5 thg 8, 2013

Ký ức của Nguyến Thành Sự - 8

Ra lại Quảng Trị 
       Về đơn vị tôi lại nghe nói, ở ngoài Động Tranh vẫn đang chiến đấu ác liệt, thậm chí có lúc đơn vị pháo 37 phải hạ nòng xuống nhằm thẳng quân địch để bắn. DK 75 cũng phải hạ nòng nhắm bắn thẳng. Về hậu cứ tôi cũng không còn thấy các anh lính phun lửa đâu nữa, chắc họ đã chuyển đi. Về hậu cứ, thong thả, tôi đề nghị Thể cắt trọc đầu cho tôi để tránh chấy. Vài ngày sau khi chúng tôi từ trận địa về thì có lệnh toàn trung đội rút ra Quảng Trị. Vào khoảng trước ngày 20 tháng  8 năm 1972, trung đội tôi tiến hành rút quân. Sáng hôm đó chúng tôi nấu cơm ăn no và đổ đầy bao tượng gạo, khoảng 8 giờ sáng chúng tôi bắt đầu hành quân. Đường hành quân lại ra đường 12 đi ngược về phía tây.
          Thế là chào tạm biệt Sư 324, chào tạm biệt chiến trường Tây nam Huế. Chào tạm biệt các đơn vị hoả lực đã đồng hành, đồng cam, cộng khổ cùng bọn tôi. Bao nhiêu kỷ niệm, gắn bó giữa các đơn vị  bộ binh của sư 324, Cối, DK, 12 ly 7, 14 ly 5, A72 và chúng tôi. Bao nhiêu nỗ lực, bao nhiêu mong muốn, bao nhiêu gian khổ đành bỏ lại phía sau. Cự ly hành quân phải đi cách nhau 15 đến 20 mét mỗi người, và cầm cành cây ngụy trang. Đi trên đường 12 khoảng nửa tiếng chúng tôi rẽ phải đi vào trong rừng. Con đường này khác với các con đường tôi đã đi, đến chiều thì tới một đỉnh núi cao. Chúng tôi nghỉ lại ở đây, tiếng pháo tiếng bom không còn chối chát nữa. Đỉnh núi này có cái hầm thật to.  Phần thùng như một cái nhà lớn, dáng dấp như cái lớp học của tôi hồi cấp 3. nó được lợp tranh đàng hoàng. Hướng nhìn về phía tây. Phóng tầm mắt về hướng đó tôi thấy đại ngàn hiện ra trước mặt. 
          Ngủ qua đêm trên núi, sáng hôm sau chúng tôi lại lên đường. Con đường hôm đó đi dọc bên phải một con sông. Chiều rộng con sông trung bình khoảng 100 mét, có lúc phải lội lên tận thắt lưng, lúc tới đầu gối. Đường hành quân vắng lặng chỉ có mỗi chúng tôi. Nước cứ ẩm ướt dưới đũng quần. Đi cho đến chiều thì hai bên đùi và  bẹn anh Hùng bắt đầu đỏ, vì hai đùi anh ấy khi đi cứ sát vào nhau, hai ống quần cọ sát sau mỗi bước đi. Anh Phượng trung đội trưởng nói anh Hùng đi xuống cuối và cởi quần ra, mặc áo dài phủ xuống  cho khỏi vướng. Thế là anh Hùng cứ thế làm theo mới đi tiếp được. Đêm đó chúng tôi ngủ lại ở một vị trí trên bờ sông. Hôm sau chúng tôi tiếp tục lên đường. Đi ven sông thêm khoảng một buổi nữa thì chúng tôi vượt sông lên bờ đi theo đường rừng. Anh Hùng vẫn làm lính “không quần” cho tới buổi trưa, mới hết bị loét. Đi đến gần chiều thì chúng tôi thấy có một con dốc thoai thoải, có người nói đến A Lưới rồi, đang đi bỗng dưng có tiếng Bung… Bung.. đó là pháo ta kích. Bao nhiêu lâu không thấy tiếng pháo ta, mọi người phấn khởi đứng nhìn nghe ngóng. Nào ngờ khoảng 5 phút sau, chúng tôi đang đi tiếp thì có tiếng rít và tiếng nổ liên hồi. Địch đã phản pháo. Chúng tôi đang đi không có nơi trú ẩn, cứ thể mỗi người tìm được khoảng đất thấp nào thì ép người xuống đó. Pháo địch kích khoảng 20 phút mới ngơi. Cũng may độ tản mạn của pháo địch cao nên chúng tôi thoát nạn. Anh Thành không cho nghỉ và chúng tôi cứ tiếp tục đi. Đến quá chiều vẫn chưa đến vị trí cần nghỉ chân. Chúng tôi đi đến một khe núi thì trời bắt đầu tối. Phía trước chỉ thấy mờ mờ. Đến một đoạn khe phải bước từng bước xuống qua các mỏm đá mới  xuống dưới được, đoạn khe này gần như thẳng đứng. Đến lượt tôi vừa bước tới đầu dốc, tôi bị trượt chân nên cứ thế cả người tuột nhanh xuống phía dưới, tuột đến khoảng sáu bảy mét, thì gặp mô đất bằng khoảng hơn 3 mét vuông thì dừng lại, phia dưới nữa là vực. Tôi thót cả tim, và thật hú vía. lúc này trời đã tối. vì bị cú tụt dốc nên tôi bị rớt xuống cuối đoàn. Đi một đoạn đã tới một con đường, tôi cứ đi theo ánh đèn pin loang loáng phía trước. Khi đã cách chỗ khe tôi vừa tụt xuống khoảng 10 phút thì được lệnh dừng lại. Tôi dừng lại tại khoảnh đất và ở chung với anh Nhi, Tỷ, Hùng, Thanh. Một lúc sau chúng tôi đi lui lại trên đường đã đi tới vị trị của A2 để ăn cơm. Sau đó về vị trí, chúng tôi trải tăng, võng ra đất và lăn ra ngủ, vì đã trải qua một ngày mệt nhọc.  Sáng hôm sau mới mờ sáng tôi tỉnh dậy để tới chỗ anh Thành.  Nhưng vừa mới mở mắt thì thấy bên cạnh chỗ chúng tôi là bờ vực cao đến ba bốn chục mét, dưới là suối đá, con đường đi tối hôm trước thật chênh vênh trên triền vực, nếu tối đó chỉ đi trệch một tý thì sẽ tan xác dưới suối đá kia, tôi rùng mình rợn cả tóc gáy. Chúng tôi lại tập trung chỗ A2 để ăn cơm, khoảng đất chỗ này tương đối rộng vì nó thụt vào trong. Trên đường hành quân anh Thành không cho ăn no, một mặt để tiết kiệm gạo, một mặt để tránh nặng bụng khó đi. Cho đến bây giờ tôi mới nảy ra thắc mắc: Không có người dẫn đường. Không hiểu anh Thành làm thế nào để biết đường mà đưa  bộ đội đi, mà sao thời đó tôi không hỏi anh nhỉ? Không biết anh Nguyễn Khắc Kỳ, anh Loát, anh Duy  có biết lý do không? 
          Chúng tôi tiếp tục lên đường. Thế là trung đội một chúng tôi đã hành quân  sang ngày thứ tư. Đầu tiên chúng tôi vượt qua một ngọn núi và đi xuống. Đi một hồi thì xuống một con đường suối. Tôi nhận ra con đường quen. Đây là con đường tôi đã đi hôm vào. Đó là con suối có những viên sỏi to như trái bưởi ngày nào. Công binh đã mở con suối thành đường để ô tô có thể đi. Sau này tôi hỏi ra mới biết, con đường này là đường 15 N nó bắt đầu từ phà Long Đại và vào tới đây. Thật thần kỳ, chỉ có mấy tháng mà công binh đã làm được một con đường cả cũ lẫn mới tới hàng trăm cây số. Ngày hôm đó Loát bắt đầu bị sốt rét. Từ đây lộ trình tới Cốc Bai như tôi đã đi ngày nào. 
       Sau một ngày kể từ lúc chúng tôi đi vào đường 15 N, hôm đó chúng tôi đã đi gần vào đường sống trâu tới Cốc Bai. Anh Loát bắt đầu mệt. Thế là anh Phượng lại phân công tôi đi kèm và dìu Loát, đi được đến đâu thì đến. Tôi giao lại cho anh Duy bảng khiển và đi cùng Loát. Chúng tôi cứ thong thả đi, túc tắc cho đến chiều ngày hôm sau thì đến đỉnh Cốc Bai. Lúc này anh Loát khá mệt, và nói với tôi; Ông thử đi bắn xem có được con chim nào không, tôi thèm thịt quá. Lúc đó cũng đã gần chiều, tôi xách AK đi lùi lại theo con đường đã đi. Ở đây cũng có chim nhưng không lớn, tôi để nấc phát một và đã bắn tới 5 lần mà chẳng trúng con chim nào. Đang thất vọng đi về thì bỗng nhiên thấy trên cành cây khô cách chỗ tôi đứng khoảng 15 mét có con sóc. Tôi từ từ hạ người quý xuống giương súng ngắm, và bóp cò. Không ngờ phát đạn lại trúng con sóc. Tôi tới gốc cây nhặt con sóc lên, nó đã bị trúng đạn  toét cả đầu, con sóc không lớn lắm, thế nhưng cũng đủ cho Loát một bữa. Tôi trở về phấn khởi báo với Loát và lột da, bỏ ruột sóc, nấu cơm. Tôi bỏ muối và hoà tý mì chính với nước cho sóc vào Ăng Gô rang lên, thế là chiều đó Loát đã có món tươi. Chúng tôi ngủ lại đêm trên đỉnh Cốc Bai. Hôm sau hai chúng tôi xuống khỏi Cốc Bai, đi đến trưa mới xuống đến chân núi, rồi đi dọc theo bờ sông đi vào con đường tăng lớn tương đối bằng phẳng. Chúng tôi vừa đi vừa hỏi vị trí Viện quân Y. Đến khoảng mặt trời chếch bóng (khoảng hai rưỡi, ba giờ), chúng tôi đến một cửa cánh rừng, đó là lối đi vào viện. Sau khi rẽ phải vào một con đường nhỏ chúng tôi gặp một trạm kiểm soát của bệnh viện. Ở đây có hai người chốt giữ, chính là cảnh vệ của bệnh viện, tôi trình bày yêu cầu cho anh Loát vào chữa sốt rét, một anh hỏi chúng tôi giấy tờ, tôi thì có, nhưng Loát đã làm mất không còn. Thế là tay cảnh vệ nói: “Chúng tôi tạm giữ anh Loát ở lại để xác minh”, còn tôi anh ta nói: “anh phải ra ngoài chờ”. Tôi và Loát đành phải chấp nhận phương án đó. Tôi lui ra ngoài đường tăng chờ đợi, Không ngờ đầu ngõ đi vào viện lại có một kho hậu cần. Kho này chứa toàn gạo. Gạo chất và xắp xếp như các kho gạo của ta ngoài Bắc. Tôi ngồi nghỉ trước căn hầm của người giữ kho, lân la nói chuyện, rồi anh ta nói: “tôi người Kim Bôi Hoà Bình”, tôi nói: “tôi cũng ở Hoà Bình nhưng ở huyện Lương Sơn”. Thế là hai chúng tôi nhận nhau làm đồng hương tỉnh (tôi nói tôi ở Lương Sơn cũng đúng, vì cả nhà tôi vẫn còn ớ đó). Chúng tôi nói tên cho nhau biết. Chiều hôm đó anh thủ kho mời tôi ăn cơm. Đêm đó tôi rải ni lon nằm trên nóc hầm của người thủ kho ngủ để chờ đợi. Sáng hôm sau tôi ngỏ ý với anh lính thủ kho: “đồng hương có bao ni lon gạo cho tôi một cái”, anh thủ kho nói: “Được rồi, tình cờ chúng mình gặp nhau, tôi xin biếu đồng hương một cái”. Khoảng đến gần trưa, tôi quay lại trạm kiểm soát bênh  viện, Người bảo vệ nói: “chúng tôi đã xác minh rồi anh Loát đã được nhập viện điều trị”. (Khi anh Loát đọc đến đoạn này có nói lại cho tôi biết : “viện quân y là trạm phẫu số 14, anh ở đây được 3 ngày thì gặp Phóng trung đội 3 người Lạng Sơn, bị thương, nhưng vài ngày sau Phẫu bị bom B52, Phóng hy sinh, anh Loát bị thương, sau này Loát có vào Quảng Trị tìm mộ Phóng mang trở về quê hương”. Tuy nhiên Loát chưa nói rõ bị thương nặng nhẹ thế nào vì 10 ngày sau, Loát đã cùng hầm với tôi trên chốt ở La Vang, tôi thấy Loát vẫn khoẻ).  Tôi quay trở lại kho gạo, nói lại sự việc với anh bạn đồng hương. Anh ấy nói: “tối nay có xe vào có gì đồng hương cứ theo xe mà ra cho nhanh, tôi sẽ gửi đồng hương cho lái xe, đừng lo gì cả”. Thật cảm động, hai chúng tôi mới gặp nhau có một ngày, mà tình đồng hương sâu đậm như vậy. Đến bây giờ, anh lính đó có nhớ tên tôi và cuộc gặp mặt bất ngờ đó không, còn tôi, sự việc thì nhớ nhưng tên anh tôi quên mất rồi, và không biết anh có còn sống không. Đến tối tôi hết ngồi lại nằm chờ xe vào.  Đã vào khuya xe mới tới, đó cũng lại là một chiếc xe Zin, sau khi bốc hàng xong đã qua nửa đêm. Xe lại quay ra, tôi được người bạn đồng hương giới thiệu với lái xe và xin cho tôi đi nhờ. Tôi ra sau leo lên đứng trong thùng xe. Có lẽ xe đi trên đường 15 N, đường đất ngoằn ngoèo, trong đêm ánh trăng mờ mờ. tôi đứng lên phía trước bám vào thành xe, khi áp người xuống lúc xe lên dốc, khi thì ngả người ra lúc xe xuống đèo  Đi khoảng gần hai giờ,  xe đi lên cái dốc đứng,  lại có một góc cua, tự nhiên gần lến đến  đỉnh dốc xe lại trụt lui xuống hàng mét, tôi ngoái lại nhìn, trong ánh trăng mờ, nhìn thấy  phía sau là vực sâu. Tôi thót tim, nghĩ dại, nếu xe cứ trụt tí nữa thì sẽ rơi xuống vực. Cũng may xe lại tiếp tục nhấn lên được. Đi môt đoạn nữa lái xe đỗ lại ở khoảng bằng và tôi xuống, nơi đây là đầu con đường tôi phải đi tiếp. tôi đi vào con đường nhỏ và ngồi chờ sáng, vì lúc đó cũng gần sáng rồi. Sáng ra tôi hỏi đường để về nơi đóng quân của trung đội. Bây giờ tôi không nhớ nơi đó tên là gì nữa, chắc là một vị trí ở bờ nam Ba Lòng (không biết các anh Kỳ, Duy,  Loát, Dinh còn nhớ không?). Phải đi đến quá trưa tôi mới tới chân dốc nơi trung đội tôi đóng quân. Tới nơi tôi gặp ngay mấy anh Nhi, Đạo, Tỷ đang xuống suối bắt cua đá, tôi ghé qua chỗ các anh bắt cua xem như thế nào rồi mới đi lên. Phải đi tới đỉnh núi mới tới nơi đơn vị đóng quân. Thế là sau 4 ngày tôi lại gặp lại trung đội. Về đây tôi mới biết nhân ngày 2 tháng 9, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho mỗi chiến sĩ một điếu thuốc Điện Biên, một bánh xà phòng, một viên đường Cu Ba. Ngoài ra còn có đỗ xanh, mỗi trung đội một thùng mỡ thực vật 5 cân. Hôm đấy tôi thấy bên con khe trên đỉnh núi các anh đã ủ đỗ làm giá, lúc tôi về giá đã gần được rồi. Sau khi nhận  được mọi thứ, vì tôi không hút thuốc nên dự định đưa cho Duy, nhưng do bỏ túi áo rồi quên, hôm sau đi lấy gạo mồ hôi ra làm nát bét. Ra Quảng Trị chúng tôi trở về với đại đội, không còn “cô đơn” như khi ở Tây nam Huế. Cảm giác gặp lại anh em trong đại đội làm cho mọi người phấn khởi hơn. Về trung đội được vài hôm, chúng tôi nhận được nhiệm vụ mới. 
         Trung đội chúng tôi được phối thuộc với Sư 304, sư của bác Hoàng Đan. Ra Quảng Trị tôi có thời giờ quan sát xung quanh; qua thực tế tôi thấy đôi tất thật là quan trọng, nó giúp bàn chân bắm chắc lấy dép, nhất là khi xuống suối, lên bờ. Nhưng đôi tất lại mau rách, nhất là những anh to xác như tôi. Tôi để ý thấy không biết có phải Sư 325 hay Sư 312, hoặc 320 lính được trang bị loạị tất tự chế như cái xà cạp của người Tàu, thật chắc chắn, bền bỉ. Còn nữa, tôi lại thấy có Sư đoàn trang bị cho lính cả mặt nạ phòng độc, thế mà chúng tôi chỉ có 2 ống Ete. Lại có một thông tin nữa, Sư 308 đã thử nghiệm cho lính ăn lương khô thay cơm một tháng, mà không ảnh hưởng đến sức khoẻ !. Tôi lại thấy chúng tôi có thể kiếm thêm AK để tự vệ, như các anh ở B2, B3. đã có thêm mấy khẩu AK báng gỗ, và cắt bớt báng cho gọn, như báng gập. 

Đi La Vang 
          Đầu  tháng chín tiểu đội tôi được chuyển đến tại vị trí của bàn đạp nơi trung đội anh Sằn Say Mằn đang ở dưới chân Động Ông Do. Lúc này các trung đội hai và ba đang chiến đấu ở đâu, tôi cũng muốn biết lắm, nhưng chẳng biết hỏi ai.  Vị trí bàn đạp này ngoài B72 còn đơn vị khác cùng ở. Nơi đây có nhiều cây giang ngả xuống lấp xấp, vì vậy anh em ở đây lấy các đọt giang làm măng ăn. Lính anh Mằn mấy ngày này được được  ăn mỡ thoải mái. Vì mỗi trung đội được phát một thùng mỡ 5 cân, thế mà tại đây B2 ở nhà có mấy người. Chắc anh em lâu ngày không có chất béo, nên  chỉ có vài ngày mà thùng mỡ đã gần hết. Ở đây được hai ngày, thì chúng tôi được lệnh xuất kích. Tôi cũng phân vân chẳng biết tiểu đội 2, tiểu đội 3 đi mũi nào (chắc về nghỉ ở hậu cứ đại đội), Tiểu đội tôi phối thuộc với một trung đoàn bộ binh. Anh Thành trực tiếp chỉ huy chúng tôi. Chúng tôi được phát 5 ngày lương khô, gồm cả “Chữ Mù”, “Đại học chữ to”, và vài bánh “701” tổng cộng hơn mười bánh (Có nhiều loại lương khô;  “701”, “702” là của Trung Quốc có chữ Trung Quốc, 702 ăn đậm hơn, ngon hơn, Loại BA70 thì giành cho sĩ quan, nghe nói ngon lắm. Loại của Việt Nam sản xuất có loại không ghi chữ, lính ta gọi là “Chữ Mù”, loại có chữ “LƯƠNG KHÔ” lính ta gọi là “Đại học chữ to”, ngoài ra còn có loại lương khô tuýp giành cho lính đặc công nước).  Vào ngày năm hoặc sáu (tôi không nhớ rõ) tháng 9 năm 1972 chúng tôi được lệnh ra trận. Chiều đó sau khi cơm nước xong, xẩm tối chúng tôi lên đường. Rừng ở đây thấp có nhiều cây nhỏ nên vướng mũ, vướng đầu ruồi súng AK đi rất khó chịu. Chúng tôi đi nối sau một đơn vị bộ binh. Khi bắt đầu tối, anh em bộ binh ai cũng có miếng lân tinh nhỏ gắn phía sau ba lô, người đi sau cứ nhìn ánh lân tinh mà đi theo. Khi đi qua một con suối nhỏ, đường bắt đầu trơn, do nước ở dép người đi trước làm ướt, thế là anh đi sau lãnh đủ, người đó lại là tôi, tôi bị trượt và cái dép của tôi bị tuột và cứ thế “leo” lên tận bụng chân. Trường hợp này ai mà gặp thì để gỡ dép xuống rất khó chịu, nhẹ thì mất thời gian, nặng thì tuột quai phải xâu lại. Vì tuột dép cũng may không bị tuột quai nên tội bị tụt lại phía sau, ánh lân tinh đã lấp lánh ở phía xa, nên tôi phải hộc hơi chạy mãi mới đuổi kịp. Đi được khoảng hơn một tiếng, chắc lúc đó khoảng hơn 8 giờ tối. Trời không sao, không trăng, ngày nay đối chiếu lại ngày tháng thì tối đó là 1 hoăc 2 tháng tám  âm lịch (năm Quý Tỵ), thảo nào trời đen thui. Chúng tôi đi men theo bờ nam một con sông chắc là sông Thạch Hãn. Đoàn quân dài đi men con đường mòn sát bờ sông, có lúc phải bám vào cây như cây ớt như tôi đã nói hồi đi vào Tây nam Huế. Đến một đoạn chắc cái cây tôi bám người đi trước đã làm rễ của nó gần bật ra, nên đến lượt tôi, vừa cầm để vịn thì cây đứt gốc tôi mất đà rơi tõm xuống sông. Tuy ngay gần bờ mà sông vẫn sâu đến ngập đầu, người và cả ba lô đều bị ướt. Cũng may vì không mang gạo và có bao ni lon gạo anh đồng hương Hoà Bình cho, tôi đã quấn hết mọi thứ vào trong đó, kể cả bảng điều khiển, trừ mấy thứ nếu ướt thì kệ. Tôi phải rướn lên mấy lần mới tới được chỗ cạn và lên bờ. May quá tôi vẫn không bị tụt lại quá xa. Đoàn quân tiếp tục đi và đi qua một vùng, anh em gọi là làng. Mà đúng thật, tôi ngửi thấy mùi lá chanh, hay bưởi gì đó đâu đây. Thật là xúc động, đã bao lâu rồi tôi không có cảm giác mùi vị của làng quê. Đi hết làng chúng tôi lên một quả đồi thấp và được lệnh dừng lại nghỉ. Lúc đó tuy không có trăng nhưng trời sáng mờ mờ, tôi tranh thủ kiểm tra lại đồ đạc, một số bánh lương khô đã bị ngấm nước. Nhất là mấy anh “Chữ Mù”, và “Đại học chữ to”. Đành phải lôi ra ăn. Còn khí tài không việc gì. Chúng tôi ngồi đây đợi khá lâu. Lúc đó có lẽ cũng đã khuya. Tôi  lấy mũ cối làm gối và nằm xuống nghỉ. Cả đoàn quân ai cũng tranh thủ nghỉ. Đột nhiên có một trận mưa rất to  và kéo dài hàng mấy tiếng. Trong cơn thèm ngủ tôi cùng các anh em lính đắp ni lon che mưa, che cho ba lô, và cứ thế ngủ. Chỗ tôi nằm hơi bị trũng nên nước mưa chảy thành rãnh, chảy từ trên đầu chảy xuống, chui qua lưng, xuống dưới chân, thế mà cơn ngủ làm tôi không biết gì hết. Khoảng hai rưỡi sáng, trời hết mưa tôi tỉnh dậy, tuy đắp nilon nhưng quần áo vẫn ướt mèm. Được một lúc chúng tôi có lệnh lên đường, lúc đó khoảng ba giờ rưỡi. Đến tờ mờ sáng thì chúng tôi đã vào một khu ruộng, rồi toàn đơn vị tập kết lên chân một quả đồi thấp. Anh Thành nói chúng tôi bố trí trận địa tại đây, và đi về trung đoàn bộ. Lúc này trời đã hửng sáng, không có hầm hố, thế là chúng tôi phải đào công sự, tôi rút xẻng và làm động tác như được học ngày nào ở Sư 325. Đất ở đây hơi cứng, cơn mưa đêm qua tôi gặp không đi đến đây. Đào được phần đất nào đều đắp về phía trước như kiểu làm công sự chiến đấu của bộ binh. Đào khoảng được 20 phút, bỗng nhiên thấy lính khắp xung quanh ùn ùn rút chạy. Thế là quân của tiểu đội tôi cũng đùng đùng rút theo. Tôi nghe lính tráng kẻ thì nói: thám báo lên, người thì nói địch lên. Nhóm rút lui có khoảng 50 người. Mọi người đều đi về phía  một cái đồi phía tây. Nhóm chúng tôi chỉ đi nhanh chứ không chạy, tôi  vừa đi vừa ngoái lại, chỉ nghe thấy tiếng súng nổ toóc toóc. Rút lui được khoảng nửa cây số, tất cả mọi người đều dừng lại tại một chân đồi cách trận địa trên 500 mét. Đang tần ngần, đứng ngó nghiêng về phía trận địa, đột nhiên địch bắn một quả pháo khói vào vùng chúng tôi đang đứng, thế là địch đã quan sát thấy chúng tôi rồi, mọi người vội vàng tìm các chỗ rãnh nước, các hố , hốc  để nấp. Khoảng 5 phút sau, pháo địch bắn tới. Cũng may pháo bắn không cấp tập, và thưa nếu không chúng tôi đã dính pháo. Pháo ngớt, không có ai bị sao cả. Tại vị trí nấp của tôi, tình cờ tôi gặp một cái dù pháo sáng. Tôi nghĩ ngay, nên lấy để làm chăn, phủ chống muỗi, lấy dây dù làm việc cần thiết, rồi cuộn lại bỏ vào ba lô. Ngớt pháo mọi người lại lục tục trở lại trận địa. Lần này chúng tôi không lập trận địa chỗ lúc nãy nữa mà đưa lên một đỉnh đồi gần đó. Trên đỉnh đồi này đã có sẵn một số hố thám báo. Chúng tôi đào thêm cho đến ngực và khoét ngang tạo hàm ếch cho rộng. Mỗi hố thám báo có thể bố trí được hai đến 3 người. Cả tiểu đội chúng tôi lấy 3 hố. Tôi và Loát cùng ở một hố. Trên trung đoàn cử một trung đội thông tin phục vụ và một đại đội bộ binh bảo vệ chúng tôi, họ đều ở các hố thám báo lẫn lộn và xung quanh chúng tôi. Nói là trung đội nhưng cánh thông tin có 5 người, còn đại đội bộ binh 7 người. Tại vị trí này trận địa bao quát một đoạn đường 1. Ở đây chúng tôi có thể thấy được nhà thờ La Vang lấp ló ở thung lũng vị trí thấp hơn chúng tôi, theo cảm nhận của tôi còn lưu lại đến nay nhà thờ cách chỗ chúng tôi khoảng một cây số. Bây giờ đo trên bản đồ và vị trí theo hình vẽ nó trên một cây số. Và cũng vì cảm nhận là nhà thờ nằm phía sau về bên trái phía chúng tôi quay ra mặt trời nên bây giờ tôi vẽ lại vị trí trận địa như hình dưới. Như vậy là trận địa của chúng tôi cách Thành Cổ khoảng hơn ba cây số. Nơi chiến sự đang diễn ra ác liệt. Ngày nay tại xã Hải Phú có Trung tâm Thánh Mẫu La Vang, hàng năm cứ đến khoảng tháng 7, giáo dân các nơi về làm lễ rất đông. Vì người theo đạo Thiên Chúa truyền rằng vào những ngày này Đức Mẹ có Hiển Thánh, không biết trung tâm này có trùng với nhà thờ La Vang mà chúng tôi thấy thời đó hay không (theo tìm kiếm trên bản đồ, nhà thờ La Vang là vị trí dánh dấu B màu hồng, phù hợp với trí nhớ của tôi, không phải trung tâm Thánh Mẫu La Vang). 
Bản đồ phần Quảng trị ngày nay 


         Đường 1 bản đồ ngày nay vẽ thẳng hơn bản đồ của Nguỵ vẽ trước 1975, đoạn từ Quảng Trị tới Hải Lăng vẽ cong. Hơn nữa bản đồ ngày nay có thêm 1 con đường đi từ Thị xã Quảng Trị tới Hải Lăng song song với đường 1 ở phía đông, con đường này có vẻ khớp với hình trong bản đồ trước 1975, tuy nhiên vị trí trận địa của tiểu đội tôi nếu dựa vào vị tri nhà thờ La Vang và, ngọn đồi như vậy là đúng rồi, vậy nếu đường 1 là đường cũ (đường tỉnh lộ bây giờ), thì trận địa của tôi vẫn bao quát được vì từ trận điạ của tôi tới đó chỉ khoảng trên 2 cây số còn nằm trong tầm bắn của đạn. 
     Ngày đầu chúng tôi ở trên trận địa thấy vắng lặng. Đứng dưới hầm quan sát xung quanh. Lâu lâu lại có tiếng súng toóc toóc rất lạ vọng từ phía nhà thờ, nghe như địch đã tiến gần tới nơi chúng tôi vậy. Có hôm đầu tối, cuối đêm cũng nghe tiếng như vậy. Không biết tiếng kêu đó là của  loại súng gì. Cái trò ăn lương khô nên uống nước nhiều, do vậy chỉ sau một hôm là bi đông của mọi người cạn. Trời không mưa, nên tôi tìm cách đi lấy nước. Quan sát chân đồi trước mặt hướng phía đường một có ruộng nước tôi huy động được vài cái bi đông và lom khom đi xuống dưới. Tôi lấy về được nước, không cần biết có sạch không, nhưng có còn hơn không. Bắt đầu từ ngày thứ ba sau hôm chúng tôi lên chốt này pháo địch bắt đầu kích. Có hôm pháo địch kích cả buổi sáng, có hôm chúng lại kích vào buổi chiều, chúng kích xung quanh khu vực trận địa chúng tôi. Lúc ngơi pháo chúng tôi lại quan sát hết phía nhà thờ lại đến phía đông, cũng âm u chẳng thấy gì. Nếu như sau khi pháo kích địch mà tấn công lên trận địa chúng tôi thì chắc không kịp trở tay mất. Tối đến hai người thay nhau tựa lưng ngồi. Nói thật do ít người và cũng vì có đơn vị bảo vệ nên chúng tôi đỡ việc gác đêm hơn. Tuy nhiên nếu có thực hiện gác cũng rất khó vì những ngày đầu tháng, trời tối như mực, chẳng nhìn thấy gì.  Chúng tôi lại gặp muỗi chui vào hầm như hồi ở Sông Nhùng. Muỗi tràn xuống hầm như trấu, đuổi không xuể. Chịu không nổi, chàng Loát bèn lấy áo cộc tay mang đốt để có khói đuổi muỗi. Nhưng chỉ được một lúc rồi đâu cũng hoàn đấy. Tôi sực nhớ tới cái dù, mang ra đắp che muỗi, nhưng vải dù lại làm cho nóng bức, nên cũng không chịu được lâu. À mà nói chuyện chàng Loát, không biết anh ta ra viện hôm nào, và sao mà anh ta ngưng sốt nhanh thế. Tôi nhớ từ lúc Loát vào viện đến lúc chúng tôi  đi đánh tại La Vang cũng chỉ khoảng chục ngày, hồi đó tôi quên hỏi anh ấy. Cứ như vậy trên điểm chốt này, khi ngơi pháo lại quan sát. Khi pháo địch kích thì tuỳ độ cấp tập mà xử lý. Cho đến ngày thứ 7, đột nhiên pháo địch kích liên hồi từ mờ sáng đến chiều. Khi ngớt tiếng pháo, mặt trời đã xế chiều. Chúng tôi vùng dậy khỏi hầm kiểm tra, thì cách miệng hầm tôi và Loát nửa mét có một hố như cái nón, chắc đó là quả pháo chơm, nổ ngay, nên chúng tôi chỉ nghe tiếng nổ đinh tai, chứ không việc gì. Cũng may địch không bắn quả pháo chụp nào, nếu không với những hố thám báo nhìn thấy trời này chúng tôi sẽ dính đầy mảnh. Tình hình bên đơn vị thông tin, hơi bi đát, không biết có thương vong gì không, nhưng mọi người nói có 3 anh bị mất trí. Ngày hôm đó đúng là một ngày nặng nề. Sang ngày thứ 8 pháo địch có thưa hơn, nhưng tình hình lương đã là một điều đáng lo ngại, trên trận địa này dù có gạo cũng chịu không nấu cơm được, riêng tôi vì số lương khô bị ướt nên đã ăn, về sau phần ăn càng ít hơn. Vậy là chúng tôi đã bắt đầu phải nhịn và giảm lượng ăn để cầm chừng. Chiều hôm đó, khi mặt trời gần khuất bóng và  khi đã không còn tiếng pháo, tôi nói lại với anh em, sẽ xuống phía sau tìm hiểu, trước hết  là tìm lương thực. Tôi đi xuống dưới chân đồi phía sau khoảng trên 50 mét thì gặp đơn vị cối 60, đang đóng dưới chân đồi. Tại đây cây cối cao hơn trên chỗ chúng tôi, có lẽ đất mềm nên anh em cối có đào được hầm đàng hoàng hơn, và có cây che được cả nắng. Sau khi than về việc bị pháo kích, tôi nói với cánh lính cối là: Trung đoàn mà chúng tôi theo phối thuộc không thấy nói gì về tiếp tế cơm cho chúng tôi. Các anh lính cối nói “Ôi trời! đã sáu bảy Trung đoàn vào rồi lại ra. Trung đoàn chúng ta phối thuộc lúc đầu đã rút ra sau vài hôm đến đây rồi”. Họ nói chúng tôi cũng biết trên đỉnh đồi B72 đang chốt trên đó, mấy ngày vừa qua thật vất vả với pháo. Còn cơm thì qua tối một tý, anh nuôi có đưa cơm nắm ra, có gì các ông cứ xuống dưới này đón mà lấy. Trời ơi, những chuyện đại sự thế này mà chúng tôi ở trên kia cách có gần trăm mét mà mù tịt. Tôi chào từ biệt các anh đơn vị cối, lên lại trận địa nói với mọi người tình hình như vậy. Rồi tôi lại đi xuống chân đồi. Lúc này trời đã tối hẳn, mà sao thời gian này, cứ về tối là đen như mực.  Cũng dự định xuống nơi đất trống mà lính cối chỉ, nào ngờ lại đi lệch về phía tay phải, phía đồi này xuống cây có vẻ rậm hơn, nên tôi đi đến đâu thì tạo ra tiêng lạo sạo tới đó, đang bước đi tự nhiên tôi nghe tiếng huýt sáo, tiếng thứ nhất tôi chưa để ý, rồi tiếng thứ hai, trong đầu cũng không nghĩ tiếng sáo đó có ý nghĩa gì, nhưng cũng buột miệng huýt theo. Tự nhiên có tiếng quát: “Ai”, và tiếng lên đạn lạch cạch. Tôi đáp lại : “B72 đây”. Tiếng anh lính vừa quát nói: “Trời, chậm tý nữa là tôi bắn ông rồi”. Tôi hỏi lại :”thế ông ở đơn vị nào”, anh ta đáp :”12 ly 7”. Tôi nói: “định đi xuống phía các ông Cối, nào ngờ tối quá đi trệch sang đây”. Thế ra ở dưới này có mấy đơn vị mà ở trên kia bọn tôi chẳng biết gì cả. Tôi hỏi các anh 12 ly 7 đường về trung đoàn bộ. Sau khi được hướng dẫn tôi đi thẳng xuống con đường mòn. Rẽ phải đi được khoảng gần 400 mét thì quặt vào một cái khe. Khe có nước và bùn đất, rộng khoảng gần 10 mét, tôi lội đến gần đầu gối, hai bên có cây cao quá đầu. Trời đã tối, có thêm cây che nên càng tối hơn. Tôi đi vào khe được khoảng năm chục mét thì gặp anh nuôi đưa cơm ra. Tôi xin 7 nắm, và quên mất không lấy cho các anh em thông tin, và bộ binh. Một mặt nghĩ các anh ấy cũng đã biết cách để lấy cơm từ mấy hôm nay. Mặt khác có lấy thêm tôi cũng không mang nổi. Tôi cởi áo bọc 6 nắm lại, tay cầm một nắm ăn luôn. Vừa cắn được vài miếng thì bỗng nhiên tiếng pháo rít và cấp tập liên tục ngay khu vực  đang đứng. Tôi chỉ còn cách áp sát người xuống và lao vào sát bờ khe. Nắm cơm đang cầm dính đầy bùn đất. Khoảng mười phút pháo mới ngớt và ngưng hẳn. Tôi vẫn tiếc rẻ nắm cơm, nên trong đêm tối cứ áng chừng cạp bỏ phần đất cát, khi cảm thấy không còn bẩn tôi nhai sạch nắm cơm, vì đã đói mấy hôm nay rồi. Tôi hỏi và tìm gặp được anh Thành, đồng thời báo cáo tình hình trận địa những ngày vừa qua, chắc anh Thành cũng đã biết trước được phần nào. Sau khi nghe báo cáo anh Thành bảo tôi đợi một lát. Một lúc sau anh ra gặp tôi nói: “Đêm nay ta sẽ rút khỏi trận địa, cậu về thông báo với anh em chuẩn bị”. Tôi lại lò mò trở lại trận địa và thông báo với cả tiểu đội lệnh của anh Thành. Lần này cũng không kịp chào các anh em thông tin, và đại đội bộ binh đã bảo vệ chúng tôi. Tôi không nhớ rõ ngay lúc đó hay mờ sáng hôm sau chúng tôi mới rút. Chỉ biết rằng  sáng hôm sau chúng tôi đã hành quân với cự ly mỗi người khá xa để rút ra. Khi đi qua quãng đồng hôm nào, tôi thấy đất bị cày xới bốc lên từng khối lớn, trên một khoảng rộng lớn chắc trong thời gian chúng tôi ở trận địa, nơi đây bị bom B52 tàn phá. Sau này đọc lại các tài liệu tôi mới biết: Mỹ đã tăng cường ném bom B52 hỗ trợ cho quân Nguỵ tái chiếm Thành Cổ Quảng Trị. Đi một đoạn nữa tôi lại thấy mộ liệt sĩ đươc đắp lên rất nhiều. Chứng tỏ trong mười ngày qua  đã có những biến động lớn, trong khi chúng tôi ngất ngưởng trên trận địa.
         Tình cờ tôi gặp Dinh và anh Châu chính trị viên. Và từ đây tôi tách khỏi tiểu đội đi với anh Châu. Đến nay tôi quên mất không còn nhớ tại sao tôi lại đi tách ra khỏi tiểu đội và đi với anh Châu (hình như là tôi bắt đầu ngấm mệt, và trong người đã có những dấu hiệu của một cơn ốm). Từ đó tôi không nhớ tiều đội tôi và anh Thành đi về đâu.  Thế là lại một lần nữa tôi không  lập được công, cũng như cầu thủ đá bóng ngày nay: tôi không có duyên làm bàn. Theo Tác phẩm “Khúc Tráng Ca Thành Cổ Quảng Trịcủa tác giả Trần Lê An. Thì Ngày 3 tháng 9 năm 1972, có B72 đi phối thuộc với Trung đoàn 48  320 A  (đi với đại đội 8 tiểu đoàn 2) bắn được 3 xe tăng, ở bắc Thị xã Quảng Trị khu vực làng Hạnh Hoa. Không biết thành tích này của đơn vị nào. 
          Hồi đó các vị trí đóng quân của đại đội tôi có nhiều nơi, nơi thì làm bàn đạp nơi làm hậu cứ. Đấy là theo tôi hiểu, không biêt có đúng không. Tôi nhập đoàn cùng với anh Châu và Dinh, có điều hồi đó tôi lại không thắc mắc, A2 ,A3 không ra trận địa sao Dinh lại đi cùng anh Châu. Không biết bây giờ gặp Dinh và anh Châu liệu các anh còn nhớ không. Ba chúng tôi đi túc tắc đến chiều thì đến một cái hầm hàm ếch có cửa  khoét ngang, hầm thật rộng cả 3 ngủ qua đếm tại đó. Đêm đó tôi ngủ thật ngon. Sáng bảnh mắt anh Châu gọi tôi dậy ăn cơm, cơm các anh đã nấu, đó là một món cơm đặc biệt: cơm đậu xanh. Không biết bây giờ nơi nào có nấu loại cơm này không. Ăn xong, tôi cảm thấy trong người rất uể oải. Ba chúng tôi lại tiếp tục lên đường, trên đường lúc thì tôi vượt lên trước, lúc thì lùi lại sau. Đến khoảng quá trưa, trời nắng hiu hiu, chúng tôi đến một đỉnh dốc cao ven bờ nam sông  Ba Lòng. Nơi đây có thể nhìn xuống phía dưới, cách đồng bằng khoảng gần sáu bảy cây số. Chúng tôi dừng lại nghỉ chân. Tôi thấy một cái thùng dài đã mở nắp trong đó có viên đạn dài trên một mét, buột miệng nói: “đạn gì mà trông như quả bom thế này”. Anh Châu nói Cối 160 đấy; rồi có một anh lính nói quả này dùng khoan hầm ngầm thì sâu đến ba, bốm mét. Bỗng nhiên có tiếng ú.ú,ú ,. Tôi lại hỏi : “loại pháo gì mà nghe lạ thế” (vì lần đầu tiên tôi nghe tiếng này). Anh Châu nói ta bắn H12 đấy. 
          Sau khi nghỉ chúng tôi tiếp tục lển đường. Mới đi được vài chục bước thấy có một anh lính, nhỏ con, chỉ khoác mỗi chiếc ba lô, đi phía sau tôi bắt chuyện, sắc mặt hớt ha hớt hải: tôi hỏi thế anh ở đơn vị nào, anh ta nói: vừa trong Thành Cổ ra, Thành Cổ mất sáng nay rồi, địch đánh rát quá, nhiều lính rút không kịp mang theo vũ khí, tôi hết đạn nên cũng quẳng AK mất rồi. Thế là tôi biết tin Thành Cổ thất thủ do anh lính bộ binh cung cấp, không biết cái tin có đúng thật không. Nhưng đối chiếu với thời gian chúng tôi ra trận địa đến thời điểm đó, và ngày Thành Cổ thất thủ thì có lẽ lời anh lính nói đúng (Ngày Thành Cổ Quảng Trị thất thủ là 16/9/1972).
       Sau này khi đọc lại  Trận Thành cổ Quảng Trịtrên  trang web:

http://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BA%ADn_Th%C3%A0nh_c%E1%BB%95_Qu%E1%BA%A3ng_Tr%E1%BB%8B 
mới thấy rằng đúng như những mô tả của tôi, về tình hình bấy giờ trên trang này có đoạn viết: Theo cuốn Một thời hoa lửa của NXB Trẻ thì từ mồng 10 tháng 9, Quân đội Nhân dân Việt Nam bị thương vong nhiều” . Như vậy là từ 10 tháng 9 sau khi chúng tôi tới trận địa được vài ngày, trong Thành cổ cũng như xung quanh, địch đã tăng cường đánh phá, cả bom và pháo. Vùng chúng tôi chỉ bị pháo kích, mà không thấy địch. Theo như lính Cối 60 đã nói, các trung đoàn vào đây và lại đi ra có lẽ cũng phục vụ cho việc bảo vệ Thành Cổ.  Cả cụm hoả lực Cối, 12 ly 7, và B72 chúng tôi ngồi chờ những ngày qua đều “bị lỡ hẹn”.
        Trang Web này cũng tổng kết thương vong của 2 bên qua 81 ngày đêm: Bên ta có 2 con số  4000 và 10000 bị hy sinh,   địch chết 7756 chết hàng nghìn bị thương. Vừa qua thông tin của anh Phúc C trưởng C3 cho tôi biết rằng: “Qua tổng kết: bộ đội ta hy sinh tại thành cổ khoảng hơn mười nghìn”. Hãy xem trích đoạn trang web mô tả những ngày cuối của 81 ngày đêm, đồng thời cũng là những ngày tôi ở La Vang, cách đó về phía tây nam có mấy cây số như sau (trang web này hình như có cả ý kiến của cả 2 bên): 
          Ngày 4 tháng 9 năm 1972, trung đoàn bộ binh 88 thuộc sư đoàn 308 Quân đội Nhân dân Việt Nam rút khỏi khu Thạch Hãn tây và khu giáp sông ở thôn Ðệ Ngũ-trường Bồ Đề làm sườn phía nam bị hở. Một số thành viên trung đoàn 88 trong đó có trung đoàn phó Phan bị thương tạt vào sở chỉ huy Thành cổ. Quân đội Nhân dân Việt Nam quyết định tổ chức đưa số này vượt sông lũ ra hậu phương. Để đối phó với tình hình quan trọng này, họ sử dụng một bộ phận tiểu đoàn 7, trung đoàn 18 và tiểu đoàn 4, trung đoàn 95 ra chiến đấu thay thế trung đoàn 88 ở khu vực đó để giữ sườn phía nam thị xã.

Ngày 7 tháng 9 năm 1972, Quân lực Việt Nam Cộng hòa tiến công đợt 6, mở đầu bằng đòn tập kích hỏa lực “Phong lôi 2”. Không quân, hải quân Hoa Kỳ, pháo binh Việt Nam Cộng hòa bắn suốt 48 giờ liền vào tất cả các trận địa của Quân đội Nhân dân Việt Nam, tập trung đánh vào khu Thành cổ, các bến vượt sông, đường cơ động lực lượng và vận chuyển. Oanh tạc cơ B-52 rải thảm tả ngạn sông Thạch Hãn, tập trung vào khu Nhan Biều - Ai Tử và các trận địa pháo của đối phương. Tính toàn bộ trong 81 ngày đêm của trận Thành cổ, các lực lượng Mỹ và Việt Nam Cộng hòa đã dội xuống địa điểm thị xã (rộng chưa đầy 3 km²) và vùng lân cận tổng cộng 120.000 tấn bom đạn, trong đó mỗi ngày có từ 70 đến 90 lượt máy bay ném bom B52 tham chiến. "Đây là kế hoạch chi viện hỏa lực cao nhất của Mỹ trong một trận đánh. Tính từ ngày 9 tháng 9 đến ngày 16 tháng 9, Mỹ sử dụng pháo hạm bắn 123.725 viên đại bác vào thị xã (trong đó có 52.573 viên vào Thành cổ); sử dụng 2.244 lần chiếc máy bay ném bom, trong đó có ngày huy động tới 100 lần chiếc máy bay ném bom chiến lược B-52.

Đêm 7 tháng 9, tiểu đoàn 2 trung đoàn 48 Quân đội Nhân dân Việt Nam tập kích khu Hành Hoa, chiếm một số công sự, cải thiện thế phòng thủ ở Tri Bưu. Tiểu đoàn 5 trung đoàn 95 tập kích khu nhà thờ Tin Lành, thương vong một số (tiểu đoàn trưởng đơn vị này cũng chết) nhưng đã chiếm được.

Sáng ngày 9 tháng 9 năm 1972, lữ đoàn 147 và 259 Thủy quân Lục chiến (TQLC) của Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã khởi động cuộc tấn công lớn. Quân VNCH sử dụng Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến gồm hai lữ đoàn chia làm năm mũi, tiến công từ ba hướng vào thị xã. Họ tập trung xe tăng, xe thiết giáp, súng phun lửa để tái chiếm thành cổ. Đồng thời với việc Quân lực Việt Nam Cộng hòa tiến công khu La Vang-Tích Tường-Như Lệ để chặn sư đoàn 308 phản kích từ hướng này, liên đoàn biệt động 1 VNCH cũng tiến công Bích Khê-Nại Cửu để chặn sư đoàn 320 QĐNDVN hoạt động từ bắc sông Vĩnh Ðịnh.

Nhiều trận phản kích ác liệt của bộ đội ở ngay sát chân Thành cổ đã đánh bật nhiều mũi tiến công, như ngày 9 tháng 9, một trung đội lọt vào thành cổ, bị tiểu đoàn địa phương 3 phản kích. Quân lực Việt Nam Cộng hòa buộc phải tháo chạy, để lại 11 xác chết. Cũng ngày hôm đó tại khu Hạnh Hoa, QĐNDVN diệt một đại đội, đánh thiệt hại nặng một đại đội khác thuộc lữ đoàn thủy quân lục chiến 147, bắn cháy 5 xe bọc thép. QĐNDVN mất 13 người, bị thương một số. Sau trận này, Tiểu đoàn bộ binh 2 Trung đoàn 48 được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất.

Tiểu đoàn 4 trung đoàn 95 QĐNDVN chặn đánh 3 tiểu đoàn đối phương ở khu Tin Lành, quyết liệt giành đi giật lại từng công sự. Quân lực Việt Nam Cộng hòa thiệt hại một đại đội, nhưng chiếm được khu Mỹ Tây. QĐNDVN bị thương vong 30, hỏng một cối 82 ly, một súng 12 ly 7, một đại liên, một B-40, một B-41. Đến đêm 9 tháng 9, tiểu đoàn 4 cùng tiểu đoàn 5 trung đoàn 95 QĐNDVN tập kích chiếm lại khu Mỹ Tây, đẩy Quân lực Việt Nam Cộng hòa chạy về nam sông con. Đêm 9 tháng 9, đưa tiểu đoàn địa phương 8 vào Thành sau khi ra ngoài củng cố.

Ngày 10, 11, 12 tháng 9 năm 1972, QLVNCH tiếp tục lấn dũi mạnh từ hướng nam-đông-nam. Nhiều toán nhảy vào thành nhưng đều bị tiêu diệt. Quanh Thành cổ, dưới hào nước, xác chết trương phềnh, mùi hôi thối xông lên nồng nặc.

Ngày 10 tháng 9, QLVNCH lấn dũi có xe tăng chi viện khu Mỹ Tây, Trường Nữ, Trại giam. Tiểu đoàn 4 trung đoàn 95 QĐNDVN đánh trả ác liệt, giữ vững chốt bắn hỏng một xe tăng, hai đại liên, thu một M79 và nhiều lựu đạn, nhưng cũng bị chết 6, bị thương 49. Đêm 10 tháng 9, QĐNDVN cho tiểu đoàn 4 ra ngoài củng cố, dùng tiểu đoàn 5 trung đoàn 95 thay thế, chiến đấu ở tây-nam Thành cổ.

Tính chung trong ngày 10-9, cả ở hướng Nam-Đông Nam, Bắc-Đông Bắc, trên toàn khu vực Thị xã, QĐNDVN diệt hơn 200 binh lính đối phương, bắn cháy 1 xe tăng, nhưng cũng bị thương vong 126 người và để mất khu trại giam và Mỹ Tây. Trong 2 ngày 11 và 12, QĐNDVN diệt hơn 518 binh lính đối phương, nhưng cũng bị thương vong 216 người. Đêm 12, QĐNDVN tăng cường vào Thành Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 48 (201 người) và 70 tân binh cho Tiểu đoàn địa phương 3.

Ngày 13-9-1972, trời mưa to, lũ lớn, hạn chế nhiều đến việc tăng cường lực lượng (quân số, vật chất kỹ thuật cho Thị xã). QLVNCH sau 4 ngày liên tục tiến công lấn dũi, vẫn chưa chiếm được Thành, nhưng 6 tiểu đoàn thuộc 2 lữ đoàn Thủy quân lục chiến đã áp sát ba góc Thành cổ: Nam, Đông Nam, Đông Bắc ]. Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 95 và Tiểu đoàn 7 Trung đoàn 18 chiến đấu quyết liệt, giằng co với đối phương từng khu vực, góc tường, mảnh vườn. Kết quả trong ngày, QĐNDVN diệt 123 lính, bắn cháy 1 xe tăng, bị thương vong 34 chiến sỹ.

23 giờ ngày 13 tháng 9, Bộ Tư lệnh B5 (QĐNDVN) lệnh cho trung đoàn phó trung đoàn 48, và tiếp sau đó vài giờ, vào 1 giờ sáng 14 tháng 9 lệnh cho Đại tá Nguyễn Việt chỉ huy trưởng Thành ra ngay Nhan Biều để cùng sư phó sư đoàn 325 tổ chức lực lượng trung đoàn bộ binh 18 vào phản kích trong thành.

Ngày 14 tháng 9 năm 1972, từ hướng đông-nam, QLVNCH tiến sát khu chùa Bà Năm, khu trại giam, chợ. Từ hướng nam, họ vào khu Mỹ Tây, Trường Nữ. QĐNDVN chống trả quyết liệt, vẫn giữ vững các chốt, nhưng bị thương vong nhiều. Mặt trận B5 điều một đại đội xe tăng đến Nhan Biều để làm công sự cố định bắn chi viện sang Thành nhưng sau đó do khó khăn địa hình nên chưa bố trí được ngay.

4 ngày dùng bộ binh liên tục từ ba hướng tấn công vào, nhưng QLVNCH vẫn không chiếm được thành, họ quay ra củng cố công sự và bao vây thành từ ba phía, đồng thời điều cả xe tăng phun lửa liên tục tấn công vào các chốt của QĐNDVN. Chốt chiến đấu của QĐNDVN có điểm chỉ cách địch 50 m. Ngày 14-9-1972, sau khi dùng xe tăng phun lửa dữ dội vào các chốt phòng thủ, quân VNCH tấn công vào thành. Tiểu đoàn phòng thủ lúc này chỉ còn gần 20 tay súng, quyết tâm thực hiện lời thề danh dự: “K3-Tam Đảo còn, Thành cổ Quảng Trị còn”, với B-40, B-41, lựu đạn, nổ súng đánh trả quyết liệt vào đội hình của TQLC, buộc quân VNCH phải rút chạy. 2 giờ chiều, một toán khác vào thành từ góc đông nam liền bị các tay súng của đại đội 9 QĐNDVN đánh bật ra. Đến 18 giờ, lợi dụng lúc trời chạng vạng tối, từ ba góc, TQLC lại tiếp tục mở đợt tấn công dữ dội vào thành. Được sự chi viện của K8 và các tay súng của trung đoàn 48 Sư đoàn 320, tiểu đoàn đã ngoan cường chiến đấu, đánh bật quân VNCH ra khỏi thành

Sau khi đánh bật đối phương tại khu vực bệnh viện Quân Dân Y Quảng Trị và trường Bồ Đề, Tiểu đoàn 1 Quái Điểu QLVNCH khai triển lực lượng tiến về phía vào khu trung tâm thị xã Quảng Trị. Để tiến vào khu vực này, tiểu đoàn Trâu Điên QLVNCH phải triệt hạ cụm kháng cự của đối phương ở Ty Cảnh Sát Quốc Gia, như thế Tiểu đoàn 1 Quái Điểu đã phải vượt qua con suối với cây cầu bắc ngang đường Trần Hưng Đạo. Binh sĩ VNCH dùng mìn Claymore cột vào những cây tre dài vượt qua suối lúc nửa đêm và bấm nút đã làm bật tung những ổ thượng liên và DKZ của QĐNDVN đặt trong những lô cốt phòng thủ. Tiếp theo đó là những đợt xung phong ồ ạt của TQLC, từng trung đội tràn lên ném lựu đạn vào các cụm công sự chiến đấu của QĐNDVN và chỉ trong thời gian ngắn đã chọc thủng phòng tuyến của đối phương tại đây. Chiếm được khu vực Ty Cảnh Sát Quốc gia, tiểu đoàn Quái Điểu tiến chiếm các vị trí ở quanh Nhà máy điện, trường Nữ Tiểu học, doanh trại Cảnh sát Dã chiến.

Rạng sáng ngày 13 tháng 9/1972, đại đội 5 tiểu đoàn 2 QLVNCH từ ngã tưQuang Trung-Trần Hưng Đạo mở cuộc tấn công vào khu vực chợ Quảng Trị. Trận chiến đã diễn ra quanh khu vực chợ, dọc theo đường Trần Hưng Đạo ra đến bờ sông. Hai bên đã quần thảo nhau quanh các đống bê tông đổ nát mà QĐNDVN đã biến thành các điểm kháng cự. Cuối cùng tiểu đoàn TQLC này đã chiếm được mục tiêu, sau đó khai triển đội hình tiến chiếm khu hành chánh gồm Ty Bưu Điện, Ty Thanh Niên, Ty Ngân khố và tiến sát đến dinh tỉnh trưởng - nơi 1 đại đội của QĐNDVN đang bố trí quân quanh khuôn viên để cố thủ.

Một mũi nhọn khác của tiểu đoàn 2 QLVNCH với đại đội 4 làm nỗ lực chính thanh toán các chốt địch dọc hai bên đường Phan Đình Phùng, sau đó tiến đánh và triệt hạ các chốt bố trí tại cơ quan USOM và Tòa án tỉnh Quảng Trị. Thanh toán được các mục tiêu trọng yếu, đại đội 4 và đại đội 5 của tiểu đoàn 2 QLVNCH đã tấn công vào khu vực tòa Hành chánh tỉnh và Ty Tiểu học vụ Quảng Trị nơi 1 trung đoàn QĐNDVN đặt bộ chỉ huy. Do các chốt bảo vệ xung quanh đã bị TQLC triệt hạ, nên bộ chỉ huy QĐNDVN tại đây đã phải dời ra hướng sông.

4 giờ sáng ngày 15 tháng 9, Lữ đoàn thủy quân lục chiến 258 và 147 tập trung lực lượng tổng công kích từ ba hướng, được chi viện tối đa hỏa lực của không quân, pháo binh, xe tăng, súng phun lửa các loại. Ở hướng Đông của thành cổ, 4 đại đội của tiểu đoàn 3 và tiểu đoàn 6 TQLC đã dàn hàng ngang đồng loạt xung phong tiến về hướng Tây, tập kích sở chỉ huy tiểu đoàn 1 trung đoàn 48 QĐNDVN và chiếm một góc khu đông-bắc Thành cổ. Các chốt của QĐNDVN còn lại tiếp tục chiến đấu trong ngày, mặc dù sức chiến đấu đã giảm, quân số bị thương vong nhiều. Lực lượng tiểu đoàn địa phương 8 tỉnh, tiểu đoàn 3 trung đoàn 48 mới vào cũng đã bị tổn thất nặng. Lực lượng trung đoàn bộ binh 18 vẫn chưa đến được nơi quy định để vượt sông vào Thành cổ.

Trong đêm 15 tháng 9 năm 1972, QĐNDVN đã pháo kích dữ dội vào đội hình của hai tiểu đoàn 3 và 6 TQLC để yểm trợ cho lực lượng đang cố thủ ở đây. Gần rạng sáng, 4 đại đội TQLC nói trên đồng loạt xung phong, những tổ kháng cự của QĐNDVN đã chống trả mạnh nhưng chỉ được nửa giờ sau đó đã bị đánh bật khỏi phòng tuyến.

Cũng trong đêm 15 tháng 9 các chỉ huy của QĐNDVN trong thành nắm lại tình hình, thấy QLVNCH đã chiếm một số góc thành cổ, quân số chiến đấu của họ còn lại chẳng bao nhiêu nên thống nhất ra lệnh rút khỏi thị xã và thành cổ từ 22 giờ ngày 15 tháng 9.

Thứ tự rút, thương binh đi trước, tiếp đến các lực lượng tiểu đoàn ở xe, rồi đến các đơn vị trực thuộc, cuối cùng là sở chỉ huy Thành. Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 48, Tiểu đoàn địa phương 8, đội vệ binh - trinh sát bảo vệ đội hình rút. Ban chỉ huy Trung đoàn hỗn hợp cùng đội vệ binh rút cuối cùng vào nửa đêm 15 rạng ngày 16. Trung đoàn 18 Sư đoàn 325 được lệnh dừng lại, không vượt sông sang phản kích nữa, mà nhanh chóng triển khai lực lượng phòng thủ tả ngạn sông Thạch Hãn, khu vực Nhan Biều - Ái Tử.

Sau 4 tháng 16 ngày (81 ngày đêm) chiếm giữ Cổ Thành và thị xã Quảng Trị, QĐNDVN đã bị đánh bật và tổn thất rất lớn. Riêng trung đoàn Triệu Hải (trung đoàn 27 QĐNDVN) với hơn 1.500 quân cố thủ trong Cổ Thành đã bị thương vong gần như toàn bộ tại trận địa, chỉ còn chưa đến 1 tiểu đội khi rút ra ngoài. Chi tiết về trung đoàn này cũng đã được phóng viên báo Tuổi Trẻ ghi lại theo lời kể của 1 cựu chiến binh (một trong gần 10 người sống sót của trung đoàn này) qua bài ký đăng trong số báo ra ngày 26 tháng 7/1998,.   
         Đây là thông tin trên mạng độ chính xác chưa biết rõ. Nhưng thật là ác liệt, sự ác liệt này sau này tôi nghe nói có đêm một đại đội phải thay 3 lần đại đội trưởng vì các đại đội trưởng trước đã hy sinh. Vậy bộ đội của Sư 308 có mặt ở hướng La Vang Tích tường. Trong khi ở trên trận địa chúng tôi tuy có chú ý hướng đường 1, nhưng cũng thường xuyên quan sát hướng nhà thờ La Vang, thế mà suốt các ngày qua chỉ nghe tiếng tooc toóc ở hướng đó mà không thấy điều gì xuất hiện. Cánh lính Cối 60 nói với tôi chỉ trong gần 10 ngày mà sáu, bảy trung đoàn thay nhau vào ra, vậy họ đánh mũi nào, ở đâu? ở tại La Vang, Tích Tường, hay vào sâu sát Thành Cổ, hay trong Thành Cổ. Hơn nữa anh Thành ở chỗ tôi đã gặp có nhận “bàn giao” giữa các trung đoàn không. Đã gặp anh Châu và chỉ  sau một buổi chúng tôi rút khỏi trận địa, như vậy trung đội 2 cũng ở đâu gần đây những ngày qua và  có lẽ cũng được lệnh rút như chúng tôi. Chắc cả anh Châu cũng có thể nhận bàn giao giữa các trung đoàn. Ngày nay chưa biết địa chỉ của Thành anh Phượng, có nhiều cái định hỏi qua anh Châu nhưng sợ anh lớn tuổi rồi, còn nhớ được điều gì không. Có lẽ những ngôi mộ tôi đã thấy là của các anh em hy sinh từ La Vang, Tích Tường, Thành Cổ được đưa ra đây chăng.
 Năm 2011 anh Bích ở C15 có vào thăm thành phố quê tôi, cho tôi biết, hồi đó C6 (đoàn 672) chúng tôi chuyên đánh cánh tây đường 1, còn C15 chuyên đánh cánh đông đường 1, phía đông đường 1 chắc tăng địch dày lắm. Anh em C15 ở phía đó cũng rất vất vả. 
          Cũng có thể là những ngày qua từ 4/9 đến 16/9 địch đã hoặc hành quân ra vào Thành Cổ về ban đêm, hoặc là địch đã pháo kích liên tục để chúng tôi không thể quan sát được đường 1 trong khi đó chúng hành quân ban ngày, đây là điều hồi đó tôi chưa nghĩ tới. Nếu lúc đó mà nghĩ tới được điều này thì cũng có cách xử lý thôi. Hồi đó tôi lại  không thấy cấp trên gợi ý nhắc nhở nhỉ?. Nếu biết địch có thể có  âm mưu này thì cách khắc phục là làm cái hầm có nắp thật chắc, điều khó nhất là trên các quả đồi trống trải này liệu chúng tôi có tìm được vật liệu để làm nắp không, còn đạn có thể để  ở dưới 1 rãnh nhỏ là được. Có lẽ  cái đêm tôi lên hỏi anh Thành là là đêm có lệnh rút ra khỏi Thành Cổ. Trận Thành Cổ Quảng Trị, có lẽ cũng rung động tới dân miền Nam hồi đó. Ngay ông anh con bác  của tôi lớn hơn tôi bảy tuổi, hồi đó cũng là lính VNCH, biết tôi đã từng ở Quảng Trị năm 1972 trầm trồ có vẻ thán phục tôi lắm, anh ấy nói :“ trong này đứa nào đã ở Quảng Trị thời đó thì được coi là người hùng đó chú”. 

Bị sốt rét ở hậu cứ (Chum Nga) 
           Ba chúng tôi lẳng lặng đi dọc bờ nam Ba Lòng, đến chiều thì tới một lối rẽ vào sâu trong rừng, rồi về tới hậu cứ. Hậu cứ ở đây nằm trên vùng đất gọi là Chum Ngoa.  Đi bộ từ đây ra bờ sông Ba lòng mất khoảng 20 phút (nếu theo đường chim bay chắc khoảng 1 cây số). Thế mà sau đó có mấy năm tôi quên tiệt không nhớ gì cả, Gần đây anh Chu Trọng Cát nhắc lại tôi mới nhớ ra.  Bây giờ tìm vị trí này trên bản đồ tuyệt nhiên chẳng thấy. Tới nay tôi có một mong muốn mà không biết nói với ai: Đó là mong sao các địa phương đã xảy ra chiến tranh hãy lập danh sách các địa danh mà bộ đội ta đã đặt tên, đã bị đổi tên, những vị trí có tên tiếng Anh v.v.., và vị trí của nó có trong chiến tranh để giúp những người đi tìm liệt sĩ, những dấu tích xưa, tham quan du lịch tìm tới nhanh chóng. 
          Ngay tối hôm về tới hậu cứ tôi lên cơn sốt rét. Có lẽ tôi là một trong những anh bị sốt nặng nhất đại đội. Người ta nói anh nào to xác thường bị sốt rất nặng và kéo dài, chắc tôi ở trường hợp đó. Hậu cứ đại đội là một hẻm núi, chúng tôi đóng quân dọc hai bên bờ khe nước nhỏ, đi sâu vào tí nữa là đường lên dốc cao. Và việc bố trí đóng quân cũng chia theo trung đội.  Bếp đại đội nằm sát bên bờ trái con khe, anh nuôi là anh Lý Láo Xì. Có một số anh người dân tộc đều có răng vàng, như Tráng Khái Sài, Lý Láo Xì , Vàng Diu Lìn. Nhưng các anh em dân tộc ở B1 chúng tôi không ai có răng vàng cả. Đầu tiên tôi được xếp vào một căn hầm ở phía trong, vài hôm sau thì về khu vực của trung đội. Nói chung lúc này các tiều đội phần lớn đang ở trận địa hoặc bàn đạp. Tôi về nằm cùng chung hầm với anh Trần Quốc Tuấn, tiểu đội trưởng tiểu đội 3, chúng tôi ở với nhau được một hôm thì anh Tuấn ra trận. Ngờ đâu những ngày đó là lần đầu tiên và cũng là ngày cuối cùng chúng tôi bên nhau trong cùng hầm. Ba ngày sau khi anh Tuấn ra đi toàn đại đội được tin anh hy sinh do trận B52 đánh vào bàn đạp chỗ anh Mằn, nơi tôi đã ở trước khi đi La Vang. Nghe nói trận bom B52 có 5 anh em ở các đơn vị khác nhau hy sinh, mọi người phải đi nhặt từng phần xương thịt anh em lại rồi chia ra 5 phần để chôn cất. Trong trận bom B72 này chúng tôi bị hy sinh 2 người là anh Tường, anh Tuấn.  Vậy là ngày anh Tuấn hy sinh trong khoảng trước và sau 20 tháng 9 năm 1972.  Thế là tiểu đổi 3 chỉ còn anh Dinh và Tráng, Phượng là trắc thủ. Tôi ở lại một mình trong hầm đó cho đến khi đại đội rút quân. Những ngày bị sốt rét ở đây dài lê thê, sức khoẻ của tôi càng ngày càng tệ. Anh Hoàng Văn La, y sĩ đại đội  đã cho tôi uống hết viên sốt rét số 1, rồi số 2 mà vẫn không khỏi. Còn viên số 3 tôi hỏi anh tại sao không cho tôi uống, anh nói để đề phòng tôi có vấn đề gì, nếu không anh cũng phải bó tay. Sau này tôi có nảy ra thắc mắc, ngoài việc uống thuốc, trị sốt rét còn tiêm Quy Nin nữa, mà anh La không tiêm cho tôi, hồi đó tôi cũng không nghĩ ra để hỏi. Ở đại đội còn có anh Sơn ở trung đội 2 là chiến sĩ vệ sinh, nhưng tiêm mông giỏi lắm. Tôi càng ngày càng yếu, nước tiểu sau một đêm có mùi lạ thường. Sáng ra đi đứng không vững 2 tay phải giang ra giữ thăng bằng như trẻ con mới tập đi. Phải định thần hồi lâu, mới đứng vững.  Có hôm muốn ăn cháo, nhưng anh nuôi có lẽ không sành nấu cháo nên tôi ăn như phải cơm nát, mãi rồi chán, đành phải ăn cơm. Thức ăn ở đây cũng chỉ có mấy cây rau rừng, môn thục, rau chua, có thêm được lạc tiên, ăn mãi cũng chán. Sau khi dùng hết xà phòng được phát, đầu tôi lại có chấy lại, không có lược tôi tìm được cái cuộn tóc của phụ nữ chải thế mà vẫn ra chấy. Hàng ngày tôi  cứ ra ngồi ở miệng hầm chẳng làm gì, cứ chiều chiều lại lên cơn sốt. Khi đã lên cơn sốt, thì người ơn ớn, rét run, chân tay rũ rượi. 
         Hình như ở hậu cứ còn ở theo tiểu đội nữa, mình tôi được giành hầm riêng ở phía A3 nên ít gặp được anh em trong tiểu đội. Phía trên hầm tôi là hầm của Phượng, Dinh, anh Thể cũng tới ở đây luôn. Mấy anh này hàng ngày luôn truyện trò, vui vẻ. Lâu lâu Loát lại về, thế là hội lính Ninh Bình lại càng rôm rả hơn. Đến bữa tôi đều nhờ các anh lấy hộ cơm.   Lúc rỗi các anh lại xử ra khắc hình trên các dụng cụ bằng nhôm, vá quần vá áo. Anh Phượng rất khéo tay trong chuyện kim chỉ. Anh ấy sửa quần dài, tự  khâu lấy quần đùi, đột chỉ vá quần. Đường chỉ mạng vá quần rách của anh rất đẹp. Có hôm hứng chí các anh ấy xử ra làm bánh. Các anh ấy lấy gạo ngâm rồi giã, cả buổi sáng, đến trưa thì cho vào xoong nấu. Tôi ngồi nhìn các anh nấu cho đỡ buồn. Nhưng tôi thấy, lâu lâu các anh ấy lại lấy đũa chọc. Bánh chỉ chín bên ngoài, bên trong cứ trắng ệch ra, và sống xì. Tôi nhớ  hồi còn học cấp 3 mạ tôi ở nhà có làm bánh canh, để cho bột chín cả bên trong phải luộc một cục bột to, rồi mang ra nhồi cho phần ngoài và trong trộn với nhau thì sau đó luộc nấu gì mới chín. Thỉnh thoảng các anh nhìn trời cùng nhau đoán hướng bom rơi khi B52 bay qua. Tiếc thay cả các anh  Phượng và Thể, Cứ  giờ đây không còn trên cõi đời nữa.  Có hôm tôi tự xuống bếp lấy cơm hoặc báo cháo. Một hôm khi xuống bếp thấy anh Xì đau bụng và mài thứ gì đen đen để uống, tôi tò mỏ hỏi ; anh Xì nói bị đau bụng và đang mài mật gấu để uống, rồi anh ấy nói miếng mật khô bằng hạt gạo này thôi, tôi mua mất 20 đồng (bằng 4 tháng phụ cấp của binh nhì đấy!), tôi bảo :”Sao đắt thế”, anh ấy nói đây là mật thật, cách thử của nó là bôi ở lòng bàn tay mà liếm trên mu thấy đắng là mật thật, cách thử khác là đánh thử vào tay có máu bầm, bôi mật gấu vào mà nó nóng chỗ bôi và cục máu tan mất là mật thật. Anh Xì còn kể ở vùng miền núi nếu ai bắn được gấu, mà ông Chu Văn Tấn biết sẽ về đề nghị mua bằng được mật (còn thân xác không cần,), ông ấy còn cho thêm 1 khẩu K44 và 10 viên đạn nữa. 
          Ở hậu cứ được khoảng hai tuần (chắc vào khoảng đầu tháng 10 năm 1972), thì một hôm vào buổi chiều hậu cứ đại đội bị bom B52. Trận bom này rơi đúng vào khu hậu cứ. Tiếng nổ đanh đạnh như mọi khi. Hầm tôi rung lên, lúc đó tôi đang lên cơn sốt, nằm quay đầu vào trong. Cái tăng tôi lót dưới nằm, phần ở chỗ miệng hầm rung bần bật như các cô diễn viên múa quạt đang phẩy. Một lúc hết tiếng bom nổ, thì có người kêu thất thanh: “Hầm anh Thành bị sập”. Thế là mọi người chạy sang hầm anh để đào bới cứu anh. Riêng tôi thì chịu không lết nổi cái chân. Có lẽ đến 15 phút sau mọi người mới dỡ nắp và đưa anh Thành ra được. Mọi người nói, sức ép của bom đã dồn 2 chân dàn cột hầm chữ A lại, kẹp sát vào người anh Thành. Cũng may anh Thành không việc gì. Chắc chỉ do sức ép, chứ không phải bom trúng hầm. Ngoài hầm anh Thành bị sập, không ai ở hậu cứ bị sao cả. Thật hú vía, một lúc sau, tôi mới để ý chỗ tăng ở miệng hầm tôi chấn động của không khí do bom đã làm rách toét ra như bị lấy kéo cắt tỉa. 
          Đã vào tháng mười, vùng miền Trung này bắt đầu mùa mưa. Đây là điều lần đầu tôi biết. Vì lâu nay sống trên đất miền Bắc, mưa bão thường vào mùa hè. Mưa về làm ảnh hưởng đến chiến dịch, và các cuộc tấn công của ta. Công tác hậu cần khó khăn hơn. Xe cộ vận chuyển đạn dược, lương thực gặp trở ngại. Một hôm tôi nghe nói, một số anh em trong hậu cứ được cử ra sông Ba Lòng vớt gạo. Do hậu cần thả theo sông từ thượng nguồn xuống. Ở chiến trường mưa xuống nước sông, suối lên cao, lính ta thường tiếp tế bằng cách này cho bộ đội. Trong tháng 10 năm 1972, mưa nhiều,  nghe nói nước sông Ba Lòng, Thạch Hãn lên cao. Chỗ chúng tôi cũng cứ mưa liên miên. Chúng tôi qua Radio nghe tin, khả năng vào cuối tháng 10 năm 1972 sẽ ký hiệp định Paris. Trong lòng tôi mừng thầm, nếu hiệp định được ký, thì đi đến chiến tranh kết thúc, trước hết là tôi mau chóng chữa nhanh được sốt rét. Căn bệnh đã rút hết sinh lực của tôi, chỉ cần một cơn ác tính kéo đến là tôi không còn về gặp lại ba mạ và các em  nữa. Rồi gần hết tháng 10 việc ký hiệp định lại gặp trắc trở do Nguyễn Văn Thiệu không chấp nhận một số điều, mục. Thế là lính ta còn phải gian khổ thêm nhiều. Cho tới thời điểm này bệnh  sốt rét đã giam tôi trong khu hậu cứ hơn một tháng rồi. Đã bị ốm đau, còn phải chịu nỗi day dứt: Không hiểu các anh chỉ huy đơn vị có phiền lòng về tôi không? Nhất là những anh chưa cùng tôi lăn lộn, những ngày qua. Tới thời điểm này trung đội tôi chỉ có tôi và Loát bị sốt. Nhưng anh em cũng đuối lắm rồi, chỉ có mấy tháng chiến trường, tuy không bị đói nhưng thiếu chất, tôi đã một lần bị thiếu B1 rồi, có lẽ anh em cũng vậy. Nhìn Duy vẫn đi đứng ngon lành, nhưng mặt anh bủng ra, má sệ xuống. 

Hành quân ra Quảng Bình 
          Một hôm vào ngày cuối tháng 10 năm 1972, cả đại đội được lệnh  về Chum Ngoa, và anh Điến thông báo đại đội rẽ rút ra Bắc, về Lệ thuỷ Quảng Bình. Đợt lui quân chia thành 2 đoàn, một đoàn thung dung đi trước vài ngày gồm những người bị sốt rét, ốm yếu và người đi hộ tống, sau vài ngày thì cả đại đội mới lên đường. Đoàn thung dung gồm có Hoàng Văn La y sĩ, anh Thành người Nhuận Trạch Lương Sơn ở trung đội 2  bơi giỏi, nhanh nhẹn, Trần Thanh Hải, Nguyễn Thành Sự (hình như cả Vàng Diu Lìn nữa nhưng tôi không nhớ chắc, vì anh Lìn cũng bị sốt rất nặng, mắt vàng, một người to con hơn tôi mà sau khi bị sốt, trông tiều tuỵ lắm). Trong đoàn này chỉ có Trần Thanh Hải là bơi yếu. Riêng tôi tuy biết bơi, nhưng không còn sức nữa. Hôm đó một ngày đầu tháng 11 năm 1972, sau khi cơm nước đoàn thung dung chúng tôi lên đường. Lần này đi tôi không phải mang súng ống gì cả. chỉ tòng teng bao tượng gạo thôi. Mãi xế trưa mới tới bến vượt Ba Lòng. Mức nước sông chỉ cao hơn hôm chúng tôi đi vào một chút, thế mà tôi vất vả mãi mới vượt được, thậm chí còn bị trôi đi một đoạn. Còn Hải phải có người dìu qua. Sau khi qua được bờ, bọn tôi ngồi chờ Thành đang dìu Hải. Một lúc sau anh chàng Thành khi đã lên bờ mới nói: “Tao vứt khẩu B40 rồi, nếu không vứt nó vướng sẽ kéo 2 đứa trôi đi mất”. Ạnh ta  còn nói: Ở đoạn sông này nhiều lính vứt súng ống khi vượt sông lắm. Và còn nói, ở phía trên kia nước sâu, nghe nói có thuồng luồng. Tôi chưa biết thuồng luồng thế nào, nên chỉ nghe vậy và cũng chẳng ai cãi.  Lần vượt Ba Lòng này là lần thứ 3 từ đó đến nay tôi chưa có dịp trở lại đây. Cho đến nay hình ảnh bến vượt đó vẫn còn in trong trí não tôi. Cái bến này đã ghi mãi trong tôi, một bến sông nho nhỏ như bao bến suối, bến sông khác. Nó cũng như bến sông bến suối ngày nào trên đường tôi đi học, chỉ rộng gần một trăm mét mà in hình bao đoàn quân qua đây. Nó ghi nhận các thời khắc vào, ra ác liệt của chúng tôi. 
          Chúng tôi đi tiếp đến chiều tối. Vì đi về phía xa nơi giao chiến nên tiếng bom, pháo cũng vắng lặng hơn. Đúng là đoàn thung dung, chúng tôi có năm, sáu người mà đi kéo dài, như cả đoàn quân. Cứ đi một đoạn nếu ai mệt thì tự nghỉ. Với tôi mỗi lần ngồi nghỉ phải kéo đến nửa giờ. Hôm đầu tôi cố nhấc chân để lê bước, ngày hôm sau quen dần mới đỡ mệt hơn, nhưng cứ về chiều vẫn lên cơn sốt. 
          Đến ngày thứ ba thì chúng tôi tới Cam Lộ. Mấy hôm đi trên núi rừng, hôm nay chúng tôi được đi trên đường bằng sải bước. Tới đây chúng tôi đi lướt qua xóm làng miền Nam thật sự mà bấy lâu cứ nghe nói mà chưa được tới. Sông Cam Lộ tương đối rộng, nước không siết, nhưng không sâu, thế mà chúng tôi lội qua cũng vất vả. Vượt sông Cam lộ xong chúng tôi lại đi trên các con đường rừng núi. Có lẽ đi thế này an toàn hơn. 
          Hơn một ngày sau chúng tôi đã tới suối La La. Lâu nay tôi cứ ngần ngại sợ gọi con suối này tên là La La sẽ bị sai, nhưng giờ kiểm chứng lại, thì đúng là nó tên như vậy. Rồi tôi  lại nhớ tới bài hát “Con suối La La”, lớp 9 chúng tôi đã từng hát trong các buổi biểu diễn văn nghệ của trường năm nào. Thế mà bây giờ tôi đang đứng trước nó. Và  phải nỗ lực lắm chúng tôi mới có thể vượt qua lúc nó đang hung dữ .  Chỗ chúng tôi vượt là một khúc suối rộng chưa đến năm chục mét, nhưng nước chảy siết, nếu không bị mưa lụt nước đoạn này chắc chỉ trên mắt cá chân. Nhưng bây giờ thì nó đang cuồn cuộn chảy với những vòng xoáy ớn lạnh. Ở bờ bên này thì thấy nước chảy êm ả, còn nhìn về phía bờ bên kia, cách bờ khoảng 5 mét trở ra, nước cuồn cuộn chảy siết. Rút kinh nghiệm mấy lần trước nước chảy làm trôi người, lần này chúng tôi đi lui lên chỗ đường mòn một đoạn. Bờ bên kia giáp một hõm, nước chỗ đó đang cuộn . Để đưa  Hải sang, anh Thành nối tất cả các dây võng dài và buộc trước vào một gốc cây ở bờ bên này, sau đó anh La vượt qua trước mang đầu dây nối tiếp sang. Tôi ôm phao (ba lô bọc trong bao ni lon đựng gạo, đã buộc túm đầu)  bơi sang. Anh Thành bơi sau dìu coi chừng anh Hải, còn anh chàng này chỉ việc túm dây lần sang bờ bên kia. Khi tôi sang gần đến bờ bên kia thì đột nhiên có dòng soáy đẩy tôi ra, tôi phải cố đạp nước hơn chục cái mới vào được bờ nhưng bị lui xuống phía dưới, tôi phải bơi sát vào ven bờ để bơi ngược đến chỗ bến lên. Lúc đó khi chỉ còn gần bờ gần chục mét thì dây dù bị đứt, hay tuột đầu nối. Hải bị trôi xuống, anh Thành vội buông ba lô bơi tới túm lấy anh Hải và đẩy vào bờ, lúc đó anh La cũng lao xuống bơi theo chiếc ba lô, phải đến hơn chục mét mới bắt kịp. Lại một lần nữa hú hồn, khi vượt suối. Sau khoảng nửa giờ chúng tôi đã vượt sang hết bờ bên kia con suối. Không rõ Hải có mệt không, còn tôi phải ngồi thừ ra hơn hai mười phút mới dần dần bình thường lại. Đi lên khỏi bờ suối La La chúng tới một khu rừng có dốc cao, cây cối lớn và rậm rạp. Ở đây có một đoàn quân có lẽ đến hơn một tiểu đoàn đầy đủ như phiên chế của chúng tôi hồi ở Sư 325, chắc đây là đoàn quân vào. Họ đóng quân dày đặc, quần áo mới tinh, tiếng nói ồn ào, không hầm, không hố, bộ đội chỉ mắc võng nằm. Kể từ ngày vào chiến trường đến lúc đó, tôi ít thấy cách đóng quân như vậy. Trong đầu tôi thoáng có ý lo sợ; nếu ở thế này mà bị lộ thì có thể B52 hoặc F4 oanh tạc, thì thiệt hại không biết bao nhiêu mà kể. Chúng tôi tiếp tục đi, tối đó chúng tôi lại ngủ dọc đường. Hai ngày sau chúng tôi đã đến thượng nguồn sông Bến Hải. Chúng tôi tới bờ Bến Hải vào buổi trưa. Đoạn sông ở đây rộng gần năm mươi mét. Nước cũng cao và cuồn cuộn như suối La La, nhưng yếu hơn. Bờ sông ở đây không hiểm hóc như bờ suối La La. Đã vượt qua 3 con sông suối, bây giờ chúng tôi đã có kinh nghiệm. Do bờ sông ở đây thoáng, nên dù gặp một số vất vả, và cũng có bị trôi, nhưng cuối cùng chúng tôi cũng đã tới được bờ đất Bắc. Sau khi cơm nước xong chúng tôi đi một đoạn thì gặp toán thứ hai đại đội đã vượt sông và vượt qua chúng tôi đi lên phía trước.
        Từ đây đi trên đất Bắc đường bằng, đoàn thung dung đi mất thêm vài ngày nữa thì tới Sen Thuỷ. Tôi không nhớ rõ đoàn thung dung chúng tôi đi mất bao nhiêu ngày, chắc chưa đến chục, nhưng cũng phải trên tám ngày.
        Ra đây ban chỉ huy đại đội đưa tôi vào trạm xá của tiểu đoàn, để chữa sốt rét. Trạm xá là nhà của dân, có 2 cái giường nhỏ. Anh Hạnh quân y sĩ tiểu đoàn ở Mỏ Chén đã vào đây. Hồi đó tôi chẳng thắc mắc điều gì cả; đáng ra tôi phải có câu hỏi: Anh Hạnh ở đây thì các anh Ban Chỉ Huy tiểu đoàn có vào không, và có những ai. Nhưng rồi từ từ thực tế dần diễn ra. Còn toàn bộ đại đội đóng quân tại một xóm cách ra Thượng Lâm khoảng gần cây số về phía đông bắc. Như vậy là đầu tháng 11 đại đội 6 chúng tôi đã ra Quảng Bình. Tôi xin trình bày như trên bản đồ. May quá vị trí làng xóm, trên bản đồ ngày nay, so với trí nhớ của tôi không thấy có gì thay đổi.

(Còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét