25 thg 9, 2013

Vài suy nghĩ sau khi đọc bài "4 băn khoăn gửi Ông Nguyễn Lân Dũng"

Nguyễn Thanh Hà
Một trong những bài viết có nhiều thú vị hấp dẫn tôi trong những ngày vừa qua là bài "4 băn khoăn gửi ông Nguyễn Lân Dũng" của tác giả Hữu Quả, một trong những "đồng nghiệp" chí cốt của tôi những năm còn tham gia công tác. Nay đã gần 80 tuổi về hưu hàng chục năm rồi bỗng lại được "gặp" Hữu Quả bởi những bài viết khá sâu sắc của anh.
 
Trước hết, xin tiết lộ: tôi sống ở quê đã nhiều chục năm, rất gần dân, hòa vào dân, nhất là nông dân và có chút "thơm lây" khi biết để kính trọng vô cùng gia đình nhà giáo Nguyễn Lân ở xã Phùng Chí Kiên, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, chỉ cách thôn tôi một cái bụi tre. Ngày nay, nhiều con đường bê-tông nông thôn đã được làm thông từ xã tôi sang Phùng Chí Kiên, nghĩa là sang quê Cụ Nguyễn Lân, một nhà giáo tiêu biểu, đã sinh ra nhiều giáo sư tiến sĩ hoạt động trên nhiều lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, trong đó có nhà khoa học Nguyễn Lân Dũng, đã ba khóa liền là đại biểu quốc hội ở ba địa phương khác nhau. Nguyễn Lân Dũng là một nhà khoa học nổi tiếng, là một người hoạt động xã hội xuất sắc và đã có những phát biểu mạnh mẽ, sâu sắc về các vấn đề của đất nước. Tiếng nói chính thống và phản biện của Nguyễn Lân Dũng thường đi vào lòng người nghe, người đọc, có nhiều ấn tượng khó quên. Tuy nhiên, hình như có cái "vòng Kim Cô" vô hình nào đó đã "bắt buộc" Nguyễn Lân Dũng nói những điều mà cựu nhà báo Hữu Quả nêu lên trong bài viết của mình đăng trên mạng "Quê choa" làm cho tôi thêm băn khoăn suy nghĩ. Hoạt động khoa học trên đất nước ta giai đoạn nào cũng có nhiều khó khăn, nhiều khi nó phải phục vụ mục đích chính trị một cách "trung thành" nên "tính khoa học có khi bị mờ nhạt" Không phải chỉ trong lĩnh vực hoạt động khoa học, nghiên cứu khoa học cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội chưa thật được coi trọng, chưa bảo đảm tính chất độc lập khách quan mà còn phải lệ thuộc vào rất nhiều thứ. Mặt khác, lâu nay, giới cầm quyền cũng chưa thật coi trọng đúng mức các nhà trí thức hoạt động khoa học, nên có nhiều lãng phí chất xám, có một số nhà khoa học tên tuổi lại cứ phải tìm cách "ra nước ngoài" mới có điều kiện phát huy tài năng của mình. Đã có một dạo, vì nặng "chủ nghĩa thành phần" nên đưa "công nông" lên nắm các vị trí lãnh đạo nói chung, lãnh đạo khoa học nói riêng, phần nào đã không thể khai thác và phát huy được trí tuệ của các nhà khoa học. Mặt khác, còn có nhiều ràng buộc khác nữa. Tôi có một cô con gái nhận làm "con nuôi" hiện là "phóng viên có cỡ" của một tờ báo quốc doanh, thích lăn vào thực tế, và chứng kiến nhiều vẫn đề cuộc sống đặt ta, muốn viết lắm nhưng vì "miếng cơm manh áo của bản thân và con cái" nên vẫn phải làm theo "ba-rem" định sẵn.