Ở vùng ga Thượng Lâm Sen Thuỷ, Lệ Thuỷ
Ngay
hôm đầu về trạm xá tôi đã được điều trị tích cực. Anh Hạnh tiêm Quy Nin và B1,
C cho tôi ngày nhiều lần. Chủ nhà là hai vợ chồng bác khoảng trên 30 tuổi có 2
đưa con gái nhỏ. Bác chủ nhà nấu cơm cho chúng tôi. Bác chủ nhà cho tôi ăn
những món ăn dân dã, nào là mắn đuốc, nào là canh dưa chua lá môn, mít trộn.
Bây giờ tôi lại thèm cay, từ bé đến giờ tôi luôn sợ ớt, thế mà bây giờ tôi đã
biết ăn ớt. Cứ chiều chiều tôi lại dạo quanh xóm, xóm tôi ở chỉ có mấy nhà. Địa
hình ở đây có đồi lúp xúp. Làng xóm ở trên đồi, phía dưới là ruộng, có một con
sông nhỏ chảy từ Lệ Thuỷ về đây. Khi mưa to nước lên, có chỗ phải lội quá ngực.
Bà con ở đây có trồng mía, thời gian này mía cũng đã vào được bánh tẻ rồi. Thế
là có mấy đồng còn sót lại trong túi, bấy lâu chẳng để làm gì, bây giờ mang ra
mua mía, mua rau muống để bồi dưỡng. Rau muống ở đây khá đắt. Gần trạm xá
khoảng hơn trăm mét, có một bến trung chuyển vũ khí đạn dược. Bất kể ngày đêm
liên tục ở đó, hết thuyền nọ đến thuyền kia cập bến, chuyển đạn pháo 130, đạn
pháo lựu, và đủ các loại đạn khác. Hàng dỡ lên là có ngay xe ô tô chở đi, những
thùng đạn vỡ hỏng đều được để lại. Tôi thấy hàng bó liều phóng của đạn 130,
hàng bao liều phóng của đạn pháo lựu, rơi ra, lính ta lấy nhóm lửa rất nhạy,
nhưng cũng rất nguy hiểm. Tôi ở trạm xá gần một tuần thì một hôm có người nhìn
tôi và nói: “có phải anh Sự đấy không”. Tôi định thần nhìn lại; lại câu hỏi
tiếp: “anh có nhận ra em không?; Em Kháng đây mà”. Tôi la lên:“A Kháng, nhìn
mãi mới nhận ra em”. Đấy là Kháng con bác Cơ, bạn học với em tôi ở Lương Sơn,
và là em con cô của Chu Hoàng Anh lớp tôi. Sau khi chào nhau. Kháng rơm rớm
nước mắt : “Anh Sự ơi, chị em và các cháu vừa bị bom ở Vĩnh Phú rồi”. Tôi giật
mình hỏi: “em biết lúc nào”; Kháng nói: “em mới được tin đây thôi”. Tôi cứ đinh
ninh tin này là đúng như vậy (Không ngờ sau này, tôi gặp lại em Chu Hoàng Anh
(con cô cậu với Kháng) ở Hà Nội năm 2002, nói lại: “Thằng Kháng nó được báo
nhầm, chị và các cháu nó không việc gì cả”. Thế mà sau bao nhiêu năm không gặp
Kháng tôi cứ đinh ninh mãi chị và cháu Kháng đã mất (Kháng chỉ có 2 chị em).
Sau một hồi đau buồn anh em tôi lại hỏi tình hình. Kháng đang ở C 969, và cả
Phán nữa, Phán cũng học cùng với em tôi
ở Lương Son. Kháng nói đã lên đây mấy lần rồi cũng để chữa bệnh. Chúng tôi nói
chuyện đến hết chiều, trong khi cơn sốt trong người tôi bắt đầu lên, ơn ớn, ren
rét, mền mệt. Sau cùng Kháng nói, chỗ em đóng quân cách đây khoảng cây số, chủ
nhật này bọn em làm bún, mời anh sang chơi.
Đến
chủ nhật đó, sau khi tiêm thuốc xong, tôi xin phép anh Hạnh đến chơi chỗ 969.
Hồi đó tôi không biết 969 đã về D371 hay chưa. Tôi đi gần một cây số thì đến
chỗ đóng quân của Kháng vào khoảng 9 giờ. Kháng gọi Phán và giới thiệu tôi với
mọi người. Ở đây nhà dân chật hơn ở chỗ trạm xá, và thưa thớt. Trong một nhà
khoảng chục mét vuông mà năm sáu cái võng mắc ngang, mắc dọc. Kháng bảo ở đây
có thanh niên xung phong Hải Phòng đều là con gái. Trong nhà
này con gái mắc võng nằm phía dưới. Con trai mắc võng phía trên, nằm trên. Vậy là
phải mắc chéo qua chéo lại, thật là một cách trú ngụ hiếm thấy. Tiểu đội Kháng,
kỳ cạch giã, nấu đến khoảng 12 giờ trưa mới xong. Vừa làm vừa nói chuyện, Kháng
nói ở đây đã cháy nhà một lần rồi và dặn tôi: “anh nhóm lửa bằng liều phóng pháo
lựu nên cẩn thận, do nó có lỗ rỗng bên trong, nên khi đốt nó có thể xịt khói và
bay lên nóc nhà, sinh hoả hoạn”. Sau này về đại đội, tôi không quay lại chỗ
Kháng, và cũng quên mất, nên không biết 969 đi khỏi đó lúc nào (bây giờ Kháng vẫn
ở Thị trấn Lương Sơn Hoà Bình, vợ có cửa hàng vàng, chồng bán đá cảnh và nhiều
thứ khác, năm 2012 anh bạn tôi ở Lương Sơn vào Đà Nẵng du lịch cho biết, Kháng
còn mở rộng kinh doanh lên vùng dốc Kẽm (trên đường QL 6) cách nhà hàng chục
cây số, bác Cơ gái vẫn ở với Kháng).
Trong
thời gian điều trị, có lúc anh em ở đại đội lên, tôi được thông tin, anh Hùng ở
tiểu đội tôi, bị viên liều phóng B40 rơi vào chân nổ và bị thương. Cục liều
phóng B40 to bằng viên pin đại, tôi không rõ anh Hùng có bị nặng không, mà sao
không thấy đưa lên trạm xá. Sau này về đơn vị lu bu với công việc, anh ở nhà
khác với tôi, không thấy ai nói gì nên
tôi quên hỏi thăm.
Sau
khoảng nửa tháng điều trị tôi đã hết hẳn sốt. Anh Hạnh còn dặn dò giải thích
cho tôi trước khi về. Tôi tiếc rẻ, giá như, hồi mới bị sốt được điều trị thế
này thì tôi đỡ khổ biết bao. Khỏi phải bị điều ong tiếng ve gì. Đúng là hồi đó
tôi là người bị sốt rét nặng và lâu nhất đơn vị. Nghĩ lại cũng là y sĩ, nhưng
anh Hạnh có kinh nghiệm chữa sốt rét hơn anh La. Anh Loát còn may hơn tôi, vào
viện chỉ vài hôm là ngắt được cơn. Còn tôi bị gần hai tháng trời, hai tháng
người ta làm được bao nhiêu chuyện. Hôm đi dự kỷ niệm 40 năm thành lập tiểu
đoàn 371 11/3/2011, gặp Trần Thanh Hải lúc này đã là Thiếu tướng, anh ấy cười
quở tôi: “Ồ, cái ông này hồi đó là trùm sốt rét của đại đội đây!” Hậu quả của
sốt rét lúc đó tôi chưa thấy, vì không bị mắt trắng môi thâm, không bị sơ gan.
Nhưng năm sau, tôi học ở trường văn hoá
Bộ Quốc phòng, khi khám sức khoẻ bác sĩ đã phát hiện ra do bị sốt rét, nên gan
của tôi bị ảnh hưởng. Từ đó về sau, việc ăn uống của tôi cũng bị hạn chế, khó
khăn rất nhiều.
Đoàn
672 của tôi đóng quân trong một xóm nhỏ
cách ga Thượng Lâm con sông đã nêu và cách xa ga khoảng gần cây số, như tôi vẽ
trong bản đồ. Trung đội 1 chúng tôi nằm cuối xóm về phía tây. C bộ nằm chỗ đầu
đường vào xóm. Và bếp đại đội cũng nằm tại đây. Ngày nay mỗi lần đi tàu hoả qua
đây tôi cố tìm kiếm xem xét, để thấy những hình ảnh năm xưa, nhưng bị che
khuất. Những lúc đó trong lòng tôi bồi hồi khôn nguôi.
Về
đại đội, tôi được bố trí ở một mình tại nhà
2 vợ chồng bác chủ đã già ở cuối
xóm. Hai bác rất tốt và hiền. Mấy ngày đầu ngoài các khẩu phần ăn chung, còn
tiền trong túi, tôi tranh thủ bồi dưỡng thêm: Nào là trứng vịt luộc, các thứ
cây quả. Chắc lâu ngày không ăn nhiều, bụng tôi không chịu nổi. Một đêm, đã về
khuya, trời lạnh, bụng tôi trướng lên khó chịu. Tôi cố mãi mà không chịu nổi,
đành nhẹ nhàng ra ngoài vườn, móc họng để các thứ nôn ra. Móc mãi mà không được
người càng lúc càng khó chịu. Cuối cùng trong bụng ói ra được một ít, vì trời
lạnh, tôi lại phải vào nhà. Bác chủ nhà đã dậy từ hồi nào, nói với tôi để bác
gái giúp. Bác gái lấy dầu bảo tôi xoa vào bụng và đốt lửa nói tôi lấy khăn mặt
khô hơ nóng chườm. Cơn khó chịu dần dần cũng qua đi.
Khi
nghe tôi nói vừa trong tây nam Huế ra, bác trai nói: “tôi cũng là người Huế, ra
đây từ hồi chống Pháp”, rồi bác nhìn về phía nam với ánh mắt kỳ lạ, có vẻ nhớ
nhung. Ở đây được khoảng một tuần, các anh lại bố trí tôi về nhà bên cạnh, là
nhà tiểu đội tôi đang ở. Nhà này có Nhi, Duy, tôi và Thanh. Bên đây nhà rộng
hơn, có sân. Bác chủ nhà có 2 con trai, một anh đầu khoảng 17 tuổi, đánh đàn
bầu rất hay. Người thứ hai khoảng 12 tuổi, ở nhà giúp gia đình. Hình như ở đây
không có trường học, nên con em của đồng bào đều ở nhà cả, còn muốn đi học chắc
phải ở nội trú chỗ khác. Chúng tôi mắc võng ngủ trước sân nhà bác chủ, chứ
không ở trong nhà. Có những hôm gió lạnh, vì bây giờ đã vào gần cuối tháng 11
dương lịch rồi, tôi phải lấy nilon đi mưa, bọc dưới võng mới ngủ được. Dân
Quảng Bình nghèo lắm, nhất là dân xóm tôi ở, nhà đồng bào tuềnh toàng, nhà nào
cũng có làm một buồng nhỏ đắp bằng đất.
Hình như để bỏ thóc lúa, quần áo, các thứ dễ cháy vào đó, để phòng hoả hoạn.
Hàng trưa dân thường nấu sắn ăn, thế mà họ vẫn mời bộ đội thưởng thức. Chúng
tôi cũng ăn và nhường lại cơm cho bà con. Sắn là sắn dẻo, nên cũng là món ăn
chơi sau khi ăn cơm. Tình quân dân rất thắm thiết. Khi đó đại đội tôi được bổ
sung 2 người mới, đều quê ở Vĩnh Phú, một anh tên là Thuộc (không biết có đúng
không) về trung đội ba. Một anh là Đỗ Văn Nga, y tá, về C bộ. Ngay khi về đơn
vị được vài hôm, Nga phải đỡ đẻ cho một chị trong xóm. (Sau này Nga được đi học
quân Y, năm 1982 Nga về công tác tại sân bay Đà Nẵng. Một lần đi công tác bằng
máy bay tôi gặp Nga tại cổng sân bay, và mời Nga về nhà chơi. Sau đó không thấy
Nga đâu nữa, năm 1993 tôi gặp một số anh trong sân bay Đà Nẵng, họ nói Nga đã
lên tới trung tá, và đã chuyển vào Tân Sơn Nhất rồi. Khi tôi nói thông tin anh
Nga ở Tân Sơn Nhất cho anh Cơ vào ngày 17/6/2013, anh Cơ đã liên lạc để tìm.
Hai giờ sau đã có tin cho tôi biết năm 1988 anh Nga đã ra sân bay Đa Phúc và
năm 1997 bị mất do tai nạn giao thông). Hàng ngày anh nuôi nếu có đi chợ phải
đi lên chợ Tréo trên Lệ Thuỷ, xa đến hàng chục cây số. Còn chúng tôi, cũng chỉ
làm quanh quất vài việc, rồi ngồi chơi cho đến bữa ăn. Củi ở đây tương đối
hiếm, vì bộ đội ở đông, cây cối có it. Đại đội đã phải hai lần huy động toàn
đơn vị đi kiếm củi. Có lần chúng tôi đi kiếm củi phải đi qua một đoạn đường tàu
đã cũ. Đá đường ray ở đây có hình thù tròn trịa như đã được mài gọt như các hòn
sỏi. Chắc hơn một phần tư thế kỷ qua, chúng đã được bao bàn chân của bộ đội dẫm
lên mà thành (vì từ năm 1946 đường sắt vùng này không còn dược dùng cho đến
1975). Người ta nói “Nước chảy đá mòn”, nhưng ở đây là “chân dẫm đá mòn”
Đầu
tháng 12 đại đội cử một đoàn đi công tác vào hướng nông trường cao su Vĩnh
Linh. Đoàn chúng tôi đi trên mười người. Trung đội 1 có tôi Loát, Thể, Đạo,
Thanh. Hôm đó chúng tôi lên đường rất sớm. Đến ngã ba Cổ Kiềng khoảng 8 giờ
sáng. Đi qua đây chúng tôi thấy có một quả tên lửa Sam 2 của ta nằm ngay gần
đường, không có ai quản lý. Đi đến quá trưa chúng tôi tới rừng cao su. Khu vực
này gọi là kho E2 (Có lẽ kho của mặt trận và gần khu vực bộ chỉ huy mặt trận
B5). Rừng cao su ở đây bị B52 đánh bom, và kho tàng cũng bị phá, chúng tôi thấy
những gói thịt muối tương một, hai cân vãi ra khắp nơi, cả thịt gà hộp cháy nữa
. Chúng tôi nhận được đủ thứ, nào là giấy, máy thông tin, hình như cả máy đánh
chữ. Ai cũng phải gùi một bọc hàng to. Chúng tôi còn nhặt mỗi người vài gói
thit muối, các hộp thịt gà bị cháy mang về. Cho đến tối mịt chúng tôi mới về
đến đơn vị. Nếu cứ tính đi bộ 1 giờ được 5 cây số, thì khoảng cách từ chỗ chúng
tôi tới kho gần 25 cây số. Số thịt muối toàn là mỡ và có mùi tương rất khó ăn.
Lúc đầu chúng tôi háo hức vì mùi lạ nên cũng thấy tạm được, nhưng sau chịu
không ăn nổi. Cho bác chủ nhà bác cũng không dùng được. Thậm chí sau đó cho con
chó của bác chủ nó cũng ngoảnh đi.
Đến
10 tháng 12 đại đội cử tôi và anh Trần Văn Thoa, Đỗ Văn Hùng đều là lính thông
tin của đại đội đi học nghiệp vụ thông tin. Nơi học là xóm bên cạnh trạm xá tôi
đã chữa bệnh, hai xóm chỉ cách nhau một bờ ruộng, gần khoảng 150 mét. Thoa ở
một nhà, còn tôi và Hùng ở một nhà. Nhà Thoa ở rộng rãi, nhà tôi và Hùng ở chỉ
khoảng 15 mét vuông kê 2 cái chõng. Cả hai nhà đều có con gái. Chủ nhà tôi ở là
phụ nữ đã lớn tuổi có 2 con gái, một đã
trên 20 tuổi, hình như là bí thư đoàn thanh niên, một mới 13 tuổi. Cả hai cô
đều trắng trẻo hồng hào. Cô bé 13 tuổi trong độ dậy thì nhưng cũng lớn con, và
nhanh nhẹn lắm, hơn nữa ăn nói mạnh bạo không e dè. Vì chỉ có 2 chõng nên hai
chúng tôi nằm chung với cô bé 13 tuổi. Cảnh ngộ này ở đây như vậy có lẽ là bình thường,
giống như chỗ tay Kháng mà tôi đã thấy. Vì vậy đêm nằm chúng tôi phải tạo một
hàng rào vô hình để ngăn cách với cô bé. Đến nay tôi chẳng còn nhớ tên hai
người con gái của bác chủ đó. Bây giờ họ cũng đã người trên sáu chục, người gần
sáu mươi, chắc đã có cháu nội cháu ngoại cả
Lớp
đào tạo chúng tôi thực hiện cấp tốc ngoài 3 chúng tôi không có ai. Giảng là một anh người Thanh Hoá, là lính
thông tin lâu năm rồi. Nay tôi đã quên mất tên anh (hình tên anh là Vinh) . Anh
kể, đã từng bị kẹt và ở trong hang đá nhiều ngày trong một dãy núi vào năm 1968,
mà vẫn liên lạc được với Hà Nội bình thường. Có gì hiểu biết anh đều truyền
lại. Anh cứ lấy thực hành làm chuẩn chẳng lý thuyết gì cả
Vì thời gian học cấp tốc nên chúng tôi
chỉ học thông tin thoại trong cự ly ngắn (muốn truyền tin đi với cự ly xa phải
dùng tín hiệu moose). Chúng tôi học cách giao chuẩn sóng, khi lên ca làm việc.
Chúng tôi phải thuộc một số mã trong giao tiếp thí dụ 01 (hình như có ý nghĩa
là : “Nghe rõ không? Trả lời) 06: “tôi phát phóng thiên đây: dùng trong trường
hợp tín hiệu máy mình thu được của máy bạn yếu, không rõ, mà muốn gửi điện cho
bạn thì cứ gửi đại hy vọng máy bạn sẽ nhận đươc. Còn nhiều mã nữa, tôi chỉ nhớ
có thế thôi. Chúng tôi được học cách tạo mật ngữ 5 số. (Cách tạo này sau này
tôi còn bày lại cho một anh làm luận án tiến sĩ cách đọc chữ tự động trong máy
vi tính, anh ấy hỏi tôi có lý thuyết gì không; Tôi chỉ trả lời: ”chẳng có lý
thuyết gì cả, đây là 1 trong 2 cách bộ đội ta đã dùng để tao mật ngữ truyền tin
trong chiến tranh”): Đó là cách tạo 1 từ với 5 chữ số : 2 số đầu chỉ nhóm phụ
âm đầu từ, 2 số tiếp : mã cho các vần của tiếng việt, chữ số cuối là dấu). Anh
Vinh nói còn có cách tạo mật ngữ 4 số nhưng không dạy chúng tôi.
Chúng tôi được học cách mắc ăng ten.
Nào là cách mắc theo chiều đứng nghiêng, mắc có dây Fi Đơ. Khi mắc dây
Fi đơ, anh nói quay 2 đầu dây từ đông sáng tây, để sóng phát về phía
Bắc, và cũng chẳng nói nguyên lý gì cả. Học được khoảng vài ngày thì B52 bắt
đầu đánh phá phía 969 đã ở. Lúc này không biết đại đội 969 đã đi chưa. Cứ đến khoảng
12 giờ trưa là lại có một trận bom. Mỗi ngày nó cứ đánh dần về phía chúng tôi, khoảng 4 ngày sau thì ném bom bi vào gần trạm
xá chỗ anh Hạnh, may không có ai việc gì. Chắc bọn Mỹ đã đánh
hơi thấy vùng này có điều gì làm chúng nghi ngờ chăng. Đến 16
tháng 12 vắng tanh chẳng thấy động tĩnh gì nữa. Sau đó thì tôi nghe qua radio
Hà Nội bị bom B52. Ngày 19 tháng 12 chúng tôi trở về đơn vị. Có lẽ là Mỹ ngừng
ném bom ở trong này để tập trung B52 đánh Hà Nội. Hàng ngày mọi người đều chăm
chú nghe tin về Hà Nội. Cho đến ngày 21 thì tiếng của đài Hà Nội qua radio nghe
rất yếu. Hôm sau chúng tôi mới biết Đài tiếng nói VN bị đánh, sau đó lại khắc
phục được. Cứ chiều chiều mọi người lại
quanh quẩn bên cái đài Li Do do anh Châu bật để nghe thời sự. Hết 12 ngày đêm
B52 Mỹ oanh tạc Hà Nội chúng tôi nghe được tin 27 tháng 1 năm 1973 sẽ ký hiệp
định. Do đã bị một lần ký hụt nên tôi
chẳng thấy gì hồi hộp.
Những
ngày trước 27/1/1973 Ở Gio Linh
Một hôm vào đầu tháng 1 năm 1973, chúng
tôi được thông báo chuẩn bị quay vào lại Quảng Trị. Tôi không nhớ rõ ngày đại
đội trở lại Quảng Trị chính xác, chỉ biết rằng chúng tôi lên đường trước khi ký
hiệp định Pari khoảng nửa tháng, tức là vào ngày 10 tháng 1 năm 1973. Vào một
giờ chiều ngày hôm đó (10/1/1973) các xe Zin đón chúng tôi tại khu đất trống
giữa hai xóm cách chỗ đóng quân 200 mét.
Các xe nấp dưới bóng cây chờ đợi, hôm ấy trời đầu năm đầy nắng tươi. Chúng tôi
tề tựu đầy đủ, khoảng một giờ rưỡi xe chuyển bánh lên đường. Xe đi về phía bắc
theo hướng vào xóm rồi rẽ phải theo đường đồi đi ra Quốc lộ 1, khoảng 2 giờ
rưỡi chúng tôi đã đi trên Quốc lộ 1. Thật bồi hồi súc động. Đã bao lâu rồi
chúng tôi mới được đi xe hiên ngang trên đường nhựa trong tuyến lửa này, không
phải lo lắng sợ bom, sợ pháo. Hai bên đường tôi thấy các gốc cây phi lao to đã
bị chặt sát đất, dấu tích của bom đạn trước đây để lại. Xe đi hết Sen Thuỷ rồi
đến Hồ Xá, tới Hiền Lương. Xe dừng lại nơi cột cờ bờ Bắc sông Hiền Lương. Hồi
đó cột cờ của chúng ta dựng cách bến Hiền Lương khoảng 300 mét, hình như đã lâu
không còn treo cờ nữa. Khi đã tới gần đầu cầu Hiền Lương (lúc này chưa có cầu
phà gì cả, cầu Hiền Lương bị đổ vẫn nằm đó), nghe nói khu vực này có bom mìn.
Chúng tôi lại theo đường mòn ven bờ đi ngược về phía trên khoảng 200 mét. Chờ
một hồi có thuyền ra chở chúng tôi qua sông. Sông Hiền Lương thật trong xanh.
Tại đây sông rộng khoảng hơn 200 mét. Sau khi vượt sông chúng tôi tập hợp và hành
quân ra đoạn đường Quốc lộ 1 bên bờ nam. Khi đi tới đồn cảnh sát Nguỵ năm xưa
tôi thấy một ngôi nhà đổ nát, cây cột cờ bằng xi măng đổ ngã chỏng gọng, nứt
gãy thành đôi thành ba. Ra đến đường 1, con đường Quốc lộ số 1 đã lâu không có
người đi chỉ thấy như con đường mòn, đầy cỏ. Lúc này đã gần sáu giờ. Chúng tôi
tiếp tục hành quân cho tới Dốc Miếu thì đã về đêm. Đến đây nghe nói có nhiều
mìn nên chúng tôi không dám rẽ đi ngang đi dọc. Qua khỏi Dốc Miếu xuống dốc
khoảng 500 mét, chúng tôi rẽ vào một làng
bên trái đường. Chúng tôi được bố trí vào nghỉ ở các nhà dân.
Hôm sau thức dậy, tôi
được nhận nhiệm vụ mới, đó là làm thông tin cho đại đội và lên công tác với anh
em C bộ. Thế là tạm biệt trung đội một, tạm biệt tiểu đội 1 và các anh em. Từ
ngày ấy tôi không còn làm công tác trắc thủ và chỉ huy nữa, mặc dù là chức tiểu
đội trưởng bé nhỏ. Từ đây coi như phải
tạm gác nghề trắc thủ. Ở đây khoảng một hai ngày toàn bộ đại đội tôi đi chiến
đấu tại Cửa Việt. Còn C bộ trước mắt ở lại Dốc Miếu. Lúc này có thể coi Dốc
Miếu là trụ sở tiền phương của tiểu đoàn bộ 371, vì anh Lương Vũ Tuân đã ở đây.
Không biết anh Tuân vào Quảng Trị lúc nào, chắc anh đã vào trước chúng tôi. Chúng
tôi ở chung với tiểu đoàn trưởng một nhà. C bộ có khoảng 6 người. Ở đây toàn
lính C6 và anh Tuân, chúng tôi gồm có Đỗ văn Hùng và tôi (Sự), Thoa, hình như có thêm Tới, và một hai người
quân khí nữa tôi không còn nhớ rõ. Trụ sở nơi Tiểu đoàn Bộ vào thời điểm này
(từ tháng 1 đến đầu tháng 5 /1973) nằm trong thôn Tân Lịch (nay là Thị trấn Gio
Linh: được gộp lại từ các thôn Hà Thượng, Lạc Tân, Lan Đình, Tân Lịch và Hà Trung). Thôn
này là thôn đầu tiên nằm bên trái đường 1 có đường rẽ vào cách từ đỉnh Dốc Miếu
về phía nam khoảng 500 mét. Chủ nhà chúng tôi ở chỉ có một bà già, và đứa cháu
gái nhỏ. Nghe nói con cụ là thiếu tá thiết giáp quân đội Nguỵ, hiện đang ở
trong Huế. Nhà bà cụ khá rộng, và cũng có vẻ là nhà khá giả trong xóm, quay mặt
về hướng đông, trước nhà là cái bếp. Anh Tuân ở nhà chính, còn Hùng, Thoa, Tới
, và mấy anh quân khí ở trong một hầm thùng sâu rộng đến gần hai chục mét
vuông, ở phía ngoài bên phải nhà chính. Tôi ở cái nhà kho kế tiếp với cái hầm
thùng rộng đủ để hai cái bàn, và một cái hầm chữ A, Trong nhà kho cũng đào
thành hầm thùng, đất lấy lên vẫn còn đổ ra xung quanh. Chắc trước khi chúng tôi
đến đã có đơn vị nào đó ở đây đào.
Đến
đây vài hôm, thiếu củi, nghe dân nói phải lên Dốc Miếu mới có. Mò lên Dốc Miếu
lấy củi là điều mạo hiểm, vì chỉ đi vớ vẩn là vướng mìn ngay (Sau này vào tháng
3 năm 1973 mấy anh C7 đi vào đây đã bị mìn),
thế mà chúng tôi phải lên đây mấy lần vì hết củi. Đã có mấy xe ô tôi đi
trệch đường vướng mìn và bị tai nạn ở đây. Trên Dốc Miếu có khúc ngoắt ngoéo về
phía bắc và dốc, bên phía đường hướng Cồn Tiên còn có những cây lớn, về phía
nam dốc thoai thoải, hai bên có nhiều lô cốt bát úp, lô cốt này áp sát đất, chứ
không nổi cao như tôi đã từng thấy. Chắc phía trong đó còn có đường hào, nhưng
chúng tôi không dám bén mảng tới đó
Lần
đi lấy hàng ở kho E2 đại đội đã được cấp hai máy thông tin 3 Oát của Trung
Quốc, trọng lượng rất nhẹ. Cả máy cả pin chỉ nặng có 5 cân, riêng cục pin chiếm
hơn nửa khoang máy, và nặng đến gần 3 cân. Ưu nhược điểm của nó rồi tôi sẽ nói.
Trần Văn Thoa được cử làm tổ trưởng tổ
thông tin chúng tôi. Chúng tôi bắt tay vào soạn các bộ mật ngữ, theo lịch, đến
ngày nào thì dùng bộ nào, sau mấy ngày thì đổi mật ngữ. Sau đó anh Thoa ra trận
địa trước. Anh Tuân mỗi lần muốn trao đổi gì với đại đội tôi đều chỉ thị cho
chúng tôi điện ra. Nhưng anh không yêu cầu truyền tin gì quan trọng cả chắc là
để giữ bí mật.
Anh Tuân cũng ăn cơm cùng chúng tôi, đến bữa cả thầy lẫn trò đều ngồi chung vui
vẻ, thực phẩm bây giờ khá hơn trước. Cụ
chủ nhà một hôm gọi chúng tôi lại và chỉ vào anh Tuân rồi hỏi : “Ông ấy
là sếp của mấy chú đó hả”. Chúng tôi trả lời: “vâng đấy là tiểu đoàn trưởng của
bọn con đấy mạ”. Bà già lại nói: “Thế sao ông ấy lại ngồi ăn với các chú. Lính Cộng
hoà, xếp luôn ăn riêng, không bao giờ ăn chung với lính”.
C bộ được cấp một máy thông tin 15 Oát, và bổ sung một lính
thông tin mới đó là Thành (tôi quên mất họ rồi), là người Nghệ An thì phải, mới
học trường thông tin ở Hà Đông ra, anh này đánh được manip, và nghe được tín hiệu
moose (làm được tín). Chỗ tôi trở thành khu trung tâm thông tin. Về đây anh
Thành bắt tay vào căng dây Fi đơ. Hôm căng dây, VO10 luôn quần đảo trên trời cả
ngày, bọn tôi phải trèo lên cây dấu các dây néo vào bóng cây, vì cái dây kéo
mới nên trắng lốp. Không hiểu tại sao bọn tôi không nghĩ ra là chà nhựa lá cây
cho dây néo nhỉ?. Hơn nữa đây là đồ phục
vụ cho quân sự mà tại sao nhà sản xuất còn để màu trắng thế? Ằnten này phục vụ
cho máy 15 oát liên lạc với các nơi xa, và chắc cả với cấp trên, Hàng ngày Hùng
quay Vamono cho Thành lên máy. Tiếng Vamono phát điện cứ kêu ngheo nghéo.
Thỉnh thoảng anh Tuân cũng mang chúng
tôi theo đi làm việc gì đó. Mỗi lần đi anh đều chuẩn bị mọi thứ, và không quên
mặc thêm xilip, bọn tôi hỏi : “ Thủ trưởng mặc làm gì cho nó chật, khó chịu”. Anh
Tuân nói: “các cậu trẻ thì không cần, chứ tớ già phải mặc vào nếu có gì mới chạy
được”. Thảo nào khi khám nghĩa vụ mấy ông bác sĩ cứ bảo chúng tôi cởi quần chạy
rồi sau đó cứ xờ nắn hai hòn bi chúng tôi để kiểm tra. Có hôm đi đường để ý
thấy pháo địch chưa nổ, chỗ nắp đậy để lắp đầu nổ, vẫn còn nguyên, lăn lóc nhiều nơi, mà vẫn còn mới. Khi ăn cơm
chúng tôi thắc mắc về điều này, anh Tuân nói: “Những ngày này căng thẳng, bọn
lính pháo chẳng tử tế gì với ta đâu, chẳng qua là vì phải bắn “khoán” hàng bao
nhiêu tấn đạn, nên chúng nó mệt, cứ làm ẩu cho qua chuyện, nên không mở nắp lắp
đầu nổ vào”.
Đến trước ngày 27 tháng 1 năm 1973 mấy
hôm, anh Tuân ra Cửa Việt, hôm về anh cứ bực dọc nói: “Tôi đã bố trí trận địa ở
bên kia sông Của Việt xong rồi mà cái tay (hình như tên là Lực, đại uý) trợ lý
của 351 cứ xen vào đòì bố trí bên này sông”; “tôi nói (anh Tuân):” “Anh ra lệnh
thì tôi chấp hành, còn góp ý thì tôi không nghe” (chắc ông kia cũng chẳng dám
ra lệnh, vì trong thời điểm quan trọng này ông ấy không dám nhận trách nhiệm!).
Hoá ra anh Tuân đi Cửa Việt, để bố trí các C6, C15 chuẩn bị cho trận quyết
chiến chống lại quân Nguỵ đánh chiếm Của Việt. (đây là theo suy nghĩ của tôi,
không biết ở Cửa Việt có bao nhiêu đại đội B72, C969 ở đâu, chắc chỉ anh Tuân
mới biết, hy vọng kỷ yếu của tiểu đoàn 371 sẽ nêu lên điều này). Anh ấy còn nói
“tớ thấy xe tăng Nguỵ nó nằm chềnh ềnh ra trông rõ lắm”. Nghe vậy tôi thấy
tiếc, nếu có mặt tại trận địa tôi sẽ cố hạ cho được dăm xe, thế mà bây giờ
không được tham gia. Chắc mấy anh Hải, Trung, Cát, Lục Vĩnh Tưởng lại diệt thêm
được nhiều tăng đây. Và quả vậy các anh này đã hái gặt được vụ bội thu trong
những ngày đó. Những diễn biến chiến đấu, và thành tích của
đại đội, của B72 tại Cửa Việt tôi chưa
được ai kể cho. Hy vọng một ngày nào đó anh em sẽ cho mọi người
biết để mà tự hào, để mà ghi nhớ
(Xin ý kiến các anh: B3 :Cát, Hải
B2 :Trung
B1 :Kỳ, Loát, Duy, Dinh
Về tình hình trận địa trước
và sau khi ký hiệp định của đại đội)
Trước ngày 28/1/1973
địch
liên tục pháo kích trên khắp bề mặt các vùng đất Quảng Trị, tiếng pháo nổ liên
tục suốt ngày. V010, F4 cũng quần đảo trên trời từ sáng tới chiều. Từ
thời điểm hoàng hôn của ngày 27/1/1973 tiếng súng tiếng pháo càng ầm ỹ hơn. Chúng
tôi nghe cứ tưởng như pháo giao thừa vậy. Cứ như vậy cho suốt đêm đến sáng. Gần
sáng tự nhiên có nhiều tiếng nổ đanh và rát liên tục ở khu vực chúng tôi. Thành
đang nằm trong hầm cùng tôi, hoảng sợ vùng dậy định chạy ra ngoài. Tôi nắm tay
giữ lại nói: “muốn chết à, ra bây giờ mảnh pháo, đạn nó bay đầy trời, ra là
dính liền. Nằm im trong này, chỉ bị khi pháo rơi trúng hầm thôi”. Khi trời đã
gần sáng, tiếng đạn pháo nổ càng ầm ỹ râm ran hơn, hình như chúng chẳng còn
thời gian nữa, vì đã xắp tới giờ ngừng bắn theo hiệp định Paris. Khi trời đã bừng sáng tiếng bom đạn
chẳng còn nữa, trời đất không gian im ả. Tôi lò dò đi ra khỏi hầm để xem tình
hình ra sao. Thì kỳ lạ thay, chẳng thấy ai động tĩnh gì cả. Nhìn vào bếp thấy
một đống đất ùn lên, không thấy kiềng, đầu rau đâu cả, tôi thoáng thấy kỳ lạ,
đi lui đi tới mới phát hiện ra một lỗ từ phía mái bếp phía đông chui xuống. Hoá
ra đã có một quả pháo khoan chui xuống và nổ giữa lòng bếp, không biết ở độ sâu
bao nhiêu. Đi sang phía hầm thùng ngó xuống mấy ông mãnh vẫn đang khò khò ngủ.
Tôi gọi họ dậy và nói sự việc, rồi hỏi họ có biết gì không. Các anh ấy trả lời chẳng
biết gì cả. Hay thật chỗ quả pháo nổ chỉ cách thùng các anh ấy khoảng gần 3 mét
mà ai cũng ngủ say như chết.
Anh Tuân hình như đã ra Cửa Việt, từ
chiều hôm trước. Chúng tôi đón giây phút ngừng bắn với sự hân hoan. Đây là giây
phút chờ đợi bao lâu, và tốn bao xương máu. Khoảng 9 giờ sáng hôm đó (28/1)
chúng tôi được tin: chuẩn bị tết, mỗi bộ đội được nửa bánh chưng ăn tết, không
biết bánh chưng chỉ tiểu đoàn tôi hay
của toàn mặt trận. Chúng tôi phải cử người ra tận Vĩnh Hiền Vĩnh Linh nhận. Ở
nhà chỉ còn vài người, chúng tôi vội vàng cơm nước để lên đường. Tôi và anh
Hùng và một người nữa, mang ba lô đi để gùi.
Chúng tôi vừa từ trong xóm đi ra đến
đường 1, thì thấy nhiều người vây quanh hai người to cao. Tôi định thần nhìn và
nghe thấy một người nói: “Tôi là Xuân Diệu đây, là nhà thơ Xuân Diệu đây, còn
đây là anh Huy Cận”. Ra vậy lâu nay cứ nghe 2 nhà thơ này, bây giờ tôi mới gặp.
Mà sao các ông này vào đây nhanh vậy?. Chúng tôi tiếp tục lên đường. Đường 1
hôm nay có vẻ quang hơn. Đi qua khỏi Dốc Miếu, nhìn
hai bên đường, giữa các đám cỏ, tôi thấy có những ụ đất, trên đó cắm
những lá cờ đuôi nheo nhỏ màu đỏ. Quãng đường từ Dốc Miếu tới Hiền Lương non
chục cây số. Túc tắc đến khoảng 3 giờ
chiều chúng tôi đã đến cầu Hiền Lương. Kỳ lạ thay chỉ có hơn chục ngày, nơi đây
đã thay đổi. Hôm chúng tôi hành quân vào, chỗ này vắng lặng, còn bom nổ chậm,
hoặc chưa nổ, hôm nay đã có cầu phao bắc qua, người xe qua lại đông vui. Sau
khi qua cầu Hiền Lương, chúng tôi rẽ phải theo đường mòn tới vùng đất đỏ, khoảng 5 giờ mới đến Vĩnh Hiền. Ở đây dân
đang chuẩn bị cho tối hội họp chào mừng ngày ký hiệp định, nhộn nhip lắm. Chúng
tôi liên hệ và đăng ký số lượng với bộ phận cấp phát bánh, rồi tìm nhà dân xin
ngủ qua đêm. Xóm này đêm đó náo nhiệt thật. Sáng hôm sau chúng tôi nhận bánh và
khoảng 9 giờ lên đường trở về Gio Linh, ba tên phải gùi 3 ba lô nặng. Không
biết C15 họ lấy bánh ở đâu. Nếu mỗi bánh
khoảng cân rưỡi, thì cả đơn vị tôi khoảng 80 người thì phải gùi 40 cái. 60 cân.
Do vậy chúng tôi đi về phải ỳ ạch nặng nề. Khi đi qua những ụ có cờ hôm trước,
tôi thấy kỳ lạ hơn, lính ta đang ngồi ôm súng chỗm chệ trên các ụ đó, có chỗ
còn có cả trung liên, 12 ly7 nữa. Vậy ra quân ta còn cảnh giác sợ quân Nguỵ làm
càn đánh ra Bến Hải, Cửa Tùng chăng.
Ra cửa
Việt
Quá trưa 29/1/1973 chúng tôi về đến Gio Linh, đã thấy anh Tuân ở nhà. Chúng
tôi hỏi anh tình hình ngoài Cửa Việt, anh lại bực dọc nói: “Hoà hợp dân tộc, hoà
hợp dân tộc, mất cảnh giác thế là cùng”. Hoá ra sau thời điểm ngừng bắn, lính 2
bên ở gần nhau, đã tiếp cận bắt tay nhau nhận đồng hương đồng khói, trao kỷ
niệm cho nhau. Rồi sau đó địch tấn công lại, nếu mất cảnh giác là chết như
chơi. Sau này nghe nói ở đâu cũng xảy ra sự việc tương tự. Chiều hôm đó tôi và
anh Đỗ Văn Hùng được lệnh mang bánh chưng tết ra cho anh em. Vừa mới đi về nên,
khoảng 3 giờ chiều chúng tôi mới xuất phát. Chúng tôi đi qua thị trấn Do Linh
và hỏi đường ra Cửa Việt. Sau này mỗi
lần đi công tác bằng tàu hoả qua đây,
tôi cứ cố ngó vào thị trấn Gio linh, với bao nỗi bồi hồi xúc động. Tiếc là tàu lại gặp đường 1 về phía nam quá xa
với đỉnh Dốc Miếu, nên không thấy đươc những nét thay đồi của Dốc Miếu với năm
xưa. Khi đi qua thị trấn Do Linh, dân ở đây vẫn sinh hoạt bình thường, hình như
mọi người đang nhộn nhịp chuẩn bị tết. Trời dần tối, chúng tôi mới chỉ đi tới
dọc con sông nhỏ gần Mai Xá. Càng gần tới sông Của Việt đất do bom đạn cày xới,
nổi lên từng khối mặc dù là đất cát, nên chúng tôi càng khó đi. Cũng may phía
Cửa Việt ánh sáng chiếu đường, lúc sáng lúc tối, nên chúng tôi cố đi được một đoạn nữa. Tiếng
pháo tăng không biết của ta hay địch nghe rất đanh và khác lạ, cứ lâu lâu lại
có vài tiếng, nghe như nó đã gần đến nơi. Qua tiếng súng tăng, tôi dự đoán từ
đây đến Cửa Việt theo đường chim bay khoảng năm sáu cây số. Trời đã tối hẳn khó
nhìn thấy đường đi, chúng tôi gặp một nhóm mấy người du kích Do Linh đi trên
đường, hỏi đường tìm hầm trú qua đêm, các anh chị ấy dẫn chúng tôi tới một hầm
và đốt đèn dầu lên, hầm này có cả thùng, cả kèo. Họ để chúng tôi ở lại và đi
đâu đó. Hai chúng tôi trải nilon trên hầm thùng, nằm. Đêm đó khá lạnh. Chúng
tôi thiếp đi một lúc. Đến nửa đêm thấy ồn ào, có nhiều người tề tựu tại hầm,
chúng tôi ngồi dậy, và được mời tham dự. Mọi người ngồi quanh, và bày ra cơm
nắm, lương khô, mấy bi đông nước và mời hai chúng tôi cùng ăn uống. Mọi người
chỉ tay vào một người gầy, nhỏ con và có vẻ nhanh nhẹn nói: “ Đây là anh Thuộc,
đội trưởng du kích của xã chúng tôi”. Anh Thuộc nói với chúng tôi vừa đi chiến
đấu về, mấy hôm nay anh đã bắn đến 18 quả B40 để đánh xe tăng, nên tai ù nghe
lùng bùng, anh cũng không nói bắn được bao nhiêu tăng. Chúng tôi nói là đang trên đường ra trận địa, các anh chị khuyên:
Hai chúng tôi còn đi nữa, nên cứ nằm nghỉ. Chúng tôi cũng buồn ngủ nên xếp
nilon gọn lại nằm. Tới nửa đêm khi giật mình tỉnh giấc tôi nhìn thấy trong hầm thùng
ngọn đèn dầu vẫn sáng, xung quanh, ngoài thùng trong hầm, các anh chị du kích
nằm ngủ la liệt, quay ngang, quay dọc, lẫn lộn gác chân lên nhau không phân
biệt nam nữ gì hết, họ cũng đã mệt nhọc chiến đấu bao ngày nay rồi. Có lẽ đây
là điểm nghỉ tiền tiêu của du kích Do Mai.
Sáng hôm sau, chúng tôi tiếp tục đi,
tới sát bờ sông làng Mai Xá, chờ mãi đến trưa mới có đò qua sông. Có lẽ hôm đại
đội vào có đò chờ sẵn, bọn tôi đi lẻ nên theo đò của dân, và đi vòng vèo mãi.
Con đò chở tôi và anh Hùng có vài anh lính và cả dân. Đến quá trưa gần khoảng
gần 2 giờ mới sang bờ nam sồng Cửa Việt, đây thuộc về xã Triệu Độ. Vật đập vào
mắt tôi và mọi người đầu tiên là cái xà lan to lớn, như xà lan các công trình
làm cầu ngày nay, bị mảnh bom, pháo đâm thủng nát bét hầu như khắp toàn thân,
nằm ngay bờ sông. Có lẽ nó là vật chuẩn
để báo bến đò ở đây. Đoàn đi ra Cửa Việt lại có thêm vài người. Chúng tôi theo
đường mòn ven sông đi về phía Xã Triệu Phước. Trên đường đi nghe một cậu bé giới
thiệu ở đây có một cái mộ thằng phi công Mỹ lái VO10 bị chết, lúc đầu dân chỉ
lấp đất hời hợt, sau nghe nói, ký hiệp định Paris sẽ có trao trả tù binh và hài
cốt lính Mỹ, địa phương lại đem nó chôn cất phía trong làng tử tế. Trên đường
mùi xác chết của trâu bò cũng có nhiều.
Đến cuối chiều thì chúng tôi tới được
làng Lượng Kim và gặp anh Thành ở nhà
cuối xóm. Vậy là chúng tôi đã đến Cửa Việt vào chiều ngày 30/1/1973 . Đêm đó tôi không thấy tiếng súng ầm
ĩ như đêm trước. Hôm sau tôi được lệnh ở
lại, còn anh Đỗ Văn Hùng quay trở về Dốc Miếu.
Ở Tường
Vân
Địa danh này có tài liệu nói là Trường
Văn, nhưng hồi đó tôi nghe là Tường Vân, nên cứ gọi như vậy cho dễ nhớ. Sáng hôm sau khi tôi tới Tường Vân thì
không còn tiếng súng nào nữa. Trên đường tới Tường Vân tôi qua thăm trận địa
của ta ở gần đấy, ở xã Triệu An, gần thôn Hà Tây.
Chỗ này có thể gọi là tuyến 2, trong bản đồ
trên tuyến 1 tôi vẽ chỉ áng chừng, khi đi theo anh Điến thăm các trận địa. Tại
tuyến 2 này còn nhiều đơn vị khác đóng quân. Nhìn quang cảnh ở đây không ai ngờ
rằng cách đây vài giờ lính ta đã phải chiến
đấu ác liệt như thế nào. Phía sau trận địa, tôi thấy dưới con sông cụt, lính ta
đang dùng lưới lưới tôm. Tôm ở đây to lắm, phải bằng ngón chân cái. Chắc bấy lâu
nay không có ai săn bắt chúng. Bản đồ ngày nay nhìn thấy nhà được xây dựng
nhiều. Hồi đó vùng trước 2 tuyến trận địa của đại đội tôi chỉ thấy cát, và cát
C bộ ở Tường Vân có anh Điến, anh Mằn,
anh Phượng, lính có anh Thoa, Loát, Dinh. Tôi được bố trí vào nhà anh Thoa đang
ở. Nhà này cũng lại của một sĩ quan thiết giáp Nguỵ, căn nhà đã bị bom pháo
đánh hỏng một góc. Trong nhà phía bên phải điện thờ có hầm trú ẩn chủ nhà cho
chúng tôi trú ngụ tại vị trí này. Trên hầm trú ẩn được lót thêm 2 tấm sập gụ to.
Nhưng 2 chúng tôi chỉ mắc võng nằm. Các anh trong ban chỉ huy ở các nhà phía
sau nhà chúng tôi ở. Sau khi đến đây ngày hôm sau, tôi được cử ra chỗ chốt
tuyến 2 lấy gạo. Có cơ hội nấn ná thăm anh em. Tại tuyến này các anh em có hầm
và lợp tôn chống nắng mưa đàng hoàng. Họ giao cho tôi một bao gạo 50 cân. Giá
khi bị sốt thì chịu không khuân nổi. Bây giờ cơ hội thử lại sức khoẻ ra sao,
tôi vác luôn bao gạo 50 cân từ chốt về C
bộ. Quãng đường gần cây số, phải nghỉ mất mấy lần. Ra đây tôi và anh Thoa thay
nhau lên máy làm việc với Dốc Miếu. Hôm đó là 30 hoặc mùng 1 tết âm lịch (tức
mùng 2 hoặc 3 tháng 2/1972). Anh Điến nói tôi cùng đi với anh ra các chốt, và
nhắc mang theo máy thông tin. Đầu tiên hai người ra thăm chốt tuyến 2, anh em ở
đó lôi bánh chưng cùng ăn. Khoảng 9 giờ sáng, Anh Điến bảo đi tiếp đến tuyến 1,
hai thầy trò cứ đi trên cát chẳng đường xá gì cả thẳng tới một cổng một thôn
rồi vào đi vòng vo một lúc thì tới. Lúc này đã gần trưa, tới nơi mọi người vui
vẻ hân hoan mời anh Điến và tôi ở lại ăn cơm. Ở chốt này tôi thấy Phượng, Sơn,
Thể, Thanh, Hùng, nhưng chắc đây là phía sau thôi, vì tôi thấy anh em ở lui vào
trong xóm. Tôi nhớ lại lời anh Tuân có nói về tăng địch, nên cố tìm kiếm quan
sát, nhưng ở cả hai nơi tôi đều chẳng thấy gì cả. Có thể quân Nguỵ đã cho tăng
ẩn nấp, hoặc phải cần có ống nhòm để quan sát mới thấy điều lạ. Tôi nghe anh em
tại chốt còn kể câu chuyện có vẻ như tiếu lâm: Tại thời điểm sau ngừng bắn, xe
tăng địch đang ở mép nước biển khi thuỷ triều đang rút, khi thuỷ triều lên,
quân Nguỵ phải xin phép lính ta tại vị trí đó cho phép tạm tiến sâu vào bờ để
tránh nước, nước rút thì lại lui về.
Nếu
như đã có những thông tin cụ thể về các trận đánh của các đơn vị và tiểu đoàn
thì tôi chẳng phải mò mẫm tìm hiểu. Trong khi chưa có những thông tin chính
thức tôi đành tham khảo các tài liệu của cả 2 phía vậy thôi, nhưng sao các tài
liệu này có nhiều mâu thuẫn với thực tế vậy.
Một số bài viết của các sĩ quan
Nguỵ đã tham chiến tại Của Việt, đều nêu rất phiến diện, những tay thất trận
này còn làm oách, và nói tầm bậy. Còn một tay trong giới quan sát quân sự Nguỵ
viêt trên trang http://www.thaiduong530.com/id41.html,
thì có vẻ “thật’ hơn và nói quân Nguỵ có
1 đại đội đã đến được cảng Cửa Việt, sau đó phải rút chạy. và số quân tham
chiến cũng như, bom đạn quân Mỹ , Nguỵ trút lên vùng Cửa Việt có vẻ “khiêm tốn”
hơn đoạn trích truyện tôi nêu dưới đây. Tay
quan sát này có nêu địch đã bị tổn thất 2/3 số xe tăng và bọc thép tham chiến,
mà không nói số lượng. Ở bài viết có ghi lực lượng B72 của ta là 1 tiểu đoàn?!,
Thực ra nếu kể cả C969 và C5 thì Ở Quảng
Trị lúc đó chúng ta có 4 đại đội (lúc đó
C7 chưa vào). Nếu trí óc tôi không có điều gì thay đổi thì hồi đó tôi nghe được
anh Tuân chỉ để cập tới C6, C15 thôi
Tôi xin trích một đoạn của tác phẩm “LỊCH SỬ MẶT TRẬN ĐƯỜNG 9 - BẮC QUẢNG
TRỊ (1966 - 1973)
Nhà xuất bản: Quân đội
nhân dân Năm xuất bản: 2001 do Trung
tướng,
PGS NGUYỄN ĐÌNH ƯỚC chủ biên
“Vào những ngày cuối tháng 1 năm
1973, lúc Hiệp định Pa-ri sắp có hiệu lực ở Quảng Trị, địch dồn lực lượng lớn
liều lĩnh mở cuộc hành quân "Tăng-gô Xi-ty” đánh chiếm cảng Cửa Việt - một
đầu mối giao thông đường thủy quan trọng thuộc địa phận 2 xã Triệu Vân và Triệu
Trạch thuộc huyện Triệu Phong nằm sâu trong vùng giải phóng của ta. Đánh chiếm
cảng Cửa Việt địch muốn thực hiện ý đồ cắt đứt sự chi viện to lớn bằng đường
biển từ hậu phương ra tiền tuyến của ta, trực tiếp là chi viện cho chiến trường
Trị Thiên; đồng thời bịt cửa khẩu của Chính phủ cộng hòa miền Nam Việt Nam giao
lưu với quốc tế bằng đường biển. Với địch, nếu chiếm được cảng Cửa Việt, chúng
sẽ thiết lập được một đầu cầu quan trọng để đưa binh lính, súng đạn ra đánh
chiếm vùng giải phóng, thực hiện âm mưu phá hoại Hiệp định Pa-ri về sau này.
Khác với
các cuộc hành quân "Sóng thần" trước đây cuộc hành quân "Tăng-gô
Xi-ty” do cố vấn Mỹ trực tiếp vạch kế hoạch, tướng A.BRam và tướng Héc chủ trì,
tư lệnh quân đoàn 1 Ngô Quang Trưởng trực tiếp tổ chức thực hiện. Lực lượng
cuộc hành quân gồm: Lữ đoàn đặc nhiệm mới được tổ chức (có 3 tiểu đoàn), lữ
đoàn 147 (2 tiểu đoàn), lữ đoàn 258 (2 tiểu đoàn), 2 tiểu đoàn bảo an, 3 thiết
đoàn (17, 18, 20), 4 tiểu đoàn pháo (70 khẩu), 4 tàu LCU, không quân; hải quân
Mỹ (trong đó có 5 tàu khu trục của hạm đội 7 tham gia) chi viện hỏa lực. Toàn
bộ cuộc hành quân do sư đoàn lính thủy đánh bộ chỉ huy, sở chỉ huy nhẹ của địch
đặt ở Đa Nghi. Bằng một cuộc hành quân lớn, đánh vào sát thời điểm ngừng bắn
theo Hiệp định Pa-ri, Mỹ -ngụy hy vọng tạo được yếu tố bất ngờ để nhanh chóng
chiếm cảng Cửa Việt, điều mà trước đó với 3 cuộc hành quân "Sóng
thần" chúng chưa làm nổi.
Ngày 25 tháng 1 năm 1973 địch bắt đầu triển khai lực lượng thực hiện cuộc hành quân "Tăng-gô-xi-ty”. Sau khi sử dụng 70 lần chiếc B52 và bắn trên 60.000 quả đạn pháo các cỡ vào khu vực Vĩnh Hòa, Long Quang, Thanh Hội, Cửa Việt. . . địch bắt đầu nổ súng dồn dập đánh vào các bàn đạp trên toàn tuyến phòng ngự của ta ở cánh đông. Đội hình tiến công của địch chia làm 3 hướng:
Ngày 25 tháng 1 năm 1973 địch bắt đầu triển khai lực lượng thực hiện cuộc hành quân "Tăng-gô-xi-ty”. Sau khi sử dụng 70 lần chiếc B52 và bắn trên 60.000 quả đạn pháo các cỡ vào khu vực Vĩnh Hòa, Long Quang, Thanh Hội, Cửa Việt. . . địch bắt đầu nổ súng dồn dập đánh vào các bàn đạp trên toàn tuyến phòng ngự của ta ở cánh đông. Đội hình tiến công của địch chia làm 3 hướng:
- Lữ đoàn đặc nhiệm (gồm 3 tiểu đoàn 2, 4, 9) và chi đoàn
thiết giáp đột kích hướng chủ yếu ven biển vào Thanh Hội.
- Lữ đoàn 147 (có 2 tiểu đoàn 5, và 2 chi đoàn thiết giáp
đánh vào Long Quang.
- Lữ đoàn 258 (có 2 tiểu đoàn 3 và 6) đánh vào Nại Cửu, Chợ Sải.
- Lữ đoàn 258 (có 2 tiểu đoàn 3 và 6) đánh vào Nại Cửu, Chợ Sải.
Đêm ngày
25 tháng 1, lữ đoàn đặc nhiệm dùng 1 tiểu đoàn bí mật đánh vào Thanh Hội. Lữ
đoàn 258 sử dụng tiểu đoàn 3 đánh Nại Cửu, Chợ Sải. Sáng ngày 26 tháng 1 lữ
đoàn 147 đánh vào Long Quang. Cả 3 hướng quân địch đều bị quân ta đánh trả
quyết liệt, bị thiệt hại phải dừng lại củng cố. Trong đêm ngày 26 tháng 1 các
trung đoàn 64, 101 đã khẩn trương bổ sung kế hoạch phòng thủ khu vực cảng Cửa
Việt, ta hình thành 3 tuyến phòng ngự liên hoàn từ Xam Tuân đến Hà Tây sẵn sàng đánh trả các đợt tiến công mới của
địch.
Ngày 27
tháng 1 địch tập trung bom pháo đánh phá ác liệt các tuyến chốt của ta. Lữ đoàn
đặc nhiệm được gần 100 xe tăng, xe bọc thép chi viện mở liên tiếp 4 lần tấn
công vào Thanh Hội, lực lượng chốt giữ của ta chiến đấu kiên cường chặn địch,
đến chiều địch mới chiếm được Thanh Hội và một phần làng Vĩnh Hoà, ta tiếp tục
tổ chức lực lượng phản kích để giành lại. Trong khi đó lữ đoàn 147 được khoảng
40 xe tăng chi viện đánh vào Long Quang, An Trạch, địch chiếm được một phần
trận địa của ta nhưng ngay đêm đó Trung đoàn 48 phản kích chiếm lại được trận
địa.
Mặc dù bị thiệt hại nặng nhưng do yêu cầu phải chiếm Cửa Việt trước giờ ngừng bắn (8 giờ ngày 28 tháng 1) địch vẫn điều thêm quân, tăng thêm xe pháo cho sư đoàn lính thủy đánh bộ tiếp tục tấn công. Chúng thay đổi cách đánh, không đột phá chính diện mà lợi dụng ban đêm luồn qua khe hở giữa các trận địa phòng ngự của ta tiến ra Cửa Việt. 23 giờ 30 ngày 27 tháng 1, lợi dụng lúc gió to, sóng lớn, nước thủy triều xuống, Lữ đoàn đặc nhiệm bí mật tiến theo mép nước ra Cửa Việt. Ta mất cảnh giác nên cuộc tiến công của địch thuận lợi. Đến 1 giờ 30 ngày 28 tháng 1 ta mới phát hiện được quân địch. Bộ binh Trung đoàn 101 và 5 xe tăng, xe bọc thép đánh vào đội hình địch ở đông Hà Tây, Vĩnh Hòa, diệt được 8 xe, cắt đội hình địch làm hai nhưng một bộ phận địch vẫn tiến về cảng đánh vào các chốt của ta ở Hà Tây, Cửa Việt, điểm cao 12. Đến 7 giờ ngày 28 tháng 1 địch hình thành 3 cụm quân:
Mặc dù bị thiệt hại nặng nhưng do yêu cầu phải chiếm Cửa Việt trước giờ ngừng bắn (8 giờ ngày 28 tháng 1) địch vẫn điều thêm quân, tăng thêm xe pháo cho sư đoàn lính thủy đánh bộ tiếp tục tấn công. Chúng thay đổi cách đánh, không đột phá chính diện mà lợi dụng ban đêm luồn qua khe hở giữa các trận địa phòng ngự của ta tiến ra Cửa Việt. 23 giờ 30 ngày 27 tháng 1, lợi dụng lúc gió to, sóng lớn, nước thủy triều xuống, Lữ đoàn đặc nhiệm bí mật tiến theo mép nước ra Cửa Việt. Ta mất cảnh giác nên cuộc tiến công của địch thuận lợi. Đến 1 giờ 30 ngày 28 tháng 1 ta mới phát hiện được quân địch. Bộ binh Trung đoàn 101 và 5 xe tăng, xe bọc thép đánh vào đội hình địch ở đông Hà Tây, Vĩnh Hòa, diệt được 8 xe, cắt đội hình địch làm hai nhưng một bộ phận địch vẫn tiến về cảng đánh vào các chốt của ta ở Hà Tây, Cửa Việt, điểm cao 12. Đến 7 giờ ngày 28 tháng 1 địch hình thành 3 cụm quân:
-
Cụm 1 có 1 đại đội và
20 xe tăng, xe M113 ở cách Cảng Mỹ (về phía nam) khoảng 700 m.
-
Cụm 2 khoảng 1 đại đội
và 10 xe tăng ở đông thôn Hà Tây cách cảng Cửa Việt khoảng 1.500m.
-
Cụm 3 có hai trung đội
và 8 xe tăng cách điểm cao 4 khoảng 200 m về phía đông bắc.
Sau khi hiệp định ngừng bắn có hiệu lực, địch lấn tiếp ra
nam điểm cao 4 (cách khoảng 600 m) một cụm quân nữa, cụm quân này có hai trung
đội và 12 xe tăng, xe M113. Lực lượng địch ở phía sau tiếp tục tăng cường lên,
thực hiện âm mưu cắm cờ lấn đất. Trước hành động đó của địch, Bộ tư lệnh Mặt
trận lệnh cho Bộ tư lệnh Cánh Đông kịp thời uốn nắn những nhận thức lệch lạc
của cán bộ chiến sĩ, nhanh chóng đưa bộ đội trở lại tư thế chiến đấu, đồng thời
khẩn trương điều động lực lượng dự bị tăng cường cho các trận địa đánh chiếm
lại các vị trí đã bị địch lấn chiếm. Các tiểu đoàn 1 (trung đoàn 48), 7 (Trung
đoàn 271), 38 (bộ đội địa phương), 8 (Trung đoàn 64), 1 (Trung đoàn 27) từ bắc
Cửa Việt và Chợ Sải được lệnh vượt sông vào vị trí chiến đấu. 1 giờ ngày 29
tiểu đoàn 38 đánh cụm 1 và cụm 2 diệt 50 tên và 5 xe. Một đại đội của tiểu đoàn
8 (trung đoàn 64) đánh địch ở điểm cao 4 và chốt lại đó. Địch thu lại còn 3
cụm, sau đó chúng tăng viện và tổ chức thêm 1 cụm mới tại bắc Vĩnh Hòa gồm 1
đại đội và 4 xe tăng.
Để tăng cường lực lượng cho Cánh Đông tiêu diệt địch, Bộ tư lệnh Mặt trận điều Trung đoàn 24 Sư đoàn 304 và đại đội xe tăng T54 từ Miếu Bái Sơn sang tăng cường cho các trận địa chốt ở Thanh Hội, Cửa Việt, lệnh cho Trung đoàn 66 cơ động xuống Vinh Quang làm lực lượng dự bị cho hướng đông đồng thời cử các đồng chí Cao Văn Khánh, Phó tư lệnh Mặt trận, Hoàng Minh Thi, Phó chính ủy và đồng chí Doãn Tuế, Tư lệnh pháo binh của Mặt trận xuống trực tiếp cùng Bộ tư lệnh Cánh Đông tổ chức lực lượng chiến đấu.
Để tăng cường lực lượng cho Cánh Đông tiêu diệt địch, Bộ tư lệnh Mặt trận điều Trung đoàn 24 Sư đoàn 304 và đại đội xe tăng T54 từ Miếu Bái Sơn sang tăng cường cho các trận địa chốt ở Thanh Hội, Cửa Việt, lệnh cho Trung đoàn 66 cơ động xuống Vinh Quang làm lực lượng dự bị cho hướng đông đồng thời cử các đồng chí Cao Văn Khánh, Phó tư lệnh Mặt trận, Hoàng Minh Thi, Phó chính ủy và đồng chí Doãn Tuế, Tư lệnh pháo binh của Mặt trận xuống trực tiếp cùng Bộ tư lệnh Cánh Đông tổ chức lực lượng chiến đấu.
Sau khi di chuyển sở chỉ huy từ Hà Thượng (Do Linh) vào
Thanh Xuân để trực tiếp chỉ huy bộ đội chiến đấu, ngày 30 tháng 1 Bộ tư lệnh
Cánh Đông tổ chức đội hình đánh trận phản đột kích Cửa Việt như sau:
-
Bộ phận chặn đầu gồm 2
đại đội của 2 trung đoàn 101 và 48, bộ phận K5 Hải quân, công binh Sư đoàn 320B
có nhiệm vụ giữ cảng, Phó Hội, Hà Tây, kiên quyết ngăn chặn địch trước các chốt,
không cho địch phát triển lên Cửa Việt.
-
Bộ phận khóa
đuôi gồm có Trung đoàn 64 (thiếu), tiểu đoàn 6, Trung đoàn 24, tiểu đoàn 2,
Trung đoàn 101 chốt tại Vĩnh Hòa đánh địch tăng viện từ Thanh Hội lên và chặn
bọn địch rút chạy từ Cửa Việt xuống.
-
Bộ phận chủ lực, gồm
Trung đoàn 101 (thiếu), Trung đoàn 24 (thiếu), tiểu đoàn 38 (thiếu) và tiểu
đoàn 7 Trung đoàn 271 có nhiệm vụ tiêu diệt địch từ Xóm Mộ lên đến cảng.
12 giờ
ngày 30 tháng 1 ta nổ súng tấn công địch. Trận đánh này kết quả thấp do ta nổ
súng không đồng loạt. Kịp thời rút kinh nghiệm, ngày 31 tháng 01 ta tập trung 5
tiểu đoàn của bộ phận chủ lực có một số xe tăng, xe bọc thép đồng loạt tiến
công vào các cụm quân địch ở phía nam cảng. Các trận địa pháo chiến dịch, các
trận địa pháo chống tăng ở bờ bắc bao gồm ĐKZ75ly pháo 85 ly, B72 các đội
hỏa khí chống tăng đi cùng bắn mãnh liệt vào cụm quân địch diệt nhiều bộ binh
và xe tăng. Do nổ súng tiến công đồng loạt vào cả 5 cụm quân địch nên chúng
không thể hỗ trợ được cho nhau, đội hình nhanh chóng rối loạn. Đến 8 giờ 30
ngày 31 tháng 1 ta diệt xong cả ba cụm quân địch ở phía nam cảng, các cụm quân
địch còn lại chống cự yếu ớt rồi tháo chạy. 10 giờ 30
ngày 31 tháng 1, từ cảng Cửa Việt đến Vĩnh Hòa không còn bóng giặc, tuyến chốt từ Thanh Hội đến Long Quang, Chợ Sải được khôi
phục. Cuộc hành quân "Tăng-gô xi-ty" của địch bị đánh bại hoàn toàn.
12 giờ 30 ngày 31 tháng 1 năm 1973 Bộ tư lệnh Mặt trận ra lệnh ngừng tiến công, chuyển vào thế bố trí mới để tiến hành cuộc đấu tranh chống địch lấn chiếm giữ vững vững giải phóng. Trong đợt chiến đấu từ ngày 26 đến ngày 31 tháng 1 năm 1973 ta đã tiêu diệt 2.330 tên địch, bắt gần 200 tên, phá hỏng 113 xe tăng, xe bọc thép, thu 13 chiếc, bắn rơi 5 máy bay, phá hủy 10 khẩu pháo, bắn cháy 1 tàu, thu nhiều súng đạn, quân trang quân dụng của địch.
12 giờ 30 ngày 31 tháng 1 năm 1973 Bộ tư lệnh Mặt trận ra lệnh ngừng tiến công, chuyển vào thế bố trí mới để tiến hành cuộc đấu tranh chống địch lấn chiếm giữ vững vững giải phóng. Trong đợt chiến đấu từ ngày 26 đến ngày 31 tháng 1 năm 1973 ta đã tiêu diệt 2.330 tên địch, bắt gần 200 tên, phá hỏng 113 xe tăng, xe bọc thép, thu 13 chiếc, bắn rơi 5 máy bay, phá hủy 10 khẩu pháo, bắn cháy 1 tàu, thu nhiều súng đạn, quân trang quân dụng của địch.
Với
chiến thắng Cửa Việt, quân và dân ta đã đập tan âm mưu tráo trở, lật lọng của
Mỹ - ngụy đối với Hiệp định Pa-ri vừa ký kết. Sau đòn trừng trị đích đáng này,
Mỹ - ngụy không dám mở những cuộc hành quân lớn ra vùng giải phóng Quảng Trị
trong suốt thời gian thi hành hiệp định.”
Đọc đoạn tường thuật này trong truyện tôi biết
thêm về tình hình chiến cục, nhưng viết về B72 không chính xác và sơ sài. Như vậy là những gì mấy ngày trước 28/1/1973 mà tôi được
thấy là đúng như trong truyện mô tả. Trắc thủ B72 phải nhìn thấy mục tiêu mới
bắn được. Nhưng nếu cứ bố trí B72 theo mô tả của truyện thì với khoảng sông
rộng phía trong, địa hình phía nam sông Cửa Việt vướng nhà, cây, rồi các đụn
cát to ở thôn Hà Tây chắc B72 chẳng làm ăn được gì cả. Nếu bố trí ở bờ bắc, thì
B72 khó có thể đánh địch. Còn anh Tuân bố trí B72 ở bờ nam thì khả năng diệt
địch với hiệu quả cao hơn nhiều. Ở đây còn một điều nữa, địch đã tận dụng ban
đêm tấn công để tránh các vũ khí chỉ có thể đánh ban ngày, nên có thể B72 chúng
ta sẽ bị gặp khó khăn. Nếu không phải lỗi do “cô” đánh máy (kiểu lỗi
này ngày nay người ta hay lợi dụng lắm), vậy thì
các nhà viết truyện còn xa rời thực tế quá, hay là nhà văn (quân sự) hư cấu cho
hay!
Vậy
là vào tối 29/1/73 tiếng súng tăng tôi nghe được khi ở làng Mai Xá là có địch
tấn công. Lời anh Tuân nói ta mất cảnh giác vì giây phút “hoà hợp dân tộc” chắc
là nói sự việc trên chăng?. Tuy nhiên đến nay tôi vẫn chưa thấy có tài liệu nào
mô tả rõ vai trò B72 của ta, chắc phải tập
hợp các ý kiến tham gia của các anh trong đại đội đã từng tham chiến tại đó. Tôi
cũng chưa thấy tiểu đoàn 371 tổng kết thành tích của từng đơn vị từng trận đánh
và kết quả đạt được, để chúng ta tự hào một thời mà ta đã được cống hiến. Chắc
trong số tăng bị diệt trên cũng có công của đội du kích Do Mai
Vào Tháng 5 năm 2013, sau khi xuất bản quyển
kỷ yếu đầu tiên của CCB Đại Học Bách Khoa Hà Nội, các anh trong Ban biên tập kỷ
yếu có cử người vào Đà Nẵng giao tận tay tôi. Người đi giao là anh Bùi Mạnh
Hùng SV K15 Vô tuyến điện, CCB Sư 325 đã từng tham gia giữ Thành Cổ QT tâm sự
với tôi: “Hồi đó không có B72 các ông thì chắc Cửa Việt bị quân Nguỵ chiếm mất”.
Không biết đó có phải sự thật không, nhưng đây là sự tin cậy, yêu mến của bộ
đội ta tại chiến trường Quảng Trị năm
1972 đối với B72 chúng ta (anh Hùng hiện là cán bộ Thông tấn Xã việt nam đã
nghỉ hưu và ở tại 68 A, Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)
Ra trận địa tôi phát hiện ra mọi người có vết
tấy đỏ trên người nhiều, nên hỏi nguyên nhân, mọi người nói ở đây đất cát có
nhiều bọ chét. Bọ chét chui rúc khắp người, chỗ nào bị đốt sưng tấy đỏ lên, hơn
nữa rất ngứa, nên gãi toét cả da. Chắc dân sống ở đây đã quen nên không việc gì.
Còn một điều phiền toái nữa chính là cát. Cát bay lung tung, nấu cơm, nấu canh,
và đồ ăn, nếu không cẩn thận cát sẽ lẫn vào. Canh thì còn để lắng lại được chứ
cơm, và thức ăn khô mà lẫn cát, nhai đụng phải nghe cứ sồn sột. Sau khi thăm,
anh Điến bảo về chỗ Lượng Kim. Chúng tôi đi qua một con đường xi măng (sau này
tôi mới biết đó là đường số 4 đi từ Quảng Trị ra Cửa Việt). Đi một hồi rồi qua
bờ đập và vào làng Lượng Kim. Tuy là còn thời chiến, đây là vùng gần nơi mới
xảy ra chiến sự, nhưng nhìn vào nhà dân vẫn có không khí tết. Khi đi qua một
nhà tôi nghe thấy tiếng chúc tết vui vẻ. Tự nhiên trong lòng tôi thấy nhớ nhà,
nhớ bạn bè, với cái tết những năm nào.
Ở Lượng Kim một đêm, sáng hôm sau anh
Điến bảo quay về lại Tường Vân. Trên đường đi đến giờ lên máy, lúc đó đang ở
giữa đường, tuy là tết nhưng nắng đã lên. Anh Điến nói để anh nói chuyện về Dốc
Miếu. Nhưng sui xẻo thay khi liên lạc được với anh Hùng tôi đưa tổ hợp cho anh
Điến, anh chẳng nghe được gì cả, xoay đi xoay lại cũng chẳng nghe được gì. Anh
Điến bực dọc, phê phán tôi. Tôi phân vân tại sao máy mới dùng có hơn chục ngày
đã có chuyện. Về tới Tường Vân, tôi lo máy hỏng hóc không biết sửa ở đâu. Qua
gợi ý của Hùng tôi ra chốt tìm hiểu. Hoá ra gần chốt có một tổ cơ công ngay
cạnh đó, tôi về mang máy ra. Các anh ấy tháo tổ hợp ra xem, xem xét một lúc các
anh ấy nói mấy cái dây bị đứt. Tôi hỏi nguyên nhân, anh cơ công vừa sửa vừa
nói: Đồ Trung Quốc dở lắm, dây dẫn điện nhỏ và giòn, hay đứt. Nên khi cuộn
nhiều lần, hoặc hơi xoắn một tý là có thể đứt. Ra vậy, cho đến nay tôi thấy đồ điện Trung Quốc cái gì
cũng dở, mau hỏng, dây điện ngoài vỏ thấy to, nhưng bên trong lõi đồng rất nhỏ
và giòn, đụng vào là gẫy. Bao nhiêu năm rồi mà công nghệ dây của Trung Quốc
không bằng các nước khác. Mà sao đồ quân sự mà họ cũng làm ẩu thế nhỉ?. Cái tổ
hợp được anh cơ công sửa và gia cố, dùng tốt, cho đến khi đơn vị tôi về Bắc nó
không giở chứng gì cả. Gặp phải sự cố máy móc này tuy không phải do tôi, nhưng
tôi cảm thấy hơi buồn.
Ở Tường Vân, nếu không đi công tác, thì
chỉ loanh quanh với hai phiên làm việc, đi bắt cua, hái rau, nấu cơm. Chị chủ
nhà của tôi tên là Điểu (các tên này gần đây Thoa nói lại cho tôi, chứ tôi đã
quên tiệt), cô em chồng tên Chung. Chị Điểu có hai đứa con một đứa con gái 6
tuổi tên sữa gọi là Bê, trắng trẻo dễ thương, tôi quý nó lắm. Nó cũng quý tôi. Đứa
con trai 3 tuổi tên là Kỳ. Lúc nào rỗi tôi lại dạy cháu múa. Những bài nhạc múa
thì tôi có nhiều, vì hồi còn thiếu nhi tôi đã được học nhạc, và biết nhiều bản
nhạc múa. Còn điệu múa thì tự bịa ra. Sau này tôi cũng dạy con gái tôi theo
kiểu đó. Đến đời cháu tôi thì khỏi phải bàn rồi, nó múa điệu nghệ và dẻo lắm. C
bộ chúng tôi nấu ăn ở nhà một chị, cũng là vợ lính (hình như cũng là khắc tinh
của B72). Chị chủ nhà chúng tôi nấu nhờ cơm tên là Thơi, chắc lớn hơn tôi vài
tuổi có đứa con gái khoảng 4 tuổi. Cứ đến bữa chúng tôi lại sang chuẩn bị cơm
nước. Để tăng chất đạm chúng tôi ra ruộng bắt cua về nấu canh. Cua ruộng ở
Tường Vân hình như là cua biển, vì nó to hơn cua đồng. Có lần tôi và Loát đi
bắt cua bị nó quắp nát cả đầu ngón tay. Có hôm không hiểu sao, tôi nấu cơm bị
khê, phải nhờ chị Thơi bày cách cho than vào hút mùi, chứ không lại bị nhiều ý
kiến phê bình.
Ở đây đôi khi tôi thấy phân vân, vì tôi
biết rằng những người dân mà tôi ở nhờ, nấu nhờ cơm, sinh hoạt, sống trong nhà
họ, nhưng chưa chắc đã ưa gì chúng tôi. Nhưng cũng có điều khác, có người cũng
có thân nhân đi theo cách mạng. Đó là một hôm có một người đàn ông về thăm quê
hương, sau khi ở nhà được vài ngày ông ấy đi thăm hàng xóm, thì gặp chúng tôi
chuẩn bị ăn cơm chỗ chị Thơi. Ông ta vừa
nói vừa chỉ tay về nhà đối diện với cổng nhà chị Thơi: “đó nhà tôi kìa, thế mà
có những lúc không dám về, không còn tin chính gia đình mình nữa. Ông ta chỉ
vào góc vườn và nói. Hồi đó luật 10-59 nó ghê lắm, tôi đã về đứng chỗ đó cả đêm
mà không dám vào nhà. Rồi đi từ đó đến nay mới về được đấy các anh à, đã mười
mấy năm rồi. Hồi đó người nhà không tin nhau: Cha không tin con, vợ không tin
chồng, anh không tin em vì sợ bị đòn tra tấn không chịu nổi, hoặc ngủ mơ mà nói
ra. Từ đó bao năm tôi ở Hà Nội bây giờ mới về đây”. Thế là tôi biết thêm một
gia cảnh.
Đến nay anh Loát còn cho tôi biết sau
này đất nước thống nhất chị Thơi đoàn tụ với chồng, thường xuyên ra thăm Hà
Nội, Ninh Bình, tình cảm của anh em B72 đã từng ở Tường
Vân với gia đình chị Thơi rất thân thiết. Điều này bây giờ tôi mới biết,
thảo nào tay Thoa cũng nói như vậy, nhưng chưa rõ ràng lắm. Không biết bao giờ
tôi mới gặp chị nhỉ, để kể chuyện chị chữa cơm khê giúp tôi ngày nào, chắc con
bé con của chị bây giờ cũng trên 40 tuổi rồi, hình như nó nhỏ hơn cái Bê vài
tuổi. Qua Loát tôi còn biết thêm ngày toàn đại đội đi từ Do Linh vào (Vị trí
Tân Lịch anh Loát gọi là Xóm Cầu, không biết những gì cần xác minh lại đây, vì
vùng này bây giờ người ta đã tách ghép đổi tên, thật khó xác định, cái tên Thị trấn Gio Linh được thành lập gồm một phần
diện tích của làng Hà Thượng, Lạc Tân, Lan Đình, Tân Lịch và Hà Trung theo
trang web
và không có chữ Xóm Cầu, thôi cái tên xóm đó
không quan trọng). Đến khi tới bờ bắc sông Cửa Việt anh Loát đề nghị chọn chỗ
sông rộng nhất là nơi nước chảy không siết chỗ này rộng tới 1040 mét, khi vượt
qua đây có chỗ chỉ tới ngực, ở giũa sông
có gioi cát, từ đó về sau đại đội 6 cứ lấy vị trí anh Loát chọn để làm bến vượt
để đì về giữa Do Linh và Cửa Việt, anh em trong đại đội còn gọi cái bến đó là
bến “Ông Loát”. Anh Loát thật gặp may, vì mùa này ở miền Trung không còn mưa
nữa, hơn nữa chắc cát đã bồi cho sông cạn
đi, chứ sau này tôi và anh Hùng vượt đoạn nhánh sông cụt từ Lượng Kim
sang vùng chốt, nước không chảy mà tôi bơi cả chiều ngang sông đều sâu quá đầu.
Không biết bây giờ dân ở đấy còn giữ tên
của bến đó là “Ông Loát” không. Nếu còn thì anh Loát thật vinh dự, và tên anh
đã được ghi vào tên sông tên nước. Qua
chuyện này cho thấy, anh Tuân đã không nghe ông trợ lý nọ bố trí các đại đội ở
phía Bắc sông Cửa Việt. Và như vậy cái truyên kia thật sự đã nói sai, nhưng họ
lấy thông tin ở đâu mà viết như vậy nhỉ?.
Ở Tường Vân tôi có một kỷ niệm đáng nhớ.
Vào một buổi sáng, tôi lấy khẩu AK ra lau, vì đã lâu không chùi rửa gì cho nó.
Sau khi tháo hết các bộ phận và lau chùi, tôi bắt đầu ráp vào. Bé Bê đã đến
ngồi trước mặt tôi xem, hỏi hết cái này đến cái kia. Lắp súng xong tôi lắp băng
đạn vào, theo thói quen như hồi huấn luyện tôi kéo khoá nòng rồi thò ngón tay
định néo cò. Nhìn thấy con Bê ngồi phía trước tôi giật mình bỏ tay ra, tháo
băng đạn rồi kéo khoá nòng, 1 viên đạn văng ra. Trời ơi, nếu tôi mà bóp cò, thì
tôi sẽ gây ra bao tội lỗi cả đời không rửa sạch. Bao nhiêu ngày sau, cứ nghĩ
lại giây phút đó tôi cứ ớn lạnh cả người. Đã 40 năm rồi, bé Bê bây giờ chắc đã
gần 46 tuổi. Không biết khi nào chú cháu gặp nhau để kể lại chuyện này, chắc
hồi đó cháu chẳng thấy nét mặt xám ngắt
vì sợ thót tim của chú đâu.
Những
ngày ở Lượng Kim
Ở Tường Vân cho đến 10 tháng 3 năm
1973, chúng tôi được biết quân nhân Mỹ phải rút khỏi Việt Nam. Cùng lúc
đó cũng biết được tại Đông Hà có trao trả tù binh. Rồi qua việc trao trả này mà
phát hiện được sự việc Tư Thoan. Cả sự tích hy hữu. một ông sư đoàn phó nào đó
bị bắt làm tù binh nhưng lại khai là anh nuôi mà địch vẫn bị lừa, cũng được
trao trả lúc đó. Sau ngày này, giữa tháng 3 năm 1973, tôi được lệnh chuyển đến
Lượng Kim (hình như anh Châu, anh Phượng vẫn ở Tường Vân với Dinh, Loát). Thế
là tôi đã ở Tường Vân hơn một tháng.
Tổ thông tin chúng tôi về ở chung nhà
với anh Thành đại đội phó ở Lượng Kim. Lượng Kim là một làng lớn và đông dân
hơn Tương Vân. Về đây được vài hôm thì anh Hùng cũng ra, thế là cả tổ thông tin
ở chung một chỗ. Còn công việc ở Dốc Miếu nghe anh Hùng nói, Thành (thông tin)
lo tất. Ở đây chúng tôi được chủ nhà bố trí cho ở bên mái hiên phải. Tôi để ý ở Quảng Trị bà con đều làm nhà theo
kiểu tứ trụ, nhà có 4 cột chính bằng gỗ chắc chắn, kê chân bằng đá, hai bên toả
ra thêm hai mái hiên. Chắc ở đây gần rừng nên bà con làm cột nhà toàn gỗ tốt. Anh
Thành kê mấy miếng gỗ làm phản nằm, còn 3 chúng tôi ngủ võng. Phía ngoài chân
phản anh Thành chúng tôi lấy gỗ kê thành một cái bàn nhỏ và đặt máy thông tin ở
đó. Nhà chúng tôi ở, nằm cuối làng Lượng Kim gần phía sông Cửa Việt. trước nhà
có con đường mòn ra các bãi gần các nhánh sông cụt. Sau nhà có con đường đi
quành về phía Triệu Độ. Ở đây khả năng lui tiến dễ hơn ở Tường Vân. Bên cạnh
nhà tôi phía trước là các nhà các anh em B3 đang ở. Anh Điến, anh Mằn cũng ở
một trong số các nhà ở đó. B3 lại được bổ sung thêm một trung đội phó; anh ấy
tên là Trần Hồng Quán, quê ở huyện Thường Xuân Thanh Hoá. Anh này cũng có thành
tích chiến đấu tại Quảng Trị, nghe nói đã được đăng trên báo mặt trận khi đánh
cứ điểm 241. Rồi Nguyễn Văn Cơ lâu nay vắng mặt cũng đã về, sau này nghe anh ấy
nói bị thương mới ra viện. Chủ nhà tôi ở là hai vợ chồng anh Tám, chị Tám, có
bà mẹ già và cô em gái 12 tuổi, cùng hai đứa con một gái một trai. Cô em gái
anh Tám tên là Bé, đứa con gái đầu tên là Hón, thằng em là Đái. Anh chị Tám
hiền lành. Có lần vừa ngồi nấu cơm tôi hỏi chị Tám sao chị lại đặt tến mấy cháu
là Hón, là Đái tên xấu quá?. Chị nói nhà nghèo đặt tên xấu cho nó dễ nuôi. Rồi
chị còn trả lời các thắc mắc của tôi, tại sao bí đỏ ở đây phải trồng giàn (vì
đất cát, nếu để trồng bí đỏ bò trên đất như ở miền Bắc, cây sẽ chết khô, không
quả) . Từ “Oộc gioộc là gì? (là xấu) ”
Hàng ngày đến phiên trực máy, vì không
có đồng hồ tôi lại tìm sóng nghe đài Hà Nội, nghe đài Sài Gòn; cho đến chương
trình gần giờ làm việc, nên không có radio tôi vẫn biết tin tức. Thời gian này
giữa ta và địch đang ở thế răng lược. Nhưng sau này nói chính xác hơn gọi là
thế da báo. Mỗi khi ở nơi nào đó có xung đột xảy ra, lại nghe đài Sài Gòn phát
bài hát mới do Phạm Duy sáng tác. Có lẽ số lượng bài hát Phạm Duy làm ra để
chống Cộng cũng nhiều. Cho nên sau này ông ta lưu vong, và muốn trở về có danh
có tiếng thì kể cũng khó nghe. Hàng ngày Đài Quân Đội Sài Gòn phát ra rả tin
tay trung tá nào đó tên là Tám Hà đã đầu hàng quân địch hồi năm Mậu Thân 68,
trong các buổi phát thanh chiêu hồi. Hàm của tay Tám Hà này gần đây tôi có nghe
thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn nói là
thiếu tá. Chắc sau khi đầu hàng địch, quân đội Sài Gòn đã thăng cho Tám Hà một
cấp nữa chăng?. Sau này tôi cũng biết Ngưyến Văn Bé của Đồng Tháp Mười cũng đầu
hàng địch, thật uổng công các nhạc sĩ, ca sĩ một thời đã chau chuốt ca ngợi anh
ta.
Mỗi
lần nhận được điện và trao cho anh Thành anh Điến, nếu có từ nào hớ hênh, dễ
gây nghi ngờ là anh chỉnh lại. Có lần ở Dốc Miếu bảo về lấy hàng gì đấy trong
điện có chữ “về”. Hoặc lần khác thông
báo điều gì đó liên quan đến Cửa Việt có chữ “ngoài”, chữ “ra”. Anh Điến thấy
vậy nói khi viết điện chỉ dùng chữ “đến” hoặc “tới” tránh dùng chữ định hướng như “ra”, “vào” , “trong”,
“ngoài”.
Loại máy thông tin của Trung Quốc hay
bị nhiễu do thời tiết, hôm nào mưa gió thì rất khó nghe, nhất là vùng sóng
thoại. Khi đó anh Điến nói, nếu không liên lạc được phải chạy chân. Lúc đầu
nghe nói vậy tôi thấy cũng ngài ngại. Nhưng sau nghĩ lại thấy anh nói rất đúng.
Khi các anh cần truyền tin mà bị trở ngại, đã yêu cầu đến chạy chân tức có vấn
đề quan trọng cần truyền tin thì bắt buộc không còn cách nào khác là làm như
vậy. Những ngày ở đây các anh cũng không “mang” cánh chúng tôi ra
thăm trận địa nữa.
Đến giữa tháng 3 năm 1973, tôi nghe nói
có C7 đã vào Quảng Trị, và có tin một trung đội đi lạc vào bãi mìn trên Dốc
Miếu, có bị thương vong. Vậy là B72 lại có lực lượng tăng cường. Phải nói là
hồi đó, các ban chỉ huy đại đội giữ tuyệt đối bí mật vị trí của các đại đội.
Nếu C15 có chốt ở Cửa Việt, thì mấy lần qua lại chốt và các vùng xung quanh tôi
chẳng thấy gì cả. Còn C 969 nữa các anh ở cánh nào cũng không rõ. Cũng trong
thời gian này Trần Thanh Hải được phong hàm thiếu uý, còn Trần Hồng Quán được
phong chuẩn uý, nhưng Quán có lẽ vẫn còn bị treo do lý do nào đó. Thật là ngẫu
nhiên cả hai anh đều là người Thanh Hoá. Hải vẫn ở B3 cho đến khi ra Bắc
Thời gian này tôi đã nhận được thư của
người yêu, thế là hơn một năm không tin tức, chúng tôi lại nhận được tin nhau.
Người yêu tôi đã vào học sư phạm. Lượng Kim cũng để lại cho tôi nhiều kỷ niệm,
nhất là đối với anh Hùng.
Có lần thấy ếch từ bờ các hố bom nhảy
loan xạ xuống khi tôi đi qua, tôi kể lại
với mọi người, anh Mằn nói: “ một con gà đồng bằng ba con gà nhà”, ăn ếch bổ
lắm. Sau đó vào một buổi chiều, cả tổ thông tin chúng tôi đi bắt ếch. Tôi thì
chịu không biết bắt, chỉ đi theo điếu đóm cho hai người kia. Đầu tiên tôi cứ
nghĩ tay Thoa là tay sát ếch, tôi tay cầm cái thùng gánh nước theo sau Thoa.
Chàng Thoa đi vòng quanh hố bom xờ xờ, mó mó bắt được ba con ếch, cũng tương
đối to, nhưng ếch nhảy xuống nước khá nhiều (dưới nước có nhiều thép gai, mảnh
sành không thể xuống dưới đó bắt đươc). Tôi đang đứng tần ngần nghĩ thế là hết,
thì anh Hùng nói: “anh Sự mang cái thùng
lại đây”. Tôi nhìn xuống, thấy tay Hùng cứ úp xuống bờ cỏ, là lôi ra một con
ếch, to nhỏ bất kỳ, cứ 30 phân hoặc nửa mét là được một con, đi vòng quanh hết
hố bom, được nửa thùng gánh nước ếch. Chiều đó cả nhà được bữa ếch xào với lá
lốt thoải mái.
Một hôm, đã gần tối, anh Hùng biết được
ở bên kía sông cụt gần phía chốt, tối đó sẽ có kịch do đoàn cải lương Trung Ương biểu diễn. Cả hai
đứa chúng tôi xin phép anh Thành đi xem. Nếu đi qua đập phải đi vòng hàng giờ
đồng hồ. Hai đứa đi ra bãi bờ nhánh sông cụt, đi qua đi lại tìm đò không thấy.
Hai đứa đành cởi quần áo cuộn lên đầu bơi sang, còn dép xỏ vào tay làm mái
chèo. Lúc đầu bơi chẳng việc gì còn cảm thấy dễ hơn bơi trong nước ngọt, mỗi
lần sải tay là người lướt đi nhẹ nhàng, phía trước lân tinh nước lợ cứ óng a,
óng ánh. Khi ra đến giữa sông, trời đã tối. Đột nhiên tôi cảm thấy trên đầu trống
trải, tôi sờ lên đầu thấy chẳng có gì, vậy là quần áo đã rơi rồi, tôi bơi quay
lại, vừa bơi vừa nghĩ : “có mỗi một bộ quần áo dài nên không thể bỏ được”. Quần
đi, quần lại, rồi thấy cái gì bồng bềnh cách khoảng 5 mét, bơi tới nơi, may quá
đúng là quần áo của tôi. Cũng may là nó nổi, do ướt nên tôi không thể quấn quần
áo lên đầu nữa, nên đành ôm vào tay bơi ngửa. Do bơi ngửa nên không định hướng
được lại trệch hướng, lại phải bơi trở lại. Đến lúc mệt tôi kêu Hùng, thì thấy
tiếng Hùng đã ở trên bờ. Khi cách bờ khoảng 5 mét. nhưng thòng chân xuống thấy
nước vẫn còn sâu, cứ nghĩ nó sâu như kiểu sông Mỹ Chánh ngày nào, tôi lại cố
đạp rướn hai cái nữa. Nào ngờ đạp cái thứ 2 thì đầu gối đụng phải bờ đất. Tôi
co chân bước lên, thấy có vẻ nông tôi đứng lên, nước chỉ cao tới đầu gối. Vậy
ra chỗ này bờ dựng đứng, tôi bước đi vào đến bờ đất thì quỵ xuống, đã hết sức,
nếu còn xa bờ độ chục mét nữa chắc tôi không thể bơi vào được mất, phải ngồi
nghỉ đến hơn chục phút tôi mới đứng dậy được.
Vở kịch được diễn là “Bạch Viên Tôn
Các”. Sân khấu kịch nằm ngay gần hàng rào giữa hai bên ta và địch, cho nên đến
đoạn nào có tiếng động lớn, người dẫn kịch, phải báo trước đoạn kịch tới có
tiếng động lớn bà con cứ bình tĩnh. Vở kịch cũng hay. Nghe nói, đoàn kịch còn
vào các chốt giữa hai bên ta và địch biểu diễn cho bộ đội xem. Lính Nguỵ cũng
đứng bên kia hàng rào ngó qua xem (Sau một thời gian hai bên ta và địch đã làm
hàng rào ngăn cách giữa hai bên). Sau buổi diễn hai chúng tôi thong thả đi vòng
theo bờ đập về nhà.
Một lần khác hai chúng tôi đi xem phim,
phim được chiếu ngay trong làng Lượng Kim, tôi dẫn mấy cháu con chị Tám cùng đi. Bộ phim được chiếu
là “Trần Quốc Toản ra quân”
Có những lúc rỗi, tôi và Hùng ngồi nói
chuyện với bọn trẻ, kể cả cái Bé nữa. Một hôm tôi và Hùng hỏi bọn trẻ: “Các
cháu có sợ chú không”; cái Hón nói chú là giải phóng cháu không sợ”. Tôi lấy mũ
tai bèo đội vào. hỏi: “giải phóng có phải thế này không”, cái Hón gật đầu. Tôi
lại hỏi: “Thế cháu sợ ai?”. Nó nói : “Việt Cộng”, tôi lại lấy cái mũ cối ra đội
hỏi: “có phải Việt Cộng đây không?”. Cái Hón lại gật đầu. Tôi nói: “chú là Giải
Phóng cũng là Việt Cộng, các cháu đừng sợ gì cả”. Tôi nhớ tới hồi còn học phổ thông, có bài nói về sự tuyên tryền
của Nguỵ quyền về quân ta bèn hỏi: “ Chú nghe nói hồi trước ở trong này nói 3
Việt Cộng níu cành thù đủ (đu đủ), không gãy phải không?”. Mấy đứa đều gật đầu.
Tôi cười nói: “bây giờ tụi bay chỉ cây thù đủ nào thật to để Việt Cộng Sự, hoặc
Việt Cộng Hùng đu thử xem có gãy không”. Thế là cả chú, cả cháu lăn ra cười.
Cái Bé còn kể ở trong này bọn “Thuỷ quân lục chiến” là tàn ác nhất, có lần
chúng đã vào làng Lượng Kim, đòi hỏi gì đó dân không chịu, chúng nó nói:”Nếu
không nghe chúng nó sẽ cho thụt Cà Nông vào làng”, và chúng đã làm thật. Chúng
tôi có nói về thuốc lá, thế là cái Bé được dịp trổ tài hiểu biết, chính vì kiến
thức của cái Bé tôi mới biết nhiều về thuốc lá (hồi đó tôi chưa biết hút
thuốc).
Thế
đấy ở với anh Đỗ Văn Hùng, tôi thấy cũng dễ chịu, anh nói không nhiều, hiền lành, cẩn thận. Còn anh
Thoa, tôi nghe anh ấy nói quê anh ở Đan Phượng Hà Tây, hình như đã có lần anh
nói trước khi đi lính đã là dân lái xe. Nên từ đó tôi cứ nghĩ, nếu ông này được
ra khỏi quân ngũ chắc phải bay nhảy khắp nơi. Thế mà hôm anh Kỳ cho tôi số điện
thoại của anh ấy. Tôi gọi điện cho anh Thoa, hoá ra anh ấy ở quê. Vợ anh ấy
cũng nói giọng Hà Tây đặc sệt. Như vậy là dù đi đâu con người ta trước sau gì
rồi cũng trở về quê cha đất tổ. Những chuyện ở Cửa Việt anh Thoa nhớ nhiều hơn
tôi.
Ở Lượng Kim một hôm ra bờ rào gần nhà
anh chị Tám, tôi tìm thấy nòng 1 khẩu M72, phần nhựa đã bị toét, phần đầu còn
miếng hợp kim tròn. Đã bao lâu có ý định làm một cái gì đó để kỷ niệm những
ngày ở chiến trường, thế là tôi nảy ra ý định làm cái ca uống nước. Kỳ cạch sau
một tuần mới hoàn thành. Cái ca đó cùng với cái dù pháo sáng là 2 kỷ niệm duy
nhất đánh dấu những ngày gian khổ của tôi thời đó.
(còn nữa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét