3 thg 4, 2013

Đã đến lúc Công lý được nhắc tới từ các quan chức C.A

Công an TP HCM lên tiếng về thu hồi đất

Cập nhật: 11:37 GMT - thứ ba, 2 tháng 4, 2013

Trong đợt góp ý Dự thảo Luật đất đai tại thành phố Hồ Chí Minh, lực lượng công an tại đây đã đề nghị Nhà nước không can thiệp vào chuyện thu hồi đất cho “các dự án phát triển kinh tế –xã hội”.
Ý kiến được trang web Bấm Công an TPHCM hôm 2/4/2013 đăng tải, nói cán bộ chiến sỹ công an thành phố đã nêu ý kiến:
“Cần tránh việc lợi dụng danh nghĩa thu hồi đất để trục lợi cá nhân, tổ chức và chủ đầu tư dự án phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quyền lợi về tài sản đất đai của người dân.”
Trong khi Hải Phòng đang diễn ra vụ xử gia đình ông Đoàn Văn Vươn “chống người thi hành công vụ” trong vụ cưỡng chế đất ở Tiên Lãng hồi đầu năm 2012, các ý kiến mà trang Công an TPHCM nêu ra một cách chính thức là điều đáng chú ý dù xảy ra ở một địa phương khác.

Tránh lợi ích nhóm

Công an TP cũng bày tỏ lo ngại chuyện thu hồi đất “để sử dụng vào mục đích thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội dễ bị lạm dụng phục vụ lợi ích riêng, lợi ích nhóm”.
Trong một phát biểu phân biệt rõ chức năng của Nhà nước mà các chiến sỹ công an là lực lượng thực hiện thi hành pháp luật, họ đã đề nghị chỉ “thu hồi đất để sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng”.
Mặt khác, công an TPHCM có vẻ cũng không muốn trở thành một bên bênh vực cho các nhà đầu tư, và vì thế đã đề nghị:
“Các nhà đầu tư thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội phải trực tiếp thỏa thuận với người sử dụng đất.”
Không chỉ có vậy, công an TPHCM trong phần góp ý về Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) còn phê phán các bất cập trong chính sách bồi thường đất đai theo Luật Đất Đai 2003 và nêu ra các thách thức về mặt kinh tế cũng như an ninh chính trị:
“Giá bồi thường tại thời điểm thu hồi đất chênh lệch rất lớn và thấp hơn nhiều so với giá thị trường; chính sách hỗ trợ, tái định cư còn nhiều điểm chưa hợp lý,"
Bài trên báo Công an TP HCM cũng viết:
"Rất nhiều trường hợp hộ gia đình khi chuyển về nơi tái định cư không có việc làm, đời sống gặp nhiều khó khăn, trong khi chính quyền địa phương, chủ đầu tư chưa thực sự quan tâm đến đời sống của họ...”
“Đó là một trong những nguyên nhân gây cản trở trong công tác thu hồi, chống người thi hành công vụ, khiếu kiện đất đai kéo dài làm phức tạp tình hình chính trị địa phương.”
"chống người thi hành công vụ, khiếu kiện đất đai kéo dài làm phức tạp tình hình chính trị địa phương"
Trong những năm qua, cùng với đà phát triển kinh tế tại Việt Nam, các vụ thu hồi và cưỡng chế đất mà trên lý thuyết thuộc sở hữu của 'toàn dân' đã gây ra nhiều căng thẳng xã hội.
Nếu như vụ Tiên Lãng có sự tham gia của quân đội, trong nhiều vụ việc khác, lực lượng công an thường là nhóm phải đi đầu trong công tác cưỡng chế đất.
Ví dụ như hôm ngày 31/1 năm nay giới chức địa phương đã đưa lực lượng chừng 200 người, gồm công an, thanh tra giao thông tới trấn áp dân Dương Nội, thuộc Hà Nội trong một vụ khiếu kiện đất đai gây xung đột, giằng giật ác liệt.
Trước đó, hồi tháng 4/2012, một lực lượng đông đảo công an đã được chính quyền điều vào cuộc nhằm cưỡng chế đất của nhiều hộ nông dân địa phương cho dự án Ecopark của một chủ đầu tư.
Tại đây, hai nhà báo của Đài tiếng nói Việt Nam đã bị công an mặc sắc phục đánh khi về đưa tin.

Dân Dương Nội 'quyết tử giữ đất'

Cập nhật: 15:06 GMT - thứ năm, 31 tháng 1, 2013

Trong những ngày cuối năm Âm lịch, tình hình khiếu kiện đất đai có vẻ như không hề dịu đi.
Được nhắc tới nhiều nhất trong những ngày qua là cuộc đấu tranh càng lúc càng lên cao của người dân phường Dương Nội, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.
Trên một số trang mạng xã hội và blog cá nhân nói 9h30 sáng ngày 31/1 giới chức địa phương đã đưa lực lượng chừng 200 người, gồm dân phòng, công an, thanh tra giao thông và cả đầu gấu tới đàn áp dân Dương Nội, gây xung đột, giằng giật ác liệt.
Các đoạn video clip được đăng tải trên mạng cho thấy bầu không khí nơi này rất sôi sục, người dân đánh trống, khua kẻng rầm rộ với các đám lửa, các nùi rơm "hỏa công" được đốt cháy đùng đùng trong cuộc đối đầu kéo dài chừng một tiếng.

Chưa có hồi âm?

Dương Nội là nơi giới chức khi cho tiến hành ủi phá nhằm thu hồi đất hồi tháng 3/2010 đã ủi phá cả mồ mả của người dân, dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài từ đó đến nay ở các cấp từ trung ương đến địa phương.
Đầu tháng Năm 2012, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận điều tra theo hướng mà người dân Dương Nội nói là "bao che cho Quận Hà Đông cướp đất".
Các hộ gia đình tiếp tục đệ đơn khiếu này hồi trung tuần tháng Bảy 2012 nhưng đến nay chưa nhận được hồi âm.
Tâm trạng chống đối tại Dương Nội dâng cao khi gần đây nhất, giới chức dự kiến sẽ thu hồi đất vào ngày 17/1/2013. Được biết từ hôm 11/1, người dân địa phương đã bắt đầu căng lều trại, dựng hình nhân và các băng-rôn, khẩu hiệu như "Nhân dân phường Dương Nội thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất đất", hay "Từ đám cháy nhỏ có thể thiêu tất cả".
Thậm chí có băng-rôn ghi "Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh. Học tập Đoàn Văn Vươn".
Bà Trần Thị Huỳnh Mai, người Bình Dương, cũng là một người đi khiếu kiện đất đai từ nhiều năm nay, cho BBC Tiếng Việt biết hôm 31/1:
"Có những cụ già 70, 80 tuổi ra đặt lều chõng, ăn ở tại chỗ trong tiết trời giá rét, mưa phùn để giữ mồ mả ông cha."

Người dân Dương Nội dựng lều từ giữa tháng Giêng để giữ đất
"Tôi thấy bà con chuẩn bị rất nhiều vũ khí, sẵn sàng chiến đấu," bà nói thêm.
Chỉ trước đó ít hôm, ngày 28/1, người dân Dương Nội đã bị giới chức giằng băng-rôn phản đối khi đang cùng dân nhiều tỉnh khác đứng trước trụ sở tiếp dân (xem video ở trên).
Bà Huỳnh Mai nói thái độ của giới chức hôm 28/1 là "thanh tra chính phủ làm ngơ trước nỗi bức xúc của dân".

Bất bình rộng khắp

Bà Trần Thị Huỳnh Mai nói cùng chung “nỗi uất ức bị thu đất oan” sai khiến người dân các địa phương trở nên gắn bó, đoàn kết đùm bọc nhau.
Bà cho biết bà và nhiều người dân các tỉnh khác về Hà Nội khiếu nại, trong những ngày cơ quan nhà nước đóng cửa, cũng về Dương Nội để "học tập cách bảo vệ đất của Dương Nội".
Được biết hôm 28/1, bên cạnh dân Dương Nội còn có người dân từ nhiều tỉnh như An Giang, Đắc Nông, Bình Dương, Đồng Nai, Trà Vinh, Nam Định, Hòa Bình... đã cùng tụ tập trước trụ sở tiếp dân để khiếu nại.
Cùng ngày 31/1, trong lúc có đụng độ ở Dương Nội thì được biết Thanh tra Chính phủ tiến hành gặp dân.
Tuy nhiên, bà Lê Hiền Đức, một gương mặt nổi tiếng về các hoạt động hỗ trợ người dân kêu oan và chống tham nhũng, cho biết “chiều hôm nay, dự buổi đối thoại chỉ là một ông không có thẩm quyền giải quyết việc gì” khiến cho “người dân rất thắc mắc”.
Bà Huỳnh Mai nói bà đã từ Bình Dương ra Hà Nội theo đuổi việc khiếu nại từ 11 tháng qua, liên quan tới quyết định thu hồi đất ban hành từ 2005.
Bà nói bà sẽ trở về động viên chăm sóc chồng con trong ba ngày Tết Qu‎ý Tị tới đây, rồi sẽ lại quay ra Hà Nội.
Tuy nhiên, nhiều người khác đã quyết định ở lại bám trụ.
Bà Lê Hiền Đức nói: “Chúng tôi, lá rách đùm lá rách tả tơi, đang kêu gọi bà con ở Hà Nội để lo một cái Tết xa nhà cho bà con.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét