Nguyễn Thanh Hà
Một trong những
bài viết có nhiều thú vị hấp dẫn tôi trong những ngày vừa qua là bài "4
băn khoăn gửi ông Nguyễn Lân Dũng" của tác giả Hữu Quả, một trong những
"đồng nghiệp" chí cốt của tôi những năm còn tham gia công tác. Nay đã
gần 80 tuổi về hưu hàng chục năm rồi bỗng lại được "gặp" Hữu Quả bởi
những bài viết khá sâu sắc của anh.
Trước hết, xin tiết lộ: tôi sống ở quê đã nhiều chục năm, rất
gần dân, hòa vào dân, nhất là nông dân và có chút "thơm lây" khi biết để
kính trọng vô cùng gia đình nhà giáo Nguyễn Lân ở xã Phùng Chí Kiên,
huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, chỉ cách thôn tôi một cái bụi tre. Ngày
nay, nhiều con đường bê-tông nông thôn đã được làm thông từ xã tôi sang
Phùng Chí Kiên, nghĩa là sang quê Cụ Nguyễn Lân, một nhà giáo tiêu biểu,
đã sinh ra nhiều giáo sư tiến sĩ hoạt động trên nhiều lĩnh vực khoa học
tự nhiên và khoa học xã hội, trong đó có nhà khoa học Nguyễn Lân Dũng,
đã ba khóa liền là đại biểu quốc hội ở ba địa phương khác nhau. Nguyễn
Lân Dũng là một nhà khoa học nổi tiếng, là một người hoạt động xã hội
xuất sắc và đã có những phát biểu mạnh mẽ, sâu sắc về các vấn đề của đất
nước. Tiếng nói chính thống và phản biện của Nguyễn Lân Dũng thường đi
vào lòng người nghe, người đọc, có nhiều ấn tượng khó quên. Tuy nhiên,
hình như có cái "vòng Kim Cô" vô hình nào đó đã "bắt buộc" Nguyễn Lân
Dũng nói những điều mà cựu nhà báo Hữu Quả nêu lên trong bài viết của
mình đăng trên mạng "Quê choa" làm cho tôi thêm băn khoăn suy nghĩ. Hoạt
động khoa học trên đất nước ta giai đoạn nào cũng có nhiều khó khăn,
nhiều khi nó phải phục vụ mục đích chính trị một cách "trung thành" nên
"tính khoa học có khi bị mờ nhạt" Không phải chỉ trong lĩnh vực hoạt
động khoa học, nghiên cứu khoa học cả khoa học tự nhiên và khoa học xã
hội chưa thật được coi trọng, chưa bảo đảm tính chất độc lập khách quan
mà còn phải lệ thuộc vào rất nhiều thứ. Mặt khác, lâu nay, giới cầm
quyền cũng chưa thật coi trọng đúng mức các nhà trí thức hoạt động khoa
học, nên có nhiều lãng phí chất xám, có một số nhà khoa học tên tuổi lại
cứ phải tìm cách "ra nước ngoài" mới có điều kiện phát huy tài năng của
mình. Đã có một dạo, vì nặng "chủ nghĩa thành phần" nên đưa "công nông"
lên nắm các vị trí lãnh đạo nói chung, lãnh đạo khoa học nói riêng,
phần nào đã không thể khai thác và phát huy được trí tuệ của các nhà
khoa học. Mặt khác, còn có nhiều ràng buộc khác nữa. Tôi có một cô con
gái nhận làm "con nuôi" hiện là "phóng viên có cỡ" của một tờ báo quốc
doanh, thích lăn vào thực tế, và chứng kiến nhiều vẫn đề cuộc sống đặt
ta, muốn viết lắm nhưng vì "miếng cơm manh áo của bản thân và con cái"
nên vẫn phải làm theo "ba-rem" định sẵn.
Trở lại bài báo của Hữu Quả "băn khoăn về những điều Nguyễn
Lân Dũng trả lời BBC vừa qua, tôi rất đồng tình với Hữu Quả, tức là đồng
tình với "Quê choa". Thứ nhất, tôi xin nhắc lại: Nguyễn Lân Dũng cho
rằng không nên sốt ruột về kết quả chưa được như mong muốn của Đảng và
của nhân dân về chống tham nhũng. Vì Đảng lo lắm, nếu không quyết liệt
chống tham nhũng, để tham nhũng có cơ hội hoành hành thì bản thân tham
nhũng chủ yếu là trong Đảng sẽ làm "mất đảng" chứ không phải thế lực thù
địch nào cả. Với tổ chức chặt chẽ và đang còn mạnh (dù chỉ là hình
thức), tôi khẳng định rằng chẳng có thế lực thù địch nào có thể "phá"
hoặc làm "sụp đổ" Đảng ta được mà ngược lại chính tham nhũng, lãng phí,
quan liêu, xa dân, ức hiếp dân, làm giầu bất chính và nhiều sa đọa khác
sẽ làm mất chế độ mà mất chế độ là mất đảng, chứ nhân dân thì vẫn cứ là
"vạn đại", mất chế độ này thì nhân dân xây dựng chế độ khác tốt đẹp hợp
lòng dân hơn. Tôi cho rằng chính Đảng, nhất là những nhà lãnh đạo chóp
bu mới "sốt ruột" hơn khi thấy chống tham nhũng chưa đâu vào đâu. Trong
tham nhũng hiện nay chủ yếu là tham nhũng đất đai. Cái vị "sở hữu toàn
dân" không thể quản lý nổi đất đại, chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho
những kẻ tham nhũng đất đai. Tham nhũng đất đai rồi thì người ta không
chịu sử dụng cho ra của cải vật chất phục vụ xã hội mà rất nhiều chỗ,
nhiều nơi, khi đất đai béo bở vào tay các "quan tham nhúng" rồi thì lại
"mọc cỏ" hoặc chẳng để làm gì. Xã tôi có 1170 mẫu Bắc Bộ ruộng canh tác,
đã chuyển nhượng cho doanh nghiệp 85% diện tích, nhưng đến nay chỉ có
vài ba ông doanh nghiệp sản xuất cầm chừng. Hai ông doanh nghiệp "to
đùng" chiếm hơn 200 ha đất "bờ xôi ruộng mật" 7 năm rồi chưa làm gì cho
ra của cải vật chất cho xã hội. Trong khi đó lợi dụng "chuyển nhượng mặt
bằng" cho công nghiệp hóa, ê-kíp cán bộ xã ai cũng có "vốn đất" có
người có hàng chục xuất, có thời gian lên một tỷ đông một xuất 100 mét
vuông ! Hiện giờ, sau 13 năm, một doanh nghiệp chiếm hơn 8,5 mẫu đất
giáp quốc lộ làm mấy cái nhà có vẻ công ty những chỉ để nuôi chuột và
"chờ giá".
Điều băn khoăn thứ hai mà nhà báo Hữu Quả nêu lên là ông
Nguyễn Lân Dũng "tin tưởng lắm". Nói như ông Dũng Nguyễn Lân chưa đúng
thực chất vấn đề. Lòng tin của dân chung đã và đang bị xói mòn, thậm chí
nhiều nơi, nhiều chỗ đã và đang bị vỡ. Lòng tin ư? Lòng tin lấy từ đâu
nhỉ. Có cái gì để chứng tỏ lòng tin. Trong cương lĩnh đầu tiên, ông Trần
Phú nêu bật hai vấn đề "cốt tử" là lãnh đạo nhân dân chống đế quốc (lúc
đó chủ yếu là đế quốc thực dân Pháp) để giành lại đất nước, giành độc
lập tự do. Điều này ta đã làm được và lịch sử đã ghi công. Chiến lược
thứ hai là chống phong kiến, địa chủ giành lại ruộng đất cho nông dân,
thực hiện "người cày có ruộng". Hai vấn đề chiến lược ấy đã có sức hút
mạnh mẽ, nhân lên sức mạnh tổng hợp của nhân dân để tiến hành hai kháng
chiến, hi sinh hàng chục triệu người, và củng cố lòng tin của dân vào sự
lãnh đạo của Đảng. Nhưng...nhưng rất tiếc là công lao của Đảng không
được Đảng tiếp tục phát huy, mà có thể nói có nhiều chính sách đã phản
lại chính Cương lĩnh đầu tiên của mình, làm cho dân chúng nghi ngờ và
dần dần mất lòng tin. Còn thực tế, sự suy thoái "của một bộ phận không
nhỏ" đảng viên thì thật sự làm cho nhân dân, quần chúng không còn tin
nữa. Vậy mà ông Nguyễn Lân Dung vấn hô vàng "tin tưởng lắm" không đúng
thực tế chút nào. Cho nên, cứ cái đà nãy thì khó lòng chuyển biến nhận
thức của các vị "cầm cân nảy mực" vẫn ngủ mê trong giấc mộng "công lao
và lòng tin" !
Theo ông Nguyễn Lân Dũng, một trong những điều cơ bản là "kê
khai tài sản". Điều này lại là không tưởng nữa. Tôi không dám nói về tài
sản của các vị "đứng đầu" hoặc ở cấp trên mà chỉ xin nói mấy quan chức
cấp huyện, cấp xã xung quanh tôi thôi, trong đó có các vị lãnh đạo xã
Phùng Chí Kiên thường là ở lứa tuổi "con cháu" cụ Nguyễn Lân, thậm chí
con cháu ông Nguyễn Lân Dũng. Chúng nó làm "chính quyền xã" thôn chỉ một
hai khóa thôi mà sao chúng nó giầu nhanh thế. Chưa nói mỗi vị bí thư
chủ tịch xã có hàng chục xuất đất đẹp có giá, mà còn có rất nhiều của
chìm của nổi. Lương cán bộ xã có nhiều đâu, những vị nào cũng có dư tiền
xây nhà cao tầng, mua sắm phương tiện đắt tiền không những cho mình mà
còn cho con cho cháu nữa. Ông phó bí thư xã tôi trong vài tháng làm hai
nhà cao tầng cho hai cô con gái (tức là cho hai thằng con rể). Ông "cán
bộ địa chính" xã tôi xây hai ngôi lầu ngất ngưởng. Bà Chủ tịch huyện
đương chức có đến 3 nhà lầu trong thị trấn huyện và rất nhiều cán bộ
giầu lên từ đất có trời mới biết các vị ấy thực tế có bao nhiêu đất và
có bao nhiêu tiền gửi Ngân hàng ? Chỉ có thánh mới bắt các vị này kê
khai thật tài sản của mình. Cái bài "kê khai tài sản" của ông Nguyễn Lân
Dũng chắc chăn thất bại.
Điều thứ tư mà nhà báo Hữu Quả băn khoăn là có "thế lực ngầm"
không. Đã là ngầm thì dân chúng không thể biết, chỉ chính các vị trong
cuộc mới biết. Dân chúng tôi chỉ đồn đoán thôi. Đã gọi là đồn thì sai
nhiều chứ đúng được mấy. Tuy nhiên những điều hiển hiện ra trước mắt
cũng có thể thấy được một phần. Nhiều vụ án, sau khi tiến hành xét xử
tại tòa đến phần luận tội và tuyến án thì lại phải "xin ý kiến cấp ủy"
vì Đảng lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối. Vậy thì Đảng xử án chứ có phải
Tòa xử án đâu. Tại xã tôi, có một dòng họ khởi kiện một anh trưởng nam
trọng họ chiếm đoạt nhà thờ đất nhà thờ làm của riêng, làm cho cả họ bức
xúc. Vụ kiện kéo dài hàng năm, nhiều năm, nhiều báo chí quốc doanh đã
lên tiếng đòi trả lại đất và nhà thờ họ có mặt 300 năm rồi những vẫn
chưa xử được vì trước mắt ông trưởng nam này có một cô con dâu hiện là
cấp ủy viên của huyện và mỗi lần xin ý kiến thì...
Cái "không hề" của ông Nguyễn Lân Dũng, chỉ là để nói với BBC
thôi, nhưng tôi cho rằng BBC không phải là trẻ con. Ngày nay có
In-tơ-nét, nhiều vấn đề của mỗi quốc gia khó lòng mà ém nhẹm được, huống
hồ Việt Nam ta nhấp nhồm ứng cử vào Ủy ban Nhân quyền LHQ và muốn tham
gia nhiều tổ chức quốc tế nữa. Được như vậy là cái tốt, những hãy xem
lại mình cái đã. Các cụ ta đã chả nói : "Chân mình có cứt dề dề, lại cầm
bó đuốc đi rê chân người !"
Thời điểm hiện nay, nhiểu tổ chứ, đặc biệt là nhiều nhiều lắm
các nhân sĩ trí thức, bao gồm nhiều người có tên tuổi ở trong nước và ở
nước ngoài lên tiếng Việt Nam cần có một xã hội dân sự, cần có một thể
chế chính trị phù hợp trào lưu chung nhân loại. Đó là ý nguyện của dân
mà các nhà trí thức, các nhà khoa học là những người ưu tú giương cao
ngọn cờ. Không thể cứ sống trong mơ mãi được. Vì dân là ở chỗ này đây !
Thưa anh Hữu Quả
Thưa bác Nguyễn Lân Dũng
Thực
tế cuộc sống của nhân dân vô cùng phong phú và bao giờ dân cũng là vạn
đại. Chẳng nói đâu xã, nếu có thì giờ nhân một dịp nào đó về thăm bản
quán xã Phùng Chí Kiên mà tôi biết chắc nơi có mộ cụ Nguyễn Lân, ông
Nguyễn Lân Dũng tìm hiểu thêm trong nhân dân xã mình, xã bạn mình đang
suy nghĩ gì. Nghe dân đích thực chứ không phải như mấy vị tướng và cán
bộ cấp Cục xã tôi về tổ chưc chiêu đãi và liên hoan rầm rộ với mấy ông
chủ chốt xã rồi đi, rồi ca ngợi quê hương, thì vẫn như ông Nguyễn Lân
Dũng trả lờ BBC mà thôi. Thực tiễn cuộc sống phong phú đa dạng của nhân
dân mới chính là nơi giúp các nhà khoa học hoạt động khoa học thu nhiều
kết quả hơn. Riêng cá nhân tôi nguyên là nhà báo về hưu nay đã 79 tuổi
cũng mong được trực tiếp trò chuyện vui vẻ với nhà khoa học Nguyễn Lân
Dung, vừa là người đồng hương nữa. Ấy tôi có cái bệnh cứ thấy người sang
hay bắt quàng làm họ !
Tác giả gửi Quê Choa
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả
.........................................................
-Nguyễn Thanh Hà, nguyên PVTTXVN hưu trí nhiều năm tại quê xã Dị Sử, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. ĐT 0166 8383 020.
-Tên bài của Quê choa. Tên gốc của tác giả: Lăn vào thực tiễn cuộc sống nhân dân, các nhà khoa học sẽ " khoa học" hơn
- Theo Quê Choa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét