20 thg 7, 2012

Phiếm đàm chuyện "Buôn vua"


Tác giả: TRẦN HUY THUẬN

   “Phi thương bất phú”! Nhưng thương gì, thương như thế nào để mau phú? Đó là câu hỏi thường trực của doanh nhân mọi thời đại.
   Lã Bất Vi thời xưa, học được cách làm giàu qua người bố: “Thưa cha, buôn gì lãi nhất?” – “Buôn vua!”. Lã Bất Vi thời nay không học bố mà học ở trường đời. Bố thì có một mà trường đời thì vô cùng; nên thời nay gần như nơi nào cũng có Lã Bất Vi, chả như thời Chiến Quốc, chỉ mỗi nhà Đại Tần có được một Lã Bất Vi, đã là ghê gớm lắm!
   Phương tiện buôn của Lã thời nào cũng giống nhau ở chỗ không chỉ dùng tiền mà còn dùng gái, dùng ngay chính vợ yêu của mình! Nhưng thời nay còn có những Lã sẵn sàng bỏ người tình để cưới vợ bé bất hợp pháp của vua – một kiểu Lê Lai liều mình cứu chúa, nhưng mang nội dung hoàn toàn hiện đại! Hiệu quả của phương tiện này thật khôn lường, vì nó trói vua suốt cả cuộc đời trong trách nhiệm của kẻ đỡ đầu, không thể dứt ra được. Quả là cách buôn thông minh nhất và cũng thật hời nhất!
   Cách thức buôn của Lã thời nay khác xưa lắm lắm. Ngay đến Thuyết buôn vua cũng chỉ là con buôn của thế kỷ trước, của thời Năm Cam; chứ chưa thật sự… “đổi mới” như Lã thời hiện đại!
   Tuy là một con người có tầm nhìn rất xa, nhưng Lã ngày xưa chỉ tập trung nuôi một Dị Nhân, công tử nước Tần thời đang bị làm con tin ở nước Triệu – như thế là… xoàng! Lã thời đại @ nuôi cùng một lúc hàng đống công tử mới – không phải là những con tin, mà là những người mấp mé trong quy hoạch. Cũng không chỉ nuôi một công tử nhà Tần, mà nuôi tất cả, bất chấp người đó thuộc Tần, Sở hay Triệu! Nghĩa là phải đa dạng hóa sản phẩm, phải quảng canh chứ không độc canh. Như vậy việc buôn mới thật sự chắc ăn, chắc ăn tới cả trăm phần trăm!
   Xưa Lã buôn vua chỉ nhằm kiếm lời thông qua mối quan hệ đặc biệt với vua, tức là một kiểu thu lợi nhuận gián tiếp – như thế cũng là… xoàng! Buôn vua để chính mình trở thành vua mới thật cao tay! Khi chính mình đã trở thành vua rồi, thì món hàng cũ rất dễ bị ném vào sọt rác và chính Lã lại biến thành hàng hóa cho các con buôn khác; nhưng để không bị sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy, Lã áp dụng chính sách hợp tác cùng có lợi, thực chất là lợi dụng nhau để thu lợi nhuận. Và điều đó chỉ Lã thời hiện đại này mới làm nổi.
   Thời bao cấp, thành phố quê hương tôi đã từng có hai nhân vật được dân gian đặt tên là “vua Đê”, “chúa Tịnh” cùng một số khác được phong ông hoàng như “hoàng Tập”, “hoàng Quynh”, “hoàng Túy” – cũng là những tay từ nghiệp buôn vua, trở thành một thứ vua chúa không ngai nổi tiếng lừng lẫy một thời, nhưng những “ông hoàng” này so với các vua không ngai thời nay thì làm nô tỳ cũng không đến lượt!
   “Ra ngõ gặp Lã Bất Vi!” – Điều đó rồi đây rất có thể trở thành hiện thực, nếu như xã hội không có cách phát hiện và ngăn chặn chúng ngay từ bây giờ! Các bạn thử quan sát chung quanh mà xem!
                                                                                                Theo Tầm nhìn.net

Đầy thì đổ

Lời dẫn (LD): Thấy câu chuyện này cũng có vẻ có ích, nhất là vào thời điểm này nên mình post lên:


Đầy thì đổ
Saturday, May 26, 2012 12:39:08 AM

Đức Khổng Tử vào xem miếu Hoàn Công nước Lỗ, có một cái lọ dựng nghiêng. Ngài hỏi người coi miếu. Người này nói rằng:
“Đó là một vật quí của nhà vua thường để bên chỗ ngồi chơi để làm gương.”
Đức Khổng Tử nói: “Ta nghe nói nhà vua có vật quí để làm gương, vật đó bỏ không thì đứng nghiêng, đổ nước vừa vặn thì đứng ngay, mà đầy quá thì lại đổ, có lẽ vật này chăng.”
Ngài bèn sai học trò đổ nước vào. Quả nhiên nước đổ vừa, thì lọ đứng ngay; nước đổ đầy, thì lọ đổ; bỏ không thì lọ lại đứng nghiêng. Ngài chép miệng than rằng: “Hỡi ôi! Ở đời chẳng có cái gì đầy mà không đổ!”
Thầy Tăng Tử nói: Dám hỏi có cách gì giữ cho đầy mà không đổ không?
Ngài nói: Thông minh thánh trí nên giữ bằng cách ngu độn, công lao to lớn khắp thiên hạ nên giữ bằng cách khiêm cung; sức khỏe hơn đời nên giữ bằng tính nhút nhát; giàu có bốn bể nên giữ bằng thói nhún nhường. Đó là cách đổ bớt đi để giữ cho khỏi quá đầy mà đổ.

Tui có tiền, tui có quyền!

Lời dẫn: Mình nghèo nên đọc bài này thấy cũng... đc, vậy cứ post lên nhé mặc dù chắc ai cũng thấy khi mở Email. (vì ngay trên  Yahoo! cần thì rỡ ngay).

Tui có tiền, tui có quyền!
Yahoo! Tin tức – Thứ tư, ngày 18 tháng bảy năm 2012

Cách đây không lâu, câu nói của em Ngọc Trinh "Yêu mà không có tiền thì cạp đất mà ăn à?" làm thiên hạ nhốn nháo cả lên. Kẻ ném đá, người đồng tình, không khí hết sức rộn ràng. Đúng là ở đâu dính dáng chuyện tiền, ở đó liền sục sôi xôm tụ. Riêng tui, tui thấy ở đời, có tiền là có hết!

Nghèo thì đâm ra hèn

Các cụ hay bảo “trai tài gái sắc.”  Nhưng chữ “tài” của người đàn ông thời nay phải là “tài chính”, “tài phiệt”, chứ không còn là “tài năng” nữa. Vì sao ư?

Thôi khoan bàn đến chuyện xã hội tôn vinh tiền là đúng hay sai.  Cứ nhìn vào thực trạng mà luận.  Hãy nhìn “một bộ phận” các em hoa hậu, người mẫu, người đẹp có danh hiệu đi – các em chính là những “gái sắc” ưu tú. Có em nào chọn sánh vai cùng một anh giáo sư trí tuệ uyên bác, hay một nhà khoa học tài năng lỗi lạc? Không, ngàn lần không. Các em chỉ trao gửi trái tim (và toàn bộ phần còn lại) cho đại gia, cho doanh nhân – tức là những người đàn ông có “tài chính”. Đừng trách các em, gái sắc yêu trai tài là đương nhiên!

Nhiều kẻ lên giọng phê phán chuyện đại gia chi tiền tỉ cho đám cưới con, sao giống ghen ăn tức ở lên giọng đạo đức quá?! Thời nay, con người ta đánh giá con người qua vật chất. Ở Trung Quốc, theo thăm dò của Hội Phụ nữ Quảng Châu, đến 60% nữ sinh viên muốn lấy… thiếu gia cơ mà!

Có tiền là có quyền đỏi hỏi mọi sự cung phụng trên đời. Thời của dịch vụ, chỉ sợ không có tiền, chứ đã có, muốn gì được nấy. Đi khám bệnh thay vì chầu chực đợi chờ, thêm tiền là thành ra khám trước. Thậm chí muốn, còn mời bác sĩ về tận nhà được nữa là.

Làm đàn ông mà nghèo thì sẽ đâm ra hèn. Thử nghĩ coi, dắt người đẹp đi shopping, ăn nhà hàng mà phải đắn đo coi giá, phập phồng sợ ví thiếu tiền, thì không nhục mới lạ. Bây giờ đi đâu người ta cũng xun xoe vồn vã thằng đàn ông giàu, chứ ai bận tâm mấy thằng nghèo.Thử đi xe đạp mang dép lê tới nhà hàng sang trọng coi, thậm chí còn bị đuổi ra nữa. Bởi vậy, phải có tiền trước rồi mới có đẳng cấp được, dù còn phải tập cho quen dần để đi từ giàu có đến giàu sang. Nhưng ngay từ đầu, đã không giàu thì sang vào đâu?

Giàu sướng thân, thơm lây cả họ

Nói đâu xa, chuyện thật của chính tui đây. Hồi trước cũng chăm chỉ đi học, cạy cục đi làm, nhưng mòn mỏi hoài không thấy khá, ra đường chẳng dám ngước mặt với ai. Rồi một ngày đời bỗng… sang ngang, đùng một cái đất ruộng ở nhà thành đất mặt tiền, ông già thành đại gia, mình thành thiếu gia. Bây giờ, gái đẹp vây quanh đã đành, mà sau này, con cái mình cũng tha hồ sung sướng.

Nhắc chuyện con cái mới nhớ! Hồi nhỏ nhà nghèo, thấy cây cà rem thèm không dám mua, đi học thấy bạn có cái áo mới mà tủi. Lớn lên tí nữa, thấy thằng bạn có tiền mời mấy em lớp dưới đi ăn hàng mà đau. Không có tiền là vậy, chịu nhục từ nhỏ!

Mấy người nói “tri thức mới quan trọng” là nói kiểu sáo rỗng thôi. Có tiền thì mua tri thức mấy hồi! Muốn học trường quốc tế, học phí cao, chuyện nhỏ!!! Trường điểm lớp chọn, cần tiền ủng hộ, “sổ vàng”, cũng chẳng khó gì! Có tiền thì cho em út con cháu đi du học, sợ gì bị cười là trọc phú.

Vậy là nhờ tiền mà nên. Chứ không phải như cái câu “nhiều tiền sinh hư”. Đúng nghĩa, cái gì mua không được bằng tiền, sẽ mua được bằng rất nhiều tiền. Tiền không là vấn đề, vấn đề là phải có tiền.

Nghe như nổ hả? Đã có tiền có quyền chém gió. Nhưng chém gió không sợ nhục,  vì tiếng nói có đồng tiền bao giờ cũng nặng ký hơn, ai cũng tin. Giờ mình giàu, tuy chưa đi Paris mà bảo đã đi Paris với một em người mẫu mới vô nghề suốt một tuần, nhiều người cũng tin sái cổ.

Đồng tiền như chìa khóa vạn năng, muốn mở ổ khóa nào cũng được.

Đàn ông không có tiền, cũng như chìa khóa vất đi.

VI ĐỒNG