10 thg 4, 2013

Ai đẩy châu Á vào hỗn loạn?

SGTT.VN - Ông Tập Cận Bình nói “không ai được đẩy châu Á vào hỗn loạn”, nhưng nhìn vào các hành tung của Trung Quốc, thế giới buộc phải hoài nghi thông điệp của ông Tập nhằm trấn an tình hình căng thẳng trong khu vực hiện nay.
            Ngày 8.4, Diễn đàn Châu Á Bác Ngao kết thúc trong bối cảnh hạm đội Nam Hải vừa hoàn thành đợt tập trận kéo dài 16 ngày đêm cách bờ Trung Quốc 1.800km và Bình Nhưỡng tiếp tục đe dọa tấn công Mỹ/đồng minh.
            Chủ tịch Tập Cận Bình lên tiếng tại diễn đàn vốn được coi như một “Davos của châu Á”: “Không một quốc gia nào được quyền đẩy cả khu vực vào cảnh hỗn loạn”.
            Trong phát biểu tại lễ khai mạc khai mạc, ông Tập tuyên bố một cách phiếm chỉ và phớt lờ tình trạng tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Trung Quốc với các nước láng giềng cũng như tình hình căng thẳng ở Triều Tiên suốt mấy tuần nay.
Nhưng ráo riết về Biển Đông
            Chỗ công khai, ông Tập né tránh đề cập cụ thể về việc Trung Quốc đang tranh chấp chủ quyền tại khu vực quần đảo Điếu Ngư với Nhật Bản hay trên Biển Đông với nhiều nước Đông Nam Á.
Nhưng trong quá trình hội nghị, Trung Quốc đã ráo riết vận động về chủ đề Biển Đông. Đề tài Biển Đông đã được người đứng đầu Trung Quốc mang ra thảo luận với lãnh đạo các quốc gia có mặt tại diễn đàn trên đảo Hải Nam.
Tuy nhiên, không chỉ Việt Nam, mà lãnh đạo các nước vốn bị Trung Quốc lấn lướt thô bạo về hải đảo như Philippines, Malaysia và Nhật Bản đều vắng mặt tại diễn đàn Bác Ngao năm nay.
            Tại diễn đàn khu vực nói trên, chủ tịch Tập Cận Bình đã gặp Thủ tướng Campuchia. Ông Hun Sen được Trung Quốc ca ngợi là đã “thực hiện tốt vai trò chủ tịch Asean năm 2012”.
            Làm chủ tịch Asean, năm ngoái Campuchia từng bị nhiều nước chỉ trích gay gắt vì đã quá thiên vị lập trường của Bắc Kinh trong chủ đề Biển Đông.
            Lần này, Thủ tướng Hun Sen khẳng định vẫn tiếp tục ủng hộ Bắc Kinh trong “các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc.
            “Lợi ích cốt lõi” là cụm từ Bắc Kinh thường dùng để chỉ các vấn đề liên quan chủ quyền quốc gia như Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương, sau này có lúc mở rộng sang cả tranh chấp Biển Đông, cho dù lãnh đạo Trung Quốc chưa chính thức xác nhận, nhưng cũng không hoàn toàn bác bỏ.
            Cùng một ngày khi ông Tập Cận Bình đưa ra cảnh báo không cho phép bất kỳ ai làm loạn châu Á, thì giới truyền thông nhà nước Trung Quốc lại đưa tin Bắc Kinh sắp phái tàu du lịch ra hoạt động trái phép tại Hoàng Sa.
            Ngày 7.4, truyền thông nhà nước của Bắc Kinh thông báo vào cuối tháng này, Trung Quốc sẽ mở các tuyến du lịch đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
            Bắc Kinh dự trù trước ngày nghỉ 1.5 tới sẽ cho phép du khách đến tham quan quần đảo Hoàng Sa, khu vực mà tàu Trung Quốc vào cuối tháng Ba vừa qua đã bắn cháy trụi cabin tàu cá của ngư dân Việt Nam.
            Một hãng du lịch ở Hải Nam, được Tân Hoa Xã trích dẫn, cho biết đã sẵn sàng để đưa 2.000 du khách trên du thuyền hạng sang đến khu vực Hoàng Sa.         Khách ăn ngủ trên tàu và có thể xuống các đảo để ngắm cảnh.
            Theo Tân Hoa Xã, hiện trên đảo Phú Lâm, đảo lớn nhất của Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là đảo Vĩnh Hưng) đã có một khách sạn với 56 phòng.

Thống nhất và không chia cắt
            Những vận động hậu trường xung quanh đề tài Biển Đông và tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên càng tái khẳng định một nhận xét trước đây của giới quan sát: an ninh Đông Á là một và là tổng hòa của an ninh Đông Bắc Á và an ninh Đông Nam Á.
            Chưa bao giờ an ninh Đông Á lại thống nhất và không thể chia cắt như thời điểm hiện nay.
            Từ đầu tháng Tư, Hoa Kỳ đã nhiều lần bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về tình hình căng thẳng trên Biển Đông. Chính phủ Mỹ khẳng định lập trường ủng hộ hướng giải quyết tranh chấp chủ quyền trong khu vực thông qua cơ chế trọng tài.
            Mới nhất, vào đầu tuần này, chính quyền Obama lại lên tiếng kêu gọi tân lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình phải có “biện pháp mạnh” với chế độ Bình Nhưỡng. Bằng không, Bắc Kinh sẽ phải trực diện với sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ đang được tăng cường tại khu vực.
            Một bản tin do nhật báo The New York Times tiết lộ, Washington đã có nhiều cuộc trao đổi với Bắc Kinh, kể cả cuộc điện đàm của tổng thống Mỹ Barack Obama với tân chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cuối tuần qua.
            Theo nguồn tin ẩn danh, Hoa Kỳ đã thông báo với giới lãnh đạo Bắc Kinh một cách chi tiết kế hoạch tăng cường hệ thống tên lửa phòng thủ để đối phó với thái độ đe dọa của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
            Bắc Kinh đã không chỉ trích công khai mà cũng không phê phán trong những tiếp xúc riêng về động thái tăng cường vũ khí của Mỹ vào Bắc Á sát nách Trung Quốc.
            Thái độ im lặng này không chỉ biểu lộ sự bất bình của lãnh đạo Trung Quốc đối với Triều Tiên, mà còn nói lên nhận thức, nếu Bắc Kinh ủng hộ Bình Nhưỡng vào lúc này sẽ gây tác hại cho quan hệ Mỹ-Trung.
            Cố vấn an ninh Mỹ Tom Donilon nhận định rằng đây là thời điểm quan trọng Trung Quốc cần phải bày tỏ thái độ: quan trọng trong quan hệ Mỹ-Trung, quan trọng vào lúc khởi đầu nhiệm kỳ thứ nhất của chủ tịch Tập Cận Bình và nhiệm kỳ thứ hai của tổng thống Obama.
            Cũng theo The New York Times, trong những ngày tới, Washington sẽ cử nhiều nhân vật cao cấp sang Bắc Kinh, trong đó có ngoại trưởng John Kerry để chuyển tải thông điệp Mỹ muốn Trung Quốc mạnh tay hơn đối với Kim Jong-un.
Tập Cận Bình tiếp Hunsen tại Boao. Ảnh: Reuters
NGUYỄN HOÀNG
Được đăng bởi Phamvietdao4.blogspot.com vào lúc 06:32

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét