10 thg 9, 2012

Còn chịu được

    Chuyện kể một đôi vợ chồng nọ, Ông chồng vốn là giám đốc 1 cty TNHH. Một hôm một cậu nhân viên trong cty nhìn thấy Giám đốc mở cặp ra và để lộ 1 bức ảnh phụ nữ. Đánh liều cậu ta bèn hỏi giám đốc: ảnh đó là ảnh ai, giám đốc liền trả lời: ảnh vợ tớ. Nghe vậy, cậu ta liền thán phục: lãng mạn thật! lãng mạn thật! và nhiều lần sau cậu ta vẫn nhìn thấy bức ảnh ấy mỗi khi giám đốc mở cặp ra.
     Một lần trong khi giám đốc đang ngồi bần thần suy nghĩ việc gì, cậu đánh liều xin phép hỏi sếp: - Sếp cho em hỏi tý nhé. - Cậu hỏi gì? - Em thấy giám đốc quá yêu vợ nên lúc nào cũng mang ảnh vợ đi theo à. Do quá nhiều lần cậu ta đều hỏi câu ấy nên giám đốc đành phải cho cậu ta biết sự thật như sau:
    Do vị trí công việc nên tớ rất bận rộn và rất nhiều lần gặp phải tình huống khó xử và khá rắc rối trong việc giải quyết công việc cơ quan. Vì vậy mỗi khi gặp công việc rắc rối, bứt đầu bứt tai và khó vượt qua được cơn stress tớ lại mang ảnh vợ ra nhìn để tự cảnh báo với mình rằng: Đến hơn 2 chục năm rồi mình còn chịu đựng được bà này nữa là những việc cỏn con của cty như thế này thì nhằm nhò gì mà kêu khó!!!!!!!

Dân mình còn nghèo lắm, khốn khổ lắm


(honngv)-Té ra Văn Công Hùng cũng có suy tư y như mình trong bài HỠI AI CÒN CHÚT LƯƠNG TÂM của mình đã đăng ngày 7/9. Và mình tin chắc đại đa số dân ta đều nghĩ vậy. Chỉ còn ngó các vị 'lao đao' mần ra răng hề.

TÉ RA DÂN MÌNH CÒN NGHÈO LẮM, KHỐN KHỔ LẮM
Cọp từ Văn Công Hùng blog vào lúc 10:04:00 ngày 9/9/2012

Hôm nọ mình xem tivi thấy đồng chí tổng bí thư đến thăm một xã nghèo nào đó ở Nghệ An thì phải, đồng chí mặt cười rất tươi như vốn có bảo đại ý xã nghèo mà như thế này thì oách quá. Đồng chí đi qua thấy bao nhiêu điện đường trường trạm, ô tô chạy veo véo. Ở đây dân thu nhập bình quân gần 10 triệu/ năm (đoạn này mình nhớ láng máng, nếu sai thì xin lỗi) là... khá rồi. Nghe mà rưng rưng các bác ạ.
 
Đến chiều thấy có tờ báo đăng bài "chuồng" học, chụp mấy cái phòng học mà nếu ai dám gọi đấy là phòng thì một là có vấn đề về IQ, hai là phải sửa lại từ điển. Tờ báo này gọi là chuồng, mình nghĩ còn lâu mới được gọi là chuồng, ấy là nói mấy cái chuồng bò chuồng lợn chuồng trâu ở nông thôn, chứ mấy cái gần gần chuồng như cái lồng chim của người thành phố thì nó ngạo nghễ chấp cái chuồng học kia hàng vạn lần. Mà cái nơi có chuồng học ấy cũng gần chỗ TBT thăm thôi. Sao giờ lại có cái loại cán bộ dại thế nhỉ, hà cớ gì không đưa "cụ" vào chỗ chuồng ấy cho cụ biết cụ tỉ để... gió bớt thổi đi.
 2 hình trên mượn trên mạng, báo Dân Trí
Chưa hết, đang kỳ nhập học, rất nhiều mảnh đời thương tâm của các cháu học sinh hiện ra. Xin nói ngay, học sinh là loại đã đỡ khổ rồi đấy, còn được đi học, chứ còn nhiều thân phận đau khổ hơn nhiều đang lẩn quất quanh ta.

Ấy là cậu tân sinh viên quân sự với 30 nghìn và cái xe đạp mượn đạp 300 cây số đi thi, và may là cậu được quý nhân phù trợ, đến mấy quý nhân, từ anh cảnh sát ở Thường Tín cho đến bộ trưởng quốc phòng để giờ cậu được là tân sinh viên học viện quân sự tăng thiết giáp. Tin chắc cậu sẽ là một sĩ quan tốt, sẽ không đi... hỗ trợ cưỡng chế như huyện đội Tiên Lãng đã làm.

Ấy là một cô bé phải bán mái tóc của mình lấy 500 ngàn để nộp học phí nhập học lớp 10, mà còn trích lại 25 ngàn để mẹ mua gạo cho mấy ngày. Ai thế nào không biết, tôi đã khóc khi đọc cái tin này. Con mình dỗ như dỗ gì để nó ăn thêm cho một miếng, đằng này bán tóc nộp học và đưa tiền cho mẹ mua gạo???

Ấy là một cậu bé ở ngay Hà Nội đậu thủ khoa trường Đh Dược. Vấn đề là cậu nghèo đến mức đi cái xe đạp từ thời... ông để lại. Nó chằng đụp mọi nhẽ, đến nỗi ông bí thư thành ủy Hà Nội phải tặng em một cái xe đạp.

Là nói học sinh, sinh viên, "tầng lớp trên" của xã hội. Và cũng mới chỉ mấy trường hợp gần đây, chứ còn bao nhiêu người lặng lẽ khuất lấp đang vật lộn với miếng ăn hàng ngày, những miếng ăn khổ nhục đau đớn nhưng cũng là hạnh phúc của họ.

Trong khi ấy, các bác toàn nói chuyện tái cơ cấu, chuyện nghìn tỉ vạn tỉ, xây những tượng đài hàng mấy trăm tỉ... mà rồi nó cứ rơi tõm vào đâu...

Hồi đi học CCCT nhé, mình có thắc mắc với GS là thưa thầy, đã kinh tế thị trường thì làm sao còn định hướng được ạ, nó chỉ có thị trường định hướng nó được thôi. Thầy bảo thì thế nên anh mới phải đi học. Bảo vâng đi học nên em hỏi thầy. Thầy bảo thì tôi cũng vẫn còn... đang học đây...

Định hướng gì thì định hướng, dân phải không được khổ cái đã, thưa các bác. Nhà cháu nói thế có gì sai không ạ?