22 thg 10, 2012

Làng tôi - 2

Gõ đại bởi honngv, 10/2012

Chưa kịp ‘hồi sinh’ sau cải cách ruộng đất, và vừa mới thực hiện khẩu hiệu “Chia ruộng đất cho dân cày” chưa trọn 2 năm (1954 - 1956), cái khẩu hiệu mà vì nó bao máu xương mất mát, bao tiền của dân làng đóng góp cho cách mạng, hòn đất chưa kịp trở mình, cái cây chưa quen hơi đất, dân làng tôi lại bị ‘tước’ sạch ruộng đất để xung vào cái gọi là Hợp tác xã nông nghiệp (HTX), theo mô hình của Liên Xô (CCCP – các chú cứ phá).

Bố mẹ tôi chần chừ, chẳng vào HTX ngay. Nhưng sau 1 năm bị ‘làm fiền’, cấm đoán đủ thứ, năm 1957 các Cụ buộc fải trở thành xã viên HTX. Trong cái dở có ‘cái may’, nhờ vào HTX mà hôm nay tôi mới ngồi đây mổ cò bài này mong được gửi tới các bạn một vài dấu ấn thời thơ ấu mà tôi còn nhớ. Trong khi đó ông bạn cạnh nhà tôi, học cùng nhau từ cấp I, cấp II, cùng tự quấn tai nghe Galen rồi chăng sợi dây làm angten để nghe đài tiếng nói Việt Nam, (lúc ấy là oách lắm vì chưa có đài, chưa có loa công cộng), lên cấp III chính quyền không cho học tiếp vì gia đình không vào HTX. Bực mình, quyết kg chịu thua chị kém em, nhất là khi tôi vào đại học, lão nói không thể ‘kém’ tôi nên lão tìm đường đi tàu vosco, giàu ú ụ, nhà cao cửa rộng, ô tô đen bóng lúc bấy giờ là kinh lắm, con cái thành đạt, mua đất tậu nhà cho con cái ở ngay TP Hải Phòng, lại còn giúp bà con láng giềng lúc cơ hàn. Giờ tôi về quê, thỉnh thoảng vẫn ngồi nhờ ô tô của lão, oai như cóc tía! Đúng là Trời có mắt.

Tuy còn nhỏ, tôi vẫn vừa học vừa làm. HTX chấp nhận vì nhà tôi neo người, bố mẹ tôi đã yếu. Thế là mùa nào việc nấy, từ đắp bờ vùng bờ thuở (lại theo kiểu CCCP), đến tất cả công việc đồng áng: cày bừa, tát nước, gánh fân, nhổ cỏ, gặt hái… làm tất. Làm cả ngày, ghi sổ được 5 hay 6 điểm. 10 điểm bằng 1 công. Mỗi công đến mùa được chia vài lạng thóc tươi. Chả khác ăn xin!

Mỗi thôn trong làng có 1 đến 2 sân lát gạch hay vôi rộng, gọi là ‘sân hợp tác’ hay ‘sân kho’, vì nó gắn liền với 1 vài gian nhà nhỏ làm nơi chứa thóc của Đội sản xuất, gọi tắt là ‘đội’. Mùa gặt, ban ngày gặt lúa ngoài đồng, gánh tất về sân kho. Tối đập lúa bằng 1 cái néo, đập vào đít cái cối đá kê nghiêng thành 1 vòng tròn rộng. Những đêm trăng sáng mà đập lúa sân kho cũng vui. Thanh niên kể cả các cô các bác trong Đội cứ 2 người đập 1 cối, vừa đập lúa vừa tán khoác như Trạng hoặc nhằm quăng lượm rơm vào người mình trêu, mặc dù mệt thấy ông bà ông vải. Gõ đến đây lại nhớ cái bài gì ấy của thằng ‘Trời đánh Thánh vật’ PhọtPhẹt. Ai đời nó lại nói nó hay nhìn trời qua háng người đàn bà. Kinh. Nó thì nói xạo thôi. Nhưng tôi vẫn cảm thông và fục nó, vì trong những đêm đập lúa ấy tôi đã không ít hơn 1 vài lần vô tình nhòm Trăng qua háng 1 bà cô, có thấy mẹ gì đâu. Đúng thằng Phẹt chỉ nói fét! Giờ bà cô còn sống và đã lên chức cụ. Con gái bà mang tên 1 thứ mà chị em đều thích, có đống con. Cô giống mẹ, thời trẻ cực ngon. hehe…

Sau khi đập lúa đến khuya thường 1 số con trai ngủ ngay tại sân kho. Có bọn lớn hơn tôi vài tuổi chơi bời hay tán gái đâu đó cũng về đây ngủ, vì lúc ấy chưa có điện, rúc trong nhà tranh lụp xụp nóng như lò gạch. Chúng thường kể chuyện gái gú trước khi ngáy, kể cả chuyện mô tả chị H con bà N (người trong làng) giỏi làm chuyện ấy thế nào. Chúng còn cuộc nhau, giờ này mà ra rặng chuối bờ đầm làng Oi thế nào cũng tóm được chị H đang hành sự. Chúng kể đến tỷ mỷ làm tôi tuy chưa hiểu mấy mà người như hâm hấp sốt! Hội này nay tôi về quê thỉnh thoảng vẫn gặp, có người uống rượu như nước lã, có người đã mất.

Mùa thu hoạch khoai lang, tôi ghét nhất việc thái và fơi khoai. Ấy là vì đang tuổi ăn tuổi ngủ, lại ban ngày làm đã mệt, 4 giờ sáng bà thím đã đánh thức bắt ra sân kho quét để giành lấy 1 khoảng sân, nếu kg muốn khoai bị thối. Phải tranh nhau sân fơi vì bấy giờ đại đa số các nhà trong làng chỉ có sân đất. Sau đó về ngồi chàng háng thái khoai bằng 1 dụng cụ bán chuyên nghiệp gọi là ‘cầu thái khoai’. Củ khoai sau khi đã được rửa sạch vỏ, bị cái cần gỗ giật mạnh, ép vào hàng lưỡi cắt dạng răng lược, những miếng khoai hình con chì oằn mình chui ra. Fần vì còn bé, fần vì ngủ gật nên nhiều lần tôi tự thái tay mình.

Các bạn thử tưởng tượng, 1 mình bé như củ khoai, mỗi rạng sáng ngồi trước 1 đống khoai lang to hơn cái bàn để máy tính thời nay, vỏ bám đầy đất mà rửa cho hết từng củ 1 bằng bối rác, xong lại thái rồi đem fơi sẽ thấy sự ngao ngán của tôi đến mức nào! Cả tháng liền như thế.

Cạnh làng tôi là làng Đò, (cô bạn đồng môn ở “Một thời để nhớ” người làng này). Khoai làng Đò bấy giờ ngon nổi tiếng. Chả thế mà trong dân gian (ít nhất là ở quê tôi) vẫn tồn tại câu: “Khoai làng Đò, giò Hà Nội”. Có lẽ vì đất làng này fa cát. Nồi khoai luộc vừa sôi đã tỏa mùi thơm nưng nức, đặc mùi thôn quê. Loại khoai chuột (to bàng con chuột) có vỏ màu vàng nhạt vừa bở vừa thơm. Cắn 1 miếng gần như tan ngay trong miệng, na ná giống Bánh Đậu Xanh Hải Dương bây giờ, tất nhiên nhạt vị ngọt hơn. Những trưa hè oi ả, đi bắt cua ngoi về, da đen xạm, ngồi fệt dưới bóng mát của bụi tre, chờ từng cơn gió mà húp bát cháo khoai thấy quá đã. Nay khoai làng Đò không còn nữa vì đất làng Đò đã biến chất, bạc mầu bởi trăm loại hóa chất của thuốc trừ sâu, diệt cỏ.

Khoai lang sau khi fơi kiệt nước cho vào thùng bọc lá chuối khô để dành. Nếu đem giã nhỏ, rây mịn, nặn thành những chiếc bánh như bánh bao, rồi đem hấp hay luộc chín. Để nguội ăn nó quanh quánh, dai dai, ngọt thơm, ngon cực.

Tôi thích nhất vụ mùa vào khoảng tháng 10 (âm lịch) đi bừa ruộng ải. Dế đủ các cỡ các loại trú ngụ trong đất ải bị bừa vỡ tơi ra bơi loằng ngoằng trên mặt nước bị các chú chim (tên quên rồi) lao mình xuống đớp. Bọn nhỏ chúng tôi làm những chiếc bẫy, hai cánh bằng tre, nối sẵn 1 vòng dây thòng lọng, bị kéo cong lại và được giữ chặt bởi 1 cái cá. Trên đầu cái cá buộc 1 chú dế sống. Khi chú chim xấu số mổ dế, cái cá bị tuột, 2 cánh bẫy bung mạnh ra như 2 cánh cung, kéo vòng dây thít chặt cổ chú chim. Bọn nhỏ đặt bẫy xong ngồi chờ ở đầu bờ trong khi người trâu vẫn bừa dưới ruộng, mỗi khi có 1 chú chim sa bẫy lại hò reo vang cả cánh đồng.

Vào cỡ tháng ba, vụ chiêm, (ngày ấy chưa có vụ xuân), sau những trận mưa đầu mùa: “Lúa chiêm ngấp ngé đầu bờ/ hễ nghe tiếng sấm mở cờ mà lên”, cả cánh đồng tuyền màu xanh, uốn lượn như sóng theo chiều gió, trông thật bắt mắt. Cứ mỗi trận mưa to nước tràn lênh láng, không khí mát rượi, trong lành. Chúng tôi, kể cả bọn con gái trong làng đội mưa, dùng cái rổ tre hứng ngang dòng nước chảy, trên fủ ít lá rong rêu để cá trong rổ không nhảy ra được, gọi là đơm tràn. Rất vui. Cá tôm đơm tràn có vị ngon riêng, không giống tôm cá khác, thường kho nhạt với quả chay, chén vã ngon tận tới dạ dầy.

Mưa rào tháng 5 tháng 6, châu chấu rất nhiều. Bọn tôi mình trần, quần đùi, không mũ nón chạy khắp cánh đồng đuổi bắt châu chấu, bỏ vào cái chai đạy nút bằng vài cọng rạ. Về thả vào nước nóng, vặt cánh, vặt chân, vặt đầu, rút ruột, xào lá chanh, thơm lừng cả làng.

Mùa hè, vào những ngày có gió, chiều mát bọn tôi thường chơi hoặc tham gia thả diều với các anh các chú quanh xóm. Lăng xăng giữ dây, chỉnh lèo, rồi rong diều vui như hội. Tiếng sáo diều vi vu cả làng đều nghe rõ. Đêm nghe tiếng sáo diều ngủ lúc nào kg biết.
….
Bọn trẻ nông thôn ngày ấy, mùa nào việc nấy, trò chơi ấy, thú vui ấy. Tất mọi trò đều là vừa chơi lại như vừa làm vừa học. Và đặc biệt nó gắn liền với bờ tre, cánh đồng, dòng sông, giếng nước, lúa, trâu, cây cỏ… Có lẽ chính vì thế mà tình yêu quê, nỗi khắc khoải với quê của bọn tôi khác xa bọn trẻ bây giờ.


NHỚ QUÊ

Lâu không về lòng ta lại nhớ
Mảnh đất quê hương bao vết chân trần
Nhớ ruộng lúa nuôi ta từ tấm 
Nhớ dòng sông gội rửa những nhọc nhằn.

Lâu không về lòng ta lại nhớ
Đường đống quê hương che chở vạn
                                                   Linh hồn.
Nén nhang thắp giữa đất trời gió lộng
Tiếng sấm vang rền
                        Vọng sáng
                                    Bóng Tiền nhân…

                                                      11- 8 – 2004


Quê hương tuổi thơ tôi - Mỹ Tâm – MP3