16 thg 10, 2012

Làng tôi -1


Gõ đại bởi honngv, 9/2012 

 


Honngv: Tuổi thơ mỗi người một khác. Nay đã U70 chẳng còn nhớ được bao nhiêu. Nhưng những gì tôi ‘gõ đại’ sau đây đều là sự thật 100%, đã ‘ghi chết’ vào đầu tôi mà kg gì xóa đi được, trừ khi về với Tiên Tổ. Tôi chỉ ghi lại những ‘sự kiện lớn’, vui vui và cố tình bỏ qua những gì 'cần bỏ'. Lần đầu tiên ‘viết’, bắt chước kiểu ‘khẩu văn’ (chữ dùng của thợ văn Nguyễn Quang Lập) nên láo nháo, kg hay là cái chắc mong anh chị em và các bạn NHIỆT TÌNH đóng góp ý kiến qua fần NHẬN XÉT.
Xin cảm ơn !

Làng tôi trước khoảng những năm 60 của thế kỷ trước có tên là làng Bất Nạo. Vào Google chấm tiên lãng kích fát ra cỡ ‘tỷ’ làng, ‘tỷ’ tổng trên cả nước chung cái tên này. Thế mới biết trước đây các Triều đại fong kiến hoặc người Pháp đặt địa danh hay chừng nào, (có hay mới nhiều như vậy). Cũng qua Gúc cho hay “Bất Nạo” hiểu nôm na là “không cong”, kiên định. “Bất Nạo” nghe có vẻ nho nhã, học thức hơn tỷ cái tên cải lương, dở hơi hiện nay như Quyết Tâm, Quyết Tiến, Quyết Thắng… Nghe cứ như hô khẩu hiệu, trong khi dân cần chó gì đến quyết tiến với chả quyết thắng. Dân cần cơm áo gạo tiền, cần kẻ nói có người nghe! Phải chăng việc đổi tên như vậy đã ‘vô tình’ (?) làm lùn đi nền Văn hóa Đại Việt, cái văn hóa làng xã lâu đời của dải đất ‘lưng còng’ này! Và nó cũng làm lùn đi cái tri thức của muôn dân.

Nói như Trịnh Công Sơn, dân làng tôi thật quá ‘long đong’. Thuở nhỏ nghe các Cụ kể lại, làng tôi đã fải dời làng đến mấy lần. Còn nhớ năm tôi 3-4 tuổi (1953-1954) làng tôi cách đường 5 và đường sắt Hà Nội – Hải Phòng chỉ hơn 1 cây số, lại nằm sát bờ sông Quỳnh Khê, con sông nhỏ, không những cung cấp nước tưới cho cả huyện mà còn cấp nước ăn cho dân cả thành phố Hải Phòng.

Dọc đường 5 Pháp lập rất nhiều làng tề. Nhưng dân làng tôi (đúng ra là Việt Minh xui) ‘cứng cổ’, không những không lập tề mà du kích làng còn hoạt động rất mạnh. Các ông bà du kích, chẳng biết bằng cách nào (nghe chú tôi kể rồi nhưng quên) thường chôn mìn làm nổ tung rất nhiều đoàn tàu xe quân sự của Pháp.


Cứ sau mỗi lần như vậy quân Pháp lại tăng cường đi càn trong làng để tìm diệt du kích, kể cả những người mà chúng cho là có dính lứu đến du kích. Thành thử tất cả đàn ông (tôi gọi bằng cha chú) trong làng dù không là du kích đều bị Pháp đánh, tra tấn rất giã man hoặc ngay trong làng hoặc sau khi bị bắt lên đồn. Ông chú tôi được nếm quá nhiều lần đòn của Pháp đến độ bị điếc cả đời. Bố của ông bạn nối khố với tôi bị bắn ngay trong làng. Vào cái năm tôi 3-4 tuổi ấy, để fục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ đang diễn ra, theo chỉ thị từ trung ương, du kích làng tôi càng đánh đổ nhiều tàu xe của Pháp. Hậu quả quân Pháp càng lùng sục tợn. Tôi còn nhớ, một đêm mẹ tôi đang ôm tôi ngủ thì 3-4 lính Pháp xộc thẳng vào nhà bắt bố tôi. Lần đầu tiên tôi thấy người Pháp. Chúng lôi ông ra bờ sông tra tấn. Nằm trong nhà tôi nghe rõ những tiếng huỳnh huỵch, tiếng kêu ôi, ối... Chắc chúng dùng báng súng đánh ông. Tôi sợ fát khiếp, khóc rống lên. Nhưng mẹ tôi bịp mồm tôi lại. Tôi chỉ biết nói đi nói lại: mẹ đi cứu bố đi. Mẹ tôi chỉ ậm ừ dỗ tôi. Sau đó thế nào tôi không nhớ, chỉ mãi về sau khi đã lớn tôi mới fát hiện một đầu ngón tay của bối tôi bị quặc vuông góc, không duỗi ra được. Ông nói đó là do bị trận đòn năm ấy.

Rồi không hiểu nguyên cớ gì, bé tí tôi đã fải chứng kiến cảnh dời làng. Cũng như khi ‘chạy giặc’ – chạy tránh các trận càn của quân Pháp - tôi được mẹ cho ngồi trong 1 cái thúng đặt vào 1 bên quang, bên kia là nồi niêu, chổi cùn rế rách mà gánh đi. Làng mới chỉ cách làng cũ không đầy 1 cây số, nhưng rất gần con đường liên huyện, đường 188. Dọc con đường này, cứ cách khoảng 3 cây số Pháp lại xây 1 bốt bê tông cốt thép, xung quanh nhiều lỗ châu mai. Trên nóc đặt 1 khẩu súng máy, thân fình to, như con ba ba, quay được 4 xung quanh. Dân làng gọi là ‘súng ba ba’. Sau này lớn lên tôi nghĩ làng tôi fải dời đến gần đường 188 là để thuận tiện cho việc kiểm soát của quân Pháp. Đầu làng vốn có ngôi chùa thiêng lắm, gọi là chùa Sơn. Pháp bắt fá bỏ để xây bốt. (20 năm sau học đại học, sơ tán tận Hà Bắc, có người vô tình chỉ xem bàn tay tôi mà nhắc tới ngôi chùa này. Sợ!). Kề sát bên Chùa là Giếng Chùa Sơn, nước rất trong. Ngày bé tôi thường gánh nước ăn từ giếng này. Nay giếng vẫn còn. 

Tuy vậy ngày hòa bình lập lại (1954) làng tôi chả ồn ào, ầm ĩ gì. Chỉ thấy có ông cậu tôi về làng từ lính ‘giải fóng Điện Biên’, lính cụ Giáp. Cả cuộc đời ông sau này toàn đói kém, bần hàn.

Yên bình được khoảng 2 năm thì cải cách ruộng đất. Làng tôi (cũng như bao làng quê khác trên miền Bắc) vừa thoát khỏi ách đô hộ của Pháp lại lâm vào ‘cảnh nồi da nấu thịt’ do ‘quân ta đánh quân mình’. Khắp cả làng, người thì ủ rũ, kẻ thì khí thế hừng hực, đâu đâu cũng thấy rỉ tai xì xào, nặng bầu không khí cảnh giác ngờ vực lẫn nhau. Câu nói đầu lưỡi của mọi người là ‘thầy đội, thầy đội’. Các thầy đội này đi lại nghênh ngang trước sự khúm núm của dân làng và bất kỳ lúc nào cũng đánh, đấm những người đang bị cùm chân mà chẳng cần rõ nguyên cớ nào. Chuồng trâu nhà tôi trở thành 1 trong những nơi cùm giam những người gọi là địa chủ, những người còn mới hôm qua tạo giúp miếng cơm, manh áo, con trâu, cái cày cho những người hôm nay đấu tố họ. Tôi còn nhớ những cái cùm gỗ to chắc nặng, kẹp cổ chân đến tóe máu, đến mưng mủ của những người giỏi làm ruộng này. Quần áo họ tả tơi, người, mặt thâm quầng lộ rõ những chỗ bị đánh. Hằng đêm cứ thấy bố mẹ tôi thì thà thì thào, rồi thậm thụt mang khoai, cơm nắm xuống chuồng trâu dúi cho những người bị cùm. Bọn trẻ chúng tôi thường ngồi xem và nghe lỏm các cuộc đấu tố, những lời tố thô thiển, tục tĩu, vu cáo đến trắng trợn. Mãi sau này các chú kể lại tôi mới hiểu và mới biết có người Tàu giám sát trong các cuộc đấu tố đó. Có buổi sáng bọn trẻ chúng tôi theo dân làng đi xem một vụ xử bắn địa chủ. Tôi không muốn kể lại tỷ mỷ vì ai cũng biết cả rồi, chỉ nhắc lại một điều: trước khi bắn họ, người ta vẫn còn làm nhục họ một cách thậm tệ.
Sau cải cách ruộng đất, làng tôi xác xơ, tiêu điều, ảm đạm. Dù còn bé tôi vẫn thấy được cảnh chia rẽ, chửi bới, cấu xe lẫn nhau, kể cả những người trong cùng một họ.

- “Làng tôi”, MP3, ca sĩ Bảo Yến trình bày, thể loại Tiền Chiến, chất lượng 320kb
-  “Giọt Nước Mắt Cho Quê Hương”, tác giả Trịnh Công Sơn, Trình bày ca sĩ Kim Ngọc, chất lượng 192kb

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét