29 thg 7, 2013

Ký ức của Nguyến Thành Sự - 4

Chia quân và thành lập các đơn vị mới

 (Ảnh tôi trước ngày đi chiến trường)
          Vậy là đến thời điểm tết chúng tôi đã ở Mỏ Chén được khoảng hai tháng rưỡi, cũng giống thời gian sống ở phố Tràng Việt Yên. Đến mùng 4 tết D 371 nhận về một đợt tân binh mới. Anh em này toàn người dân tộc thiểu số. Ngay hôm sau toàn tiểu đoàn 371 có sự xắp xếp đơn vị. C5 huấn luyện được xé ra hợp với số tân binh mới. Khi đọc tên để phân đơn vị các tên dân tộc nghe buồn cười lắm. Cứ nói tiểu đội tôi thôi thì Hồng về C3,  Can, Cần, Khánh, Vũ Tiến, Chiến, anh Tưởng (trung đội trưởng)  về C4.  Mã, anh Lập (a  trưởng a1) , anh Bài (a trưởng a2), về  C5 anh Phúc làm C trưởng C5,  Còn tôi, Phượng, Thể (A2), về C6. Tôi không nhớ Hồi đi đâu (hình như C4)
 Đến mãi tận mùng 5 tết Nguyễn Vũ Tiến đến và đưa tôi một lá thư nói: “Tao về trường, ra chỗ bưu điện, lục thấy lá thư này, nó có vẻ  lăn lóc ở đấy lâu rồi, hoá ra là của mày”. Tôi cầm bức thư nhìn phong bì, đây là thư người yêu tôi. Đã mấy tháng nay mất liên lạc, vì thời điểm giao thời, Hiền cũng đi học, tôi đi bộ đội. Hồi đó tôi cứ tưởng Vũ Tiến chỉ về ăn tết ở Hà Nội, nhưng đầu năm 2011 ba chúng tôi gồm Vũ Tiến, Thiều Tiến gặp nhau ở Huế, Vũ Tiến mới nói: “hồi đó tớ xin đơn vị nghỉ phép về nhà ở Quảng Bình”. May thật cám ơn Vũ Tiến. Nếu không nhận được lá  thư này, bọn  chúng mình đã bị thất lạc nhau trong điều kiện chiến tranh rồi.
          Tôi được làm A trưởng A1 C6. Ban chỉ huy đại đội 6 hoàn toàn mới, anh Nguyễn Văn Điến đại đội trưởng (trung uý), anh Lại Văn Châu  (trung uý) Chính trị viên, Nguyễn Văn Thành (thiếu uý) đại đội phó, anh Sức chính trị viên phó. B trưởng B1 là anh Nguyễn Văn Phượng (thượng sĩ), B trưởng B2 Sằn Say Mằn (anh Mằn người Hoa nguyên từ lính pháo biển sang). B trưởng B3 anh Ngọc người Nghệ An.
Vậy là các trung đội không có B phó
Sau khi phân chia, C6 chúng tôi về ở khu nhà phía sau. Sau đó vài hôm còn bổ sung thêm một số anh em người Thanh Hoá nữa

Tiểu đội tôi gồm có :
          Nguyễn Thành Sự A trưởng
          Nguyễn Văn Duy  Đại học mỏ (hay xây dựng tôi không rõ) trắc thủ chính
          Hoàng Văn Nhi (dân tộc La Chí, Đảng Viên)  pháo thủ
          Nguyễn Văn Hùng : người Thanh Hoá          pháo thủ, B40
          Nguyễn Ngọc Thanh   : người Thanh Hoá     pháo thủ
          Trần Văn Tuyên  : người Thanh Hoá              pháo thủ
          Và 1 anh người dân tộc tôi không nhớ tên

Tiểu đội 2 có
          Nguyễn Khắc Kỳ A trưởng
          Nguyễn Sĩ Cứ Trắc thủ chính
          Phạm Văn Thể Trắc thủ
          Hoàng Văn Đạo pháo thủ (người huyện Văn Quán Lạng Sơn)
..
Tiểu đội 3
          Trẩn Quốc Tuấn (người Nam Định) A trưởng
           Tường (người Tuyên Quang) trắc thủ chính
          Phạm Bá Tráng trắc thủ  (người Nghệ An)
          Phạm Văn Phượng  trắc thủ
          Và một số anh em người dân tộc

Các trung đội khác tôi không nắm hết, nhưng chỉ biết có các A trưởng
B2 :
      A trưởng : Nguyễn Văn Cơ (đại học xây dựng)
      A trưởng : Lê Văn Trung
      A trưởng : Nhuận (đại học Bạch khoa)
B3 :
      A trưởng : Chu Trọng Cát
      A trưởng :  Hoa (sau này anh Hoa hy sinh  Trần Thanh Hải thay)
      A trưởng : Chiến (Đại học Bách Khoa)
      Tôi quên mất tên anh Chiến năm 2012 anh Cát nói lại tôi mới nhớ

Không biết tôi có nhầm lẫn chỗ nào không. C bộ có
Anh nuôi: Nùng A Tỷ, Tới, Lý Láo Xì anh Người dân tộc La Chí (có vợ, tôi quên tên rồi có lẽ là Xì), Lý  Xỉn Củi  Người dân tộc La Chí. (họ tên các anh Xì, Củi, tôi cũng quên mất, phải hỏi anh Châu mới nhớ ra)               
Quản lý: Nguyễn Văn Dinh (ĐH xây dựng)
Y Sĩ      : Hoàng Văn La                 
Trinh Sát: Phạm Xuân Loát, Đinh Quang  Nguyện, Lộc                             
Thông Tin : Đỗ Văn Hùng, Trần Văn Thoa
Quân Khí tôi quên rồi

Một anh tên là Thành ở Xã Nhuận Trạch Lương Sơn Hoà Bình (cùng  anh Tới) không biết ở bộ phận nào (tên anh Thành tôi cũng phải hỏi qua anh Loát, nhưng chưa rõ họ)
Không biết đã đủ chưa
Như vậy C bộ không kể ban chỉ huy đại đội quân số cũng được gần nửa trung đội
Phòng ở cả đại đội chúng tôi cùng một nhà, phòng đầu hồi là ban chỉ huy,
Phòng tiếp là B1, các giường A1 được xếp bên ngoài và tính từ trong đi ra, giường tôi ở trong cùng, tiếp theo là A2, dẫy giường trong có vài người A2 tiếp đến A3.

Phòng tiếp là của B2, tiếp nữa B3. Lính C bộ ở tại cái nhà ngang gần bếp. Sau khi ổn định chỗ ở chúng tôi được gấp rút đi vào huấn luyện, một số anh em dân tộc chưa biết rõ tiếng Kinh. Được khoảng 10 hôm sau khi về C6 thì một đêm khoảng 10 giờ, anh Phượng thông báo, có bộ đội bỏ trốn, A1 có một người, A3 có nhiều nên đêm đó anh Tuấn phải đuổi theo để bắt. Nhưng chắc không đuổi kịp số anh em đó, thế là A1 của tôi hụt mất một người. Sau này mới có thêm anh Hùng, anh Thanh, anh Tuyên như đã nêu. Với biên chế một tiểu đội cần một tiểu đội trưởng, một trắc thủ chính một B40 và 4 pháo thủ và trắc thủ, thì chỉ cần có 7 người. Trước tiên anh Phượng yêu cầu A tôi chọn người giữ B40, nên chọn anh Hùng. Từ đó anh Hùng được tập ngắm thêm bắn B40. Các anh em còn lại theo tôi nhớ trong thời gian đó không luyện xạ kích, mà chúng tôi cho luyện thiết lập hòm đạn bệ. Anh Điến còn luyện cho cấp A trưởng chúng tôi cách chỉ huy, ra khẩu lệnh. Mỗi lần như vậy anh lại lôi câu chuyện tiếu lâm anh chàng ăn tham ra để làm “gương” về cách nói ngắn gọn của anh ta, khi ăn mà có người hỏi: còn cha mẹ không? Tiệt, lại hỏi  có mấy anh em ? mỗi . Dần dà tôi biết các anh cán bộ đã từng tham gia chiến đấu, hoặc đã có những kinh nghiệm chiến trường. Anh Phượng kể về một số kinh nghiệm chiến đấu của anh Thành,  hồi trong chiến trường anh Thành cũng làm C phó, anh Thành có những mưu mẹo đánh trận. Anh Châu vui tính dễ gần. Anh Điến nghiêm, dứt khoát và cũng có nhiều kinh nghiệm, nhất là trong công tác trinh sát.

          Chúng tôi tiếp tục được được huấn luyện về sử dụng bản đồ, môn này có vẻ hấp dẫn, vừa mới lạ, vừa được thoải mái tự do không bị gò bó. Với các bài tập xác định vị trí thực địa và trên  bản đồ tạo cho tôi nhiều khám phá. Anh Điến, anh Phượng thỉnh thoảng cũng nêu thêm các kinh nghiệm về lấy các điểm làm mốc. Việc đo đạc trên bản đồ cũng thật hấp dẫn, để đi phương vị, thực hiện các cuộc dã ngoại. Trong các đợt đi dã ngoại anh Điến luôn tổ chức cho đơn vị ăn thịt chó.  Đầu tiên các anh em người dân tộc ăn kiêng đủ thứ, như không ăn thịt trâu, và hình như thịt chó cũng không thì phải. Đợt dã ngoại đầu tiên là hành quân tới một làng phía huyện Quốc Oai hay Thạch Thất gì đó, tôi còn nhớ, chiều hôm đó chúng tôi hành quân đi theo đường tắt đi ra phía đường 21, không đi theo hướng  Thạch Thất, mà rẽ phải theo con đường đất to, đi qua  đoạn mà bên đường có các vườn trồng cam, chúng tôi đến một cái làng và dừng lại. Chiều đó chúng tôi chia theo từng tiểu đội lấy vải mưa và chăn dựng trại, buổi tối cả đơn vị sinh hoạt và vui văn nghệ. Sáng hôm sau chúng tôi đi từng nhà để mua chó, chó ở đây rẻ. Thế là mấy anh em dân tộc dần được làm quen với thịt chó. Chiều chúng tôi nhổ trại hành quân về, Một đợt khác chúng tôi lại được dã ngoại, lần này đại đội hành quân với địa hình phức tạp hơn, Trước khi lên đường anh Điến tập hợp đơn vị và chỉ định vị trí sẽ tới trên bản đồ và phát lệnh hành quân.  Sau khi đi tới chân đồi có Bốt Lăn, chúng tôi rẽ về phía trái vòng ra một cái đồi thấp rồi tới trước một vùng lầy. Đến đây phải sử dụng cách đi phương vị để tránh đầm. Lúc này phải vận dụng kiến thức đo đạc và vật chuẩn, dựa vào địa bàn  để đi. Cuối cùng đến khoảng gần cuối chiều chúng tôi cũng đến đích. Nơi chúng đến là một quả đồi về phía trái đường vào Ban chỉ huy trường bắn khoảng hơn một cây số, quả đồi này cũng có nhiều cậy mọc lúp xúp, chứ không quang đãng như xung quanh doanh trại chúng tôi. Đến đây sau khi phân công người nấu ăn, còn lại toàn bộ lực lượng tập trung dựng trại. Khoảng 2 giờ rưỡi sáng chúng tôi được lệnh tập hợp rút quân về. Đêm đó trời âm u không có trăng, sao, tối đen như mực. Quả là anh Điến khéo chọn ngày. Chúng tôi lại căn cứ vào bản đồ, dựa vào địa bàn đi phương vị, tuy nhiên đi theo cả đoàn nên cứ dựa vào tiếng động phía trước để mò theo, chứ đèn đóm đâu mà nhìn địa bàn.  Khoảng 4 giờ sáng, các tiểu đội đã đến vị trí và anh Điến cho dừng lại. Anh Điến nói: ”đến đây các đồng chí có thấy điều gì không”. Chúng tôi chỉ thấy tối thui. Anh Điến lúc đó mới lên lớp: “khi trời tối đen, muốn biết phía trước thế nào thì cúi sát đất nhìn” ta có thể thấy điều gì đó. Quả thật sau khi cúi theo cách của anh, chúng tôi phát hiện có một quả đồi trước mặt. Vượt qua quả đồi thì trời dần sáng và chúng tôi về doanh trại. Lại một đợt dã ngoại khác, chúng tôi đi độc lập theo từng tiểu đội. Lần này hình như chỉ để cho tiểu đội độc lập hoàn toàn  trong việc tổ chức hành quân, nấu ăn.. Tiểu đội tôi  được chỉ định đi về một hướng,  phía trường bắn và  cách xa nhà dân. Đợt này đi thoải mái hơn, cả tiểu đội được chia gạo, nồi, thức ăn, hành trang gọn nhẹ. Chúng tôi cũng đi lần mò tìm tới vị trí đã cho trên bản đồ. ở đấy là khoảng đất trống khô, và cũng có bóng cây. Hôm đó trời nắng. Nên khi đến nơi chúng tôi kiếm củi, vào xóm xin nước nấu ăn. Ăn xong nghỉ trưa, anh em lại thu dọn đồ đạc hành quân về.

          Cùng với việc huấn luyện các kỹ năng trên, các tiểu đội vẫn tiếp tục tập ngắm cho bộ đội, nhất là xạ thủ B40. Khoảng cuối tháng 3 đại đội tổ chức cho các xạ thủ B40 bắn đạn thật. Chúng tôi lại tập hợp tại chân núi Bốt Lăn. Vị trí bắn lần này khác với đợt trước. Cự ly bắn tôi không còn nhớ, chắc khoảng sáu bảy chục mét gì đó vì cự lý tối đa cho phép của đạn B40 khoảng 100 mét thôi

          Kể từ hôm có một số anh em bỏ ngũ, anh Châu có gọi tôi và Nhuận nói chúng tôi chuẩn bị bài phát biểu về thanh niên trước yêu cầu chống Mỹ cứu nước, và nói ngày đại đội sẽ tổ chức cho 2 người phát biểu. Đồng thời anh  bảo riêng tôi :”cậu hãy sáng tác một bài hát về đại đội”.  Vào buổi tối sau đó vài hôm dưới ánh đèn dầu, tôi và Nhuận được mời lên để phát biểu. Nhuận được giới thiệu để nói trước. Không ngờ tay Nhuận ăn nói văn vẻ ghê gớm, anh ấy còn dẫn thơ của Tố Hữu nữa, tôi còn nhớ câu thơ trích của anh ấy như sau:
                   “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
                     Mà lòng phơi phới dậy tương lai”
       Anh Nhuận nói hết cả thời gian, thế là tôi không phải phát biểu. Không biết tôi nhớ có đúng không Nhuận cũng là sinh viên Hoá K14 Đại học Bách khoa (thế mà sau này anh lại được quân đội cho đi học bác sĩ, cũng như anh Duy ở tiểu đội tôi là dân xây dựng hay mỏ gì đó mà sau này cũng thành bác sĩ). Còn tôi mắc nợ anh Châu bài hát. Một hôm anh Châu hỏi đã nghĩ xong bài hát  chưa, tôi nói :”không biết sáng tác thế nào”, anh bảo tôi lên phòng C bộ, và nói :“cậu nghĩ đến đâu cứ nói lên, cả 2 người cùng sửa”. Tôi chẳng biết sao, cứ buột miệng nói đại: “Trùng chập trùng đoàn 6 ta đi” đến đó là tịt, sau đó anh Châu và tôi  có thêm những gì nữa và giai điệu thế nào bây giờ tôi cũng quên mất. Ấy thế mà anh Châu cũng phổ biến luôn trước đại đội. Bài hát “tuỳ hứng” đó. Không ngờ  nó báo hiệu cho tên của đại đội sáu tiểu đoàn 371 chúng tôi trở thành bất diệt. Mà tôi lại là một trong những người đầu tiên của đại đội đó
          Là tiểu đội trưởng tôi làm quen với công tác trực ban, kiểm tra bộ đội, kiểm tra vệ sinh duy trì giờ giấc của đơn vị. Dần dà cũng biết được một ít về một số anh em dân tộc. Như y sĩ Hoàng Văn La, anh chàng này béo trắng nói tiếng kinh giỏi lắm, anh ấy kể đã có vợ rồi nhưng chưa cưới, sau khi đi bộ đội về sẽ tổ chức. Còn có anh Tráng Khái Sài sôi nổi vui tính, Vàng A Phủ khoẻ mạnh trung thực. Vàng Diu Lìn hiền lành, Lý Láo Xì chăm chỉ, …. Các anh em dận tộc ở cùng trung đội tôi sẽ có những nhận xét riêng

          Hôm về tết khi đi thăm bạn bè tôi được biết Sứ, một bạn gái thân hồi học cùng lớp với tôi hiện đang dạy học cấp 2 ở xã Tiến Xuân huyện  Lương Sơn gần đơn vị. Hồi đó học sinh lớp 10 học thêm 2 năm gọi là mười cộng hai là ra đi dạy. Một chiều chủ nhật sau tết tôi xin phép anh Phượng đi chơi, theo đường đất tôi đi đến 2 tiếng mới tới nơi. Trường bạn tôi dạy vẫn còn giữ tình trạng thời chiến, và chắc cũng nghèo. Mái lớp bằng tranh, xung quanh che liếp. Vậy là dù đi bộ đội cho đến lúc này thỉnh thoảng tôi còn được gặp lại bạn cũ, đó cũng là một điều may.


             Sau khi C5 huấn luyện được chia ra và thành lập các đơn vị mới, tình hình toàn tiểu đoàn không còn yên ắng như trước tết. Cứ lâu lâu lại có vài xe Zin về là một đại đội lên đường đi chiến đâu. Bấy giờ tiểu đoàn đã có C1,C2,C15, C3,C4, C5,C6  (sau này có thêm C7 nữa). Khi đơn vị nào chuẩn bị lên đường thì trước đó một thời gian bộ đội được ăn bồi dưỡng, khẩu phần ăn bồi dưỡng được tăng thêm cá thịt, thức ăn. Tôi còn nhớ, hình như C1,C2, C15 đi trước, rồi khoảng đầu tháng ba C3 lên đường, giữa tháng ba đến C4 sau này gặp lại mới biết các anh C3 đi chiến trường Quảng nam, Quảng Ngãi. C4 đi   B2  trong vùng Nam Bộ. C5 đi vào cuối tháng 3.

          Rồi thì cũng đến lượt đại đội tôi được ăn bồi dưỡng, thời gian đó là khoảng tuần đầu tháng tư năm 1972. Khẩu phần nghe đâu được 2 đồng tám một ngày, như vậy là tiêu chuẩn  ăn gần gấp 4 lần bình thường.  Lúc này anh Điến huy động anh em tăng cường đi mua chó. Vì có lẽ ngoài chó ra chẳng biết mua gì thêm, thịt lợn ăn theo tiêu chuẩn phiếu rồi, và cũng chóng chán. Nhà bếp lúc này bận rộn nhiều.

          Chúng tôi ăn bồi dưỡng được khoảng 10 ngày. Vào buổi sáng hôm đó, ngày 13/4 năm 1972, đại đội tôi nghe anh Thành đại đội phó giảng về mìn nhảy phòng bộ binh trong phòng của B2. Khoảng 10 giờ thì có khách tới thăm, đó là một sĩ quan  cấp trên. Sau vài phút hỏi thăm tình hình huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu, anh  sĩ quan  nói: “thôi nhé,  tôi sẽ đọc lệnh cấp trên giao nhiệm vụ cho đơn vị các đồng chí đi  chiến đấu”, sau khi đại đội tập hợp chỉnh tề, anh ấy mở xà cột lấy lệnh ra đọc. Không biết đó là lệnh của Bộ tư lệnh 351 hay của bộ Tổng Tham mưu tôi cũng không nhớ. Người sĩ quan còn nói: “ngay bây giờ cán bộ tiểu đoàn sẽ chuẩn bị mọi thứ cho các đồng chí, trong ngày  hôm nay  phải nhận và chuẩn bị xong, đêm nay xuất phát”.

          Thế là mọi việc đang làm phải dừng lại. Đại đội 6 chúng tôi là đơn vị cuối cùng xuất phát. Tiểu đoàn chỉ còn lại D bộ và ban chỉ huy. Chúng tôi nhanh chóng ăn cơm, nhưng khác với mọi ngày ăn chẳng thấy ngon miệng gì cả. Buổi trưa tôi tranh thủ mấy phút viết thư báo tin cho người yêu tôi, mà cũng chỉ kịp viết một lá, không kịp viết cho ba mạ tôi (vì trước đó tôi đã viết về và nói khoảng thời gian có thể đi B cho ba, mạ rồi). Xe ô tô tới tấp chở về mọi thứ, không biết có phải xe của tiểu đoàn không, nhưng chắc tiểu đoàn phó đã phải cố gắng để giúp cho chúng tôi lên đường tốt đẹp
          Chiều đó chúng tôi cấp tập nhận quân trang, quân dụng mới. Tất cả các thứ cũ bỏ lại hết kể cả quần áo v.v…
          Mỗi trung đội có 1 địa bàn, 1 ống nhòm, nghe nói 100 viên pin con thỏ không biết có đúng không.
          Mỗi tiểu đội có:
          2 AK báng gập có lê còn mới của Liện Xô và mỗi khẩu 60 viên đạn, 2 hộp băng đạn,
          A trưởng 1 khẩu , trắc thủ chính 1 khẩu
1 đèn pin
          1 bật lửa và 100 viên đá lửa
          1 B40 cho xạ thủ B40
          1 Xoong 20
          1 hộp bột trứng 5 kg
          5 kg bột cá, được gói từng gói 1 kg
          5 Kg ruốc bông, được gói từng gói 1 kg
Trang bị cá nhân
          Mỗi người 2 quả lựu đạn gang
          1 ba lô,
          1 mũ cối
          1 mũ tai bèo
          1 tăng nilon (B trưởng trở lên vi nilon),
          1 võng kép (B trưởng trở lên vi nilon),
          1 màn (B trưởng trở lên tuyn),
          1 ruột tượng đựng gạo, và gạo (ruột tượng đựng được khoảng 7 kg gạo)
          1 túi đựng cơm nắm (bằng vải trắng) sau này tôi dùng làm túi đựng đạn AK
          1 xẻng cá nhân
          1 dao găm
          1 bi đông nhôm có ca
          1 thắt lưng
          1 xanh tuya rông da (thứ này dở ẹc trông có vẻ đẹp, nhưng khi thấm mồ hôi và nước nó quắn như ruột chó, đeo đau cả người), sau này phải tìm của Liên Xô, hoặc của Mỹ thì thật tốt
          1 bát ăn cơm tráng men (lính gọi là bát B52)
          1 ăng gô nhôm
          1 đôi dày cao cổ
          1 đôi dép cao su, 1 sợi quai dép cao su (khoảng 1m),
          1 hộp bao vải nhựa y tế (trong có: 1 tuýp thuốc chống muỗi, 1 tuýp thuốc chống rắn cắn, 1 lọ bổ máu  (thuốc sắt, 100v), 1 lọ thuốc khử trùng nước (100v), 2 ống ê te phòng độc, 1 vỉ thuốc sốt rét số 2, 1 vỉ thuốc sốt rét số 3, 2 gói gạc vô trùng, 1 lọ thuốc B1 (100v), 1 gói trứng cá bổ mắt (100v)
          2 bộ quần áo dài, 2 bộ quần áo lót (áo cộc tay), 2 đôi tất, 1 khăn mặt
          1 Kg muối ăn
          1 gói mì chính 1 lạng (hồi đó có một lạng mì chính là ghê lắm, vì ở nhà một gia đình mấy tháng mới được bán 1 gói nhỏ chưa đến 30 gam)
Cả trung đội hình như còn được 1 lưỡi cưa
Tất tần tật cả buổi chiều lẫn buổi tối chúng tôi phải xắp xếp cho xong. Mọi cái đều gói gém trong ba lô và xung quanh chiếc xanh tuya rông. Riêng xanh tuya rông đeo vào người có lẽ nặng tới 10 cân.  Chiều hôm đó cả đại đội làm chứng minh thư giải phóng, đó là một tờ giấy có ghi tên và 1 dãy số, có 2 ô trống để chúng tôi in vân ngón tay cái vào. (Tờ chứng minh thât mỏng manh chỉ bằng nhãn vở học sinh. Nếu vô ý bị nước vào là nhàu, hoặc nhoè. Sau này vào chiến trường tôi thấy lính Mỹ và lính VNCH có thẻ bằng miếng Inox, gọi là thẻ lính. Có lẽ chúng ta đã không tính đến việc sau chiến tranh nếu có một người lính ngã xuống làm thế nào để tìm  được tên tuổi, thân nhân anh ấy, nên đã gặp  nhiều khó khăn. Nếu như ta cũng làm 1 cái gì đó giống như thẻ lính thì bây giờ công việc xác định thân nhân của các liệt sĩ sẽ thuận lợi biết bao. Có lẽ ngày nay các nhà quân sự, các nhà làm chính sách cũng nên suy nghĩ về điều này).
           Chiều hôm đó từng tiểu đội tự nấu cơm riêng. Vậy là chúng tôi chưa kịp  dùng hết tiền được bồi dưỡng. Các anh em trong C bộ được phân về biên chế trong  các  tiểu đội. Các thay đổi nhân sự trong trung đội tôi như sau:
A1 được thêm Phạm Xuân Loát (là lính trinh sát), Nùng A Tỷ anh nuôi,
A3 nhận thêm Nguyễn Văn Dinh (quản lý), Trần văn Tuyên A1 chuyển sang A3,
Tôi không nhớ A2 có bổ sung thêm ai không

Từ thời điểm này ngoài tên đơn vị là đại đội 6, đại đội tôi còn có tên trong chiến trường là Đoàn 672, và vũ khí 9M14M của chúng tôi có tên là B72 (có mặt ở B năm 72?)

Như vậy là A tôi có 7 người và A1 nếu Loát đã được huấn luyện bắn B72 thì A1 có 3 trắc thủ, ngược lại thì chỉ có 2 
A2 vốn đã có  3 trắc thủ (Kỳ, Cứ, Thể)
A3 cũng vậy nếu Dinh đã được huấn luyện B72 thì có 4 trắc thủ (Tuấn, Tường, Phượng, Dinh)
 Sau này căn cứ vào ngày ghi trên lá thư viết cho người yêu tôi biết rằng ngày đi chiến đấu của đại đội 6 là 14/04/1972 . Bây giờ lá thư ấy bị mối xông mất rồi, tôi muốn kiểm tra lại cũng không còn nữa.

          Đến 1 giờ rưỡi sáng (Ngày 14/04/1972). Anh Điến thổi còi đánh thức đơn vị dậy. Chẳng cần đánh thức, vì chúng tôi có ngủ đâu. Ngoài các anh cán bộ đã tham gia chiến trường, phần lớn chúng tôi đêm nay là đêm đầu tiên của những ngày chiến đấu. 3 xe Zin đã đến từ lúc nào và đang đỗ giữa sân. Lục tục khoảng 2 giờ rưỡi sáng xe chuyển bánh, mỗi trung đội một xe. Chắc ban chỉ huy chia nhau ngồi ở cabin. Đoàn xe đến Hà Nội  đi về phố Đội Cấn rẽ vào Quần Ngựa đỗ trước cổng Bộ tư lệnh 351 (hồi đó có lẽ bộ tư lệnh 351 rộng lắm. Ngày nay chắc đã bị chia cắt ra nhiều phần, nên có lần tôi chỉ có thể đứng nhìn cổng của cơ quan bộ từ một ngã ba trên đường Đội Cấn. Hình như là tại số 463 Đội Cấn, mà sao trong giấy tờ không đề rõ địa chỉ nhỉ, chỉ thấy ghi là ở phường Cống vị). Các anh trong ban chỉ huy vào làm việc với Bộ Tư lệnh, chúng tôi chờ trên xe. Khoảng nửa giờ sau, xe tiếp tục hành trình. Đến  khoảng hơn 8 giờ sáng chúng tôi tới ga Ninh Bình. Chúng tôi xuống xe hành quân bộ theo đường 10 đi khoảng 3 cây số, rồi rẽ vào một làng bên tay phải con đường, chúng tôi chia nhau tạm nghỉ ở các nhà dân. Một số anh em quê gàn đấy xin phép ban chỉ huy đại đội về thăm nhà. Thế là chúng tôi đã đi được một chặng đầu của hành trình.

          Khoảng 4 giờ chiều chúng tôi được lệnh hành quân về lại ga Ninh Bình, tiểu đội tôi đi trước, tôi là người đi đầu. Vậy là chúng tôi đã làm quen với việc mang vác được vài cây số, nhưng chưa phải mang khí tài. Chiều hôm đó trời nắng, số anh em dân tộc có lẽ chắc chưa quen đi trên đường bằng, tôi thì  cứ đi vượt lên trước, anh Điến đi sau nói lên “Đồng chí Sự đi chậm lại để phía sau đi kịp”. Sau này vào chiến trường chính tôi là người hay bị tụt hậu, lúc đó các anh em dân tộc lại trở về với núi rừng nên họ vác nặng, đi nhanh khó ai bì kịp. Chúng tôi đến ga Ninh Bình khoảng 5 giờ chiều. Hồi đó ga Ninh Bình trống trải, xung quanh phố xá lèo tèo,  trên sân còn một đơn vị bộ đội khác cũng đang chờ tàu, họ đông lắm, có lẽ gấp nhiều lần đơn vị tôi. Các tiểu đội kiểm tra lại quân số, phần lớn các anh em Ninh Bình đều được về thăm nhà, một số đã lục tục tới, còn thiếu một vài anh. Anh Điến thật là thương và tin lính. Không biết tôi nhớ có đúng không các anh Loát, Phượng, Thể trung đội 1, Sơn, Nguyện… đều  được về. Gần đến giờ tàu chạy mà Loát, Phượng và một vài người nữa chưa thấy đến. Cả đơn vị hồi hợp chờ đợi. Khi tàu chuyển bánh thì mới thấy các anh chạy theo. Người trên tàu đỡ ba lô cho người ở dưới. Cũng may tàu đi cũng chậm. Hú vía thế là anh em đều tề tựu đầy đủ. Lúc đó anh Điến mới nở nụ cười thoải mái. Đại đội tôi lên gọn trên một toa và hình như cũng lấn sang toa bạn một số người. Hoá ra là họ đi tới hơn cả tiểu đoàn, và cũng trên đường ra chiến trường. Đêm đó sau khi chuyện trò râm ran chúng tôi chìm trong giấc ngủ, vì  đêm qua gần như thức trắng. Khoảng 7 giờ sáng hôm sau ngày 15/04/1972 tàu tới gần Ga Vinh,  đỗ lại giữa đường cách ga khoảng 5 km. Chúng tôi được lệnh xuống tàu. Còn đơn vị bạn trên tàu vẫn đi tiếp. Chúng tôi tản vào một xóm cách đường tàu khoảng 300 mét (và cả đường 1 vì đường bộ, đường sắt đi kề nhau). Xóm này trống trải, phía sau là cái gò trống. Trưa đấy chúng tôi mua củi của dân để nấu cơm. Cũng may trong túi anh em, ai cũng còn một ít tiền.  Anh Phượng trung đội trưởng dặn cả trung đội, nếu dân có hỏi: “đi vào hay đi ra” thì nói: “đi ngang”, để tránh dân hỏi xin đồ đạc.  Thế là qua một ngày chúng tôi tiến ra chiến trường.
(Còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét