22 thg 3, 2013

Chơi với Trung Quốc, VN nên học bản lĩnh Myanmar


            Myanmar đang là điểm sáng của thế giới về sự tiến bộ xã hội và dân chủ. Sau thời gian ngắn thay đổi thể chế chính trị, từ ao tù nước đọng, Myanmar hòa vào dòng chảy biển lớn của thế giới . Trước đây như là cái sân sau của Trung Quốc, hiện thời Myanmar coi Bắc Kinh chỉ là đối tác bình đẳng như mọi đối tác khác. Myanmar đã thay đổi về chất trong quan hệ với Trung Quốc.
            Tháng 3.2009 tại Bắc Kinh, Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc với Bộ trưởng ngoại giao Myanmar ký bản thỏa thuận song phương về việc xây dựng đập thủy điện trên sông Irrawaddy. Thực ra siêu dự án này được “mang thai” từ tháng 4.2005 giữa tướng Than Shwe, người đứng đầu chế độ quân phiệt hà khắc của Myanmar thời đó, với “đồng chí” Hồ Cẩm Đào trong cuộc gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh Á-Phi.
            Sông Irrawaddy hội đủ 3 cái nhất: dài nhất, lưu vực lớn nhất, lưu lượng nước lớn nhất trong tất cả các con sông của Myanmar. Đại dự án thủy điện này khởi công từ tháng 11.2009. Phía Trung Quốc ôm trọn từ thiết kế, thiết bị, nguồn nhân lực, kinh phí đầu tư, lợi nhuận… Tổng mức đầu tư cho dự án lên đến 3,6 tỉ USD. Sau khi đập thủy điện hoàn thành sẽ có hơn 765 km2 bị ngập nước quanh năm. Hơn 10.000 người dân đã phải di dời trước sự cưỡng bức của lực lượng quân đội. Trong khi đó, tại thời điểm nóng nhất, gần 40.000 công nhân Trung Quốc có mặt tại công trình này.
            Theo thỏa thuận đã được 2 bên ký kết, dự án thủy điện sẽ bàn giao cho Myanmar sau 50 năm do Trung Quốc trực tiếp quản lý và vận hành. Hơn 15% lợi nhuận từ dự án được chia cho “thuộc địa” Myanmar, còn lại Trung Quốc xơi tất. Nguồn điện năng được chia làm 2 phần, hơn 90%chuyển sang Trung Quốc, gần 10% để lại cho “bản xứ” Myanmar. Khen cho Trung Quốc khéo phỉnh. Bất công đến mức ấy mà vẫn làm cho đối tác mê muội ký vào thỏa thuận.
            Số phận đại dự án thủy điện đã thay đổi theo sự “đổi đời” thể chế chính trị tại Myanmar. Sau khi trở thành tổng thống của quốc gia dân chủ Myanmar, ông Thein Sein quyết xem xét lại dự án thủy điện bằng cách để cho người dân công khai bày tỏ ý kiến. Câu trả lời từ lòng dân trở thành sức mạnh phi thường: hơn 90% người dân được hỏi phản đối dự án thủy điện. Ngày 30.9.2011, phát biểu trước Quốc hội, tổng thống Thein Sein dõng dạc tuyên bố đình chỉ xây dựng dự án thủy điện.
            Quyết định của người đứng đầu Myanmar hợp lòng dân, thực sự dựa vào dân. Phía Trung Quốc không những bất ngờ mà còn phát khùng khi người đứng đầu Myanma tuyên bố đình chỉ dự án.
            Tuyệt vời bản lĩnh mang thương hiệu Myanmar.
            Nể phục người dân Myanmar mười phần. Một trăm phần kính phục xin nhường cho người đứng đầu quốc gia này.
            Chơi với Trung Quốc phải có bản lĩnh như Myanmar.

Bá Tân
( Trannhuogn.com )

Rùng mình đũa Trung Quốc "ngậm" chất độc

honngv: Dù bài này có ngay trên trang Dân tri, song mình vẫn cọp về đây trên tinh thần "giết nhần hơn bỏ sót !".


Nhúng đũa dùng một lần vào nước, nước biến màu, bốc mùi khó chịu. Tổng thư ký Hiệp hội Đóng gói Thực phẩm Quốc tế nói rằng, màu sắc và mùi vị như vậy chứng tỏ đũa bị tẩm sấy hóa chất độc hại, thuộc diện cấm sử dụng.

 Rùng mình đũa Trung Quốc ngậm chất độc
 Một công nhân nhà máy đũa dùng một lần ở tỉnh Quảng Tây chỉ cách đánh bóng đũa bằng đá tan và sáp độc hại. Ảnh: Xinhua.
Diễn viên nổi tiếng Huang Bo ngày 17/3 viết trên mạng xã hội rằng, khi rửa đũa dùng một lần mà một nhà hàng đưa cho, ông kinh ngạc nhận thấy nước trong biến thành màu vàng, bốc mùi hăng nồng.

“Hãy ngừng sử dụng đũa để không những bảo vệ môi trường mà còn bảo vệ mạng sống của chính bạn”, diễn viên góp mặt trong “Tây Du Ký” (2013), “Huyền thoại Trần Chân” (2010), “Kungfu bóng rổ” (2008), viết trên blog.

Thông điệp này được người dùng internet chuyển cho nhau 125.000 lần. Nhiều người đề nghị tài tử Huang Bo tiết lộ tên nhà hàng; ông nói rằng, đũa bẩn không chỉ được cung cấp cho một hiệu ăn đó mà rất nhiều nơi khác.

Ông Dong Jinshi, Tổng thư ký Hiệp hội Đóng gói Thực phẩm Quốc tế, nói rằng, màu sắc và mùi vị bất thường như vậy chứng tỏ đũa bị tẩm sấy lưu huỳnh và nhiều hóa chất bị cấm sử dụng khác.

“Lưu huỳnh, hydrogen peroxide, sodium sulfite và chất chống mốc là những hóa chất thường được người ta sử dụng trong sản xuất đũa dùng một lần, dù không được phép”, ông Dong khẳng định.

Tháng 4/2004, tỉnh Thiểm Tây cấm sản xuất, buôn bán và sử dụng đũa dùng một lần, nhưng sản phẩm này vẫn xuất hiện ở chợ, nhà hàng. Tháng 12/2011, Thiểm Tây cấm sử dụng đũa gỗ dùng một lần trong các nhà hàng ở tỉnh này; nếu vi phạm, nhà cung cấp dịch vụ sẽ bị phạt tới 320 USD.
Theo ông Dong, hầu hết đũa được sản xuất tại những xưởng nhỏ ở miền núi - nơi các công ty không cần giấy phép sản xuất. Sau đó, đũa được vận chuyển tới các thành phố lớn để đóng gói.

“Ví dụ, có tới 7-8 nhà máy đũa ở huyện Daxing của thủ đô Bắc Kinh, nhưng tất cả chỉ phụ trách đóng gói. Vì đũa được mua đi bán lại quá nhiều lần trước khi đến nhà máy đóng gói, nên ngay cả chủ nhà máy đũa cũng không thể chỉ rõ nguồn gốc sản phẩm của họ”, ông Dong nói.

Năm 2010, báo chí Trung Quốc phát hiện lỗ hổng lớn trong quản lý sản xuất đũa. Cục Thực phẩm và Dược phẩm Nhà nước yêu cầu các đơn vị địa phương điều tra chất lượng đũa. Nhưng kết quả điều tra không được đăng tải trên website của Cục và những năm sau đó, chất lượng đũa không còn được coi là hạng mục điều tra quan trọng nữa. “Tiêu chuẩn chất lượng chỉ có ở trên lý thuyết, chưa bao giờ được áp dụng trong thực tế”, ông Dong nhận định.

Bà Fan Zhihong, chuyên gia an toàn thực phẩm công tác tại Đại học Nông nghiệp Trung Quốc, nói: “Không có số liệu về việc lượng hoặc dư lượng hóa chất ngấm vào người dùng, nên rất khó xác định tác động của chúng đối với sức khỏe con người”. Vì vậy, sức khỏe người tiêu dùng bị bỏ mặc cho họ tự lo, mà trên thực tế, nhiều người tặc lưỡi cho qua khi mua đũa.

Nhiều người nghĩ rằng, đũa dùng một lần đảm bảo vệ sinh, nhưng thực tế là chúng bị tẩy trắng quá mức và có thể ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Có công nhân nhà máy đũa nói rằng, họ còn dùng sáp độc hại paraffin để đánh bóng đũa.

Hộp xốp gây lo ngại
Giữa tháng 3, các chuyên gia an toàn thực phẩm Trung Quốc bày tỏ lo ngại trước việc dỡ bỏ lệnh cấm hộp xốp dùng một lần làm từ polystyrene để đựng thức ăn mang đi. Lệnh cấm được dỡ bỏ ngày 16/2, sau 14 năm áp dụng ở Trung Quốc đại lục.

Ông Dong Jinshi nói rằng, polystyrene chủ yếu được làm từ polystyrene bỏ đi sau khi được dùng để bọc tủ lạnh, ti-vi, nên không đủ độ an toàn để đựng thức ăn.

Tuy nhiên, ông Cao Jian, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến Nhựa Trung Quốc, cho rằng, công nghệ tái chế hiện nay đã được cải tiến nên hộp xốp chịu được nhiệt, dầu mỡ và nước, nên có thể dùng để đựng thực phẩm.

“Polystyrene rất xốp. Khi bị đun nóng trong lò vi sóng hoặc đựng thức ăn có nhiệt độ trên 70 độ C, nó sẽ giải phóng ra các hóa chất độc hại”, ông Dong khẳng định. Một nhà sản xuất hộp xốp nói rằng, một số nguyên liệu tối màu nên phải dùng chất tẩy trắng.

Theo ông Dong, bất chấp lệnh cấm, hộp xốp đựng thức ăn vẫn được sản xuất, sử dụng ở Bắc Kinh nhiều năm qua. Ở Trung Quốc, khoảng 100 triệu hộp polystyrene vẫn được sản xuất mỗi năm, và “khoảng 20% bộ đồ ăn dùng một lần ở Bắc Kinh hiện nay được làm từ polystyrene”, ông nói. Theo ông, hơn 50% hộp xốp đựng thức ăn ở Trung Quốc không đạt tiêu chuẩn quốc gia.

Mỗi năm, Trung Quốc chặt 20 triệu cây 20 năm tuổi để làm ra 80 tỷ đôi đũa dùng một lần, theo đại biểu Quốc hội Trung Quốc Bai Guangxin, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Rừng Cát Lâm.

Theo Thái An
Tiền phong/China Daily, Xinhua

Thư ngỏ gửi Đại biểu Quốc hội khóa XIII

TP Hồ Chí Minh, ngày 19 tháng 3 năm 2013
Kính gửi Ông (Bà): Đại biểu Quốc hội khóa 13
Đầu thư, tôi xin chân thành gửi đến Qúi vị lời chúc sức khỏe và hạnh phúc.

Xin tự giới thiệu tôi tên Nguyễn Hữu Hoàn, năm nay 49 tuổi. Năm 1982 đạt Huy chương Đồng Olympich Toán Quốc tế tại Hunggary, được đi học và tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp Bêlaruss (Liên Xô cũ) năm 1988. Từ năm 1989 đã qua công tác tại Phân viện Khoa học Việt Nam tại TP HCM, Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam, Trường Đại học Dân lập Văn Lang, Trường Đại học Dân lập Kỹ thuật Công nghệ, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Vinhempich. Hiện nay là giáo viên tự do, sống cùng vợ và 2 con tại Quận 5 TP HCM, không có tiền án và tiền sự.

Sở dĩ tôi giới thiệu như vậy để Quí vị công nhận rằng tôi là một công dân có đủ năng lực về trí tuệ, không có hận thù với chế độ và không phải là người suy thoái đạo đức, tác phong và lối sống.

Tôi viết thư này đến Qúi vị trên tinh thần là trao đổi ý kiến của một công dân bình thường với một công dân đã được nhân dân tin tưởng giao trách nhiệm trong cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước. Tôi chắc rằng sẽ có những lời lẽ rông dài, động chạm làm cho Quí vị không được vui. Mong Quí vị bỏ qua trước và hết sức thông cảm cho tôi vì “trung ngôn nghịch nhĩ” mà.

Vấn đề tôi muốn trao đổi là Điều 4 trong Dự thảo Hiến pháp mới: thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với Nhà nước và xã hội.

Chắc Quí vị cũng đã biết có nhiều ý kiến trái ngược nhau về Điều 4 này. Một bên đại diện cho quyền lợi của Đảng CS thì phải giữ được điều này trong Hiến pháp, một bên là những người muốn một xã hội dân chủ thực sự thì cho là nên bỏ điều này đi.

Tôi biết rõ rằng tuyệt đại đa số Đại biểu Quốc hội là Đảng viên Đảng CS, và không loại trừ khả năng trước khi Quốc hội đưa ra thảo luận sửa đổi Hiến pháp, sẽ có một chỉ thị của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương cho từng Đảng viên Đại biểu Quốc hội là không được thảo luận mà phải thông qua ngay Điều 4 này.

Vì vậy, tôi xin Quí vị nếu là Đảng viên hãy tạm quên mình là Đảng viên trong phút chốc và suy nghĩ với tư cách là đại diện cho 80 triệu người dân của đất nước này.

Câu hỏi 1: Đảng CS có phải là đại biểu trung thành cho lợi ích của Nhân dân Việt Nam không?

Từ năm 1930 đến năm 1975, Đảng đã lãnh đạo nhân dân giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, đó là công lao của Đảng không ai phủ nhận. Nhưng xin Đảng cũng đừng quên ngoài sự lãnh đạo của mình còn có sự hy sinh của hàng triệu đồng bào và chiến sĩ trên cả nước.

Trong thời kỳ này, Đảng cũng có những sai lầm trầm trọng, cụ thể là thời kỳ cải cách ruộng đất đã tước đi sinh mạng của hàng vạn người vô tội và cướp đoạt tài sản của nhiều người dân làm ăn lương thiện.

Từ năm 1975, học theo đường lối của Liên Xô, Đảng đã đưa nền kinh tế theo con đường tập thể hóa, kết quả là kinh tế không phát triển được, người dân lao động bị bần cùng hóa. Nhận thức được điều đó, tại Đại hội 6,  Đảng đã phải chấp nhận từ bỏ chế độ tập trung bao cấp, công nhận nền kinh tế nhiều thành phần và cơ chế thị trường trong sản xuất kinh doanh. Như vậy đây là bước sửa sai của Đảng, vì nền kinh tế thị trường là một quy luật khách quan mà cơ chế bao cấp là cái phanh (thắng) cản trở. Tuy nhiên trong khi nền kinh tế đang phát triển theo quy luật vốn có của nó thì Đảng lại cho là đấy là công lao của mình. Cũng như một cái xe đã nổ máy và vào số rồi mà người lái cứ đạp mạnh thắng cho nên không thể chạy được. Sau khi nhả thắng ra thấy xe chạy thì anh ta la lớn lên: ”Cái thắng là động lực làm cho cái xe chạy”. Thật là trơ trẽn và xấu hổ.

Tuy nhiên, bước sửa sai từ đó đến nay của Đảng là chưa triệt để. Tư tưởng lấy kinh tế quốc doanh làm chủ đạo đã bộc lộ những thiếu sót trầm trọng. Nhân dân được hưởng lợi gì khi các Tổng Công ty, Tập đoàn Nhà nước làm ăn kém hiệu quả, gây thua lỗ làm Nhà nước phải bỏ tiền thuế của dân ra khắc phục?

Nguyên nhân chính của việc kinh tế quốc doanh kém hiệu quả là do sự thiếu trách nhiệm và năng lực quản lý tồi của các cán bộ chủ chốt. Họ là những người được Đảng giao trọng trách nhưng lơ là vì “cha chung không ai khóc” và khi có cơ hội là tham ô, tham nhũng tràn lan làm mất lòng tin của nhân dân.

Để nền kinh tế phát triển, phải nhanh chóng cổ phần hóa các Doanh nghiệp Nhà nước để quyền quyết định vận mệnh doanh nghiệp thuộc về người lao động và nhân dân, những người chủ thực sự của Doanh nghiệp.

Trên mặt trận văn hóa tư tưởng, sai lầm chết người của Đảng là trù dập những người bất đồng chính kiến. Biết bao những người có tư tưởng đổi mới bị chụp mũ là suy thoái đạo đức, bị kết tội và cầm tù… Cả một bộ máy thông tin khổng lồ chỉ đưa tin một chiều để bảo vệ quyền lợi của Đảng. Những tiếng nói phản biện không được thông tin rộng rãi.

Câu hỏi 2: Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội nhằm mục đích gì?

Điều lệ Đảng quy định đảng viên phải đặt lợi ích của nhân dân lên trên lợi ích của mình. Nhưng đa số đảng viên có quyền chức hiện nay có làm như vậy không? Xin thưa rằng không. Họ lo vun vén cho lợi ích bản thân và gia đình, chọn người nhà của mình vào những vị trí then chốt trong bộ máy Nhà nước…Như vậy, một khi còn Đảng lãnh đạo thì quyền lợi của đảng viên cũng được đảm bảo. Đây là điều hay nhất trong tiêu chí “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” đấy.

Câu hỏi 3: Nếu Điều 4 trong Hiến pháp hiện hành không có nữa thì hậu quả sẽ như thế nào?

1. Lãnh đạo đất nước sẽ là những người do nhân dân sáng suốt lựa chọn. Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng chính phủ… không cần là người của Bộ Chính trị mà là những người thực sự có trách nhiệm với nhân dân.

2. Không có Đảng lũng đoạn nên tham nhũng sẽ khó có đất phát triển. Nguồn lực của nhân dân là ngân sách Nhà nước sẽ được huy động tối đa để phát triển đất nước.

3. Những kẻ cơ hội, không có năng lực thực sự đã chui vào Đảng thì không còn đất để kiếm ăn.

Trên đây là một số câu hỏi và suy nghĩ cảm tưởng của cá nhân tôi chia sẻ cùng Quí vị. Nếu đây là những ý kiến có mảy may trọng lượng nào đấy thì xin Qúi vị tham khảo thêm tại:


Nguyện vọng tha thiết của tôi là Quí vị hãy cân nhắc, đưa ra thảo luận công khai trên diễn đàn Quốc hội những vấn đề trên và hãy thêm một lá phiếu “không thuận” cho điều 4 của Hiến pháp.

Xin cám ơn Quí vị đã đọc thư và nếu có chút đồng cảm hãy thông tin cho tôi theo địa chỉ:

Nguyễn Hữu Hoàn
322/15 An Dương Vương P 4 Q 5 TP Hồ Chí Minh
ĐT: 08 3832 5992 ;  DĐ: 012 8359 2229
Email: thuydunghoan@yahoo.com

Kính thư
Nguyễn Hữu Hoàn

” Bên thắng cuộc” đã thắng


       

   Hiện nay dù có rất nhiều ý kiển khác nhau về cuốn sách Bên Thắng Cuộc ( Tập I: Giải phóng, tập 2: Quyền Bính) của nhà báo Huy Đức. Báo chí lề phải thì liên tục in bài phê phán, chê bai nào là “một nửa sự thật không phải là sự thật”, nào là “người viết với tâm thức bất mãn, chống đối ”… Nhưng đa số trí thức, văn nghệ sỹ, đa số dân mạng trong nước thì ca ngợi là cuốn sách có ích, đây là Minh triết của Sự Thật . Theo Nguyễn Hoàng Thị Bắc, một người Mỹ gốc Việt ở Virginia , Hoa Kỳ thì :” có cả biểu tình tẩy chay sách từ người Việt ngoài nước” ( tức những người chống Cộng). Có thế lực đã  hù doạ, lăng mạ tác giả ở trong nước.v.v.. Nhưng lạ lùng là tất cả đều say mê tìm đọc. Ai cũng cho rằng Bên thắng cuộc của Huy Đức là quyển sách hot nhất trong năm 2012 và cả năm 2013 này, và sẽ còn tiếp tục gây tranh cãi…
      Dù Osin Huy Đức ghi ở đầu sách :” Huy Đức & OsinBook/2012 giữ bản quyền; Không in lại, sao chép, tái bản, một phần hay toàn bộ cuốn sách, dưới dạng điện tử hay giấy, khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của tác giả và nhà xuất bản”, nhưng cuốn sách đã lan truyền đi khắp toàn cầu, đến với những người Việt khao khát  muốn biết sự thật trong nước. Rồi ở Pháp, Mỹ, Đức, Anh ,Úc… người Việt  chuyển email về cho người thân ở trong nước. Rồi bạn bè chuyển sách qua email cho nhau. Ai không có thì điện thoại cho người có để giục “xin chuyển tiếp”. Thành ra ai cũng được đọc Bên thắng cuộc ở bản điện tử từ rất sớm, khi bản giấy đang in. Bản in giấy bán gần 40 USD/2 tập ( giá một cuốn là 19,99 USD) ở Mỹ.  Có chị bác sĩ, cán bộ về hưu nói với tôi, “tôi mua được cuốn sách điện tử Bên Thắng Cuộc đọc suốt hai ngày đêm. Đêm qua thức đến  bốn rưỡi sáng mới đọc xong những trang chú thích. Đọc rất xúc động. Ngay cả những trang chú thích cũng rất hấp dẫn”. Bên Thắng Cuộc ( trên mạng) tập Giải phóng dày 389 trang A4, có 43 trang tài liệu và chú thích ; tập 2 :Quyền bính dày 760 trang, trong đó 163 trang tài liệu tham khảo và  654 cái chú thích. Đọc cho hết cả ngàn trang sách trên mạng ấy thật nhức mắt. Nhưng hầu như 100% người Việt Nam trong nước quan tâm đến mạng đều đã đọc cả hai tập Bên Thắng Cuộc một cách say mê, thích thú hay căm tức, thù hận. Nhưng tất cả đều đọc kỹ. Như vậy, những người không  thích Bên Thắng Cuộc đã không ngăn chặn được nó đến với người đọc bằng mọi cách. Nghĩa là Bên Thắng Cuộc đã thắng, Huy Đức đã thắng.
          Tại sao người đọc say mê Bên Thắng Cuộc ? Vì Bên Thắng Cuộc đã trả lời cho người đọc những câu hỏi rất bức xúc của đất nước từ sau 1975, mà lâu nay, người dân thấp cổ bé họng không biết được cấu trúc bí ẩn của sự thật. Tại sao nền công nghiệp và dịch vụ thương mại hiện đại của miền Nam trước năm 1975 bị phá tan tành, trở về con số không, mãi 30 năm sau mới phục hồi được ? Ai chịu trách nhiệm trước nhân dân và lịch sử việc này ? Tại sao Sài Gòn là “Hòn Ngọc Viễn Đông”, thời chưa giải phóng người Thái Lan sang Sài Gòn như đi vào xứ sở mơ ước, thế mà gần 40 năm sau, người Sài Gòn lại đi thăm Thái Lan như là xứ sở của tự do và phát triển và gửi con sang học ở các trường Đại học ở Thái Lan ?. Tại sao 40 năm sau giải phóng đất nước đến nay vẫn nghèo nàn, đứng trong tốp cuối của khối ASAEN ? Tại sao hàng triệu người miền Nam đã tìm mọi cách để vượt biên ra nước ngoài, dù phải làm mồi cho cá mập và hải tặc ngoài biển khơi mênh mông trong những năm 80 của thế kỷ XX ? Tại sao 40 năm rồi vẫn chưa hòa giải dân tộc được ? Tại sao tham những, lợi ích nhóm ngày càng phát triển, đến mức đã trở thành quốc nạn ? Tại sao người nông dân mất đất ngày càng nhiều, ngày nào cũng kéo nhau về Thủ Đô khiếu kiện ? Tại sao đất biên giới quốc gia ngàn năm ông cha để lại, lại mất vào tay Trung Quốc hàng chục cây số vuông một cách dễ đàng vậy ? Tại sao chủ quyền biển đảo luôn bị đe dọa, người dân đi đánh cả trên vùng biển quốc gia bị tàu Trung Quốc bắt bớ, cướp bóc, đánh giết mà không ai bảo vệ ? Tại sao người biểu tình phản đối Trung Quốc gây hấn, cắt cáp tàu Bình Minh 2 ở Biển Đông lại bị coi là “phản động”, bắt vô tù? .v.v..và v..v.v..Vô vàn những câu hỏi “Tại sao” bức bách, đau xót đã được nhà báo Huy Đức chỉ ra, lý giải bằng chính những sự thật lịch sử một cách trung thực. Những người phê phán Huy Đức không thể bác bỏ được những sự thật dẫn đến những câu hỏi “tại sao” ấy.
       Lý giải những câu hỏi đó bằng sự thật lịch sử là việc làm của một nhà báo tâm huyết với quốc gia, dân tộc, với đời, trên hết là lương tâm của một con người . Đây không phải là cuốn sách chống đối , bôi đen chế độ, mà là cuốn sách thức tỉnh, cảnh báo, để cho những người đang lãnh đạo đất nước rút ra những bài học xương máu, để đưa đất nước ra khỏi con đường sai lầm hiện nay. Tập trung sức lực, trí tuệ thu thập hàng núi tài liệu để tìm sự thật, lý gải sự thật là một việc làm lớn lao, sẽ được chính lịch sử ghi nhận. Viết được cuốn sách này, Huy Đức đã thắng, Bên Thắng Cuộc đã thắng.
        Huy Đức đã lấy câu thơ của nhà thơ Nguyễn Duy đọc cho ông Võ Văn Kiệt nghe :” Suy cho cùng mỗi cuộc chiến tranh bên nào thắng thì nhân dân đều bại” làm đề từ cho Bên Thắng Cuộc. Tôi xin nghĩ thêm, do những chính sách cực đoan và sai lầm, do thiếu hiểu biết của nhiều thế hệ lãnh đạo , mà đất nước ta từ Bên Thắng Cuộc đã trở thành thua cuộc so với các nước trong khu vực và thế giới suốt mấy chục năm qua, từ sau 1975. Bên Thắng Cuộc  được viết với ý thức dân tộc tự cường , là để suy nghĩ mà cứu đất nước, để “Nước Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu” như cụ Hồ đã  dạy./.