14 thg 9, 2012

"Bạn văn" của Ng. Quang Lập


Nhân việc bác Quốc tặng tập “Bạn văn” của Ng Quang Lập (NQL), đọc mà thích quá. Xin được chia sẻ cùng mọi người. Ai kg quan tâm xin miễn vào hộ nhóe!


Nhà văn NQL: Tôi vẽ bạn văn theo góc tiêng của tôi
Pháp luật TPHCM

"Bạn văn" của nhà văn Nguyễn Quang Lập là cuốn sách được nhiều người tìm đọc trong thời gian gần đây. Với lối viết hí họa, hài hước, trào lộng, mặc dù hấp dẫn song cuốn sách của Nguyễn Quang Lập chưa hẳn đã "thuận mắt" với những bạn đọc vốn thích đọc văn chương một cách... nghiêm trang...
Nhà văn Nguyễn Quang Lập
Trong cuốn sách, bạn đọc được gặp gỡ nhiều nhân vật nổi tiếng trong giới văn nghệ - những người lắm tài mà cũng nhiều tật, ở những tình huống tréo ngoe lắm khi cười chảy nước mắt. Với lợi thế có mối quan hệ rộng rãi và khả năng quan sát, ghi chép sắc bén của mình, qua "Bạn văn", Nguyễn Quang Lập đã giới thiệu với độc giả một không gian văn nghệ sôi động suốt mấy chục năm qua. Hài hước mà vẫn gây xúc động.

- Thưa nhà văn Nguyễn Quang Lập, khi viết chân dung các nhân vật văn nghệ trên trang mạng cá nhân của mình, anh đã nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc. Nhưng dường như chưa thỏa mãn hay sao mà "bọ Lập" vẫn quyết chí in lại thành sách nữa vậy?

+ Phải nói là in sách có cái thú riêng của nó. Nhiều bạn đọc không biết hoặc không có điều kiện vào mạng, tôi in sách để phục vụ đối tượng này. Khi sách in ra, nhà thơ Văn Công Hùng có nói với tôi đại ý rằng, ngay cả những người đã đọc "Bạn văn" trên mạng rồi, giờ cầm sách đọc vẫn thấy thú vị. Hơn nữa in sách lại có tiền, tại sao không in nhỉ?

- Bạn văn gây xôn xao dư luận từ thế giới ảo (mạng internet) đến thế giới thật, vì cái chất hài hài, trào lộng, vì giọng văn pha chế phương ngữ rất giỏi của anh…Nhưng phải nói thật rằng, ở một số chân dung, anh đã "góp phần" làm đổ thần tượng của rất nhiều độc giả. Anh có ý kiến gì về điều này không?

+ Như đã nói nhiều lần, chân dung "Bạn văn" của tôi được viết theo lối hí họa. Tôi "vẽ" các bạn văn theo góc riêng của tôi, bằng cái nhìn hài hước và thân thiện, thậm chí bỗ bã. Những ai không quen đọc lối viết chân dung này có thể sẽ "sốc", thậm chí là thất vọng. Nhưng nếu họ đọc kĩ họ sẽ hiểu tôi viết chân dung chứ không làm tụng ca.

- Tôi đọc bạn văn và trộm nghĩ, viết chân dung kiểu "bọ Lập" rất dễ bị bạn văn phản ứng, vì không ít chuyện xem chừng tế nhị ít khi được người làm văn chương nghệ thuật nhắc tới thì anh cứ "lôi ra" thẳng thừng không né tránh. Trên thực tế thì anh đã vấp phải sự phản ứng nào từ các nhân vật mà mình viết chưa?

Bìa cuốn "Bạn văn"
của Nguyễn Quang Lập
+ Chuyện này thì có đấy. Có hai trường hợp. Một là liên quan đến nhà văn Xuân Đức. Anh ấy đòi kiện tôi khi đọc bài tôi viết. Thực ra tôi đâu có viết về anh ấy. Đó là chân dung phiếm chỉ mà. Nhưng thú thật là tôi có mượn một vài chi tiết về anh ấy làm cho anh ấy nổi giận. Tôi đã xin lỗi Xuân Đức rồi. Người thứ hai là nhà văn Tô Nhuận Vĩ. Anh ấy cũng giận tôi khi tôi viết về vài chuyện thời trẻ của anh. Tôi cũng đã xin lỗi anh Vĩ rồi. Sau hai chuyện đó tôi có rút kinh nghiệm nhiều, vì thế những chân dung tôi "vẽ" sau đó không còn bị ai phản ứng nữa.
 
- Xưa nay người ta quen nghĩ viết chân dung phải đẹp, phải trịnh trọng, đàng hoàng. Còn quan niệm của anh, một chân dung hay phải được viết như thế nào?

+ Thật và thật và thật - đó là quan niệm của tôi khi viết chân dung một ai đó. Tất nhiên không phải cái thật của sự bêu xấu, mà là cái thật của con người, về con người… Tôi rất ghét mọi sự thánh hóa.

- Có khi nào vì "ỷ lại" mối thân tình giữa mình và một người bạn nào đó mà anh cho phép mình viết "hơi quá" về người ta một chút cho hấp dẫn độc giả hay không, ví dụ anh viết về cái sự "lười tắm" của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo chẳng hạn?

+ Cái này tôi thừa nhận là có. Khi viết về những người bạn thân thiết, tôi đùa vui mạnh bạo hơn, vì tôi biết, họ sẽ không bao giờ giận tôi. Họ hiểu tôi viết để làm gì. Sự đùa vui đưa đến hiệu quả nào họ cũng đều hiểu cả. Thành thử tôi rất yên tâm.

- Đọc bạn văn, ngoài chuyện văn chương ra còn thấy anh là một người có rất nhiều bạn bè và được nhiều bạn bè trong giới văn nghệ quý mến. Hỏi một câu hơi "nghiêm trọng" là theo anh, tình bạn trong văn chương có ý nghĩa như thế nào đối với người cầm bút?

+ Câu này thì đúng là quan trọng đấy. Tình bạn trong văn chương không những quan trọng mà còn rất quan trọng. Nhà văn khó có thể thành công nếu không có bạn. Có lẽ không lĩnh vực nào mà tình bạn ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp mỗi cá nhân như nghề văn. Tôi nghĩ phải viết một cuốn sách về vấn đề này, vấn đề tâm lý sáng tác và tâm lý tiếp nhận, chứ nói một đôi câu rất khó.

- Không ít người vẫn nhìn thế giới văn chương như một nơi mơ mộng, toàn cái đẹp, còn ở "Bạn văn", anh mang tới cho họ một không gian khác, có cái Đẹp, nhưng cái xấu, cái suy đồi, cái "ngụy" văn chương nghệ thuật cũng không hiếm. Dường như anh muốn bạn đọc hiểu rằng cái thế giới văn chương nghệ thuật có khi còn phức tạp hơn cả thế giới thường ngày mà người ta vẫn gặp, vấn sống?

+ Vâng, điều này thì chính xác. Nhưng thực ra tôi không nói thì nhiều người cũng đã hiểu như vậy rồi. Những trang viết của tôi chỉ góp phần minh họa thêm cái sự hiểu của họ thôi.

-So với những trang viết in trên giấy thì những trang viết trên mạng có cho anh một niềm phấn khích nào khác không, khi anh có thể ngay lập tức nhìn thấy ý kiến phản hồi của bạn đọc? Nói khác đi thì anh thích cuộc sống văn chương trên mạng hay cuộc sống văn chương…trên giấy?

+ Đến bây giờ thì tôi đã hiểu giá trị của văn hóa mạng, nó thật tuyệt. Có lẽ tôi lớn khôn nhanh chóng cũng là nhờ văn hóa mạng. Còn văn chương trên giấy hay văn chương trên mạng thì cũng như nhau cả thôi, không có cái nào kém hơn cái nào, không có cái nào quan trọng hơn cái nào. Đơn giản vì đó là Văn. Tất nhiên ở đây ta nói về thứ văn chương đích thực, không phải thứ "ba-lăng-nhăng" ngụy văn chương. Bây giờ mà chúng ta còn phân biệt văn mạng, văn giấy thì thú thật hơi buồn cười. Chỉ những người chưa hiểu hoặc chưa gia nhập văn hóa mạng mới không coi trọng văn mạng thôi. Ngày nay 90% văn giấy đều từ văn mạng mà ra, đó là một sự thật.
   
     Nhà văn Bảo Ninh: Nguyễn Quang Lập viết dường như rất dễ, nhưng sự dễ ấy trái ngược hoàn toàn với dễ dãi. Đố anh dễ dãi nào viết dễ được như thế. Còn những người viết khó khăn và ì ạch như tôi thì lại thường hay "làm văn" nên chỉ ước ao chứ không bao giờ đạt nổi khả năng "khẩu văn" của Nguyễn Quang Lập. Viết được như thế thật sướng, nhưng muốn sướng được như vậy phải đổi cả một đời trần ai, nào ai dám đổi?
     Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: Bạn văn của Nguyễn Quang Lập là cuốn sách sinh động, hấp dẫn. Lập là người thông minh và hiểu được sở thích của số đông bạn đọc hiện nay là ưa chuộng sự hài hước, hóm hỉnh, nên Lập có rất nhiều bạn đọc cả trên mạng và ngoài cuộc đời. Lối viết chân dung hí họa của Lập là một lối viết riêng, ở đó bên cạnh cái hài hước còn là nhiều phát hiện thú vị về các nhân vật trong giới văn nghệ, kể cả về cá nhân tôi. Cách viết của Lập cũng đã từng gặp phải một vài phản ứng của bạn bè văn chương và thậm chí là Lập đã có lần phải xin lỗi nhân vật của mình. Thực ra Lập viết về tôi cũng có cái quá lên, nhưng tôi thì hiểu cái sự đùa của Lập, tôi bảo em viết thế nào thì cứ thế mà đăng, anh chả có gì phiền lòng. Trong bài viết mới đây Lập còn bảo tôi sắp lấy vợ thứ 4, nhưng thực tế tôi còn chưa có vợ thứ 3 (cười). Nhưng mà phải như thế thì mới là Nguyễn Quang Lập.
    Hỏi, trên trang viết Lập có phải là người tôn trọng sự thật tuyệt đối không thì tôi xin trả lời thế này: Chúng ta đừng hiểu cái sự thật văn chương là cái sự thật ngoài đời theo cách thông thường, đừng bao giờ cho phép mình hiểu như vậy. Văn chương hoàn toàn có thể viết quá sự thật ngoài đời để đạt tới một sự thật về con người, đó mới là điều quan trọng. Giống như quả lắc vậy, nó phải lắc quá đi thì mới trở về trạng thái cân bằng ban đầu được. Đọc chân dung bạn văn của Lập, theo tôi bạn đọc không nên "cả tin" quá mà dễ thất vọng về một ai đó. Cần phải hiểu những gì Lập viết trong không gian, từ trường của văn học, chứ không phải sự thật đời thường. Nghĩa là phải biết đi qua cái thật của bề ngoài để đến được cái thật bề trong của từng nhân vật. Đọc được như vậy thì sẽ thấy, Lập viết hay.

Theo Vũ Quỳnh Trang (VNCA)

Bí mật 30 năm


Thiết nghĩ post bài này lên đây là để ôn lại 1 thời ấu trĩ.
Bí mật 30 năm
Viết bởi: Nguyễn Quang Lập | 24.09.2009
Nhà thơ Phùng Quán
Nhà thơ Phùng Quán
Tặng anh Tống Văn Công
    Phùng Quán làm bài thơ Lời mẹ dặn khi mình mới một tuổi (1957), mặc dù bị cấm đoán lung tung nhưng đến năm 7 tuổi mình đã biết, còn được đọc cả bài thơ, đơn giản vì ba mình rất thích bài này. Cạnh nhà mình có bác Thông công an, hình như hồi đó bác làm trưởng hay phó ty công an tỉnh Quảng Bình, cũng rất thích bài này.
   Khi nào hai cụ ngồi với nhau cũng đều nhắc đến Phùng Quán, Trần Dần. Có người thì hai cụ nói tiếng Pháp, vắng người thì các cụ cứ nói oang oang không kiêng dè gì, mặc kệ mình đứng ôm cột nhà hóng chuyện. Ba mình nói anh đem bài này giáo dục chiến sĩ công an là tốt lắm, bác Thông gật gù, nói đúng đúng. Bác Thông nói anh đem bài này vào sách giáo khoa dạy con nít cũng rất tốt, ba mình gật gù, nói đúng đúng.
    Ba mình nhìn bác Thông cười cười, nói nếu trên bảo bắt Phùng Quán, anh có bắt không. Bác Thông cười cái hậc, nói tôi chấp hành nhưng trước khi chấp hành tôi sẽ phản đối. Rồi bác thở dài, nói tôi chỉ làm được có thế thôi, khó lắm khó lắm.
     Đó là vài câu tiếng Việt mình nghe được, nhớ đến giờ. Còn thì hai cụ toàn nói tiếng Pháp, mình chẳng hiểu gì, chỉ  lâu lâu lại nghe Phùng Quán Phùng Quản. Cái tính tò mò bẩm sinh, mình lục cho được bài thơ Lời mẹ dặn.
     Còn bé chẳng thấy hay gì, chỉ thấy đúng.Yêu ai cứ bảo là yêu/ Ghét ai cứ bảo là ghét/ Dù ai ngon ngọt nuông chiều/ Cũng không nói yêu thành ghét/  Dù ai cầm dao doạ giết/  Cũng không nói ghét thành yêu, giống y chang ba mạ, cô thầy vẫn dạy, có gì đâu nhỉ ?
    Sau này chơi thân với Phùng Quán, mình có kể cho anh nghe chuyện ấy, anh xuýt xoa tấm tắc khen bác Thông, nói công an mà như thế thì quá tuyệt vời. Khi đó anh mới kể bí mật mà anh đeo đuổi chẵn ba chục năm vì bài thơ này.
    Nghĩ cũng hay hay, bài thơ như một chân lý hiển nhiên ấy lại làm cho thời đó xôn xao, đi đâu cũng thì thào thì thầm, như vừa phát hiện gì ghê gớm lắm. Tất nhiên bài thơ bị qui chụp là biểu tượng hai mặt, là mưu đồ đen tối của lực lượng thù địch. Từ Bích Hoàng tương một bài “Vạch thêm những hoạt động đen tối của một số kẻ cầm đầu trong nhóm Nhân văn-Giai phẩm”  in trên Văn nghệ Quân dội số 5 ( 5/1958). Nghe thất kinh.
    Anh Quán nói thực ra mình viết chống tham ô lãng phí với Lờì mẹ dặn như những góp ý với Đảng thôi, vì mình nghĩ mình là chiến sĩ, mình không dám nói thật cho Đảng biết thì ai nói. Cho nên mới có câu này Trung ương Đảng ơi! /Lũ chuột mặt người chưa hết/ Đảng cần lập những đội quân trừ diệt/ Có tôi/ Đi trong hàng ngũ tiên phong! là mình nghĩ thế thật, khi đó Đảng hô một phát là mình vác súng xung phòng ngay, mưu đồ gì đâu.
    Mình cười khì khì, nói mấy ông cũng dở hơi, nếu có mưu đồ ai lại dại đi nói với Đảng, làm thế hoá ra lộ thiên cơ à. Anh Quán cười cái hậc, nói thủa bé đến giờ mình cũng chẳng thấy lực lượng thù địch nào đi góp ý cho Đảng cả. Nó không chửi Đảng thì thôi, ngu gì lại đi góp ý.
    Chuyện tưởng đến đó là xong, ai dè một tối ở chòi Ngắm sóng, anh rút tiền đưa mình, nói Lập đi mua cho anh chai rượu, anh kể chuyện này hay lắm. Chỉ chai rượu trắng với nhúm lạc rang, hai anh em ngồi gần sáng đêm. Anh Quán kể hồi đó phê phán chỉ trích đánh đấm anh rất nhiều, nhưng đánh đau nhất, độc nhất là bài thơ  Lời mẹ dặn- thật hay không dài 112 câu của Trúc Chi, hình như in báo Nhân dân.
    Mình hỏi Trúc Chi là ai, anh nói từ từ cái đã, rồi anh ngâm nga cả bài thơ, không quên một câu nào, chứng tỏ anh đã đọc đi đọc lại bài thơ này vài trăm lần là ít trong suốt mấy chục năm qua. Hồi này hễ ai bị phê ở báo Nhân dân, dù chỉ nhắc khẽ bóng gió một câu thôi, cũng cầm chắc là đời tàn. Thế mà cả bài thơ 112 câu dài dằng dặc, chụp mũ anh không thiếu một thứ gì.
    Nào là Nó ghét chỗ thầy hiền bạn tốt/Nó yêu nơi gái điếm cao bồi/ Ghét những người đáng yêu của thiên hạ/Yêu những người đáng ghét của muôn người,/ Quen học thói gà đồng mèo mả/ Hoá ra thân chó mái chim mồi…
    Nào là Theo lẽ thường: thì sét đánh không ngã/ Chắc trên đầu có cột thu lôi/ Nếm đường mật lưỡi không biết ngọt/ Chắc ăn tham vị giác hỏng rồi/ Nghề bút giấy đã làm không trọn/ Dùng dao khắc đá cũng  xoàng thôi !…
    Mình nói qui kết tàn bạo thế, anh không bị tù tội là may, cậu Tố Hữu có ba đầu sáu tay cũng đừng hòng giúp cháu. Anh Quán gật gù, nói đúng rồi, cho nên mình có trách Tố Hữu đâu. Đột nhiên anh nhìn thẳng vào mặt mình, nói hơn ba chục năm qua mình chỉ làm một việc là tìm cho ra Trúc Chi là ai.
    Anh Quán  trầm ngâm hồi lâu, uống hết chén rượu, nói sở dĩ mình quyết tìm cho ra Trúc Chi là ai, vì đời mình tan nát cũng chính ông này chứ không ai khác.Tìm để biết ông ta là ai, rứa thôi, ngoài ra không có ý chi hết. Khi đó nhiều người cho mình dại, tìm chẳng để làm gì, nhỡ người ta biết mình đang đi tìm, có khi mình lại thiệt thân.
    Hồi đó cả nước chỉ có mỗi anh Trúc Chi làm thơ ở Hải Phòng, anh là cán bộ tập kêt, thỉnh thoảng lên Hà Nội vẫn gặp Phùng Quán chuyện trò rất vui vẻ. Phùng Quán đã đi tàu về Hải Phòng hỏi cho ra nhẽ. Trúc Chi cười buồn, nói anh nghĩ tôi là hạng người nào lại đi làm mấy trò khốn nạn đó.
    Phùng Quán bế tắc, đôi khi nghi người nọ người kia nhưng tóm lại là không phải. Năm 1989, tình cờ có người bạn gửi cho anh tập thơ Một đôi vần của Trúc Chi do nxb Văn hoá dân tộc Việt Bắc ấn hành, trong đó in nguyên bài thơ Lời mẹ dặn- thật hay không,  lời nói đầu cho biết Trúc Chi đó là Hoàng Văn Hoan.
    Bí mật ba mươi năm đã giải toả, Hoàng Văn Hoan khi đó đã cư trú chinh trị tại Trung quốc. Anh Quán cười cái hậc, nói mình muốn gặp Hoàng Văn Hoan quá nhưng không sao gặp được. Mình nói anh gặp làm cái gì, anh nói để nói một câu, một câu thôi. Mình hỏi câu gì. Anh Quán uống một hơi cán chén, vuốt râu ngâm nga, nói anh Hoan ơi… ai quen học thói gà đồng mèo mả/ ai hoá ra thân chó mái chim mồi…