28 thg 7, 2013

Ký ức của Nguyến Thành Sự - 3

        Về 371

          Vài ngày sau tôi không nhớ chính xác, vào khoảng cuối tháng mười một. chúng tôi rời Sư đoàn 325 đi nhận nhiệm vụ mới.  Thế là chúng tôi rời 325 mãi mãi, rời Hà Bắc thân yêu, không kịp chào tạm biệt anh em trong đại đội.

          Ngày nay xem trên mạng và các hồi ký của lính, tôi thấy hình như sau đợt lính sinh viên chúng tôi Sư 325 còn tiếp tục huấn luyện quân mấy đợt nữa. Cám ơn 325 đã luyện chúng tôi kỹ càng, vì sau này tôi không có dịp được huấn luyện những bài cơ bản sâu như vậy. Có lẽ đây là quãng thời gian sống  chung của cánh tân binh sinh viên  các trường đại học lên đường 6/9/1971. Sau này khi nhắc tới những ngày đầu đời lính tôi cứ bồi hồi lưu luyến, vì đó là một trong những kỷ niệm đẹp nhất trong đời. Khi đang luyện tập sao cảm thấy thời gian dài và lâu thể. Nhưng khi bước chân ra đi tính lại chúng tôi ở Sư 325 có chưa đầy 3 tháng. Chỉ có 3 tháng , thế mà các anh đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng tốt đẹp. Trong thời gian ấy, vì mệt nhọc, bận rộn nên tưởng như không thể nghĩ đến bạn bè, nhất là những người thân thiết, chưa biết tôi đã thành người lính. Rời 325 tôi thoáng buồn, nhiều anh còn ở lại, không biết rồi sẽ đi đâu. Gần đây tham khảo trên mạng trên trang mạng :
tôi được biết tháng 7/1972 trung đoàn 95 cũng có đợt  vào đánh Quảng Trị, hơn nữa các anh còn góp phần trong 81 ngày đêm ác liệt giữ Thành Cổ Quảng Trị.

          Tôi không biết các anh em được chuyển đi ở những tiểu đoàn nào chỉ biết lần này về đơn vị mới có Đại học Bách Khoa, Đại học Xây Dựng Đại học Mỏ và Địa Chất, Đại học Kinh tế Kế hoạch. Chẳng hiểu có Đại học Tổng hợp không?. Hôm đó những người được chuyển đi tập hợp và hành quân ra ga Sen Hồ. Chúng tôi cũng không biết mình sẽ về đâu. Khoảng 7 giờ sáng thì lên tàu về Hà Nội. đến độ 9 giờ thì tới ga Hàng Cỏ. Ra khỏi ga đã có mấy cái xe Zin đợi chúng tôi ở đó. Đơn vị mới có người tiếp  đón chúng tôi. Xe tiếp tục chở chúng tôi đi về phía Cầu Giấy và ra khỏi Hà Nội đi về phía Sơn Tây. Khoảng hơn 11 giờ chúng tôi đã đến đơn vị mới. Cơm đã nấu sẵn chúng tôi ăn bữa đầu tiên ở đó. Hoá ra đây là đơn vị pháo. Cả đoàn tạm thời nghỉ hết ngày hôm đó. Hôm sau chúng tôi được khám sức khoẻ. Ngoài việc kiểm tra tim, phổi chúng tôi còn được kiểm tra độ phản xạ của chân và tay. Ngay sau đó trong đoàn chúng tôi được tách ra một bộ phận đi tiếp, nghe nói về Ba Vì bổ sung vào đơn vị pháo lớn (pháo 130). Trong số đó có Huân và Thiều Tiến. Thế là 5 đứa chúng tôi bị tách ra 2 đứa và thêm cả Trần Văn Đang lớp Lý K14. Vậy là khoa tôi có 3 đứa sang pháo lớn. Cho đến mãi sau này tôi mới biết Đang về Trung Đoàn 38, và hình như Huân cũng thế, còn Thiều Tiến về trung đoàn 45.    Riêng Đang sau này khi trên đường vào Quảng Trị tôi gặp nó. Còn Huân thì tôi cũng cứ nghĩ là nó ở với Đang. Năm 2010 trước khi nghỉ hưu tôi có ra Hà Nội, ba đứa Huân, tôi và Thiều Tiến ngồi ôn lại kỷ niệm cũ mới biết Huân cũng tham gia đánh Quảng Trị năm 1972. (Huân kể ở  Hà Nội ngày nay hội cựu chiến binh trung đoàn 38 (Bông Lau) mạnh lắm, họ hỗ trợ nhau làm ăn, giúp nhau nhiều trong cuộc sống. Hàng năm họ đều có các đoàn về thăm chiến trường Quảng Trị.)

          Sau khi nhóm được tách lên đường, đơn vị mới lại nhận thêm  tân binh chủ yếu là người Ninh Bình các anh em này không phải sinh viên, và được chuyển từ trung đoàn 97 đóng quân từ Ba Vì về. Thế là hai khối tân binh chúng tôi được hoà làm một và tổ chức thành một đại đội huấn luyện. Dần dà tôi được biết chúng tôi thuộc binh chủng pháo binh  Bộ tư lệnh 351 do bác Doãn Tuế làm tư lệnh, tiểu đoàn tôi là tiểu đoàn 371 (hồi đó tôi cũng chưa được biểt D371 còn thuộc trường bắn pháo binh nữa), tiểu đoàn trưởng là anh Lương Vũ Tuân thượng uý, anh nguyên là lính của trung đoàn Thủ Đô. Toàn bộ chúng tôi đầu tiên được phiên chế hết vào một đại đội gọi là đại đội 5 để huấn luyện. Tôi ở tiểu đội 1 trung đội 1.  Chúng tôi được phân ra ở trong 2 dãy nhà. Nói là nhà, mà không phải là nhà. Đây là nhà để xe, pháo được ngăn lại để bộ đội ở. Nhà để pháo được xây cao lắm. Một phía  hở không cửa để đưa xe vào, ra  phải che lại bằng liếp nên cũng còn trống trải. Chúng tôi ở lẫn với pháo và xe, xung quanh chúng tôi các khẩu pháo 130 to lớn, thân dài. Đã được xem trong các phim ảnh, nhưng đây là lần đầu tôi nhìn thấy pháo và lại pháo 130. Chắc các khẩu pháo này còn mới. Đại đội trưởng đại đội 5 là anh Phúc cấp bậc thiếu Uý. Trung đội trưởng trung đội 1 là anh Tưởng người Nghệ An cấp bậc chuẩn uý. Còn tiểu đội trưởng tiểu đội tôi là anh Hoàng Văn Lập người Tày cũng là sinh viên đại học Nông nghiệp, nhập ngũ năm 1970. Anh Lập vừa đi chống lụt về, nghe nói anh được giấy khen trong đợt chống lụt. Anh Lập hiền và chịu khó, gương mẫu, dễ gần, trái lại anh Tưởng rất nghiêm. Tôi và Khánh cùng tiểu đội. Còn Vũ Tiến ở trung đội 2, hay 3 gì đó và ở nhà đối diện. Tiểu đội tôi gồm có :
          Anh Hoàng Văn Lập A trưởng
          Nguyễn Thành Sự SV Toán K14 Bách khoa
          Phan Huy Khánh SV  Toán K14 Bách khoa
          Lưu Khánh Hồng SV Hoá K14 Bách khoa nhà ở phố Huế Hà Nội
          Phạm Văn Chiến  SV Thí nghiệm Hoá  Bách khoa  
Phạm Văn Phượng Ninh Bình
          Vũ Văn Cần Ninh Bình
Lê Văn Can Ninh Bình
          Phạm Binh Mã  Ninh Bình
                   Hồi Ninh Bình
Còn 2 người Ninh Bình  nữa tôi không nhớ tên


Thực ra anh Chiến với tôi và Khánh, Vũ Tiến đã biết nhau vì khi mới vào đại học chúng tôi ở với nhau một thời gian, sau đó anh chuyển sang học hoá.
Hai anh Phượng và Hồi đã có vợ
Đặc biệt Hồng nghiện thuốc nặng. Trong tiểu đội ai được tiêu chuẩn thuốc mà không hút là Hồng thầu hết,
Riêng anh Hồi có tài xem tướng và xem bói tay. Một số anh em đã được anh Hồi nhìn mặt xác định vị trí nốt ruồi trong cơ thể. Tôi đã từng mượn sách bói của anh chép lại để xem. Hồì đó chưa có Photocopy nên tôi phải thức trưa, tối đến gần mười ngày để chép

          Nói về ăn uống thì ở đây ăn uống tốt hơn hồi ở 325. Rau thường được ăn tươi ngon, và bữa ăn cũng có miếng thịt. Bếp ăn gần chỗ ở của chúng  tôi. Toàn bộ tiểu đoàn 371 ở trong khuôn viên của kho pháo, trước đây là nhà tù thuộc khu vực Mỏ Chén. Xung quanh doanh trại 371 còn có nhiều đơn vị bộ đội khác

Huấn luyện

          Có thể hình dung lại vị trí Mỏ Chén qua bản đồ hiện nay. Nó thuộc phần đất ở rìa phía tây của xã Thạch Hoà, huyện Thạch Thất Hà Nội bây giờ.   Trường bắn pháo binh không còn nữa. Nhà tù Mỏ Chén chắc cũng không còn. Tôi vẽ lại vị trí của kho pháo và vị trí của doanh trại 371 trên bản đồ. Tại Mỏ Chén có 7 cái giếng lớn, miệng giếng rộng đến 4 mét, nước trong (các chấm đỏ trên bản đồ). Xung quanh trồng mít, mít có lẽ cũng được trên 7 năm rồi, ngoài  đồi còn có dứa. Con đường đi qua trước doanh trại trồng xà cừ. Phía sau doanh trại của D371 có đơn vị hậu cần. Về phía bên phải theo con đường đi dưới quả đồi cao khoảng một cây số là sân bay Hoà Lạc, đi về phía trái qua quả đồi có Bốt Lăn là Trụ sở ban chỉ huy trường bắn pháo binh.
(Tiếc quá không ảnh của Google tại vùng Hoà Lạc, Ba Vì bị mây che lấp, không hiển thị được với tỷ lệ lớn, nên bây giờ tôi chưa lấy được quang cảnh của vùng Mỏ Chén thời nay. Tỷ lệ tối đa đạt được trên trang Web sau:
http://wikimapia.org/#lang=vi&lat=21.017469&lon=105.506816&z=13&m=os)
 Chúng tôi bắt đầu vào huấn luyện tại đơn vị mới sau vài ngày củng cố chỗ ăn ở. Tôi còn nhớ buổi chào cờ đầu tiên khi mới đến, đại đội trưởng Phúc sau khi dặn dò về kỷ luật đã nói lời cuối cùng đại ý như sau: “ “Tôi cảnh báo các đồng chí”: “đừng nghĩ rằng đi bộ đội là nay mai chúng ta sẽ về, và đừng làm gì để sau này chị, em các đồng chí, cha, mẹ các đồng chỉ phải mang tiếng là người anh, người em người cha, mẹ của thằng đào ngũ””, có lẽ đây là câu nói mà tôi nhớ mãi. Rồi thì chúng tôi cũng biết ngành chúng tôi là đơn vị  tên lửa chống tăng, tên gốc của nó là 9M14M. Loại vũ khí này còn đang bí mật, vì vậy thư từ gửi cho bạn bè, về gia đình mọi người tuyệt đối  không được ho he. Thậm chí phải hạn chế người nhà của lính lên thăm. Nói vậy mà cũng có anh chàng, ngoài bì thư vẽ vời, ghi ghiếc thế nào có vẻ làm lộ nhiệm vụ của đơn vị. Thế là tới buổi chào cờ lại được nghe một trận lên lớp. Đúng là loại vũ khí của chúng tôi tại thời điểm đó chưa được sử dụng trên chiến trường. Khi chúng tôi học, việc bảo mật đã đỡ nhiều, chứ cách đấy vài tháng các anh học khoá trước nghe nói phải huấn luyện bên khu chỉ huy trường bắn, việc bảo mật còn nghiêm ngặt nữa.   Xung quanh doanh trại chúng tôi bán kính trong vòng 2 cây số tuyệt đối không có nhà dân. Nhìn từ doanh trại ra chỉ thấy đồi đất trống vắng, ngày cũng như đêm. Thật là điều kiện lý tưởng cho việc bảo mật

          Phần lý thuyết về khí tài  do đại đội phó Kiên lên lớp giảng. Đại đội phó huấn luyện chúng tôi là nói giọng Nghệ An,  trình bày về nguyên lý cấu tạo của tên lửa, đồng thời nêu tính năng tác dụng của nó. Tính năng thì chúng tôi còn nhanh chóng nắm được, chứ nguyên lý cấu tạo thì nghe ù cả tai. Phần này chắc chỉ mấy chàng quân khí mới cần nắm kỹ. Nói chung tài liệu sách vở ghi xong bị thu lại, sang buổi  nào học tiếp mới được nhận để ghi bài.

          Nếu những ai là trắc thủ thì chắc không cần nói làm gì. Nhưng các anh em chưa được luyện cũng nên nói qua cho biết. Cứ như vậy mỗi người được luyện mỗi ngày khoảng 5 phút. Quả thật cách luyện này chẳng khác trò chơi điện tử ngày nay chút nào. Thậm chí các game thủ ngày nay chắc điều khiển giỏi hơn chúng tôi ngày đó, chỉ khác họ thao tác để chơi, không bị yếu tố nào chi phối. Còn chúng tôi luyện để chiến đấu, chắc sẽ có nhiều yếu tố chi phối. Chúng ta sẽ thấy ngay điều đó, diễn ra trên chiến trường.

          Ngồi trên xe luyện cũng thích lắm. nhất là mùa lạnh đã đến. Có hôm chưa đến lượt nhưng chúng tôi đã lên xe ngồi để tránh rét. Độ bền của các thiết bị hồi đó có lẽ cũng chưa cao, có lúc thì xe luyện hỏng, có lúc thì máy nổ hỏng làm chúng tôi phải chờ. Nếu học nhanh thì loáng cái chỉ hết có buổi sáng, nên chúng tôi được học xen kẽ thêm môn xạ kích, hoặc chính trị. Tuy nhiên việc học ở đây cũng dễ thở hơn hồi ở sư 325

          Hàng ngày cứ theo lịch của tiểu đội chúng tôi tới xe huấn luyện để tập, xe huấn luyện được gọi là xe Bộ Luyện. Hình như lúc đó toàn bộ tiểu đoàn có 3 xe luyện. Phương pháp luyện là mỗi học viên nhìn qua kính ngắm, điều khiển hình ảnh viên đạn (tên lửa) là một chấm sáng đưa vào nằm trong 1 hình ảnh bằng ánh sáng hình bầu dục (mục tiêu) , trong 1 thời gian cho phép tương ứng với cự ly giả định (từ 500 m đến 3000 m). Các bài học được thực hiện từ dễ đến khó gồm. Các bài đầu không để ý đến nền đất. Nhưng các bài sau thì cộng thêm điều kiện mặt đất, nghĩa là đường đạn không được chạm xuống vạch ngăn ranh giới đất với phía trên (vì trong thực tế nếu chạm đất trước khi chạm mục tiêu coi như đạn không thể trúng mục tiêu mà bị hỏng), Với cự ly từ xa (3000m) đến gần (500m). Ở cự ly xa tuy mục tiêu có bé nhưng thời gian cho phép  đưa đạn vào mục tiêu dài, còn cự ly ngắn thì thời gian điều khiển cho phép ngắn (vì chỉ khoảng 4 giây) nếu không nhanh là  bắn trượt mục tiêu.

          Hết các bài về mục tiêu đứng yên, chúng tôi tập sang mục tiêu chuyển động. Sau đó chúng tôi học tiếp bắn theo các điều kiện nhiệt độ khác nhau. Điều kiện nhiệt  độ cao nhất lên tới 70 độ. Trong điều kiện nhiệt độ cao thì đạn có xu hướng bay lên cao, nên phải ghìm cần điều khiển để đưa đạn xuống. nói chung rất khó bắn, vì ghìm quá mạnh tay là đâm xuống đất. Sau khi đã thành thục, chúng tôi luyện trong điều kiện tự nhiên. Cách luyện này chỉ đơn giản là xe luyện mở của sổ, và các hình ảnh về đạn và mục tiêu, hiện trên nền của phong cảnh thấy qua cửa sổ. Cuối cùng chúng tôi luyện trường hợp chưa thấy đạn trong kính ngắm, cần phải lái nó vào trước để thấy. Cái trò này đã làm tôi bắn trượt vì không đủ thời gian đưa đạn vào kính ngắm trong chiến trường đấy.
          Có một điều sau này khi đã không còn chiến đấu tôi cứ thấy thắc mắc về các điều kiện bắn trong hoàn cảnh:
-         Mục tiêu ở trên cao mà vị trí bắn ở dưới 
-         Mục tiêu ở dưới thấp mà vị trí bắn ở trên cao
-         Mục tiêu nằm ở điểm cao này và vị trí bắn ở một điểm cao khác ở giữa thấp
không biết có ảnh hưởng gì về kỹ thuật bắn không?

          Quay lại với những kỷ niệm về sinh hoạt của chúng tôi thời đó. Hàng ngày sau khi tập luyện, chúng tôi còn thừa thời gian nhiều lắm. Tuy có thời gian rỗi nhưng chỉ ở loanh quanh trong doanh trại. Thế là chỉ còn cách tụm nhau đánh cờ, đánh tiến lên, đánh Ù. Vì chơi trong giờ nên không được làm ồn ào, buổi tối thì tha hồ la hét. Ban ngày ai rỗi thì lại xúm vào đánh tiến lên, cờ tướng, ù. Có lẽ tiến lên là vui nhất, mỗi ván vừa nhanh vừa đỡ nhức đầu mà lại vui. Còn cờ tướng thì chỉ được mỗi 2 anh. Tôi không tham gia đánh  tiến lên, ù mà chỉ ngồi chầu rìa. Xem mãi rồi cũng biết luật chơi, nhưng tôi không tham gia. Can, Hồng, Chiến, Khánh hầu như mâm nào cũng thấy có. Thỉnh thoảng có thêm các thành viên của các tiểu đội khác cũng tham gia. Hồi đó đánh cờ tướng khá tôi thấy có Thuyết. Nhưng không hiểu sao, vì sau khi huấn luyện tôi ở đại đội 6 đi chiến đấu quay ra Bắc vẫn thấy anh ấy ở Mỏ Chén (vì chỉ mỗi C6 là ra Bắc đầu tiên). Ở đại đội có mấy chiếc ghi ta, Khánh thường xuyên ôm một cái và thường đánh mãi bài tủ “Những cô gái quan họ”. Cứ trưa nắng không ngủ ra ngoài đường cái lại thấy một nhóm các tay ghi ta ngồi dưới gốc xà cừ ven đường chơi đủ thứ bài, nào là “Quả táo”, “Mặt trời của tôi”, “Xi bô nê”, “Santa lu xia” v,v,.., tôi thích nghe lắm. Có lần tay Hiển (không biết tôi nhớ có đúng không) sinh viên đại học xây dựng thì phải,  chơi rất hay, anh ấy dáng nhỏ con trắng trẻo, hoạt bát hỏi tôi: “Ông có tập không tôi hướng dẫn cho, tôi cũng mới tập chơi, mới tập nên nghiện nó lắm”. Tôi thấy ham, nhưng ngại, nên từ chối. Trong đại đội có một vài anh đã nhiều tuổi như anh Nguyễn Văn Ba, là sinh viên đại học Kinh tế  Kế hoạch. Cũng chuyển từ 325 về đây như chúng tôi. Lúc đó anh ấy có lẽ hơn 30 tuổi rồi, người hom hem. Còn một anh nữa tôi không nhớ tên, người Ninh Bình là giáo viên, anh này lại càng hom hem hơn, đang bị đau dạ dày, phải ăn kiêng mỡ, nên đơn vị cử anh ấy đi chăn bò, đến bữa ăn, phần ăn của chúng tôi đã khiêm tốn rồi mà phần ăn của anh càng lèo tèo hơn. Không hiểu tại sao người ta lại tuyển các anh ấy vào bộ đội làm gì. Hình như sau này các anh ấy được ở lại không đi chiến đấu cùng chúng tôi. Ở đây chúng tôi thường ăn thừa cơm nên anh Lập tiểu đội trưởng của tôi đưa về một con chó con. Cứ đến bữa anh lấy cơm và thức ăn lính ăn thừa mang về cho nó.

          Ở Mỏ Chén một thời gian tôi dần chú ý quan sát mọi điều xung quanh, tuy vậy do cứ chúi mũi vào thư từ, ghi chép, nhớ nhà nên việc để ý chẳng được sâu sắc bao nhiêu. Cán bộ tiểu đoàn tôi cũng không quan tâm tìm hiểu nhiều.  Chỉ biết là các anh ấy ở khu trên. Khu trên bao gồm cả lính của D bộ. Xe cộ của đơn vị, các bộ phận quân lực, hậu cần, quân khí, ôtô v.v... Đặc biệt không hiểu sao tôi thấy lính huấn luyện trinh sát lại ở trong một cái lều bạt, khoảng 30 mét vuông. Lều được dựng ở trên sân gần ngôi nhà vuông trước dãy mà C6 sau này sẽ ở, giống như đang thời kỳ dã ngoại. Hôm đó trời còn đang nắng, tôi đến gần xem,  hơi nóng bốc lên thật khó chịu, ngột ngạt. Nhà còn nhiều và rộng. Không hiểu họ ở như vậy để luyện điều gì?

          Không biết tôi hiểu có đúng không, hồi đó ban ngày có lính của D bộ ra gác ở vọng gác ngoài cổng doanh trại. Lính huấn luyện chúng tôi không phải gác ban ngày, chỉ gác ban đêm. Lại nói chuyện gác, việc gác ở 371 khác với hồi ở 325, chúng tôi gác trong nội bộ doanh trại. Cứ đến ca là đi quanh trong sân, quanh nhà,   ra tới cổng doanh trại. Còn không biết việc tuần tra xung quanh doanh trại là nhiệm vụ của đơn vị nào. Khi gác chúng tôi được phát 2 viện đạn. Ở tiểu đội 2 có 1 sự kiện kể cũng động trời. Đêm đó các lính gác thể nào lại lắp đạn vào súng, sáng ra không khám súng. Đến trưa sau khi ăn cơm xong, Thể và vài người nữa  ra phía sau doanh trại tranh thủ thời gian tập thêm xạ kích, Khi đó Thể đang di chuyển tấm bìa tròn để người ở dưới tập ngắm chụm. Bất ngờ khi người ngắm bóp cò thì có tiếng nổ, cũng may không để liên thanh, và đường ngắm của anh bạn đó cũng được, nên đạn không động gì đến anh chàng Thể. Thât là hú vía. Nhân nói về chuyện súng ống, khoảng tháng 12 năm đó, tại dãy nhà sau này đại đội 6 ở. Lúc đó có sự việc đau lòng, đó là một anh không biết ở đơn vị nào táy máy mang đầu đạn 37 ra sau nhà nghịch, nó nổ làm thiệt mạng. Rồi nữa cũng gần tết năm đó đơn vị hậu cần phía sau doanh trại tôi cũng có một anh nghịch bom bi, bom nổ cũng làm anh thiệt mạng. Quả bom này không biểt Mỹ ném hồi nào nó nằm trong đất và chồi một nửa lên trên. Lính trong D 371 khi đi tập xạ kích thỉnh thoảng cũng đi qua đấy, nghe nói có người cũng thấy nó. Quả bom cứ nằm lăn lóc không biết bao lâu. Đã mấy lần có mấy người nghịch lấy đá ném. Nhưng đến khi anh đó ném thì bom nổ. Thật đáng tiếc.

(Đây theo nguyên tác có sơ đồ doanh trại bộ đội mình kg đưa lên. Xin lỗi tác giả. honngv)


          Khi Chúng tôi chuyển từ Sư 325 sang Mỏ Chén mùa đông đã bắt đầu dần tới. Những ngày đầu trời còn nắng, buổi trưa chúng tôi lại ra giếng tắm, các giếng trong doanh trại thường đông lắm, nên cứ sang kho pháo, bên đó có 2 cái giếng, và cũng vắng người. Bọn tôi thường chui qua lỗ tường đổ chứ không theo cổng chính. Bên doanh trại 371 có pháo nhưng không nhiều bằng bên này. Các cỗ pháo 130 còn mới được phủ bạt nằm trong các nhà. Trong tiểu đội tôi tay Mã bị ghẻ nước, nên hàng trưa cứ đứng tắm giữa trời, phải chà lá xà cừ khắp người để chữa ghẻ, cứ đỏ hết cả người, trông tội lắm. Ấy thế mà cuối cùng chàng ta cũng hết ghẻ, thật đáng khâm phục. Ở đây cứ về đêm  sương xuống lạnh lắm, cái kiểu thời tiết này cũng giống ở chỗ nhà tôi bên xã Hùng Sơn, Lương Sơn Hoà Bình. Hồi còn ở nhà, ngay cả mùa thu,  ban ngày dù  nắng, nhưng ban đêm sương xuống, hơi núi ra lạnh phải đắp chăn. Từ nhà tôi sang đây chỉ cách ngọn núi chắc khí hậu cũng như vậy. Lúc đầu chưa lạnh lắm, mỗi người còn ngủ riêng ở giường mình, dần lạnh nhiều hơn vì đã vào đông. Phòng tôi có 2 cửa ra vào dùng liếp che, tiểu đội tôi nằm phía ngoài nên được hứng cái lạnh nhiều hơn cả. Khi lạnh xuống vài ba đứa dồn cục lại, gom chăn đắp chung. Hôm đó trời thật lạnh, khi ra gác, tay chân tê buốt,  dồn vài ba đứa cũng không đủ ấm, thế là về đêm cả tiểu đội tôi hàng chục đứa, chen qua chen lại dồn cục chỉ vẻn vẹn trong 3 cái giường lúc nào không biết. Hồi đó đồ chống lạnh chỉ có chiếc áo vệ sinh, hở cổ. Còn chăn thì mỗi đứa được một chăn chiên, khi trời rét đắp  chẳng thấm tháp gì.

          Chúng tôi về 371 một thời gian, thì tiếp tục lại có một đơn vị gồm các anh  hình như ở trong chiến trưởng ra, cũng để huấn luyện loại vũ khí này. Các anh ấy ở khu riêng, tại nhà phía ngoài cùng, bên tay trái cổng ra vào. Thấm thoắt gần đến ngày 22 tháng 12. Chó của tiểu đội nuôi cũng đã lớn. Anh Lập lên kế hoạch chuẩn bị làm thịt, tôi và Mã được phân công đi xin rơm. Hôm đó tôi không nhớ rõ là ngày 20 hay 21. Sau khi tập xe luyện xong, tôi và Mã nhắm đường tới Sơn Động, là xóm bên cạnh trường 200 (trường sĩ quan  lục quận). Chúng tôi đi qua sân bay Hoà Lạc, đi theo đường 21 tới Sơn Động ngó nghiêng chẳng thấy nhà nào có rơm, tiếp tục đi tới Tùng Thiện đi qua một trường cấp 3 ven đường,  lúc đó có lẽ là giờ ra chơi, có một nhóm nữ sinh đứng trên cổng trường nhìn xuống (trường ở trên nền đồi cao), thấy Mã nhà ta nhỏ con, với bộ quần áo lính rộng thình,  nên gọi trêu: “chào chú em bộ đội”. Chúng tôi đi một đoạn nữa cũng chẳng hy vọng gì, nên quay về. Không xin được rơm, nhưng được một bữa đi dạo, mà cũng may nếu xin được, ôm bó rơm đi hàng chục cây số không biết có được không. Đến quá trưa chúng tôi mới về đến đơn vị. Chiều chúng tôi vào phía trong làng đồng bào Mường, đi vài nhà may quá, rồi cũng xin được một bó  mang về. Sáng 22 tháng 12. Không biết các tiểu đội khác thế nào, tiểu đội tôi giao hết cho cánh Ninh Bình phụ trách làm thịt chó. Lúc đó Phượng, Hồi, Can, Cần tha hồ trở tài. Tôi bỏ đi chơi một lúc đến độ 10 giờ về, Phượng bảo tôi : “Thôi ông Sự nướng dồi chó đi vậy”. Thế là anh chàng Phượng  hướng dẫn tôi lấy một cái ống tre to, vớt dồi ra để nguội rồi quấn quanh ống tre, bôi mỡ lên và nướng vàng. Xong xuôi tôi lại bỏ đi chơi. Vì tôi nghĩ mình không thích ăn thịt chó. Sở dĩ vậy vì hồi còn là học sinh, cứ mỗi năm lớp tôi liên hoan kết thúc năm học có mấy lần ăn thịt chó, tôi chẳng thấy ngon gì cả, và sau mỗi lần ăn thịt chó đều bị đau bụng. Khoảng 12 giờ trưa tôi mới về ăn cơm, mọi người đã ăn gần xong, và để phần cho tôi. Đầu tiên vì sợ nên tôi ăn món canh (sáo), thấy ngon quá, lại tiếp tục ăn món nhựa mận. Lại thấy ngon quá, ăn đến khi căng cứng bụng mà vẫn còn thèm. Tất cả các món đều khác với hồi tôi ăn liên hoan cuối năm khi còn học cấp 3. Bữa thịt chó đó đúng là nhớ đời và tôi nhớ mãi đến bây giờ. Không biết ai đó trong anh em Ninh Bình vài hôm sau còn nói thêm: “Sống  trên đời ăn miếng dồi chó, chết xuống âm phủ biết có hay không”. Cả sau này nữa lính Ninh Bình có nhiều điều làm tôi ngạc nhiên và học hỏi. Sau 22 tháng 12 lại đến tết dương lịch. Có một lần vào ngày nghỉ tôi dò dẫm đi vào phía chợ Cò. Theo tôi biết có mấy đứa bạn người Mường học cùng trường với tôi ở trong các xã này. Tôi cứ đí miết, đi qua cả chợ Cò, đi sâu vào gần núi, bất ngờ tôi gặp một bạn học sau tôi 2 lớp, nhưng hồi đi học không quen lắm, tôi tiếp tục đi vòng theo đường đi ra sau  BCH trường bắn, rồi theo đường lớn trở về doanh trại. Một lần khác tôi mới đi qua  tới gần trại  ngựa thì gặp một anh bạn học sau tôi một lớp anh ấy tên là Nghiêm bạn thân của một bạn nữ trong lớp tôi. Anh ấy chưa đi đại học, ở nhà làm linh tinh, trong đó có chụp ảnh (tháng 8 năm 2012 người bạn nữ lớp tôi đã vào Bình Phước ra thăm lại Lương Sơn, anh Nghiêm lái xe đưa ra tận Sân bay Nội Bài tiễn người cũ, lúc này anh đã là giám đốc của một công ty tại Hà Nội. Thât là cảm động, tình bạn tồn tại tới tuổi 60, chuyện này do bạn nữ của tôi cho biết. Gần đây đầu tháng 7 năm 2013 bạn học của tôi từ Lương Sơn vào du lịch Đà Nẵng cho biết sau này Nghiêm có đi đại học về Ngân hàng).     
        Nghiêm dẫn tôi về nhà. Anh ấy nói trước đấy một thời gian cũng có bộ đội ở nhà anh. Sau này tôi mới biết,  khi mới về đây chúng tôi đã ở gần lính Sư 308 (trong nhà anh có trưng  khá nhiều ảnh lính cỡ 4x6). Ở quanh đây còn một đơn vị nữ nữa. Hồi đó chúng tôi cứ đi về phía trại ngựa là thấy có một tốp bộ đội nữ tập ớ phía đó. Sau nghe nói họ cũng kết thúc khoá huấn luyện, rồi chuyển đi đâu không rõ. Lại còn nghe các câu chuyện về trong số các chị  này khóc lóc khi kết quả luyên tập của mình thua chị kém em.

          Tết dương lịch, được nghỉ 2 ngày liền, vì mùng 2 vào ngày chủ nhật, tôi xin phép anh Lập về nhà. Trưa 1/1/72 sau khi ăn cơm xong tôi cứ cắt đường đi ra phía đường 21, nhắm cái đồi nhọn có cắm lá cờ mà hàng ngày tôi ngắm qua kính nhìn thấy. Phải đi đến 5 km mới ra được đường 21, rồi tiếp tục đi về phía Xuân Mai. Chiều khoảng 5 giờ tôi về đến nhà. Nhà tôi ở gần thị trấn huyện Lương Sơn cách Xuân Mai 4 cây số.  

          Khi huấn luyện trên xe luyện đã được nhiều vấn đề, chúng tôi được học về lắp ráp đạn, thiết bị hòm đạn bệ. Để phụ trợ thêm chúng tôi còn được học về sử dụng ống nhòm, cách đo qua ống nhòm để xác định cự ly tới mục tiêu. Được biết về khái niệm ly giác, các loại chuẩn ly giác và các thước đo (ri-mooc- tơ). Ly giác theo đơn vị Anh là chia vòng tròn thành 6000, còn của Xã hội chủ nghĩa là 6400. Các khái niệm này chắc cánh trinh sát được học kỹ.

Cuối cùng rồi cũng đến ngày bắn đạn thật. Tôi không nhớ vào ngày nào. Nhưng vào sau tết dương lịch khoảng 15 đến 20 ngày. Ngày hôm đó trời nắng không mưa. Nói chung về mùa đông ở miền Bắc rất ít mưa. Cả C5 và đơn vị các anh ở chiến trường ra cùng bắn.  Chúng tôi đi từ sớm ra khu trường bắn là khu đất gọi là Đồng Mô, nói là Đồng Mô thì rộng lắm hình như kể cả chỗ BCH trường bắn cũng được gọi là Đồng Mô. Chúng tôi phải đi qua sân bay Hoà Lạc, vượt qua mấy quả đồi nhỏ. Đến một vị trí phía sau có một cái hồ nước. Ở đấy nếu nhìn sâu vào núi có lẽ tới 5 Km không có nhà cửa, xung quanh trống trải, lúp xúp mấy quả đồi nhỏ. Phía trước tiểu đoàn đã bố trí các trạm cảnh giới. Bia là tấm cót nẹp lại thành hình cái xe tăng, cự ly tôi không nhớ lắm, chắc là một cây rưỡi. Chúng tôi bắn mục tiêu đứng yên. Tại vị trí bắn có 2 hay 3 bảng điều khiển. Cứ thế hết người này đến người kia bắn. Khoảng gần trưa thì đến lượt tôi. May quá tôi cũng bắn trúng mục tiêu. Có anh bắn đạn mới bay được gần trăm mét đã rơi rồi. Đến khoảng 1 giờ chiều thì bắn xong, hình như tiểu đoàn cũng chọn ra mấy anh bắn khá bắn mục tiêu di động. Nếu cứ theo bản đồ thì tại vị trí chúng tôi bắn bây giờ người ta đã xây dựng làng văn hoá, và khu công nghệ cao gì đó. Còn các hồ thì vẫn còn không bị lấp.

          Qua việc bắn đạn thật một số anh em thấy việc điều khiển đạn có hơi khác với điều khiển trên xe Bộ Luyện một chút, đó là độ nhạy khi điều khiển đạn trong thực tế rất cao, chỉ cần nhích nhẹ cần điều khiển  là đạn đã chuyển hướng. Trong khi đó trên xe luyện khi kéo cần điều khiểu nhiều hơn thì đạn mới chuyển hướng bay như thực tế.  Cần phải bình tĩnh khi bắn nếu không đạn sẽ chui xuống đất ngay hoặc bị lái đạn ra xa kính ngắm khi mới bắn. Cho nên anh nào bắn được càng nhiều đạn thật thì tay cần sẽ càng chuẩn và giảm  được sự mất bình tĩnh .

          Hết bắn đạn 9M14M, chúng tôi lại bắn đạn thật các bia mẹ bồng con và thằng còm. Phần này hình như chỉ C5 chúng tôi thực hiện thôi. Trường bắn là góc phía bên kia quả đồi của Bốt Lăn tại vùng bắn AK. Hướng bắn vào phía trong chân núi. Tại lần bắn này có anh Tuân xuống chỉ huy và hướng dẫn, bài này gồm 2 loạt đạn, đầu tiên là bắn bia mẹ bồng con sau đó hành tiến bắn bia thằng còm ẩn hiện. Tôi cũng đạt loại giỏi, Có trường hợp anh Tuân tiểu đoàn trưởng dẫn bắn một anh (hình như lính Ninh Bình), run thế nào mà cả loạt bay lên trời nòng súng cứ lia về phía anh Tuân đang đi bên cạnh. Anh phải cầm tay chàng kia đỡ giúp không thì khéo nó quay đi đến 90 độ cũng nên.

          Thế rồi tết năm 1972 đã tới. Chiều 30 (năm đó tháng chạp đủ 30 ngày) cả đại đội mổ lợn gói bánh, tôi được phân công trộn nhân  làm nem Sài Gòn, cách trộn là trộn thịt lợn, miến, mộc nhĩ, trứng gà đã đập vỏ trộn chung. Không hiểu tại sao món nem chiều đó được ăn tôi không cảm thấy ngon bằng mạ tôi làm. Mạ tôi làm nem thơm và ngọt lắm, mặc dù thịt có thể không được ăn tươi (hồi đó muốn để thịt  phải làm chín mới để được chứ không có tủ lạnh như bây giờ). Tiêu chuẩn mỗi lính một cái bánh chưng. Hình như chiều đó bánh được gói ngay và nấu trong đêm 30 luôn. Khu nhà của B2, B3 được chuẩn bị để tập hợp toàn đại đội.  Bữa cơm chiều 30 của toàn đại đội thật vui vẻ. Có lẽ kể từ ngày tôi nhập ngũ, bữa ăn này là bữa thịnh soạn nhất. Ăn xong chúng tôi tụ tập từng nhóm vui cười. Có lẽ từ ngày về 371 đến giờ, tối nay  bọn tôi mới có điều kiện gặp lại nhau thoải mái thế này. Ngay từ đầu tối không biết đèn ở đâu mà khắp nơi đều sáng rực. Khác với mọi ngày chúng tôi chỉ dùng vài ngọn đèn dầu, nhưng tối 30 tết số lượng đèn được tăng cường nên ở đâu cũng thấy sáng sủa. Đại đội thông báo, đến 9 giờ bộ đội tập hợp tại phòng ở  B2, B3 để vui tết. Lúc này chúng tôi mỗi người tự do hoạt động theo sở thích của mình. Đến khoảng 9 giờ ban chỉ huy đạị đội tập hợp toàn đơn vị chúc tết và bánh kẹo trà thuốc được bày ra. Cái ra đi ô của đại đội được bật lên để cả đơn vị nghe tết. Rồi thì đơn vị giải tán chờ thời điểm giao thừa. Chúng tôi ra ngoài doanh trại dạo chơi, không gian yên lặng. chúng tôi không được đốt pháo. Đi ngoài đường nhìn vào các phòng trong doanh trại đèn sáng trưng. Trước sân chúng tôi đã chuẩn bị cho các trò vui cho ngày mùng 1 tết. Các hội tiến lên, ù lại tiếp tục hoạt động. Phút giao thừa qua đi thế mà tiếng la tiếng hét vẫn còn. Có tiếng la to nhất là của một lính Nghệ An, tiếng la như người say rượu. Mà đúng anh ta có vẻ say thật, hoá ra vì thèm rượu anh ấy pha nước vào cồn uống, chắc nồng độ cao quá, nên nó vừa say vừa sót ruột. Anh Tuân tiểu đoàn trưởng phải nói lính D bộ nhốt anh ta vào phòng của y tế, thế mà anh ta vẫn quậy cho đến 3, 4 giờ sáng, làm cả doanh trại ồn ào.

          Ngày 1 tết buổi sáng đại đội tổ chức các trò chơi: ném bóng, đi xe đạp chậm, đi xe đạp đốt pháo v.v… đến tận trưa. Đến trưa ăn cơm xong tôi xin phép về nhà. Lần này đã quen đường nên đi cũng nhanh. Về nhà tôi tranh thủ chụp được Pô ảnh mang phù hiệu pháo binh, tranh thủ thăm một số bạn. Mạ tôi lại trổ tài nấu nướng cho tôi ăn cho đỡ nỗi nhớ con. Như tôi đã nói mạ tôi không quên làm món Ram (nem Sài Gòn), món này tôi ăn cảm thất ngon hơn hôm chiều 30 tết. Lần này tôi lên đơn vị mang theo cái xe đạp thiếu nhi Liên Xô đã cũ, nên gần hết chiều mùng 2 tôi mới về đơn vị. Trưa mùng 3 tôi báo không ăn cơm ở đơn vị và vào thăm nhà Nghiêm, thế là lại được đãi bữa bánh chưng no nê.
(Còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét