12 thg 11, 2013

Ngày 12/11/2k13

- Hạ Đình Nguyên: Nhân vụ án Nguyễn Thanh Chấn, nghĩ đến Quốc hội & cuộc ép cung dân tộc

Nội dung bài viết không phản ánh quan điểm của k14vt

Kính viếng Đại Tướng VÕ NGUYÊN GIÁP


 Thứ tư, 16/10/2013 09:32 GMT+7

Phóng viên Mỹ bật khóc khi nói về quốc tang Đại tướng

Gần 20 năm trước, Catherine Karnow được theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên Điện Biên chụp ảnh những cựu chiến binh tưng bừng đón ông. Nay, cô bay nửa vòng trái đất đến Hà Nội, chứng kiến hàng triệu người nghẹn ngào tiễn biệt "anh Văn". 

karnow-5-JPG.jpg
Catherine Karnow trân trọng nâng bức ảnh cô chụp Tướng Giáp năm 1990. Bức ảnh này được nhiều người dân Hà Nội và Quảng Bình in và cầm theo khi đi viếng ông. Ảnh: Trọng Giáp
Bất ngờ nhận tin Tướng Giáp từ trần khi đang chuẩn bị làm lễ tưởng nhớ người cha quá cố, Catherine Karnow không khỏi hụt hẫng, dù biết ngày này rồi cũng sẽ tới. Không chần chừ, nhà báo ảnh của National Geographic tức tốc mua vé máy bay đến Việt Nam vào phút chót.
"Đây là lúc gây cho tôi nhiều nỗi xúc động, khi tất cả dồn vào cùng một thời điểm. Lịch sử mối thân tình giữa tôi và gia đình Tướng Giáp bắt đầu từ cha tôi. Tôi cảm thấy như người trong cuộc khi trải qua cảm giác mất mát của gia đình ông và đất nước, không chỉ vì tình bạn của tôi với họ, mà còn vì tôi cũng vừa mất đi cha mình. Và vì tôi ước cha tôi nghe được chuyện này, ước được chia sẻ cùng cha", cô nói, nước mắt chảy lã chã xuống cằm.
Audio: Catherine nghẹn ngào khi nhớ lại khoảnh khắc biết tin Tướng Giáp mất
Katherine Karnow, nhà báo ảnh của National Geographic, từng là người nước ngoài duy nhất được chụp ảnh Đại tướng lên Điện Biên năm 1994, nhờ sự giới thiệu của cha cô, Stanley Karnow.
Ông Karnow là nhà báo Mỹ viết cuốn sách được xem là tác phẩm toàn diện nhất về chiến tranh Việt Nam, mang tên "Vietnam: A History" (Tạm dịch: Việt Nam: Một lịch sử). Tác phẩm của ông được chuyển thể thành phim tài liệu, và ông từng giành giải Pulitzer. Ông qua đời hồi tháng 1/2013 ở tuổi 87.
Trên chuyến bay về Hà Nội, Catherine thầm nhủ sẽ phải chụp ảnh lễ tang của Đại tướng, không phải để đưa tin, mà vì tâm niệm thôi thúc. Cô muốn được chia sẻ sự mất mát với tư cách một người bạn của gia đình Đại tướng.
Khi chứng kiến đám đông khổng lồ chờ viếng Đại tướng trước nhà tang lễ, cô thốt lên: "Không thể tìm được từ nào để miêu tả. Tôi quá bất ngờ khi thấy hàng nghìn, hàng nghìn người xếp hàng xa ngút tầm mắt".
Từ sáng sớm đến đêm 12/10, một lượng người kỷ lục trong nhiều thập kỷ xếp hàng dọc các con phố Trần Thánh Tông, Pasteur, Hàn Thuyên, Phạm Đình Hổ, Hàng Chuối, Lê Quý Đôn... chờ viếng đám tang "vị tướng vĩ đại của lịch sử Việt Nam". Họ đến từ khắp các địa phương ở miền Bắc, không phân biệt già, trẻ, gái, trai, tầng lớp. 
"Điều đó cho thấy người Việt yêu đất nước của mình đến mức nào, tự hào vì quê hương của mình đến đâu. Điều đó củng cố tinh thần: 'Đây là đất nước của chúng ta. Chúng ta giành độc lập từ tất cả các nước Trung Quốc, Pháp, Mỹ, với một lịch sử chống ngoại xâm lâu dài'. Sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm sống dậy tất cả những cảm xúc đó trong lòng mọi người", Catherine chia sẻ. Đoạn, cô xin lỗi vì không kiềm chế được cảm xúc. 
vo-nguyen-giap-karnow.jpg
Một bức ảnh đẹp về Tướng Giáp do Catherine Karnow chụp trong căn nhà số 30 Hoàng Diệu, Hà Nội. Cô đã rất vất vả để tìm được vị trí chụp ảnh chân dung ưng ý, nhưng cuối cùng cũng tìm thấy một nguồn sáng từ cửa sổ chiếu xuống cầu thang. Dựa trên cách ví von của người Pháp, so sánh ông với "ngọn núi lửa phủ tuyết", Catherine chọn vị trí ánh sáng chiếu vào mái đầu bạc và đôi mắt vị tướng. Ảnh: Catherine Karnow
Đến Việt Nam nhiều lần trong suốt hơn hai chục năm, nữ nhiếp ảnh gia cảm thấy vài năm gần đây, có những thái độ khác nhau trong tầng lớp thanh niên Việt. Cô tin rằng có khoảng 60 triệu người sinh ra sau chiến tranh, với những mối quan tâm khác như cơm áo gạo tiền, gia đình, sự nghiệp. Trong khi đó, 30 triệu người còn lại sinh ra trước chiến tranh là một nhóm người khác. Bởi vậy, cô hạnh phúc khi thấy trong sự kiện Tướng Giáp mất, tất cả mọi người đoàn kết lại.
"Đất nước bạn cần điều này. Thế hệ trẻ cần phải cảm thấy một phần của lịch sử chứ không chỉ những khoảnh khắc hiện tại. Những bộ phim tài liệu, những câu chuyện bất tận về Đại tướng, về Điện Biên Phủ chưa đủ. Đây là lúc những người trẻ trải nghiệm để hiểu chính lịch sử của họ", cô nói.
Theo đoàn gia quyến Đại tướng về Quảng Bình, Catherine gặp không ít khó khăn khi tác nghiệp, bởi cô không ngờ dòng người đổ ra đường đón ông về quê đông đến vậy, và cũng không hiểu các thủ tục tang lễ Việt Nam. Nhưng điều bất ngờ nhất đối với cô có lẽ là khi trông thấy vô số người cầm những bức chân dung Tướng Giáp do chính cô từng chụp. "Catherine! Chị có thấy rất rất nhiều người cầm bức ảnh chị chụp không?", một thành viên gia đình Tướng Giáp hỏi.
"Quả vậy, thật không tưởng đối với tôi, nhất là khi đây là vùng nông thôn", Catherine nói với vẻ tự hào. Tuy nhiên, cô cũng khiêm tốn cho rằng có hàng trăm bức ảnh đẹp về Tướng Giáp, có thể chỉ đơn giản vì bức của cô là tấm duy nhất người dân tiếp cận được. 
catherine-dai-tuong.jpg
Đoàn tiêu binh đưa linh cữu Đại tướng về nơi an nghỉ cuối cùng ở Quảng Bình. Ảnh: Catherine Karnow
Sau một tuần trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, con gái nhà báo Stanley Karnow hôm nay lên máy bay trở về Mỹ, với hành lý là 16 chiếc thẻ nhớ, chứa tổng cộng khoảng 5.000 bức ảnh.
Nữ nhiếp ảnh gia dự định in một số bức gửi gia đình Đại Tướng, và đưa chúng vào cuốn sách ảnh về Việt Nam mà cô ấp ủ từ rất lâu. Cô kể lại rằng vào ngày 29/1, từ thành phố Hồ Chí Minh, cô gọi điện thoại về Mỹ để hỏi thăm cha, nói rằng cô muốn ông viết lời giới thiệu cho cuốn sách ảnh của mình. 
"Cha sẽ làm tất cả những gì con muốn", Stanley Karnow nói. Ông qua đời trong giấc ngủ vài giờ sau đó. 
"Tôi ước chúng tôi đã hoàn thành lời giới thiệu cho cuốn sách", giọng Catherine chùng xuống lẫn vào tiếng nhạc đang văng vẳng trong quán cafe bên Nhà hát Lớn. Hà Nội đang trải qua những ngày cuối thu, lá vàng rợp bay trong gió. 
Trọng Giáp

Anh Võ, anh Văn trong lòng Hồ Cương Quyết

"Tôi lúng túng như một chú bé con. Trước mặt tôi là cả một tượng đài của lịch sử thế giới, tác giả trứ danh của cuốn sách nhỏ mà tôi từng ôm ấp trong phòng biệt giam Chí Hòa", André Menras Hồ Cương Quyết, kể về lần đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

[Caption]Đại tướng Võ Nguyên Giáp, phu nhân Đặng Bích Hà và André Menras trong buổi gặp ngày 2-2-2009. Ảnh: Lê Văn Hải.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, phu nhân Đặng Bích Hà và ông André Menras trong buổi gặp ngày 2/2/2009. Ảnh: Lê Văn Hải
Ông Andre Menras Hồ Cương Quyết, người có hai quốc tịch Pháp và Việt Nam, là một người có tình cảm đặc biệt với Việt Nam. Ông là nhân chứng lịch sử trong nhiều giai đoạn cách mạng từ thời chống thực dân Pháp, đến kháng chiến chống Mỹ.
Năm 1972, trong xà lim khám Chí Hòa, bất chấp sự cấm đoán và theo dõi sát sao của cai ngục, chàng trai trẻ Menras đã đọc được những trang sử vinh quang của dân tộc Việt Nam qua cuốn sách "Guerre du peuple, armée du peuple" (Chiến tranh nhân dân, quân đội nhân dân) của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
"Tôi cảm nhận rõ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tướng Giáp và các đồng chí của họ và người dân Việt Nam thống nhất một lòng. Lãnh đạo và nhân dân gắn bó với nhau khăng khít, tự nhiên như người ta hít thở khí trời", Menras viết sau khi đọc cuốn sách.
Thần tượng và yêu quý Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ cuốn sách ấy, nhưng mãi 37 năm sau, đầu năm 2009, Menras mới thực hiện được ước mơ tới thăm đại tướng ở nhà riêng của ông ở số 30 Hoàng Diệu, Hà Nội.
Nghe tin Đại tướng qua đời, ông rất xúc động và đã dành những lời viết trân trọng nhất cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một bài báo đăng trên tờ La Marseillaise.
Bài báo có tựa đề "Huyền thoại của thế giới, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không còn nữa". Đoạn giới thiệu của bài viết là những lời trân trọng: "Việt Nam: Vị tướng chiến thắng trận Điện Biên Phủ và đánh bại quân đội Mỹ, người đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì độc lập của đất nước, qua đời ở tuổi 102".
Mở đầu bài báo, tác giả viết: "Một con người nổi tiếng, được tôn trọng và yêu mến nhất Việt Nam, chỉ sau Chủ tịch Hồ Chí Minh, vừa qua đời sau hơn một trăm năm phong ba bão tố và chiến trận.
Ông sinh năm 1911, trong một ngôi làng nhỏ ở tỉnh Quảng Bình (bắc trung bộ Việt Nam), và qua đời tại bệnh viện 108 Hà Nội, nơi mấy năm qua ông đã được chăm sóc đặc biệt.
Là Tổng tư lệnh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, tên tuổi Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ nhiều thập niên qua luôn được nhắc đến như một huyền thoại trong lịch sử đấu tranh và giải phóng dân tộc. Cho tới hơi thở cuối cùng, ông vẫn luôn là một nhà yêu nước và một vị dũng tướng".
Bài báo được chia làm 4 phần: "Anh Võ", "Anh Văn", "Người quyết giữ gìn độc lập" và "Ra đi trong sự thanh thản".
Anh Võ
Họ Võ của ông nghĩa là đấu tranh, cuộc đấu tranh mà ông đã bước chân vào từ khi còn rất nhỏ. Ông ngoại của Đại tướng là người lãnh đạo một nhóm vũ trang nổi dậy chống Pháp. Mỗi khi lính thực dân tiến vào làng, bà ngoại của ông đều vội vã sơ tán mọi người trong gia đình, lúc ấy cậu bé Giáp thường được ngồi vào một trong hai chiếc thúng của đôi quang gánh trên vai bà.
Năm 16 tuổi, ông bị trục xuất khỏi trường Quốc học Huế vì tham gia bãi khóa để ủng hộ một học sinh bị đuổi học vì hoạt động chống thực dân. Sau đó, ông bước vào cuộc đấu tranh yêu nước và gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Ông bị bắt vào tháng 10/1930.
Sau khi được tự do, ông giảng dạy môn lịch sử tại một trường ở Hà Nội đồng thời học tập để lấy bằng về luật và kinh tế. Nhưng cuộc đấu tranh chống thực dân đã khiến ông không có một phút giây ngưng nghỉ.
Tuy không được học trong trường lớp quân sự nào, nhưng ông đã sớm tìm thấy con đường cách mạng của mình. Ngay từ năm 1944, ông đã đứng đầu đội "Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân", một nhóm nhỏ những người nông dân nghèo có vũ khí đơn sơ, nhưng mang một sứ mệnh khó tin, được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó, đó là nổi dậy đấu tranh vũ trang chống lại sự chiếm đóng của quân đội Nhật và mục tiêu xa hơn là đánh bại chế độ thực dân Pháp.
Trong suốt quá trình hoạt động với những thành tích và sự hy sinh to lớn, đội quân nhỏ bé ngày nào đã trở thành Quân đội nhân dân Việt Nam, lực lượng quân sự và chính trị quan trọng quyết định thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 và khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa. Võ Nguyên Giáp là vị tướng đứng đầu đội quân này khi ông 37 tuổi. Sau đó, ông cùng đội quân của mình tiếp tục làm nên chiến thắng  Điện Biên Phủ năm 1954, mang đến thất bại nặng nề cho quân đội viễn chinh Pháp.
Nhưng đến lúc đó, Việt Nam và vị tướng này vẫn chưa có giây phút yên bình. Đế quốc Mỹ đã thế chân Pháp, sử dụng tất cả sức mạnh quân sự và ý muốn hủy diệt, thực hiện chiến tranh phá hoại từ Bắc vào Nam.
Với sự kết hợp giữa quân đội chính quy và quân du kích, lực lượng Việt Minh đã đi suốt con đường dài gian khổ, đầy máu và nước mắt cho tới ngày 30/4/1975. Đó là ngày thắng lợi hoàn toàn, giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước, sau "Chiến dịch Hồ Chí Minh".
Trong suốt những thập niên đó, tướng Giáp được coi là chiến lược gia tài giỏi và nổi tiếng nhất. Người ta đã công nhận chiến lược chiến tranh nhân dân của ông là cơn ác mộng với chủ nghĩa đế quốc quân sự lớn nhất thế giới. Sau chiến thắng đó, ông giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng đến năm 1977.
Anh Văn
"Tôi là Võ, 'người chiến sĩ', nhưng tôi cũng là Văn, nghĩa là 'con người, một học giả', vì tôi yêu Con Người (viết hoa), tôi yêu những người lính anh em của mình".
Văn, đó là tên gọi thân mật mà những người đồng đội, những người cùng xả thân cho cuộc đời cách mạng, dành cho ông. "Những quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời tổng tư lệnh của tôi là khi biết mình phải 'kéo pháo ra', chuyển từ chiến lược 'đánh nhanh thắng nhanh' sang chiến lược 'đánh chắc tiến chắc'ở Điện Biên Phủ", Đại tướng từng nói.
Bảo vệ lực lượng, bảo vệ người lính của mình, đó là mối quan tâm thường trực của ông: "Một chiến thắng lớn nhất là chiến thắng có được với số người phải hy sinh nhỏ nhất".
Văn cũng có nghĩa là văn hóa, là nhân văn. Chính vì tướng Giáp đã duy trì được những mối liên hệ máu thịt với nhân dân và đất nước mình, nên ông đã có thể dắt dẫn thành công cuộc chiến gian khổ đó. Suy cho cùng, tướng Giáp chưa bao giờ tiến hành chiến tranh vì chiến tranh, mà vì quyền được sống của nhân dân mình.
Ra đi trong sự thanh thản
Năm 2001, nhân kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, khi báo Le Monde đặt tựa bài báo phỏng vấn ông là "Chiến thắng của tôi", vị tướng già tỏ ra rất buồn và thốt lên: "Điện Biên Phủ, đó là chiến thắng của nhân dân chúng tôi!". Bởi như Đại tướng đã nói, trí tuệ chiến lược của ông hẳn sẽ chẳng thể nào bộc lộ nếu không có sự ủng hộ và hy sinh của nhân dân.
Từ thủ đô Hà Nội đến thành phố Hồ Chí Minh, chỉ cần nói chuyện về ông với bất kỳ người dân nào trên đường phố là có thể biết được tấm lòng yêu mến vô hạn của nhân dân Việt Nam đối với Đại tướng, người đã luôn tôn trọng và bảo vệ họ.
Đối với nhân dân, ông là một người anh lớn, một người ông đáng kính, một biểu tượng tinh thần che chở cho mọi người, người học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, niềm tự hào của nhân dân. Và điều này có lẽ là chiến thắng lớn nhất trong tất cả các trận đánh vẻ vang của ông: giành trọn được trái tim của những người thuộc thế hệ của mình và mãi tồn tại trong trái tim các thế hệ tiếp theo, để rồi ra đi trong sự thanh thản.
Nguyễn Nhàn (lược trích)