Thứ Tư, 24/07/2013 - 07:12
Nhà thơ Trần Đăng Khoa ngủ một đêm thấy mình thành “dân gian”
(Dân trí) - Câu chuyện có thật một trăm phần trăm. Và
các thầy phù thủy hóa kiếp cho nhà thơ Trần Đăng Khoa là các giáo sư
tiến sĩ được cho là học giả của nước mình.
("Đi đánh Thần Hạn"- Họa sĩ Trương Qua vẽ năm 1970)
Cụ thể, Chính phủ tài trợ việc nghiên cứu và xuất bản bộ Tự điển “Type” Truyện dân gian Việt Nam và đã được Nhà
xuất bản Lao động ấn hành cuối năm 2012. Đây là một công trình khoa học
của Viện Văn học, do Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thị Huế làm chủ biên,
cùng các cộng sự là nhóm tác giả: Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Thị An, Tiến
sĩ Nguyễn Huy Bình, Thạc sĩ Đặng Thị Thu Hà, Tiến sĩ Nguyễn Thị Nguyệt
và Tiến sĩ Bùi Thị Thiên Thai.
Xin lưu ý rằng, tiền
Chính phủ là tiền của dân, chi phí cho một công trình khoa học rất lớn
như bộ tự điển này không phải là nhỏ. Nhưng chất lượng của nó thế nào,
có xứng đáng với đồng tiền bát gạo của dân không, có đáng tin cậy về mặt
khoa học không? Xin hãy xem đây.
Trong tự điển này, xuất
hiện trường ca “Đi đánh thần hạn” của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Và các
nhà khoa học thực hiện cuốn sách này đã can đảm cho rằng, đây là sáng
tác tập thể dân gian xuất hiện ở tỉnh Bạc Liêu và được phổ biến rất
nhiều ở các tỉnh phía Nam.
Trong lúc đó, Thần đồng
Trần Đăng Khoa viết trường ca này năm 11 tuổi, đăng trên báo Văn Nghệ
số tháng 9.1970. Theo nhà thơ, tác phẩm này tái bản hơn 30 lần. Nhưng
không biết các nhà nghiên cứu đã “nghiên cứu” kiểu gì mà cho rằng “Đi
đánh thần hạn” là văn học dân gian tỉnh Bạc Liêu.
Một tác phẩm của một tác giả thời hiện đại, sống sờ sờ ra đó, tác phẩm được in rõ rành rành ra đó, không phải một
lần mà hơn ba chục lần, vậy mà các nhà nghiên cứu không biết, không
hay, vơ bừa vào tự điển gọi là “Type” truyện dân gian Việt Nam.
Không cần nghiên cứu gì
cho ghê gớm, chỉ cần gõ vào google thì tức khắc “Đi đánh thần hạn” sẽ
xuất hiện một loạt kèm theo cái tên tác giả Trần Đăng Khoa, viết năm
1970. Không biết các giáo sư, phó giáo sư tiến sĩ thuộc nhóm biên soạn
đã làm gì mà quên mất một động tác “nghiên cứu” trẻ con cũng làm được,
đó là hỏi “Mr. Google”.
Thôi rồi, mới chỉ mỗi
câu chuyện các nhà nghiên cứu biến Trần Đăng Khoa bằng xương bằng thịt
thành “dân gian” cũng đã đủ đánh đổ hoàn toàn bộ tự điển đồ sộ này. Thật
khó có thể tin cậy được những gì viết trong đó một khi đã bị phát hiện
một sự cẩu thả không thể chấp nhận được như vừa chứng minh trên.
Lại một đống tiền của dân bị vứt vào sọt rác. Nghiên cứu khoa học chẳng ra hồn cũng là một sự lãng phí rất lớn.
Lê Chân Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét