Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc bao
nhiêu năm nay, dù hình thức là hữu nghị, 4 tốt 16 chữ vàng nhưng thực chất luôn
căng thẳng, thậm chí đối địch, tiềm ẩn quá nhiều bất ổn. Nguyên do thì nhiều,
nhưng có thể thấy rõ trước hết là bởi những mưu đồ, dã tâm của giới cầm quyền
Trung Quốc, ngoài ra là do cách ứng xử "khôn khéo" của những người
đang lãnh đạo Việt Nam .
Phải nhìn cho rõ để xác nhận bản chất của vấn đề, chứ không phải cái gì cũng đổ
tại "thùng rác" Trung Quốc.
Xét về bản chất, từ bao lâu nay, ý
đồ mở rộng lãnh thổ, bành trướng trên biển, thực hiện mộng bá quyền (thực chất
là đế quốc) của giới cai trị Trung Quốc không hề thay đổi. Càng về sau càng lộ
rõ. Và rõ nhất là khi những kẻ đóng mác cộng sản nắm quyền thống trị xứ ấy. Chỉ
có điều chúng có sách lược tinh vi, biết che đậy đánh lừa dư luận, cương nhu
đầy đủ, bài bản rõ ràng. Mức độ ngày càng tăng, bản chất ngày càng nghiêm
trọng, hành động ngày càng dồn dập, ý đồ ngày càng lộ rõ. Những hành vi, vụ việc
xâm chiếm lãnh thổ, chủ quyền Việt Nam là chứng minh hùng hồn nhất, không thể
chối cãi về thủ đoạn "miệng nam mô, bụng một bồ dao găm" của bè lũ
cầm quyền Bắc Kinh.
Quan hệ "anh em" giữa hai
nước được xác lập từ năm 1950 nhưng ngay sau đó Trung Quốc đã công khai bộc lộ
ý đồ thôn tính Hoàng Sa, qua bản tuyên bố về hải phận (năm 1958). Thì cứ cho
lúc bấy giờ do hoàn cảnh nên chúng ta đã không thể phản ứng (chứ điều này thì
lịch sử đã phán xét rồi), tạm thời không trách những nhà lãnh đạo cộng sản Việt
Nam
khi ấy. Tiến thêm bước mới, năm 1974, thấy miền Bắc không tỏ thái độ rõ ràng,
Trung Quốc hoàn tất việc chiếm trọn Hoàng Sa. Năm 1975, Trung Quốc chiếm tiếp
một số đảo trong quần đảo Trường Sa khi ấy hoàn toàn thuộc chủ quyền nước Việt Nam anh em, tức
là Bắc Kinh xác định hướng nam tiến rất rõ ràng. Đỉnh điểm năm 1988 Trung Quốc
xua quân chiếm đảo Gạc Ma, đảo quan trọng chiến lược nhất trong một cụm đảo của
quần đảo Trường Sa. Điều rất khó hiểu là khi đó Gạc Ma hoàn toàn thuộc chủ
quyền Việt Nam trên cả thực tế lẫn pháp lý, nhưng người anh em Trung Quốc chiếm
mà Việt Nam chỉ phản ứng rất yếu ớt. Từng hãnh diện có lực lượng hải quân hùng
mạnh sau chiến thắng 75, vậy mà các nhà lãnh đạo thời ấy không dám ra lệnh phản
công chiếm lại đảo, để đảo bị mất đến tận bây giờ. Một ông em tôi, thượng tá
công an (trên blog Kha Trà Phương) đã đặt lại vấn đề mà tôi thấy rất có lý: Ai
phải chịu trách nhiệm về việc mất đảo Gạc Ma, lịch sử cần nêu rõ, biên lại cụ
thể khách quan, không thể lờ tít tìn tịt, ù xọe mãi. Sau khi đã hoàn chỉnh
chiến lược chiếm biển Đông, nhiều năm trở lại đây, Trung Quốc liên tục khiêu
khích Việt Nam, xua tàu dân sự ra vi phạm chủ quyền, bắt ngư dân, bắt tàu đánh
cá, cắt cáp dầu khí, tuyên bố lập thành phố Tam Sa, tổ chức tuyến tua du lịch,
khẩn trương xây dựng cơ sở hạ tầng, đưa giàn khoan ra biển Đông, tăng cường lực
lượng hải giám, hải quân... Trước kia, những tranh chấp giữa hai nước phần lớn
chỉ xoay quanh vấn đề Hoàng Sa (bởi Trường Sa đương nhiên thuộc chủ quyền Việt
Nam) thì càng về sau càng chuyển hướng đậm về Trường Sa. Trung Quốc đã cố ý coi
Hoàng Sa là của họ, không có gì bàn cãi nữa, giờ chỉ cần "giao thiệp"
với nhau về Trường Sa thôi. Rõ ràng trong sự lấn lướt của Trung Quốc có phần
trách nhiệm của nhà cầm quyền Việt Nam . Mềm nắn rắn buông. Cứ mềm mãi
nên phải chịu lùi.
Lạ là, khi thực tế sờ sờ như vậy,
vẫn có những vị tỏ vẻ có "đầu óc chiến lược" khôn ngoan hơn người,
lên giọng mắng mỏ người khác, đại loại "thế các ông muốn gì, muốn chiến
tranh chắc?". Hỏi chi hỏi lạ. Ai chả muốn hòa bình, ai chẳng ghét chiến
tranh. Chả nhẽ chỉ có mấy vị là muốn hòa bình thôi ư? Thời nhà Trần thế kỷ 14,
thế giặc mạnh, không ít vị vương công tột đỉnh, bộ mặt triều đình, như Trần
Kiện, Trần Ích Tắc đã chả khuyên thế thủ, cầu hòa, đầu hàng đó sao. Lúc ấy thiên
hạ có mấy ai dám chê các ả Trần. May mà cấp cao hơn của vương triều Trần đã
nhận ra chân tướng họ. Còn nhiều vị lãnh đạo ngày nay bám lấy chủ trương khôn
khéo, mềm dẻo, cố gắng duy trì hòa bình, ổn định. Vì đại cục, không sử dụng vũ
lực. Ta cao đạo thế nhưng Tàu nó không thế. Nó cứ muốn đẩy ta mãi đến cùng
đường. Chúng không cho ta yên ổn. Vậy thì cái sự ổn định chông chênh, bị tấn
công liên tục đó ai dám bảo đảm là nó sẽ ổn định.
Trung Quốc đã không thèm đếm xỉa đến
sự khôn khéo của Việt Nam .
Việc dùng tàu hải quân bắn cháy tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam ngày 20.3
là liều thuốc thử của họ. Có lẽ nhà cầm quyền Trung Quốc đã mừng khi thấy sự
phản ứng chậm chạp, yếu ớt của Việt Nam . Thay vì phải lên tiếng phản
đối ngay sau khi nắm được vụ việc, mãi 2 ngày sau người phát ngôn của Việt Nam
mới lên tiếng, thậm chí báo Tiền Phong phải lột bài đã đăng. Điều cần làm ngay
thì không làm, nhưng Việt Nam lại rất nhanh chóng trao tiền giúp ngư dân bị
nạn, tặng huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm, tuyên truyền ca ngợi việc bảo vệ lá cờ
khi tàu bị cháy cabin... Tất cả những điều đó đều cần, nhưng chỉ có giá trị với
chính chúng ta, chứ không mảy may tác động đến Trung Quốc để làm thay đổi hành
vi của họ. Chúng ta chỉ nhanh thứ không cần nhanh, và rất chậm điều đừng để
chậm. Khi sử dụng hải quân, Trung Quốc đã quyết định đụng đến điểm chạm nguy
hiểm có thể nổ bùng phá tan mối quan hệ mà họ không cần giữ nữa. Sự phản ứng
yếu ớt của Việt Nam cũng sát
sạt vào điểm chạm không có lợi cho chính Việt Nam : thế giới xem thường, dân chúng
mất lòng tin, Trung Quốc được đà lấn tới.
Chả ai muốn chiến tranh, nhưng phải
giữ được tư thế của một dân tộc, một quốc gia. Dư luận thế giới sẽ không ủng hộ
ta khi ta nổ súng trước, nhưng sẽ đồng tình, đứng về phía ta khi ta cứng cỏi
không chịu cúi đầu khuất phục trước Trung Quốc. Nó bắn cháy tàu ta, trên vùng
biển chủ quyền ta, ta có quyền tự vệ, bắn trả, phản công. Cứ sợ nó khiêu khích,
lấy cớ để làm càn thì kéo dài sự sợ hãi khiếp nhược đến bao giờ. Hùm sói có khi
nào chê thịt. Hay là đợi đến khi mạnh, đủ lực để chống chọi. Mình mạnh, nó
không mạnh chắc? Mình đi tắt đón đầu, nó chấp nhận đi đường vòng ôm đuôi
chắc? Sao chẳng nhớ lời dạy của cụ Hồ
"chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng
nhân nhượng thì thực dân Pháp càng lấn tới... Không, chúng ta thà hy sinh tất
cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào, chúng
ta phải đứng lên" (Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến- 1946). Và xin các vị
"yêu hòa bình" trước khi dậm dọa người khác "muốn chiến tranh chắc?"
hãy ngẫm câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên:
"Hỡi những tấm lòng lạnh tanh máu cá
Những nhiệt tình xuống quá độ âm
Có nghe tiếng ngư lôi và cao xạ
Giặc đến đánh ta thì ta đánh trả
Giữ hòa bình phải đâu bằng mọi giá
Giá hòa bình là quật ngã bọn xâm lăng" (Sao chiến
thắng)
Quật ngã bọn xâm lăng. Đó là sự khôn
khéo nhất để giữ hòa bình, một nền hòa bình đích thực. Đừng tự ru ngủ mình và
nhân dân mình nữa.
30.3.2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét