24 thg 7, 2013

Cháy nhà mà mặt chuột chưa....chịu...... ra - "Chuột" này có truyền thống gian dối và ẩn náu hàng mấy chục năm nay rùi

Vụ Chủ tịch quận Hoàng Mai điều chỉnh lý lịch: Đợi “đáp án” của Ban Tổ chức Thành ủy

(Dân trí) - Ông Nguyễn Mạnh Hoàng, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai đã xác nhận việc điều chỉnh lý lịch trẻ hơn tuổi tự khai ứng cử HĐND nhiệm kỳ 2011 - 2016. Nhưng đến lúc này Quận ủy Hoàng Mai và Ban Tổ chức Thành ủy vẫn giữ “bí mật” các quyết định điều chỉnh.
 >>  Hà Nội: Sự thật việc Chủ tịch quận Hoàng Mai điều chỉnh lý lịch
 >>  Đừng tưởng con số không thể hiện nhân cách
 >>  Cậu cầu thủ U13 và vị Phó Bí thư tỉnh ủy Hải Dương

 
 
Để làm rõ nội dung đơn tố cáo của công dân quận Hoàng Mai về việc ông Nguyễn Mạnh Hoàng, Phó Bí thư Quận ủy - Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai nhiệm kỳ 2011 - 2016 điều chỉnh lý lịch từ sinh ngày 7/2/1954 thành sinh ngày 7/2/1955. Ngày 17/7/2013 PV Dân trí cũng đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Mạnh Hoàng, nhưng ông Hoàng từ chối trả lời về các điều kiện để được điều chỉnh lý lịch.
Đến ngày 23/7/2013, PV Dân trí tiếp tục có buổi làm việc với ông Nguyễn Đức Vinh, Phó Bí thư thường trực Quận ủy Hoàng Mai liên quan đến việc điều chỉnh lý lịch của ông Nguyễn Mạnh Hoàng.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Đức Vinh, Phó Bí thư thường trực Quận ủy Hoàng Mai cho biết, ngày 17/4/2013, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái đã ký và ban hành Quyết định số 3006 của Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội về việc điều chỉnh độ tuổi của ông Nguyễn Mạnh Hoàng, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai nhiệm kỳ 2011 - 2016.
Ngày 22/4/2013, Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội về Quận ủy Hoàng Mai công bố Quyết định số 3006 về việc điều chỉnh độ tuổi đối với ông Hoàng. Toàn bộ quá trình thẩm định, thực hiện các thủ tục điều chỉnh đều các cơ quan chức năng thực hiện và tham mưu cho Thành ủy, Quận ủy Hoàng Mai chỉ có nhiệm vụ củng cố hồ sơ và thi hành.
Theo lời ông Nguyễn Đức Vinh, căn cứ vào thông tin báo Dân trí phản ánh, ngày 22/7/2013, Thường vụ Quận ủy Hoàng Mai đã họp về vấn đề này, bởi nhiều dư luận đặt câu hỏi về việc khai man hồ sơ của ông Nguyễn Mạnh Hoàng. Trong buổi làm việc, ông Nguyễn Mạnh Hoàng giải thích, lúc đang học cấp 3 (THPT) ông Hoàng tình nguyện đi bộ đội nên được cấp bằng cấp 3 đặc cách sớm.
Việc điều chỉnh lý lịch do ông Nguyễn Mạnh Hoàng tự đề đạt nguyện vọng lên Ban Tổ chức Thành ủy. Dựa trên đề đạt, các cơ quan chức năng đã tiến thành thủ tục kiểm tra, tham mưu cho Ban Tổ chức Thành ủy ra Quyết định điều chỉnh độ tuổi cho ông Nguyễn Mạnh Hoàng. Căn cứ nội dung Quyết định số 3006, ông Nguyễn Mạnh Hoàng đủ điều kiện công tác đến năm 2015 theo quy định nhà nước.
Dù đã tiết lộ số Quyết định của Thành ủy Hà Nội về việc điều chỉnh độ tuổi của ông Nguyễn Mạnh Hoàng, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Vinh, Phó Bí thư thường trực Quận ủy Hoàng Mai vẫn từ chối công bố cho PV Dân trí Quyết định số 3006 với lý do không đủ thẩm quyền, dù 1 bản Quyết định số 3006 đang ở trong tay bà Nghiêm, Trưởng Ban Tổ chức Quận ủy Hoàng Mai. Giống như UBND quận Hoàng Mai, ông Nguyễn Đức Vinh tiếp tục giới thiệu PV Dân trí lên Ban Tổ chức Thành ủy liên hệ làm việc, bởi chỉ có Ban Tổ chức Thành ủy mới đủ thẩm quyền công bố.
Liên quan đến vụ việc này, sau khi trao đổi với ông Trần Đình Cảnh, Chánh Văn phòng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội, ngày 17/7/2013, báo Dân trí đã có công văn số 94/BBĐ - 2013 gửi Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội đề nghị cung cấp Quyết định và những tài liệu liên quan đến việc điều chỉnh lý lịch của ông Nguyễn Mạnh Hoàng, Chủ Tịch UBND quận Hoàng Mai.
Chiều ngày 23/7/2013, PV Dân trí đã quay lại Ban tổ chức Thành ủy nhưng chưa nhận được lịch làm việc cụ thể.
Tại sao ông Nguyễn Mạnh Hoàng, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai đề đạt nguyện vọng điều chỉnh lý lịch vào năm 2013? Quy trình thực hiện việc điều chỉnh lý lịch có đúng với quy định của Đảng và nhà nước không? Dư luận cả nước đang chờ đợi Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội đưa ra câu trả lời thấu đáo trong thời gian sớm nhất.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên sau khi làm việc với Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội.
Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương - Vũ Thúy

Loa loa loa! Tin mới đây: các nhà khoa học VN đã lập được kỷ lục mới đây, loa loa loa

Thứ Tư, 24/07/2013 - 07:12

Nhà thơ Trần Đăng Khoa ngủ một đêm thấy mình thành “dân gian”

(Dân trí) - Câu chuyện có thật một trăm phần trăm. Và các thầy phù thủy hóa kiếp cho nhà thơ Trần Đăng Khoa là các giáo sư tiến sĩ được cho là học giả của nước mình.

(Đi đánh Thần Hạn- Họa sĩ Trương Qua vẽ năm 1970)
("Đi đánh Thần Hạn"- Họa sĩ Trương Qua vẽ năm 1970)
 
 
Cụ thể, Chính phủ tài trợ việc nghiên cứu và xuất bản bộ Tự điển “Type” Truyện dân gian Việt Nam và đã được Nhà xuất bản Lao động ấn hành cuối năm 2012. Đây là một công trình khoa học của Viện Văn học, do Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thị Huế làm chủ biên, cùng các cộng sự là nhóm tác giả: Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Thị An, Tiến sĩ Nguyễn Huy Bình, Thạc sĩ Đặng Thị Thu Hà, Tiến sĩ Nguyễn Thị Nguyệt và Tiến sĩ Bùi Thị Thiên Thai.

Xin lưu ý rằng, tiền Chính phủ là tiền của dân, chi phí cho một công trình khoa học rất lớn như bộ tự điển này không phải là nhỏ. Nhưng chất lượng của nó thế nào, có xứng đáng với đồng tiền bát gạo của dân không, có đáng tin cậy về mặt khoa học không? Xin hãy xem đây.

Trong tự điển này, xuất hiện trường ca “Đi đánh thần hạn” của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Và các nhà khoa học thực hiện cuốn sách này đã can đảm cho rằng, đây là sáng tác tập thể dân gian xuất hiện ở tỉnh Bạc Liêu và được phổ biến rất nhiều ở các tỉnh phía Nam.

Trong lúc đó, Thần đồng Trần Đăng Khoa viết trường ca này năm 11 tuổi, đăng trên báo Văn Nghệ số tháng 9.1970. Theo nhà thơ, tác phẩm này tái bản hơn 30 lần. Nhưng không biết các nhà nghiên cứu đã “nghiên cứu” kiểu gì mà cho rằng “Đi đánh thần hạn” là văn học dân gian tỉnh Bạc Liêu.

Một tác phẩm của một tác giả thời hiện đại, sống sờ sờ ra đó, tác phẩm được in rõ rành rành ra đó, không phải  một lần mà hơn ba chục lần, vậy mà các nhà nghiên cứu không biết, không hay, vơ bừa vào tự điển gọi là “Type” truyện dân gian Việt Nam.

Không cần nghiên cứu gì cho ghê gớm, chỉ cần gõ vào google thì tức khắc “Đi đánh thần hạn” sẽ xuất hiện một loạt kèm theo cái tên tác giả Trần Đăng Khoa, viết năm 1970. Không biết các giáo sư, phó giáo sư tiến sĩ thuộc nhóm biên soạn đã làm gì mà quên mất một động tác “nghiên cứu” trẻ con cũng làm được, đó là hỏi “Mr. Google”.

Thôi rồi, mới chỉ mỗi câu chuyện các nhà nghiên cứu biến Trần Đăng Khoa bằng xương bằng thịt thành “dân gian” cũng đã đủ đánh đổ hoàn toàn bộ tự điển đồ sộ này. Thật khó có thể tin cậy được những gì viết trong đó một khi đã bị phát hiện một sự cẩu thả không thể chấp nhận được như vừa chứng minh trên.

Lại một đống tiền của dân bị vứt vào sọt rác. Nghiên cứu khoa học chẳng ra hồn cũng là một sự lãng phí rất lớn.


Lê Chân Nhân

Thượng cấp VN nghe báo cáo...và nhận xét... rồi đưa ra quyết định... bắt toàn dân thực hiện...

Lấy thúng úp voi

(Dân trí) - Lấy thúng (báo cáo sai) để úp voi (giấu đi thực tế), quả không chỉ là một việc làm không tưởng mà còn nguy hại ở chỗ báo cáo sai chỉ được có một điều, đó là sau này ngay cả khi nói đúng cũng chẳng còn ai tin nữa.
 >>  “Đất đai không có… tiêu cực! Đồ Sơn không có… mại dâm!?”

 (Minh họa: Ngọc Diệp)
  (Minh họa: Ngọc Diệp)
 
Rất đỗi ngạc nhiên khi  thấy tại phiên “điều trần” về phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng của các cơ quan hành chính nhà nước do Ủy ban Tư pháp Quốc hội tổ chức ngày 18/7, hai ngành tài nguyên môi trường và công tác cán bộ báo cáo trong ngành không có vi phạm, Blog Dân trí liền đăng bài “Đất đai không có… tiêu cực! Đồ Sơn không có… mại dâm!?” và được bạn đọc khắp nơi gửi phản hồi về Tòa soạn bầy tỏ chính kiến của mình.

Không tin vào báo cáo:

“Sao lại nói không có tham nhũng trong đất đai?  Đúng là một điều không tưởng.” - Phùng Ngọc Quang

“Tin vào những kết luận này chẳng khác nào mang thóc giống ra xay trong khi đó ruộng vẫn bỏ hoang để thả trâu, bò...!” - Tuan Gio

Vì những  thực tế diễn ra hàng ngày làm dân bức xúc đã là bằng cớ  bác bỏ sự thiếu trung thực trong nội dung báo cáo:

”Là một công chức đã từng tham gia công tác trong lĩnh vực nội vụ và tài nguyên và môi trường tôi thấy tiêu cực, tham nhũng diễn ra phổ biến và nó đã trở thành việc tất nhiên trong xã hội. Cứ xuống địa phương tôi mà xem đất đai, khoáng sản được chia nhau xẻ thịt hết, còn con em tốt nghiệp đại học nếu không có vài chục, thậm trí cả trăm triệu thì đừng có mơ vào làm công tác tại các cơ quan nhà nước...” - Minh Tuấn

“Tôi lấy ví dụ ở quê tôi. Tôi là một giáo viên đã cống hiến gần mười năm ở miền núi. Vậy mà tôi muốn xin chuyển về huyện nhà, người ta bảo hết gần 200 triệu. Uả. Là một người giáo viên như bọn tôi làm đến lúc nào để đủ số tiền đây mà xin việc. Vậy là đành ngậm ngùi ở lại vậy. Chồng con ở  xa. Một thân một mình. Một tháng mới được về thăm chồng con.” - dao thi huong

“…  Tôi có một cô vợ vừa thi công chức xong, cô ấy bảo ở trong phòng toàn quay thôi anh ah, thế là tôi bảo chết rồi.....tôi mới chạy thồng thộc về nhà và hỏi các bác cũng làm cán bộ các bác ấy bảo thời nào rồi mà còn tự thi, tốt nhất tìm chỗ mà chạy khoảng 200.000.000 gì đấy. Tôi mong các lãnh đạo làm hết sức mình trong công việc thì mới ổn được còn không thế này thì hỏng hết thế hệ sau này mất. tôi cảm ơn báo dân trí đã đăng bài này.” -  nguyễn văn hiệu

            “Đất đai không có sai phạm ư? Sai phạm về đất đai là vấn đề bức xúc và nhức nhối nhất trong vòng 2 năm trở lại đây, mà giờ lại có người báo cáo lên cấp trên là ĐẤT ĐAI KHÔNG CÓ SAI PHẠM, quả là phục sát đất! Tôi không hiểu Bộ Tài Nguyên Môi Trường làm việc kiểu gì mà lại có những tình trạng như hiện nay. Ngay cả đến 1 xã vùng sâu vùng xa như xã tôi còn vừa có vụ tranh chấp đất đai gây nhức nhối lòng dân đến giờ vẫn chưa giải quyết xong, vậy mà.....” - Đặng Hiền

Hơn thế nữa, báo cáo của bên Thanh tra Chính phủ cũng có nội dung đồng nhất với thực tế mà dân bức xúc

”Đây là báo cáo của Thanh tra Chính phủ ngày 18/7:"Lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản, Thanh tra đánh giá mức độ tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp diễn ra trong việc quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, định giá đất; cấp phép khai thác tài nguyên khoáng sản… Một số đối tượng đã nhũng nhiễu để vụ lợi, lập khống hồ sơ hoặc khai tăng diện tích đất đền bù, không tổ chức đấu giá đất, hợp thức hóa cho việc mua bán dự án..." – phavi

Trước chuyện rành rành như vậy mà vẫn cứ nói lấy được là không có, đã gây cười cho mọi người:
 
Ha ha ha! Sướng thật. Đất đai và xin việc không mất tiền. Đúng là báo cáo kiểu Đồ Sơn, Quất Lâm...” - langgiang

            “Các bác vui tính thật, thích đùa… nói dzậy mà hổng phải dzậy.” - Công Danh

”Đây đúng là đề tài hay cho những nhà văn hiện thực trào phúng thế kỷ 21 phát huy rồi...” - lê hải

”Vũ Trọng Phụng mà giờ còn sống thì viết được khối tác phẩm hay gấp trăm lần Số đỏ...” - liangqing_yue

Nguyễn Công Hoan có sống lại cũng phải nghiêng bút trước báo cáo của 2 Bộ này” - quangbui

Và bạn đọc tự hỏi: Vậy chả lẽ chẳng có ai tin rằng báo cáo của 2 Bộ trên là  trung thực:

“Có Lãnh đạo của 2 ngành này tin, vì không tin sao duyệt cho ban hành báo cáo.” - trần như mạnh

            “Vấn đề chính là vẫn có người tin các bản báo cáo loại này. Bao giờ báo cáo sai phải bị xử lý vì tội nói sai sự thật, tội bao che thì đất nước chúng ta mới phát triển tốt được.” - Pham Tien

Một số bạn đọc nêu ra  những nguyên nhân  2 Bộ này báo cáo sai sự thực :

Đấy là hậu quả của bệnh thành tích lâu nay thấm vào không ít cán bộ có chức có quyền của chúng ta nhưng chẳng thấy ai bị làm sao cả. Tôi xin hiến kế , sau hậu kiểm tra Đồ Sơn, Quất Lâm vẫn có mại dâm hay ngành nào đó, địa phương nào đó báo cáo Trung ương không có tham nhũng ,tiêu cực nhưng thực tế lại khác với báo cáo kể trên, Trung ương hãy xử lý kỷ luật người đứng đầu ở đó xem có ai dám thích bệnh thành tích hoặc quan liêu báo cáo sai sự thật xem nào?” - phamngoctrienblc

            “Những từ ngừ này đọc nhiều thành quen như 1 bài thơ muôn thuở vậy. Không dám nhận sai, không dám nhận khuyết điểm về mình chỉ biết cái hay cái tốt đưa lên còn cái xấu xa thì đậy kín. Không chịu nhận khuyến điểm để sửa sai thì đất nước còn những bài thơ như thế dài dài.” - Quang Thế  

“Đọc bài báo mà thấy 2 Bộ vô trách nhiệm với nhân dân quá...” - Lê Văn Duy

            “Theo tôi thấy, mấy Bộ ngành này báo cáo trong sạch thì có thể mắc 3 tội, đó là : Tham nhũng,bỏ bê kiểm tra phát hiện và bao che...” - Le quang

Rồi cảnh báo:

            ”Sẽ còn nhiều báo cáo tương tự như thế nữa nếu không xử lý rốt ráo kiểu báo cáo Đồ Sơn, Quất Lâm không có gái mại dâm. Đã đến lúc phải báo động về chất lượng báo cáo của các cấp, các ngành.” - hungtini2003

Có vẻ sắp có một tính từ mới được ra đời :"báo cáo kiểu Đồ Sơn , Quất Lâm"- đinh thắng

Báo cáo của 2 ngành này có thể dùng cụm từ "quan liêu, thiếu trách nhiệm" - datho_74

            “Nhiều sai phạm , tiêu cực đã bị xử lý mà báo cáo nêu không có. Không biết những báo cáo kiểu này trước khi công bố có ai thẩm định không? Chả lẽ từ nay đừng nghe báo cáo, hãy xem việc làm ...” - phavi

”Theo tôi báo kiểu này phải quy định kèm theo cam kết: Nếu báo cáo sai thì chịu mọi hình thức kỷ luật, có chức quyền thì buộc thôi chức. Cam kết này mà được đưa vào thực tế thì có bói cũng không ra kiểu báo cáo như vậy.” - Đỗ Văn Cường

Và kiến nghị:

Người dân chúng tôi mong rằng những bài báo như thế này sẽ được các vị lãnh đạo đọc, tiếp thu và sửa chữa cho dân được nhờ! tiêu cực trong việc chạy công chức và liên quan đến đất đai giờ là truyện thường ngày, lan tới xã và xóm rồi ...” -  tuan

Rõ ràng, chuyện chạy chức chạy quyền và tham nhũng đất đai diễn ra hàng ngày, ở khắp mọi nơi, mà bạn đọc Viết Thu đã than: “có lẽ từ nhà quê đến thành thị không ai mà không biết (không nhà ai chưa từng trải qua) việc có cán bộ công quyền tham nhũng, chạy chức chạy quyền...” mà  2 Bộ trong  báo cáo vẫn khăng khăng bảo ngành mình không có chuyện đó, thì chẳng khác gì lấy thúng (báo cáo sai) để  úp voi (giấu đi thực tế), quả không chỉ là một việc làm không tưởng mà còn nguy hại ở chỗ báo cáo sai chỉ được có một điều, đó là sau này ngay cả khi nói đúng cũng chẳng còn ai tin nữa.
 
Nguyễn Đoàn (tổng hợp)