23 thg 3, 2013

Hãy cảnh giác khi “Giấc mơ Trung Hoa” bắt đầu…

  • HẢI ĐĂNG
  • Thứ sáu, 22 Tháng 3 2013 10:03
Tập Cận Bình trên một chiến hạm của hải quân Trung QuốcTập Cận Bình trên một chiến hạm của hải quân Trung QuốcNhư một buổi thánh lễ, gần 3.000 đại biểu tập hợp tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh đứng dậy vỗ tay nhiệt liệt chào mừng tân Chủ tịch nước và chỉ ngồi xuống khi có tiếng chuông của đoàn chủ tịch. Trên diễn đàn, ông Tập Cận Bình đưa ra lời kêu gọi về “đại phục hưng quốc gia”.
Một thế hệ lãnh đạo vừa được bầu chọn dự kiến sẽ dẫn dắt đất nước đông dân nhất thế giới và đang là nền kinh tế lớn đứng thứ hai toàn cầu trong vòng thập niên tới. Giới quan sát dự báo Trung Quốc đang đứng trước một số cơ hội, nhưng thách thức không phải là nhỏ trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn còn chịu ảnh hưởng của đợt suy thoái gần đây. Trung Quốc được cho là vẫn phải đối mặt với những yêu cầu ngày lớn về kiểm soát tham nhũng, tăng trưởng nóng đi kèm các hệ quả sinh thái, môi trường, đặc biệt là đối phó với các áp lực ngày càng tăng trong xã hội đòi hỏi có các bước cải thiện về đảm bảo công lý, dân chủ và nhân quyền.
Đại phục hưng quốc gia
Ngày 17/3, phát biểu trong phiên bế mạc khóa họp thường niên Quốc hội Trung Quốc, trên cương vị tân Chủ tịch nước, ông Tập Cận Bình đã kêu gọi một sự “đại phục hưng quốc gia Trung Hoa” và thúc giục quân đội nâng cao khả năng chiến đấu để giành chiến thắng. Lãnh đạo số một Trung Quốc nhấn mạnh : “Chúng ta sẽ tiếp tục tranh đấu vì sự nghiệp xã hội chủ nghĩa mang mầu sắc Trung Quốc và thực hiện giấc mơ đại phục hưng một quốc gia Trung Hoa”. Tháng 11 năm ngoái, khi được bầu vào chức vụ Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Tập Cận Bình từng tuyên bố: “Trong lịch sử hiện đại, chưa bao giờ, chúng ta lại ở gần một sự phục hưng quốc gia Trung Hoa như vậy và tôi tin chắc rằng, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu này”.
Giống như một buổi thánh lễ, gần 3.000 đại biểu tập hợp tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh đã đứng dậy vỗ tay nhiệt liệt chào mừng tân Chủ tịch nước và chỉ ngồi xuống khi có tiếng chuông của đoàn chủ tịch. Từ trên diễn đàn, trong vòng 25 phút, ông Tập Cận Bình, năm nay 59 tuổi, đã tìm cách nhấn mạnh đến sự trỗi dậy một nước Trung Hoa mới. Tân Chủ tịch nước, vừa chính thức nhậm chức trong khóa họp Quôc hội lần này, đã tái khẳng định tất cả phải nỗ lực nhằm hiện thực hóa “đại phục hưng quốc gia” và “giấc mơ Trung Hoa”.
Khóa họp thứ 11 của Quốc hội Trung Quốc đánh dấu sự kết thúc giai đoạn chuyển giao quyền lực: Ông Tập Cận Bình, Tổng bí thư đảng Cộng sản được bầu làm Chủ tịch nước, kiêm Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Đất nước đông dân nhất hành tinh trong vòng 10 năm tới, được dẫn dắt bởi một ê-kíp lãnh đạo được trẻ hóa. Ông Lý Khắc Cường, 57 tuổi, được xác nhận chính thức tiếp quản chiếc ghế thủ tướng chính phủ, từ tay người tiền nhiệm Ôn Gia Bảo. Ông Lý, người nhận được 2.940 phiếu bầu (tỷ lệ 99,69%), thông thạo tiếng Anh, sẽ phụ trách quản lý lĩnh vực rộng, trong đó có đối nội, kinh tế, môi trường và đô thị hóa của Trung Quốc.
Bốn phó thủ tướng giúp việc cho ông Lý đều là các cán bộ lãnh đạo kỳ cựu của Đảng. Ngoài ba vị là nam giới gồm Trương Cao Lệ, Uông Dương và Mã Khải, một đại diện nữ hiện diện trên cương vị này là bà Lưu Diên Đông. Bà Lưu, 67 tuổi, là phụ nữ cao niên nhất trong ê-kíp cấp phó của ông Lý, trong khi ông Uông Dương, 58 tuổi, được coi là một nhà cải cách. Trong số 25 tân bộ trưởng, ông Thường Vạn Toàn được phê chuẩn nắm ghế Bộ trưởng Quốc phòng. Tân Bộ trưởng ngoại giao là ông Vương Nghị, cựu đại sứ tại Nhật Bản, người từng phụ trách các quan hệ với Đài Loan trước đây.
Ngày 17/3, tại cuộc họp báo sau phiên bế mạc, tân Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết ba nhiệm vụ hàng đầu của chính phủ là duy trì tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống nhân nhân và bảo vệ công bằng xã hội. Ông cam kết sẽ tiết giảm tệ nạn quan liêu, giới hạn tiêu xài của quan chức nhà nước từ công thự, mua công xa cho đến công tác phí khi đi ra nước ngoài. Về quan hệ với Hoa Kỳ, ông Lý Khắc Cường bác bỏ những lời chỉ trích từ Washington về nạn tin tặc khi trả lời một phóng viên ngoại quốc. Thủ tướng Trung Quốc tuyên bố “cảm thấy bị nghi ngờ là thủ phạm”, nhưng ngay sau đó ông dựa vào lập luận tự vệ cố hữu: “Trung Quốc cũng là nạn nhân, Trung Quốc không chủ trương, không ủng hộ….” Trong cuộc điện đàm để chúc mừng tân chủ tịch Tập Cận Bình, Tổng thống Obama không ngần ngại nêu đích danh Trung Quốc, cảnh báo hiện tượng tin tặc tấn công hệ thống máy vi tính của Mỹ và cam kết là sẽ “đối thoại cứng rắn” với Bắc Kinh.
Cũng trong buổi họp báo nói trên, trả lời câu hỏi của một nữ phóng viên liên quan đến vấn đề “đi tù không án”, tân Thủ tướng Lý Khắc Cường nói một cách ngắn gọn là “các cơ quan có liên hệ đang gấp rút soạn thảo một dự luật mới hoàn tất vào cuối năm nay”. Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, khoảng 190.000 người Trung Hoa, trong khi số liệu chính thức chỉ công nhận là 60.000 người đang bị cải tạo. Tháng giêng năm nay, đài truyền hình Trung Quốc đưa tin sẽ dẹp bỏ “chính sách lao cải” trong năm 2013, sau đó bản tin này bị rút xuống. Tuy nhiên, ông Tập Cận Bình nhìn nhận đây là “vấn đề cấp bách”. Hiện nay, bốn thành phố lớn: Nam Kinh, Trịnh Châu, Thanh Đảo và Lan Châu được chọn làm thí điểm thay thế “lao cải” bằng biện pháp được đặt tên là “chỉnh giáo thái độ bất hợp pháp”.
Hiệu ứng của những giấc mơ
Sau khi trở thành Tổng Bí thư và Chủ tịch Quân ủy Trung ương, ông Tập Cận Bình đã liên tiếp nhắc đến cụm từ “giấc mơ Trung Hoa” như là biểu hiện mạnh mẽ cho quyết tâm tạo dựng một Trung Quốc lớn mạnh dẫn đầu thế giới, kể cả về quân sự. Phải chăng là ngẫu nhiên khi cụm từ được ông Tập yêu thích lại trùng lặp với tên cuốn sách của đại tá PLA Lưu Phúc Minh. Ba năm trước, ông Lưu viết cuốn “Giấc mơ Trung Hoa”, trong đó chủ yếu nói về những mục tiêu mới của Trung Quốc vượt qua sức mạnh quân sự hàng đầu thế giới của Mỹ và dự đoán một cuộc đua marathon giành quyền thống trị toàn cầu. Cuốn sách đã bị ngừng phát hành do những lo ngại có thể gây tổn hại đến quan hệ với Mỹ. Trong 100 ngày đầu tiên lên nắm quyền, ông Tập liên tiếp thực hiện các chuyến thăm cấp cao tại các lực lượng quân đội, không quân, các chương trình không gian và các cơ sở tên lửa, điều mà cả hai người tiền nhiệm trước đây, cả ông Giang lẫn ông Hồ đã không làm.
Chính điều này hiện đang khiến thế giới và khu vực lo ngại: Nhật Bản và các láng giềng Đông Nam Á vẫn chưa biết ông Tập thực sự muốn gì khi ông nói nhiều đến thế về “đại phục hưng quốc gia”. Như một sự trùng hợp đầy ý nghĩa, đúng vào ngày bế mạc Quốc hội 17/3 khi ông Tập thúc giục quân đội nâng cao khả năng chiến đấu để giành chiến thắng trước sự hiện diện của nhiều đại sứ nước ngoài thì bên kia bờ Đông Hải, thủ tướng Shinzo Abe đánh giá tình hình an ninh quốc gia của Nhật hiện rất nghiêm trọng và tuyên bố: “Khác với bốn năm trước đây, đất nước của chúng ta, từ lãnh thổ, lãnh hải đến không phận đang bị khiêu khích liên tục”. Ông nhắn nhủ các tân sĩ quan là “thực tế sa trường họ phải đối phó sẽ rất gian khổ” và ông mong rằng “các sĩ quan sẽ tận tụy quên mình trên chiến địa để bảo vệ non sông và dân tộc”.
Hãng tin AFP nhận định Thủ tướng Nhật sử dụng thông điệp bi tráng để mô tả tình hình tranh chấp với Trung Quốc và ông Abe không ngần ngại trích lại nguyên văn một lời tuyên bố bất hủ của cố Tổng thống Mỹ Theodor Roosevelt đọc tại Paris năm 1910: “Danh thơm thuộc về những người thực sự tham gia trận mạc với khuôn mặt ướt đẫm mồ hôi, máu và nước mắt”. Thật khó biết, trong số 427 tân sĩ quan hiện diện trong buổi lễ tốt nghiệp tại Yokosuka có 27 nữ sinh viên và 11 sinh viên nước ngoài đến từ Campuchia, Indonesia, Mông Cổ, Thái Lan và Việt Nam liệu có cảm xúc họ thật sự đang chuẩn bị ra trận thật không?
Trong khi đó, ở Trung Quốc những ngày này người ta lại đón đợi lãnh đạo mới ít nhất phải đốt lên được một trong ba ngọn lửa để xác lập quyền uy. Vậy nhân vật số một và số hai của đảng/nhà nước Trung Quốc, ông Tập và ông Lý sẽ chọn “ngọn lửa nào” để phát lệnh thực hiện một “cuộc khởi hành mới”? Trau chuốt hình ảnh, củng cố quyền lực hay sẽ khai triển những bước cải tổ lớn lao? Trau chuốt hình ảnh và củng cố quyền lực, cho đến giờ này tạm coi có thể kết thúc. Liệu có ảo tưởng nếu chờ đợi nơi Tập những cải tổ ngoạn mục? Dư luận cho rằng, ông Tập sẽ đi rất cẩn thận, ít ra trong 5 năm đầu. Mối lo "ổn định" vẫn còn đấy và nhiều dấu hiệu cho thấy ý chí duy trì sự tiếp tục đường lối cũ, như việc giữ lại thống đốc Ngân hàng Trung ương, cho dù ông này đến tuổi hưu. Vả lại, những thay đổi thực sự khó diễn ra vì đụng đến chế độ. Ngày này cách đây sáu năm (16/3/2007), thời của Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo cũng đã xuất hiện niềm hy vọng cải tổ lớn lao, nhưng 10 năm sau, trên bình diện chính trị cũng như xã hội, chính dư luận Trung Quốc cũng thừa nhận đó là “một thập niên bị đánh mất”.
Nhiều người hiện đang kỳ vọng vào bộ đôi quyền lực mới Tập – Lý ở Trung Quốc. Tuy nhiên vẫn chưa ai đoan chắc liệu tư tưởng cải cách của các ông có mang lại đổi mới gì hay không. Và câu hỏi còn khó trả lời hơn: liệu các ông và ê-kíp mới sẽ là những nhà cải cách thực thụ? Duy có một điều chắc chắn tân thủ tướng sẽ là nhà lãnh đạo có bằng cấp cao nhất mà Trung Quốc được biết đến từ năm 1949. Trong tay ông Lý là hai bằng về luật và kinh tế của trường đại học Bắc Kinh, trường đại học uy tín nhất của đất nước. Không giống như nhiều nhà lãnh đạo khác là được mang tiếng là có bằng cấp, ông Lý Khắc Cường là một tiến sĩ thật sự. Kể từ giờ, hai ông cùng ban lãnh đạo mới sẽ phải gánh lấy trách nhiệm nặng nề chèo lái từng ngày nền kinh tế thứ hai thế giới, khi tuyên bố ủng hộ cải cách và tái cân bằng mô hình tăng trưởng. Báo Le Figaro đặt câu hỏi “liệu những người đàn ông cẩn trọng này có thể làm được gì nhiều hơn những người tiền nhiệm hay không?” Theo đánh giá của các chuyên gia chính trị tại Trung Quốc, trong bối cảnh hiện nay, Tập Cận Bình cũng như Lý Khắc Cường hiểu rõ rằng họ phải làm được cái gì đó, nếu không đó sẽ ngày tận thế.
Còn với các nước lân bang, hãy cảnh giác khi “Giấc mơ Trung Hoa” bắt đầu!
Bản tác giả gửi cho VHNA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét