19 thg 9, 2012

Phòng khi bị bệnh


honngv - Mình post bài này để mọi người tham khảo, rút kinh nghiệm nếu chẳng may mắc bệnh .

Có bệnh thì vái tứ phương
Ng. Quang Lập, THÁNG 9.8.2011

    Khi còn khỏe mạnh mình thấy lắm kẻ dại quá là dại, nghe mồm mấy ông lang vườn, mấy ông sư hổ mang, mấy thầy phù thủy dở người chỉ tổ tốn kém mất thời gian chẳng được cái gì. Mình rất ngạc nhiên khi thấy có những người trí lự phi thường như anh Nguyễn Minh Châu, anh Hoàng Phủ Ngọc Tường vẫn cứ hồn nhiên tin tưởng mấy ông lang băm mà người thường chỉ nghe họ nói đôi câu đã biết ngay họ là lang bịp.
    Anh Tường (Hoàng Phủ Ngọc Tường) bị tai biến, liệt cứng, không có cơ hồi phục, bệnh viện bó tay. Khổ thân chị Dạ (Lâm Mỹ Dạ) đã đưa anh đi khắp nước, cứ nghe ở đâu có lương y, thần y trị được bệnh này chị đều đưa anh đến cả. Có ông “thần y” chữa bệnh rất tức cười, ông vừa đọc thần chú, vừa lấy mảnh chai rạch đầu anh Tường bảo là lấy máu độc. Mình hoảng lên, gọi điện cho chị Dạ, nói chị đừng có nghe mấy thứ tào lao, để người ta rạch đầu nhiễm trùng, nguy hiểm lắm. Chị Dạ thở dài, nói rứa em nói chị phải mần răng? Người ta cam đoan chữa lành cho anh không lẽ chị từ chối.
    Anh Châu (Nguyễn Minh Châu) bị ung thư máu, anh thừa biết bệnh này trời cứu. Anh Châu là người tư duy mạch lạc, đầu óc rất thực tiễn, không môt gram đồng bóng không dễ gì lại đi tin tưởng vớ vẩn được. Thế mà anh tin. Chả biết tờ báo nào đưa tin có ông sư nào ở Đồng Tháp chữa được bách bệnh bằng thuốc lá, đặc biệt là bệnh tiểu đường, gan nhiễm mỡ và ung thư máu. Chị Danh vợ anh nghe vậy liền đưa anh lặn lội vào Nam. Hồi này tàu xe khó khăn không phải như bây giờ, đưa một người bệnh nặng đi xa thật vô cùng vất vả. Mình nghe vậy liền gọi điện cho anh, bảo anh đừng có tin nhưng anh đã đi rồi, lại đọc báo nghe nói anh uống thuốc lá mười phần đã đỡ đến sáu bảy. Nhiều người cười mình, nói đấy, mày thấy chưa, cứ tin khoa học cho lắm vào, cuộc đời có lắm điều kì diệu, cứ cực đoan  duy lý bỏ qua những điều kì diệu Trời Phật ban cho có phải ngu không.
    Tháng sau anh ra Hà Nội, mình đến thăm. Vừa mở mồm hỏi món thuốc lá ông sư thế nào anh đã xua tay cười buồn, nói mày đừng mắng anh ngu. Khi người ta không còn gì nữa để mà hy vọng, hễ ai xón ra cái gì là người ta vồ ngay cái đó. Xưa mình toàn cười mấy ông bạn ốm đau không lo chạy chữa tây y, toàn nghe đồn đại tào lao tốn tiền mất thời gian. Đúng là cười người hôm trước hôm sau người cười.
    Mình cũng chẳng hơn gì anh Châu.
    Mình bị bệnh tai nạn chấn thương sọ não, liệt nửa người từ 2001. Từ khi đổ bệnh đến giờ liên miên những người mách bảo, người bảo thuốc nọ thuốc kia hay lắm, người bảo thầy này thầy nọ giỏi lắm. Thoạt đầu mình nghe theo hết, ai bảo gì cũng nghe. Có những loại thuốc đắt điếc tai như An cung ngưu hoàng hồi đó một viên 800 ngàn, mỗi ngày hai viên uống liền hai ba tháng trời cũng không tiếc. Nghĩ bụng miễn sao mình lành bệnh, người làm ra của, lo gì. Sau rồi nản, uống mãi chẳng thấy gì, lại gặp mấy ông lang lừa, mất cả đống tiền vì họ, tức lắm. Trong gần hai năm “vái tứ phương” nhà mình tốn tiền tỉ, vừa tiếc tiền vừa giận mình ngu.
    Cuối năm 2002 thằng Sơn ( Nguyễn Thanh Sơn) đưa mình sang Singarpore đến bệnh viện Parkway, một bệnh viện rất nổi tiếng của Đông Nam Á. Bác sĩ Hồng Kông hay Đài Loan chi đó, tên gì quên mất rồi, trực tiếp khám cho mình.  Người ta bảo ông này rất giỏi, mỗi tuần chỉ bay sang Parkway khám bệnh có một ngày, mình gặp may, sang đúng ngày ông khám, mừng lắm. Sau khi xem phim chụp não của mình rất kĩ lưỡng, hỏi chuyện dăm bảy câu, ông đưa ra hai lời khuyên quan trọng đến nỗi mình không quên một chữ. Một là, bệnh của anh để lâu quá rồi không chữa được, không có một thứ thuốc nào, một can thiệp y học nào có thể chữa lành, khá hơn một chút cũng không. Hai là, chỉ có tích cực tập luyện mới có thể cứu anh thoát khỏi thực trạng này.
    Chính lời khuyên lạnh lùng, không hề có mùi vụ lợi của ông bác sĩ làm cho mình tỉnh ngộ.Từ đó mình quyết định chống nạng bước ra đời. Ngày đầu bước được chục bước đã mệt bã người, mồ hôi ướt sũng cả áo quần. Ngay sau mười một bước, rồi mười hai bước… Cho đến một nghìn bước, mình bỏ nạng tự đi. Cũng dấn bước một từ trăm mét, cứ mỗi ngày dấn thêm mười mét cho đến năm nghìn mét… ròng rã đúng hai năm trời. Bây giờ đi đứng vẫn còn chấm phẩy nhưng chắc khỏe, nhiều người cùng bị như mình nhìn mình mà thèm.
    Suốt bảy năm mình an phận, chấp nhận sống chung với lũ, chỉ có tập luyện, tuyệt không tin một sự kì diệu nào, một phép thần thông nào. Vào Sài Gòn, mình nghe nhiêu người bảo ông thầy Võ Hoàng Yên giỏi lắm, bấm huyệt chữa bệnh kì tài, bao nhiêu câm điêc, bán thân bất toại qua tay ông đều khỏi cả. Mình chẳng tin, đọc báo thấy khen ông nức nở cũng không tin, vào trang web của ông càng đọc càng không tin. Bấm huyệt châm cứu may ra có thể chữa liệt do thần kinh ngoại biên chứ liệt do thần kinh trung ương thì đến thánh cũng bó tay. Tất cả những bệnh do tai biến, chấn thương sọ não, trong vòng 6 tháng đổ lui mới hy vọng cứu được, một năm trở lên thì đừng có mà mơ.
    Cho đến khi xem vtv1, thấy ông bấm huyệt cho một thượng tá công an, bấm xong một phát, ông công an đưa tay lên gãi đầu liền. Mình choáng, té ra có phép thần thông thật. Mình quyết định lên Bình Phước tìm ông thầy. Trước khi đi, mình nói với Huy Đức, nói ông ngồi đợi tôi về nhé. Thầy bấm huyệt xong, tôi không thèm đưa tay gãi đầu, tôi thò tay bóp dái ông một phát, he he.
    Mình vào nhà chùa, hình như chùa Quang Minh thì phải, thấy người chữa bệnh đông nghìn nghịt, nhờ thằng Phong ở Đài truyền hình Bình Phước mình mới có thể chen vào được. Mình ngồi hàng ghế đầu, quan sát thầy chữa 25 ca, nghe thầy hò hét tưng bừng, người vỗ tay ầm ầm nhưng kì thực không một ca nào chữa khỏi. Chả biết trước đó thầy có chữa được cho ai lành bệnh không chứ mình “mục sở thị” 25 ca thầy chữa thì không có một ca nào khỏi, dấu hiệu của sự khỏi cũng không, thực là như thế. Thấy bấm huyệt vặn gân y chang mấy ông thầy chữa sái khớp trẹo gân, chẳng có gì đặc biệt.
    Chỉ thấy mồ hôi thầy ướt đầm, không lấy của ai một xu thì biết thấy chữa vì lòng thành, không hề vụ lợi.
   Mình ngồi xem thầy bấm huyệt, nhớ lại cái cảnh thầy bấm huyệt ông thượng tá công an trên vtv1 mới giật mình, nghĩ bụng mình già đời ti vi mà cũng mắc lỡm ti vi. Nó dựng phim bắt đầu từ khi thầy bấm huyệt, không hề cho xem tình trạng cái tay ông thượng tá trước đó thế nào. Biết đâu trước đó tay ông đã gãi đầu được thì sao? Ai đời thuở chữa liệt do thần kinh mà thầy  bấm huyệt thì ít, vặn bẻ tay chân thì nhiều, chữa bệnh câm do thần kinh mà thầy thò tay bẻ hàm lôi lưỡi, sợ chết đi được. Nghĩ vậy mình tính tháo lui, nhưng bà vợ đứng sau lưng, mình tháo lui thế nào bả cũng mắng không kiên trì, sợ đau. Thôi thì cứ để thầy bấm xem sao.
    Ngồi chờ từ 3h đến 5h30 chiều, thằng Phong nháy mắt với thầy nhiều lần thầy mới để mắt tới. Thầy đến chỗ mình, chẳng hỏi han khám xét gì sất, nói nhà văn à, nhà văn viết cái chi, có chịu đau được không… vừa nói thấy vừa bấm bấm vặn vặn đẩy đẩy đập đập… đau điếc tai, mình cắn răng chịu đau chảy cả máu miệng. Xong rồi thầy hỏi đỡ chưa, mình dạ. Thầy lại hỏi đỡ thật không, nhà văn đừng có nói láo nhé, mình lại dạ. Tất nhiên mình phải dạ cho phải phép, vô lẽ mình bảo chẳng đỡ chút nào. Mình dạ ba bốn dạ, thầy ngoảnh mặt tươi cười nhìn mọi người, nói bà con thấy chưa. Mọi người vỗ tay ầm ầm. Mình đứng dậy đi ra, cả nhà chùa vỗ tay vang dội, nhiều người chạy rật rật đuổi theo mình hỏi han tới tấp. Chẳng ai biết trước đó mình đã đi như  vậy, giờ vẫn đi như vậy khác gì đâu, giống như mình xem ti vi thấy ông thượng tá công an đưa tay gãi đầu vậy,  hi hi.
    Mình rời cửa chùa vừa tức vừa tức cười, đúng là không cái ngu nào giống cái ngu nào, hi hi.

Thất vọng với GS sử học Lê Văn Lan


07:50 18 thg 9 2012 Công khai 1662 Lượt xem
    Hôm qua, cuối ngày mới đọc cái bài phỏng vấn ông Lê Văn Lan, giáo sư sử học nói về việc xây bảo tàng Lịch sử VN mới biết, ông khẳng định: xd cái bào tàng đó là "cần thiết".
   Trước đây thấy ông rất năng nổ trong các hoạt động về nghiên cứu, đánh giá, giảng dạy...về lịch sử, có ý kính trọng. Tự dưng đọc bài này thấy mình phí tâm.
   Vâng, nếu quốc khố Việt Nam đang dồi dào, xây dựng một bảo tàng nữa cũng có thể ...Nói có thể thôi đấy !
   Nhưng vấn đề là cái bảo tàng hiện đang có đã là một công trình kiến trúc rất đẹp, đủ rộng để đón khách tham quan. Làm phong phú thêm các hiện vật trưng bày, thu hút người dân, khách du lịch tới còn là việc làm chưa đâu vào đâu. Làm thêm cái bảo tàng mới, như blogger Đào Tuấn đã viết rồi, lại thêm một cái "chùa bà Đanh", chủ yếu để cho thuê phòng tổ chức đám cưới...
   Đúng cái lúc dân tình, doanh nghiệp kêu khổ  vì kinh doanh, đời sống khó khăn, cộng thêm thuế, phí nặng nề, vật giá lại chuẩn bị leo thang bởi giá xăng 5 lần tăng liên tiếp...bão lũ liên miên xảy ra nơi vỡ đê, nơi vỡ đập...bao nhiêu thứ cần tiền mà ns cạn kiệt. Thế mà giáo sư LVL lại cho là xây bảo tàng đồ sộ lúc này là cần thiết.
   Mấy hôm trước, ông giám đốc bảo tàng lịch sử vn cũng nói là dự án mới là rất cấp thiết.
   Dường như có một kế hoạch truyền thông nhằm phản bác thông tin, bình luận trên báo chí là nên đưa dự án công trình bảo tàng này vào...bảo tàng ?
   Hỡi ôi !xưa nay, những người làm sử luôn luôn được kính trọng bởi họ luôn ghi lại, phê phán những hành động không đúng của người đương quyền, làm trái nguyện vọng của dân, chi tiêu bừa bãi làm hao mòn, kiệt quệ sức dân.
   Thế mà ngày nay, có những người nghiên cứu, làm công tác sử học lại vào hùa, cổ xúy cho những hành động đó.
   Nên nhớ, ngay trong cấp chính quyền, người ta cũng nhận ra là việc chi tiêu công không đúng lúc, đúng mức...gây nên những bất ổn kinh tế vĩ mô hiện nay. Thì việc mấy ông không hiểu rõ toàn cảnh đất nước, lại muốn làm nặng nề thêm cái sai của các bộ. Thế thì tội các ông chẳng phải là nhỏ.
   Các sử gia lớn trước nay của Việt Nam như Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên, Phan Phu Tiên...khi chép sử cũng rất chú ý ghi lại, phê phán những hoạt động xây dựng cung thất xa hoa, bừa bãi của một số quân vương các triều đại trong lịch sử khiến dân tình, phu phen nhọc mệt, hao tiền, tốn của quốc gia....khiến các triều đại đó đi vào suy vong. Nhìn sang Trung Quốc, ở các triều đại: Tần, Tùy...các sử gia lớn cũng thường cho rằng, việc cho xây dựng các cung điện, đền đài....huy động quá nhiều sức dân, của cải, nguồn lực xh...cũng là một nguyên nhân chính khiến các triều đại này diệt vong.
   Cho nên, là những người làm về lịch sử, như GS Lê Văn Lan, cũng nên nhớ đến các tiền nhân-các sử gia để đưa ra những đánh giá, nhận định cho đúng, để khỏi xa lạ với truyền thống của những người làm công tác lịch sử: nghiên cứu, giữ gìn những giá trị lịch sử...nhưng cũng không quên trách nhiệm với hiện tại của đất nước.

Rút từ blog.yahoo.com

Gía đừng !

04/11/2011, hoamai1

Giá em đừng nói lời yêu,
Để tim tôi đỡ trăm chiều xót xa.
Giá đừng da phấn mặt hoa,
Giá đừng hiền hậu nết na ... giá đừng
Tôi với em vốn người dưng
Mà sao lại nhớ lại thương thế này?!
Ngồi buồn bứt sợi cỏ may
Đan thành chiếc nhẫn chờ ngày tặng em.
Vậy mà em đã vội quên,
Những lời hò hẹn nên duyên hôm nào...
Giá tôi đừng ước đừng ao,
Thì đâu đến nỗi lạc vào bến mê!

Lương thiện với chính mình ?!


Ng. Quang Lập
…. Chẳng nhớ quen Huy Đức từ lúc nào, hình như hơn hai chục năm rồi, thời nó viết truyện ngắn “Dòng sông cụt thì phải”. Truyện đó nó ký tên Trương Huy San, in ở Văn Nghệ Quân đội, ai đọc cũng thích. Nó viết về cái thời duy ý chí làm thủy nông ở Nghệ Tĩnh, nghe lời Trương Kiện đào bới lung tung, giọng văn tưng tửng không hề xốc xỉa nhưng mà đau, đau lắm.

 HuyDuc-05-p

Đám văn trẻ tụi mình sướng lắm, văn chương giả cầy vô thiên lủng, chỉ cần xòe tay khua nhẹ cái được cả nắm, kiếm được ông văn miệng có gang có thép thời nào cũng khó, thời này càng khó hơn.
………….
Trông cái dáng lờ vờ, ngồi đâu cũng nhường phần sắc sảo cho người khác, ít ai mới gặp đã ấn tượng, chỉ khi nói chuyện cà chớn, trêu chọc nhau mới ló chút thông minh, còn thì như gà rù, nói chuyện như người đời sơ nói, ấy thế mà bất kì bài báo nào cũng đạt đến cái tầm khái quát cao, sức nghĩ sâu rộng, nếu không đủ độ để thán phục thì cũng không thể coi thường.

Hôm ngồi uống bia với thằng Tín ( Nguyễn Trọng Tín), Tín cũng làm ‘Sài Gòn tiếp thị’ với Huy Đức, nhân nói chuyện Huy Đức thôi việc, nó uống cạn cả cốc to bia đen, khà một tiếng rõ to, vuốt mặt hai ba cái, nói tui nghĩ chán ra rồi, nước Nam mình có mấy thằng làm báo được như Huy Đức, hổng có, hổng có ai… đú má.

Có thể vì bức xúc mà thằng Tín nói quá đi, mình nghĩ thế. Mình chạm cốc với thằng Tín, nói có trí lực để viết những bài báo như Huy Đức cũng không ít người, cũng không ít người có thể viết hay hơn, nhưng có cái tâm sáng trưng như thằng Huy Đức để nói thẳng, nói to những điều tâm huyết như nó thì quả là hiếm. Người ta hay tán cái dũng của nó nhưng tôi nghĩ không phải, nó có chống đối ai đâu mà nói đến cái dũng.

Nghe nói đến cái dũng, thằng Tín cười sặc, phun cả bia ra bàn, nói đúng đúng, ông nói làm tôi nhớ đến câu thơ của Yevtushenko
Sống cái đời gì kì cục quá thôi
Dám lương thiện với mình cũng đủ thành dũng cảm.

…. Ở đời sợ nhất là mất cái tình chứ vì cái lý gì đó mà mất thì cái mất ấy cũng nhẹ tựa lông hồng, cần gì phải lo nghĩ; được được mất mất, dại dại khôn khôn mỗi người tự biết lấy, người ngoài bàn tán đôi khi đâm rách việc.

…Buổi sáng quán cà phê phố Hàn Thuyên, mình với nó đang tán chuyện ba lăng nhăng giải sầu, một em chân dài chạy đến vừa nguýt vừa cười, nói chết chưa chết chưa, đáng kiếp đáng kiếp, còn chủ quan nữa không. Nó tủm tỉm nhìn cô nàng, nói em cũng bảo anh chủ quan à. Cô bé dẩu môi nguýt nó, nói chủ quan.

Nó cười, vui vẻ khoác vai cô bé, nói điều tôi sợ mất nhất là tình yêu mọi người dành cho tôi, như cô bé này chẳng hạn. Cô bé véo Huy Đức cái rõ đau, nói yêu anh bao giờ hả hả.

Nó lại nhăn răng (khểnh) cười.

Rút từ Bạn văn của Ng. Quang Lập (Bạn văn 29 - Huy Đức)