27 thg 9, 2012

Phiếm đàm cấm chị em vào


Nhặt trên Nét

1. Chàng yêu nàng từ thuở nàng mười lăm mười sáu tuổi. Cả hai lén lút đi lại, quan hệ, quậy gia đình, trốn nhà đi, dọa chết nếu không được chấp nhận. Nếu quan hệ ấy kéo dài một năm, được gọi là phạm pháp, dụ dỗ trẻ vị thành niên, có nguy cơ ra tòa thụ án. Nếu mối tình ấy kéo dài ba năm, được gọi là yêu trộm, tình yêu oan trái. Nếu mối tình kéo dài sáu bảy năm, sẽ được gọi là tình yêu đích thực, vượt núi trèo đèo qua bao khó khăn để yêu nhau.

Kết luận: Bạn làm gì chả quan trọng, quan trọng là bạn làm được trong… bao lâu!

2. Một nàng cave, nếu ngủ với thợ thuyền hoặc lao động ngoại tỉnh, thì bị gọi là đối tượng xã hội. Nếu ngủ với đại gia lừng lẫy, thì được gọi là chân dài. Nếu ngủ với một ngôi sao sân cỏ hoặc màn bạc, sẽ được đường hoàng lên báo kể chuyện “nghề nghiệp” và trưng ảnh hở da thịt cho công chúng, không ai có ý định bắt nàng.

Kết luận: Bạn làm gì chả quan trọng, quan trọng là bạn làm điều đó với ai!

3. Phòng tắm công cộng bỗng dưng bị chập điện gây hỏa hoạn lớn, vô số chị em chạy túa ra đường mà không kịp mặc gì. Những nàng thông minh là người không lấy tay che thân thể, mà lấy tay che… mặt.

Kết luận: Hãy quan tâm tới mấu chốt của mọi vấn đề.

4. Một nàng gái ế chạy tới đồn cảnh sát tố cáo: “Tôi đã cẩn thận để tiền trong áo lót, thế mà thằng cha đẹp trai đứng cạnh tôi ở trên xe bus đông đúc đã móc lấy mất tiền của tôi!”. Cảnh sát ngạc nhiên: “Tại sao nó có thể móc tiền được ở một vị trí “nhạy cảm” như thế, mà cô không phát hiện ra?”
Cô nàng gái ế thút thít: “Ai ngờ được là nó chỉ muốn moi tiền?”

Kết luận: Một nhà kinh doanh tài ba là người moi được tiền của khách hàng trong lúc đang khiến khách hàng sung sướng ngất ngây.

5. Nhân viên vệ sinh của công ty rất buồn phiền vì các quý ông thường lơ đãng khi vào nhà vệ sinh. Để giải quyết những vũng nước vàng khè dưới nền toilette, công ty dán lên tường, phía trên bệ xí nam một tờ giấy: “Không tiểu tới bô chứng tỏ bạn bị ngắn, tiểu ra ngoài bô chứng tỏ bạn bị… ủ rũ!”. Ngay từ ngày hôm sau, toilette nam sạch bóng và không còn quý ông nào lơ đãng nữa.

Kết luận: Hãy chứng minh cho khách hàng thấy vấn đề một cách cụ thể, ấn tượng.

6. Bố mẹ nàng mở cuộc thi tuyển con rể. Chàng A nói, tài khoản có một triệu đô. Chàng B khoe, có biệt thự hai triệu đô. Bố mẹ nàng có vẻ ưng lắm. Chàng C nói, cháu chả có gì cả, thưa các bác. Cháu chỉ có mỗi một đứa con, hiện đang nằm trong bụng của con gái các bác!

Kết luận: Muốn cạnh tranh với đối thủ, cần có tay trong!

Một thời để nhớ

Gõ đại bởi honngv

Xuất thân từ 'chân đất mắt toét', nhờ ơn Đảng, Bác Hồ (ngày ấy) mà mình cũng vinh dự được một thời sánh vai cùng các anh chị và các bạn trên con đường 'tu nghiệp' tại 1 trong những trường Đại học danh giá nhất cả nước, trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Giờ nghĩ nó chẳng là gì, nhưng với riêng mình đó là thời kỳ hạnh fúc nhất, yên bình nhất của cuộc đời. Mình cứ muốn sống mãi với cái cảm xúc lâng lâng khi lần đầu tiên bước vào hành lang (nhớ là mới ở hành lang thôi đấy) nhà C1, nghĩ cứ tiếc cho họ hàng, hàng xóm cùng mấy thằng bạn ở quê không được chiêm ngưỡng, không được dạo bước như mình thế này trong 1 cái hành lang rộng lớn nhường ấy! Và tuy chưa trở thành SV chính thức, nhưng cũng đã nảy chút ‘tự hào’!
 
NHẬP TRƯỜNG

Mình tốt nghiệp fổ thông (hệ 10/10) năm 1969. Khi sắp thi tốt nghiệp, theo fong trào cũng làm hồ sơ thi đại học. Chẳng biết hướng nghiệp là gì, tài liệu hướng dẫn đâu có như bây giờ. Mấy thằng ‘thày fán’ chân đất mắt toét cùng lứa bàn bạc, tranh luận việc chọn trường nọ trường kia. Giờ chẳng nhớ lúc đó đăng ký vào trường nào. Chỉ có độc 1 câu lan truyền trong thiên hạ lúc đó: ‘nhất Y nhì Dược, tạm được Bách khoa’, và với tinh thần quật khởi: học để thoát khổ, thoát nghèo.

Động lực là vậy, nhưng thi tốt nghiệp xong là về lại ngày 2 buổi hết gặt lúa đồng xa đồng gần lại đi nhòm đít trâu (đi cày), gánh fân, nhổ cỏ, đêm lại đập đất đập lúa -  ngày ấy còn hợp tác xã - có ngó ngàng đến sách vở gì đâu, đến nỗi quên cả khái niệm học. Một hôm đi cày về, đang mệt rũ rượi, bụng còn đói run, chú Bưu tá đến đưa cho cái giấy gọi nhập trường. Mừng rú. Giở ra xem thấy giấy báo của Bách khoa. Khốn nỗi có biết Đại học bách khoa là cái mẹ gì đâu, và nó ở đâu cũng tắc tịt. Chạy đi hỏi khắp cả làng mới có vài thông tin lờ mờ. Chưa biết đi Hà Nội theo hướng nào từ cái đường 5 lịch sử quê mình!

Thế là khoảng tháng 8/1969, chẳng tiệc tùng, liên hoan liên hiếc gì như bây giờ, vai toòng teng cái ba lô 3 lá thời chống Pháp, do ông chú để dành từ thời lính Điện Biên, gói độc nhất 2 bộ quần áo cũ và mấy chục đồng bạc, mình tạm biệt đứa em gái, theo chân người yêu hụt (sau này), dưới sự dẫn dắt của ông bố cô nàng lên tàu ‘xuất ngoại’, đi Hà Nội.

Xuống ga Hàng Cỏ, bị ngợp luôn. Vì từ bé chỉ nhìn thấy ô tô chạy trên đường 5, tàu hỏa chạy qua ga Phú Thái, (1 ga nằm trên tuyến đường sắt Hà Nội- Hải Phòng), đã biết Hà nội hà ngoại là gì đâu. Bám rít đít ông già và cô bạn, leo tàu điện vào Bách khoa, tất nhiên sau khi húp gọn 1 bát fở và cái bánh mì ở cửa ga, ông già mua cho. Sao ngon thế!
Đến cổng Nam Bộ (nay chắc không còn tên này, sau này mới biết là cổng Parabol) thấy cái cổng cao vòm vòm mà fát sợ, chẳng giám bước qua, nếu kg có sự thúc giục của ông già. Rồi hình như mấy bố con vào hỏi mấy chú bảo vệ (gác cổng) và được chỉ dẫn: mình fải tách khỏi ông già và cô bạn gái cùng quê vì 2 đứa vào 2 khoa khác nhau: mình - Vô tuyến, cô bạn – Kỹ sư kinh tế (thời đó có khoa này, giờ đổi tên và biến tướng thành gì, hơi đâu mà tìm hiểu!). Đành fải tạm biệt ông bố hụt nhiệt tình chất fác nhà nông và cô bạn đáng yêu, hẹn ngày gặp lại. Giờ chẳng còn nhớ nộp giấy tờ và được nhận tạm vào khoa như thế nào nữa, (sau còn kiểm tra kiến thức mới được vào chính thức).

ĐHBK ngày đầu thành lập
Chỉ nhớ thằng bạn đầu tiên giữa ‘thiên đường đại học’ là 1 thằng cũng chẳng hơn gì mình, cùng 1 duộc ‘cua bò đường nhựa’. Có lẽ chính vì thế mà 2 thằng rất thân nhau, đi đâu cũng fải đủ 2 đứa. (Giờ đã là ông nội, ông ngoại cả rồi, nhưng cứ gọi nhau như thế cho nó... trẻ. hihi... ). Phải cái hắn nói giọng cóc chết gì (lúc ấy chưa fân biệt được), cứ mô tê, chi mô răng rứa loạn xì ngậu lên hết cả, làm mình ù tai, nghe chẳng hiểu nó nói gì, cứ fải hỏi đi hỏi lại. Thế cùng thì cũng fải cố mà hiểu chứ còn biết mần ra răng. Sau ít ngày rồi cũng hiểu dần dần. Té ra hắn người Hà Tĩnh (lúc đó sát nhập nên gọi là Nghệ Tĩnh). Hắn là Trần Văn Miên, sau này học lớp Bán dẫn.

Chắc những ngày chờ nhập trường này các bạn ở Hà Nội thì đến trường ghi tên rồi về, không biết các bạn gái ở đâu, còn bọn ‘cua đồng đực’ chúng mình thì ở tập thể trong ngôi nhà lá được dựng bởi toàn tre, luồng (có lẽ được chở về từ Lạng Sơn - cơ sở sơ tán của Khoa VT), tọa lạc trên miếng đất hoang, nằm sát sông Tô Lịch, ngay cạnh cầu B8. (Bây giờ khó mà nhận ra! Ngày ấy còn có có con đường tắt đi từ đây đến Nhà ăn số 3, là 1 lối mòn còn vương nhiều cỏ). Trong nhà 2 bên là 2 dãy ‘giường’ được dựng lên bằng các đoạn gốc luồng chôn chặt xuống nền đất, trên là những cây luồng quây làm thành fản, và đan thành tấm chạy dọc theo chiều dài nhà. Các tân SV tương lai nằm sát nhau, mỗi thằng chiếm diện tích đúng bằng cái chiếu 1.

Tiền ăn mỗi tháng fải đóng 18 đồng, sau này (nhờ ơn Đảng ơn Bác) mình được miễn giảm toàn bộ vì nhà nghèo, ngoài ra còn được cấp thêm mỗi tháng 4 đồng tiêu vặt. (Thời đó cái bánh mì = 250 gam tem lương thực + 1 hào, nếu không có tem thì 4 hào. Sáng mà đớp 1 cái bánh mì này thì học cả ngày chất fải biết. Nói thêm để con cháu có đọc còn biết mà so sánh: năm 1975 ra công tác, lương của kỹ sư tập sự (còn gọi là khởi điểm) của mình là 63 đồng). Ngày 2 bữa trưa, chiều thưởng ngoạn tại nhà ăn số 3. Nhận cơm bằng fiếu ăn (chuyện fiếu ăn kể sau), 4 đến 6 mống 1 mâm. Mỗi mâm bao giờ cũng có 2 xoong (1 cơm, 1 canh hoặc nước luộc rau) và 2 đĩa (1 rau, 1 thức ăn mặn). Mỗi bữa mỗi mạng được 2 vực bát cơm và 1 chiếc bánh mỳ 250 gam, sau này mới xuất hiện khái niệm '2 bát mốt'. Tất nhiên thức ăn thì 'khiêm tốn' đến mức tối thiểu. Sáng tự túc. Mình thường nhịn sáng cho tiện. So với SV bây giờ thì thời đó là 'thiên đường cộng sản'. Tuy chưa đủ no nhưng với mình thì quá tuyệt vời. Vì ở quê còn bị ăn uống ít hơn mà lao động chân tay nặng nhọc gấp trăm lần. Mình đi đâu cũng cặp kè với thằng ‘Miên ẻ’. Mãi chẳng lần ra cô bạn đồng niên, đồng môn, đồng hương (cấp xã) ở nhà nào và cũng chẳng biết ông già về quê từ ngày nào nữa!
 
Các bọ có nhận ra đây là đâu không?
Có lần 2 thằng rủ nhau đi ‘khám fá’ trường để thỏa tính tò mò. Khi lò dò bước trong hành lang tầng 1 nhà C1 mà người cứ lâng lâng, tưởng mình đang mơ. Sao mà to rộng thế, hoành tráng thế. Chỉ riêng 1 góc hành lang này cũng còn to hơn, cao hơn cái Hội trường huyện mình chứ chẳng thèm so với xã. Nghĩ cứ tiếc cho họ hàng, hàng xóm cùng mấy thằng bạn ở quê không được chiêm ngưỡng, không được dạo bước như mình thế này trong 1 cái hành lang rộng lớn nhường ấy! Và tuy chưa trở thành SV chính thức, nhưng cũng đã nảy chút ‘tự hào’! Viết thư về nhà khoe rinh tý mẹt. Mình hỏi cảm tưởng Miên ẻ, hắn nói: choa cũng rứa, à quên tao cũng thế. Quả là ngây thơ hơn cả gái lên 10!

Khuôn viên của trường Đại học Bách khoa Hà Nội khi ấy rất rộng, nó ấm cúng, tuy fa lẫn giữa cũ kỹ và hiện đại, nhưng nó riêng ra là khu trường học chứ không nhộn nhạo, fa trộn fố xá như bây giờ. Trường chia thành 3 khu rõ rệt. Khu A là khu trường cũ, gồm các giảng đường, nổi tiếng là giảng đường 250, nhà Bát giác, thư viện, fòng thí nghiệm, xưởng sản xuất thực nghiệm của các khoa, gắn liền với sân vận động và cổng Bạch Mai. Khu B là khu nhà ở của giáo viên, cán bộ, CNV, SV của trường, (như B5, B8..., khu B này nhiều chuyện hay đến ngất ngây luôn!), gắn liền là cổng Đại Cồ Việt. Trước cửa nhà B8 là 1 khoảng sân đất rộng bởi nơi đây hình thành 1 ngã 3 với lối rẽ vào B6, B7.... Đối diện bên kia sông Tô Lịch đen ngòm là khoảng sân cỏ khá rộng, đá bóng thoải mái với dãy nhà tắm chạy dài suốt dọc đường đi (rất tiện lợi). Khu C là khu trường mới, do Liên Xô tài trợ thiết kế và xây dựng, (tất nhiên công nhân là người Việt), nơi như còn ghi lại rất nhiều kỳ tích bi hài của không gì K14VT. Nó gồm rất nhiều giảng đường to nhỏ, nổi trội là giảng đường C2, 'hội trường dốc C1', nhà C9 nơi khoa Vô tuyến chiếm giữ, các fòng thí nghiệm, thư viện hiện đại, gắn với cổng Parapol hoành tráng, quay ra đường Nam Bộ (tên lúc đó). Ngày ấy có quy định, buổi tối SV không được ra khỏi trường qúa 10h đêm, (mình cho là hay). Điều đó nay nghe như điều ngớ ngẩn. Vì quy định ấy mới fát sinh ra 'Con đường Phạm Đồng Điện' - quý danh Thầy Hiệu trưởng nhà trường lúc đó - chui qua lớp rào thép gai giáp đường Nam Bộ và đoạn trèo tường fía đường Đại Cồ Việt, là những lối cho các anh các chị nào nhỡ la cà yêu đương quên mất cả giờ về. Chẳng may chú nào bị Bảo vệ tóm được cũng bị báo lên khoa, nhắc nhở hoặc thậm chí bị kiểm điểm, fiền hà ra fết. Cái khu đất Bách khoa năm xưa ấy nay đã bị xé lẻ ra thành nhiều trường, (cái này bác Mạnh Quang và Nguyễn Khuyến nắm rõ), mỗi trường 1 khác, thành ra khi SV bước ra khỏi giảng đường là hòa vào guồng chảy fố fường, lối sống chộp gựt, láo nháo, ồn ào chẳng khác mấy chợ Trời.

Ở nhà lá cạnh B8 ấy, chờ mọi người từ khắp nơi về nhập trường, được bao lâu không nhớ thì loa công cộng của trường (loại loa nén của ông anh CCCP - 'các chú cứ phá' - cho, treo ngay trên cây sát nhà B8), loan tin Bác ốm nặng rồi hôm sau tin Bác mất. Cả trường, cả Hà Nội và chắc chắn cả nước như dừng hết cả lại. Tất nhiên việc tựu trường của khóa mình cũng fải dừng lại, đâu ở yên đấy, an ninh được thắt chặt. Nếu mình nhớ không nhầm thì những ngày ấy trời mưa liên miên. Mình với thằng Miên cũng khóc thật sự, (ngày ấy còn vô tư và trong sáng lắm, chưa có chất xám (kỹ thuật) như bây giờ!), bàn nhau nhảy tàu điện lên Ba Đình chui, luồn, chen lấn để làm sao nhìn thấy Bác vì đã thấy Bác bao giờ đâu, chỉ 'gặp' trong sách báo. Nhưng mọi cố gắng của 2 con cua đồng đều thất bại thảm hại, cái thu được là những bữa đi bộ cả ngày, bỏ cơm, đói dài người.

Hôm truy điệu và viếng Bác lần cuối, mình và Miên rủ nhau đi thật sớm. Tàu điện chật cứng, chỉ còn nước đi bộ, len nhau mà đi. Cố lắm cũng chỉ mon men mép ngoài sân quảng trường Ba Đình, sao mà 'thấy' Bác được! Ai cũng như ai, mặt ỉu xìu, buồn rười rượi. Nhiều người khóc thật sự, nhất là khi Bí thư Lê Duẩn đọc Điếu văn. (Nhưng cũng chẳng đến nỗi u mê như đám tang Iêng Ung gì gì ấy bên Bắc Triều vừa rồi đâu). Phải nói thật, trời fú cho ông Duẩn cái giọng đọc điếu. Nói cách khác ông Duẩn rất hợp cho việc đọc điếu văn! Có lẽ trên đời này chưa có ai đọc điếu văn hay như ông. Tất nhiên cộng với lòng tiếc thương vô hạn từ mỗi con người, giọng đọc của ông nó thống thiết làm sao, nghẹn ngào làm sao, xúc động làm sao, như nạo vét trái tim người nghe, làm chảy nước mũi, làm rơi nước mắt những người vốn định ghìm nén trong lòng đến tận cùng nỗi đau thương mất mát.

Rồi cuộc sống vẫn chẳng ngừng trôi, ai lại vào việc nấy. Mình với Miên ẻ ngày chén 2 bữa, đêm ngủ fản tre, chờ bạn bè đến trường cho đầy đủ. Mọi người đến nhập trường đông dần lên, giới thiệu, làm quen ầm ỹ, đủ giọng Bắc Trung Nam, đủ fong cách. Nhưng đối với mình ấn tượng nhất về bạn bè của những ngày tựu trường này - những ngày đầu bỡ ngỡ giữa chốn kinh kỳ - còn nhớ đến tận giờ là chỉ có thằng 'Miên ẻ', vì hắn hay nói tau ẻ vô, ẻ vô.

Hy vọng còn mổ cò tiếp!
(các bọ bổ xung và viết tiếp đi nhé)