24 thg 3, 2013

Lại chuyện công an cậy quyền!

Xã hội
Thứ Sáu, 22/03/2013 - 08:44
Gia Lai:

Công an xã bị tố dùng súng "giải quyết" vụ vi phạm giao thông

(Dân trí) - Theo thông tin tố cáo, do không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, anh Thắng và anh Kết bị hơn chục cán bộ công an và dân quân tự vệ xã Trà Đa (TP Pleiku, Gia Lai) đuổi theo đánh đập và rút súng đe dọa.
Theo trình bày của anh Lê Đình Kết và anh Trần Xuân Thắng (đều là nhân viên Công ty TNHH MTV Cường Thịnh Phát, trụ sở tại KCN Trà Đa, TP Pleiku, Gia Lai), vào khoảng 23 giờ tối 20/3, hai anh điều khiển xe máy về công ty mà không đội mũ bảo hiểm. Về gần đến nơi, họ phát hiện có một nhóm người đuổi theo nên tăng tốc bỏ chạy.
Về đến công ty, họ gọi bảo vệ mở cửa gấp và thông báo với bảo vệ là anh Trần Ngọc Sơn rằng có người đuổi theo. Tưởng là có cướp, anh Sơn chạy vào phòng lấy cây rựa dùng để phát cỏ ra tự vệ.
Một lúc sau, nhóm người trên đẩy cổng đi vào công ty thì cả 3 người mới biết đó là công an và dân quân tự vệ, nên chạy vào khu vực sản xuất. Thấy 3 người bỏ chạy, các cán bộ công an vào nhà máy tìm kiếm.
Nghe thấy tiếng ồn, ông Trần Xuân Cường - Phó Giám đốc công ty - và một số nhân viên chạy ra, thì được công an thông báo: có 3 tội phạm trốn vào đây. Sau khi xác minh, ông Cường biết nhân viên của mình đã vi phạm luật giao thông nên nói với công an cứ dắt xe về, sáng mai sẽ lên công an xã tường trình sự việc.
Ông Cường kể lại sự việc với PV

Ông Cường kể lại sự việc với PV

Nghe vậy, một phó công an xã liền rút súng trong người ra, một người khác thì cầm súng AK lên đạn rồi chĩa vào nhóm người phía công ty ông Cường và hỏi: "Tụi bây muốn gì?". Thấy vậy ông Cường xoa dịu: “Các anh có gì từ từ nói chuyện”. Vừa dứt lời, ông Cường bị khẩu súng ngắn chĩa thẳng vào đầu.
Cánh cửa phòng bảo vệ bị công an đập vỡ và một phần tường bị đạn bắn vào

Cánh cửa phòng bảo vệ bị công an đập vỡ và một phần tường bị đạn bắn vào

Biết sự việc ngày càng căng thẳng, anh Thắng liền đi ra trình bày về việc đi xe không đội mũ bảo hiểm, lập tức bị công an viên và dân quân tự vệ đánh tới tấp. Bị đánh đau, anh Thắng vùng chạy vào phòng bảo vệ đóng cửa trốn, nhưng bị các cán bộ dùng dùi cui và báng súng đập vỡ cửa kính để mở cửa vào. Không dừng lại đó, nhóm công an xã này còn dùng súng bắn vào phòng.
Mở được cửa vào, nhóm công an xã Trà Đa lôi anh Thắng ra ngoài, dùng báng súng đánh liên tục vào bụng khiến anh Thắng ngất xỉu.
Khi thấy anh Sơn từ khu vực chế biến đi lên, nhóm công an xã và dân quân tiếp tục bắt giữ anh Sơn, dùng báng súng đánh, đấm đá anh Sơn; mặc cho ông Cường và các nhân viên khác van xin.
Vỏ đạn nằm lại hiện trường vụ việc

Vỏ đạn nằm lại hiện trường vụ việc

Đánh người xong, công an và dân quân xã Trà Đa còng tay anh Thắng và anh Sơn về trụ sở công an xã và tiếp tục đánh đập. Đánh xong, công an áp giải anh Sơn về nhà máy để lấy 2 cây rựa. Lúc này công an 113 cũng có mặt để tiến hành xác minh vụ việc.
Vết thương trên người anh Sơn

Vết thương trên người anh Sơn

Ngoài anh Thắng và anh Sơn bị đánh, anh Kết bị mời về trụ sở công an xã và cũng bị các công an viên đánh tới tấp.
Nhận được tin báo, ông Trần Xuân Thám - Giám đốc Công ty TNHH MTV Cường Thịnh Phát - đến trụ sở công an xin bảo lãnh cho các nhân viên công ty để đưa đi cấp cứu song mãi đến 2 giờ ngày 21/3, công an xã mới cho ông Thám bảo lãnh anh Thắng về. 2 tiếng sau, công an xã điện thoại cho ông Cường đến đưa anh Sơn đi cấp cứu. Còn anh Kết thì mãi đến 7h30’ cùng ngày mới được cho về trong tình trạng toàn thân đau đớn.
Vết thương ở đầu anh Thắng

Vết thương ở đầu anh Thắng

Chiều 21/3, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai cho biết, bệnh nhân Sơn và Thắng bị ngất xỉu do bị chấn động quá mạnh. Bệnh nhân Trần Xuân Thắng nhập viện trong tình trạng có vết thương ở đầu, vết thương bên thái dương phải dài 4cm. Kết luận ban đầu: sang chấn đầu và sang chấn ngực; bệnh nhân Phạm Ngọc Sơn nhập viện trong tình trạng có vết thương vùng chẩm, vết thương đầu, bầm mắt phải. Kết luận ban đầu: sang chấn đầu, sang chấn ngực.
Lịch công tác của Công an xã Trà Đa

Lịch công tác của Công an xã Trà Đa

Trước thông tin tố cáo trên, chúng tôi đến trụ sở Công an xã Trà Đa tìm hiểu thực hư thì được biết ông Lê Ngọc Tường - Trưởng Công an xã - vừa được cho nghỉ sáng 21/3. Chúng tôi gọi vào số điện thoại của ông Tường thì không liên lạc được. Nhìn vào bảng phân công lịch trực được biết, ông Tường được phân công trực vào đêm 20/3 và rạng sáng 21/3. Còn ông Thành - Phó Công an xã - cho biết ông không có mặt ở nơi xảy ra vụ việc nên không biết gì (!). Việc người dân tố cáo lực lượng chức trách của xã Trà Đa đánh người vẫn đang được điều tra, chưa thể cung cấp thông tin cho báo chí.
Phóng viên hỏi họ tên đầy đủ của ông Thành thì ông này bỏ đi và không nói gì.
Ông Nguyễn Đình Thức - Chủ tịch UBND xã Trà Đa - cho biết, sự việc trên ông đã biết. Sáng 21/3, công an xã đã báo lại: Vào lúc 23h30’ ngày 20/3, công an xã đi tuần tra, phát hiện 2 thanh niên đi xe mô tô không đội mũ bảo hiểm nên yêu cầu họ dừng xe nhưng họ không chấp hành. Khi công an đến Công ty Cường Thịnh Phát thì các thanh niên trên mang 3 cây mã tấu ra "tiếp". Hiện tang vật vẫn đang ở trụ sở công an xã.
Sau đó ông này nói: “Có gì qua công an xã mà lấy thông tin, tôi bận đi họp ở thôn”.
Vụ việc này sẽ được Dân trí tìm hiểu và tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Thiên Thư

Đọc "Bóng anh hùng" - Trong lòng người còn có con sóng nào không?


Câu chuyện thấm đẫm tình người, làm mắt tôi rướm lệ, vậy mà một số Đảng viên cốt cán, Cựu chiến binh ở Phú Yên lên án là "phản động". Điều đó cho thấy não trạng họ bị xơ cứng và con tim đã mù lòa. Mời bạn xem (Th09)

Bóng anh hùng
Truyện ngắn của DOÃN DŨNG 

     Đúng là tôi đã chết. Tôi đã thành con ma trên núi. Mẹ tôi nhận được giấy báo tử ở nhà, trong giấy ghi rõ tôi đã “hy sinh vì Tổ Quốc”.
     Nhưng tôi thì luôn nghĩ rằng tôi đã chết vì mẹ mình. Chính mẹ đã đưa tôi đến thế giới lạ lùng này.
Xin các bạn chớ hoảng sợ. Người chết không hại được người sống. Người chết chẳng qua là người sống được chuyển đến thế giới khác, cũng có tình cảm và suy nghĩ như người trên trần gian. Sợi dây liên lạc giữa hai thế giới được thông qua một người có khả năng hiểu ngôn ngữ của người chết, như tay nhà văn này chẳng hạn. Hắn nghe tôi kể chuyện và chép lại bằng thứ ngôn ngữ các bạn vẫn hay dùng. Tuy vậy, nếu tình cờ đọc được câu chuyện này mà các bạn không tin thì cũng chẳng sao. Thường vẫn có quá nhiều câu chuyện được người ta kể như thật, nhưng thực ra chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng.
     Đã nhiều năm tôi không về thăm nhà, nơi trước đây tôi đã từng sống cùng mẹ. Đừng tưởng người chết rồi là hết, là chẳng còn gì để mà bận tâm. Nghĩ như vậy là sai lầm! Người chết vẫn về thăm nhà vào những dịp lễ tết, nhất là ngày giỗ của mình. Thằng Quý hằng năm vẫn sửa soạn ba lô về quê ăn giỗ mình, háo hức cứ như hồi còn sống được đi tranh thủ sau đợt bắn đạn thật đạt điểm cao.
     Căn hộ của mẹ tôi bé xíu, không có nhà xí riêng, ở trên tầng năm của khu tập thể. Hồi còn bé, nửa đêm phải đi xuyên qua dãy hành lang lạnh lẽo hun hút gió, tối như hũ nút để đến được cái nhà xí dùng chung của mấy hộ gia đình là nỗi kinh hoàng của tôi. Không phải lần nào tôi cũng đến được đích an toàn, mà thường xuyên tè dầm dọc đường vì sợ ma. Tôi ao ước có một cái bô nhưng mẹ không mua. Mẹ bảo muốn rèn luyện tôi thành một người đàn ông mạnh mẽ.
     Mẹ làm công tác xã hội ở phường. Hình như ở hội phụ nữa gì đó. Ban ngày mẹ đi họp, tối đến các gia đình tuyên truyền về sinh đẻ có kế hoạch, về chính sách mới hoặc bài trừ mê tín dị đoan. Mẹ rất bận.
     Nhà chỉ có hai mẹ con, bố hy sinh ở chiến trường B. Hồi đầu chỉ được báo là mất tích. Mãi chẳng thấy ông về, sau giải phóng người ta làm lễ truy điệu liệt sỹ cho ông. Đến ngày tôi nhập ngũ, mẹ tôi vẫn chưa biết mộ ông nằm chính xác ở đâu.
     Một ngày cuối hè, cái ngày mà tôi nhận được tin trượt đại học, mẹ đi làm về gọi tôi lại, bảo: “Thắng này, mẹ đăng ký cho con nhập ngũ đợt này”. Tôi ngơ ngác: “Nhà mình thuộc diện chính sách. Sao con phải đi?” Mẹ mở túi, lấy ra một tập tài liệu đánh máy, mắt vẫn dõi theo những dòng chữ, mồm thủng thẳng: “Ở nhà lêu lổng rồi lại hư mất”. Tôi năn nỉ: “Mẹ cho con thi đại học một năm nữa”. Mẹ vẫn cắm cúi với đống giấy tờ, lạnh lùng nhắc lại: “Mẹ đã đăng ký cho con rồi”.
     Tôi biết tính mẹ. Mẹ đã phải thay bố vật lộn nuôi tôi, cuộc sống và công việc bắt bà phải hà khắc với chính bản thân mình và con cái. Tôi lại là thằng nhút nhát, từ bé chưa bao giờ dám cãi lời mẹ. Tôi ngậm ngùi chấp nhận sự sắp đặt của bà.
     Trước ngày nhập ngũ, phường tổ chức một buổi mít tinh tiễn đưa tân binh lên đường. Mẹ cùng hội phụ nữ tặng quà cho chiến sỹ. Mỗi người được hai cái khăn mặt bông và hai tuýp thuốc đánh răng Bông Lan cứng như đất đồi. Khi trao quà cho tôi, mẹ giơ tay ra bắt, lắc lắc mấy cái, nhìn thẳng vào mắt tôi, giọng rất quan cách: “Chúc đồng chí chân cứng đá mềm, hoàn thành nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc”. Tôi không dám nhìn mẹ, tôi cúi đầu xuống lí nhí câu cảm ơn. Tôi thấy mẹ xa lạ vô cùng!
     Hôm sau tôi lên đường. Sân vận động gần nhà, nơi tôi vẫn đá bóng buổi chiều, chật ních tân binh và người thân đưa tiễn. Đơn vị về lấy quân mang theo rất nhiều vệ binh. Người ta đọc tên và từng người bước lên xe trong vòng tròn mà đám vệ binh đứng làm hàng rào. Những chàng trai ngày thường đá bóng vẫn hùng hổ bắt nạt tôi, bỗng mềm yếu một cách kỳ lạ, thò đầu qua cửa xe, nức nở khóc.
     Mẹ không đưa tiễn tôi. Sáng hôm ấy mẹ bận việc, bà phải đi hòa giải cho một đôi vợ chồng muốn ly dị. Tôi rất muốn mẹ có mặt ở đây, vào lúc này.
* * *
     Cái hang Giời Đánh là nhà của tôi và Quý. Thực ra trước đây nó không có tên, hoặc có tên mà chúng tôi không biết. Lính tráng đặt tên cho cái hang này sau cái chết của chúng tôi.
Hồi ấy đơn vị tôi nhận nhiệm vụ tái chiếm một số điểm cao trong dãy núi đá vôi của mặt trận. Chỉ huy đã cho tập kết một lượng thuốc nổ khá lớn trong hang để phục vụ công tác chiến đấu. Quý là chiến sỹ bám trụ trên hang trước tôi. Tôi mới được điều lên sau vụ trốn đơn vị về ăn Tết. Nếu so với cánh lính trận nói chung, thì công việc coi kho này thật an toàn và nhàn hạ. Ban ngày chúng tôi ngủ, tối thức nhận hàng của cánh vận tải gùi lên. Địa hình ở đây hiểm trở và ngay sát nách địch, nên cánh vận tải chỉ có thể hoạt động vào ban đêm.
     Cái hang này không lớn, rộng độ vài mét và sâu hơn hai chục mét. Trên vòm hang, nhũ đá tua tủa chĩa xuống như những tấm sừng lọc thức ăn của con cá voi khổng lồ. Trong cùng hang có một ngách nhỏ bằng phẳng như lát bằng phiến đá to. Lòng hang rộng chúng tôi dùng làm kho, còn cái ngách nhỏ để ngủ.
     Tôi nhớ rất rõ hôm ấy là ngày mười bốn tháng giêng, trời lạnh và mưa phùn. Đêm hôm trước chúng tôi nhận được một chuyến hàng lớn, cánh vận tải đông và hối hả hơn mọi khi. Những thùng gỗ thông màu xanh xếp chật lối đi. Sau khi kiểm đếm vào sổ sách xong thì trời sáng, chúng tôi chui vào ngách hang bắt đầu ngủ. Pháo địch bắn mạnh và nhiều hơn mọi hôm, tôi nghe thấy từng chặp, nổ từng loạt dài rền rền không dứt. Mạnh đến mức chúng tôi cảm nhận rõ sự rung rung chấn động của vách hang.
     Ấy vậy mà chỉ năm phút sau chúng tôi chết, bất đắc kỳ tử như bị giời đánh. Cái chết không anh dũng, cũng chẳng hèn nhát nhưng lại nhạt toẹt. Một khối nhũ đá to hơn cột đình đã bị đứt chân do chấn động của cơn mưa đạn pháo, rơi thẳng xuống kích nổ đống vũ khí đạn dược bên dưới. Khối lửa bùng lên, tôi và Quý bị ép chết ngay lập tức. Ngách hang bị đá vùi kín mít. Lòng hang nóng bỏng, khói lửa quánh đặc như trong lò bát quái.
     Vụ nổ khiến lòng hang biến dạng, vách hang rộng ra, vòm hang trơn tuột chẳng còn lấy một thanh nhũ đá, cứ như thể đứng trong một quả trứng khổíng lồ vậy.
     Chúng tôi sang thế giới bên kia nhanh quá, chỉ trong nháy mắt, không từ từ, không hấp hối. Tim thôi đập và não ngừng hoạt động đến rụp một cái như tắt công tắc điện. Hồn tôi và Quý lìa khỏi xác, bật dậy nhìn nhau, rồi nhìn hai cái xác nát bét ri rỉ máu chảy của mình đang bị đá vùi lấp. Cả hai thằng đều không tin là thể xác mình đã chết, mình đã thành ma. Chúng tôi nhập lại vào xác, cố gắng lắm cũng không khiến được cái xác ấy cử động. Lạ thật! Vẫn thấy mình như đang sống, không chút đau đớn và có thể đi và nhìn xuyên qua vách núi.
     Vậy là tôi đã thành ma. Ở những quả núi gần đó còn nhiều con ma khác, chúng đang ngủ. Ngày của dương gian là đêm của ma. Hai thằng chúng tôi chợt buồn ngủ rũ mắt, lục tục kéo nhau vào cái ngách hang đã bị bịt kín để tiếp tục giấc ngủ vừa bị cướp mất.
     Ngủ một trận no mắt thì cánh vận tải mò lên. Mọi ngày giờ này cũng phải dậy để còn nhận hàng. Hôm nay cánh vận tải không gùi không khiêng gì cả, họ chỉ có đòn tre và võng, công cụ để vận chuyển thương binh tử sỹ. Họ lên tìm xác chúng tôi.
     Một tay đứng trên đống đá vỡ vụn, soi đèn pin nhìn vòm hang nhẵn thín, thở dài: “Còn cái gì đâu, thành tro bụi cả rồi”.
     Hai thằng chúng tôi thấy vậy gào toáng lên: “Ở đây, chúng tao ở đây”. Chúng tôi lồng lộn tìm mọi cách để báo hiệu nhưng người dương không nghe được tiếng người âm. Đám ấy như điếc lác cả một lũ với nhau. Chúng nhìn ngó một chặp, lấy đòn tre bới bới chọc chọc mấy cái rồi lắc đầu ngao ngán bỏ về.
* * *
     Chết rồi tôi vẫn không nguôi giận mẹ.
     Chỉ hai tuần trước đấy, mười giờ tối đêm ba mươi Tết tôi bò về đến nhà sau một chặng đường dài trốn tránh lực lượng kiểm soát quân sự. Mẹ đang làm cơm cúng tất niên, ngẩng lên thấy tôi lù lù đứng giữa nhà. Mẹ lạnh lùng hỏi: “Bỏ ngũ hả?” Tôi im lặng, không dám trả lời mà nhìn lên bàn thờ cầu cứu bố tôi. Trên ấy, khói hương nghi ngút, ánh mắt bố như hư ảo, không ấm cúng mà cũng chẳng ra lạnh lùng.
     Tôi lăn ra ngủ vì mệt.
     Pháo giao thừa nhà hàng xóm đã nổ. Hé mắt thấy mẹ đang lui cui đứng trên chiếc ghế đẩu treo bánh pháo ngoài cửa. Tôi định dậy thì đã thấy mẹ xòe diêm. Tiếng pháo ròn rã nổ váng óc. Ánh lửa lập lòe trong mắt mẹ.
     Tôi quay lưng lại, trùm chăn lên đầu và ngủ tiếp. Mùng một, mẹ không nỡ mắng đâu mà lo.
     Khoảng bốn giờ sáng, mẹ lay tôi: “Thắng, dậy đi cho sớm”. Tôi nhỏm dậy, giọng ngái ngủ hỏi lại: “Đi đâu hả mẹ?” Mẹ quàng cái khăn len lên đầu, thít mạnh một cái đầy vẻ cương quyết, nói: “Về đơn vị, mẹ sẽ đi cùng con”. Nói xong mẹ đứng lên, buộc túi bánh và con gà cúng lên ghi đông xe đạp.      Trong lòng ấm ức vô cùng nhưng tôi không dám trái lệnh mẹ.
     Đường phố Hà Nội sớm mùng một vắng tanh, phủ dày một lớp xác pháo. Thảng hoặc mới gặp một đôi trai gái đi chơi giao thừa về muộn trên chiếc xe Cub nổ pành pành. Cô gái ngồi sau thò tay vào túi áo khoác của bạn trai, ôm chặt, đầu giụi vào vai co ro vì rét. Mùi sương mai, mùi hương trầm, mùi thuốc pháo quyện vào nhau ngan ngát hăng hắc, ra mùi của Tết.
     Hai mẹ con đèo nhau ra bến Nứa tìm xe khách với hy vọng mong manh. Những chiếc xe im lìm đỗ trong bóng đêm. Bến xe vắng lặng không một bóng người. Không tiếng rao đêm, không kẻ nhỡ độ đường, không cảnh chen lấn xô đẩy leo lên xe. Mẹ chạy đôn chạy đáo rút cục cũng tìm được người bảo vệ bến xe để hỏi. Kết quả như đã được đoán: không còn chuyến xe nào.
     Mẹ đi ra, tóm lấy ghi đông xe từ tay tôi, lắc lắc mấy cái, rồi lại kéo lên dậm xuống như muốn kiểm tra độ chắc chắn của chiếc xe cà khổ. Mẹ nói: “Đi bằng xe đạp. Hai mẹ con mình thay nhau cho đỡ mệt”.
     Nói thế nhưng mẹ lại đạp xe hướng vào thành phố. Tôi ngồi sau, hồ nghi: “Đi đâu thế mẹ?” Mẹ dứt khoát: “Lên đơn vị”. Tôi bảo: “Đây là đường về nhà”. Mẹ tôi như sực tỉnh, hấp tấp quay đầu, đổ xe.   Tôi nhìn thấy ánh đèn đường phản chiếu trên gò má mẹ, trong một giọt nước đang lăn xuống.
     Gió bấc lùa hơi nước từ dưới dòng sông lên lạnh buốt. Gió quất vào thành cầu ù ù. Tiếng quèn quẹt đều đặn của xích xe cọ vào gácđờxen cộng với tiếng rin rít của đôi pêđan khô dầu vang lên trong đêm tối mịt mùng nghe như tiếng ma hờn. Mẹ con tôi lùi lũi đạp xe vượt sông Hồng. Lúc này tôi mới khóc, vì giận mẹ hay thương mẹ? Có lẽ là cả hai. Sao mẹ không cho con ở lại ăn Tết rồi con sẽ đi. Con muốn ở nhà với mẹ.
     Cứ kỳ cạch đạp xe như thế đến gần trưa thì tôi nghe thấy tiếng động cơ ì ì từ phía sau. Mẹ nhảy phắt xuống, đứng giữa đường quơ quơ tay chặn xe xin đi nhờ. Đó là chiếc xe Zil 130 mang biển quân sự, chở nhu yếu phẩm cho chiến sỹ trên biên giới. Tay lái xe hơn tôi vài tuổi, quân phục nhầu nhĩ, cẩu thả. Sau khi nghe mẹ tôi trình bày lý do, hắn cười ngất và đồng ý ngay tắp lự. Hắn giúp tôi treo chiếc xe đạp lên đằng sau thùng xe, buộc cố định lại. Xong hắn nháy mắt cười, châm chọc: “Ta lại lên đơn vị ăn Tết, hả?”
     Đêm hôm ấy mẹ con tôi lên tới đơn vị. Mẹ giao tôi cho đại đội rồi lên tiểu đoàn thưa chuyện với chỉ huy. Sáng hôm sau mẹ nhất quyết đòi về, chả ai can được mẹ. Tôi dõi theo dáng mẹ liêu xiêu đạp xe xa dần cho đến khi mất hẳn. Đó là hình ảnh cuối cùng tôi nhìn thấy mẹ khi còn sống.
     Buổi chiều tôi nhận được lệnh tăng cường lên hang trông kho thuốc nổ.
* * *
     Tắt tiếng súng, cuộc sống ở chỗ chúng tôi cũng thay đổi dần. Không còn những người bạn mới xuất hiện. Những con ma hàng xóm cũng dần dần bị đội quy tập phát hiện rồi chuyển đi. Người ta xây một cái nghĩa trang to như khu đô thị cách đây mấy chục cây số. Xương cốt nằm đâu thì nhà ở đấy, Quý thỉnh thoảng xuống chơi với anh em rồi lại về. Tôi cũng kịp hiểu một điều, trong thế giới của chúng tôi, không phải ai cũng là anh hùng, không phải ai cũng đến thế giới này bằng cái chết oanh liệt. Tuy vậy, tất cả đều được đối xử bình đẳng. Có lẽ đó là điều dễ chịu nhất mà chúng tôi có thể tự hào về thế giới của mình.
     Quý về quê ăn giỗ, lên mặc bộ đồ rất lạ, trông như quần áo của chú rể nhưng mầu lòe loẹt, cổ thắt một cái nơ trông rất Tây. Nó chạy chiếc xe máy màu mận chín đỗ xịch trước cửa hang, vẫn ngồi trên xe, lấy gót chân trái gạt chân chống rất điệu nghệ, gọi toáng lên: “Thắng ơi… Thắng”.
Tôi nhìn Quý không nén được cười. Quý kéo tôi lại chiếc xe, đẩy tôi ngồi lên rồi bảo: “Chạy thử đi, tiện lắm”. Tôi bảo: “Oách nhỉ, xe này chắc đời mới. Hồi tao với mày đi lính, nhà giàu mới có cái xe tám mốt kim vàng giọt lệ”. Quý phấn khích: “Thay đổi lắm, mày không tưởng tượng được đâu. Nhà tao năm nay khấm khá hơn, các cụ mới đốt cho tao chiếc xe này”.
     Nói rồi Quý thần mặt ra, nhìn tôi bối rối như lỡ lời. Giọng nó trầm hẳn xuống, gần như là thì thào: “Sao mày không về thăm nhà?” Tôi không trả lời, chui vào ngách hang nằm. Quý mang cái xe máy xuống để dưới chân núi, mặc lại bộ quần áo cũ rách te tua, rồi chui vào nằm cùng tôi. Chẳng ai nói thêm một lời nào.
     Thực ra là tôi đã từng về thăm nhà. Quý đi hôm trước thì hôm sau tôi cũng về, đúng hôm giỗ mình.
     Tôi về đến nhà khi ấy trời đã tối. Cái hành lang hun hút năm xưa khiến tôi bật cười, chả có con ma nào ngoài chính tôi. Mẹ không có nhà. Mâm cơm cúng tôi đã nguội ngắt. Hương cháy rụi đến chân. Đồ cúng không có tiền vàng, không có quần áo mới. Tôi đang phải mặc chiếc áo bị hơi nổ xé rách như tổ đỉa nhiều năm nay, cũng thấy chạnh lòng.
     Trong góc nhà, những tuýp thuốc đánh răng và khăn mặt bông được gói thành những suất quà. Tên thuốc đánh răng lạ hoắc chứ không phải Bông Lan như thời tôi nhập ngũ. Hình ảnh của mẹ khi bắt tay trao quà lại hiện về như mới hôm qua. Cơn hờn giận trào lên, tôi không đợi mẹ nữa, phi một mạch về núi rồi nằm lì trong hang cho đến khi Quý lên.
* * *
     Mẹ lên tìm tôi. Cũng đúng vào dịp Tết xong, tôi nghe oang oang có giọng người ngoài cửa hang. Cái giọng quen quen, khuôn mặt của một người đàn ông như đã gặp đâu đó mà không thể nhớ ra. Đi sau là một người phụ nữ, vất vả trèo lên những bậc đá. Mẹ, đúng là mẹ tôi. Tôi định ào ra đón mẹ, nhưng nỗi giận hờn lại dìm tôi xuống, khóa chân tay tôi cứng đờ. Tôi nép vào vách đá như chạy trốn, mặc dù tôi có đứng trước mặt thì mẹ cũng không thể nhìn thấy tôi.
     Người đàn ông kéo mẹ tôi lên miệng hang, chỉ: “Đây cô ạ. Chính là ở cái hang này. Lúc chúng cháu lên, chỉ còn toàn đá vụn”.
     Tôi đã nhận ra hắn là ai, chính là tay lính vận tải năm xưa. Người chết không có tuổi, nhưng người sống thì già đi theo năm tháng.
     Bao nhiêu năm rồi nhỉ? Mười năm kể từ cái đận mẹ đưa tôi về đơn vị để rồi tôi chết nhạt toẹt trong cái hang này. Mười năm khiến mẹ tôi già sụp đi. Tóc mẹ bạc phân nửa. Động tác của mẹ đã chậm chạp đi rất nhiều, nhưng vẫn dứt khoát mang dáng dấp của một người phụ nữ mạnh mẽ và quyết đoán.
     Mẹ ngồi lặng lẽ thắp hương. Không khóc, không sì sụp khấn vái, mắt nhắm lại như thể hóa thạch. Tôi tấm tức khóc vì vẫn giận mẹ.
     Một lúc thì mẹ về. Thằng Quý thấy tôi như vậy cũng không cười nói hi ha như mọi khi, nó đi ra đi vào mà chẳng biết làm gì.
     Mấy hôm sau Quý bảo: “Chắc là cả kiếp ma ta ở cái hang này. Chẳng ai biết trong hang này vẫn còn xương cốt của ta. Mày cứ định như vậy mãi sao? Ra ngoài cho khuây khỏa rồi về thăm nhà đi. Lấy xe của tao mà đi cho tiện”.
     Tôi nghe lời nó. Đi lại thăm bạn bè, nhưng không về thăm nhà.
     Cuối năm ấy mẹ lại lên. Lần này đi rất đông, đủ cả cánh vận tải đêm xưa lên tìm xác chúng tôi, thêm một tay đại úy ở ban chính sách của tỉnh đội và một phụ nữ là nhà ngoại cảm.
Người phụ nữ nhắm mắt, lầm bầm cái gì đó trong miệng rồi bất chợt mở to đôi mắt ra. Tôi nhìn thấy mắt cô ta mầu xanh lục, sáng quắc như hai cái bóng đèn. Cơ thể của cô ta dần dần biến đổi, những mạch máu, dây thần kinh trông như búi dây điện. Nội tạng thành những bảng mạch và bóng đèn nhấp nháy. Cô ta như một cái vô tuyến, hoặc là cái điện thoại chứ không phải là con người bằng da bằng thịt.
     Tôi và Quý ngồi yên một chỗ. Chưa bao giờ chúng tôi gặp một người kỳ lạ như vậy. Hình như cô ta đã nhìn thấy chúng tôi. Cô thông báo với mọi người: “Ở đây có hai vong. Trong ngách hang đằng kia”.
     Mọi người nghe vậy nháo nhác.
     Cô ta hỏi tôi và Quý:
     - Hai vong tên gì?
     Tôi bảo:
     - Nguyễn Quyết Thắng – Tôi chỉ sang Quý – Còn thằng này là Nguyễn Đình Quý.
     Thằng Quý mắt tròn vo, mồm dẩu ra vì ngạc nhiên, sợ rúm lại chẳng nói được câu nào.
     Cô ta dịch lại lời của chúng tôi cho mọi người nghe. Mẹ tôi khuỵu xuống bất tỉnh. Tay đại úy giở sổ ra đọc gì đó, trời lạnh mà mồ hôi vã ra như tắm, gật đầu lia lịa: “Đúng rồi, đúng rồi”.
     Họ bắt đầu đào bới cái ngách hang bị vùi lấp hơn chục năm. Một lúc sau thì mẹ tôi tỉnh. Mẹ gào lên: “Thắng ơi. Con ở đâu?” Tôi nói dỗi: “Con không về đâu”. Mẹ lao vào đống đá, dùng tay cào đá bật cả máu tươi. Mẹ khóc. Lần thứ hai tôi nhìn thấy nước mắt mẹ. Lần đầu lúc mẹ đánh đổ xe sớm mùng một Tết năm nào. Nhưng khóc thành tiếng thế này thì bây giờ mới thấy. Mẹ nức nở, không ngớt điệp khúc: “Con không về, mẹ chết không nhắm được mắt”. Khuôn mặt bà đau đớn, co rúm lại, toàn thân run bần bật khiến tôi thấy mình thật tàn ác.
     Ánh sáng từ mắt của người phụ nữ ngoại cảm đã tắt. Búi dây điện lại trở thành mạch máu và dây thần kinh. Người ta không duy trì trạng thái này được lâu vì rất mệt. Cô ta trở về như những người bình thường và không thể nghe được chúng tôi nữa.
     Mẹ ngồi bệt xuống nền đá lạnh, tựa lưng vào vách hang, đầu ngoẹo sang một bên, thẫn thờ. Tôi ngồi bên cạnh, ngả hẳn vào mẹ, luồn tay ôm lưng như thời thơ dại. Hình như mẹ cảm nhận được điều ấy, quờ quờ tay mấy lần tìm tôi. Mặt mẹ đã bớt tái, có chút sắc hồng nhưng đôi mắt vẫn buồn rười rượi, nhìn vô định xa xăm.
     Đến trưa thì họ tìm thấy chúng tôi. Mẹ lại ngất khi nhìn thấy mảnh giấy có dòng chữ tôi viết tên tuổi, quê quán, đơn vị, hàn kín bằng ny lông rồi đút vào túi áo ngực trước khi lên hang. Mẹ bế từng khúc xương tôi vào lòng.
     Xương cốt của Quý được tỉnh đội chuyển về nghĩa trang liệt sỹ. Nó về với anh em dưới ấy nên vui ra mặt. Quý định diện bộ quần áo chú rể cho sang, nhưng người ta lại mặc cho nó bộ quần áo khác, mầu đỏ có ngôi sao vàng ở ngực. Nó ngắm nghía bộ cánh mới và cũng thấy hài lòng.
* * *
     Mẹ xin cho tôi về quê. Mẹ đã xây căn nhà ba gian trên quả đồi nhỏ, ở một vùng quê yên bình, nơi trước kia cả cha mẹ tôi từng sinh ra và lớn lên. Mẹ cũng đã tìm thấy cha và đưa ông về đây. Tôi ở gian bên trái, cha tôi ở gian bên phải. Gian giữa đóng khóa im ỉm. Trong buồng của tôi, mẹ đặt một cái bô tráng men trắng toát. Mẹ vẫn nhớ mong ước của tôi thiếu thời.
     Cha không già hơn tôi là bao nhiêu. Khi ông chết cũng mới chỉ ngoài hai mươi tuổi. Cha nhìn tôi, vỗ vỗ lên vai bảo: “Cha rất hiểu con”. Tôi không biết cha hiểu gì. Khi còn sống, chưa bao giờ tôi được gặp cha. Như đoán được sự nghi hoặc trong ánh mắt tôi. Cha trầm ngâm, giọng buồn buồn: “Đừng giận mẹ”. Ánh mắt cha lúc này khác hẳn, nồng ấm yêu thương chứ không hờ hững như trên bức ảnh năm xưa.
     Hai cha con nằm ngắm bầu trời dày đặc sao. Có những ngôi sao sáng quắc, có những ngôi sao lập lòe như sắp tắt, còn cả những ngôi sao đã tắt mà mắt ma không nhìn thấy, như thể chúng cũng là những thân phận ở một thế giới khác nữa.
     Một thời gian sau thì mẹ tôi mất. Tôi không bao giờ biết chính xác lý do gì khiến mẹ chết. Đó là bí mật của riêng mẹ. Cha con tôi đón mẹ về căn buồng giữa.
     Mẹ vồ lấy tôi. Chỉ khóc.
     Hôm ấy cũng là mười bốn tháng giêng, trời lạnh căm căm và mưa phùn ẩm ướt.
__________

"Bóng anh hùng" khốn khổ bởi kiểu đọc quy chụp
NHÓM PHÓNG VIÊN VHVN | 20/03/2013 07:33 (GMT + 7)
TT - Dù đã đăng trên các báo trung ương và được in thành sách, nhưng khi truyện ngắn Bóng anh hùng được đăng lại trên báo Phú Yên đã bị một số người cho là tác phẩm độc hại, phản động, khiến ban biên tập báo này phải kiểm điểm.

     Ngày 19-3, ông Phạm Ngọc Phi - tổng biên tập báo Phú Yên - cho biết sau cuộc kiểm điểm (ngày 14-3), ông và ban biên tập đang chờ phán quyết của cấp trên về việc có bị kỷ luật hay không.
Độc hại, phản động?
     Bóng anh hùng (*) - truyện ngắn của Doãn Dũng - là tự sự về người mẹ, về gia đình và hậu phương của một người lính ngã xuống trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc. Truyện đăng trên tuần báo Văn Nghệ(cơ quan Hội Nhà văn VN) số ra ngày 8-8-2009, đăng trên báo Ðại Biểu Nhân Dân (cơ quan ngôn luận của Văn phòng Quốc hội) số 55 ngày 24-2-2010 và sau đó được in trong tập truyện ngắn cùng tên của tác giả do Nhà xuất bản Thời Ðại ấn hành (tháng 10-2012). Truyện này được in lại trên báo Phú Yên cuối tháng 9 và 10-2012.
     Ngay sau khi đăng trên báo Phú Yên, thường trực Tỉnh ủy Phú Yên nhận được nhiều ý kiến, đơn thư của các ông Vũ Văn Thoại - nguyên trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Yên, Nguyễn Tường Thuật - nguyên chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên và các cán bộ hưu trí, cựu chiến binh: Trần Hành Chính, Huỳnh Cửu, Nguyễn Tiến Lẫm... có chung quan điểm cho rằng truyện ngắn Bóng anh hùng là độc hại, phản động và cần phải xử lý những người cho đăng truyện này lên báo tỉnh. Ngoài ra, còn có một “Thư gửi tòa soạn báo Phú Yên - phòng bạn đọc và nữ nhà báo Lâm Vy” (người viết bài Doãn Dũng - nhiều người trong một trên báo Phú Yên) ký tên Mẹ Hòa Hiệp - Ðông Hòa, nội dung mỉa mai và mạt sát nhà báo Lâm Vy.
     Ban biên tập báo phải giải trình, Ban tuyên giáo Tỉnh ủy phải giải thích rằng không có cơ sở để nói truyện ngắn Bóng anh hùng là phản động, song những người có đơn thư vẫn tiếp tục có ý kiến đề nghị thường trực Tỉnh ủy phải có kết luận về việc cho đăng truyện ngắn “phản động” này là sai trái và phải kỷ luật ban biên tập báo Phú Yên. Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu báo Phú Yên tổ chức buổi đối thoại với những người phản ứng để giải tỏa dư luận.
Về tác giả Doãn Dũng, ông Vũ Văn Thoại chất vấn: “Doãn Dũng là một anh chàng tốt mã thích cưa gái đẹp có chồng. Sao người ta có chồng mà đi cưa (trong bài báo Doãn Dũng - nhiều người trong một có đoạn: “Nhân vật của anh (tức nhà văn Doãn Dũng - PV) cũng rất đa dạng: một anh chàng tốt mã thích cưa gái đẹp đã có chồng...”)? Anh cổ xúy cho chuyện phá hoại gia đình. Vậy mà Ban tuyên giáo không biết à?”.
     Cuộc đối thoại được tổ chức tại phòng họp Tỉnh ủy ngày 19-1-2013 do báo Phú Yên chủ trì, có sự tham dự của lãnh đạo các cơ quan liên quan, các vị nguyên là lãnh đạo tỉnh, những người có đơn thư. Tại cuộc họp, ông Vũ Văn Thoại nhận định: “Một người không còn khả năng nhìn thấy ánh sáng nữa, nhưng khi con cháu họ đọc tác phẩm Bóng anh hùng thì không ai không thấy rằng đây là tác phẩm cực kỳ độc hại, cực kỳ phản động. Tui nói hồi xưa, chiến tranh, nếu đọc cái này thì đem cắt cổ”.
     Ông Thoại yêu cầu: “Tôi đề nghị thường trực, thường vụ Tỉnh ủy phải họp, phải nghe chúng tôi và phải có kết luận đúng sai. Còn các anh lấy kết luận ở đâu tùy các anh. Hễ các anh nói đúng là được lòng công luận và tình hình sẽ yên ổn, còn nếu các anh nói sai thì công luận sẽ tiếp tục. Ðừng lấy ở đâu đó về áp tụi tui, áp không thấu đâu. Ðừng áp. Ông này ông kia mặc kệ. Ổng chức tước quyền hành kệ ổng, nhưng mà ổng nói tầm bậy, nói sai là không chấp nhận. Bởi vì sao? Giấy trắng mực đen con chữ không ai chối được. Chết “nhạt toẹt” (chữ trong truyện Bóng anh hùng - PV) là gì, không nguy hiểm à?”.
     Không đến dự được buổi đối thoại này, nhưng ông Nguyễn Tường Thuật có gửi ý kiến tham gia cho rằng tổng biên tập báo Phú Yên nên có lời xin lỗi các mẹ VN anh hùng và gia đình liệt sĩ vì cái “bóng anh hùng” kỳ dị đã làm tổn thương họ và xử lý kỷ luật những người dưới quyền có liên quan. “Làm như vậy sẽ tốt và sự việc cũng được thu xếp ổn thỏa. Riêng cá nhân tôi, dù tuổi cao sức yếu vẫn sẵn sàng góp một tiếng nói vào câu chuyện này trên mọi phương diện... Tôi tin chắc những ai bảo vệ Bóng anh hùng đều không thể đứng vững” - ông Thuật quyết liệt.
     Cũng ngay trong cuộc họp, có những quan điểm không đồng ý với những ý kiến trên. TS Nguyễn Thành Quang - nguyên bí thư Tỉnh ủy Phú Yên - cho rằng cốt truyện Bóng anh hùng cảm động, đọc xúc động. “Tôi có nghe báo này báo kia đăng không sao, nhưng báo Phú Yên đăng thì bị quở trách. Tôi không phán xét rằng chuyện đó đúng hay sai nhưng với tư cách là một độc giả, nhận thức, cảm nhận tác phẩm này, tôi thấy trong truyện người mẹ không tự xưng là anh hùng mà chính người đọc tôn vinh bà mẹ là một bà mẹ anh hùng chứ không có gì phỉ báng cả” - ông Quang nhận định.
     Ông Huỳnh Như Ngân - phó giám đốc Sở Thông tin - truyền thông Phú Yên - nói rằng lúc đầu đọc truyện thấy ám ảnh khó chịu, nhưng càng đọc thì thấy tính nhân văn của tác phẩm. “Tính nhân văn ở chỗ mọi bà mẹ, mọi người cha, người anh có người thân hi sinh đều mong muốn cuối cùng người thân mình có mồ yên mả đẹp, nếu không tìm được là nỗi băn khoăn day dứt” - ông Ngân phân tích.
Không sai phạm về nội dung
     Sau cuộc đối thoại, ngày 6-3-2013 Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Yên có công văn truyền đạt thông báo kết luận của thường trực Tỉnh ủy xử lý việc duyệt, đăng các truyện ngắn, bài viết gây dư luận không tốt trên báoPhú Yên, trong đó có truyện ngắn Bóng anh hùng và giao Ban tuyên giáo chủ trì cuộc kiểm điểm. Tại cuộc kiểm điểm ngày 14-3, tổng biên tập báo Phú Yên đã nhận thiếu sót: “Ðây là một tác phẩm tốt, tuy nhiên khi đăng đã không lường được còn có những phản ứng trái chiều gay gắt của một số độc giả dẫn đến tạo dư luận không tốt”. Cuộc họp có 100% người bỏ phiếu không áp dụng hình thức kỷ luật ban biên tập và tổng biên tập.
     Phúc đáp công văn ngày 6-3 của Tỉnh ủy Phú Yên về việc cho ý kiến truyện ngắn Bóng anh hùng, công văn của Ban Tuyên giáo trung ương do ông Nguyễn Thế Kỷ ký ngày 12-3 viết: “Sau khi nghe ý kiến trao đổi của các đơn vị liên quan (Vụ Văn hóa - văn nghệ, Vụ Báo chí - xuất bản, Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương) và cơ quan chuyên môn (Hội Nhà văn VN), Ban Tuyên giáo trung ương có ý kiến như sau:
     “Truyện ngắn này không có gì đặc biệt và sai phạm về nội dung và hình thức. Truyện đề cập đến tình yêu của người mẹ, tuy có phần khắc nghiệt nhưng ẩn giấu trong đó là tình yêu, là ý thức trách nhiệm của một công dân đối với Tổ quốc.
     Một trong những đặc trưng của tác phẩm văn học là tính hư cấu. Khi đánh giá xem xét một tác phẩm văn học cần chú ý đến đặc trưng này. Vì thế khi đọc Bóng anh hùng, cần có thái độ khách quan đánh giá tác phẩm, đồng cảm với lao động sáng tạo của nhà văn, tránh sự suy diễn chủ đề, tư tưởng của tác phẩm, hoặc quy kết tác phẩm có nội dung độc hại, phản động. Ðề nghị Tỉnh ủy Phú Yên chỉ đạo, chủ động xử lý việc trên, ổn định tình hình tư tưởng trên địa bàn tỉnh liên quan đến truyện ngắn Bóng anh hùng”.
     Trước đó, vụ trưởng Vụ Văn hóa - văn nghệ (Ban Tuyên giáo trung ương) cũng đã có công văn gửi Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Yên nêu ý kiến: “Không nên quy kết tác giả có ẩn ý này khác”.
     Dõi theo sự mệt mỏi của báo Phú Yên với truyện ngắn Bóng anh hùng, nhiều người cầm bút ngán ngẩm và lo ngại không biết bao giờ mới hết kiểu đọc văn thơ quy chụp như thế này, bởi đây không phải là chuyện lần đầu xảy ra ở Phú Yên.
Nhà văn Nguyễn Trí Huân - phó chủ tịch Hội Nhà văn VN, tổng biên tập báo Văn Nghệ, tờ báo đã đăng truyện ngắn Bóng anh hùng vào năm 2009 với cái tên Hồi quang - đã ký công văn số 391/CV-BVN ngày 22-12-2012, gửi các cơ quan ở tỉnh Phú Yên, trong đó cho biết: “Khi đăng tải trên báo Văn Nghệ, suốt ba năm qua chúng tôi không nhận được hồi âm nào phản ảnh tiêu cực về truyện ngắn kể trên.
Theo đánh giá của chúng tôi, truyện ngắn Bóng anh hùng hay Hồi quang là một truyện ngắn có chất lượng. Tác giả đã cố gắng thoát khỏi cách viết khuôn sáo quen thuộc để đề cập, ca ngợi phẩm chất của một người mẹ yêu con, thương con, nhưng cao hơn cả là tình yêu Tổ quốc, trách nhiệm đối với Tổ quốc. Và tình yêu có vẻ khắc nghiệt của người mẹ đã đánh thức ý thức của người con, hóa giải dần những hiểu lầm của người con đối với mẹ. Một truyện ngắn cảm động, mới mẻ khi đề cập đến chiến tranh cũng như văn học viết về chiến tranh. Chúng tôi hết sức ngạc nhiên khi một số cán bộ hưu trí, cựu chiến binh có cách đánh giá nặng nề, không thỏa đáng về truyện ngắn này”.

Trọng một cách viết, trách một cách đọc 
NGUYỄN THẾ THANH | 22/03/2013 09:48 (GMT + 7)
     TT - Tôi đọc truyện ngắn Bóng anh hùng của Doãn Dũng muộn hơn rất nhiều người, vào một buổi trưa công sở yên ắng.
     Câu chuyện của một hồn ma chiến binh còn rất trẻ, lại là đứa con duy nhất của một gia đình liệt sĩ, đã lay động mạnh trái tim tôi và kéo tôi đi một mạch đến dòng cuối cùng. Không một chi tiết nào của truyện gợi lên “sự khinh miệt”, “sự phỉ báng”, “sự đớn hèn”.
     Tràn ngập trong từng trang truyện là niềm xúc động về cách thể hiện tình yêu mà người mẹ và cũng là người vợ liệt sĩ dành cho con trai duy nhất của mình: kiên quyết đưa con nhập ngũ, kiên quyết đưa con trở lại đơn vị vào mùng 1 tết để không vi phạm điều lệnh quân đội, kiên quyết đi làm nhiệm vụ thăm tết các gia đình chính sách vào đúng ngày giỗ con.
     Tưởng như tình yêu ấy quá “gỗ đá” nếu như không có các chi tiết truyện lay siết trái tim người đọc đến rơi nước mắt, như chi tiết người mẹ quyết liệt dùng xe đạp chở con trở lại đơn vị vào sáng sớm mùng 1 tết, nhưng khi lên xe thì hướng mà bà đạp tới lại là hướng ngôi nhà của mình, chỉ đến khi con trai nhắc bà mới sực tỉnh quay đầu xe!
     Thì ra tận đáy lòng người mẹ “gỗ đá” ấy, quán tính thông thường vẫn là nỗi khát khao được cùng con đón tết tại căn nhà vốn đã quanh năm hiu quạnh bóng chồng, bóng con.
     Hay như chi tiết này nữa: khi đồng đội tìm thấy hài cốt của con trai trong cái hang mà anh đã ngã xuống “Mẹ ngất đi khi nhìn thấy mảnh giấy có dòng chữ tôi viết tên tuổi, quê quán, đơn vị hàn kín bằng nilông rồi đút vào túi áo ngực trước khi lên hang. Mẹ bế từng khúc xương tôi vào lòng”. Không còn được bế con vì nó đã chết trong khi làm nhiệm vụ vì Tổ quốc thì người mẹ ấy bế những gì còn lại của đứa con bà đã dứt ruột sinh ra.
     Trong trái tim người mẹ, không có sự hi sinh nào là “nhạt toẹt” khi đứa con biết rời mái nhà ấm cúng, thân thuộc của mình để đi về hướng Tổ quốc cần.
     Và tận đáy lòng, chẳng người mẹ nào lại cần danh hiệu này khác hơn chính đứa con sống cạnh mình bằng xương bằng thịt.
     Nếu không có những bà mẹ vĩ đại như bà mẹ trong truyện ngắn Bóng anh hùng và hàng triệu bà mẹ khác, nếu như không có những đứa con biết nghe lời mẹ đi làm nhiệm vụ và mất đi tính mạng vì nhiệm vụ ấy, đất nước chúng ta sẽ ra sao khi phải đi qua ngần ấy cuộc chiến tranh giữ nước dai dẳng và ác liệt?
     Vậy sao có thể hiểu rằng miêu tả nhân vật người chiến sĩ trẻ đã hi sinh trong truyện và người mẹ trong truyện là hạ thấp người lính và hậu phương người lính?
     Đọc những thông tin mấy hôm nay trên báo Tuổi Trẻ về truyện ngắn Bóng anh hùng, tôi càng thấm thía lời tự răn lấy mình khi còn đương nhiệm công tác quản lý văn hóa.
     Làm quản lý văn hóa tức là vừa làm cảnh sát vừa làm bà đỡ. Làm cảnh sát thì dễ rồi, cái gì sai quy định thì thổi còi. Nhưng làm bà đỡ thì không dễ chút nào.
     Cái đã quen, đã cũ thì cần gì tới sự đỡ đần. Cần đến vai trò của “bà đỡ” là ở chính những khi xuất hiện cái mới, cái chưa quen. Chưa cảm được, chưa hiểu được cái mới đâu phải chỉ do người sáng tạo ra nó, mà rất nhiều khi do sự giới hạn của người thưởng thức.
     Vậy nên chăng thay vì vội vã quy kết, chụp mũ cho tác giả, hãy bình tĩnh xem xét một cách công bằng năng lực sáng tạo và cả năng lực thưởng thức sự sáng tạo nữa.
     Với tôi, một người có cha hi sinh trong cuộc chiến tranh giữ nước và từng trải nghiệm công tác quản lý trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, tôi thật sự trân trọng cách viết độc đáo về chiến tranh của tác giả Doãn Dũng trong truyện ngắn Bóng anh hùng, và thật tiếc không thể không bày tỏ một lời trách về cách đọc không xuất phát từ văn chương của những bạn đọc nào đó.

Nguồn: Tuoitre

Nhà thơ Tản Đà chống tham nhũng

80 năm trước, năm 1927, nhà thơ Tản Đà cho đăng trên An Nam tạp chí số 8/1927 bài thơ "Xem tiểu thuyết “Tờ chúc thư” cảm đề". Có lẽ đây là bài thơ đầu tiên trong văn chương chữ quốc ngữ trực diện chống tham nhũng ở nước ta.

Nha tho Tan Da chong tham nhungXem tiểu thuyết “Tờ chúc thư” cảm đề

Thật có hay là mắc tiếng oan
Kém năm trăm nữa đủ ba ngàn!
Hơi đồng đã sạch mồm quan lớn
Mặt sắt còn bia miệng thế gian
Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn
Cho nên quân nó dễ làm quan
Đào mà đào được nên đào mãi
Mềm cứng bây giờ đất Vĩnh An.

      Đất Vĩnh An mà Tản Đà nói ở đây là tỉnh Vĩnh Yên. Cái chữ “đào” mà cụ cứ day đi day lại ở câu 7 là vừa để tả cái động tác đục khoét lì lợm, vừa để khéo vạch mặt chỉ tên một gã quan chức họ Đào khét tiếng tham nhũng đương thời: Đó là Tuần phủ Vĩnh Yên.
      Đầu đuôi thế này: Nhân một vụ kiện tranh chấp gia tài, Tuần phủ Vĩnh Yên lúc đó đã ăn của đút hai ngàn rưởi đồng. Bạn có tưởng tượng nổi hai ngàn rưởi đồng vào thời đó lớn nhỏ cỡ nào không?
      Hãy đọc đoạn sau đây trong cuốn “Giấc mộng con” của Tản Đà: “Một trăm đồng bạc của ông khách đưa cho tôi hôm ấy, ngày hôm sau đem trả nợ tiền hành phí đi vay cùng là chi tiêu về hai chỗ nhà thuê ở làng Sa La, tỉnh Hà Đông, tất cả hết đi 50 đồng, còn 50 đồng để tổ chức báo quán” (Nhân tiện ghi chú thêm, ông khách đó chỉ là một người bạn mới quen, do quý trọng tài đức của Tản Đà mà đã hào phóng giúp thi sĩ một cách vô tư).
      Qua sự Tản Đà chi tiêu một trăm đồng cho một việc lớn là trả nợ và ra báo (chính là tờ An Nam tạp chí) như vậy cũng đủ cho thấy hai ngàn rưởi đồng là số tiền to đến cỡ nào!
      Từ vụ ăn của đút ghê gớm như thế, Tản Đà đã gợi ý cho Ngô Tiếp viết tiểu thuyết “Tờ chúc thư” nói về vụ ấy đem xuất bản, rồi lại có thơ như trên. Có lẽ đây là bài thơ đầu tiên trong văn chương chữ quốc ngữ trực diện chống tham nhũng ở nước ta. Mà chống rất quyết liệt, rất sâu sắc.
      Quyết liệt vì miêu tả hành vi, diện mạo kẻ tham nhũng rất sinh động lại vạch mặt chỉ tên hắn đến nơi đến chốn, người đọc biết ngay hắn là thằng nào, là thằng Đào ấy đấy, mà cũng là cả cái bè lũ chuyên nghề đào khoét của dân.
      Sâu sắc vì chỉ với hai câu thơ giản dị đầy thương đầy giận, Tản Đà đã chỉ ra một vấn nạn vô cùng nặng nề và dai dẳng của dân tộc: Ấy là mối quan hệ giữa dân trí với nạn quan tham lại nhũng: Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn/Cho nên quân nó dễ làm quan.
      Cuốn tiểu thuyết của Ngô Tiếp bây giờ chẳng mấy ai còn nhớ, nhưng những vần thơ của Tản Đà sau gần 80 năm đọc lại vẫn thấy nóng bỏng tính thời sự.

Bùi Minh Quốc

Trời đất: Tăng phạt để đạt chỉ tiêu!

Cảnh sát giao thông Hà Nội:
Sẽ phải tăng phạt để đạt 500 tỷ đồng
TP - Với chỉ tiêu thu 500 tỷ đồng năm 2012, cùng với tăng mức xử phạt năm tới, CSGT Hà Nội sẽ phải xử phạt nhiều hơn để đạt chỉ tiêu. Đại tá Trần Thuỳ, PGĐ Công an Hà Nội trao đổi với PV Tiền Phong.
CSGT Hà Nội lập biên bản xử phạt người vi phạm giao thông. Ảnh: Trọng Đảng
CSGT Hà Nội lập biên bản xử phạt người vi phạm giao thông. 

Ảnh: Trọng Đảng.
Theo ông Thuỳ, cùng với giảm 10% số người chết và 20% số vụ ùn tắc, để lập lại trật tự lĩnh vực giao thông trên địa bàn thành phố, Công an Hà Nội được Bộ Công an giao chỉ tiêu năm 2012 phải xử phạt vi phạm trên lĩnh vực giao thông gần 500 tỷ đồng. Đây là nhiệm vụ mà Công an Hà Nội, cụ thể là CSGT phải thực hiện trong năm tới.
Thưa ông, chức năng chính của CSGT là hướng dẫn, điều tiết giao thông, sau đó mới đến xử lý vi phạm. Liệu với mức “khoán” chỉ tiêu như vậy có ảnh hưởng đến công việc của anh em?
Bộ đưa ra chỉ tiêu như vậy là để khuyến khích anh em phấn đấu, nâng cao trách nhiệm trong công việc chứ không áp đặt. Nhiệm vụ chính của CSGT vẫn là đảm bảo giao thông. Thực tế để đạt được con số này là rất khó, nhất là đối với các quận nội thành, khu vực thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc. Tại đây, anh em thường phải căng mình hướng dẫn, điều tiết giao thông, thời gian để làm nhiệm vụ xử phạt là rất ít.
Năm tới CSGT Hà Nội phải tăng cường xử phạt để đạt mức khoán 500 tỷ đồng. Ảnh: Trọng Đảng
Năm tới CSGT Hà Nội phải tăng cường xử phạt để đạt mức khoán 500 tỷ đồng. Ảnh: Trọng Đảng.
Tuy nhiên, có thông tin cho rằng năm 2011, Công an Hà Nội được giao chỉ tiêu xử phạt hơn 220 tỷ đồng, con số này đến nay gần như đã đạt được. Phải chăng đây là cơ sở để Bộ Công an “khoán” mức mới?
Thực tế năm 2011, Công an Hà Nội được giao chỉ tiêu xử phạt hơn 220 tỷ đồng, nhưng như tôi đã nói ở trên đây là mức phạt rất khó thực hiện. Công an thành phố bắt đầu triển khai chỉ tiêu này từ 1-1-2011 và sẽ kết thúc vào 31-12 tới. Các phòng chức năng đang thống kê số liệu, sau đó mới đưa ra được con số cụ thể.
Việc Bộ đưa ra chỉ tiêu tăng gấp đôi số tiền thu từ xử phạt vi phạm giao thông vào năm 2012 là xuất phát từ tình hình giao thông đang có những diễn biến phức tạp và phải lập lại trật tự. Hơn nữa, năm 2012 là năm An toàn giao thông nên Bộ đưa ra con số trên để khuyến khích anh em làm việc.
Để đạt được chỉ tiêu trên, trong năm tới công an Hà Nội sẽ phải làm những gì?
"Số tiền xử phạt vi phạm giao thông hằng năm được trích lại một phần để cho CSGT mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc và thưởng cho anh em hoàn thành tốt nhiệm vụ (nếu còn). Ngoài chế độ nhà nước, để anh em trực tiếp làm nhiệm vụ ngoài đường có thêm một khoản phụ cấp, sắp tới công an thành phố muốn giữ lại toàn bộ khoản tiền thu từ xử phạt để hỗ trợ anh em." - Đại tá Trần Thùy - PGĐ Công an Hà Nội.
Xử phạt như thế nào thì xử phạt, nhưng nhiệm vụ chính của CSGT vẫn là đảm bảo giao thông trên đường. Tuy nhiên để hỗ trợ CSGT hoàn thành tốt nhiệm vụ, năm tới thành phố tiếp tục tăng cường các lực lượng như Cảnh sát trật tự, Cảnh sát cơ động, công an các địa phương... để hỗ trợ.
Riêng việc xử phạt, cùng với siết chặt, tăng cường xử lý các lỗi vi phạm như hiện nay, năm tới người điều khiển mắc các lỗi như phương tiện không có gương chiếu hậu, rẽ trái, rẽ phải không bật xi nhan... cũng bị xử lý, thậm chí tăng mức phạt theo Nghị định 34.
Một phần số tiền xử phạt hằng năm được giữ lại cho CSGT, không những thế vừa qua Công an thành phố còn kiến nghị giữ lại toàn bộ. Ông cho biết số tiền được giữ lại để làm gì?
Số tiền xử phạt vi phạm giao thông hằng năm được trích lại một phần để cho CSGT mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc và thưởng cho anh em hoàn thành tốt nhiệm vụ (nếu còn). Ngoài chế độ nhà nước, để anh em trực tiếp làm nhiệm vụ ngoài đường có thêm một khoản phụ cấp, sắp tới công an thành phố muốn giữ lại toàn bộ khoản tiền thu từ xử phạt để hỗ trợ anh em.
Cảm ơn ông.
Không có chuyện khoán phạt
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Hoài Nam - Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội khẳng định: Không có chuyện khoán phạt trong xử lý vi phạm giao thông. Tuy nhiên, mức phạt và số vụ xử lý vi phạm trong năm 2012 sẽ tăng lên.
Chính phủ đã chấp thuận tăng mạnh mức xử phạt hành chính đối với vi phạm giao thông kể từ quý II/2010 tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Năm 2011 số lượng xử lý vi phạm tại Hà Nội đã tăng mạnh hơn các năm trước. Tăng xử phạt là một biện pháp đảm bảo trật tự giao thông.
Minh Tuấn (ghi)
Trọng Đảng (thực hiện)

Lòng vòng: Hai Xe Ôm đề xuất sửa đổi Hiến pháp

Hai Xe Ôm
Là người làm nghề xe ôm, xuất phát từ đặc trưng, thói quen và kinh nghiệm nghề nghiệp, Hai Xe Ôm tôi xin tham gia một vài ý kiến đóng góp sửa đổi Hiến pháp.
 
1/ Nên giữ mãi Điều 4 Hiến pháp
            Là người quen cầm lái, hành nghề kiếm ăn, nuôi sống gia đình bằng việc cầm lái; việc cầm lái này vừa liên quan đến miếng cơm manh áo, đến tính mạng của chủ xe và của cả hành khách đi xe nên trong đời làm xe ôm của mình, chưa bao giờ Hai tôi trao cho ai kể cả người thân, vợ con được thay mình lái cái xe, cái cần câu cơm của mình...Vì mỗi chiếc xe ngoài tính năng kỹ thuật chung ra, do qua tay sử dụng nên nó tự nhiên hình thành những vết mòn quán tính riêng, dân xe ôm gọi là thói quen xe...Đang lái xe này chuyển sang chiếc xe khác là tay lái loạng chạng dễ mất an toàn...
            Xuất phát từ đặc thù, đặc trưng nghề cầm lái xe nên Hai Xe Ôm rất hiểu và đồng cảm với việc Đảng chủ trương phái có điều 4 Hiến pháp, phải giữ rịt lấy cái điều này để mặc định, cố định, cố thủ quyền cầm lái của mình. Đối với Hai Xe Ôm sẽ cầm lái đến cùng cho đến khi tan xe, thay xe mới chứ nhất định không trao xe cho ai thay mình chở khách.Đảng chắc cũng vậy nên Hai tôi ủng hộ Đảng và Nhà nước giữ vĩnh cửu Điều 4 Hiến pháp cho đến khi ” tan” nhà nước thì thay bằng nhà nước khác giống như Hai Xe Ôm thay xe...
            Hai Xe Ôm nhất trí không thay, bỏ Điều 4 Hiến pháp.

2/ Hai Xe Ôm kiến nghi bỏ Điều Điều 26 (sửa đổi, bổ sung Điều 69); Đó là điều:
            ”Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, được thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật...”
            Theo thiển ý và kinh nghiệm của Hai Xe Ôm và cũng xuất phát từ nghề xe ôm của mình, việc dân tổ chức biểu tình tự phát trên đường phố là rất rách việc đối với dân làm nghề xe ôm. Mỗi khi gặp đoàn người đi khiếu kiện đòi đất, biểu tình chống Trung Quốc là cánh xe ôm lại phải đưa khách đi đường vòng, tránh đoàn biểu tình, vừa mất thì giờ, vừa tốn xăng...
            Còn tự do ngôn luận, tự do báo chí nữa; Điều này cũng giống như cánh xe ôm khi đã nhận chở khách là khắc biết nên đi đường nào cơ lợi nhất cho mình; Bây giờ các ông khách lại tư do ngôn luận, lại chỉ đường, lại bàn ra tán vào việc tìm đường đi, lắm thầy thối ma rách việc vì làm mất tập trung, dễ mất an toàn ?
            Vả lại ở ta xưa nay đã làm gì có quyền ”tự do ngôn luận, tự do báo chí, được thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình...”; Đảng, Nhà nước hành xử  chắc cũng giống như dân xe ôm: ai nói gì mặc mẹ, đã lên xe rồi, có khách rồi là mình cứ lái xe lao theo đường của mình...Do đó nếu cứ để điều 26 này thì hóa ra nhà nước nói dối, nói một đằng làm một nẻo, đưa vào hiến pháp một thứ quyền bánh vẽ...
            Theo Hai Xe Ôm, chi bằng nhân đà sửa đổi hiến pháp ký này, cho xóa béng cái Điều 26 này đi để cho cái đám thù địch chống phá không lợi dụng cái quyền này để kích động dân chống phá đảng và nhà nước. Còn nhà nước, Đảng sẽ được tiếng sòng phẳng, minh bạch, không lừa dân... khi để điều 26 trong Hiến pháp !
Nguồn: PVĐ blog.