27 thg 8, 2012

Đường tàu VN

Viết bởi: honngv

Mình nhớ hình như Thanh Hoa có hát 1 bài hát gì đó về ‘Đường tàu Việt Nam’, nổi tiếng 1 thời. Đó là thi sỹ hóa cho những con tàu cũ kỹ như những cục sắt đang ngày đêm xuôi ngược Bắc-Nam. Thực tế đường sắt VN chẳng khác mấy so với thời Pháp giao lại.


Tại sao đường sắt VN vẫn kg khác gì thời Pháp thuộc? Nhiều lý do ai cũng thấy. Trong đó có lý do là đường 'Độc đạo' nên kg bị cạnh tranh, chỉ có vậy, bình dân cứ fải chọn thôi, vẫn chen nhau đi tàu vì toàn SV và dân nghèo. Đã thế giá vé vẫn tăng mà chẳng cần đầu tư thêm, cùng lắm thay 'vài' thanh tà vẹt...! Thế nên ai đâu thừa hơi đầu tư!  Đang quá lãi mà! (Nếu kg lãi lớn là do cách tổ chức của ngành ĐS). Đây là 1 trong những điển hình về tính VÔ TRÁCH NHIỆM của các cấp lãnh đạo, các cơ quan chức năng từ chóp bu trở xuống.

Tai nạn thì khỏi nói rồi! hầu như ngày nào chả có. Có điều báo chí có đăng hay có được báo lên hay kg mà thôi. Ai đã từng đi tàu cùng với 'Tây' mới thấu hiểu nỗi 'nhục' của người Việt! Thật kg biết 'lủi' đằng nào! Từ cái đơn giản nhất là tạo bến cho tàu mà vẫn như cách đây 100 năm! Thằng Tây to bụng kg thể leo lên được cái bậc lên xuống của tàu. Có em nhỏ nhảy xuống bị ngã quay lơ. Các ông bà già leo lên tàu như leo núi Yên Tử! Kg ngoa tý nào đâu! Các bạn chỉ cần vào ga Long Biên Hà Nội (thủ đô đấy nhé) là thừa biết. Pháp để lại thế nào giờ y chang vậy, có thêm là xuống cấp thêm! Tàu chạy thì ồn như 1 công xưởng cơ khí hạng nặng.

Mình chỉ mong đừng làm đường tàu cao tốc, vì lực trí ta còn quá thấp. Hãy Cải Tạo lại, hãy 'Tái cơ cấu' ngành đường sắt trên cơ sở vật chất có sẵn để bớt khổ cho dân, bớt ngượng với 'bạn bè' các nước trong khu vực.

Lão Thầy Bói Già


TỪ: Quoc NguyenVan
TỚI: Pho Thuong Dan
Thư 2:17 Chủ Nhật, 26 tháng 8 2012

Lão Thầy Bói Già
Đinh Vũ Hoàng Nguyên

Trong giới văn nghệ sĩ Việt Nam chưa khi nào có một tác giả chưa từng có tác phẩm xuất bản nhưng khi nằm xuống lại được nhiều người đến viếng và thương tiếc đến thế.

Đa tài
    Anh là nhà thơ, vì thơ rất hay. Anh là họa sĩ chuyên nghiệp vì tốt nghiệp tại trường Đại học Mỹ Thuật Công nghiệp Hà Nội. Anh là một nhà văn: truyện ngắn của anh chứa đầy nụ cười và trăn trở. Cười vì văn chương anh dí dỏm một phần nhưng trăn trở vì phía sau những số phận nhân vật mà anh đem vào truyện như nét vẽ chân dung trọn vẹn tính người trong dòng chảy gập ghềnh của thời đại.
    Nhưng có lẽ điều làm anh nổi tiếng là do những bài viết ngắn trên trang blog cá nhân mang tên Lão Thầy Bói Già của anh.
    Người nghệ sĩ đa tài ít tuổi đó là Đinh Vũ Hoàng Nguyên. Giã từ bàn viết ở tuổi 37 khi tài năng chỉ mới bắt đầu nhưng đã báo hiệu một phong cách lạ, nhiều dấu ấn và luôn làm ngạc nhiên người đọc.
   Trang blog Lão Thầy Bói Già là sợi giây buộc anh vào trí nhớ người đọc. Từ khi ngã bệnh, hàng trăm người không quen đã đến tận giường để nhìn cho được con người mà họ yêu mến. Anh nằm đó, cười gượng gạo tuy thể xác đau đớn nhưng tâm hồn anh bật sáng niềm hãnh diện vì đã với tay chạm vào được giác quan cảm thụ của người khác.
    Nhiều đề tài Hoàng Nguyên chú ý cũng được người khác khai thác. Thế nhưng, không ai có được cái cách viết như Đinh Vũ Hoàng Nguyên, vì thế Lão Thầy Bói Già đứng riêng một cõi.
    Chưa có trang blog nào mà tổng số chữ rất ngắn nhưng nói được quá nhiều như trang blog Lão Thầy Bói Già của Nguyên. Ít chữ lắm nhưng khi chúng đứng chung lại với nhau lại có khả năng làm cho người đọc phải nhảy múa.
   Hoàng Nguyên dùng trang blog để trực diện tuyên chiến với những lố bịch đang xảy ra chung quanh và phần lớn tập trung vào một nhóm đối tượng chức quyền, kể cả người cao nhất đang điều hành đất nước. Cái cười của anh không ác, nó chan chứa tình tự thể loại tiếu lâm dân dã của người miền quê Bắc Bộ. Dòng chữ của anh chưa bao giờ đẩy người khác xuống bùn sâu. Họ chỉ hụt hẫng, khó chịu, tự xấu hổ một chút và biết đâu sau đó lại biết ơn Lão Thầy Bói Già, hơn là điên cuồng vì chạm nọc.
    Cái ác chưa bao giờ được người ta tán thưởng kể cả khi dùng nó trong văn chương để chống lại cường quyền bạo ngược.
    Đinh Vũ Hoàng Nguyên tìm ra được cách diễn tả cả một câu chuyện với một hay hai dòng ngắn ngủi. Ngắn đến nỗi không thể ngắn hơn nhưng trong cái ngắn ấy nói lên rất nhiều điều mà nếu viết dài hơn lại không thể nói.
  “Mình đi ăn thịt chó ở Vĩnh Phúc. Trong mâm có phó chủ tịch xã, tuổi khoảng ngoài bốn mươi. Rượu ngon, thịt chó ngon. Nhân câu chuyện về tình hình an ninh ở địa phương, phó chủ tịch xã nói:
- Báo cáo các bác, số nghiện hút phát hiện được ở địa phương bọn em là 31 đồng chí, còn đảng viên chi bộ bọn em có 16 thằng…Chuyện thật 100%. Thằng Nguyên mà nói điêu thì làm con chó!”
    Người đọc cười vì trong câu chuyện lắm “đồng chí nghiện” này không cụ thể một ai cả nhưng lại rất tượng hình cả một tập thể vốn không hơn gì những anh nghiện nhưng được phong hàm đồng chí. Câu chuyện không khiến cho ai động lòng để cả các đồng chí thật ngoài đời nhưng khi nụ cười lắng xuống người đọc thấy thú vị và lâng lâng tự hỏi nhờ vào đâu mà Nguyên lại viết được như thế?
………….
    Hoàng Nguyên còn là cây viết khôi hài đen khi có những dòng chữ không ai có thể cười được tuy rất muốn cười.
    “Ngày 27/11/2011, công an thành phố Hà Nội bắt được một số người ở hồ Hoàn Kiếm. Sau khi điều tra nghiên cứu, lực lượng công an đã phát hiện ra những người này đều tàng trữ trái phép tai, mắt và mồm... Đây là lời cảnh tỉnh cho những người nào ở Việt Nam hiện còn tàng trữ những bộ phận này một cách trái phép.”
     Cứ cách viết như thế Đinh Vũ Hoàng Nguyên vẽ những mảng thời sự, đời thường lên trang blog của mình:
    “Một kẻ chỉ thấy xung quanh mình toàn người xấu thì bản thân kẻ ấy khó có thể là người tốt. Một đảng nhìn ra bên ngoài toàn thấy thế lực thù địch, còn khi nhìn nhân dân mình thì phát hiện ngay ra lũ phản động nhiều nhung nhúc, thì đó là là… là… một đảng thông minh!”
   Đinh Vũ Hoàng Nguyên là một nhà văn mặc dù truyện ngắn của anh chưa bao giờ được xuất bản. Hai truyện được biết nhiều nhất là Cao Như Đảng và Nhà Cuối Ngõ đã đại diện được phong cách của Nguyên. Truyện thật ngắn Cao Như Đảng yếu tố châm biếm nhẹ nhàng nhưng không dễ quên của anh, có thể điển hình cho toàn bộ những gì mà anh quen thuộc.
    'Nhà Cuối Ngõ' là một truyện ngắn khác diễn tả một cộng đồng rất nhỏ tại một xóm nghèo. Trong Nhà Cuối Ngõ tác giả nối các mối quan hệ nửa kín nửa hở của các nhân vật vào với nhau và bằng một giọng văn hài hước rất thông minh, Đinh Vũ Hoàng Nguyên đặt người đọc ngồi trước câu chuyện, thấy từng chi tiết, từng phân cảnh và trên hết thấy được tính nết của từng con người rất khác nhau trong cái cộng đồng người nhỏ bé ấy.

Nhà Cuối Ngõ
    Ngà là con gái mụ Điếc, nhưng không hề điếc. Ngà lấy chồng ở ngõ bên cạnh, chưa có con. Buổi tối Ngà bán bún ngan vịt ngay cửa nhà.
   Chồng Ngà là tổ trưởng tổ kéo đường dây điện, thường đi công trình xa. Thằng này cục. Ngà lại là loại đáo để. Hai vợ chồng hay choảng nhau.
   Có gã hàng xóm cạnh nhà Ngà buổi tối sang ăn bún khuya, thấy Ngà tươi, mỡ, chồng lại đang đi vắng… Nhìn quanh quán thấy chẳng còn ai, gã hàng xóm lúc đỡ bát bún cố chạm tay vào vú Ngà, bảo: “Thêm cho anh tí thịt thừa ở ngực nhé!”. Ngà đang cầm muôi nước dùng nóng chan luôn vào đũng quần gã…
    Gã hàng xóm bỏng, mà không dám kêu ai. Hàng tuần giời đi đứng như thằng sa đì.
   Chồng Ngà đi công trình về, ngủ mê mệt. Ngà mở điện thoại chồng thấy có ảnh chụp chồng vừa hát, vừa lúi húi móc rốn mấy cô em môi đỏ trong hàng karaoke. Thằng chồng đang ngáy há hốc mồm, Ngà nhặt chiếc guốc, nhè mồm chồng bổ, chửi: “Thằng đĩ, bà ở nhà giữ bướm cho mày, hầu hạ cả bố mẹ mày để cho mày đi sướng bậy à?”. Thằng chồng rách môi, gẫy nửa răng cửa liền tóm tóc vợ, dúi, lên gối uỳnh uỵch. Ngà thò tay tóm dái chồng bóp nghiến, chồng phải nhả tóc.
   Ngà bỏ về nhà mẹ đẻ. Thằng chồng Ngà lôi hết đống guốc của vợ chặt sạch.
   Sáng hôm sau thằng này đi làm, dái đau, chân bước lạng dạng. Ra ngõ, chạm mặt gã hàng xóm, thấy gã kia nhìn trộm mình lấm lét, lại cũng bước lạng dạng hệt mình, mới bảo: “Ông tương bỏ mẹ mày giờ! Mày thích nhại ông à?!”
   Đinh Vũ Hoàng Nguyên có những bài thơ trái ngược hoàn toàn với văn phong của anh. Chất thi ca trong thơ của Đinh Vũ lãng mạn và dịu dàng như tiếng mưa đêm, đủ nhẹ để làm người ta nhung nhớ. Khi làm thơ, anh thì thầm và nông nổi không còn cái nét truyền thần đầy những vết nhăn suy tưởng như khi anh viết truyện, viết blog.
………….
     Trước khi Đinh Vũ Hoàng Nguyên đi xa anh kịp để lại cho con một gia tài quý giá đó là hơi thở của tổ quốc trong lúc mệt lả nghẹn ngào. Con anh khi lớn lên bắt đầu tập nói chắc chắn sẽ được mẹ đọc cho nghe bài thơ này và từ đó trái tim của cháu làm sao rời được hình ảnh mà cha đã gieo vào lòng trước lúc đi xa? Bài thơ mang tên “Những Huyết Cầu Tổ Quốc”.

Những Huyết Cầu Tổ Quốc

Xin lỗi con!
Khi hôm qua ôm con
Có một phút giây, ba chợt xiết con vào lòng hơi mạnh
Ba làm con đau!
Bởi hôm qua
Ba đọc câu chuyện về đồng bào mình – những huyết cầu* Tổ quốc.
Máu lại tuôn…, xô dập, mảnh ván tàu…
Con ơi
Ba sẽ kể con nghe
Câu chuyện những ngư dân
Đang hóa thân thành hồng cầu*
để Trường Sa, Hoàng Sa
Vẫn là thịt trong huyết hình Tổ quốc.
Con phải khắc tâm
Câu chuyện những bạch cầu*:
là 74 người lính Việt Nam chết giữa Hoàng Sa.
là 64 người lính Việt Nam chết giữa Trường Sa.
Những con số sẽ không là con số
Khi ngẩng đầu: Tổ quốc 4000 năm.
Mỗi con đường – mạch máu đất nước mình
Vết thương đạn bom vừa yên trong đất
Vọng phu còn trên nét mặt mồ côi.
Nhưng những mũi tàu vẫn xẻ trùng khơi
Nơi sóng rẽ cũng là nơi máu chuyển
Và trong mỗi người Việt mình có mạch máu nối liền với biển
Mạch máu này con phải thấy bằng tim
Nếu một ngày sóng nộ, cường lên
Giữa lòng Việt bốn nghìn năm cũng dậy.
Thứ lỗi cho ba
Khi bài thơ đầu đời cho con, không thể bình yên!
Kẻ thù lăm le cướp biển nước mình
Đất nước bốn nghìn năm trên sóng.
Đừng quên: sau lời thề, lông ngỗng…
Giai nhân, huyết ngọc đổ bên trời.
Một ngày
Khi con nếm trên môi,
Con sẽ thấy máu mình vị mặn.
Bởi trong máu luôn có phần nước mắt
Ta hiểu căm thù, ta biết yêu thương.
Con sinh ra rạng rỡ một huyết cầu
Của đất nước bốn nghìn năm không ngủ
Để điều này lớn lên con hiểu
Bây giờ, ba phải kể cùng con.

     Đinh Vũ Hoàng Nguyên không còn nữa. Người mến mộ anh rất nhiều và trong những dòng chữ anh để lại tuy không gửi cho ai nhưng khi đọc lên người ta vẫn cứ tin rằng anh đang viết cho họ.
Còn gì đáng vui hơn cho một nghệ sĩ khi người đọc cùng thổn thức, cười lả hay khắc khoải với những con chữ vô tri được anh ta nặn ra từ những vết thương không có máu nhưng lại không thể nào lành…

Thương lắm Việt Nam…



Iháng 8 23 2012
Thùy Linh
Mình tự hỏi, do đâu người Việt chịu đựng rất giỏi áp lực bởi những tin tức liên tục được đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian dài đến vậy? Thường ở các nước phát triển, chỉ cần hé ra một phần nhỏ như tin tức đăng tải ở Việt Nam chắc đã xảy ra ít nhất là các cuộc tuần hành của “quần chúng tự phát”, những cuộc chất vấn ở quốc hội, những cuộc điều tra…Vì những tin tức không hề bé nhỏ, hầu như liên quan đến cuộc sống thiết thực, thậm chí tính mạng của người dân. Mỗi ngày sự leo thang của tin tức ngày càng cao và giá trị những tin tức ngày càng sát thực.
Ngoài biển Đông, tình hình leo thang, sự ngạo mạn của Trung Quốc đến mức khiến người bi quan tin rằng, Việt Nam đã mất biển Đông vào tay Trung Quốc.
Trên đường phố, chợ búa, thậm chí trong từng mâm cơm gia đình tràn ngập thuốc độc giết người và tự sát tập thể qua các món ăn, trái cây tẩm thuốc độc từ Trung Quốc và do chính lòng tham của người Việt tạo ra.
Kinh tế thì những từ như “lũng đoạn”, “bố già”, “thâu tóm”, “lợi ích nhóm”…chi phối gần như toàn bộ nền kinh tế, mà hệ lụy của nó sự bất ổn, tham nhũng, kiệt quệ, lạm phát…Người nghèo đã bị đẩy đến tận cùng của cái nghèo. Người giàu còn khiến kẻ giàu xứ khác phải kinh ngạc, lắc đầu về sự ăn chơi, tiêu pha. Một xã hội mà các cuộc giết người, hiếp dâm, chém giết…gần như là tin tức hàng ngày trên các báo khiến những bà mẹ nghiêm khắc, lo lắng không muốn con cái mình đọc được. Nền văn hóa “đậm đà bản sắc” ngoài những cuộc thi đủ thứ, trừ những cuộc thi sáng tạo, bổ ích, còn lại chủ yếu chuyện nói qua nói lại từ các scadal, cuộc sống của sao nọ, vip kia. Nhìn lại nền chính trị từ trước tới nay khác nhau ở chỗ nào? “Vua càng (được đề cao) quí bao nhiêu thì dân càng hèn bấy nhiêu…, gây nên cái chính trị đồi bại…Cái không khí áp chế chỗ nào cũng nằng nặc khó chịu, xuống đến bậc dân thì không còn dân đạo, dân quyền gì nữa. Hai mươi mấy triệu người tôn một người lên, rồi bảo rằng phải trung với người ấy. Người ấy bảo sống được sống, người ấy bảo chết phải chết, người ấy bảo phải thì phải, người ấy bảo quấy thì quấy, ta không hiểu cái chữ “trung” là thế nào vậy…Vì vậy ngôn luận không được tự do mà ý kiến bế tắc, toàn dân trong nước chẳng khác gì bầy trâu, chỉ biết ăn no vác nặng, rồi tùy ở anh cầm cày bảo đi đâu thì đi thôi” – Lời đúc kết của nhà sử học Trần Huy Liệu đúng hơn bao giờ hết với nền chính trị Việt Nam hôm nay. Hóa ra chưa có bất cứ sự thay đổi nào khi đạo đức Khổng Tử xâm nhập sâu đến vậy trong đời sống xã hội và thành đạo đức chính trị của con người. Cái đáng sợ nhất của đạo đức nho giáo chính là đập tan sự đa nguyên ngay trong tư duy con người và tạo nên những giá trị giả dối. Cái này đến giờ vẫn được thừa kế nguyên xi trong tư duy của các nhà tự nhận là cộng sản.

Trên báo Tuổi trẻ hôm nay có bài viết về con đường kiếm tiền của bầu Kiên sao mà dễ dàng đến vậy…(http://tuoitre.vn/Kinh-te/508044/Thu-doan-kinh-doanh-trai-phep-cua-bau-Kien.html). Tại sao anh ta có thể nhảy một “vũ điệu” hoàn hảo có tên “tay không bắt giặc” trước mắt toàn thể xã hội trong nhiều năm? Một kẻ cướp, ăn cắp nhưng luôn có khẩu khí của một chính khách bộc trực, năng nổ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm khiến nhiều người bị thôi miên? Một chính phủ, một nền chính trị “ưu việt” dường như ngủ lịm khi anh ta và nhiều kẻ khác đang nhảy múa? Những ai tham gia “vũ điệu” này đã tạo nên một “sân khấu” mà khán giả bị coi là những người khiếm thị? Hay chính nền chính trị, một chính phủ đã bị “khiếm thị”? Hỏi nền chính trị và xã hội Việt Nam hiện nay cần cái gì nhất? Sự ổn định? Liệu có ổn định được không với những gì đang xảy ra? Liệu có ổn định được lòng dân hay không nếu họ tiếp tục bị cướp bóc, đàn áp hàng ngày? Sau tất cả những tin tức như PMU18, Vinashin, Vinaline, Ngân hàng, Thị trường tài chính…người dân vẫn mù tịt về con đường trước mặt? Không thể vui nổi. Là nỗi đau còn lại sau những câu chuyện không tưởng tượng nổi đang dần lộ diện khi cái bọc thép kín lâu nay bị gỉ nên bục ra. Ông Thủ tướng điều hành chính phủ và đứng đầu trưởng ban chống tham nhũng vẫn bình yên tổ chức cuộc họp để tuyên dương những người vừa bắt bầu Kiên, ra lệnh bắt Dương Chí Dũng…mà không hề có lời xin lỗi và nhận trách nhiệm? Hay chính phủ dành quyền từ chức cho nhân dân? Dường như xã hội chúng ta đang trượt đi quá xa những gì có thể sửa chữa…Vậy ai có thể bắt đầu lại cuộc hành trình dân tộc? Sức lực, trí tuệ, tư duy, văn hóa…có đủ bảo đảm cho sự thay đổi đó không? Nhưng không thay đổi thì chẳng còn con đường nào khác. Bỗng buồn khi nhớ tới câu ngày bé mình thường đọc chơi: “Đại phong là gió to. Gió to thì đổ đình. Đổ đình thì đổ chùa. Đổ chùa thì tượng lo. Tượng lo là lọ tương”. Khi còn bé cách chơi chữ nghĩa chỉ để đùa cười. Giờ lớn tuổi chợt nghĩ vẩn vơ: không lẽ để biết mùi cuộc đời giản dị như lọ tương thơm thảo có khi cần đến một cơn gió ĐẠI dám phá bỏ những gì tạm coi là thiêng liêng chăng? 
Thương lắm Việt Nam…

Theo blog Thùy Linh, đầu đề của QC