31 thg 3, 2013

Thư gửi Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo

       Bỗng nhiên tôi muốn viết cho ông Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo vài tâm sự về một con đường đang bàn cãi mấy hôm nay. Là một cựu sinh viên Ba lan, viết lại chuyện cũ, may ra có giúp được ông chăng.
       Hơn một năm trước, nghe tin ông từ Bắc Ninh về làm Chủ tịch UBND Tp Hà nội nhiều người rất mừng. Một quý vị tên là Đình Hiếu đã viết thư ngỏ trên báo Lao Động. Xin trích nguyên văn một đoạn
        “Khu vực nội thành được xây tối đa chiều cao bao nhiêu mét, tỉ lệ bao nhiêu? Lô đất diện tích tối thiểu là bao nhiêu mới được xây dựng? … Sau đó công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên trang Web của UBND TP để cho tất cả công dân và nhà đầu tư được biết và thực hiện. Khi đó chắc chắn tiêu cực nhũng nhiếu sẽ giảm tối đa.”
       Chính việc thiếu minh bạch trong quy hoạch đã làm lợi cho một số ít người quen chạy dự án, làm hỏng cán bộ công chức, gây thiệt hại cho xã hội. Người dân thủ đô không ai không xót xa trước những con đường với giá đắt nhất thế giới, nhưng Nhà nước thì không thu được gì cả vì trước đó nhiều năm quy hoạch đã được “bán” và những người biết trước quy hoạch đã nhanh chân mua trước những ruộng rau muống, ao hồ với giá rẻ như cho.
       Không hiểu lá thư ngỏ này có được ai để mắt đến không. Và nếu đọc thì những lời tâm huyết ấy có được nhớ đến khi ra quyết định cho những trung tâm thương mại cao 20-30 tầng ngay giữa Thủ đô Hà nội.
       Và đây là một bạn đọc từ Washington DC viết trên báo Tiền phong online đăng mấy hôm trước nhân chuyện đường 19-12: “Tổng thống Hoa Kỳ Thomas Jefferson (thời kỳ 1801-1809) luôn mơ ước Thủ đô Washington DC (Mỹ) là “Paris của người Mỹ”, nhà xây thấp, tiện lợi, phố rộng và sáng sủa. Quốc hội Mỹ đã thông qua qui định từ năm 1889, thủ đô DC không có tòa nhà nào được phép cao vượt nhà Quốc hội (cao 88m). Năm 1910, họ qui định thêm, chiều cao các tòa nhà không vượt quá chiều rộng của phố cộng với 6m. Ví dụ, đường phố trước mặt rộng 28m có thể xây nhà cao tối đa 34m (28+6). Vì thế, những building trong DC cao nhất chỉ khoảng 10-12 tầng. Đó là luật bất di bất dịch trong kiến trúc thủ đô Hoa Kỳ.”
       Qui định đó cách đây 120 năm, khi đó ông thị trưởng thành phố DC chắc chắn không thể có bằng cấp và trình độ như các vị lãnh đạo Hà nội bây giờ.
        Bác sỹ Trần Duy Hưng (là bác sỹ!) từng là chủ tịch TP Hà nội suốt từ 1954 đến 1977. Dù chuyển từ Thứ trưởng Y tế sang quản lý đô thị, bác sỹ Hưng rất thành công trong việc giữ gìn qui hoạch tổng thể thủ đô. Khu nhà lắp ghép bên Giảng Võ hay Thành Công được qui hoạch rất cẩn thận. Không có chuyện cơi nới bừa bãi trong nội thành. Không cao ốc nào được xây hay xây xen. Tầm nhìn của người trí thức từ thời Pháp như bác sỹ Trần Duy Hưng đáng kính nể.
        Chuyện hoài niệm. Người viết bài này từng du học ở Ba lan những năm 1970, thời ông Chủ tịch Hà nội là sinh viên đại học kiến trúc. Không chừng chúng ta từng đá bóng với nhau trên sân Warsaw hay gặp trong một dạ hội sinh viên nào đó.
       Tôi tin ông Thảo đã đến Krakow chứng kiến nơi đây người Ba Lan đã giữ phố cổ như thế nào. Khu trung tâm, lâu đài Wawel bên sông Vituyn, những nhà thờ có từ hàng mấy trăm năm với dãy phổ cổ kính được giữ gần như nguyên vẹn. Xin gửi một tấm ảnh, có thể gợi những hoài niệm đẹp đẽ về một xứ sở mà ông có dịp chiêm ngưỡng dưới con mắt nhà nghề KTS. Không một nhà cao tầng, không bê tông kính hiện đại. Tất cả được giữ nguyên như thuở Krakow được sinh ra cách đây mấy trăm năm.
      Thủ đô Warsaw đã bị tàn phá 90% sau chiến tranh thế giới thứ hai. Người Ba lan phải tìm từng viên gạch để xây dựng lại lâu đài cổ để thế hệ trẻ biết về quá khứ văn hóa quí tộc lâu đời.
     Tòa nhà đồ sộ Ba lan là Cung Văn hóa và Khoa học (Pałac Kultury i Nauki) cao 230m giữa Thủ đô do lãnh tụ Stalin tặng năm 1957. Tôi đã học trong đó 5 năm liền nên biết từng ngõ ngách.
      Tuy nhiên, hỏi bất kỳ người Ba lan nào về nơi đây đều nhận được cái lắc đầu. Họ không muốn nói về tòa nhà “Lomonosov – Moscow” ấy, dù nó cao vút trời xanh, là quà tặng, nhưng không phải là niềm tự hào kiến trúc Ba lan. Họ cố xây thêm vài cao ốc bên cạnh nhưng không thể lấn át được Cung Văn hóa. Sai lầm của người lãnh đạo Warsaw trong quá khứ đã để thế hệ hôm nay hứng chịu. Muốn phá đi không được, để lại thì như một cái gai nhức nhối giữa trung tâm.
      Quay lại chuyện Hà nội. Nếu trích dẫn những góp ý trên truyền thông hay tại các hội họp, định hướng cho Hà nội đẹp hơn trong những năm gần đây, có thể in được vài chục cuốn sách. Phải chăng những lời ấy như gió thoảng bay.
      Kết cục hôm nay, chắc các ông đang rất khó khăn khi quyết định số phận cho chợ 19-12 sau khi 500 tiểu thương đã về chợ tạm Phùng Hưng. Họ đợi ngày quay về tòa nhà 17 tầng hoành tráng. Nếu phải dừng dự án TTTM và tôi là một trong những tiểu thương kia sẽ nổi điên. Đặt số phận của 500 người và gia đình họ trước một sự đã rồi là điều lãnh đạo thành phố không mong muốn.
     Tểu thương và nhà đầu tư cương quyết “một tấc không đi, một ly không rời”. Thư của bà Nguyễn Thị Thịnh, Chi hội trưởng chi hội phụ nữ chợ 19/12, có rất nhiều từ “kiên quyết” và gọi những góp ý trái chiều với bà là “luận điệu”, chứng tỏ độ nóng đã lên đến tột độ.
    Tuy nhiên, biến một địa điểm liên quan đến ngày toàn quốc kháng chiến 19-12 thành cao ốc đang làm cho những người chót đặt bút ký phải mất ngủ. Người yêu Hà nội, tôn trọng lịch sử muốn giữ lại con đường 19-12 hay biến thành công viên.
     Nếu như mọi qui hoạch được minh bạch và “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” chắc không đến nỗi như hôm nay. Khổ nỗi dân chỉ biết khi mọi việc đã an bài. Dân chỉ được bàn khi quyết định đã được ký. Dân còn làm và kiểm tra gì nữa.
    Trung tâm thương mại xây lúc nào và ở đâu cũng được. Sự kiện lịch sử chỉ xảy ra một lần và một nơi, không bao giờ nhắc lại. Nếu đánh mất lịch sử nghĩa là vĩnh viễn.
   Thủ đô mừng vì ông Chủ tịch đã biến nhiều mảnh đất thành công viên, chặt ngọn nhiều tòa nhà cao tầng vì vi phạm. Với tầm nhìn của một KTS từng du học Ba lan có nền kiến trúc quý tộc, mong ông tìm được hướng ra hợp lý cho đường phố lịch sử 19-12.
   Lẽ ra, tôi không nên viết thêm về kỷ niệm Krakow xinh đẹp vì biết ông rất bận. Nhưng hôm nay, lẽ chẳng đừng, đành phải cầm bút. Mong ông định hướng cho Hà Nội tránh những sai lầm về kiến trúc đô thị hay tạo ra những “kiệt tác” như người Ba lan không muốn nhắc đến Cung Văn hóa giữa Warsaw. Xin đừng thêm những cái gai giữa lòng Hà nội cổ.
     Chợ 19-12 từng là nghĩa trang của bao người không tên tuổi, không ngày tháng, nơi của những oan hồn không khói hương. Phần đông số họ đã đổ máu, hy sinh để cho chúng ta có cuộc sống hôm nay. Họ cần được biết ơn xứng đáng.
     Nếu hiểu và nghe được thế giới tâm linh, rất có thể những người ngã xuống nơi đây cũng muốn nói “Xin để lại một con đường, một công viên”. Ông Thảo có tin là nhiều người trong chúng tôi đang nghe thấu lời non nước của những linh hồn ấy.
     Thiển nghĩ, sau khi đọc những góp ý của những người yêu Hà nội đắm say, ông Chủ tịch sẽ ra được quyết định đúng đắn và không thỏa hiệp. Chúc ông may mắn.

honngv: Hãy đừng để như đã làm biến mất vườn hoa đào Nhật Tân .... 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét