4 thg 3, 2013

Đừng bắt con chúng tôi làm anh hùng nhí!

     Tôi muốn con tôi là một đứa trẻ hồn nhiên, trong trẻo; lớn lên là người đàn ông tỉnh táo, điềm đạm, và lịch duyệt. Con người đó chắc chắn biết trân trọng và bảo vệ giá trị, trong đó có đất nước mà không cần sự nhào nặn nào từ trứng nước.
     Những tranh luận về việc đưa thông tin lịch sử, cụ thể là cuộc chiến tranh năm 1979 vào sách giáo khoa đang thu hút sự chú ý. Nhân đây - với tư cách một phụ huynh học sinh - tôi muốn bàn thêm về cách giảng dạy - đề cập lịch sử trong cấp tiểu học.
     Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm của PGS.TS Nguyễn Cảnh Huệ, quyền Trưởng khoa Lịch sử, Trường ĐH SP TP.HCM và thầy giáo Trần Đình Phúc: Lịch sử cần được tôn trọng, chúng ta không thể im lặng trước những sự thật. Nếu lịch sử không được giảng dạy chính thống sẽ còn nguy hại hơn vì với điều kiện công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, các em có quá nhiều điều kiện để tiếp cận các nguồn thông tin.
      Tôi không dám lạm bàn về chuyên môn khoa học của các nhà giáo dục và sử học. Với cương vị một người mẹ, tôi chỉ muốn nói đến cách đặt vấn đề lịch sử tác động đến con chúng tôi như thế nào.
Con trai tôi 10 tuổi, học lớp 4, chương trình học đại trà của Bộ Giáo dục - Đào tạo soạn thảo, năm đầu tiên tiếp cận 2 môn học Lịch sử - Địa lý ở mức sơ lược. Nhưng vấn đề tôi muốn bàn nằm ở một bài học Văn: "Những chú bé không chết".
     Khi được yêu cầu giúp đỡ con học thuộc nội dung và phân tích ý nghĩa bài văn, tôi đã rất bối rối khi phải tìm từ ngữ và cách giải thích cho cháu, cùng một câu hỏi trong lòng: những nhà giáo dục đang làm gì con chúng tôi thế này?
     Văn là người, học văn là học làm người, học về cái đẹp, tính nhân văn, chân thiện mỹ... ai cũng hiểu như vậy. Vậy sao một câu chuyện toàn những "tàn sát đẫm máu", "bọn phát xít", "tra tấn dã man" rồi "treo cổ" không phải một mà ba đứa trẻ lại được những nhà giáo dục chọn đưa vào sách giáo khoa.
     Những đứa trẻ lớp 4 còn quá non để hiểu về những quân ta quân địch, đánh giết nhau, những cuộc tranh chấp ý thức hệ hay chủ nghĩa này khác. Nói đúng hơn, một đứa trẻ có nhiều cái đáng học hơn để làm người trước khi làm anh hùng: những mẩu chuyện bình dị về các danh nhân, quan hệ bạn bè gia đình, văn hóa quê hương đất nước... "Tinh thần yêu nước nồng nàn" sẽ tự nhiên từ đó mà nảy mầm, chứ không phải ở những câu chuyện chết chóc mà ngay mẹ của chúng cũng không cắt nghĩa nổi.

Ảnh bài học Những chú bé không chết trong sách giáo khoa
     Trẻ em như búp trên cành - nhưng phải hy sinh trong cuộc chiến là một tình huống đớn đau và bất đắc dĩ, không phải để cổ vũ, với bất kỳ đứa trẻ nào trên thế giới này.
     Trong lịch sử có một thứ bất biến là thông tin, nhưng những quan điểm và trạng thái quan hệ có thể thay đổi. Cái trẻ cần được dạy chỉ nên là thông tin khách quan, tỉnh táo và rõ ràng. Ý thức hệ hay bất kỳ lý do nào dẫn đến những cuộc chiến, đều thuộc về thế giới người lớn, không nên xuất hiện trong vườn trẻ.
     Không có con người anh hùng, chỉ có tình huống tạo anh hùng. Bài học đầu tiên của người học võ là: học võ để tự vệ, không để tấn công! Tôi muốn con tôi là một đứa trẻ hồn nhiên, trong trẻo; lớn lên là người đàn ông tỉnh táo, điềm đạm, và lịch duyệt. Con người đó chắc chắn biết trân trọng và bảo vệ giá trị, trong đó có đất nước mà không cần sự nhào nặn nào từ trứng nước.
     Một chuyên gia giáo dục từng thốt lên: "Chúng ta cố dạy trẻ căm thù thực dân Pháp, nhưng căm thù đến mức không cần biết Victo Hugo là ai thì chúng ta đã thất bại".
     Hoàn toàn chính xác!
Luật sư Đào Quốc Huy, Văn phòng luật sư Đồng Đội, cũng là một phụ huynh học sinh tiểu học:
Đến nay nước ta đã có luật Giáo dục, điều 28, khoản 1 có đoạn:
"Giáo dục tiểu học phải bảo đảm cho học sinh có hiểu biết đơn giản, cần thiết về tự nhiên, xã hội và con người; có kỹ năng cơ bản về nghe, nói, đọc, viết và tính toán; có thói quen rèn luyện thân thể, giữ gìn vệ sinh; có hiểu biết ban đầu về hát, múa, âm nhạc, mỹ thuật"
Như vậy ý thức về việc giáo dục của mỗi bậc phụ huynh và Luật cơ bản là giống nhau, thậm chí không cầu kỳ như câu trả lời của mọi người ở trên.
Tôi có xem một bộ phim với tựa đề "The Beautiful Life - Cuộc sống tươi đẹp" mới thấy một ông bố trong thời chiến dạy con những gì. Mặc dù đối đầu với sự kỳ thị chủng tộc, chiến tranh ly tán, bố mẹ đều phải vào trại tập trung, sau đó người bố bị giết. Đứa bé được sinh ra trong thời chiến, bị bắt theo bố vào trong trại tập trung, chứng kiến sự tàn ác của phát xít Đức nhưng người bố đã khéo léo nói nó là một trò chơi, một trò chơi rất khó và lâu, nếu ai tuân thủ đúng luật chơi thì sẽ được một phần lớn là cái chiến xa thật sự.
Ngay cả trong thời chiến, đứa bé đó đâu có cảm nhận được chiến tranh đâu, nó nghĩ là một trò chơi lớn. Và cuối cùng như bố nó đã hứa, một lời hứa của một người bố đối với con đã thành hiện thực. Hình ảnh đứa bé ra khỏi trại tập trung và được ngồi lên chiếc chiến xa đầu tiên với nụ cười rạng rỡ là hình ảnh đẹp nhất của bộ phim.
Quay lại vấn đề giáo dục tiểu học, tôi nghĩ nếu muốn giáo dục lòng yêu nước cho các em, có quá nhiều hình thức, nội dung để thực hiện. Các em trong độ tuổi này chỉ cần tự giác ý thức và tự chăm sóc bản thân mình là điều tốt lắm rồi. Các em nhận thức được khi các em tự giác, các em đã tiết kiệm thời gian sức lực cho bố mẹ để cống hiến cho tổ quốc dưới nhiều hình thức,  như thế là các em đã yêu nước, góp phần bảo vệ tổ quốc rồi. "Tuổi nhò làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình" đúng như lời Bác Hồ đã nói. Bé chỉ cần ngồi đánh tam cúc cùng con mèo khoang để bố vào lò gạch, mẹ ra đồng cày như trong thơ Trần Đăng Khoa là đủ.
Đừng bắt trẻ con đóng vai anh hùng, như thế nó quá sức lắm, hãy để trẻ con là chính nó!
Bài văn Những chú bé không chết

Chiến tranh đã qua lâu rồi nhưng em vẫn nhớ mãi, nhớ về các chiến sỹ yêu nước trong lửa đạn chiến tranh khốc liệt ngày nào. Câu chuyện Những chú bé không chết luôn trong trí nhớ của chúng em.
Chuyện kể về ba anh em trong một gia đình nọ. Họ là du kích nhỏ của hồng quân Liên Xô. Ba anh em đều có lòng quả cảm, có tinh thần yêu nước nồng nàn. Họ sẵn sàng hy sinh đời mình bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ mảnh đất thiêng liêng mà họ hằng yêu quý.
Năm ấy, phát xít Đức đưa quân sang xêm lược Liên Xô. Chúng tàn sát đẫm mãu những nơi mà bọn chúng đi qua. Một chiều nọ, bọn Phát Xít bất ngờ tấn công vào một ngôi làng ven rừng. Vào đến nơi, chúng cảm thấy yên tâm khi thấy làng không, nhà trống, không có một sự chống cự nào. Chúng cứ càn quét khắp làng. Khi trời vừa sụp tối, tiếng súng nổ ran khắp mọi phía khiến bọn chúng hốt hoảng rồi nhớn nhác hỏi nhau rằng:
- Du kích bắn ở đâu? Du kích bắn ở đâu?
Một tên lính vội vã từ ngoài chạy vào trại của chúng bảo:
- Du kích đang bắn ở cánh rừng đằng kia. Đã bắt được một tên du kích.
Rồi bọn chúng đưa vào trại một chú bé khoảng chừng mười ba đến mười bốn tuổi. Chú bé mặc chiếc ao sơ mi xanh có hàng cúc trắng. Tên chỉ huy hỏi:
- Mày là ai?
Chú bé kiêu hãnh trả lời:
- Tao là du kích.
Tên sỹ quan thoáng giật mình nhưng vội trấn tĩnh rồi quát:
- Đội du kích của chúng mày ở đâu?
Chú bé cất cao giọng trả lời:
- Tao không biết, muốn biết thì tự mà đi tìm lấy.
Tên sỹ quan tức tối lệnh cho bọn lính tra tấn dã man nhưng chú bé không khai nửa lời. Gần sáng, bọn chúng đã đem chú bé ra bắn.
Đêm tiếp theo, du kích tấn công vào nơi đóng quân của bọn phát xít. Kho vũ khí của chúng đã bị nổ tung nhưng chúng cũng bắt được một em nhỏ mặc áo sơ mi xanh có hàng cúc trắng. Tên sỹ quan ngạc nhiên hỏi lai lịch của em bé và em cũng trả lời như câu trả lời của chú bé đêm qua. Tên sỹ quan không thể tin những điều đang diễn ra trước mắt mình. Chúng nghĩ rằng chú bé mặc chiếc áo sơ mi xanh có hàng cúc trắng đã bị bắn trong đêm qua mà sao lại không chết, vẫn là một du kích kiên cường. Hắn thầm thì:
- Ôi! Lạy Chúa! Đất nước này ghê rợn quá!
Rồi hắn ra lệnh treo cổ chú bé trong nỗi hoang mang, lo sợ.
Sang đêm thứ ba, đội du kích đánh tan sở chỉ huy của chúng. Tên sỹ quan được bắt sống. Khi được mở khăn bịt mắt, hắn vô cùng kinh ngạc khi thấy trước mặt là một du kích đứng tuổi và bên cạnh là một chú bé mặc chiếc áo sơ mi xanh có hàng cúc trắng. Hắn phủ phục dưới chân chú bé và cầu xin:
- Xin tha cho tôi. Tôi không biết ngài có thể chết đi sống lại như thần tiên thế này.
Lúc ấy, người phiên dịch viên chỉ vào người du kích đứng tuổi và nói:
- Đây là cha của hai đứa trẻ bị ngươi giết vào đêm hôm trước. Còn đây là đứa con trai thứ ba của bác ấy. Ba người con của bác là những du kích nhỏ luôn mặc áo giống nhau, có lòng yêu nước căm thù giặc như nhau, lòng quả cảm như nhau nên ngươi đã nhầm là chú bé chết đi sống lại. Tên sỹ quan nghe thế liền gục mặt xuống đất, hắn thán phục những anh hùng nhỏ tuổi, thán phục những chú bé không bao giờ chết và lo sợ cho vận mệnh của mình.

Mỹ-Nhật: củng cố liên minh, đối đầu Trung Quốc-Bắc Hàn

Thủ tướng Nhật tuyên bố Nhật Bản không bao giờ trở thành một quốc gia hạng nhì trên thế giới, đó là thông điệp chính yếu mà ông mang đến Hoa Kỳ trong dịp này, đồng thời ông nói ông muốn nhắc lại rằng nước Nhật cũng quật cường trở lại. Không một quốc gia nào nên tính toán sai lầm về quyết tâm vững chắc của người Nhật. Không một ai nên nghi ngờ sự vững mạnh của mối đồng minh Hoa Kỳ -Nhật Bản.

Bên cạnh đó, mục đích chính của chuyến công du trong tuần qua của Thủ tướng Nhật Bản là siết chặt và củng cố mối quan hệ quốc phòng và kinh tế với Washington trong bối cảnh Bắc Hàn hung hăng hiếu chiến, đồng thời kêu gọi Hoa Kỳ lên tiếng bênh vực Nhật Bản và ủng hộ phương sách giải quyết vấn đề lãnh hải với Trung Quốc .

Hòa hoãn trên bề mặt
Thủ tướng Shinzo Abe đi Mỹ sau khi Bắc Hàn phóng thành công hỏa tiễn liên lục địa và thử bom hạt nhân lần thứ ba. Trong khi đó thì cuộc tranh chấp lãnh hải trên biển Hoa Đông giữa Nhật với Trung Quốc vẫn không bớt căng thẳng dù rằng một chính trị gia đại diện nước Nhật đã đi Bắc Kinh diện kiến chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình để đưa thư của Thủ tướng Nhật, và hai bên cùng tuyên bố những lời hòa dịu về cuộc tranh chấp đó.

Chủ tịch Trung Quốc trong buổi tiếp kiến đặc sứ Nhật, chủ tịch đảng Tân Dân Natsuo Yamaguchi, hôm 25 tháng 1, tuyên bố rằng Trung Quốc nhất quyết giữ vững và làm tốt đẹp mối quan hệ Hoa Nhật từ 40 năm nay. Ông nói mối quan hệ đó đã là động lực mạnh mẽ của công cuộc phát triển của cả hai nước. Tuy nhiên sau đó nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh rằng Nhật cần xem xét lại lịch sử và phải có lập trường đúng đắn về vấn đề chủ quyền quần đảo Điếu Ngư.

Trong khi đó thư của Thủ tướng Nhật gửi cho chủ tịch Trung Quốc viết rằng mối quan hệ Nhật-Hoa là quan trọng nhất, và hai nước mang trách nhiệm chung đối với nền hoà bình và phát triển của châu Á Thái Bình Dương và cả thế giới; Nhật cam kết tăng tiến mối quan hệ đó.  Trong khi đó Bắc Hàn càng tỏ ra hung hăng hơn trước sau khi thử bom hạt nhân dù Trung Quốc hứa hẹn sẽ kiềm chế chính quyền hiếu chiến mà Trung Quốc được coi như thế lực đỡ đầu cho nó.

Những hành động này chứng tỏ Trung Quốc chỉ hòa hoãn trên bề mặt, để sau đó lại tiếp tục những hành động mà Nhật Bản coi là xâm lấn.

Không những thế ,Trung Quốc còn có những lời tuyên bố và hành động để tỏ rõ chính sách tăng cường quân lực ở phía biển Hoa Đông, cương quyết không lùi bước trong vấn đề lãnh hải, nhất là sau khi chuyến công du của Thủ tướng Shinzo Abe được mô tả là thành công, công luận Nhật Bản ủng hộ Thủ tướng tới 70%.

Trong những hành động mang tính cách phô diễn, Trung Quốc đưa vào hoạt động một trong hai mươi hộ tống hạm tàng hình do họ tự sản xuất. Một ngày sau Trung Quốc điều động hàng không mẫu hạm Liêu Ninh từ Đại Liên về Thanh Đảo, thao dượt vũ khí trên hải trình, để về đóng căn cứ chính thức ở Thanh Đảo.

Cảng Thanh Đảo ở bờ biển phía Đông tỉnh Sơn đông, nhìn ra Hoàng Hải và chỉ cách Seoul hơn 600 km, là một căn cứ của hạm đội Đông Hải, đơn vị cấp quân khu phụ trách hải phận từ vịnh Bột Hải đối diện Bắc Hàn, và bao gồm hải phận các tỉnh Giang Tây, Thượng Hải, Chiết Giang, Phúc Kiến, cùng toàn bộ quần đảo Đài Loan.  Tầm hoạt động của hạm đội Đông Hải về phía đông được hoạch định ra tới hải phận Okinawa của Nhật.

Nhưng thành quả chuyến công du của Thủ tướng Nhật Bản ra sao mà Trung Quốc có nhiều phản ứng như vậy?

Thông điệp: Nhật Bản quật cường
Trước hết là vì Thủ tướng Shinzo Abe nói thẳng thừng với báo Mỹ rằng các triều đại Trung Quốc xưa nay vẫn có tính gây hấn thâm căn cố đế từ hằng ngàn năm lịch sử đến nay vẫn không chừa, luôn luôn gây hấn với các láng giềng một khi nội bộ và nội trị phát sinh những vấn đề gai góc. Phát ngôn nhân bộ ngọai giao TQ Hồng Lỗi chỉ trích kịch liệt lời tuyên bố đó và nói rằng không người nước ngòai nào có thể can dự vào việc nội bộ của TQ, và sự phục hưng của TQ không ai có thể ngăn cản được. Rõ ràng Trung Quốc đã nhắm vào mối liên minh Hoa Kỳ- Nhật Bản đang được hai bên tăng cường và củng cố. 

Về thành quả cụ thể của thượng đỉnh Mỹ-Nhật hôm 22 tháng 3 ở Washington, nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đã tuyên bố rằng ông và Thủ tướng Abe đoàn kết trong quyết tâm sẽ hành động mạnh mẽ trước việc Bắc Hàn thử bom hạt nhân. Thủ tướng Nhật tuyên bố Nhật Bản không bao giờ trở thành một quốc gia hạng nhì trên thế giới, và đó là thông điệp chính yếu mà ông mang đến Hoa Kỳ trong dịp này, đồng thời ông nói ông muốn nhắc lại rằng ông đã trở lại, và nước Nhật cũng quật cường trở lại.

Về cuộc tranh chấp ở biển Hoa Đông, Thủ tướng Nhật tuyên bố Nhật không có ý định làm tăng thêm tình trạng căng thẳng và ông luôn luôn mở rộng cửa tiếp đón các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Tuy nhiên ông không quên xác định lập trường cương quyết của xứ Phù Tang, rằng “Nước Nhật không thể dung thứ một sự thách đố nào trong hiện tại cũng như tương lai. Không một quốc gia nào nên tính toán sai lầm về quyết tâm vững chắc của người Nhật. Không một ai nên nghi ngờ sự vững mạnh của mối đồng minh Hoa Kỳ -Nhật Bản.”

Viễn ảnh Đông Bắc Á
Dù sao, cuộc tranh chấp Hoa Đông có thể sẽ vẫn giằng dai như vậy, hai bên ba phía đều tỏ ra không chịu nhượng bộ, nhưng tranh chấp cũng vẫn chỉ trong phạm vi khẩu chiến, trong khi Trung Quốc phải duy trì sự có mặt của họ trên vùng biển họ đang giành lãnh hải, trong khi sử dụng những đòn kinh tế và ngoại giao để tiến tới mục đích.

Với những thành quả trên cùng thỏa thuận với Hoa Kỳ về hiệp ước TPP, là hiệp ước kinh tế thương mại xuyên Thái Bình Dương, công luận Nhật Bản đã cho vị Thủ tướng của họ 72% ủng hộ trong cuộc thăm dò ý kiến mới nhất tại Nhật.

Kết quả ủng hộ tới trên dưới 70%,  là một điều rất hiếm khi xảy ra trong chính trường Nhật, nơi mà hầu hết các Thủ tướng đều là “Thủ tướng ngắn ngày”, ít khi giữ ghế được tới 5 năm.

Ở Bắc Kinh một chủ tiệm ăn nhanh họ Vương ở quận Hậu Hải, khu hành chánh bao quanh chiếc hồ cùng tên, lại trương bảng “không tiếp người Nhật, người Việt, Philippines và chó”, mà chính quyền chẳng nói một tiếng nào.  Đúng là Trung Quốc đang tức giận vô cùng, không thể nào hòa dịu.  Sau đó vào hôm thứ tư 27 tháng 2, được báo Tuổi trẻ phỏng vấn về vấn đề này, tổng lãnh sự Trung Quốc Trác Lôi Minh mới lên tiếng chỉ trích họ Vương, coi đó là một hành vi cá biệt, và phủ nhận mọi trách nhiệm của chính quyền Bắc Kinh trong vụ này.

Về Bắc Hàn, người ta có thể thấy là Bắc Hàn sẽ phải chịu thêm những biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, và chưa biết Bình Nhưỡng chịu đựng được đến bao giờ trong khi Bắc Kinh tỏ ra không ủng hộ hành động quá đáng của họ.

Tuy vậy không ít người vẫn nghi ngờ ý định của Trung Quốc trong vấn đề này. Sau khi báo chí lề phải của Trung Quốc đòi giảm viện trợ Bắc Hàn nếu xứ này thử vũ khí hạt nhân, và một đặc sứ Trung Quốc bay sang Bắc Hàn để nói chuyện với Kim Jong-Un, thì Bình Nhưỡng vẫn tiến hành thí nghiệm.  Người ta có quyền nghi ngờ là chưa chắc Trung Quốc đã thực tâm muốn kiềm chế Bắc Hàn, mà có thể vẫn muốn giữ con bài này để gây áp lực với Nhật Bản và Hoa Kỳ trong các lãnh vực an ninh quốc phòng và kinh tế, trong lúc Trung Quốc đã gây khó khăn cho Nhật Bản rất nhiều về mặt kinh tế vì vụ Senkakư/ Điếu Ngư.

Nhặt trên Net

Chuyện ... tào lao

honngv: Chuyện này nhặt đã lâu, nay đọc lại vẫn thấy hot. Vậy xin post lại. 

Được đăng bởi [Z]_[O] vào lúc 21:06

    Bữa nay anh Lãng rảnh, vào ngồi bàn láo với các bạn về một thời đại suy tàn. Nhưng để khách quan, anh dùng từ những cho nó có vẻ phổ cập.
     Hôm 07/05 vừa rồi, ngồi nhậu cùng một đám tai to, các bạn rủ anh, lúc nào đến vấn an cụ Giáp.
    Giáp (1 khái niệm, ý chỉ cụ Giáp và thời đại cụ!-honngv) là một huyền thoại, trong lịch sử của một đất nước mà anh hùng thường là những người giỏi đánh nhau, đương nhiên với vai trò của một vị tướng với chiến thắng vĩ đại trước một cường quốc, ông nghiễm nhiên thành một huyền thoại nổi bật. Đặc biệt, khi một đất nước thấp cổ bé họng vì đói nghèo, thành tích để sánh cùng bạn bè 5 châu hầu như chẳng có gì. Khi không thể khoe nhà tao giàu, biệt thự tao to, vợ tao ngon, con tao khỏe ... với các bạn nhà hàng xóm, thì một huyền thoại có tính nổi bật như cụ Giáp vốn được quốc tế nể trọng lại càng trở lên đắt giá. Vì ngần ấy lí do, trong số các nhân vật lịch sử đương đại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong hầu hết đánh giá, gồm cả trong quan niệm của anh Lãng, là một người hùng thực sự, cả vì sự nghiệp của ông và cả về nhân cách con người mà ông thể hiện.
     Nhưng dẫu sao, ánh hào quang le lói của ông cụ, cũng chỉ đại diện cho vinh quang lụi tàn của thời đại mà ông cụ được vinh danh, cái thời mà thương hiệu Việt Nam đại diện cho công lý và chiến thắng. Một thời đại đã suy tàn.
    Từ nhiều năm qua, những câu chuyện luẩn quẩn của Việt Nam trong bài toán phát triển kinh tế, trong bảo vệ chủ quyền và lợi ích dân tộc đã khiến đại bộ phận tinh hoa tri thức quốc gia tốn nhiều tâm sức. Cố nhiên với loại người gian tham, đểu giả tư lợi cá nhân như anh Lãng của các bạn, thì chuyện đó chẳng có ý nghĩa cóc khô gì cả, có chăng chỉ là lúc hứng thì bốc phét cho vui. Nhưng dù thế, sự băn khoăn về nó vẫn luôn hiện diện.
    Đói, nghèo, sức mạnh yếu cả về kinh tế, chính trị và quân sự. Đại bộ phận người Việt Nam mang nặng tâm lý tự ti của một nước nhược tiểu khi nhìn ra thế giới, pha lẫn trong đó là niềm mặc cảm tự hào vì vinh quang chiến tranh dân tộc, điều đó khiến tâm trạng của người Việt lâm vào một tình trạng rất khó lí giải: luẩn quẩn trong nỗi tự ti yếu hèn và đan xen trong đó sự quật cường được kế thừa có tính di truyền. Dấu ấn tâm lý ấy, thể hiện khá rõ trong đại bộ phận các phản ứng của đám dân đen đối với các sự kiện lớn của đất nước.
    Khi nói về sự yếu kém trong phát triển kinh tế đất nước, ai cũng có thể nhìn ra, chúng ta nghèo, vì Ngu. Nhưng nói thế không có nghĩa là cả nước ngu, mà đúng hơn, là đường lối phát triển đất nước ngu. Một thời gian dài đất nước sau thống nhất, có đủ điều kiện thuận lợi về tự nhiên, một quốc gia có nền nông nghiệp hàng nghìn năm lịch sử mà cả nước đói ăn, câu cửa miệng từ quan được tuyên truyền đến dân: Hậu quả chiến tranh nên mới đói. Châu Âu sau thế chiến thứ hai là một đống gạch vụn, họ không những hết đói, mà vươn lên trở lại thành trung tâm ánh sáng của thời đại trong thời gian rất nhanh. Nhật Bản cũng chẳng khác gì một đống tro tàn, vùng dậy từ đống đổ nát chiến tranh và thành một cường quốc phát triển trong thời gian kỷ lục. Hàn Quốc cũng chẳng khác gì khi chỉ còn là một đám đất hoang, nhưng từ đó đã phát sinh một kỳ tích được lịch sử ghi nhận là con rồng Đông Á. Riêng có Việt Nam, đói ăn lâu dài cho đến khi đất nước đứng trước bờ vực sụp đổ, 11 năm sau chiến tranh, gạo mới được trồng đủ cho người dân ăn. Đó là một kết quả tất yếu của việc một thời gian dài đất nước được lãnh đạo bởi những cái đầu ghi vinh quang bằng thời gian ngồi tù hoặc đấu đá chém giết, chứ không phải bằng tư duy chiến lược và tài năng quản lý.
    Bi kịch của sự nghèo đói vì Ngu ấy được làm trầm trọng thêm không phải chỉ bởi sự đói nghèo của dân chúng, mà còn bằng sự tổn hại về lợi ích quốc gia. Các sự kiện mất chủ quyền lãnh thổ năm 88 trên Biển Đông, rồi các sự kiện bi hài xung quanh quá trình bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc năm 90, để lại một nỗi chua xót lớn lao đối với đại bộ phận những người trong cuộc.
    Đứng trước sự tồn vong của chế độ, giới chóp bu nắm quyền có vẻ như bừng tỉnh. Các chính sách thay đổi kế tiếp nối nhau ra đời. Từ đó đến nay, VN được coi là có mức tăng trưởng khá tại Á Châu và cải thiện được phần nào vị thế quốc tế. Nhưng rất đáng tiếc, những cái nền tảng tăng trưởng ấy được xây dựng trên một cơ sở có quá nhiều thuận lợi: Nguồn tài nguyên quốc gia, nguồn nhân lực rẻ mạt, nguồn tiền kiều hối gửi về từ bên ngoài (10% GDP) ... và đổi lấy một mức tăng trưởng không bao giờ vượt quá con số 9%. Việt Nam từ một con sên, đi nhanh hơn so với chính mình, và chậm hơn so với phần còn lại. So với đối thủ truyền đời là Trung Quốc, Việt Nam tụt hậu nhanh chóng và quá xa. Và chúng ta lại càng không bao giờ đạt tới cái gọi là kỳ tích Á Châu mà Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Hồng Kông đã từng làm được. So với các quốc gia ở thứ hạng hai, cũng còn rất xa chúng ta mới theo kịp nổi Thái Lan, Malaysia hay Indonesia. Có quá nhiều nguyên nhân, từ cơ chế quản lý, chính sách yếu kém, nhân lực trình độ tồi ... nhưng tựu trung lại, là vì Ngu. Dân đen đương nhiên phải ngu, nhưng cũng đám dân đen đó ở các bọn theo đạo hồi như Malaysia, hoặc bọn Khơ me chậm tiến ở Đông Nam Á xa xưa như Thái Lan, giờ bọn đó đã giàu, chí ít cũng vượt trên VN 20 năm phát triển. Bọn dân đen đó, so với bọn dân đen của chúng ta Ngu hơn nhiều, năm 75 tính trung bình hầu như không hơn chúng ta. Nhưng lãnh đạo của chúng ta, thể chế của chúng ta, Ngu hơn nhiều so với lãnh đạo của chúng nó, thể chế của chúng nó.
    Ngày nay Việt Nam đang vật lộn một cách đáng thương với vị thế của một tiểu quốc, quốc lực nghèo khó, đại bộ phận dân cư đói nghèo, bị o ép về chủ quyền và tước đoạt lợi ích quốc gia, lãnh đạo bởi một chính thể toàn trị tồn tại dựa vào lịch sử chứ không phải bầu cử và chẳng có đồng minh mẹ nào trên trường quốc tế. Hầu hết người Việt Nam có tâm đau xót nhìn thực trạng ấy, trong nỗi suy tư và phần nào có tính bất lực. Tâm lý chán nản ấy thậm chí ăn sâu ở nhiều suy nghĩ có tính buông xuôi: Đấu thế đé-o nào lại bọn Tàu, lựa nó mà sống cho lành. Và từ đó, những vết nhơ quốc thể trước sự luồn cúi của các bạn tai to trước các bạn Tàu, hoặc những nỗi đau về lợi ích quốc gia bị xâm hại trên Biển Đông, hoặc chính tại lãnh thổ quốc gia như Bô sit Tây Nguyên chợt trở thành điều gì đó có tính tồn tại hiển nhiên.
    Trò luồn cúi được coi là trò đu dây, một sự khép mình được xem là thành công khéo léo. Tất cả đại diện cho một thế cục có tính khôi hài: Một thời đại được dựng lên từ lịch sử chống ngoại xâm, nó thống nhất được đất nước, nhưng đang vật lộn để kéo dài lấy sự vinh quang, hay nói đúng hơn là kéo dài sự cai trị. Một thời đại suy tàn. Hệ thống chính trị Việt Nam có nhiều thay đổi, nhưng thay đổi đó hướng tới mục tiêu duy trì sự tồn tại của chế độ hơn là đáp ứng quyền lợi quốc gia. Một cách logic tất yếu, tốc độ thay đổi của hệ thống do đó vĩnh viễn không theo kịp tốc độ thay đổi mà quyền lợi quốc gia yêu cầu. Chúng ta tụt hậu và bơ vơ trong thế giới này, như một điều hoàn toàn hiển nhiên.
    Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp là những anh hùng dân tộc. Vinh quang Cụ Hồ làm được năm 45, được cụ Giáp tô đậm thêm với chiến tích Điện Biên Phủ năm 54, trên thực tế, thời đại mà cụ Hồ dựng ra đã lên đến đỉnh vinh quang từ lúc đó. Sứ mệnh lịch sử của cụ Hồ, cùng với những người thuộc thời đại của cụ, là tìm lại quyền phát ngôn cho người Việt Nam với tư cách là một dân tộc độc lập, lúc đó đã xong. Nếu thời đại ấy kết thúc năm 1954, và thay vì năm 1975 miền Bắc thống nhất miền Nam mà ngược lại, thì có lẽ bây giờ Việt Nam đã không quá khốn đốn trước các câu chuyện vật lộn về chủ quyền với Trung Quốc, không quá khốn đốn để trải nghiệm một thời gian đói nghèo lâu dài mới định hướng đất nước theo hướng thị trường và văn minh phương tây. Cũng không phải ở tình trạng một nước nhược tiểu, không có một đồng minh đúng nghĩa và bơ vơ như hiện nay. Năm 1954, nếu giả dụ cụ Giáp và những đồng chí của mình chạy mẹ nó sang miền Nam khiến cục thế đảo chiều, có khi lại là một cơ may lớn của dân tộc.
    Chính thể miền Nam cũ được lịch sử chính thống tô vẽ là những kẻ bất tài, tham nhũng, tay sai và thối nát. Điều đó chẳng nói lên điều gì, khi thực tế Việt Nam hiện nay cũng gần đội sổ từ dưới lên trên bảng xếp hạng tham nhũng và minh bạch tại Á Châu. Chỉ có thể khẳng định chắc chắn rằng, nếu lịch sử 1975 đảo chiều cho phe chiến thắng và chiến bại, Việt Nam sẽ có một nền kinh tế thị trường sớm hơn, tiếp cận với thế giới phương tây và hòa nhập với phần còn lại của thế giới nhanh hơn vài chục năm, dân Việt Nam sẽ đi du học sớm hơn, tiếp tu được lối sống ăn hút trụy lạc của bọn phương tây cũng sớm hơn, và chắc chắn có bên cạnh một đồng minh hùng mạnh cũng giống như Nhật Bản, Nam Hàn đang có hiện giờ để đảm bảo rằng có thể mạnh miệng hơn trong bảo vệ lợi ích quốc gia và không có những câu chuyện đau lòng trên Biển Đông hay câu chuyện làm trăn trở thời cuộc như Bô xít Tây Nguyên.
    Cụ Giáp, gương mặt sót lại cuối cùng của thời đại được dựng lên bởi Cụ Hồ, đang ở tuổi gần đất xa trời. Cụ đại diện cho một thời đại mà niềm tự hào và vinh quang dân tộc được kéo dài thêm bởi những chiến công, một thời đại đang suy tàn và đáng ra đã nên kết thúc.
    Tất nhiên là nhắc đến câu chuyện thế này chỉ để nói láo cho nó vui, chứ thực ra có ý nghĩa khỉ gì đâu. Các bạn, gồm cả bọn con bò vẫn thường vào đây hóng hớt, cứ xem như câu chuyện bốc phét mà anh của các bạn vẫn tùy hứng viết ra mà thôi.

P/S Có vài bạn con bò thắc mắc với anh, tại sao gọi trống không từ "Giáp". Các bạn nên hiểu, anh dùng từ "Giáp" với tư cách một "khái niệm" chứ không phải như một "danh xưng". Bản thân lời anh Lãng: "Giáp là một huyền thoại" cũng tự thân nói lên ý nghĩa của cái khái niệm ấy.

Mặc đồ để bảo vệ môi trường

By
Các thí sinh dự thi miss Teen chụp hình trước khi xuất quân bảo vệ môi trường

Ngay sau khi người mẫu Ngọc Quyên tung ra bộ ảnh khỏa thân nóng bỏng với mục đích nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của mọi người, dư luận đã có những phản ứng khác nhau, nhưng đa phần nhất trí rằng ý tưởng của Ngọc Quyên thật phản cảm và chỉ hòng đánh bóng tên tuổi. Nhiều bạn trẻ cho rằng hãy hành động thiết thực hơn để góp phần gìn giữ môi trường thay vì chỉ cởi đồ và chụp hình.

Đáp lại thông điệp đó, tại cuộc thi Miss Teen miền Bắc vừa qua, các thí sinh đã thể hiện một hình ảnh hoàn toàn trái ngược với sự phản cảm của đàn chị Ngọc Quyên. Thay vì cởi đồ và không làm gì để bảo vệ môi trường, nhiều Miss Teen từ các tỉnh thành phía Bắc đã mặc đồ và đi nhặt rác ở khu vực hồ Hoàn Kiếm.
Miss Teen nhặt những chiếc lá vàng về để ép trong trang vở thơm mùi mực tím

Sau khi chụp hình với nhiều pose xì tin hết sức dễ thương, các thí sinh Miss Teen mặc váy xinh đã cùng nhau xuống phố mang theo những thùng rác có sức chứa bằng khoảng 3 vỏ lon bia và được trang trí vô cùng vui nhộn. Đi cùng đoàn hot girl là câu lạc bộ mô tô phân khối lớn bình xăng bự ống xả to và các bạn trẻ khác làm nhiệm vụ mang thùng rác.

Đoàn xe hộ tống các thí sinh diễu hành trên đường phố Hà Nội

Hành động thiết thực này của BTC Miss Teen được sự hưởng ứng của nhiều bạn cùng lứa tuổi khác. Cứ mỗi thí sinh thi Miss Teen thì có 5 người cầm túi rác đi cùng. Trong ảnh dưới đây, thí sinh mang số báo danh không rõ đang nhặt hai chiếc lá để bỏ vào một chiếc túi mới toanh chất liệu cực bền và khó phân hủy.
Thí sinh đang nhặt rác

Trong khi đó, một thí sinh số báo danh không rõ khác đang giúp chị H, công nhân công ty môi trường-đô thị quét dọn vỉa hè hồ Gươm. Đây thật là một hình ảnh đẹp khiến không ít giới mày râu lái xe đi qua phải ngước nhìn. Được biết giải vô địch quốc gia cờ tướng đang thi đấu vòng loại tại ghế đá đối diện ủy ban nhân dân cũng đã tạm hoãn để các kỳ thủ được đi cổ vũ cho người đẹp mình yêu thích.
Miss Teen thể hiện phần tài năng trước sự thán phục của số đông người tham gia giao thông

Chị H cho biết sau khi đoàn nhặt rác váy xinh chụp ảnh xong xuôi, chị đã phải làm thêm giờ để hoàn thành đủ khối lượng công việc. “Các cháu nó cứ lần lượt từng đứa cầm chổi, mỗi lần phải chụp mấy chục pô mới đảm bảo chất lượng nên mình cũng phải kiên nhẫn thêm một chút. ” Kỳ thủ Trần P., 61 tuổi, đại kiện tướng quốc gia lần đầu tận mắt diện kiến các thí sinh, và vừa đọc bài báo sáng nay trên Tinkhotin,  nói ông đang nghiêm túc suy nghĩ về khả năng sẽ sang Thái Lan giải phẫu thẩm mỹ.

Ai cho …nắm tay?!


Trong thời gian gần đây, nhiều cá nhân và tập thể đã có những cố gắng vượt bậc nhằm làm trong sạch môi trường giáo dục nước nhà, mà điển hình nhất là việc các nhà soạn sách giáo khoa đã cắt cảnh yêu đương ra khỏi truyện ngắn “Chí Phèo” khi soạn sách giáo khoa văn học lớp 11. Ước tính từ giờ trở đi, các thế hệ tương lai của Việt Nam sẽ được làm quen với tác phẩm này qua những lời văn ngắn gọn: “Đêm đó, Chí Phèo gặp thị Nở ở vườn chuối. Ba chấm. Hôm sau Thị Nở nấu cháo hành.”  Trong tương lai không xa, phong cách văn học tối giản này sẽ thay thế lối viết văn rườm rà của Nam Cao, cách làm thơ lê thê của Nguyễn Du, rườm rà của Xuân Diệu, tiến tới tất cả các tác phẩm văn học đều có thể gói gọn trong 140 kí tự để đưa lên Tuýt-tờ.
 
Cố nhà văn Nam Cao, tác giả của truyện ngắn "Chí Phèo" nổi tiếng vì cảnh nóng

Cảnh nóng trong "Chí Phèo" quá phản cảm

 
Cảnh nóng trong phim Việt hiện đại vẫn được chấp nhận mặc dù cả Mít-tơ Đàm cũng phải nhắm mắt không dám xem
Phóng viên Tin Khó Tin tại cổng trường THPT Lê Hồng Phong, TPHCM đón đầu các em học sinh lớp 11 để phỏng vấn cho biết, 90% học sinh ủng hộ động thái giản lược các tác phẩm văn học để rút ngắn thời gian học, có thêm thời gian làm các công tác xã hội như tham gia phong trào Liên Xô chống Mỹ, hoặc giúp Việt Nam tiếp tục củng cổ vị trí tốp 10 những quốc gia tìm kiếm về chủ đề tình dục nhiều nhất qua in-tờ-nét trên Gúc-gờ, cũng như vị trí tốp 5 quốc gia có tỉ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới.

Tuy nhiên, những nỗ lực chống nhạy cảm không nên chỉ dừng ở đây. Nhà văn Năm Câu đang ngồi nhậu ở vườn chuối làng Vũ Tiểu cho biết :“Nghệ thuật bắt nguồn từ cuộc sống. Muốn nghệ thuật không nhạy cảm thì tốt nhất phải làm cho cuộc sống không nhạy cảm.”

Áp dụng chủ trương này, từ giờ trở đi, tất cả các bài hát có chữ “hôn” hoặc nội dung nhạy cảm đều phải đổi thành “nắm tay”. Ví dụ: “Hôn môi xa” sẽ đổi thành “Nắm tay nơi xa”, “Chia tay hoàng hôn” sẽ đổi thành “Chia tay nắm tay”, luật “Hôn nhân và gia đình” sẽ được đổi thành luật “Nắm tay nhân và gia đình”. Bên cạnh đó, trong cuộc sống cũng như trong các tác phẩm văn học nghệ thuật sẽ thay thế tình yêu đôi lứa để thay bằng tình đồng chí, hướng tới một tương lai trong sáng trong đó học sinh sinh viên sẽ nói với nhau những câu như “Hôm qua tao bắt gặp hai đứa lớp mình đi nắm tay ở Gia Lâm”. Trong lễ cưới, các bác Em-xi sẽ phát biểu “Hai bên gia đình rất ủng hộ tình đồng chí của hai cháu”. Khi tỏ tình, người ta sẽ thì thầm với nhau :”Đồng chí ạ, tôi rất muốn nắm tay đồng chí.” Trên phim ảnh, các cảnh nóng sẽ được thay bằng cảnh nắm tay nhảy sạp.

Ở một số địa phương, các em nhỏ được học cách nắm tay nhảy sạp từ rất sớm
Còn chần chừ gì nữa, hãy góp phần tăng tình yêu văn học của giới trẻ, và gìn giữ sự trong sáng của tâm hồn giới trẻ!!! Mời độc giả hãy cùng Tin Khó Tin rút gọn, chống nhạy cảm cho các tác phẩm văn học, âm nhạc vv kinh điển của Việt Nam!!

Theo Tonkhotin

Nhân 8/3: Thất bại trong việc bình chọn người phụ nữ Việt Nam tiêu biểu

Nhân ngày quốc tế phụ nữ mùng 8 tháng 3, báo chí Việt Nam đã có loạt bài tôn vinh tài năng, sắc đẹp và tâm hồn của phụ nữ Việt Nam, bắt đầu từ việc đặt câu hỏi liệu một người đẹp đã bỏ chồng hay chưa, cho tới việc đề nghị hợp pháp hoá ảnh khoả thân. Tiêu biểu nhất là loạt bài viết về một nữ doanh nhân tài năng, người đã giúp nâng đẳng cấp của giới kinh doanh đất Việt lên một tầm cao mới.

Hẳn các bạn đang nghĩ tới bà Mai Kiều Liên, chủ tịch hội đồng quản trị công ti Vi-na-miu, người được tạp chí Phóp (Forbes) bình chọn là 1 trong 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á? Vâng, chúng tôi cũng nghĩ thế cho tới khi nhận ra đó là bà Nguyễn Thị Kiều, đại gia Hà Tĩnh, nổi danh vì tổ chức đám cưới tốn hàng mấy chục tỉ đồng cho con trai. Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới một người mẹ khác đã làm xôn xao cả đất nước vào những ngày cuối tháng 2 (năm ngoái) khi đứng ra bênh vực cho con gái trong cuộc thi Việt Nam xờ gót ta-lần.

Tuy nhiên tất cả các nỗ lực của các doanh nhân và các bà mẹ đều không giúp được họ vượt qua được các hot gơn để trở thành người phụ nữ Việt Nam tiêu biểu. Danh hiệu này đang được các độc giả của báo phunutoday đề cử cho ca sĩ Thuỷ Tiên, biểu tượng cho tinh thần rèn luyện phấn đấu, nữ hoàng đồ lót Ngọc Trinh, người đã vượt qua số phận để thành hoa hậu gì đó với tấm lòng thật thà khó tin, và hot gơn Elly Trần, với vòng 1 khủng đã quảng bá hình ảnh về đất nước và con người Việt Nam với bạn bè trên toàn thế giới. 
Độ nổi tiếng của một người phụ nữ trên báo chí Việt Nam
Sau khi đọc được những bài viết này, các phóng viên, biên tập, người sửa lỗi chính tả, vv của Tin Khó Tin đã đồng loạt đệ đơn giải nghệ hoặc xin đi tu nghiệp do tự thấy mình còn thua kém nhiều đồng nghiệp ở các toà báo khác. Bác Nghiêm Chỉnh chỉ hút thuốc lào rồi thở dài không nói gì. Anh Trần Lực Cười quăng bút, vò đầu và chia sẻ :”Tôi đang định viết một bài nhân ngày 8 tháng 3 tặng mẹ tôi. Nhưng mẹ tôi chưa từng sửa sắc đẹp để bộc lộ tinh thần phấn đấu, cũng chưa làm hoa hậu, và lần duy nhất mẹ tôi ra nước ngoài đã không để lại ấn tượng gì với bạn bè quốc tế. Nghĩ lại thì mẹ tôi không xứng đáng làm người phụ nữ Việt Nam tiêu biểu.”
Mẹ anh Trần Lực Cười (giữa) không để lại ấn tượng gì cho bạn bè thế giới
Trong một diễn biến khác, phụ nữ Việt Nam đồng loạt dừng tất cả các hoạt động trong gia đình và ngoài xã hội để tập trung vào hai hoạt động chính là ca hát và chăm sóc sắc đẹp với hi vọng được như những người phụ nữ Việt Nam tiêu biểu nói trên. Động thái này nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt của nhiều người đàn ông Việt Nam. Tuy nhiên phỏng vấn bên lề của Tin Khó Tin cho hay, 90% số đàn ông được phỏng vấn thừa nhận sẽ ngừng nấu nướng, làm việc nhà, đi chợ, trông con, vv từ ngày 9-3 trở đi. Ở các công ty, nhà máy, nông trường, dự tính năng suất sẽ giảm trên dưới một nửa. Các trường học, bệnh viện, vv... có nguy cơ đóng cửa rất cao. Toà soạn Tin Khó Tin có thể sẽ rơi vào khủng hoảng khi Pé Tin Cute không pha trà nữa mà chỉ tập hát và soi gương cả ngày. Hiện chưa ai rõ ai sẽ thay thế vai trò của phụ nữ trong xã hội khi mà phụ nữ Việt Nam đều đang bận phấn đấu theo chuẩn tiêu biểu.

Trong khi đó, trên đường đi mua hoa tặng mẹ,
Pé Tin Cute nói đối với em mẹ mới là người phụ nữ tiêu biểu nhất
 Theo Tinkhotin. Ảnh theo vietbao.vn, caohungvn