23 thg 3, 2013

Ấn tượng trong tuần: Dinh cơ cựu chủ tịch tỉnh và chuyện 'hoa hồng'


Bức xúc trước vấn nạn tham nhũng ở nước ta, không ít bạn đọc đề xuất biểu tượng quốc hoa là... hoa hồng.
Từ lâu, các quốc gia trên thế giới đều có sự lựa chọn biểu tượng quốc hoa, mang ý nghĩa khí chất, khí phách quốc gia mình. Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Điều bất ngờ nhất, và cũng thật đáng chú ý. Bức xúc trước vấn nạn tham nhũng ở nước ta, không ít bạn đọc đề xuất biểu tượng là... hoa hồng.
Hoa hồng "nở" trên giấy, sắt thép, bê tông...
Vì sao hoa hồng, vốn là biểu tượng lớn nhất về Tình yêu, cũng là biểu tượng quốc hoa từ lâu của đất nước Bungari- mệnh danh xứ sở Hoa hồng, giờ lại được đề xuất, trong một trạng thái cảm xúc trái ngược, bất bình, một trạng thái tâm lý bị tổn thương. Đó là sự Căm ghét?
Có hoa hồng tây- và có hoa hồng ta. Hoa hồng tây mập mạp, ăn khỏe, hoa hồng ta yếm thế hơn...., đều giống nhau ở chỗ, là loài hoa rất kiêu kỳ, khó tính, đòi hỏi sự chăm sóc  kỹ lưỡng.
Có điều, loại hoa hồng mà bạn đọc bình xét, lại là loại hoa hồng "phàm ăn" đến độ, có thể "nở" được ở bất cứ môi trường "chất đất" nào- trên giấy, trên bê tông..., như một bạn đọc báo Đời sống đã thốt lên. Bởi đó là loại hoa hồng mang tên % (phần trăm) do vấn nạn tham nhũng trồng và chăm bón.
Oái oăm, hoa hồng, mà chả phải... hoa hồng.
Hoa hồng nở giữa thiên nhiên có hình hài, có mầu sắc, có hương thơm.
Hoa hồng %, chỉ nở giữa hai bên "đối tác" làm ăn, có duy nhất- mùi "đồng".
Thực ra, tiền hối lộ, và tiền hoa hồng có khác nhau. Tiến sĩ Nguyễn Vân Nam (TP. HCM) trong một lần trả lời phỏng vấn, từng phân biệt rất rõ:
Tiền hoa hồng là khoản tiền trả cho công sức môi giới một giao dịch. Người nhận khoản tiền đó, hoàn toàn không phải nằm trong vị trí có thể trực tiếp hay gián tiếp quyết định sự thành bại của mối giao dịch.
Còn tiền (ăn) hối lộ là người nhận tiền có một vị trí trực tiếp (hay gián tiếp) có thể quyết định được thành hay bại của một giao dịch. Hoặc chưa cần phải nhận, chỉ cần đưa ra lời hứa hẹn thôi, để quyết định cho giao dịch thành đạt. Như vậy, điểm quan trọng nhất để phân biệt tiền hoa hồng hay tiền hối lộ là vị trí của người nhận tiền.
Hoa hồng %, chỉ nở giữa hai bên "đối tác" làm ăn, có duy nhất- mùi "đồng"
Thế nhưng, từ lâu trong xã hội, khái niệm tiền hoa hồng (%) chỉ được dùng chung cho tất cả hành vi tham nhũng, ăn hối lộ.
Và theo khái niệm chung đó, điều đáng lo ngại, các doanh nghiệp trong xã hội ta đang... hòa ca Triệu bông hồng.
Báo cáo xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)  được công bố ngày 14/3 mới đây, cho thấy hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp sụt giảm chưa từng thấy. Các DN đều bi quan...
Nhưng hoa hồng % vẫn nở tưng bừng, khi môi trường kinh doanh khó khăn (năm 2012) càng tạo dư địa cho tham nhũng (biến tướng). Nếu như PCI 2011 nổi lên tham nhũng vặt, thì hiện tượng này đã giảm đi trong PCI 2012. Nhưng tham nhũng trong đấu thầu công lại tăng lên. Có 42% DN đã trả hoa hồng (%) cho cán bộ có liên quan để giành được hợp đồng với cơ quan Nhà nước, tăng rất mạnh so với mức 23% của năm 2011.
Cụ thể, so với năm 2011, ngành xây dựng cơ bản có 42,5% DN phải trả hoa hồng để có hợp đồng, tăng 12%, chiếm tỷ lệ cao nhất. Con số này ở ngành dịch vụ/ thương mại, là 35,4% DN, tăng gấp đôi.  Thấp nhất là ngành sản xuất, nhưng vẫn có 34% DN phải trả hoa hồng (tăng gần 4%). Báo cáo cũng cho biết, các DN có liên quan đến các cơ quan chính phủ thường có hành vi chi trả hoa hồng... cao hơn(?)
Còn ông Edmund Malesky, Trường ĐH Duke (Mỹ), Trưởng nhóm nghiên cứu PCI nhận xét: Các DN có vốn đầu tư nước ngoài cho rằng càng hoạt động lâu ở Việt Nam càng phải tăng hối lộ. Do đó, họ rất lo ngại mỗi khi Nhà nước ban hành giấy phép hoặc chính sách mới (Tăng tham nhũng, lo ngại hối lộ, ngày 14/3...)
Trong khi đó, vụ việc Vinakhủng vẫn đang để lại những hệ lụy đau xót, không biết sẽ đi về đâu.
Không phải ngẫu nhiên, ngày 19/3, Dân trí đưa tin, các thủy thủ Vinashinlines (Tổng Công ty Hàng hải VN Vinalines) trên tàu Hoa Sen bị bỏ rơi, một lần nữa lại gửi thư về tòa báo kêu cứu. Vì số phận của họ đang sống lay lắt, đủ thứ "không": Không tiền, không nước ngọt, không điện..., phụ thuộc vào con tàu nát có bán được hay không? Con tàu nát đang bị chìm, còn số phận họ trôi nổi, lặn ngụp giữa biển... nợ, mà họ không hề là thủ phạm.
Không phải ngẫu nhiên, mà báo chí mới đây, rộ lên việc đưa hình ảnh trang trại- dinh cơ hoành tráng của một ông chủ tịch tỉnh từng bị cách chức vì lối sống sa đọa. Và so sánh với hình ảnh bà Tổng thống Hàn Quốc Park Geun- Hye khi đi chợ, cầm theo chiếc ví sờn nội địa hiệu Sosandang chỉ trị giá 4.000 won (khoảng 76.000 đồng VN), đã không còn sản xuất hai năm nay. Trong khi lương một tổng thống của Hàn Quốc, như dưới thời ông Lee Myung Bak, vào khoảng 226,38 triệu won, khoảng 4,1 tỷ đồng VN.
Có lẽ sự khác biệt là quan niệm về thang giá trị, lối sống,  và khác biệt cả cách kiếm ra đồng tiền chăng? Vì những đồng tiền mà bà Tổng thống Hàn Quốc kiếm được, hẳn nó tương xứng với lao động của bà, nên nó được tiêu dùng cũng ...khiêm nhường, cần kiệm như cách bà dùng chiếc ví.
Dinh cơ hoành tráng của ông chủ tịch tỉnh từng bị cách chức. Ảnh: Song Nguyên/ Khám phá
Còn ở xã hội ta, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam từng có một tính toán rất đáng nghĩ: Nếu chỉ trông vào lương, người nghèo đừng nghĩ đến nhà thu nhập thấp, vì lương cỡ Bộ trưởng cũng phải 40 năm mới đủ tiền mua.
Không biết vị quan chức nọ làm chủ tịch tỉnh ở một tỉnh miền núi nghèo nhất, nhì nước đã được hơn... 40 năm chưa? Cũng không biết trong điền viên của ông, giữa bao nhiêu loài cây cảnh quý, hiếm, độc đáo, có loại hoa hồng nào không?
Hay với ông, hoa hồng chỉ "nở" giữa ...quyền lực?
Và "nở" trên những số phận đáng thương
Sự phàm ăn của hoa hồng giờ không còn giới hạn, khiến cho hành vi của không ít kẻ trở nên quá bất nhẫn, tàn tệ.
Có hai câu chuyện thương tâm và xót xa, khiến người viết bài không thể không "chọn" là... điển hình. Bởi thứ hoa hồng này, giờ nó nhẫn tâm "nở" cả trên những số phận đặc biệt rất đáng thương, đáng ra phải được chăm sóc.
Câu chuyện thứ nhất: Quan xã ém tiền trợ cấp của người điên (Tiền phong online, ngày 14/3).
Có lẽ các cán bộ UBND xã Thanh Chi (Thanh Chương- Nghệ An) cũng mắc bệnh "điên" không kém, khi làm việc này.
Đó là từ năm 2007, anh Nguyễn Văn Đồng (bị mất trí, điên loạn từ năm 2000, đến mức gia đình phải dùng dây xích xích lại, kẻo gây hại cho dân làng), chỉ được nhận trợ cấp 120 nghìn đồng/ tháng. Năm 2004 được tăng lên 240 nghìn đồng. Bán tín bán nghi, ông Nguyễn Văn Mẫu, người cha khốn khổ lên tận UBND xã để hỏi.
Nhưng không, các cán bộ UBND xã không hề... điên. Như ông Chủ tịch xã này, rất tỉnh, khi trả lời ông Nguyễn Văn Mẫu rằng, chế độ chính sách cao nhất là vậy.
Khổ nỗi, cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra. Sự thật cuối cùng vẫn bị phơi bầy. Từ năm 2007, tiêu chuẩn cho "người điên" Nguyễn Văn Đồng là 240.000đồng/ tháng, xã chỉ trả 120.000đồng. Năm 2009, tăng lên 360.000đồng/tháng, xã chỉ trả 240.000 đồng.
Cuối cùng, hơn 2,8 triệu đồng, từng bị các cán bộ xã ỉm đi phải hoàn trả lại cho "người điên" Nguyễn Văn Đồng...
Hết người cha Nguyễn Văn Mẫu, đến lượt người mẹ Trần Thị Hóa (thôn Xuân Long, cũng thuộc xã Thanh Chi). Bà Trần Thị Hóa có đứa con gái Lê Thị Thùy Giang, 20 tuổi, bị u máu, rồi bại liệt. Cũng như ông Mẫu, bà phải "kiên trì" gõ cửa, vận động, cuối cùng, các cán bộ UBND xã Thanh Chi cũng mới chịu hoàn trả hơn 2,8 triệu đồng... không phải của họ.
Rõ ràng, các cán bộ UBND xã Thanh Chi không hề mất trí, chỉ lương tâm cán bộ, và lòng nhân tối thiểu của con người ở họ... bị mất, hay bị tê liệt thôi.
Người cha Nguyễn Văn Mẫu, bị đứa con điên loạn từng đánh chửi thậm tệ, ông không khóc. Nhưng lại khóc vì những cán bộ xã "tỉnh táo", khi ông nghẹn ngào: Định ăn của ai chứ ăn của một đứa tâm thần như rứa, có tội không!?
Anh Nguyễn Văn Đồng bị mất trí, điên loạn từ năm 2000. Ảnh: Quang Long/ Tiền Phong
Câu chuyện thứ hai, là chuyện cơ quan chức năng huyện Tịnh Biên (An Giang) vừa khởi tố, bắt tạm giam năm cán bộ, nhân viên Trường THCS Cao Bá Quát để điều tra về hành vi ăn chặn hơn 1,3 tỷ đồng của học sinh dân tộc nội trú.
Đáng hổ thẹn nhất, họ lại là những người thầy, người cô, hàng ngày luôn dạy học sinh sống thật thà, trung thực. Đó là ông Hiệu trưởng Văn Công Hiển, bà Phó HT Nguyễn Thị Liễu, ông Lê Thanh Đủ (thủ quỹ 2009- 2010), Đỗ Văn Doanh (thủ quỹ từ 2011 đến nay), bà Trần Vy Vân- kế toán.
Ngoài việc chỉ phát cho học sinh số tiền học bổng theo quy định cũ (lẽ ra phải là số tiền học bổng mới theo thông tư mới), điều bất ngờ nữa, nhà trường còn "kê khống" cả số lượng học sinh được nhận thưởng; "kê khống" cả năng lực học sinh, đôn từ khá thành giỏi, hưởng chênh lệch tiền thưởng.
Bệnh dối trá của ngành giáo dục bị xã hội lên án lâu nay, có khi còn được tích tụ chỉ vì những đồng tiền "bẩn" kiểu này?
Số tiền tham nhũng, ăn chặn được của các đối tượng đặc biệt nói trên không lớn. Nhưng nó cho thấy, thứ hoa hồng nhiều "độc tính" này sẵn sàng len lỏi, sẵn sàng mọc ở bất cứ môi trường nào, kể cả môi trường cần nhân tính nhất.
Cho thấy, lương tâm, nhân cách của một số cán bộ chính quyền cơ sở đã bị hoa hồng "tha hóa" tồi tệ.
Bungari vốn là đất nước của hoa hồng, của loài hương hoa thơm ngát thanh bạch, thanh khiết, thanh nhã. Dù vậy, xin đừng để nước Việt cũng được gọi là "đất nước của hoa hồng", nhưng là của thứ "hoa hồng" lại quả, của % trao tay, rất tủi hổ. Thậm chí, có ý kiến nghe đắng ngắt, khi đề nghị chọn hoa xấu hổ là biểu tượng quốc hoa. Một xã hội biết xấu hổ là một xã hội có lòng tự trọng cao. Có thế, xã hội đó mới khá được.
Xương máu của các bậc tiền nhân đã đổ xuống, đâu phải để cho hậu bối giờ đây "trồng" những thứ hoa hồng ma quái, bởi lòng tham. Hơn 300 năm trước đây, đại thi hào Nguyễn Du vô tình đã là một thầy thuốc, có "xét nghiệm" rất tinh tế : Máu tham hễ thấy hơi đồng là mê.
Nhưng ngược lại, nhiều ý kiến khác vẫn cho rằng, xét cho cùng, hoa hồng hay hoa xấu hổ, nếu thực sự là một biểu tượng kích thích lòng tự tôn, tự trọng của người Việt nhìn thẳng vào những khuyết tật, để tạo nên những đổi thay tích cực, từ những lỗ hổng, những khuyết tật của cơ chế, thì đều là những loài hoa đáng "ngưỡng mộ".
Bởi đã qua lâu rồi, cái thời: Không tự ngắm mình/ Anh chẳng hay đâu/ Hỡi chàng dũng sĩ/ Cả năm châu, chân lý đang nhìn theo (*)
Nhưng có thể đổi thay tích cực được không?
Chắc chắn rất khó, chừng nào mà xã hội còn bị thao túng bởi các "nhóm lợi ích".

Hãy cảnh giác khi “Giấc mơ Trung Hoa” bắt đầu…

  • HẢI ĐĂNG
  • Thứ sáu, 22 Tháng 3 2013 10:03
Tập Cận Bình trên một chiến hạm của hải quân Trung QuốcTập Cận Bình trên một chiến hạm của hải quân Trung QuốcNhư một buổi thánh lễ, gần 3.000 đại biểu tập hợp tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh đứng dậy vỗ tay nhiệt liệt chào mừng tân Chủ tịch nước và chỉ ngồi xuống khi có tiếng chuông của đoàn chủ tịch. Trên diễn đàn, ông Tập Cận Bình đưa ra lời kêu gọi về “đại phục hưng quốc gia”.
Một thế hệ lãnh đạo vừa được bầu chọn dự kiến sẽ dẫn dắt đất nước đông dân nhất thế giới và đang là nền kinh tế lớn đứng thứ hai toàn cầu trong vòng thập niên tới. Giới quan sát dự báo Trung Quốc đang đứng trước một số cơ hội, nhưng thách thức không phải là nhỏ trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn còn chịu ảnh hưởng của đợt suy thoái gần đây. Trung Quốc được cho là vẫn phải đối mặt với những yêu cầu ngày lớn về kiểm soát tham nhũng, tăng trưởng nóng đi kèm các hệ quả sinh thái, môi trường, đặc biệt là đối phó với các áp lực ngày càng tăng trong xã hội đòi hỏi có các bước cải thiện về đảm bảo công lý, dân chủ và nhân quyền.
Đại phục hưng quốc gia
Ngày 17/3, phát biểu trong phiên bế mạc khóa họp thường niên Quốc hội Trung Quốc, trên cương vị tân Chủ tịch nước, ông Tập Cận Bình đã kêu gọi một sự “đại phục hưng quốc gia Trung Hoa” và thúc giục quân đội nâng cao khả năng chiến đấu để giành chiến thắng. Lãnh đạo số một Trung Quốc nhấn mạnh : “Chúng ta sẽ tiếp tục tranh đấu vì sự nghiệp xã hội chủ nghĩa mang mầu sắc Trung Quốc và thực hiện giấc mơ đại phục hưng một quốc gia Trung Hoa”. Tháng 11 năm ngoái, khi được bầu vào chức vụ Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Tập Cận Bình từng tuyên bố: “Trong lịch sử hiện đại, chưa bao giờ, chúng ta lại ở gần một sự phục hưng quốc gia Trung Hoa như vậy và tôi tin chắc rằng, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu này”.
Giống như một buổi thánh lễ, gần 3.000 đại biểu tập hợp tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh đã đứng dậy vỗ tay nhiệt liệt chào mừng tân Chủ tịch nước và chỉ ngồi xuống khi có tiếng chuông của đoàn chủ tịch. Từ trên diễn đàn, trong vòng 25 phút, ông Tập Cận Bình, năm nay 59 tuổi, đã tìm cách nhấn mạnh đến sự trỗi dậy một nước Trung Hoa mới. Tân Chủ tịch nước, vừa chính thức nhậm chức trong khóa họp Quôc hội lần này, đã tái khẳng định tất cả phải nỗ lực nhằm hiện thực hóa “đại phục hưng quốc gia” và “giấc mơ Trung Hoa”.
Khóa họp thứ 11 của Quốc hội Trung Quốc đánh dấu sự kết thúc giai đoạn chuyển giao quyền lực: Ông Tập Cận Bình, Tổng bí thư đảng Cộng sản được bầu làm Chủ tịch nước, kiêm Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Đất nước đông dân nhất hành tinh trong vòng 10 năm tới, được dẫn dắt bởi một ê-kíp lãnh đạo được trẻ hóa. Ông Lý Khắc Cường, 57 tuổi, được xác nhận chính thức tiếp quản chiếc ghế thủ tướng chính phủ, từ tay người tiền nhiệm Ôn Gia Bảo. Ông Lý, người nhận được 2.940 phiếu bầu (tỷ lệ 99,69%), thông thạo tiếng Anh, sẽ phụ trách quản lý lĩnh vực rộng, trong đó có đối nội, kinh tế, môi trường và đô thị hóa của Trung Quốc.
Bốn phó thủ tướng giúp việc cho ông Lý đều là các cán bộ lãnh đạo kỳ cựu của Đảng. Ngoài ba vị là nam giới gồm Trương Cao Lệ, Uông Dương và Mã Khải, một đại diện nữ hiện diện trên cương vị này là bà Lưu Diên Đông. Bà Lưu, 67 tuổi, là phụ nữ cao niên nhất trong ê-kíp cấp phó của ông Lý, trong khi ông Uông Dương, 58 tuổi, được coi là một nhà cải cách. Trong số 25 tân bộ trưởng, ông Thường Vạn Toàn được phê chuẩn nắm ghế Bộ trưởng Quốc phòng. Tân Bộ trưởng ngoại giao là ông Vương Nghị, cựu đại sứ tại Nhật Bản, người từng phụ trách các quan hệ với Đài Loan trước đây.
Ngày 17/3, tại cuộc họp báo sau phiên bế mạc, tân Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết ba nhiệm vụ hàng đầu của chính phủ là duy trì tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống nhân nhân và bảo vệ công bằng xã hội. Ông cam kết sẽ tiết giảm tệ nạn quan liêu, giới hạn tiêu xài của quan chức nhà nước từ công thự, mua công xa cho đến công tác phí khi đi ra nước ngoài. Về quan hệ với Hoa Kỳ, ông Lý Khắc Cường bác bỏ những lời chỉ trích từ Washington về nạn tin tặc khi trả lời một phóng viên ngoại quốc. Thủ tướng Trung Quốc tuyên bố “cảm thấy bị nghi ngờ là thủ phạm”, nhưng ngay sau đó ông dựa vào lập luận tự vệ cố hữu: “Trung Quốc cũng là nạn nhân, Trung Quốc không chủ trương, không ủng hộ….” Trong cuộc điện đàm để chúc mừng tân chủ tịch Tập Cận Bình, Tổng thống Obama không ngần ngại nêu đích danh Trung Quốc, cảnh báo hiện tượng tin tặc tấn công hệ thống máy vi tính của Mỹ và cam kết là sẽ “đối thoại cứng rắn” với Bắc Kinh.
Cũng trong buổi họp báo nói trên, trả lời câu hỏi của một nữ phóng viên liên quan đến vấn đề “đi tù không án”, tân Thủ tướng Lý Khắc Cường nói một cách ngắn gọn là “các cơ quan có liên hệ đang gấp rút soạn thảo một dự luật mới hoàn tất vào cuối năm nay”. Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, khoảng 190.000 người Trung Hoa, trong khi số liệu chính thức chỉ công nhận là 60.000 người đang bị cải tạo. Tháng giêng năm nay, đài truyền hình Trung Quốc đưa tin sẽ dẹp bỏ “chính sách lao cải” trong năm 2013, sau đó bản tin này bị rút xuống. Tuy nhiên, ông Tập Cận Bình nhìn nhận đây là “vấn đề cấp bách”. Hiện nay, bốn thành phố lớn: Nam Kinh, Trịnh Châu, Thanh Đảo và Lan Châu được chọn làm thí điểm thay thế “lao cải” bằng biện pháp được đặt tên là “chỉnh giáo thái độ bất hợp pháp”.
Hiệu ứng của những giấc mơ
Sau khi trở thành Tổng Bí thư và Chủ tịch Quân ủy Trung ương, ông Tập Cận Bình đã liên tiếp nhắc đến cụm từ “giấc mơ Trung Hoa” như là biểu hiện mạnh mẽ cho quyết tâm tạo dựng một Trung Quốc lớn mạnh dẫn đầu thế giới, kể cả về quân sự. Phải chăng là ngẫu nhiên khi cụm từ được ông Tập yêu thích lại trùng lặp với tên cuốn sách của đại tá PLA Lưu Phúc Minh. Ba năm trước, ông Lưu viết cuốn “Giấc mơ Trung Hoa”, trong đó chủ yếu nói về những mục tiêu mới của Trung Quốc vượt qua sức mạnh quân sự hàng đầu thế giới của Mỹ và dự đoán một cuộc đua marathon giành quyền thống trị toàn cầu. Cuốn sách đã bị ngừng phát hành do những lo ngại có thể gây tổn hại đến quan hệ với Mỹ. Trong 100 ngày đầu tiên lên nắm quyền, ông Tập liên tiếp thực hiện các chuyến thăm cấp cao tại các lực lượng quân đội, không quân, các chương trình không gian và các cơ sở tên lửa, điều mà cả hai người tiền nhiệm trước đây, cả ông Giang lẫn ông Hồ đã không làm.
Chính điều này hiện đang khiến thế giới và khu vực lo ngại: Nhật Bản và các láng giềng Đông Nam Á vẫn chưa biết ông Tập thực sự muốn gì khi ông nói nhiều đến thế về “đại phục hưng quốc gia”. Như một sự trùng hợp đầy ý nghĩa, đúng vào ngày bế mạc Quốc hội 17/3 khi ông Tập thúc giục quân đội nâng cao khả năng chiến đấu để giành chiến thắng trước sự hiện diện của nhiều đại sứ nước ngoài thì bên kia bờ Đông Hải, thủ tướng Shinzo Abe đánh giá tình hình an ninh quốc gia của Nhật hiện rất nghiêm trọng và tuyên bố: “Khác với bốn năm trước đây, đất nước của chúng ta, từ lãnh thổ, lãnh hải đến không phận đang bị khiêu khích liên tục”. Ông nhắn nhủ các tân sĩ quan là “thực tế sa trường họ phải đối phó sẽ rất gian khổ” và ông mong rằng “các sĩ quan sẽ tận tụy quên mình trên chiến địa để bảo vệ non sông và dân tộc”.
Hãng tin AFP nhận định Thủ tướng Nhật sử dụng thông điệp bi tráng để mô tả tình hình tranh chấp với Trung Quốc và ông Abe không ngần ngại trích lại nguyên văn một lời tuyên bố bất hủ của cố Tổng thống Mỹ Theodor Roosevelt đọc tại Paris năm 1910: “Danh thơm thuộc về những người thực sự tham gia trận mạc với khuôn mặt ướt đẫm mồ hôi, máu và nước mắt”. Thật khó biết, trong số 427 tân sĩ quan hiện diện trong buổi lễ tốt nghiệp tại Yokosuka có 27 nữ sinh viên và 11 sinh viên nước ngoài đến từ Campuchia, Indonesia, Mông Cổ, Thái Lan và Việt Nam liệu có cảm xúc họ thật sự đang chuẩn bị ra trận thật không?
Trong khi đó, ở Trung Quốc những ngày này người ta lại đón đợi lãnh đạo mới ít nhất phải đốt lên được một trong ba ngọn lửa để xác lập quyền uy. Vậy nhân vật số một và số hai của đảng/nhà nước Trung Quốc, ông Tập và ông Lý sẽ chọn “ngọn lửa nào” để phát lệnh thực hiện một “cuộc khởi hành mới”? Trau chuốt hình ảnh, củng cố quyền lực hay sẽ khai triển những bước cải tổ lớn lao? Trau chuốt hình ảnh và củng cố quyền lực, cho đến giờ này tạm coi có thể kết thúc. Liệu có ảo tưởng nếu chờ đợi nơi Tập những cải tổ ngoạn mục? Dư luận cho rằng, ông Tập sẽ đi rất cẩn thận, ít ra trong 5 năm đầu. Mối lo "ổn định" vẫn còn đấy và nhiều dấu hiệu cho thấy ý chí duy trì sự tiếp tục đường lối cũ, như việc giữ lại thống đốc Ngân hàng Trung ương, cho dù ông này đến tuổi hưu. Vả lại, những thay đổi thực sự khó diễn ra vì đụng đến chế độ. Ngày này cách đây sáu năm (16/3/2007), thời của Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo cũng đã xuất hiện niềm hy vọng cải tổ lớn lao, nhưng 10 năm sau, trên bình diện chính trị cũng như xã hội, chính dư luận Trung Quốc cũng thừa nhận đó là “một thập niên bị đánh mất”.
Nhiều người hiện đang kỳ vọng vào bộ đôi quyền lực mới Tập – Lý ở Trung Quốc. Tuy nhiên vẫn chưa ai đoan chắc liệu tư tưởng cải cách của các ông có mang lại đổi mới gì hay không. Và câu hỏi còn khó trả lời hơn: liệu các ông và ê-kíp mới sẽ là những nhà cải cách thực thụ? Duy có một điều chắc chắn tân thủ tướng sẽ là nhà lãnh đạo có bằng cấp cao nhất mà Trung Quốc được biết đến từ năm 1949. Trong tay ông Lý là hai bằng về luật và kinh tế của trường đại học Bắc Kinh, trường đại học uy tín nhất của đất nước. Không giống như nhiều nhà lãnh đạo khác là được mang tiếng là có bằng cấp, ông Lý Khắc Cường là một tiến sĩ thật sự. Kể từ giờ, hai ông cùng ban lãnh đạo mới sẽ phải gánh lấy trách nhiệm nặng nề chèo lái từng ngày nền kinh tế thứ hai thế giới, khi tuyên bố ủng hộ cải cách và tái cân bằng mô hình tăng trưởng. Báo Le Figaro đặt câu hỏi “liệu những người đàn ông cẩn trọng này có thể làm được gì nhiều hơn những người tiền nhiệm hay không?” Theo đánh giá của các chuyên gia chính trị tại Trung Quốc, trong bối cảnh hiện nay, Tập Cận Bình cũng như Lý Khắc Cường hiểu rõ rằng họ phải làm được cái gì đó, nếu không đó sẽ ngày tận thế.
Còn với các nước lân bang, hãy cảnh giác khi “Giấc mơ Trung Hoa” bắt đầu!
Bản tác giả gửi cho VHNA