nói tên thuốc cho bệnh nhân biết chứ ? … chỉ có như vậy họ mới độc quyền bán thuốc với giá cao gấp cả chục lần cơ mà ! Có quá nhiều cơ hội làm ăn béo bở thế mà họ không biết khai thác , rõ ràng kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa ở Mỹ chết rồi !
9.Báo chí
            Ý kiến của công chúng Mỹ thật chả ra làm sao !
            Đôi khi tôi hoàn toàn mất kiên nhẫn với sự ngu dốt và khờ khạo của người Mỹ . Chẳng hạn khi họ biết Trung Quốc có đài truyền hình và báo chí, họ đã hỏi tôi một câu ngu dốt như thế này : Hóa ra Trung Quốc cũng có báo chí à ? Nghe mà bực !
            Chúng ta có những tờ báo tiếng Trung được Bộ Truyền Thông cho phép ấn hành sau khi đã rà soát một cách cẩn mật đấy chứ . Báo của chúng ta toàn là những bài ca tụng lên mây cả, có đâu như báo Mỹ, công chúng đóng góp phê bình loạn cả lên, thậm chí còn dám “ chưởi ” cả tổng thống nữa cơ đấy!
            Báo chí chúng ta đâu có chuyện công khai mấy vụ bê bối của quan chức, bởi nếu cứ tung hê lên thì sau này ai mà muốn làm lãnh đạo nữa chứ !
10. Tâm linh
            Người Mỹ có đời sống tinh thần hết sức vô vị nhạt nhẽo.
            Tôi chả hiểu tại sao trước mỗi bữa ăn họ lại lẩm bẩm mấy câu thánh nghe hết sức khờ khạo : Cầu Chúa phù hộ nước Mỹ.
            Thật là buồn cười quá đi : Nếu Chúa phù hộ nước Mỹ thì làm sao lại để nước Mỹ lạc hậu, sơ khai, đơn giản đến thế này ? Cầu Chúa có ich lợi gì chứ ? Thực tế nhất là bạn nên dành thời gian đó để đi lễ thủ trưởng !
            Đó mới đúng là hiện đại chứ lỵ !
11. Lối sống
            Người Mỹ chả có khái niệm về thời gian .
        Bất luận chuyện lớn chuyện nhỏ, người Mỹ đều ngoan ngoản đứng vào hàng chờ đợi …                 Còn người Trung Quốc chúng ta – như bạn biết đấy – khôn hơn nhiều !
            Bất kể đám đông như thế nào, chúng ta vẫn có kỹ năng chen lấn, điều này giúp tiết kiệm thời gian, và tránh được sự mệt mõi khi đứng chờ ! Nếu ai đó biết đi cổng sau thì kết quả tiết kiệm thời gian còn tuyệt hơn nữa.
            Thế mà những người Mỹ lẩm cẩm lại không biết đến những điều hay ho đó cơ chứ !
12. Mua bán
            Những cửa hàng ở Mỹ có một phong cách buôn bán hết sức vô lý : bạn có thể trả lại hàng vài tuần sau khi mua về mà thậm chí cũng không cần nêu lý do. Ở ta thì làm gì có chuyện cho đổi hàng mà không hò hét quát tháo nhau ra trò chứ !
13. An toàn
            Nước Mỹ không an toàn ! Tôi nói điều này bởi có tới 95 % nhà dân không cần tới lưới chống trộm, và điều kỳ lạ này nữa là: chả biết mấy tên trộm đi đâu hết rồi nhỉ ?
14. Giao thông
            Người Mỹ sao mà nhút nhát và yếu đuối quá vậy không biết !
            Tôi nói điều này cũng bởi có tới 95 % tài xế không dám vượt đèn đỏ !’
            Và mặc dầu 99 % dân Mỹ có xe hơi, vậy mà cách lái xe của họ thật lạ : bao nhiêu là xe cộ lưu thông nhưng không mấy khi nghe tiếng còi xe, phố xá vì thế vắng lặng đến nỗi cứ ngỡ không phải là phố xá nữa, làm sao mà bì được phố xá ồn ào náo nhiệt ở Trung Quốc cơ chứ !
15. Tình cảm
            Người Mỹ rất là thiếu cảm xúc .
            Có tới 95 % nhân viên không nghĩ tới việc phải làm gì cho tiệc cưới của sếp, họ chẳng bao giờ phải vắt óc tìm ra lý do để chăm sóc sếp của mình. Ở Trung Quốc liệu có ai điên đến mức bỏ qua cơ hội chăm sóc sếp của mình không? Nói cách khác, có ai dám làm điều đó không ? Hãy xem, người Trung Quốc chúng ta có biết bao nhiêu là tình thương mến thương với lãnh đạo !
16. Nhạy bén
            Người Mỹ không nhạy bén chút nào !
99% người Mỹ đi học, đi làm , thăng quan tiến chức, mà không hề biết sự cần thiết của “ phong bì ” để có thể mở ra một cánh cửa ..sau !

Nguyễn Đại Hoàng chuyển ngữ
3/2013

Nhu nhú thì đã, tưng bừng thì chưa!

Bùi Hoàng Tám Thứ hai ngày 1 tháng 4 năm 2013 7:29 P
    Vào những năm 1995 – 1996, phong trào cầu lông ở Thái Bình phát triển rất sâu rộng. Người người cầu lông, nhà nhà cầu lông, xã xã cầu lông, huyện huyện cầu lông… Cả tỉnh tưng bừng sôi sục trong không khí cầu lông. Từ sáng đến chiều, từ làng xã đến huyện thị, đi đến bất cứ nơi nào trong tỉnh cũng thấy lông cầu bay phấp phới.

     Phong trào cầu lông “to lớn và rộng khắp” đến mọi tầng lớp nhân dân. Từ mấy bác cán bộ ủy ban tham ô, tham nhũng, bán đất bán cát đến các sở, ban ngành huyện tỉnh bỏ bê công sở. Từ các cháu nhi đồng, thanh niên đến các cụ phụ lão.
    Cùng với phong trào cầu lông, nền văn học phục vụ cầu lông cũng nhanh chóng ra đời với nhiệm vụ “chính trị” là phản ánh hiện thực đời sống của nhân dân.
    Để tặng các cháu nhi đồng, các “thi nhân” Thái Bình viết:
“Hoan hô các cháu nhi đồng
 Cầu vồng cũng giỏi, cầu lông cũng tài- (Cuộc thi 7 sắc cầu vồng trên VTV ngày đó).
    Để tặng các nam thanh, nữ tú, các nhà thơ viết:
“Chị em mực váy đánh cầu
Lông bay phấp phới trên đầu các anh”.
    Các cụ ông cụ bà cũng không kém. Họ tặng nhau:
 “Lơ lửng lưng trời trắng tựa bông
Quả cầu lơ lửng giữa từng không
Bà nâng ông đập nghe uỳnh uỵch
Đánh nốt keo này kẻo rạng đông”.
(Các cụ thường đi đánh cầu sớm, nên rạng đông là về. Trước khi về, các cụ thường bảo nhau: Đánh nốt keo này thôi nhé).
    Phong trào cầu lông lớn mạnh đến mức tại các báo cáo của phường, xã cũng nhắc đến bằng thơ như một ưu khuyết điểm cần khắc phục:
“Phường ta có phong trào cầu
lông phát triển mạnh đồng đều thì chưa”.
    Phong trào ngày một lớn mạnh đến mức Đài truyền hình Thái Bình tổ chức hẳn một giải mang tên “Bông lúa vàng”. Trong đó, ngoài nội dung thi nam, nữ, đôi – đơn còn có cả giải Gia đình cầu lông xuất sắc.
    Giải Bông lúa vàng năm đó, huyện Vũ Thư đoạt giải nhất, huyện Thái Thụy đoạt giải nhì, đội huyện Hưng Hà đoạt giải ba.
     Ngay sau khi giải kết thúc, các “thi nhân” quê lúa đã có bài thơ tổng kết như sau:
"Tỉnh ta có phong trào cầu
Lông phát triển mạnh, đồng đều thì chưa
Phần dày nằm ở Vũ Thư
Mong mỏng Thái Thuỵ, lưa thưa Hưng Hà
Rối rít là thị xã nhà
Xoắn xa xoắn xuýt ấy là Kiến Xương
Tiền Hải, Quỳnh Phụ, Đông Hưng
Nhu nhú thì đã, tưng bừng thì chưa".
-------
     Các bạn thấy chưa, phong trào cầu lông quê tôi rất ghê và phong trào “sản xuất” thi ca thì quê tôi có lẽ cũng không kém.
     Chỉ có điều, vì cái phong trào cầu lông, thơ phú này mà công việc bê trễ, tham ô, tham nhũng nổi lên khắp nơi. Có lễ đó cũng là nguyên nhân cuộc nổi dậy của nhân dân Thái Bình những năm 1996 – 1997.

   1/4/2013

Ba mươi năm "Chỉ thị Z30"- không có địa chỉ chịu trách nhiệm

Đăng bởi Hai Hoang Van vào Thứ tư, ngày 03 tháng tư năm 2013
30 năm trước, tháng 6 năm 1983, một vụ sai phạm nghiêm trọng mang tên “chỉ thị Z30” gây nhiều chuyện bi thảm cho một số gia đình có nhà cao tầng ở Hà Nội, đe dọa lan rộng sang các tỉnh thành khác, đã được chặn đứng.

Z30 là một “chỉ thị” vô cùng bí hiểm. Bí hiểm từ hình thức ban hành đến nội dung chỉ thị: truyền miệng chứ không có văn bản nên không rõ nội dung chính xác đến đâu. Bí hiểm từ nguồn “phát hành” (không biết tác giả thực cự của chỉ thị Z30 là cơ quan nào) đến “người” chỉ đạo, đôn đốc, điều hành thực hiện. Cuối cùng, sai phạm nghiêm trọng do cái chỉ thị bí hiểm này gây ra, tuy rất may là đã được chặn lại, nhưng “trách nhiệm” thuộc về ai, tổ chức nào, thì không có “địa chỉ”!

Sau 30 năm, bây giờ thử cùng điểm lại một số diễn biến của vụ việc:

Theo ông nguyên chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An (qua lời kể của nhà báo Bùi Hoàng Tám đăng trên báo Pháp luật TP HCM đầu tháng 3/2008), “… một buổi chiều, ông An (lúc ấy đang làm bí thư tỉnh ủy Hà Nam Ninh) nhận được công văn từ Công an thành phố Nam Định gửi sang trình bí thư tỉnh ủy duyệt phương án kiểm tra hành chính và tịch thu tài sản bất minh. Kèm theo công văn là một bản danh sách gồm hơn 200 gia đình nằm trong diện phải ra quyết định tịch thu tài sản. Tiêu chí để lập danh sách là những đối tượng có nhà từ hai tầng trở lên và được xếp thứ tự ABC”. Bùi Hoàng Tám kể tiếp: “Mới nhìn qua bản danh sách, Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Văn An tái mặt”. Ông Nguyễn Văn An tâm sự: “… rất hoang mang không biết xử trí thế nào cho phải. Nếu không ký quyết định triển khai thì biết đâu lại làm trái ý chỉ đạo của trên mà ký thì không có cơ sở pháp luật.”. Sáng sớm hôm sau, ông An lên Hà Nội “ nghe ngóng”, ông kể: “Ông định vào thẳng Văn phòng Trung ương Đảng để hỏi cho ra nhẽ nhưng lại thôi vì nghĩ mình là cán bộ trẻ, mới nhậm chức chưa lâu nên cũng có phần rụt rè, e ngại” (http://bhoangtam.vnweblogs.com/).

Ông Đoàn Duy Thành (nguyên bí thư thành ủy Hải Phòng) nói: “Hồi đó nghe cấp dưới trình bày, lãnh đạo nhiều tỉnh, thành cũng phân vân nhưng là phân vân thế thôi chứ không ông nào dám lên gặp lãnh đạo trung ương hỏi cho ra nhẽ. Thế nên cứ tỉnh này gọi điện thoại dò hỏi tỉnh kia. Ông Thành nhớ là vào tháng 3, tháng 4 gì đó, ông nhận được cuộc điện thoại từ TP.HCM của ông Bảy Dự (Nguyễn Võ Danh) - Phó Bí thư Thành ủy hỏi là “Hải Phòng có làm không?”. Sau đó thì ông Mười Cúc (nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, lúc đó là Bí thư Thành ủy TP.HCM) cũng không cho TP.HCM làm,” (báo đã dẫn, kì 3).

Hôm sau, ông An cùng ông chủ tịch tỉnh đã bí mật ra Hải Phòng tìm hiểu xem ngoài đó thực hiện thế nào. Nguyên bí thư Hải Phòng kể lại (báo đã dẫn, tác giả Phan Lợi và Lê Kiên): “Lúc đó, tôi phân tích rất kỹ rồi nói với anh An rằng: “Tôi biết chú ra đây hỏi chuyện tôi là chú cũng có ý định không thực hiện nên anh em mình phải quyết tâm, cho dù có mất chức bí thư, mất vị trí ủy viên Trung ương thì tôi cũng không thực hiện “Z30”.”. Ông Đoàn Duy Thành còn kể với hai tác giả nói trên rằng: “Trước hội nghị Trung ương, báo Đảng đăng sáu bài phê phán các tỉnh không thực hiện “Z30” thì một bài phê phán Bắc Giang, năm bài còn lại phê Hải Phòng. Ông Thành gặp tổng biên tập nói thẳng là báo có đăng một trăm bài thì cứ đăng nhưng không có chỉ thị thì Hải Phòng vẫn không thực hiện”.

Quyết tâm không thực hiện chỉ thị Z30 của ông bí thư Hải Phòng còn thể hiện qua tâm sự của ông với bà vợ: “Bữa đó về đến nhà đã đúng nửa đêm. Tôi trằn trọc không ngủ được, đem chuyện kể hết với nhà tôi. Nhà tôi nói: “Anh định đương đầu đến bao giờ?”. Tôi trả lời: “Tôi sẽ đương đầu đến khi còn cái đầu này”. Trước đó, ông Thành sau khi động viên ông An cùng ông quyết không thực hiện chỉ thị Z30, còn nói trước cho ông An biết: “Đến tháng 6 họp hội nghị Trung ương, tôi sẽ phát biểu về vấn đề này”. Và ông Đoàn Duy Thành đã làm đúng như ông đã tự hứa.

Với tiêu đề “Độc thoại” ở hội nghị Trung ương, hai nhà báo Phan Lợi và Lê Kiên đã viết trên báo Pháp luật Tp. HCM: “Bữa sáng khai mạc hội nghị Trung ương, Phó Thủ tướng Phạm Hùng điều khiển phiên họp. Bao nhiêu trăn trở, suy tư bấy lâu, nay có điều kiện lên tiếng giãi bày trước các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương, ông Thành đã nói một mạch hai tiếng đồng hồ.

Ông nhớ lại: “Anh Phạm Hùng chỉ định tôi phát biểu đầu tiên. Tôi chỉ dành 15 phút đầu để nói về kế hoạch sáu tháng cuối năm. Sau đó, tôi nói rằng bây giờ tôi phải đề cập ngay đến vấn đề đang sôi nổi và bức xúc của xã hội, đặc biệt là Hải Phòng, là chuyện Z30.

Trong lúc phát biểu, tôi kể tường tận sự việc tôi được chứng kiến tại ba gia đình bị tịch thu ở Hà Nội, họ than khóc thế nào, ai oán ra sao... Sao lại làm thế được? Sao anh không chứng minh được tài sản người ta là bất minh mà vẫn vô cớ tịch thu? Sao anh không giải thích rõ ràng lý do tịch thu đó? Tôi nói thẳng rằng làm như thế là trái đạo lý, làm mất nhân tâm, cản đường xây dựng, phát triển, trái với cả tư tưởng kinh tế của Mác...”

Nói đến đây, ông Thành trầm ngâm, nhấp một ngụm nước rồi tiếp lời: “Tôi phải nói căng như thế vì hội nghị Trung ương là cơ hội duy nhất. Nếu ở hội nghị Trung ương mà không ngăn được thì coi như muộn mất rồi, người dân sẽ phải gánh chịu một trận “bão táp” mới mà hậu quả chắc chắn là hết sức nặng nề. Tôi nói xong, anh Phạm Hùng đứng bật lên, nói: “Sáng tạo, rất sáng tạo, tôi ủng hộ anh Thành.”.

Ông Đoàn Duy Thành kể tiếp: “không khí hội trường im bặt. Tổng Bí thư Lê Duẩn đứng lên, chậm rãi nói: “Còn đồng chí nào phát biểu nữa không? Còn đồng chí nào nói đạo lý hơn đồng chí Thành nữa thì cứ phát biểu”. Sau gợi ý của Tổng Bí thư, ông Quất (Bí thư Bắc Giang), rồi đến một đồng chí ủy viên Trung ương phía Nam đứng lên nói ngắn gọn, bày tỏ sự ủng hộ đối với ý kiến của tôi”. “Khó hiểu nhất là không có ai đứng lên bảo vệ “Z30”, thành ra ý kiến phản đối trở thành “độc thoại” một chiều” - ông Thành trầm ngâm. Rồi ông kể tiếp: “Lúc anh Ba Duẩn nói xong, tôi nghĩ bụng “Thế là ổng đã ủng hộ mình rồi!”. Tôi rỉ tai anh Nguyễn Văn Linh (nguyên Tổng Bí thư, lúc ấy là Bí thư Thành ủy TP.HCM): “Anh phát biểu đi để góp thêm tiếng nói mạnh mẽ, Nam bộ cũng phản đối “Z30” mà. Anh Linh bảo: “Ông nói thế là đủ lắm rồi!”.”

Ông Nguyễn Văn An cũng kể với nhà báo Bùi Hoàng Tám (blog đã dẫn): “Lần ấy, ông Thành đã nói liền 2 tiếng đồng hồ về những sai lầm của Chỉ thị Z30. Ông ấy cho rằng Chỉ thị Z30 là sai lầm, là trái pháp luật và phi đạo lý. Việc vô cớ tịch thu nhà cửa của người dân khi họ không vi phạm pháp luật, không bị pháp luật xử mà chỉ bằng một quyết định của chính quyền là xông vào đuổi người ta ra đường là vô lý... Thấy ông ấy càng phát biểu càng hăng, tôi cũng thoáng lo lo. Nhất là những lúc ông ấy thống thiết nói rằng đã trực tiếp xem tịch thu 3 căn nhà ở Hà Nội. Ông ấy tả thảm thiết lắm. Khi đội công tác đẩy họ lên xe chở đi, họ kêu khóc, họ đội khăn tang. Rồi ông ấy đặt câu hỏi: Chúng ta làm cách mạng để làm gì? Người Cộng sản là phải hy sinh suốt đời vì nhân dân, đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Những việc chúng ta làm như thế này là trái đạo lý, là vi phạm pháp luật. Ông ấy còn kể thời ông ấy làm Bí thư Quận uỷ Ngô Quyền, đã nói với người dân rằng khi kháng chiến thắng lợi, bà con sẽ hết cảnh nghèo khổ, không còn phải chui rúc trong cái nhà tranh, vách đất, dột nát quanh năm mà sẽ ở nhà xây to đẹp, họ đã vỗ tay hoan hô không ngớt mà giờ đây, hơn 30 năm sau khi thắng Pháp, chúng ta không có tiền xây nhà cho dân, nay dân xây, ta lại tịch thu thử hỏi còn đâu là đạo lý”. Nhà báo Bùi Hoàng Tám hỏi Ông Nguyễn Văn An: “ Khi ông Thành nói thế, bác có lo không ?- Lo chứ. Chuyện này hệ trọng lắm, chỉ cần sơ xảy là hỏng cả một sự nghiệp chứ không đùa nên tôi luôn liếc nhìn sang chỗ Tổng bí thư Lê Duẩn và Phó Thủ tướng Phạm Hùng, thấy cả hai ông đều nghe rất chăm chú và có chiều đăm chiêu lắm. Nhất là đến đoạn ông Thành yêu cầu khi nào có ý kiến chính thức của Bộ Chính trị, Ban bí thư và Thủ tướng Chính phủ sẽ thi hành nghiêm túc còn điện thoại nhắc nhở "theo Hà Nội mà làm" để có phong trào thì ông ấy không làm và xin chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, tôi thấy Phó Thủ tướng Phạm Hùng hườm hườm vài cái, cười rồi nói: "Sáng tạo, rất sáng tạo. Tôi ủng hộ ý kiến của anh Thành".”

“Như vậy là câu chuyện về “Z30” đã kết thúc một cách không trống, không kèn. Từ đó về sau này, không ai nhắc lại nữa, không nơi nào thực hiện, cũng không ai nói thêm gì nữa”. Báo Pháp luật Tp.HCM kết luận.

Như vậy là đã 30 năm trời trôi qua, cái gọi là “chỉ thị Z30”, ra đời đầy bí hiểm, sau khi đã gây điêu đứng cho một số gia đình,

đã kết thúc trong âm thầm và bí hiểm. MỘT VỤ SAI PHẠM NGHIÊM TRỌNG ĐÃ KHÔNG CÓ “ĐỊA CHỈ CHỊU TRÁCH NHIỆM”.

Trần Huy Thuận

Alan Phan - Sao quê hương mình già nua đến vậy?


Đăng bởi Hai Hoang Van vào Thứ tư, ngày 03 tháng tư năm 2013

SAO QUÊ HƯƠNG MÌNH GIÀ NUA ĐẾN VẬY?
Thêm chú thích
Các nhà đầu tư thế giới thường nghĩ về Việt Nam như một quốc gia trẻ trung, đang lên và chứa nhiều tiềm năng nhất trong số các thị trường mới nổi. Họ ấn tượng với con số tăng trưởng về dân số, về sự kiện là 58% người VN dưới tuổi 25, và theo nhãn quan của người Âu Mỹ, đây là phân khúc sáng tạo và cầu tiến nhất của bất cứ xã hội nào. Họ tìm đến VN mong những đột phá kỳ diệu và một vận hành năng động kiểu thung lũng Silicon (trung tâm IT của Mỹ ở phía nam San Francisco). Sau vài năm tung tiền mua tiềm năng và cơ hội, họ thường thất vọng và âm thầm bỏ đi. Tại sao?

Những giả thuyết ngây thơ
Họ đã không lầm về những số liệu tạo nên hình ảnh đó. Tuy nhiên, sự phân tích và biện giải về logic của họ vướng phải vài giả thuyết và tiền đề không chính xác. Một người có số tuổi còn trẻ không có nghĩa là sự suy nghĩ và vận hành của người đó cũng phải trẻ trung như số tuổi, nhất là khi họ lớn lên trong một xã hội khép kín, ít tiếp xúc với thế giới.

Tôi còn nhớ một đai gia IT nổi tiếng cũng đã từng kết luân trong một buổi hội thảo về kinh tế là số người sử dụng điện thoại di động ở VN đã tăng trưởng ấn tượng 36% mỗi năm trong 5 năm qua và lên đến 68 triệu người hay khoảng 80% dân số. Kết luận của anh chuyên gia trẻ này là tương lai về công nghệ thông tin của VN phải sáng ngời và sẽ vượt trội các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines…

Đây là những kết luận ngây thơ về thực tại của xã hội. Một người trẻ suốt ngày la cà quán cà phê hay quán nhậu sẽ không đóng góp gì về sáng tạo hay năng động; cũng như vài ba anh chị nông dân với điện thoai cầm tay không thay đổi gì về cuộc diện của nông thôn ngày nay (nông dân vẫn chiếm đến 64% của dân số xứ này).

Tôi thích câu nói (không biết của ai): Tất cả bắt đầu bằng suy nghĩ (tư duy). Suy nghĩ tạo nên hành động, hành động liên tục biến thành thói quen và thói quen tạo nên định mệnh. Định mệnh của cá nhân phát sinh từ tư duy cá nhân, định mệnh tập thể đúc kết bởi suy nghĩ của tập thể.

Tư duy, thói quen và định mệnh

Quên đi góc nhìn cá nhân, hãy tự suy nghĩ về tư duy thời thượng của xã hội này và từ đó, ta có thể nhận thức được những hành xử và thói quen của người dân VN. Bắt đầu từ tầng cấp lãnh đạo về kinh tế, giáo dục và xã hội đến lớp người dân kém may mắn đang bị cơn lũ của thời thế cuốn trôi; tôi không nghĩ là một ai có thể lạc quan và thỏa mãn với sự khám phá.

Những thói quen xấu về chụp giựt, tham lam, mánh mung, dối trá, liều lĩnh, sĩ diện… vẫn nhiều gấp chục lần các hành xử đạo đức, cẩn trọng, trách nhiệm, danh dự và hy sinh. Dĩ nhiên, đây là một nhận định chủ quan, sau một lục lọi rất phiến diện trên báo chí, truyền hình và diễn đàn Internet. Nhưng tôi nghĩ là rất nhiều người VN sẽ đồng ý với nhận định này.

Tôi nghĩ lý do chính yếu của những thói quen tệ hại này là bắt nguồn từ một tư duy già cỗi, nông cạn và nhiều mặc cảm. Tôi có cảm giác là ngay cả những bạn trẻ doanh nhân và sinh viên mà tôi thường tiếp xúc vẫn còn sống trong một thời đại cách đây 100 năm, dưới thời Pháp thuộc. Thực tình, nhiều bậc trí giả đã lo ngại là so với thời cũ, chúng ta đã đi thụt lùi về đạo đức xã hội và hành xử văn minh.

Tôi thường khuyên các bạn trẻ hãy đọc lại những tiểu thuyết của thời Pháp thuộc trước 1945. Họ sẽ thấy đời sống và các vấn nạn của một nông dân trong truyện của Sơn Nam vẫn không khác gì mấy so với một nông dân qua lời kể của Nguyễn Ngọc Tư. Bâng khuâng và thách thức của những gia đình trung lưu qua các câu chuyên của Khái Hưng rất gần gũi với những mẫu chuyện ngắn của nhiều tác giả trẻ hiện nay. Ngay cả những tên trọc phú, cơ hội và láu lỉnh trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng cũng mang đậm nét hình ảnh của những Xuân Tóc Đỏ ngày nay trong xã hội.

Ôm lấy quá khứ ở thế kỷ 21

Tóm lại, tôi có cảm tưởng chúng ta vẫn sống và vẫn tranh đấu, suy nghĩ trong môi trường cả 100 năm trước. Những mặc cảm thua kém với các ông chủ da trắng vẫn ám ảnh các bạn trẻ ngày nay. Chúng ta vẫn bàn cãi về những triết thuyết mà phần lớn nhân loại đã bỏ vào sọt rác. Trong lãnh vực kinh doanh, phần lớn các doanh nhân vẫn cho rằng bất động sản và khoáng sản là căn bản của mọi tài sản. Sản xuất gia công và chế biến nông sản vẫn chiếm một tỷ trọng rất lớn trong kim ngạch xuất khẩu. Một doanh nhân Trung Quốc đã mỉa mai với tôi khi đến thăm một khu công nghiệp của VN, “Họ đang cố học và làm những gì chúng tôi đang muốn quên”.

Tôi đang ở tuổi 66. May mắn cho tôi, nền kinh tế toàn cầu đã thay đổi khác hẳn thời Pháp thuộc. Tôi không cần phải dùng tay chân để lao động, cạnh tranh với tuổi trẻ. Kinh doanh bây giờ đòi hỏi một sáng tạo chỉ đến từ trí tuệ và tư duy đổi mới. Thân thể tôi dù bị hao mòn (xương khớp lỏng lẻo, tai mắt nhấp nhem..). nhưng trí óc tôi và tinh thần vẫn trẻ hơn bao giờ hết. Thêm vào đó, nó không bị phân tâm bởi những hóc môn (hormones) về đàn bà hay những thứ lăng nhăng khác như các bạn trẻ. Do đó, hiệu năng và công suất của sự suy nghĩ trở nên bén nhậy hơn.

Người Mỹ có câu, “Những con chó già không bao giờ thay đổi” (old dogs never change). Do đó, tôi thường không thích trò chuyện với những người trên 40, nhất là những đại trí giả. Nhưng tôi thất vọng vô cùng khi về lại VN và gặp toàn những ông cụ non mới trên 20 tuổi đời: Nhút nhát, cầu an, thụ động, chỉ biết ăn nhậu, và đua đòi theo thời thế. Họ sống như các ông già đã về hưu, họ nói năng như một con vẹt, lập đi lập lại những giáo điều, khẩu hiệu đã hiện diện hơn trăm năm. Họ làm việc như một con ngựa bị bịt kín đôi mắt để chỉ nhìn thấy con đường một chiều trước mắt.

Nhiều người đỗ lỗi cho những thế hệ trứơc và văn hóa gia đình đã kềm kẹp và làm cho thế hệ trẻ này hay ỷ lại và hư hỏng. Cha mẹ vẫn giữ thói quen sắp đặt và quyết định cho các con đã trưởng thành (ngay khi chúng vào tuổi 30, 40..) về những cuộc hôn nhân, công việc làm, ngay cả nhà cửa và cách sinh họat. Hậu quả là một thế hệ đáng lẽ phải tự lập và lo tạo tương lai cho mình theo ý thích lại cuối đầu nghe và làm theo những tư duy đã lỗi thời và tụt hậu.

Trong khi thế giới đang hồi sinh với thế hệ trẻ tự tin tràn đầy năng lực cho những thử thách của thế kỷ 21, thì người trẻ VN đang lần mò trong bóng tối của quá khứ, với sự khuyền khích của các nhóm muốn giữ quyền lực và bổng lộc. Tôi tự hỏi, sao quê hương mình … già nua nhanh như vậy? Những nhiệt huyết đam mê của tuổi thanh niên bây giờ chỉ dành cho những trận đá bóng của Châu Âu? Tôi nhìn vào những nghèo khó của dân mình so với láng giềng chỉ là một tình trạng tạm thời. Nhưng tôi lo cho cái tư duy già cỗi của tuổi trẻ sẽ giữ chân VN thêm nhiều thập niên nữa. Cái bẫy thu nhập trung bình to lớn và khó khăn hơn mọi ước tính.

(Góc nhìn Alan)

Cô giáo ra đề thư gửi lãnh đạo Trung Quốc: 'Người lớn giật mình'

Đăng bởi Hai Hoang Van vào Thứ tư, ngày 03 tháng tư năm 2013

"Có lẽ chúng ta và cả ông cũng nên đọc một số lời các em đã viết, để biết thế hệ tương lai của Việt Nam nghĩ gì về đất nước mình và nước láng giềng Trung Quốc".
- Dư luận đang rất quan tâm đến những bài văn “lạ” là “thư gửi lãnh đạo Trung Quốc” của một số học sinh lớp 4 do cô dạy. Vì sao cô lại chọn đề bài này cho các em?

Cô Đặng Nguyệt Anh: Có thể mọi người thấy lạ, chứ thật ra từ năm trước, trong nhiều giờ học, tôi đã dạy các em về chủ quyền biển đảo. Gần đây, các báo lại đưa tin rất nhiều về chuyện tàu cá Việt Nam bị bắn cháy ca-bin, tôi nghĩ tại sao không đưa sự kiện này vào bài thi, bài kiểm tra cho các em học sinh để giáo dục lòng yêu nước? Những câu chuyện này vừa có sự phẫn nộ, vừa rất xúc động, các em sẽ có dịp tốt để thể hiện tình cảm, suy nghĩ của mình đối với quê hương đất nước, sau những gì các em đã được học.

Ban đầu, tôi cũng chỉ định ra đề để các em nhập vai là con ngư dân và viết thư cho một bạn người Trung Quốc, giống như mô-típ viết thư cho bạn bè quốc tế trong cuộc thi viết thư UPU. Nhưng nghĩ thêm thì như thế chưa có gì mới lạ, tại sao không nghĩ đến một giả thiết đặc biệt hơn, đó là gửi đến người lãnh đạo cao nhất của nhà nước Trung Quốc? Viết thư cho bạn cùng lứa thì các em làm nhiều rồi, nhưng viết thư cho một người lớn tuổi, lại là một nguyên thủ quốc gia thì điều đó sẽ rất mới mẻ, sẽ kích thích trí tưởng tượng và sáng tạo của các em.

Cô giáo Đặng Nguyệt Anh, cô giáo của những đề văn "lạ". Ảnh: Quyên Quyên

Ra đề như thế có quá “già” và khó không so với tuổi các em? Vả lại, đọc một số bài làm khác, khó ai có thể nghĩ các em lại biết về “16 chữ vàng và 4 tốt” trong mối quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc, ngay cả  lãnh đạo của Trung Quốc là ai, nhiều người lớn cũng chưa chắc biết. 

Đúng là có một số thông tin các em viết trong bài không hề được dạy từ trước. Trước khi phát đề bài, tôi kể cho các em nghe về việc tàu cá nước mình bị tàu Trung Quốc bắn cháy ca-bin mà báo chí đã đưa tin. Sau đó, tôi giới thiệu cho các em biết nhà lãnh đạo Trung Quốc là ai và quan hệ hai nước Việt Nam – Trung Quốc lâu nay thế nào, gần đây vấn đề chủ quyền biển đảo của Việt Nam ra sao. Khi tôi kể chuyện, một số em tham gia khá sôi nổi vì các em đã được nghe trên các chương trình thời sự hoặc nghe bố mẹ nói chuyện. Sau nữa, tôi đọc cho các em nghe bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến. Tôi thấy các em lớp bốn còn nhỏ mà đã biết chăm chú lắng nghe trong niềm xúc động khiến tôi càng hào hứng hơn.

Phần thời gian còn lại của buổi sinh hoạt, tôi để các em được hoàn toàn tự nhiên viết bức thư gửi lãnh đạo Trung Quốc theo suy nghĩ và trí tưởng tượng của các em. Khi thu bài, đọc qua một lượt, tôi thấy một số bài viết hơi gượng, hơi già dặn so với lứa tuổi do các em phải cố gắng nhập vai để viết về một vấn đề chính trị không hề dễ viết; một vài bài khác lại rất hồn nhiên, có chỗ còn vụng về. Nhưng bài nào cũng có một vài ý khá thú vị có chỗ các em viết khiến những người lớn như chúng ta cũng phải giật mình…

Tôi nghĩ: có lẽ chúng ta và cả ông cũng nên đọc một số lời các em đã viết, để biết thế hệ tương lai của Việt Nam nghĩ gì về đất nước mình và nước láng giềng Trung Quốc.

- Một số độc giả sau khi đọc thư của em Trương Ánh Dương đã phản hồi rằng giọng văn già quá, chắc đây là bài văn do người lớn làm rồi “đưa vào miệng” các em? Cô nói sao về điều này? 

Đó hoàn toàn là bài do em Ánh Dương viết. Có thể một số người hoài nghi nhưng đó chính là những suy nghĩ của em khi nhận đề văn và những thông tin tôi gợi ý như trên. Tất cả thời gian chia sẻ thông tin, đọc - nghe thơ và làm bài chỉ trong 90 phút. Sau khi thu bài, tôi chỉ sửa vài chỗ trên bài của các em (bài đã được chụp ảnh đấy thôi). Chưa em học sinh nào trong câu lạc bộ được góp ý, làm lại bài vì đến cuối tuần tôi mới gặp và trả bài cho các em. Đề bài tập này dành cho các học sinh giỏi văn, đang tham gia câu lạc bộ bồi dưỡng năng khiếu văn khối 4 Trí Đức nên tôi yêu cầu khó hơn cả đề kiểm tra dành cho khối 5 đại trà. 
- Sau trường hợp của những bài văn “lạ” như “Nghĩ về đồng tiền” của em Nguyễn Trung Hiếu, “Ba ngày làm chuột” của em Ngô Thùy Dương… nay lại đến “thư gửi lãnh đạo Trung Quốc", vì sao cô lại chọn những cách ra đề như thế này? 

Thật sự là tôi rất ghét lối dạy học theo văn mẫu, nó làm thui chột cả tâm hồn lẫn khả năng tư duy vốn hồn nhiên, trong sáng và sáng tạo của các em. Thế nên tôi rất tránh học sinh của mình phải học văn theo kiểu sao chép. Trong những bài thi học sinh giỏi, hoặc trong các buổi sinh hoạt câu lạc bộ năng khiếu văn, tôi cố gắng ra những đề văn mà các em không thể dùng một cuốn sách hướng dẫn, một bài văn mẫu nào, các em phải hoàn toàn dựa vào kiến thức, tư duy và năng khiếu của chính mình.

Khi làm bài theo cách như vậy, mặc dù có thể xuất hiện những câu văn rất ngô nghê, hồn nhiên, nhưng đó lại là những điều chân thực nhất để bố mẹ hiểu con cái, cô giáo hiểu học trò. Vả lại, những điều xuất phát từ chính tâm hồn, tư duy của các em sẽ có sự tác động lớn đến các bạn khác trong việc các em học hỏi lẫn nhau để cùng tiến bộ.

- Ngoài các đề văn độc đáo cho học sinh lớp Trí Đức, cô có thường xuyên ra những đề tương tự trong các bài kiểm tra ở trường Hà Nội - Amsterdam?


Không! Ở mỗi lớp, mỗi học kỳ hoặc mỗi năm học, tôi chỉ ra một “đề lạ” thôi. Cốt là để nắm bắt khả năng của học sinh chính xác hơn và hiểu tâm tư của các em hơn. Có khi chấm tập bài làm theo đề ấy đến mấy ngày rồi lại không lấy điểm, chỉ để làm kỷ niệm. Bình thường thì tôi phải ra đề sao cho học sinh có thể đạt điểm tốt trong các kỳ thi của trường, của Sở Giáo dục và của Quốc gia chứ!

Cô Đặng Nguyệt Anh và em Nguyễn Trung Hiếu, tác giả bài văn "Nghĩ về đồng tiền" từng gây sự chú ý rất lớn trong dư luận.

- Ở trên cô có nói, từ lâu đã dạy các em về chủ quyền biển đảo, vậy cô dạy bằng cách nào để các em thấy gần gũi và dễ nhớ, dễ hiểu? 

Về chủ đề biển đảo Việt Nam, tôi từng có dịp gặp gỡ, giao lưu với anh Vũ Trọng Lâm, PGĐ Nhà xuất bản chính trị quốc gia. Biết anh đã ra Trường Sa, có nhiều tư liệu, hình ảnh, tôi đã đến cơ quan anh để hỏi chuyện, xin ảnh và video clip. Về nhà,  tôi làm các slide bài giảng, chọn các hình ảnh đẹp, có ý nghĩa để mang tới cho học sinh những buổi học thú vị và xúc động. 

Rồi qua anh Lâm, tôi được quen biết, trò chuyện với một số cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa. Sau đó cô trò chúng tôi cùng viết thư gửi ra đảo. Có những buổi trên lớp, tôi trực tiếp liên lac với anh Dũng, bạn Hiếu hay em Tùng ở đảo Trường Sa Lớn và đảo Sinh Tồn. Qua điện thoại, tôi để các em trò chuyện với các bác, các anh bộ đội, cả hát cho nhau nghe nữa. Hơi tốn tiền điện thoại nhưng tác dụng của những buổi sinh hoạt như vậy theo tôi là rất tuyệt.
Có những kỷ niệm với chiến sĩ Tùng ở Trường Sa mà tôi nhớ mãi: tôi và Tùng đã từng trò chuyện và hát song ca qua hai đầu điện thoại - một bài hát về biển đảo Việt Nam: “Nơi anh tới là biển xa, nơi anh tới, ngoài đảo xa…”. Lúc ấy vợ chồng tôi và gia đình anh Lâm đang ở đảo Hòn Mê. Cả  tôi, Tùng, và những người đứng xung quanh tôi lúc ấy đều nghẹn ngào xúc động.

Sau đó vài tháng, trong một lần trở về đất liền, Tùng đã kỳ công mang một cây bàng vuông về doanh trại rồi tiếp tục mang ra Hà Nội. Tùng nhờ anh Vũ Trọng Lâm mang cây bàng ấy đến trường Hà Nội - Amsterdam tặng thầy trò trường tôi. (Trước đó, anh Phạm Văn Đại - Phó giám đốc Sở giáo dục và đào tạo Hà Nôi, hiệu trưởng trường chúng tôi và một số thầy cô cùng học sinh yêu mến chiến sĩ Trường Sa đã viết thư và gửi quà ra đảo). Tiếc là cây không hợp thổ nhưỡng nên không lên xanh được…

Tùng còn gửi một đoàn Hà Nội ra thăm đảo về cho tôi và chị Doãn Vân Anh mấy hòn đá rất đẹp. Trên đó, em đã nắn nót viết chữ “Tâm” và tên cô giáo Đặng Nguyệt Anh. Đến bây giờ, chúng tôi và Trường Sa vẫn thỉnh thoảng liên lạc với nhau qua điện thoại. Tôi đã từng được đến đảo Hòn Mê. Ước gì có một ngày cả gia đình tôi được đến với Trường Sa.

- Vấn đề biển Đông và chủ quyền biển đảo đang rất được nhân dân cả nước quan tâm, sau đề bài “Viết thư cho lãnh đạo Trung Quốc”, cô có dự định nghĩ thêm những đề văn mới liên quan tới chủ đề này? 

Thực tế thì đợt vừa rồi, ngoài đề văn lớp 4 mà mọi người đã biết, tôi cũng ra hai đề văn cho  lớp 5 Trí Đức về chủ đề biển đảo, trong đó có một đề  gợi ý các em nhập vai con một ngư dân Việt Nam viết thư cho một bạn ở Trung Quốc. Ngoài ra, ở đề Tiếng Việt lớp 3, tôi yêu cầu các em đặt câu có những từ ngữ “Hoàng Sa”, “Trường Sa”, “bảo vệ biển đảo” và có hình ảnh nhân hóa về những con tàu hải quân trên biển… Sắp tới, có thể tôi sẽ tiếp tục mang câu chuyện tàu cá bị bắn cháy ca-bin cho các em học sinh lớp lớn làm văn nghị luận xã hội. Hy vọng sẽ tìm được nhiều bài văn hay, ý tưởng mới lạ và hoàn toàn xuất phát từ chính tâm hồn, tình cảm, tư duy của các em. 

- Trân trọng cám ơn cô! 
Đức Giang 
(GDVN)

Từ cải cách ruộng đất đến phiên tòa xử Đoàn Văn Vươn

Honngv - Trong 1 bài về “Làng tôi” đã đăng trước đây, mình có kể qua về CCRĐ. Bài dưới đây là của 1 người trong cuộc, kể lại chính xác hơn.

Nghe tin Tòa Hải Phòng xử anh Vươn và người thân, chợt nghĩ đến Tòa án nhân dân đặc biêt…
3-4-2013 / Đoàn Vương Thanh

Nhiều lúc tôi cứ nghĩ lẩn thẩn với bộ não đã 80 tuổi. nhiều sự kiện, nhiều việc vui buồn trong gia đình, làng xóm và trong thế giới loài người cứ hiện lên rõ mồn một khi có sự kiện tương tự xảy ra. Nghe tin trên phương tiện thông tin đại chúng về việc Hải Phòng mở phiên tòa “công khai” xử Đoàn Văn Vươn và gia đình anh về tội “giết người và chống lại người thi hành công vụ”, tôi thấy bủn rủn chân tay, trí óc bỗng quay về thời gian xã tôi thực hiện cuộc cách mạng “Người cày có ruộng” phát động nông dân “vùng lên” đánh đổ giai cấp địa chủ, phân hóa phú nông, tranh thủ trung nông, dựa hẳn vào bần cố nông !!!”.

Cuộc CCRĐ hai năm 1955 và 1956 diễn ra ở quê tôi, một xã vùng đồng bằng thuần nông, khi đó còn rất nghèo vì rất nghèo nên có tinh thần cách mạng chống đế quốc rất cao, năm 2001 đã được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, vì nghèo nên, cuộc đấu tranh “giành lại ruộng đất từ tay địa chủ chia cho nông dân nghèo cũng diễn ra rất “quyết liệt”.Mới sau hòa bình lập lại 7-1954, miền Bắc hoàn toàn giải phóng chưa được một năm, đội giảm tô được UBCCRĐ trung ương cử về xã, phát động nông dân tiến hành bước giảm tô, liền sau đó là tiến hành CCRĐ. Thật ra, bây giờ nhìn lại thì, nông dân, kể cả nông dân có học đôi chút hồi đó cũng không có mấy ai hiểu rõ thế nào là giảm tô, giảm tức, thế nào là CCRĐ và giảm tô, cải cách ruộng đất để làm gì, tất nhiên, khẩu hiệu đầy đường là để “giành ruộng đất về cho dân cày, nhất là dân cày nghèo”.

Đội về, việc đầu tiên là họp dân (đố ai dám không đi họp, vì không đi họp cũng là liên quan đến địa chủ cần phải vạch mặt) tuyên bố giải tán chi bộ đảng Lao động. Luc đó chi bộ có đến hơn 50 đảng viên, trong đó phần lớn là những đồng chí đã từng vào sống ra chết kiên trì dũng cảm đấu tranh ở một xã giáp chân hàng rào bốt địch suốt 9 năm kháng chiến. Địa chủ là những ai ? Quốc dân đảng phản động là những ai ? Là một đồng chí bí thư chi bộ họ Lưu, sau khi bị Đội gọi lên trấn áp, hôm sau treo cổ tự tử và để lại thư nói rõ, là bí thư chi bộ Đảng Lao động chứ không phải “Quốc dân đảng phản động”, là đồng chú Vũ Kiểm, chi ủy viên, Chủ tịch UBKCHC xã, từng làm hai mang cùng với một số đồng chí khác lên tận Phủ Thủ hiến Bắc Kỳ trực tiếp đấu tranh có lý có tình ngăn không cho giặc Pháp đóng ngoài đồn dùng xe ủi làng làm vành đai trắng để trả thù Việt Minh đánh bôt hồi cuối tháng 12-1953, là đồng chí Nguyễn Đức, chi ủy viên đảng lao động, được Huyện ủy cử làm việc hai mặt, tạo điều kiện cùng Vũ Kiểm đấu tranh với địch bảo vệ dân làng (trong đó có nhiều cán bộ Việt Minh nằm vùng), là đồng chí xã đội trưởng của ta được cử làm sếp bốt hương dũng (của địch) mà đội viên toàn là du kích của ta, cũng nhằm bảo vệ nhân dân, chống địch o ép càn quét và trả thù. Đồng chí Vũ Kiểm (vì là Chủ tich) nên “đầu sỏ hơn cả đầu sỏ” bị mang ra “đấu trường”, bị mấy người cốt cán “chỗ dựa của Đội” nhảy lên như con choi choi xăm xỉa vào mặt tố khổ. Sau đó “Tòa án nhân dân đặc biệt” tuyên tử hình. Vài phút sau, một tiểu đội dân quân, có mấy người được trang bị súng trường Trung Quốc cũ dàn hàng ngang nhằm vào đồng chí Vũ Kiểm nhả đạn.

 Chắc là biết rõ ông Vũ Kiểm là người thế nào nên một loạt đạn từ mấy tay súng dân quân du kích mà Kiểm vẫn chưa gục, còn nói lời cuối cùng; “Tôi là đảng viên lao động, không phải quốc dân đảng”. Thấy vậy, một thành viên Tòa nhảy xuống rút súng ngăn dí vào trán Kiểm và bóp cò. Tiếng nổ đanh và lạnh ơn xương sống. Kiểm gục ngã. Cà đám đông nặng nề ra về không một ai dám hé răng. Vì “Đội về đội dựa vào mông/Đội đi đội để trống đồng ai mang”. “Nhất đội nhì giời, sợ Đội hơn sợ cọp dữ. Đồng chí, đồng đội với Kiểm có nhiều người, trong đó thân nhất là bố tôi, ông Nguyễn Đức. Ông Nguyễn Đức nhà rất nghèo không có ruộng, chuyên kéo xe bò thuê ở chợ, tham gia cách mạng từ năm 1947, năm 1949 được chi bộ Đảng lao động địa phương kết nạp và làm chi ủy viên, trưởng ban binh địch vận, đồng thời được Huyện ủy cử ra làm “chính quyền hai mặt” cùng với các đồng chí khác hoạt động bảo vệ dân, cụ thể là ngăn không cho địch làm vành đai trắng, dẫn trinh sát bộ đội Tỉnh về điều tra bốt đồn, và tổ chức trận đánh đêm 16-12-1953 thắng lợi giòn giã. Ấy thế mà, ông Nguyễn Đức được “phong” địa chủ cường hào gian ác, quốc dân đảng phản động, kết án 20 năm tù, nhờ có con trai đi bộ đội từ năm 18 tuổi nên bố được giảm ản 3 năm. Nhưng chỉ đi tù ở Mỏ Chén (Sơn Tây) có ba tháng thì có lệnh sửa sai.

Nguyễn Đức được Tỉnh ủy mời về tham gia học nghị quyết sửa sai sau đó tỉnh cử làn đội trưởng sửa sai ngay tại xã mình. Còn “đồn trưởng hương dũng” cũng là một đảng viên của đảng lao động, đã bị đội cải cách xử trí “lên bờ xuống ruông”. Ấy cũng có cái tài là, có lệnh triển khai nghị quyết sửa sai hôm trước thì hôm sau, Đội CCRĐ lặn mắt tăm, để lại ba bốn “cô cốt cán” mang trống đồng… Thời kỳ đầu sửa sai, làng xóm loạn cả lên. Con cái ông Vũ Kiểm đêm nào cung vác dao đi tìm “cốt cán” đã bắn bố để hỏi tội, sau nhờ có cán bộ đội sửa sai đến tận nhà khuyên giải nên tình hình mới lắng đi và dần di vào thế ổn định. Chỉ một năm sau, năm 1958, phát động nông dân đưa ruộng đất vào “tập thể hóa”, phát huy “tính ưu việt” của phương thức làm ăn tập thể xây dựng hợp tác xã nông nghiệp cả làng, tiến tới xây dựng “nông trang tập thể” như Liên Xô, bà con nông dân sẽ được sống “ở thiên đường”.

Nhưng 30 năm sau, hợp tác xã nông nghiệp động viên xã viên “Mỗi người làm việc bằng hai/Để cho chủ nhiệm (và Ban quản trị) mua Đài mua xe” (một chiếc ra-đi-o Nhật ba băng trị giá băng hơn một tấn thóc. Hồi ấy cán bộ có Đài suốt ngày “nheo nhéo” bên hông, oai lắm. Khi hoàn thành xây dựng HTX bậc cao thì “Mỗi người làm việc bằng ba/ Để cho chủ nhiệm xây nhà xây sân” hoặc “Mất mùa thì tại thiên tai/ Được mùa nhờ ở thiên tài Đảng ta !” Cuối cùng, sau ba mươi năm, “thiên tài” ấy cũng phải ra đi vì có Nghị quyết 100 và nghị quyết 10 và công cuộc đổi mới sau Đại hội VI, nông dân (và các thành phần khác được cởi trói” đã giúp cho Đảng và Nhà nước ta có con số thống kê sản xuất được 45 triệu tấn thóc, dành ra 7,5 tấn quy gạo xuất khẩu, không những đủ ăn cho gần 90 triệu dân trong nước mà còn góp phần “cứu đói” nhiều vạn người trên thế giới !

Ba cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, nông dân nói riêng và nhân dân nói chung đã cống hiến hàng chục triệu con em mình cho các lực lượng vũ trang ở cả hai miền chiến đấu hơn 31 năm giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà. Hàng nghìn liệt sĩ có tên và chưa biết tên đã nằm xuống, trong đó cũng một phần vì ruộng đất cho dân cảy như Đảng dạy. Năm 1953, việc xử tử địa chủ Nguyễn Thị Năm ở Thái Nguyên được coi là tài liệu điển hình chỉnh huấn bộ đội các sư đoàn chủ lực tham gia chiến đấu ở mặt trận Điện Biên Phủ, là động cơ quan trọng thúc đẩy bộ đội hi sinh chiến đấu giành thắng lợi “lừng lấy địa cầu”. Ở quê tôi, có đồng chí T. ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đang họp thường vụ được lệnh của Đoàn CCRĐ đưa về quê để “nông dân hỏi tội” vì đồng chí ấy xuất thân một nhà địa chủ giầu có trong tỉnh. Khi xe đưa đồng chí T về đến trường đấu bị dân quân du kích và Đội CCRĐ lôi xuống bịt mắt và bắn ngay. Được tin, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy vội cho người đánh xe về “cứu” đồng chí T, nhưng muộn rồi, về chỉ còn thấy xác đồng chí T còn nóng hổi chưa kịp khâm liệm.

Đến bây giờ, bà con xã này vẫn còn nhơ như in những hình ảnh “đau lòng, tay phải chém vào tay trái” hồi CCRĐ. Nhưng bài học lịch sử ấy nay hình như đang diến lại ở Hải Phòng, trong việc xử án gia đình Đoàn Văn Vươn. Có thể Đoàn Văn Vươn phạm tội dùng súng hoa cải tự chế và mìn tự tạo nhằm vào những người đến “cưỡng chế” đầm nuôi tôm và phá nhà mình. Kết quả “tội giết người” ấy chỉ làm bị thương không nặng một số kẻ hung hăng, chứ có giết ai đâu. Còn mấy bà nông dân, mẹ và vợ Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý thấy mất của xót xa nghe chồng chuẩn bị mũ len chống đạn (!) bị quy vào tội “chống người thi hành công vụ”, nhưng công vụ là công vụ nào?

Thông tin về vụ xử Đoàn Văn Vươn và người thân ở Hải Phòng làm nhiều người nhức nhối và khó hiểu dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng ta, tại sao những người nông dân ấy lại bị xử án một cạch “bí mật” và oan khuất? Luật sự Trần Đình Triển có bài tường thuật bước đầu cho biết, nói rằng xử công khai những không một người nào được tự do đến phòng “xem xử án” mà mạng lưới an ninh siết rất chặt. Nếu ta chính đáng, quang minh chính đại thì làm gì phải úp úp mở mở như vậy, chưa nói đến những mờ ám khuất tất từ khi điều tra lấy tài liệu từ “bị cáo”. Biết làm thế nào bây giờ ! Hãy cứu lấy Đoàn Văn Vươn và gia đình của họ !

(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả)

Có một cách không chỉ cứu được bất động sản


 las trais        
       Nếu không đồng ý với cái ông Alan Phan ấy (*) thì cứ phản biện thẳng vào những luận điểm trong bài của ông ấy! Mình ghét nhất cái kiểu “bỏ bóng đá người”, đả kích cá nhân, rồi hỏi mấy câu xách mé như “phía sau tư vấn này là gì” hay “ông Alan Phan là ai” như bài viết trên tờ báo của Bộ Xây dựng (ở  ĐÂY). “Phía sau” đấy là cái gì hay ông ấy “là ai” thì đã làm sao? Sao không hỏi tiếp xem ở phía dưới người ta còn gì cho mình soi nữa không? Hay là không “chơi nhau” chính diện được thì giở võ bẩn, đánh dưới thắt lưng, xoi mói vào những chuyện riêng của người ta ? Lại còn giật tít: “Quan điểm để thị trường địa ốc Việt Nam “rơi tự do”gây bức xúc trong dư luận”. “Dư luận” nào?  Muốn chửi tục một câu quá!
            Lúc vớ bẫm thì câm như hến, lúc vỡ trận thì lại mạo danh “dư luận” , lại còn ra cái vẻ “yêu nước” hay “bảo vệ người nghèo”!
            Toàn một bọn đạo đức giả!
            Nhưng nếu có cách gì hay, vừa cứu được BĐS, vừa cứu được tất cả, cả kẻ giàu lẫn người nghèo thì tại sao không? Mình nghĩ có một cách giải cứu như thế – Đó là tạo ra môi trường giáo dục tiên tiến để học sinh Mỹ, Canada, Úc, Pháp, Đức, Anh … đổ xô sang Việt Nam du học, sửa đổi toàn diện Hiến pháp, cải cách chính trị để tạo ra một môi trường pháp lý minh bạch, trong sạch làm cho không chỉ dân Việt tị nạn ùn ùn kéo về mà dân Tây cũng ùn ùn kéo đến xin được nhập quốc tịch Việt hay ít ra cũng xin được tư  cách thường trú nhân, thì nhu cầu thuê mua nhà cửa sẽ gia tăng, giá theo đó may ra có thể sẽ lên theo, nhất là các căn hộ cao cấp.
            Còn như bây giờ thì chính phủ cứu trợ kiểu gì khi chẳng có ma nào thèm mua nhà cửa vào lúc này? Cũng giống như ở một xứ quê mùa, bụi bặm, trộm cướp đầy đường, công lý bị bẻ cong thì dù ở đó có cái biệt thự lộng lẫy thì có ai muốn đến không? Đất lành thì chim đậu, đất dữ thì kể cả cái lũ kền kền nó cũng chẳng thèm đến. Đừng tưởng bở mà đã chê kền kền! Nó đến nó dọn sạch cho là còn may! Như cái ông già Alan ấy cũng đã “xin long trọng hứa” là “sẽ không bỏ một xu vào BĐS Việt trong 10 hay 20 năm tới” khi mà “toàn dân còn sở hữu đất đai” đấy.  Dân sở tại không biết chạy đi đâu thì hoặc là nghèo nên dù các căn hộ có hạ giá đến 90% thì cũng chẳng bao giờ dám mơ, hoặc là có chút dư dả thì cũng chẳng ngu gì khi các đại gia đang muốn chuồn mà mình lại bỏ tiền ra để đầu cơ nhà cửa vào cái thời buổi loạn lạc, thóc cao gạo kém như thế này.

02/04/2013  Hahien’s Blog

Đã đến lúc Công lý được nhắc tới từ các quan chức C.A

Công an TP HCM lên tiếng về thu hồi đất

Cập nhật: 11:37 GMT - thứ ba, 2 tháng 4, 2013

Trong đợt góp ý Dự thảo Luật đất đai tại thành phố Hồ Chí Minh, lực lượng công an tại đây đã đề nghị Nhà nước không can thiệp vào chuyện thu hồi đất cho “các dự án phát triển kinh tế –xã hội”.
Ý kiến được trang web Bấm Công an TPHCM hôm 2/4/2013 đăng tải, nói cán bộ chiến sỹ công an thành phố đã nêu ý kiến:
“Cần tránh việc lợi dụng danh nghĩa thu hồi đất để trục lợi cá nhân, tổ chức và chủ đầu tư dự án phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quyền lợi về tài sản đất đai của người dân.”
Trong khi Hải Phòng đang diễn ra vụ xử gia đình ông Đoàn Văn Vươn “chống người thi hành công vụ” trong vụ cưỡng chế đất ở Tiên Lãng hồi đầu năm 2012, các ý kiến mà trang Công an TPHCM nêu ra một cách chính thức là điều đáng chú ý dù xảy ra ở một địa phương khác.

Tránh lợi ích nhóm

Công an TP cũng bày tỏ lo ngại chuyện thu hồi đất “để sử dụng vào mục đích thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội dễ bị lạm dụng phục vụ lợi ích riêng, lợi ích nhóm”.
Trong một phát biểu phân biệt rõ chức năng của Nhà nước mà các chiến sỹ công an là lực lượng thực hiện thi hành pháp luật, họ đã đề nghị chỉ “thu hồi đất để sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng”.
Mặt khác, công an TPHCM có vẻ cũng không muốn trở thành một bên bênh vực cho các nhà đầu tư, và vì thế đã đề nghị:
“Các nhà đầu tư thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội phải trực tiếp thỏa thuận với người sử dụng đất.”
Không chỉ có vậy, công an TPHCM trong phần góp ý về Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) còn phê phán các bất cập trong chính sách bồi thường đất đai theo Luật Đất Đai 2003 và nêu ra các thách thức về mặt kinh tế cũng như an ninh chính trị:
“Giá bồi thường tại thời điểm thu hồi đất chênh lệch rất lớn và thấp hơn nhiều so với giá thị trường; chính sách hỗ trợ, tái định cư còn nhiều điểm chưa hợp lý,"
Bài trên báo Công an TP HCM cũng viết:
"Rất nhiều trường hợp hộ gia đình khi chuyển về nơi tái định cư không có việc làm, đời sống gặp nhiều khó khăn, trong khi chính quyền địa phương, chủ đầu tư chưa thực sự quan tâm đến đời sống của họ...”
“Đó là một trong những nguyên nhân gây cản trở trong công tác thu hồi, chống người thi hành công vụ, khiếu kiện đất đai kéo dài làm phức tạp tình hình chính trị địa phương.”
"chống người thi hành công vụ, khiếu kiện đất đai kéo dài làm phức tạp tình hình chính trị địa phương"
Trong những năm qua, cùng với đà phát triển kinh tế tại Việt Nam, các vụ thu hồi và cưỡng chế đất mà trên lý thuyết thuộc sở hữu của 'toàn dân' đã gây ra nhiều căng thẳng xã hội.
Nếu như vụ Tiên Lãng có sự tham gia của quân đội, trong nhiều vụ việc khác, lực lượng công an thường là nhóm phải đi đầu trong công tác cưỡng chế đất.
Ví dụ như hôm ngày 31/1 năm nay giới chức địa phương đã đưa lực lượng chừng 200 người, gồm công an, thanh tra giao thông tới trấn áp dân Dương Nội, thuộc Hà Nội trong một vụ khiếu kiện đất đai gây xung đột, giằng giật ác liệt.
Trước đó, hồi tháng 4/2012, một lực lượng đông đảo công an đã được chính quyền điều vào cuộc nhằm cưỡng chế đất của nhiều hộ nông dân địa phương cho dự án Ecopark của một chủ đầu tư.
Tại đây, hai nhà báo của Đài tiếng nói Việt Nam đã bị công an mặc sắc phục đánh khi về đưa tin.

Dân Dương Nội 'quyết tử giữ đất'

Cập nhật: 15:06 GMT - thứ năm, 31 tháng 1, 2013

Trong những ngày cuối năm Âm lịch, tình hình khiếu kiện đất đai có vẻ như không hề dịu đi.
Được nhắc tới nhiều nhất trong những ngày qua là cuộc đấu tranh càng lúc càng lên cao của người dân phường Dương Nội, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.
Trên một số trang mạng xã hội và blog cá nhân nói 9h30 sáng ngày 31/1 giới chức địa phương đã đưa lực lượng chừng 200 người, gồm dân phòng, công an, thanh tra giao thông và cả đầu gấu tới đàn áp dân Dương Nội, gây xung đột, giằng giật ác liệt.
Các đoạn video clip được đăng tải trên mạng cho thấy bầu không khí nơi này rất sôi sục, người dân đánh trống, khua kẻng rầm rộ với các đám lửa, các nùi rơm "hỏa công" được đốt cháy đùng đùng trong cuộc đối đầu kéo dài chừng một tiếng.

Chưa có hồi âm?

Dương Nội là nơi giới chức khi cho tiến hành ủi phá nhằm thu hồi đất hồi tháng 3/2010 đã ủi phá cả mồ mả của người dân, dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài từ đó đến nay ở các cấp từ trung ương đến địa phương.
Đầu tháng Năm 2012, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận điều tra theo hướng mà người dân Dương Nội nói là "bao che cho Quận Hà Đông cướp đất".
Các hộ gia đình tiếp tục đệ đơn khiếu này hồi trung tuần tháng Bảy 2012 nhưng đến nay chưa nhận được hồi âm.
Tâm trạng chống đối tại Dương Nội dâng cao khi gần đây nhất, giới chức dự kiến sẽ thu hồi đất vào ngày 17/1/2013. Được biết từ hôm 11/1, người dân địa phương đã bắt đầu căng lều trại, dựng hình nhân và các băng-rôn, khẩu hiệu như "Nhân dân phường Dương Nội thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất đất", hay "Từ đám cháy nhỏ có thể thiêu tất cả".
Thậm chí có băng-rôn ghi "Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh. Học tập Đoàn Văn Vươn".
Bà Trần Thị Huỳnh Mai, người Bình Dương, cũng là một người đi khiếu kiện đất đai từ nhiều năm nay, cho BBC Tiếng Việt biết hôm 31/1:
"Có những cụ già 70, 80 tuổi ra đặt lều chõng, ăn ở tại chỗ trong tiết trời giá rét, mưa phùn để giữ mồ mả ông cha."

Người dân Dương Nội dựng lều từ giữa tháng Giêng để giữ đất
"Tôi thấy bà con chuẩn bị rất nhiều vũ khí, sẵn sàng chiến đấu," bà nói thêm.
Chỉ trước đó ít hôm, ngày 28/1, người dân Dương Nội đã bị giới chức giằng băng-rôn phản đối khi đang cùng dân nhiều tỉnh khác đứng trước trụ sở tiếp dân (xem video ở trên).
Bà Huỳnh Mai nói thái độ của giới chức hôm 28/1 là "thanh tra chính phủ làm ngơ trước nỗi bức xúc của dân".

Bất bình rộng khắp

Bà Trần Thị Huỳnh Mai nói cùng chung “nỗi uất ức bị thu đất oan” sai khiến người dân các địa phương trở nên gắn bó, đoàn kết đùm bọc nhau.
Bà cho biết bà và nhiều người dân các tỉnh khác về Hà Nội khiếu nại, trong những ngày cơ quan nhà nước đóng cửa, cũng về Dương Nội để "học tập cách bảo vệ đất của Dương Nội".
Được biết hôm 28/1, bên cạnh dân Dương Nội còn có người dân từ nhiều tỉnh như An Giang, Đắc Nông, Bình Dương, Đồng Nai, Trà Vinh, Nam Định, Hòa Bình... đã cùng tụ tập trước trụ sở tiếp dân để khiếu nại.
Cùng ngày 31/1, trong lúc có đụng độ ở Dương Nội thì được biết Thanh tra Chính phủ tiến hành gặp dân.
Tuy nhiên, bà Lê Hiền Đức, một gương mặt nổi tiếng về các hoạt động hỗ trợ người dân kêu oan và chống tham nhũng, cho biết “chiều hôm nay, dự buổi đối thoại chỉ là một ông không có thẩm quyền giải quyết việc gì” khiến cho “người dân rất thắc mắc”.
Bà Huỳnh Mai nói bà đã từ Bình Dương ra Hà Nội theo đuổi việc khiếu nại từ 11 tháng qua, liên quan tới quyết định thu hồi đất ban hành từ 2005.
Bà nói bà sẽ trở về động viên chăm sóc chồng con trong ba ngày Tết Qu‎ý Tị tới đây, rồi sẽ lại quay ra Hà Nội.
Tuy nhiên, nhiều người khác đã quyết định ở lại bám trụ.
Bà Lê Hiền Đức nói: “Chúng tôi, lá rách đùm lá rách tả tơi, đang kêu gọi bà con ở Hà Nội để lo một cái Tết xa nhà cho bà con.”

XỬ CÔNG BẰNG VỤ ÁN ĐOÀN VĂN VƯƠN SẼ LÀ CƠ HỘI ĐỂ CỨU VỚT LÒNG TIN CHO ĐẢNG

'Xử công bằng chính là cứu Đảng'

Cập nhật: 10:31 GMT - thứ hai, 1 tháng 4, 2013

Cầu nguyện cho gia đình ông Đoàn Văn Vươn
Cầu nguyện công lý và sự thực cho gia đình ông Vươn ở nhà thờ Thái Hà hôm 31/3/2013
Người nhà ông Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý nói họ tin rằng việc tòa án xét xử "công bằng" đối với hai ông và những người thân trong vụ án cũng là một phương cách để "cứu Đảng" và "cứu nhà nước trong "tình hình khó khăn" hiện nay.
Ngay trước phiên tòa dự kiến diễn ra từ ngày mai 02-5/4/2013, bà Bấm Phạm Thị Hiền, em dâu ông Đoàn Văn Vươn cho BBC hay gia đình đã "sẵn sàng" từ một năm qua cho vụ xử.

Bà nói sẽ có tám luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo trong gia đình ông Vươn, đồng thời cho hay các luật sư và gia đình đã "thống nhất quan điểm" khẳng định rằng các bị cáo "không có tội" trong vụ phản kháng chống cưỡng chế đất đai ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng hôm 05/1/2012.
Bà Hiền nói gia đình mong muốn và kêu gọi các tổ chức, cá nhân, trong đó có người dân, các tổ chức phi chính phủ, nhân quyền quốc tế, trong và ngoài nước, tiếp tục "lên tiếng bảo vệ những người dân như chúng tôi," điều mà bà cho là cũng để "cứu nhà nước cũng như đảng cộng sản Việt Nam".
"Nếu vụ án của gia đình chúng tôi mà giải quyết một cách thỏa đáng, thì nhà nước Việt Nam sẽ chứng tỏ rằng đất nước Việt Nam là một đất nước văn minh, nhân đạo"
Bà Phạm Thị Hiền
Bà nói việc này "là cứu gia đình chúng tôi và cũng chính là cứu nhà nước Việt Nam cũng như Đảng cộng sản Việt Nam, trong thời khắc khó khăn nhất này, chúng tôi cho là thế."
"Bởi vì nếu vụ án của gia đình chúng tôi mà giải quyết một cách thỏa đáng, thì nhà nước Việt Nam sẽ chứng tỏ rằng đất nước Việt Nam là một đất nước văn minh, nhân đạo và chúng tôi hy vọng Chính quyền Hải Phòng sẽ làm được điều đó."
Ngay sau vụ xử hải anh em ông Vươn và Quý cùng người thân, từ ngày 8-10/4, sẽ diễn ra phiên sơ thẩm xét xử các quan chức huyện Tiên Lãng với cáo buộc "phá hoại tài sản riêng công dân" khi huy động xe ủi ủi đổ ngôi nhà của gia đình ông Vươn được cho là nằm ngoài khu vực bị cưỡng chế.
Khi được hỏi gia đình có phản ứng gì khi vụ xử các quan chức được sắp xếp sau phiên tòa với ông Vươn, ông Quý, mà không phải là đồng thời hay thậm chí là trước, bà Hiền nói:
"Hai vụ án cái nào xử trước, cái nào xử sau, thì đối với gia đình chúng tôi không quan trọng... Bởi vì với điều nào, khoản nào, thì chúng tôi đều nắm chắc là chúng tôi vô tội. Dù rằng chúng tôi được xử trước hay xử sau, chúng tôi đều khẳng định là chúng tôi vô tội."
Bà nói thêm: "Chúng tôi chỉ mong sao xử đúng người, đúng tội thôi và chúng tôi sẽ đi theo con đường ấy nên chúng tôi không quan tâm vụ nào xử trước, hay xử sau."

'Phải xử người ra lệnh'

Bí thư thành ủy Nguyễn Văn Thành
Luật sư đặt vấn đề các lãnh đạo cấp cao của TP Hải Phòng 'đã ra lệnh' phải ra tòa trong vụ án
Tuy nhiên trao đổi với BBC cũng hôm 31/3, luật sư Bấm Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc Hội, nói: ông tin rằng giữa hai vụ xử này có tương quan nhất định:
Ông nói: "Vụ xử đó cũng là một tương quan với vụ Đoàn Văn Vươn... Và vụ đó xử những người thừa hành mệnh lệnh của các ông lãnh đạo thành phố Hải Phòng thôi. Cho nên tại sao lại không xử những ông đó mà lại chỉ xử những người thừa hành?"
Luật sư Thuận cho rằng những người có trách nhiệm ra lệnh cao nhất ở chính quyền Thành phố Hải Phòng chưa bị đưa ra tòa và giải thích:
"Nếu xử ông Đoàn Văn Vươn thật nặng theo tinh thần cáo trạng thì những người kia sẽ bị xử rất nhẹ. Còn nếu Đoàn Văn Vươn mà xử nhẹ, thậm chí là không có tội, thì những người kia sẽ bị xử nặng hơn"
Luật sư Trần Quốc Thuận
"Những người đó theo đúng nghĩa là những người thi hành công vụ, vì họ làm theo lệnh của bên trên. Nhưng không thấy xử những người ra lệnh đó mà chỉ xử những người hành động."
Về bản án mà tòa có thể tuyên với các bị cáo là quan chức, luật sư Thuận nói: "Họ có thể suy rằng những người thi hành công vụ đó vượt quá quy định, hoặc vượt quá lệnh mà họ đã ban ra."
Khi được hỏi về trình tự, tương quan giữa kết quả của hai vụ xử, cựu quan chức Văn phòng Quốc hội nói:
"Nếu xử ông Đoàn Văn Vươn thật nặng theo tinh thần cáo trạng thì những người kia (quan chức Hải Phòng) sẽ bị xử rất nhẹ. Còn nếu Đoàn Văn Vươn mà xử nhẹ, thậm chí là không có tội, thì những người kia sẽ bị xử nặng hơn."
Cuối cùng, ông cho nhận định đây là "vụ án điểm" và có thể đã có "duyệt án", "chỉ đạo" từ cấp cao mà kết quả sẽ không thay đổi nếu có các phiên phúc thẩm.

'Anh hùng nông dân'

Buổi lễ cầu nguyện cho gia đình ông Vươn
Một số nhân sỹ, trí thức tại buổi lễ cầu nguyện cho gia đình ông Vươn hôm Chủ Nhật
Hôm Chủ Nhật, tại nhà thờ Thái Hà thuộc dòng Chúa cứu thế tại Hà Nội, đã diễn ra buổi lễ hiệp thông, thắp nến cầu nguyện cho ông Đoàn Văn Vươn và các bị cáo là người thân trong gia đình của ông.
Tại buổi lễ có các biểu ngữ được trưng lên nói: "Công lý – Sự thật cho Đoàn Văn Vươn,” "Đoàn Văn Vươn không phạm tội giết người”, “Quyền tư hữu về đất đai phải được tôn trọng”.
Trước Thánh lễ, theo tường trình trên một số trang blog, một văn bản của Giám mục Chủ tịch Ủy Ban Công Lý hòa bình và Giám mục Hải Phòng Giuse Vũ Văn Thiên đã được đọc cho những người dự lễ nghe.
Một số thông điệp và tin nhắn trên mạng xã hội trong dịp cuối tuần còn phát đi lời kêu gọi cộng đồng ủng hộ người mà họ cho là "anh hùng nông dân" Đoàn Văn Vươn.
Tại buổi lễ cầu nguyện tối hôm 31/3, ngoài thân mẫu ông Đoàn Văn Vươn, trong số giáo dân và cử tọa tham dự, còn có sự hiện diện của một số trí thức, nhân sỹ như Tiến sỹ Nguyễn Quang A, nghệ sỹ ưu tú Kim Chi, bác sỹ Phạm Hồng Sơn, bà Lê Hiền Đức, Giáo sư Ngô Đức Thọ, TS. Nguyễn Xuân Diện, blogger Nguyễn Tường Thụy, blogger JB Nguyễn Hữu Vinh, Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, vợ của ông Cù Huy Hà Vũ, và nhiều nhân vật khác.

'Tha bổng ông Vươn sẽ thu được lòng dân'

Cập nhật: 14:51 GMT - thứ ba, 2 tháng 4, 2013


Bà Kim Chi tham dự buổi lễ cầu nguyện cho gia đình ông Vươn ở nhà thờ Thái Hà
Sau khi ra Hà Nội dự lễ cầu nguyện cho gia đình ông Đoàn Văn Vươn, nghệ sỹ Kim Chi tiếp tục bày tỏ lòng tin ông Vươn vô tội, và chỉ hành động vì 'đã bị dồn đến chân tường'.
Trả lời BBC hôm khai mạc phiên xử ông Đoàn Văn Vương và thân nhân 02/04/2013 nghệ sỹ ưu tú, diễn viên điện ảnh Nguyễn Kim Chi nhận định về tòa án và chính quyền:
Vì là tài sản của người ta mà lại chiếm đoạt một cách phi lý thì người ta bảo vệ. Mà chính là năm ngoái thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có ý kiến rằng họ bị cưỡng chế này kia là sai rồi, mà những người lãnh đạo Hải Phòng đã từng bị kỷ luật rồi. Thế tại sao bây giờ lại làm ngược lại như thế thì chúng tôi rất là ngỡ ngàng và rất là căm phẫn.
BBC: Có một nhà báo cũng viết trên mạng rằng, vụ việc này nếu chính quyền xử chặt, sẽ là ngòi nổ cho các vụ phản đối chính quyền để đòi đất khác, và nếu xử công bằng, tự nó sẽ tháo gỡ được sự giận dữ của người dân vì người ta sẽ hy vòng còn có công lý, bà nghĩ sao về tình hình, đời sống của người dân hiện nay?
"Nếu người ta tha bổng cho Đoàn Văn Vươn, cho gia đình anh ta, thì điều đó sẽ thu phục được lòng dân. Còn nếu mà lấy quyền, lấy luật rừng để mà trừng trị một người lương thiện như thế, thì nhất định là tức nước thì phải vỡ bờ thôi."
Bà Kim Chi nói về vụ xử gia đình Đoàn Văn Vươn
Nghệ sỹ Kim Chi: Thật là khó nói. Và cái vụ việc này làm tôi rất là buồn. Nhưng mà đúng.
Tôi nghĩ rằng là nếu người ta thả bổng cho Đoàn Văn Vươn, cho gia đình anh ta, thì điều đó sẽ thu phục được lòng dân. Còn nếu mà lấy quyền, lấy luật rừng để mà trừng trị một người lương thiện như thế, thì nhất định là tức nước thì phải vỡ bờ thôi.
Người Việt Nam mình xưa nay vốn rất hiền hòa, theo tôi là như thế, chỉ khi nào người ta bị dồn đến chân tường thì người ta mới vùng dậy thôi.
BBC: Trong khi chống đối thì cũng có xảy ra thương tích, tai nạn cho những người phía chính quyền, thì bà có cho là ông Vươn cũng nên chịu tội?
Nghệ sỹ Kim Chi: Nếu mình công bằng thì mình phải đi từ cái gốc rễ của vấn đề. Vì sao lại có chuyện gia đình Đoàn Văn Vươn làm như thế? Bây giờ có người đến đe dọa thì người ta giăng những cái vũ khí tự tạo của người ta nhưng nếu mà chẳng ai đến thì làm gì có ai bị thương, làm gì có ai chống người thi hành công vụ.
Như tôi nói từ đầu, đấy là tài sản riêng của người ta, nhà nước Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khích lệ lấn biển, khai phá này kia, đó là cái mồ hôi và nước mắt và máu của gia đình người ta.
Bây giờ bỗng dưng người ta bị chiếm đoạt, thì tôi mà tôi vào cái sự việc đó thì tôi cũng làm như thế. Ai mà cướp đi sự sống của tôi một cách vô lý thì tôi cũng hành động như thế.
BBC: Cách đây vài tháng bà từng từ chối đăng ký làm bằng khen vì không muốn có chữ ký của thủ tướng Việt Nam, và nay lại xuất hiện cùng nhóm người ủng hộ gia đình ông Vươn, có ý kiến cho rằng bà đã ngả về phía bất đồng chính kiến, bà nghĩ sao?
Nghệ sỹ Kim Chi: Rõ ràng rồi. Rõ ràng là tôi bất đồng chính kiến với nhiều việc lắm. Và bởi vì tôi bất đồng chính kiến mà tôi mới có bức thư gửi cho hội Điện ảnh, với cái quan niệm là ôi trời, một ông thủ tướng ổng để nợ nần như thế mà sao mọi người ham được ông ý khen vậy. Tôi nghĩ là ông ấy phải từ nhiệm từ lâu rồi.
Rõ ràng là tôi hành động có suy nghĩ chín chắn của một người có lương tri, thương nước thương dân, chứ tôi không làm bốc đồng hay ngẫu hứng.
Cho nên cũng có những người ném đá, nói tôi chơi nổi, đánh bóng tên tuổi, nhưng tôi mặc họ thôi, tôi không để ý, quan tâm.
Tôi có thể nói một cái câu rất là bướng bỉnh, rất là láo nhưng mà tôi rất thích, là dân gian có một câu là tôm tép luôn luôn nghĩ là cứt của ai cũng ở trên đầu chúng nó.
Tôi không sợ những lời vu khống...
BBC: Bà cũng từng tham gia cách mạng, từng tham gia chiến tranh mong giành độc lập để có cuộc sống tốt đẹp hơn, thì giờ bà có bao giờ thấy tiếc, thấy thất vọng, khi mà xã hội bây giờ không được như mình mong muốn?
Nghệ sỹ Kim Chi: Nó là hai giai đoạn. Cái giai đoạn đó, nếu như ai chứng kiến, thí dụ như thảm sát ở Phú Riềng, ở rất nhiều nơi, thì sẽ thấy là cái chế độ đó phải được dẹp đi.
Cho nên tôi cũng trong đoàn quân rất là hồ hởi đi vào chiến trường để mà tham gia. Và tôi quan niệm đó là việc xác đáng nên tôi cũng không sợ chết cái tuổi trẻ, tôi rất là hào hứng.
"Rõ ràng là tôi bất đồng chính kiến với nhiều việc lắm... Rõ ràng là tôi hành động có suy nghĩ chín chắn của một người có lương tri, thương nước thương dân, chứ tôi không làm bốc đồng hay ngẫu hứng."
Nghệ sỹ ưu tú Kim Chi
Cho đến bây giờ, thực ra mà nói, tôi cũng không tiếc công, tiếc sức gì hết, vì bao nhiêu người đã nằm lại chiến trường người ta không về, thì tôi cũng không có cái gì tiếc.
Nhưng tôi nghĩ là, lãnh đạo hiện nay, không chỉ có mình ông Nguyễn Tấn Dũng đâu, là đã phản bội lại nhân dân.
Độc lập mà không có ấm no, không có tự do thì độc lập chẳng làm gì hết, đó, cụ Hồ Chí Minh đã nói như vậy.
Cho đến giờ này, mấy chục năm qua, dân vẫn khổ, đất đai bị chiếm để làm dự án này, quy hoạch kia mà dân vẫn đói khổ, phải xuống đường để đòi đất thì đau đớn lắm.
...Nếu mà cứ cúi đầu sợ hãi mãi thì sẽ không bao giờ có sự thay đổi.
Bản thân tôi cũng từng rất tự hào mình là đảng viên đảng Cộng sản trước đây, nhưng mà bây giờ thì, Đảng đã làm mất lòng tin của nhân dân.
Rất nhiều bạn bè, con cháu tôi nói giỡn là “Ừ, mẹ là đảng viên nhưng mà tốt,” làm tôi buồn lắm. Đảng bây giờ nhiều người lợi dụng để có chức có quyền, để hà hiếp nhân dân cho nên tôi buồn lắm.
Nói lại chuyện Đoàn Văn Vươn thì tôi phản đối tới cùng nếu như mà xử oan sai, xử nặng...
BBC: Điều gì trong xã hội Việt Nam hiện nay khiến bà trăn trở nhiều nhất?
Nghệ sỹ Kim Chi: Tôi trăn trở nhiều nhất là dân không được tự do. Thực sự là không được tự do.
Vừa rồi chúng tôi góp ý thay đổi hiến pháp thì bị người ta quy chụp là có cái tư tưởng này kia, chống đối rồi thoái hóa, đủ kiểu. Nếu vậy thì các vị lãnh đạo chỉ muốn người ta vâng dạ thôi, chứ không muốn người ta góp ý chân thành về những điều cần làm để mà sửa chữa.
Xin chân thành cám ơn bà đã nói những lời tâm huyết từ trái tim của Lương tâm