30 thg 6, 2013

Việc bỏ phiếu tín nhiệm, tới đây Đảng cũng sẽ tiến hành và bỏ phiếu từ TBT đến các đv thường (TBT Nguyễn Phú Trọng)

‘Lấy phiếu tín nhiệm không phải để hòa cả làng’

“Lấy phiếu tín nhiệm là để anh kịp thời chấn chỉnh nếu thấy phiếu chưa cao. Đây không phải là thủ thuật, không phải làm để hòa cả làng”, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ với cử tri chiều 28/6.

Phát biểu trong buổi tiếp xúc cử tri của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chiều 28/6, nhiều cử tri quận Ba Đình đánh giá cao bước tiến trong hoạt động giám sát của Quốc hội khi lần đầu lấy phiếu và công khai tín nhiệm với các chức danh lãnh đạo chủ chốt. Có ý kiến còn đánh giá việc lấy phiếu tín nhiệm là “tiếng chuông cảnh tỉnh cho hệ thống lãnh đạo cấp trên”. Tuy nhiên, tất cả phát biểu đều  đề nghị chỉ đặt ra hai mức “tín nhiệm” hoặc “không tín nhiệm”.

Phân tích về kết quả lấy phiếu, cử tri Trần Toại nhận định, tín nhiệm thấp rơi vào những ngành rất quan trọng như ngân hàng, giáo dục, y tế. “Số phiếu tín nhiệm thấp chiếm 20-40% tổng số đại biểu Quốc hội. Đề nghị Tổng bí thư đánh giá kết quả này? Quốc hội đã có phân tích gì để giúp họ nâng cao mức tín nhiệm trong kỳ tới?”, ông Toại nêu.
Liên quan tới chủ đề biển Đông, cử tri này khẳng định, tình hình phức tạp chủ yếu là do ý đồ của Trung Quốc. Về phía Việt Nam, ông mong được làm sáng tỏ nhiều vấn đề như liệu có tư tưởng thái bình vĩnh viễn sau 1975;  chậm xây dựng lực lượng quân đội tương xứng với 3.000km đường biển và hàng nghìn hòn đảo? Theo ông,  tranh chấp chủ quyền lãnh thổ không chỉ sẽ diễn ra với Trung Quốc mà còn có thể với những nước khác, vì thế không thể không xem trọng vấn đề này.
ong-Hoan-1372424382_500x0.jpg
Cử tri Trần Viết Hoàn. Ảnh: Nguyễn Hưng.
Nhắc đến chủ đề tên nước trong đợt sinh hoạt lấy ý kiến sửa đổi Hiến pháp, ông Trần Viết Hoàn khẳng định, cử tri đồng ý với Quốc hội về việc giữ nguyên tên nước. Song, người dân có phần tự ái về giải trình của Quốc hội và phát biểu của một số đại biểu. “Tên nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã đi vào lòng mỗi người dân Việt Nam và bạn  bè thế giới. Nói như vậy khiến người dân suy nghĩ, chẳng nhẽ tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không đi vào lòng người Việt Nam và thế giới hay sao? Mà lịch sử đã chứng minh, quốc hiệu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đưa Việt Nam có tên trên bản đồ thế giới”, cử tri lão thành này băn khoăn.
Nêu lên nhiều vấn đề cụ thể khác như việc vừa qua Thanh tra Chính phủ và Thủ tướng có kết luận Đà Nẵng gây thất thoát hơn 3.400 tỷ nhưng lãnh đạo thành phố lại bác. “Kỳ họp Quốc  hội vừa rồi không thấy đề cập tới vấn đề này. Vụ này rốt cuộc như thế nào? Ai đúng, ai sai? Xử lý thế nào?”, ông nêu câu hỏi đồng thời nhắc thêm, vì sao các vụ việc về Vinashin, Vinalines chưa được xử lý?.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, lấy phiếu là bước tiến xa về dân chủ, tạo nên bầu không khí dân chủ hơn trong Đảng, Quốc hội. Điều này được lãnh đạo một số nước phản ánh qua các cuộc tiếp xúc. Còn nhiều cán bộ lão thành cũng nhận định là “được”.
Giải thích cho những băn khoăn của các cử tri về việc phân chia các mức tín nhiệm, Tổng bí thư dẫn lại lời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng rằng, cách làm của Việt Nam là sáng tạo, chưa nước nào làm. Tổng bí thư nhấn mạnh, lấy phiếu là cách thăm dò tín nhiệm, để chức danh nào đó kịp thời chấn chỉnh nếu thấy phiếu chưa cao. Nếu sau hai lần lấy phiếu, số phiếu tín nhiệm thấp dưới 50% hoặc ngay lần đầu mà dưới 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội thì chuyển sang bỏ phiếu tín nhiệm.
“Lấy phiếu tín nhiệm là phòng bệnh, mà phòng thì hơn chữa. Đây không phải là thủ thuật, không phải làm để hòa cả làng, không phải tính toán gì mà là một kênh đánh giá, thăm dò tín nhiệm cán bộ”, Tổng bí thư nói.
Với việc lần đầu tiên thực hiện quy trình và còn phải rút kinh nghiệm, Tổng bí thư chia sẻ, bản thân ông và nhiều người cũng cảm thấy “hết sức hồi hộp”. Sắp tới, Trung ương Đảng cũng sẽ tiến hành lấy phiếu từ Tổng bí thư trở xuống.
t1-1372424382_500x0.jpg
Tổng bí thư trò chuyện với cử tri sau buổi tiếp xúc. Ảnh: Nguyễn Hưng.
Liên quan tới việc sửa đổi Hiến pháp, Tổng bí thư cũng cho rằng, việc này thể hiện không khí dân chủ của Việt Nam vì chưa bao giờ toàn văn một bản dự thảo được so sánh với Hiến pháp hiện tại với hơn 26 triệu lượt góp ý... Đối với tên nước, Tổng bí thư khẳng định, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là cái tên đã đi vào lịch sử chói lọi. Nhưng sau 1975, Việt Nam đi lên CNXH, việc đổi tên nước được Đảng quyết, Quốc hội thông qua.
“Đã 37 năm rồi, có cần thiết đổi lại không? Thay đổi đặt ra nhiều vấn đề phức tạp”, Tổng bí thư nói. Ông cũng nhận định, có thể cách giải thích của ai đó chưa chặt chẽ nhưng dự thảo Hiến pháp đang trong quá trình xin ý kiến, đến tháng 10 mới kết thúc.
Xung quanh vấn đề biển Đông, Tổng bí thư cho rằng đã có lần ông báo cáo trước cử tri. Đây không phải vấn đề của một, hai nước mà liên quan tới nhiều bên, tới tự do hàng hải... Với các tranh chấp trên biển, Việt Nam kiên trì giải quyết trên cơ sở hòa bình, luật pháp quốc tế nhất là Công ước quốc tế về luật biển (UNCLOS 1982). “Với tinh thần độc lập, tự chủ, toàn vẹn lãnh thổ… phải xử lý làm sao để giữ môi trường hòa bình. Nếu xảy ra va chạm, xung đột thì tình hình đất nước thế nào? Còn môi trường hòa bình mà phát triển không? Nếu không cẩn thận sẽ mắc phải âm mưu kích động”, Tổng bí thư nhấn mạnh.
Đối với các vụ việc đất đai ở Đà Nẵng, Vinashin, Vinalines…, Tổng bí thư cho biết, tất cả đều đang tiến triển.  “Lúc nào có kết quả tôi sẽ báo cáo, giờ nói ngay sẽ lộ hết bài. Mong được các bác thổng cảm vì đây là nhiệm vụ của các cơ quan chức năng”, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.
Nguyễn Hưng

1 nhận xét:

  1. Nặc danh22:13 1/7/13

    "việc đổi tên nước được Đảng quyết, Quốc hội thông qua". Nói như vậy không biết có vi hiến không nhỉ, Đảng đã quyết rồi mà lại Quốc hội thông qua, thế chưa phải là "quyết".
    Mọi người đều hiểu là tất cả mọi sửa đổi Hiến pháp đều phải do Quốc hội (do dân) bàn thảo và đi đến kết luận sau khi bỏ phiếu trong 1 kỳ họp QH nào đó.
    Mời các bạn khuyến cáo tiếp,chứ tôi thì nghe câu "việc đổi tên nước được Đảng quyết, Quốc hội thông qua" khó hiểu quá

    Trả lờiXóa