27 thg 7, 2013

Ký ức của Nguyến Thành Sự - 2

Năm thứ 2 Đại học

          Sang năm thứ hai đại học sinh viên nam khoá chúng tôi không ở nhà 73 nữa, mà được chuyển về ở nhà B7, nhà này là nhà 3 tầng, kiến trúc chắc theo kiểu Trung Quốc. Các nhà ba tầng thường có sinh viên của nhiều khoa khác nhau ở. Cứ theo mặc nhiên như luật, ở đây sinh viên năm đầu ở tầng 1, vì ở dưới thường bẩn, rác nhiều, mùa hè nóng bức, dễ bị mất cắp,  các năm trên được phân bố lên các tầng trên.  Khoá chúng tôi ở tầng 2, mỗi lớp 2 phòng, ở rộng rãi, mát mẻ hơn nhà cũ. Nhưng ở đây hồi đó có nạn rệp. Các phòng ở có cơ man nào rệp, trên các giát giường, kẽ bàn học ở đâu cũng có. Cứ ngủ qua đêm, rệp đốt no bò lên màn như bầy xe tăng đang mai phục trong chiến trận. Cứ trưa đến là cả khu ầm ầm vì sinh viên mang giát giường ra vỗ, phơi nắng, nhưng đâu cũng hoàn đó. Đặc biệt là rệp “chuộng” máu người lạ. Nếu hôm nào có khách ngủ lại trong phòng, thì đêm đó dân thổ địa trong phòng hầu như ít bị đốt, quả thật bọn rệp “điều binh” nhanh ghê gớm. Cái giống rệp cũng như muỗi, nếu không được đốt no nó cứ chích di chích lại, làm chỗ da bạn bị sưng nổi hột lên như muỗi đốt vậy. Khi ngồi học nếu không để ý, tay cứ nhấc lên nhấc xuống, rệp ở kẽ bàn xông ra chích, đến khi nhìn lại thấy các nốt sưng nổi lên mới phát hiện ra rệp đốt. Mà lạ thay, sau này khi xuất ngũ về học (gần năm năm sau), tôi thấy các khu nhà này nạn rệp không còn nữa, cố bói cũng không ra, không biết nhà trường đã tiêu diệt chúng như thế nào, đến nay tôi vẫn chưa rõ.

          Sang năm thứ hai các môn học chúng tôi cũng có những thay đổi, có môn đã học xong, có môn bắt đầu mới học như Đại số tuyến tính, Cơ lý thuyết, Vẽ kỹ thuật, có môn tiếp tục. Các môn Tiếng Nga, Giải tích vẫn tiếp tục. Học kỳ này được ở nhà mới, điều kiện sinh hoạt tốt hơn, đông vui hơn, cứ trưa trưa, sau khi ăn cơm tiếng loa đài lại phát bản “Polone” quen thuộc, và các bản tin chiến sự. Cuộc sống sinh viên bây giờ có vẻ nhàn nhã hơn.

          Bước vào học kỳ hai, từ đầu năm tình hình chiến sự miền Nam có nhiều nổi bật. Quân Nguỵ Sài Gòn đã đánh vào Nam Lào. Hàng ngày tin tức nóng hổi đưa về miền Bắc. Đoàn thanh niên đã tổ chức mấy cuộc mít tinh. Các bạn sinh viên nữ có những phát biểu về tình cảm, và những nhắn nhủ của người hậu phương với các chiến sĩ ngoài chiến trường. Không khí những ngày đó sôi động, rạo rực khắp nơi. Đoàn trường còn tổ chức khơi vét sông Tô Lịch  làm cầu xi măng trên con đường nhà B8 tới nhà ăn 1-5. Có lẽ những ngày làm cầu này là những ngày đáng nhớ nhất của cuộc đời sinh viên của tôi.  Tôi đã trực tiếp tham gia vét sông, xây cầu, để lại những kỷ niệm tại đây, và chắc các sinh viên khác cũng vậy. Cũng tại con sông Tô Lịch này, đã chứng kiến đoàn làm phim về quay bộ phim “Chị Nhung”. Rặng dừa và bờ con sông Tô Lịch hôi thối được các nhà dựng phim đưa vào cảnh, thậm chí diễn viên phải lội xuống sông để thực hiện các cảnh quay. Có lẽ hồi đó cảnh quay hiếm nên người ta phải chấp nhận hoàn cảnh như vậy. Sông Tô Lịch đã chứng  kiến những biến đổi hàng ngày ở đây. Ngày nay nghe nói nó đã bị lấp rồi. Mà lấp nó cũng phải, Tên con sông nghe rất hay, mà nước sông thì không thể ai ở gần nó được

          Học kỳ 2 của năm thứ hai kết thúc khá sớm, vào tháng 5/1971. Lúc này chiến dịch Đường 9 nam Lào đã kết thúc. Các bạn trong khoá đã tòng quân được gần một năm.
          Vào 1/5/1971 có diễu binh tại Hà Nội. Hôm đó tôi đang đi về nhà (ba tôi mới làm lại tại Hà Nội, sau mấy năm bị bom đốt cháy) thì trên một xe tăng có tiếng gọi tôi, tôi thấy Oanh lớp Lý đang ngồi trên xe tăng đi từ dưới ngã tư Vọng đi lên phía phố Đồng Tâm  (trong đoạn phố Vọng bây giờ) chúng tôi vẫy tay tươi cười chào nhau . Như vậy là các bạn đã tham gia chiến đấu. Rồi sau đó một số người về thăm lớp, kể chuyện về đường 9 nam Lào, cũng may các anh em không bị sứt mẻ gì.

           Đầu tháng sáu, sau khi thi chúng tôi được xuống xưởng cơ khí thực tập. Ở đây tôi được học và và làm quen với các món nghề : Đúc, Tiện, Nguội, Bào, Khoan.  Riêng nghề Phay tôi không đủ thời gian để được học
          + Về môn đúc, chúng tôi được thực hiện làm khuôn đúc gang các khối công cụ, nhưng mới chỉ được nhìn chứ chưa được rót gang khi đúc
          + Môn tiện thì được làm quen với mọi tốc độ và các độ bóng khi tiện và được trực tiếp đứng tiện các sản phẩm đơn giản
          + Môn nguội được làm quen với cách đứng, thao tác dũa để tạo các mặt một hình hộp         
          + Môn bào thì dùng máy làm phẳng một miếng kim loại, và dùng máy khoan để khoan kim loại.
          Cũng nhờ thời gian thực tập ngắn ngủi này mà tôi đã ứng dụng trong cuộc  sống rất hữu ích
            Sau khi thực tập chúng tôi phải lao động 20 ngày nữa mới được nghỉ hè. Trong thời gian đó một số bạn nam các khoá 14, 15  được gọi khám sức khoẻ để đi bộ đội trong đó có tôi. Vậy là khoá tôi lần thứ hai sẽ lên đường nhập ngũ. Lớp tôi được thông báo trúng tuyển 5 người đó là tôi, anh Thiều Văn Tiến, Phan Huy Khánh, Nguyễn Vũ Tiến, Nguyễn Minh Huân, tuy nhiên chưa có lệnh.
          Trước khi về nhà tôi tranh thủ đi thăm anh tôi ở Nghệ An. Sau khi mọi người trong phòng về hết, vì vội tôi dọn tạm đồ đạc, và ra ga mua vé lên đường. Bốn ngày sau khi thăm anh tôi trở lại Hà Nội, về tới phòng, tôi thấy khoá phòng đã bị mở,  đồ đạc của tôi bị mất, mấy miếng vải mua giá cao để dành cũng không còn, may quá chiếc chăn bông tôi buộc dưới gầm giường chắc bị khuất nên không bị mất. Tôi rất tiếc và hơi buồn.

          Sau khi thu dọn đồ đạc, vì không vui tôi chẳng muốn nấn ná ở lại Hà Nội nữa.  Tưởng rằng chỉ cần đạp xe hai tiếng là về tới Lương Sơn tôi đủng đỉnh 8 sáng giờ mới lên đường. Nào ngờ đến Ba La Bông Đỏ có thông báo: cầu Mai Lĩnh không đi được. Hồi đó cầu Mai Lĩnh trên đường số 6 như một cái đập nhỏ, và phải đi vòng, chỉ cần nước lớn là chìm trong nước không thấy nữa. Cây cầu cũ đã bị phá hồi chống Pháp, sau này (sau 1975) mới được xây lại.  Tôi phải vòng về đường đi Thanh Oai, đi qua  Bình Đà,  đi dọc bờ đê  tới Kim Bài, rẽ lên đường về Miếu môn, theo đường 21 trở về Xuân  Mai. Dọc đường đi trong lòng có nhiều cảm xúc. Mặc dù thường xuyên đi qua Ba La Bông Đỏ, nhưng bây giờ tôi mới đi về hướng này. Ruộng đất Bình Đà thật đẹp, nơi đây đã bao năm nổi tiếng về nghề làm pháo, trồng lúa. Tôi tới Kim Bài vào khoảng 1 giờ chiều, may quá dù đang là mùa hè, nhưng hôm nay không nắng, trời có nhiều mây phủ. Tiếng loa đài trên bờ đê khi đi qua Kim Bài ca ngợi một người phụ nữ lấy thương binh. Nghe vậy, tự nhiên tôi cảm thấy bâng khuâng chạnh lòng.  Khi đi đến đường 21, con đường này thời đó chưa được rải nhựa, dọc đường tôi thấy xe quân sự, xe tăng đậu rất nhiều. Có lẽ bộ đội họ đưa lên để tránh lụt. Tôi về đến nhà khoảng 4 giờ chiều. Đúng là một cuộc hành trình đặc biệt. Cho đến nay đã qua hơn 42 năm tôi vẫn chưa có dịp trở lại đi trên các con đường đó. Về Lương Sơn tôi gặp được vài bạn cũ, vì đứa đi làm xa, đứa đi học (hồi đó các trường đại học nghỉ hè khác nhau, thậm chí trường tôi các khoa cũng nghỉ hè khác nhau. Khoa nào học xong sớm nghỉ sớm). Ở nhà với ba, mạ và các em được khoảng 2 tuần tôi chuẩn bị về trường. Trước ngày đi Nhâm bạn của Hiền mời tôi về nhà ăn cơm, và tặng tôi quà lên đường. Thế là bạn bè tôi rất ít người biết tôi nhập ngũ. Khoảng 1 giờ chiều tôi đón xe  về Hà Nội. Ngồi trên xe lòng bồi hồi, tự hỏi chuyến đi này không biết có phải là chuyến cuối cùng về Lương sơn không?( Hồi đó Hà Nội Lương Sơn thường một ngày chỉ có 2 chuyến, sáng và chiều thời gian đi khoảng hơn 2 tiếng) . Do nước lụt càng cao nên ô tô lại đi vòng theo những con đường tôi đã đi về hôm nọ. Khi rẽ từ Miếu Môn xuống Thanh Oai, thì đã khoảng 6 giờ tối, xe đi đến đâu nước dâng lên đuổi theo đến đó. Nghe nói người ta đã phá chỗ đê nào đó để cứu Hà Nội. Phải tới tận Ba La Bông Đỏ thì mới không còn thấy nước. Xe đến bến Hà Đông thì dừng và lái xe thông báo mời khách xuống. Xe không về bến Kim Liên nữa (ngày nay Bến Kim Liên đã chuyển xuống Giáp Bát, còn chỗ đó năm 1989 đã xây khách sạn Nikko Hà nội). Thật là đặc biệt, lần đầu tiên có chuyện thế này. Tàu điện, xe buýt chẳng còn, vì đã muộn, tôi và nhiều người đành phải cuốc bộ. Tôi đi hết đường Nguyễn Trãi về Ngã tư Sở rẽ qua đường Trường Bay (là đường Trương Chinh bây giờ), rồi theo phố Đồng Tâm, theo đường Đại Cồ Việt về trường, một quãng đường  mười mấy cây số. Về tới phòng đã 12 giờ đêm. Hoá ra là tôi tới sớm, mới có ít sinh viên về trường. Tôi gặp Trần Văn Đang lớp Lý, cũng nhập ngũ đợt này với tôi, cậu ấy nói: “Bố tao phải chở thuyền đi bảy cây số vì từ quê lên đường bị ngập lụt”. Nghe nói quê Đang ở Hưng Yên thì phải.


Phần 2
 Cuộc đời lính
           
      Vào  20 tháng 8, lớp tôi vào học năm thứ 3, tôi cũng tham dự học được vài ngày cho tới khi có lệnh nhập ngũ từ UBND khu Hai Bà Trưng gửi xuống. Cũng thời gian ấy Hà Nội hối hả phục vụ cho việc chống lụt. Sinh viên toàn trường tham gia đan các lưới thép để chứa đá chống lụt, riêng những người nhập ngũ được nghỉ để chuẩn bị lên đường. Tại các lò bánh mỳ, chủ yếu là các cửa hàng mậu dịch ăn uống, trên các phố, các chị, các cô xếp bánh mỳ vào từng bao nilon để máy bay trực thăng rải xuống cho nhân dân bị lụt cứu đói. Nghe nói nhiều người bị mắc kẹt trên mái nhà, bụi tre đã nhịn đói nhiều ngày. Bác phó chủ nhiệm khoa Ngô Tôn Chu hỏi thăm gia đình tôi, có lẽ đó là lần đầu tiên bác hỏi một cách thân thiện với tôi, và tôi cũng đỡ e dè. Sở dĩ như vậy vì hồi mới nhập trường, tôi về nhà lỡ hẹn một vài hôm bị bác Chu quạt cho một trận. Sau này khi xuất ngũ về trường bác Chu không còn đó nữa, không biết có phải bác chuyển công tác hay nghỉ hưu tôi không hỏi.  Bác Cát Bí thư Đảng uỷ trường một lần nữa lại tập hợp sinh viên sẽ nhập ngũ động viên cổ vũ, nhắn nhủ. Loanh quanh đi lại mãi cũng chán, tôi  cùng Thiều Văn Tiến ra đê  xem nước sông Hồng ra sao. Chúng tôi lên quãng đê, nơi đó chính là cuối đường Trần Hưng Đạo, thấy ga Hàng Cỏ ở xa, chúng tôi cảm thấy như đứng trên đỉnh dốc. Quay lưng lại nước lụt đã dâng cao vượt qua đê con chạch, còn khoảng nửa mét nữa là tràn. Hai đứa nhìn nhau bảo: “nếu nước mà phá tại đây thì chắc Ga chẳng còn gì nữa”. Hình ảnh này là kỷ niệm cuối những ngày êm đềm bên bạn bè trước khi lên đường của tôi.
 
          Rồi cuối cùng ngày lên đường đã tới, đó là ngày 6 tháng 9 năm 1971. Ngày mà sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội thời đó sẽ nhớ mãi, đây là đợt ra đi lớn thứ hai, là đợt ra đi của những sinh viên tham dự, và chứng kiến những thời điểm khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh cứu nước. K14 và K15 khoa tôi đi đợt này gồm có:
K14 : Toán : Nguyễn Thành Sự, Nguyễn Minh Huân, Thiều Văn Tiến, Phan Huy Khánh, Nguyễn Vũ Tiến,
          Lý: Trần Văn Đang, Trần Thế Lâm, không biết còn ai nữa không 
K15 : Toán : Nguyễn văn Lưu, Lê Thanh Sơn , không biết còn ai nữa không 
             : Quách Văn Thuỷ, không biết còn ai nữa không 
         
          Sáng 6/9/971 : Toàn trường náo nhiệt, hôm đó mạ tôi cũng về Hà nội. Mạ tôi tới phòng tôi và ngủ lại từ tối hôm trước, từ sáng lớp tôi tập hợp tại sân khu nội trú. Quà lên đường cho chúng tôi đã được trao từ mấy hôm trước (tôi quên mất, hình như là quyển sổ). Chúng tôi kéo ra tập trung tại quảng trường trước nhà C1, C2. Đến khoảng 8 giờ thì các xe Hải Âu chở quân tới. Chúng tôi tập hợp theo khoa và cán bộ tuyển quân đọc tên. Chúng tôi lên xe. Bên lề đường các bạn cả nam và nữ, mắt rõi nhìn chúng tôi. Tôi thấy mạ tôi đứng phía sau nhìn tôi và rơm rớm nước mắt.  Một vài đứa chỉ tay về phía bạn gái mà cả lớp hay ghép với tôi và nói với mạ tôi điều gì đó làm mạ tôi ngó lại.
         Thế rồi đến giờ lên đường. Cả đoàn xe nối dài ra khỏi cổng Parabol và đi về Văn Điển. Cách đây vài năm (tháng 10/2010) tôi mới nghe tay Huân kể lại, tất cả các  bạn nữ lớp tôi đều đạp xe đi theo tới tận Văn Điển.  Nghe Huân nói xong tôi nói: “thế mà bây giờ mày nói, tao mới biết”. Cám ơn các bạn đã có những tình cảm và những cử chỉ đó với chúng tôi, nhưng tiếc quá tôi biết điều đó quá muộn, tại sao tay Huân bây giờ mới nói. Nếu biết sớm hơn bọn chúng tôi sẽ ghi nhớ và trân trọng các hình ảnh  đó và mang vào các trận đánh trong chiến trường.  Những người ra đi lần này cũng không ngờ đây là bước ngoặt của đời mình, có người đã ngã xuống mãi mãi không về, có người đã coi đời lính là đường binh  nghiệp, như nhiều anh em trong lính sinh viên ở Sư đoàn 325 và  tiểu đoàn 371 pháo binh của tôi

          Những ngày ở Sư đoàn 325

          Chúng tôi được tập kết tại làng Quỳnh Đô và được phân về các đơn vị. Đến đây tôi mới biết, ngày hôm đó nhiều trường đều có sinh viên lên đường. Việc phát quân trang kéo dài đến chiều. Sau đó các tân binh trở về các đơn vị. Tôi được về Tiểu đội 10, trung đội 4, Đại đội 1  tiểu đoàn 1 trung đoàn 95 (theo tôi nhó là 83 hoặc  93 gì đó thuộc sư đoàn 325: nhưng tìm hiểu trên trang Web khucquanhanh.net thì Sư 325 chỉ có các trung đoàn 95,101 và 18 không biết thông tin trên trang web này có đúng không). Tất cả khoa tôi đều cùng vào một trung đội. Đại đội tôi có cả sinh viên Bách khoa, sinh viên trường Kinh tế Kế hoạch.

          Làng Quỳnh Đô tương đối lớn. Trung đội tôi có lẽ ở cuối làng. Nhà dân ở đây san sát. Mỗi nhà có một khoảng sân nhỏ, và có tường bao quanh. Đường rẽ nhánh trong xóm cũng rất nhỏ, đặc biệt khu vệ sinh trong mỗi nhà không có, có gì cứ ra ruộng, ruộng cũng rất gần, nhưng lúc đó nước  đã ngập mênh mông. Tôi và Thiều Tiến cùng tiểu đội, Huân và Vũ Tiến ở tiểu đội 11, Khánh ở tiểu đội 12. Nguyễn Văn Lưu K15 Toán cũng ở tiểu đội tôi. Cán bộ tiểu đội của chúng tôi phần lớn là SINH VIÊN nhập ngũ năm 1970. Tiểu đội trưởng tiểu đội tôi là Nguyễn Kiểm, anh này là sinh viên Đại học Nông nghiệp cũng nhập ngũ năm 1970. Trung đội trưởng là anh Thao (không biết có chính xác không). Trung đội trưởng chắc cũng đã nhập ngũ nhiều năm rồi, trông anh có vẻ từng trải sương gió lắm. Cán bộ đại đội tôi sẽ nói sau. Phải nói rằng ở cái nhìn đầu tiên tôi không có thiện cảm với các cán bộ chỉ huy cho lắm, vì cứ nghĩ mình là sinh viên đại học. Sau này tôi dần hiểu và tôn trọng các anh ấy hơn, vì sự từng trải, già dặn và bản lĩnh người lính của các anh.

          Nhờ có các môn học quân sự trong trường đại học nên cánh tân binh sinh viên tập các môn đội ngũ cũng khoẻ. Do nước lụt chưa rút nên chúng tôi ở Quỳnh Đô khoảng hai tuần. Ở đây chỉ tập luyện được mỗi hai môn:  đội ngũ , và chính trị. Chính trị bắt đầu bằng bài tình hình mới và nhiệm vụ của quân đội ... Khi nắng thì tập ngoài đường lớn, khi mưa thì tiểu đội tôi tập trong chùa. Ở đây có một ngôi chùa và hàng ngày chúng tôi cứ một hai xung quanh cái chuông lớn treo thấp. Có hôm cần học chính trị thì mưa, cả tiểu đoàn được tập hợp vào đình thờ Bà Tía để học. Nghe nói Bà Tía là nữ tướng của Hai Bà Trưng. Đình Bà tía thật to, đây là lần đầu tiên tôi thấy ngôi đình to như vậy. Trong đình bài trí uy nghiêm lắm, các cột các kèo đều có trạm trổ công phu. Cứ trưa ăn xong chúng tôi dò dẫm đi dạo trong làng. Làng Quỳnh Đô tương đối lớn, cổng làng cách chỗ giao đường sắt với đường đi Hà Đông khoảng vài trăm mét, vào đến chỗ trung đội tôi phải hơn cây số. Chợ ở đây họ có bán thịt chuột, chuột  đã mổ thịt trắng hếu, xắp đầy trên  mẹt.  Lần đầu nhìn thấy hơi ghê ghê. Có lẽ đấy là nơi lần đầu tiên tôi thấy bán thịt chuột và cũng là duy nhất chăng. Từ đó đến nay qua nhiều năm tôi không gặp ở đâu bán loại thịt này. (Nhưng sau này chính tôi còn ăn thịt chuột mà còn để cả lông nữa kia!)

          Chủ nhật được nghỉ tôi xin phép về trường, vì mới đi có mấy ngày mà nhớ quá. Lần thứ nhất tôi về thăm lớp. Trên đường về Văn Điển tôi gặp bạn gái đã cùng học với tôi hồi còn cấp 1 cấp 2,  mới đi học ở Liên Xô về. Bạn ấy tên là Hiền trùng tên với người yêu của tôi. Tôi đã cùng thằng Doãn Bình bạn tôi con bác nghệ sĩ nhân dân Thương Huyền đã gặp Hiền một lần khi mới về nước. Các bạn thời còn niên thiếu của tôi đã bị chiến tranh phá hoại làm tản mạn các nơi,  thời gian này mới dần gặp lại. Các bạn tôi lớn lên nhiều, Hiền cũng thay đổi nhiều. Còn nhớ cho tới hè năm 1965 lớp tôi nghỉ hè và ai nấy đi sơ tán theo cha mẹ, các bạn đều là các cậu bé, cô bé, nay Hiền đã thành một thiếu nữ. Mà các bạn đẹp ra thật. Những cô bé lớp tôi ngày nào Loan, Phương, Dung, Hiền, Trang, Vân sinh hoạt ở đội múa Ba Lê Nhà Thiếu nhi Thành Phố Hà Nội, nay đã lớn với tuổi đôi mươi, trắng trẻo xinh tươi, đầy nhựa sống. Tôi nói chuyện với anh của Hiền trước đây học cùng trường với chúng tôi. Anh ấy đã tòng quân mấy năm trước, và là lính lái xe, trong một nội dung câu chuyện, anh ấy bảo tôi làm gì cũng phải lấy chữ tín làm trọng và nói một câu tục ngữ mà bây giờ tôi vẫn còn nhớ mãi: một sự bất tín, vạn sự bất tin”. Vài năm sau Hiền lập gia đình, Hiền cưới sau tôi vài tháng, chồng Hiền là một sĩ quan quân đội công tác trong Thành (tức cơ quan Bộ Quốc phòng). Sở dĩ tôi nói chuyện này vì Hiền là người bạn thuở còn niên thiếu tình cờ gặp và duy nhất chúc tôi lên đường những ngày đầu nhập ngũ. Chủ nhật tiếp theo tôi cũng lại về Hà nội, nhưng được biết ba tôi đang đau nặng và đang nằm  tại bệnh viện Bạch Mai. Căn bệnh của ba là cứ đau ở vùng bụng từ khoảng 1 giờ sáng cho tới 1 giờ chiều mới dứt, cứ lặp đi lặp lại mấy ngày rồi . Có lẽ nguyên do cũng vì ba tôi đã mổ dạ dày. Sau khi mổ dạ dày ba tôi cứ đau hết cái nọ đến cái kia. Tôi phải đỡ ba tôi ngồi và tựa vào lưng tôi mới đỡ đau, cả ngày hôm đó tôi ở bên ba tôi rồi về đơn vị. Vài ngày sau đơn vị được lệnh chuyển quân về Hà Bắc. Khoảng 3 giờ chiều chúng tôi hành quân ra ga Văn Điển để đi tàu.  Tạm biệt Quỳnh Đô (và từ đó đến nay chưa có dịp nào tôi trở lại, chắc bây giờ thay đổi lắm) chúng tôi lên tàu và tàu chuyển bánh về ga Hàng Cỏ, sau đó đi tiếp lên phía Hà Bắc. Sau khi đi qua Yên Viên trời đã tối, dưới ánh đèn pha tàu hoả (hồi đó chủ yếu tàu chạy bằng đầu hơi nước) chúng tôi thấy đường Quốc lộ 1 bị chìm trong nước lụt, tàu đi rất chậm vì nước đã ngập đến gần nửa bánh. Khi qua khỏi ga Bắc Ninh, tàu mới ra khỏi vùng lụt. Chúng tôi xuống tàu tại ga Sen Hồ. Tiếp tục hành quân  theo con đường về phia  Hiệp Hoà khoảng 10 km. Tới nơi đóng quân là làng Mai Thượng xã Hương Mai gần làng Tràng của huyện Việt Yên.  Chúng tôi được bố trí ngay về nhà dân, có lẽ đã được chuẩn bị sẵn  để đón nhận chúng tôi. Sáng hôm sau cả đại đội được nghỉ vì qua một chặng đường hành quân đầu tiên của  lính mới. Chân tay tôi uể oải, vai mỏi nhừ. Tiểu đội tôi được ở trong 3 nhà, tôi và 3 người nữa ở cùng là  một tổ 3 người ở tại nhà bác đội trưởng Đội 4.


Vì bản đồ nhỏ nên tôi đánh số và chú thích như dưới đây:
1 Làng Tràng, Chợ Tràng,
2 Làng Mai Thượng, (nơi đóng quân đầu tiên, và thời gian huấn luyện tại 325)
3 Làng Mai Hạ,
4 Thôn Xuân Lan
5 Thôn Tam hợp,
6 Thôn Xuân Minh,
7 Là vị trí đóng quân vài ngày trước khi về 371

          Trong các xóm dày đặc lính mới, chắc các đại đội tân binh đang ở đó
          Cho tới lúc này tôi mới chú ý đến mọi người xung quanh, trung đội tôi chủ yếu là sinh viên Bách Khoa và Kinh Tế, các sinh viên Kinh Tế cũng chủ yếu là dân toán. Tổ tôi có mỗi mình tôi là dân Hà Nội, các anh khác là dân Thanh Hoá. Họ ở vùng quê nên ăn nói thật thà, dân vận tốt lắm, bác chủ nhà rất quý, ngoài giờ hoặc ngày nghỉ là ra tay phụ giúp gia đình và các cháu nhỏ. Tôi còn nhớ tên các anh trong tổ tôi là Nhượng người Nghệ An, Tôn, Luận người Thanh Hoá. Lưu cũng là người nhanh nhẹn tháo vát, nhiệt tình người Ninh Bình. Tiếc thay sau này anh ấy không vượt qua được hoàn cảnh mà phải mất đi  nhiều thứ (sự việc này có dịp tôi sẽ nói lại). Thời gian đầu chúng tôi củng cố chỗ ăn chỗ ở. Chỗ ở thì ở nhà dân rồi, còn chỗ ăn, đại đội xin hợp tác xã một khoảnh đất khoảng 200 mét vuông sát đường đi và bên cạnh có đường mương nước chảy dọc qua, lúc đầu chúng tôi phải chia cơm về tiểu đội ăn. Đại đội một mặt chuẩn bị đất và làm cay (Cay là các viên đất được nén theo khuôn như  viên gạch đá ong, có lẽ chỉ vùng Bắc Giang mới dùng). Một mặt các tiểu đội cử người tản ra các làng xung quanh xin tre. Các nhóm đi trước có người mượn xe cải tiến họ đi xin được chở về hàng xe. Nhóm tôi đi gần cuối cùng. tôi và Nhượng được cử đi xin. Chúng tôi mượn xe cải tiến của bác chủ và lên đường. Đi theo đường  xuống tận Hiệp Hoà, xa nơi đóng quân đến gần chục cây số, gần đến Phố Thắng. Chúng tôi rẽ trái  đi vào một làng. Tự bảo nhau đi xa thế này chắc là chưa có ai đến đây. Nhưng rồi cứ nhà nọ sang nhà kia hỏi xin, đến đâu ai cũng nói với đại ý: thôi các chú  đã đến thì mời vào nhà uống nước, còn tre thì chẳng có đâu, mấy ngày trước có nhiều đoàn vào xin rồi, chúng tôi không còn để cho, nếu còn cũng để sửa lại chỗ nọ chỗ kia mong các chú thông cảm, Cho đến trưa, chúng tôi rẽ vào một nhà mục đích để nhờ nấu cơm ăn, Nhà này chỉ có một bác gái.  Khi đi hai chúng tôi được chia khẩu phần gạo,  chúng tôi mượn nồi và bếp nấu cơm. Cơm chín chúng tôi lại mượn bát đũa và xin chủ nhà muối để ăn, Bác chủ thấy vậy hỏi các chú có ăn mắm cua không. Tôi thấy hơi lạ vì chưa bao giờ nghe có mắm cua, hồi còn ở nhà buổi trưa anh em tôi thường ra ruộng lúa bắt cua và bắt được rất nhiều, mang về mạ tôi chỉ giã nấu canh hoặc rang chứ không thấy làm mắm (nếu biết điều này thì nhà tôi cũng tạm dừng ăn mary, xì dầu cũng nên). Nước mắm cua cũng tương tự nước mắm cá và có vị hơi khác một chút, bữa cơm thật ngon. Vì Cơm nấu chảo không bằng nấu nồi (sau này cũng thế mỗi lần đi dã ngoại tiểu đội được chia gạo để nấu, nấu nồi nhỏ ăn rất ngon và mềm). Từ đó đến nay tôi chưa được nếm lại món mắm cua như thế. Sau bữa trưa hai đứa lại lần mò quanh làng. Nhượng mạnh dạn đi vào một doanh trại bộ đội thông tin, gọi là doanh trại thực ra chỉ là mấy ngôi nhà nhỏ. Chúng tôi vào một nhà, rồi mới biết đây là nhà của vị chỉ huy có giọng nói miền Nam, Tôi nói  với vị đó chúng cháu (vì bác này lớn tuổi và người lạ) là tân binh đi xin tre và có nhờ chỉ giúp nơi có thể xin được, vì từ sáng tới giờ chưa xin được cây nào. Bác ấy gọi chúng tôi là các cậu, và nói vùng này mới bị lụt xong, tre được vận động đóng góp đem đi chống lụt và những ngày qua bạn các cậu đã quần nát chỗ này rồi, nên cũng khó xin đấy, vả lại các cậu kéo cả cái  xe đi xin, nhìn thấy người ta đã sợ rồi. Qua cuộc nói chuyện chúng tôi cũng biết đây là trường Thông tin, quanh đây mấy năm trước có một khoa của Đại học Bách Khoa đã về sơ tán, nay đã trở lại Hà nội. Rời khỏi trường thông tin hai chúng tôi cố vào thêm một vài nhà nữa, cũng may gặp được 2 nhà thương hại cho được 2 cây tre kiến đục. Tre bị kiến đục thì coi như hỏng vì nó rất giòn. Chiều chúng tôi lếch thếch trở về. Tưởng đâu anh chàng Nhượng lẻo mép, nhưng cũng chẳng hơn tôi chút nào. Khi đi hăng hái bao nhiêu thì khi về ngán ngẩm bấy nhiêu. Lần đầu tiên làm dân vận, hai đứa thể hiện quá yếu kém

          Toàn đại đội tôi xin được nhiều tre đủ để làm cái nhà ăn đồng thời dùng để làm hội trường. Mái thì lợp giấy dầu. Bàn ăn thì lấy 4 đoạn tre làm chân, mặt bàn là các nẹp tre đan lại, Tường xây bao quanh tới ngực bằng cay. Cái nhà ăn đủ chứa cả đại đội khi ăn và khi ngồi sinh hoạt, học tập.

          Tiểu đoàn tôi đóng rải trong huyện Việt Yên. Nghe nói còn một tiểu đoàn nữa nhưng không biết ở đâu quanh đây. Đất ở đây là  đất pha cát, nên không có bùn khi đi mưa. Ngoài xóm làng là ruộng và các khoảng đồi trồng bạch đàn

          Khi đã có nhà ăn, đại đội  tôi bước vào huấn luyện. Các phần lý thuyết của  các khoa mục thường do cán bộ đại đội giảng. Luyên tập thì cán bộ trung đội, tiểu đội hướng dẫn và uốn nắn. Các môn xạ kích thì ra đồi bạch đàn để tập. Môn này có thể tránh nắng được, tuy nhiên lá bạch đàn không dày nên vẫn bị cháy nắng và mỏi mắt. Chúng tôi hết ngắm bắn bia số 4 đến bia số 7, tiếp theo còn học bắn găm “vừa tiến công vừa bắn”,  bài 3 ban đêm   

          Những ngày huấn luyên thật gian khổ. Lúc nào đầu óc cũng căng như dây đàn. Quần áo mặc một bộ đến mấy ngày mới thay, câu nói “cơm ăn ba bữa, quần áo mặc cả ngày” thật đúng vì hết giờ tập phủi một lúc là cát bụi rũ hết (do ở đây toàn đất cát), về đến nhà chưa kịp nghỉ đã có kẻng ăn cơm . Tiểu đội đi ăn cơm phải tập hợp và đi thành hàng tới nhà ăn. Ăn xong về chẳng có thời gian thay quần áo (mà nếu có thay rồi thì để đâu?), chợp mắt  một chút gần 1 giờ chiều phải dậy ra thao trường. Chiều về ê ẩm cả người. Đặc biệt các môn đâm lê, lăn, lê, bò toài vừa bụi bặm vừa tốn sức. Sau này khi học về ném lựu đạn có một anh chuẩn uý mới tốt nghiệp sĩ quan lục quân về làm đại đội phó (gần đây tôi quên mất tên rồi, hình như là Đông, để hỏi lại Vũ Tiến, Khánh xem sao), Anh ấy luyện quân rất chặt,  đầu tiên là môn ném lựu đạn, khi tập  nằm ném phải vươn người ném dứt khoát rồi nằm xuống, toàn thân phải hoạt động. Rồi các môn về tiềm nhập như đi khom, phải đi cho chuẩn, quỵ đầu gối thấp xuống, đi như con cun cút . Kiểu đi này sau buổi tập về các bắp chân ê ẩm, bước mỗi bước thấy 2 cái chân nặng như chì. Chưa hết, khi học tới môn võ mới chối. Các miếng quật ngã đối phương thì còn nhẹ. Đến các kiểu ngã thì “hết xảy” luôn. Nào là ngã trái, ngã phải, khi phải đưa vai phía tương ứng chạm đất trước. Đặc biệt kiểu ngã trước, ngã sau đều dùng 2 cánh tay tiếp đất trước, còn người thì phải đổ xuống như cây chuối đổ. Mấy ngày đó cả người như bị tra tấn, 2 cánh tay mỏi nhừ, bầm dập, rời rã. Nhưng tập vài ba ngày rồi cũng quen và động tác ngã càng thành thục hơn.

          Vào bộ đội tôi bắt đầu làm quen với việc gác đêm. Ở đây vì sống trong nhà dân nên phạm vi gác chỉ trong khu vực trung đội. Trong xóm, tre mọc dày nên dù có trăng mà đi trên đường tối đen như mực, phải ra con đường gần ruộng mới thấy rõ mọi vật xung quanh. Trong đêm gác, đầu óc  suy nghĩ tới mọi điều, gió lay các cây tre kêu kẽo kẹt nghe lại nhớ trường, nhớ bạn bè. Có hôm khi đang gác tự nhiên nhìn thấy luồng ánh sáng phát ra từ trong một nhà, giật mình nhìn lại tưởng có sự việc gì, một hồi định thần lại hoá ra trong đêm mắt con trâu trong chuồng phản ra, tôi lại nhớ hồi ở nhà, thỉnh thoảng khi đi đâu về khuya chó nhà tôi chạy ra mừng đón vẫn có hiện tượng này. Còn nữa có hôm vì không có đồng hồ, đứng mãi chẳng thấy ai ra thay  phải đứng đến mấy tiếng. Hoá ra anh chàng gác phiên sau ngủ quên.

          Sau khi học các khoa mục cơ bản chúng tôi học về bộc phá. Chúng tôi được biết tất cả các kiểu bộc phá ống, bộc phá dây, bộc phá khối. Tập gói các loại bộc phá, thực hành làm thật mỗi người gói một khối bộc phá bằng đất to như bộc phá 2 kg với khối thuốc nổ 25 gam. Theo bài giảng thuốc nổ TNT, được ép thành bánh 200gam,  400 gam, nếu bánh 200 g gắn kíp vào khi nổ sức công phá cũng ghê gớm lắm. 1 KG thuốc nổ là có thể đánh xập một toà nhà rồi. Khi thực hành đánh lô cốt,  trên một gò cao ven xóm,  nhìn giống như trong phim vậy. Với lượng thuốc nổ có 25 gam, khi cho nổ  tiếng nổ cũng to như pháo cối, khói đen bay mù trời. Thế mà có anh cứ run vãi cả đái. Chúng tôi cũng được thực hành ném lựu đạn thật nữa. Tôi làm các động  tác này có lẽ là lần duy nhất cho đến nay, vì sau này đi chiến đấu tôi chưa phải dùng lựu đạn và bộc phá.

          Hết võ chúng tôi lại học chiến thuật, đánh các điểm theo tổ ba người, chúng tôi thực hành trên các bờ ruộng. Ở đó các bà, các chị hàng ngày đi làm đồng. Tôi nói vậy vì thấy cả làng rất vắng bóng nam thanh niên, chỉ thấy phụ nữ và người già. Khi các cô trêu đùa với lính, các chị lớn tuổi nói: “Thôi chúng mày đừng quấy rầy, để  các chú ấy tập, nếu tập không tốt vào chiến trường lại không đánh giặc được”.  Sau khi luyện tập được khoảng một tháng chúng tôi chuẩn bị rèn vác nặng. Sư 325 chắc là cái lò luyện quân thì phải, lính mới vào sẽ được rèn việc vác nặng. Chúng tôi nặn một khối đất khoảng 20 kg và đan một cái sọt chứa được khối đất đó, buộc quai để tạo thành cái gùi gọi là “Sọt rèn”. Việc rèn này chúng tôi thực hiện được khoảng vài buổi, đi theo con đường tới phố Thắng. Chúng tôi còn được tập báo động và chạy võ trang.  Đêm nào có báo động là tiểu đội trưởng cũng đánh tiếng, nhắc chuẩn bị sẵn sàng có thể có báo động! . Do chúng tôi được dân quý, và bác chủ nhà rất tỉnh ngủ, nên khi có báo động là bác chủ nhà đánh thức chúng tôi ngay. Khi được tiểu đội trưởng nhắc, đêm đó cả tổ bốn thằng tôi cứ quần áo mặc sẵn, mang giầy sẵn, gối đầu lên ba lô ngủ. Khi nghe tiếng báo động vào khoảng 4 giờ sáng, chúng tôi choàng dậy khoác ba lô ba chân bốn cẳng chạy ra tập hợp, thế mà vẫn bị phê bình là còn chậm. Trong cuộc hành quân ấy khi đi được khoảng 2 km tôi dẫm phải ổ gà và bị bong gân. Đây là lần bong gân lần thứ hai trong đời, lần thứ nhất tôi bị bong gân khi  còn học cấp một hồi còn nhỏ. Lần này chân bị sưng lâu hơn, và khi khỏi để lại cái mắt cá phụ bất thường. Hồi đó tôi chưa biết dùng lá Náng để hóp, bác chủ nhà bày cho tôi hóp bằng lá mít, lá bưởi nhưng chẳng ăn thua. Y tá đại đội cho tôi dầu long não bôi cũng chẳng có tác dụng, mà nghe nói nếu bôi nhiều sẽ bị giòn xương. Nghỉ được vài hôm, tôi lại đi cà nhắc ra thao trường, tập các môn không phải phải vận động nhiều. Cũng chính lần bong gân này đại đội trưởng mới nhìn kỹ mặt tôi, và tôi hay được nêu tên ở đại đội.

          Nói về cuộc sống của lính ở đây cũng hay. Một số anh sợ đi ra đường gặp các cô gái trêu là lính mới (chắc là cũng bị trêu rồi). Các đại ca ấy nghĩ ra trò đổi áo mới lấy áo cũ. Các anh lính mới gạ các anh lính đã nhập ngũ trước  đổi quần áo cũ, để khỏi bị trêu. Không hiểu sao quần áo phát cho lính các năm trước ở Sư 325 chất lượng đồng loạt xấu hay sao mà mặc vào trông nhàu nhoè, màu bạc thảm hại lắm.

          Tối hoặc ngày nghỉ, chúng tôi tràn ra phố Tràng, chợ Tràng đi mua sắm, dạo chơi. Nói là phố nhưng chỉ có lèo tèo vài quán nước chè, có một cửa hàng bách hóa.  Ở chợ Tràng có một cây thông to cao lắm, không biết được trồng từ bao giờ, cây thẳng đứng, thân cây phải hai người ôm mới xuể. Đây là đặc điểm khó quên về vùng Việt Yên. Không biết sau hơn 40 năm, giờ đây cây thông đó có còn không. Cửa hàng mậu dịch phố Tràng bán nhiều thứ, hồi đó người ta bắt đầu bán bút bi Trung Quốc, loại bút vốn được gọi là bút “nguyên tử” đã vắng bóng hàng chục năm rồi, mới được xuất hiện lại từ năm 1970. Bút bi được chú ý hơn cả, nó là phương tiện để viết thư gọn gàng (cuộc sống bộ đội dùng bút máy bất tiện lắm). Bánh trái Hà Bắc rất ngon và rẻ : như bánh gai, bánh nướng. Vốn thèm ngọt nên thỉnh thoảng tôi ra cửa hàng hợp tác trong chợ Tràng mua. Còn muốn hoành tráng hơn phải lên phố Bích Động hoặc vào phố Thắng xa non chục cây số mới có. Việc ăn uống ở đơn vị hơi khô khan, cơm độn ngô, nấu chảo nên cứng, thức ăn cũng nghèo. Các bác trong đội nói cá to bằng bàn tay mua có 6 hào một cân, vậy mà hàng ngày chúng tôi chỉ được ăn cá bằng ngón tay và toàn là xương. Ấy thế mà sau hơn 2 tháng tôi cân được 64 cân, so với hồi khám sức khỏe trước đó 3 tháng lên được 13 cân, thật không hiểu thế nào.

          Lính sinh viên cũng thường tỏ những thái độ kỳ lạ, nếu phải ngồi gò bó nghe một điều gì thì tay chân ngứa ngáy, người thì ngọ ngoặy. Tôi còn nhớ có lần cả tiểu đoàn được tập hợp trong một đồi bạch đàn ở làng Mai Hạ, học chính trị nói về truyền thống quân đội. Chính trị viên tiểu đoàn dáng nhỏ con, ngồi chổm hổm trên ghế trước mặt là cái bàn để một radio dùng làm micro (Hồi đó radio Orionton hoặc LiDo có thể  dùng loa để làm micro được). Ở trên giáo viên nói điều gì thì mặc, ở dưới cứ rào rào nói chuyên, trêu đùa, kéo khoá súng kêu lách cách. Không phải là lính coi thường cán bộ, nhưng bài giảng nghe khô và buồn quá. Tình trạng này cũng xảy ra trong đại đội tôi. Nói về cán bộ đại đội thì đại đội trưởng của tôi đã 22 năm trong quân ngũ và đeo quân hàm trung uý, dáng người anh đẹp ăn nói rõ ràng anh ấy tên là Tuyển, còn chính trị viên thì tôi không để ý mấy, anh ấy tên là Uyên, anh có hàm răng hô mà lại hơi vàng, nên có đứa gọi là hàm răng cải mả, đầu tiên tôi chưa hiểu, sau này có người giải thích tôi mới vỡ nhẽ. Có điều khi anh Uyên lên lớp chính trị thì cứ mười buổi như chục ở dưới lại ồn ào, tiếng va chạm súng ống cứ lách cách không ngừng. Ngược lại anh Tuyển ít khi giảng chính trị nhưng đã lên lớp thì cả đại đội ai cũng phải há hốc miệng nghe. Có một lần anh Tuyển giảng về cảnh giác với âm mưu của địch, anh chẳng nói lý thuyết gì cả, anh thuật lại vụ lính Mỹ đột kích giải cứu tù binh Mỹ tại Sơn Tây. Phải nói là câu chuyên thật hấp dẫn, vì chưa có đài báo nào đi sâu các tình tiết về sự việc này cả, anh nói đội quân giải cứu tù binh đã được tập dượt tại Mỹ ở một nơi bí mật. Tại đấy quân Mỹ đã tái lập địa hình giả giống hệt thực tế tại Sơn Tây để tập, thậm chí chính xác tới vị trí các giếng nước nơi lính Mỹ sẽ đổ bộ. Chúng tập cho đến lúc thành thục (đây là câu chuyện anh kể tôi không hề bịa đặt, còn có đúng thật vậy không thì tôi chịu), và anh trình bày chi tiết diễn biến của cuộc tập kích. Kết thúc câu chuyện sau hơn một giờ đồng hồ trình bày anh kết luận: Đấy những vấn đề cảnh giác là ta đã chuyển tù binh đi trước và bất ngờ, nên địch đã thất bại, còn sự mất cảnh giác là địch tập kích mà một số đơn vị quân đội quanh đó không kịp ứng phó. Cả buổi nói chuyện không có một tiếng động nào ngoài lời nói của anh.

          Đến Hà Bắc khoảng một tháng cả tiểu đoàn tân binh chúng tôi tham gia giúp dân   khai thông mương máng thuỷ lợi. Vào một ngày chủ nhật, ngay từ sáng chúng tôi hành quân tới vị trí cách xa nơi đóng quân khoảng 2 cây số theo đường đất về phía Hiệp Hoà. Chúng tôi xắn đất mềm bằng thuổng và chuyền theo hàng người tới vị trí cần đắp, vào khoảng 10 sáng, tay tôi bị miếng tre như cây tăm đâm xuyên vào mu từ dưới đốt đàu ngón cái chéo lên gần dưới đốt đầu ngón tay trỏ trên bàn tay trái. Chắc là tảng đất đã trượt qua tay tôi và trong nó chứa miếng tre và đâm vào tay. Cũng may  nó không xuyên qua đường tĩnh mạch. Cứ tưởng là nó chỉ đâm vào làm xước da thôi, nào ngờ cứ mưng mủ và hơi nhức. Khoảng nửa tháng sau, khi khơi mủ chỗ miếng tre đã đâm vào, tôi thấy có gì đen đen, tôi dùng kim băng khều dần ra. Hoá ra còn một đoạn tre như khúc tăm dài gần 2 cm còn nằm trong thịt,  bọc xung quanh nó là phần thịt có mủ nên mới dễ khều ra như thế. Sau khi lấy được miếng tre ra, khoảng ba bốn ngày là chỗ đau lên da non. Chỗ đó trở thành sẹo, nó mới biến mất độ chục năm trở lại đây. Thế là chỉ mới vài tháng đời lính tôi đã bị hai tai nạn rồi.
         
          Ở nhà bác đội trưởng một thời gian, do nằm 4 người một chỗ, tôi thấy trong nhà Tiến ở chỉ có 2 đứa, tôi xin chuyển vào ở nhà đó. Nhà này chỉ có một chị khoảng trên 30 tuổi và bà mẹ. Nói chung được ở nhà mới yên tĩnh hơn, vì cả Tùng và Tiến đều ít nói.  Thấm thoắt thời gian, đã đến ngày chúng tôi được bắn đạn thật. Vào  khoàng đầu tháng 11  đại đội tổ chức bắn luôn tất cả các bài. Nhà bếp chia gạo và thức ăn, xoong nồi về các tiểu đội, chúng tôi hành quân tới chân Núi Voi. Mà Hà Bắc sao nhiều Núi Voi thế?. Ở Từ Sơn cũng có Núi Voi. Gọi là núi  chứ thực ra là một đồi đất. Chúng tôi được bắn bài 1 bia số bốn (nằm bắn không tính thời gian) và hành tiến bắn bia số 7 (quỳ bắn, đứng bắn). Hôm đó trời hơi mưa, cũng may là trời không mưa to. Vất vả cả ngày rồi chúng tôi cũng thực hiện xong. Đến tối thì thực hiện bắn bài 3 ban đêm, đầu tiên hành tiến và bắn găm (không ngắm) 2 loạt, rồi bắn bia nhấp nháy.  Kết thúc tôi đạt loại giỏi, nhưng không tuyệt đối. Đấy là lần đầu tiên trong đời tôi được bắn đạn thật. Hồi còn đi học tôi chỉ được bắn súng thể thao TOZ8, chứ chưa được bắn súng thật. Tôi có tật trong môn bắn là những giây đầu đường ngắm tương đối tốt, các giây sau, thấy chói, hoặc đung đưa đến lúc mỏi mắt, sốt ruột bóp cò nên đường ngắm thường không chuẩn,  may là cũng đạt mỗi viên thường từ 8 điểm trở lên. Tuy nhiên không được điểm tuyệt đối. Hồi đó ai mà bắn giỏi bia số bốn đạt 30 điểm là được thưởng một tuần phép. Đại đội tôi hình như được 1 người. Cả tiểu đoàn được khoảng 7, 8 người gì đó. Sau khi bắn đạn thật chúng tôi có vẻ được nhàn hạ hơn.

          Ở đây một thời gian tôi nhận được một cân đường do ba tôi gửi lên qua bưu phẩm. Hồi đó đường phải mua tiêu chuẩn tem phiếu, mà phải gia đình có hộ khẩu Hà Nội, hoặc là cán bộ nhà nước mỗi tháng được một lạng, nếu không thì phải mua với giá cao, mà cũng ít khi gặp. Chủ nhật đó tôi xin đơn vị lên Bích Động để nhận bưu phẩm. Cả đi cả về non 20 cây số nhưng được đi ra ngoài tự do tôi vui vẻ lắm.  Ở vùng Việt Yên có nhiều lạc, sẵn có đường  thế là tôi nảy ra ý định nấu kẹo lạc. Tôi hỏi chị chủ nhà cách người ta làm kẹo như thế nào. Chiều thứ bảy tuần tiếp đó, chúng tôi được nghỉ sớm, tôi và Thiều Tiến rang lạc xảy vỏ và đặt bếp nấu đường, do không tìm được chanh nên kẹo không dính như kẹo lạc bán ngoài chợ. Vừa làm xong, tay Huân ở đâu xộc vào nói: “tao về Hà Nội đây”, tôi hỏi:  “mày xin phép chưa”, Huân nói: “rồi”. Đột nhiên trong đầu tôi lóe lên ý định trốn về theo Huân, vì nếu đi xin sẽ không kịp, và chưa chắc các cán bộ đã cho. Tôi nhớ Hà Nội quá nên không thể kìm được. Tôi nói với Thiều Tiến: “thôi mày giải quyết món kẹo”, đồng thời lấy một ít mang theo. Hai đứa cuốc bộ lên Bích Động, ra ga, cũng may kịp giờ tàu. Chúng tôi về đến Hà nội khoảng hơn 10 giờ đêm (đến nay tôi không nhớ đêm đó tôi ngủ ở đâu). Sáng hôm sau chủ nhật tôi đến nhà Huân ở Phố Triệu Việt Vương, rồi đi loanh quanh về khu nội trú hết buổi sáng, khoảng 10 giờ tôi sang nhà B3 thăm các bạn nữ lớp tôi, chào hỏi một lúc  tôi đi ra thì gặp chị Huế K12, chị cao to nhưng khuôn mặt trắng và xinh, môi lúc nào cũng đỏ mọng, nhà chị ở Hải Phòng thì phải, chỉ còn khoảng 1 năm nữa là chị ra trường. Chị hỏi tôi “mày về thăm chị em đấy hả Sự”. Tôi không ngờ chị lại biết tên  tôi, vì từ ngày vào trường, tôi chưa nói chuyện với các chị khóa trên bao giờ, chị đúng là đàn chị thật. Hoá ra các bà ấy đã ngấm ngầm để ý quan sát đàn em.   Lúc đó chị chỉ tay vào một cô gái đang ngồi viết bên bàn ngoài hành lang gần cửa ra vào, cười và hỏi tôi: “mày biết ai đây không?” tôi chưa kịp trả lời chị đã nói :“con Cúc đấy, mày thấy nó xinh không?”. Lúc đó tôi mới định thần nhìn,  tôi cũng chưa nhìn kỹ chị Cúc bao giờ. Nhưng lúc đó nhìn trực diện, tôi thấy chị Cúc thật trắng trẻo, thật xinh đẹp. Chị Huế nói thêm: “bây giờ nó thoải mái nên, người nó xinh ra đấy”. Lúc đó thoáng trong đầu tôi câu chuyện buồn của chị Cúc trước đó một năm. Gần đây xem lại ảnh chị qua cuộc họp lớp, do anh Nguyễn Đăng Hà đăng trên mạng, tôi thấy những nét đẹp của chị vẫn còn thoảng thấy ở tuổi 60. Tôi đâu ngờ đó là lần gặp các chị duy nhất và cho đến bây giờ chưa gặp lại

          Đến trưa tôi chuẩn bị ra ga tàu về đơn vị. Hồi đó đi tàu hỏa thật khó, nhất là vào ngày chủ nhật. Định lên tàu tại ga Hàng Cỏ, sau thấy tàu trễ, sốt ruột tôi tới ga Long Biên, rồi lại chẳng thấy tăm hơi gì, tôi tiếp tục sang ga Gia Lâm, tôi cũng chẳng còn nhớ tôi đi qua các ga như thế nào nữa. Tại ga Gia Lâm, mua vé xong  dài cổ chờ tới gần năm giờ chiều mới có tàu, tàu thật đông, và lính trốn về cũng thật đông. Tôi phải bám ở đầu toa chỗ lên xuống cho tới lúc đến ga Sen Hồ. Khi tới ga Sen Hồ đã hơn 7 giờ tối, tôi cuốc bộ dưới ánh trăng tờ mờ, đi từ Bích Động về phố Tràng. Đi qua trường Đại học Nông nghiệp (nay là đại học nông lâm)  ánh đèn dầu hắt ra từ các nhà sinh viên làm tôi nhớ lại ngày nào, lớp 8 chúng tôi cũng đi học đêm, đội mũ rơm, mỗi đứa mang một cái đèn dầu đủ kiểu cách. Hồi đó chúng tôi phải học ban đêm vì năm đó máy bay đã ném bom khu vực Lương Sơn, và đầu năm 1967 Mỹ đã ném bom  vào trận địa tên lửa bên cạnh trường tôi, thời đó thật căng thẳng. Chiến tranh đã tới cổng trường chúng tôi và đã lấy đi mạng sống vài người.

          Về đến đơn vị gần 10 giờ đêm, trung đội đã điểm danh. Do ở rải trong nhà dân nên đơn vị tôi chỉ điểm danh tại trung đội. Anh Tôn tổ trưởng đã trả lời “có”  thay khi trung đội trưởng gọi tên tôi; còn không biết anh chàng Huân lên đơn vị lúc nào; thật hú hồn, thế là thoát.

          Bắn đạn thật xong cả đơn vị rỗi rãi, đã có những rục rịch về nhân sự. Lê Thanh Sơn, Trần Thế Lâm đã được giao công tác mới, 2 vị ấy nghe đâu được điều lên Sư đoàn làm kế toán pháo binh. Từ sự thay đổi này làm chúng tôi hồi hộp và rạo rực. Trong đầu cứ chập chờn câu hỏi mình sẽ được chuyển đi đâu?

          Thế rồi toàn đại đội di chuyển vị trí đóng quân, vị trí mới gần sát với trường bắn nằm bên này Núi Voi, cách vị trí cũ khoảng vài cây số. Tôi và Thiều Tiến ở cùng một nhà nằm sát bờ kênh (con kênh này được nối từ Phố Tràng tới đây). Nhà tôi ở có một cụ bà khoảng trên năm mươi tuổi và chồng trên 70 tuổi (thế là chồng hơn vợ đến hơn hai chục tuổi), và một cô con dâu, con trai 2 cụ công tác trên huyện lâu lâu mới về (nghe bà cụ kể thế). Chị con dâu khoảng 25 tuổi người tầm tầm, trắng trẻo. Ở nhà quê nhất là vùng Hà Bắc tôi thấy nhiều phụ nữ trắng trẻo, mặc dù họ vẫn ra đồng, giang nắng. Quả là họ biết giữ da. Nhà tôi ở không làm nông, Bà cụ buôn miến và rượu. Cứ vài hôm bà lại vẫy tay gọi tôi và Thiều Tiến vào ăn xôi, ăn chè, và kể chuyện gia đình bà. Ở đây khoảng một tuần, ba tôi lên thăm và mang cho một quyển tập nhạc và lời “Vì nhân dân quên mình”, có đến hàng trăm bài hát. Khi đó Khánh rất ham học ghi ta và hay đánh bài “những cô gái quan họ”. Trong quyển sách của tôi cũng có bài đó. Thế là Khánh “sở hữu” ngay để tập.

          Ở đây được khoảng hơn một  tuần, đại đội tôi lại chuyển vị trí đóng quân sang bên kia Núi Voi. Từ bên này núi sang bên kia phải vượt con dốc khoảng vài trăm mét. Dưới chân dốc bên này có một dãy nhà kho, hình như đây là kho lúa, vì tôi thấy nhà kho như nhà sàn của người dân tộc, sàn cách đất khoảng 1 mét, cột của sàn rất to đối diện là  một cửa hàng bách hóa. Tôi nhớ có lần tôi đã được cử đi công tác sang phía bên này lấy cái gì đó (tôi quên mất rồi), trong khi chờ đợi tôi xin nghỉ ở nhà dân. Nhà dân ở đây khác ở phố Tràng. Quanh nhà không trồng tre, mà trồng cây ngăn cách hàng rào bằng loại cây mà công viên Thống Nhất ở Hà Nội hay trồng. Trước mỗi nhà là khoảng vườn và sân, từ phía ngoài vào đi theo đường hẹp. Nói chung phong cách sống khác với phố Tràng, vì ở đây họ nấu và buôn rượu, làm miến, chắc không làm nông. Vị trí đóng quân mới của chúng tôi không phải xóm vừa nói. Đó là một xóm mới, nhưng các nhà ở rất gần nhau, vườn rất nhỏ, cây cối ít. Từ đây về Bích Động rất gần chỉ khoảng hơn bốn cây số thôi. Đứng trên cao một tý có thể thấy xe chạy ngoài đường 1. Đến đây vài ngày, một hôm vào thứ bảy sau khi ăn cơm xong. Tôi lại chuẩn bị “chuồn”, vì ở đơn vị chủ nhật chẳng biết làm gì, hơn nữa cảnh chờ đợi thật sốt ruột. Khi tôi xắp ra khỏi nhà thì được thông báo: toàn đại đội tập hợp đột xuất. Khoảng 15 phút sau; toàn đại đội đã tập hợp tại một nhà có sân rộng. Đại đội trưởng tuyên bố danh sách những người sẽ nhận công tác mới. Kết quả nói chung toàn  bộ anh em khoa Toán Lý đều có tên. Các anh ở trường Kinh tế kế hoạch cũng có, cả Nguyến Sĩ Cứ ở A11 trung đôi tôi nữa. Hình như là những người học chuyên về tự nhiên ở các trường đều được chú ý. Năm thằng Toán K14 chúng tôi đều có tên cả, Lý K14 có Đang, Lý K15 có Thủy, Lưu bị ở lại không có tên. Trung đội 4 chúng tôi có tên trong danh sách khá nhiều. Thế là ý định về Hà nội bị dập tắt, ngay chiều hôm đó năm đứa chúng tôi rủ nhau lên Bích Động chụp ảnh (cái ảnh đó tôi giữ mãi cho đến năm 2010 thì bị mối ăn mất). Chụp xong mấy thằng dạo quanh Bích Động một lượt, đến gần tối  mới quay về. Trên đường về chúng tôi đi tắt theo đường ruộng. Thật kỳ lạ, 5 thằng mỗi đứa đều gặp một con rắn, bò qua bờ ruộng. Tôi rất sợ rắn, nên cứ nghĩ đó là điều không may. Sau đó kể lại cho một số người họ lại nói gặp rắn trước khi lên đường là may. Không biết có đúng thế không, nhưng năm đứa chúng tôi sau này mỗi đứa đi mỗi nơi trong chiến trường khi trở về không sứt mẻ gì cả. Ảnh chụp xong không biết sau này lấy thế nào tôi cũng quên mất.
(Còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét