31 thg 3, 2013

"Không thể không lo"

Một số ý kiến của bạn đọc sau khi đọc bài "Không thể không lo" trên báo Thanh Niên

Báo Thanh Niên ra ngày chủ nhật 24.3.2013 trong mục Lăng kính cuối tuần (trang 1) đã đăng bài Không thể không lo. Bài này trên blog nhà có tít Đó mới chính là sự suy thoái, thưa ông Tổng bí thư. Hàng trăm bạn đọc báo Thanh Niên đã gửi ý kiến bày tỏ sự lo lắng, bức xúc trước những vấn đề mà bài báo nêu. Xin nhặt ra đây một số ý kiến của bạn đọc.

NHỮNG SUY NGHĨ TỪ BẠN ĐỌC

Lương Tri
Trong thời kỳ "bao cấp", chúng ta tuy đói kém thiếu thốn một chút nhưng mọi người đều trọng chữ "danh", mỗi con người khi làm bất cứ việc gì cũng phải nghĩ đến uy tín gia đình và bản thân, từ cấp trên đến cấp dưới không ai có quyền được hưởng lợi lộc hơn ai. Tôi không đề cao thời bao cấp nhưng chính thời đó nó đã để lại trong chúng ta, những người sống trong giai đoạn ấy biết trọng danh dự của bản thân và gia đình mình, người lính khi ra chiến trường luôn nung nấu trong lòng một ý chí sắt đá “chết xanh cỏ, sống đỏ ngực”, không bao giờ đầu hàng, khuất phục trước những khó khăn, gian khổ. Người ở hậu phương sẵn lòng nhịn ăn, nhịn mặc để đóng góp của cải cho tiền tuyến với lòng tin sắt đá vì một ngày mai chiến thắng, không ai nghĩ rằng minh phải đút lót cho ai để mưu cầu tiến thân, ai làm gì sai sót một chút đều bị dư luận lên án, bản thân người sai sót cảm thấy mình lạc lõng và tự xấu hổ để rồi sửa đổi cho mình tốt hơn.

Còn bây giờ, do đâu mà có nhiều chuyện tiêu cực trong xã hội như bài báo nêu lên? Tôi nghĩ rằng, chính sự vô cảm của xã hội ngày nay đã đẩy nhiều con người sa vào vòng tội lỗi, chính chúng ta đã vô cảm với mọi tiêu cực nảy sinh. Chúng ta chỉ nhăm nhăm vào những vấn đề phát triển kinh tế mà bỏ qua việc giáo dục nhân cách làm người cho lớp trẻ, chính quyền thờ ơ trong quản lý xã hội, giáo dục không quan tâm đến dạy cho lớp trẻ cách làm người, tôi vô cùng đau lòng khi chứng kiến một đứa trẻ lên 7 tuổi đã biết nói với mẹ rằng "mẹ ơi hãy cho quà cho cô giáo nhân ngày 20.11 để cô giáo đừng ghét con”, vậy thì chúng ta tin cậy vào ai, tin cậy vào cái gì đây để rồi hòng mong được một xã hội tốt hơn nếu chúng ta chỉ nhăm nhăm nhìn vào những con số, những bản báo cáo rỗng tuếch hàng năm đưa ra ở mỗi địa phương, ban ngành?".

V.Tính
Lo lắm đi chứ! Đạo đức gia đình xã hội bị băng hoại xuống trầm trọng rồi! Ra đường thấy người bị nạn không cứu giúp còn nhảy vô hôi của, hàng xóm xích mích đến can ngăn còn bị chửi, thầy cô giáo lỡ mạnh tay với học trò thì bị phạt 5 triệu?! Đâm ra xã hội này bị thói thờ ơ vô cảm ngự trị mất rồi sao?!

Võ Tấn Điền
Nguyên nhân chính là tiền, ngày nay cái gì cũng xã hội hóa thì tiền sẽ là sức mạnh cho mọi người. Người chồng là trụ cột của gia đình mà làm không ra tiền thì sinh ra rượu chè, còn kẻ có tiền thì bia bọt gái gú. Đó là đặc tính của nền kinh tế hiện nay. Dù có các nhà tâm lý giáo dục tâm huyết đến đâu cũng không thể lay chuyển ý thức khi người ta nghĩ bằng mọi giá phải có tiền.

Đỗ Quang Đán
Mỗi gia đình là một tế bào của xã hội. Gia đình tốt thì xã hội tốt. nhưng gần đây nhiều chuyện quá buồn trong cái gọi là tổ ấm, là gia phong đang có chiều bất ổn, Vợ đốt chồng, con trai đốt cả nhà, rồi hãm hại nhau trong anh em ruột thịt. Đất nước lo bao việc, nhưng Ko thể Ko lo mối lo này như bài viết trong "Chào buổi sáng". Vấn đề nằm ở đâu? Ở cái nếp nhà bị đồng tiền cậy uy làm chao đảo, hay ở cái gia phong trên bảo dưới chẳng còn nghe. Trong nhà mất đi cái nếp thì hệ lụy khôn lường. Ngó lơ cái nhỏ , sẽ dễ quên luôn cả cái hệ trọng hơn. Con quay lưng với cha mẹ. Vợ quay mặt với chồng. Nhìn xem ngày càng nhiều vụ ly hôn thì đó là tổ ấm có chuyện. Lớp trẻ giờ coi hôn nhân nhẹ nhàng nên tổ chưa đủ ấm đã lại lạnh. Rất nhiều chuyện đau lòng bởi lý do chả đâu vào đâu, Chỉ quá chén say một tý cũng án mạng rồi. Bao cuộc tình tay ba, tình công sở cũng sinh chém giết, rồi dằn mặt nhau trong làm ăn ôi bao chuyện quá buồn! Xây dựng gia đình văn hóa mới mà ông tổ trưởng dân số đầu năm ấn vào tờ ĐK, cuối năm trao cho tờ chứng nhận Gia đình văn hóa chả biết gia đình đó có văn hóa hay Ko?
................

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét