2 thg 5, 2013

Tranh Bùi Xuân Phái họa thơ Hồ Xuân Hương


Đỏ tái mặt xem tranh Bùi Xuân Phái minh họa thơ Hồ Xuân Hương 

Những ý thơ gợi tình của nữ sĩ Hồ Xuân Hương được khắc họa sinh động qua nét bút phóng khoángcủa cố danh hoạ Việt Nam. 

Đó là bộ tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ theo ý thơ của Hồ Xuân Hương, được cố danh họa thực hiện từ năm 1982 đến 1986. Bộ tranh này hiện do người con trai của ông là họa sĩ Bùi Thanh Phương lưu giữ. Gầy đây, nhiều tác phẩm trong bộ tranh đã được giới thiệu trên mạng. 

Một đèo, một đèo, lại một đèo
Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo
Cửa con đỏ loét tùm hum nóc
Hòn đá xanh rì lún phún rêu...
(Đèo Ba Dội - Hồ Xuân Hương).

Lắt lẻo cành thông cơn gió thổi
Đầm đìa lá liễu giọt sương gieo
Hiền nhân quân tử ai mà chẳng
Mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo
(Đèo Ba Dội - Hồ Xuân Hương).

Thân em như quả mít trên cây
Da nó xù xì, múi nó dầy
Quân tử có thương thì đóng cọc
Xin đừng mân mó, nhựa ra tay
(Quả mít - Hồ Xuân Hương).

Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn
Trơ cái hồng nhan với nước non
Chén rượu hương đưa, say lại tỉnh
Vầng trăng bóng xế, khuyết chưa tròn...
(Tự tình - Hồ Xuân Hương).

Xuyên ngang mặt đất, rêu từng đám
Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn
Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại
Mảnh tình san sẻ tí con con
(Tự tình - Hồ Xuân Hương).

Hỏi bao nhiêu tuổi hỡi cô mình?
Chị cũng xinh mà em cũng xinh
Đôi lứa như in tờ giấy trắng
Nghìn năm còn mãi cái xuân xanh
(Tranh hai Tố nữ - Hồ Xuân Hương).

Trời đất sinh ra đá một chòm
Nứt làm hai mảnh hỏm hòm hom
Kẽ hầm rêu mốc trơ toen hoẻn
Luồng gió thông reo vỗ phập phòm...
(Hang cắc cớ - Hồ Xuân Hương).

Cái kiếp tu hành nặng đá đeo
Ṿây mà chút tẻo tèo teo
Thuyền cừ cương muốn về Tây Trúc
Trái gió cho nên phải lộn leo
(Kiếp Tu Hành - Hồ Xuân Hương).

Ngõ sâu thăm thẳm tới nhà ông
Giếng ấy thanh tân, giếng lạ lùng...
(Giếng nước - Hồ Xuân Hương).

Cầu trắng phau phau đôi ván ghép
Nuớc trong leo lẻo một dòng thông...
(Giếng nước - Hồ Xuân Hương).

Cỏ gà lún phún leo quanh mép
Cá giếc le te lách giữa dòng
Giếng ấy thanh tân ai đã biết?
Đố ai dám thả nạ rồng rồng
(Giếng nước - Hồ Xuân Hương).

Mùa hè hây hẩy gió nồm đông
Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng
Lược trúc chải cài trên mái tóc
Yếm đào trễ xuống dưới nương long...
(Thiếu nữ ngủ ngày - Hồ Xuân Hương).

Đôi gò Bồng đảo sương còn ngậm
Một lạch Đào nguyên nước chửa thông..
.
(Thiếu nữ ngủ ngày - Hồ Xuân Hương).

 
 .
 
.
 
.
Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt
Đi thì cũng dở, ở không xong
(Thiếu nữ ngủ ngày - Hồ Xuân Hương).

Mười bảy hay là mười tám đây
Cho ta yêu dấu chẳng dời tay
Mỏng dày từng ấy, chành ba góc
Rộng hẹp dường nào, cẵm một cay...
(Vịnh cái quạt (1) - Hồ Xuân Hương).

Càng nóng bao nhiêu thời càng mát
Yêu đêm chưa phỉ lại yêu ngày
Hồng hồng má phấn duyên vì cậy
Chúa dấu vua yêu một cái này
(Vịnh cái quạt (1) - Hồ Xuân Hương).

Một lỗ xâu xâu mấy cũng vừa
Duyên em dính dán tự bao giờ
Chành ra ba góc da còn thiếu
Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa...
(Vịnh cái quạt (2) - Hồ Xuân Hương).

Mát mặt anh hùng khi tắt gió
Che đầu quân tử lúc sa mưa...
(Vịnh cái quạt (2) - Hồ Xuân Hương).

Nâng niu ướm hỏi người trong trướng
Phì phạch trong lòng đã sướng chưa?
(Vịnh cái quạt (2) - Hồ Xuân Hương).

Của em bưng bít vẫn bùi ngùi
Nó thủng vì chưng kẻ nặng dùi
Ngày vắng đập tung dăm bảy chiếc
Đêm thanh tỏm cắc một đôi hồi...
(Trống thủng - Hồ Xuân Hương).

 
.
Chơi xuân có biết xuân chăng tá
Cọc nhổ đi rồi, lỗ bỏ không!
(Đánh đu - Hồ Xuân Hương).

Quả cau, nho nhỏ, miếng trầu ôi
Này của Xuân Hương đã quệt rồi
Có phải duyên nhau thì thắm lại
Đừng xanh như lá, bạc như vôi
(Mời ăn Trầu - Hồ Xuân Hương).

Thắp ngọn đèn lên thấy trắng phau
Con cò mấp máy suốt đêm thâu
Hai chân đạp xuống năng năng nhắc
Một suốt đâm ngang thích thích mau...
(Dệt vải - Hồ Xuân Hương).

Chàng với thiếp đêm khuya trằn trọc
Đốt đèn lên đánh cuộc cờ người
Hẹn rằng đấu trí mà chơi
Cấm ngoại thuỷ không ai được biết...
(Đánh cờ - Hồ Xuân Hương).

... nhận xét:

  1. Nhân xem tranh Bùi Họa Sư vẽ thơ Hồ Nữ Sỹ nghĩ về cái khăn vấn Việt xưa.

    Dẫn là đàn bà hay thiếu nữ,
    khi lõa thể một mình
    hay trong cơn hoan lạc,
    thì đều không có hình ảnh đầu tóc xõa xợi một cách thảm hại,
    mà vẫn nghiêm cẩn tự trọng,
    chứ không đến nỗi mất ý thức một cách nhục nhã.

    Cho hay, tổ tiên ta xưa đã xét chọn y phục nghiêm cẩn đến bực nào.
    Trả lời
    Trả lời
    1. Rất tâm đắc với còm này của cụ cố Hồng
  2. XUÂN THI – XUÂN HỌA

    Chưa trải YÊU, THƯƠNG cho đủ vẻ,
    Xem ra còn thiếu cái … CON NGƯỜI;
    Nếu chẳng XUÂN HƯƠNG khơi Nguồn Hứng,
    Thì đâu XUÂN PHÁI dựng Tranh Đời?

    Chợt đến; Viết đôi dòng trước khi copy lưu „tài liệu“ quý!
    Cảm ơn bác Trang chủ.
    Thân mến.

Bài đoạt giải của cháu Tân Hoa

Honngv: Xin giới thiệu bài viết vừa đoạt giải của cháu Tân Hoa – con gái yêu của Tân Văn Đoàn trên Tuổi trẻ online >>

Thứ Năm, 02/05/2013, 18:08 (GMT+7)
Nhặt đóa hoa vô thường
Bài đoạt giải nhì Nhạc Trịnh trong tôi 2013

“Rồi một chiều tóc trắng như vôi…” Tôi buộc phải gài câu hát bâng quơ mà ba hằng nghêu ngao vào bài thi đại học của mình. Đơn giản vì tôi thích, chẳng thể lý giải được. Mãi đến ngày ba mất, tôi mới mò mẫm đi tìm gốc gác câu hát này. Tôi đã đến với âm nhạc Trịnh Công Sơn như thế.

Tôi nghe và hát nhạc Trịnh mê say lắm, đến nỗi “lây lan” cho cả những người xung quanh. Có lần bạn tôi thắc mắc, không biết “mặt trời đầu môi” là gì. Thú thật tôi cũng không rõ. Và nhiều ca từ trong nhạc Trịnh mặc dù không tỏ tường, nhưng tôi chấp nhận như một lẽ đương nhiên, như thể nó phải là như thế.

Từ đó, Trịnh ru tôi những đêm khó ngủ, vỗ về tôi nỗi mất mát trong đời sống…

Những loài hoa đến từ nhạc Trịnh Công Sơn đẹp lạ lùng đã đành, ngay lũ sâu trong “loài sâu ngủ quên trong tóc chiều” (Dấu chân địa đàng) cũng dễ thương đến lạ.

Dần dà, khi thứ âm nhạc rất “nuột” (trong suy nghĩ của tôi) được thể hiện qua tiếng hát rất “mộc” của Khánh Ly và giọng ca Trịnh Vĩnh Trinh - người em gái út nhạc sĩ nhẹ thấm vào hồn tôi.

Ca từ, giai điệu là chất liệu mà chỉ những người thấu hiểu mới tự “điêu khắc” nên một “tượng đài” về cái đẹp. Hình mẫu về cái đẹp trong tôi là nhạc Trịnh, mà ngôn từ tôi vốn nghèo nàn khó lý giải. Và tôi chợt nhận ra quan niệm “sống gửi thác về” qua kiếp “Ở trọ” thật mong manh, hư ảo.

Nhưng nếu sự tiến bộ về nhạc Trịnh của tôi chỉ trải ra theo bề rộng, có lẽ tôi không dám chia sẻ điều gì. Cái tôi đạt được là tôi đã lớn lên cùng nhạc Trịnh, theo chiều sâu tâm hồn và hiểu hơn tính Phật ông nhặt nhạnh, gom góp từ đời sống. Nói tôi tiến hóa nhờ nghe nhạc Trịnh cũng không sai.

Nếu như trước kia, “Tôi ơi đừng tuyệt vọng”, “Để gió cuốn đi”, “Ướt mi”, “Rừng xưa đã khép”… biết cách an ủi tôi bằng sự cảm thông, đôi khi còn bình phương nỗi buồn của tôi, thì nay sự buồn bã hay nỗi ám ảnh cái đau trong nhạc Trịnh đã dần được mở nút qua lăng kính Phật giáo.

Cái sự vô thường luôn hiện hữu trong các sáng tác của ông. “Yêu em yêu thêm tình phụ, Yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ” (Ru em). Hiểu rằng mỗi con người đều gánh chịu sự khổ đau, ấy là lúc Trịnh Công Sơn đã quá hiểu về lẽ vô thường. Trên cái nền giác ngộ, lòng từ bi bắt đầu nở hoa với khát vọng mãnh liệt thôi thúc con người ta phải thoát ra khỏi khổ đau.

Khi một cơn giận hay nỗi buồn nảy nở, tôi tự nhủ “Để-gió-cuốn-đi” (tiêu đề một bài hát của Trịnh Công Sơn) như một câu niệm chú để đưa mình về trạng thái cân bằng.

“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng,
Để làm gì em biết không?
Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi, để gió cuốn đi” (Để gió cuốn đi)

Lúc trước tôi cứ ngỡ làm người tử tế chỉ cần một tấm lòng, nhưng bây giờ tôi mới hiểu tấm lòng vô ngã phải luôn giành thế chủ động. Tôi cũng đã chịu khó đi gõ cửa cuộc đời để tìm đến những nơi thực sự cần mình, thay vì chờ cơ hội tìm đến.

Kinh Pháp cú có mô tả các bậc thánh nhân giống như những con chim bay qua bầu trời, không để lại dấu vết. Ý Trịnh Công Sơn trong câu hát trên muốn nhắn nhủ, một tấm lòng chân thật luôn là kẻ “ẩn danh”, không cần níu giữ gì.

Trịnh Công Sơn đã viết: “Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng, để thấy thuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa”. Chẳng phải ông đã gom ngàn vạn “bông hoa” của đời sống vào âm nhạc đó sao? Vậy thì tôi, kẻ vô danh này, nguyện đi thu nhặt những “đóa hoa vô thường” mà cố nhân đã gửi lại nơi cõi tạm này.

TÂN HOA (Hà Nội)