11 thg 8, 2013

Ký ức của Nguyến Thành Sự - 10


          Ở Lượng Kim được hơn một tháng. Vào cuối tháng tư năm 1973  chúng tôi được lệnh rút quân về Dốc Miếu. Thế là chúng tôi phải chia tay bà con Cửa Việt. Xa anh chị Tám và các cháu, và cũng không biết ngày nào sẽ lại gặp nhau. Tôi không rõ việc thay thế C6 tại trận địa xảy ra thế nào. Đại đội chúng tôi được tập kết một chỗ và cùng rút. Tôi không nhớ vị trí bến chúng tôi chỗ nào nhưng những hình ảnh đến nay còn đọng lại là chúng tôi đi trên một chiếc xe lội nước to, kín, khi tới bờ phía bắc tôi nhìn thấy những ngôi nhà ven sông, không còn tan hoang như hôm chúng tôi đi vào. Đến khoảng 9 giờ sáng chúng tôi đã qua được bờ bắc sông Cửa Việt. Đến trưa thì về đến Tân Lịch Do Linh. Chiều toàn đại đội tập hợp trong khu vườn, có mắc dây Fi đơ tại nhà chúng tôi đã ở. Đại đội tập trung làm thủ tục rời khỏi chiến trường. Chúng tôi nhận giấy chứng nhận XYZ,  giấy giới thiệu làm huy chương (tôi quên mất rồi vì đã bị đánh mất) do anh Sáng chính trị viên tiểu đoàn ký. Có lẽ ban chỉ huy tiểu đoàn tiền phương đã được thành lập và đóng trụ sở tại Do Linh. Có các giấy tờ này rõ ràng là chúng tôi sẽ ra Bắc. Cũng như đợt trước chúng tôi cũng chưa tỏ thái độ gì, vì ra Bắc vào Nam là lẽ thường xuyên của lính ở chiến trường B5. Tính toán ngày tháng, ngày chúng tôi rời khỏi Cửa Việt vào 23 tháng 4 năm 1973 để rút quân ra Bắc.


          Sáng hôm sau  chúng tôi đã được xe ô tô đón ngay tại cổng thôn ở ven đường 1, lại cũng mấy xe Zin như những lần nào. Kỳ này khí tài, quân dụng chúng tôi bàn giao lại hết, khẩu AK đã gắn bó với tôi một năm qua đành để lại. Xe cũng đi nhanh thôi, vì chúng tôi lại quay về xóm cũ ở Sen Thuỷ, Lệ Thuỷ. Lúc này tôi sinh hoạt với C bộ nhưng vẫn về ở chung với B1. Về Sen Thuỷ được vài ngày, hôm đó anh Tới anh nuôi rủ tôi đi chợ để trợ giúp mang vác. Tôi thấy thật là ý hay, tôi chưa biết Lệ Thuỷ nên đồng ý liền. Sáng đó tôi nói với anh Thoa và đi lên thị trấn Lệ Thuỷ. Đường đi lên Lệ Thuỷ rất dễ đi. Sau khi vượt con suối, chúng tôi đi theo đường đất, đến thị trấn Lệ Thuỷ đã 9 giờ sáng. Anh Tới cứ việc vào chợ mua hàng, còn tôi dạo quanh thị trấn. Hồi đó chợ Tréo Lệ Thuỷ nằm bên bờ nam sông Kiến Giang. Nơi đây cũng có cửa hàng bách hoá, chợ búa như mọi nơi trên miền Bắc của ta, hơn một năm rồi tôi không gặp được quang cảnh như thế này. Đến giờ đã về với vòng tay của miền Bắc. Nước sông Kiến Giang thật trong. Hai bên bờ sông có con đường đất rộng gần 2 mét, cây xanh rủ bóng mát đôi bờ, nhà dân san sát. Trước đây tôi cứ ngỡ, trong tuyến lửa dân Quảng Bình rất cực khổ vì bom đạn. Nhìn cảnh này có ai nghĩ, chiến tranh vẫn diễn ra, con người vẫn đàng hoàng sống. Không khí sinh hoạt, thanh bình biết bao.




           Đến gần trưa, theo đúng hẹn tôi đến chợ, chờ anh Tới. Rồi chúng tôi cùng về, tới nhà cũng đã quá trưa.

           Về đến xóm cũ, chúng tôi được nghe, quả tên lửa ở ngã ba Cổ Kiềng đã nổ, không biết tại sao, chắc có ai đó đã làm cho nó nổ?

          Vài hôm sau, chúng tôi được lệnh lên đường. Vậy là chúng tôi đã về lại và ở Sen Thuỷ khoảng  sáu, bảy ngày rồi . Chúng tôi chào bà con, mọi người bịn rịn, lưu luyến, chẳng biết bao giờ sẽ gặp lại nhau. Ngay sáng hôm đó chúng tôi hành quân bộ tới thị trấn Lệ Thuỷ.  Đi đến gần trưa chúng tôi đã đến vùng chợ Tréo, rồi đi dọc ven sông một đoạn khoảng 500 mét xuống phía hạ lưu. Sau đó vượt sông, sang bờ phía bắc đi một đoạn thì dừng lại vào nhà dân xin nghỉ, nấu cơm ăn. Phía sông bên này nhà cửa cũng san sát và tấp nập. Sau khi cơm nước chúng tôi lại lên đường. Đi hết các xóm có nhà, chúng tôi đi ra đường ruộng, phải đi qua các khoảng ruộng cỏ lác mọc hoang mênh mông. Cho đến cuối chiều thì vào một xóm, chúng tôi dừng lại nghỉ tại một ngôi trường. Chắc đây là trường cấp 3, vì tôi nhìn vào bài học ghi trên bảng là biết rõ. Có lẽ ngày hôm ấy là thứ bảy, do chúng tôi đến vào gần chiếu và sáng hôm sau mới đi mà trường không học. Chữ viểt trên bảng thật đẹp, tôi ít được thấy như thế. Tôi không ngờ ở nơi tuyến lửa mà vẫn có những thầy giáo, cô giáo viết đẹp như vậy, các thầy cô của tôi chưa có ai viết bảng đẹp như thế. Ở đây rau cỏ hiếm và đắt, nhất là rau muống. Bao nhiêu ngày thèm rau, nay thấy rau muống, nên đắt tôi vẫn muốn mua ăn. Sáng hôm sau, chúng tôi phải hành quân bộ tới một con đường có núi đá vôi thì xe mới tới đón chúng tôi.  Vị trí này chắc là xã Hoa Thuỷ, của huyện Lệ Thuỷ Quảng Bình.

          Mấy xe Zin chở chúng tôi vượt qua phà Long Đại rồi ra đường 1, vượt qua Đồng Hới, khi đi tới một đoạn đường trống thẳng giữa có làng xóm và đỗ lại thả chúng tôi xuống .Chắc là một vị trí nào đó ở huyện Bố Trạch. chúng tôi phải đi tới vài trăm mét nữa, thì rẽ ra phía biển độ gần 300 mét thì tới xóm sẽ trú quân, biển ở đây gần đường 1, và bờ dốc đứng. Ở xóm chúng tôi trú quân, bà con hình như mới dọn về, nhà cửa đâu đâu cũng  mới làm lại. Ở Đây có mấy ngày mà chúng tôi thấy dân trong xóm cần cù chịu khó. Họ thức đến mười một mười hai giờ khuya, mà ba bốn giờ sáng chuông đồng hồ đã reo đánh thức rồi. Bà con ở đây có nghề làm nón. Ban ngày làm nón đến đêm lại thái khoai, thái sắn. Cả xóm nhộn nhịp cứ như là làm để bù vào những ngày phải né tránh đạn, bom. Gần nơi đây là thôn Quyết Thắng cách đây vài tháng vào ngày 6/1/1973 bom Mỹ đã sát hại hơn 160 đồng bào ta. Tôi nhớ lại những ngày trước khi có sự kiện 12 ngày đêm, vùng chúng tôi ở gần ga Thượng Lâm cũng bị ném bom kiểu này.

          Ở đây được ba ngày, trưa ngày thứ tư  xe mới tới đón chúng tôi đi. Khi đi qua đèo Ngang thì đã khoảng ba giờ chiều. Đã nghe nhiều về đèo Ngang, có bài hát về đèo Ngang, bây giờ tôi mới gặp. Thời đó đèo Ngang hiểm trở thật, tôi thấy xe ra xe vào nối đuôi nhau, đi chậm như bò trên đó vậy. Đi trên đèo  nhìn ra biển thấy đẹp vô cùng. Đây là lần đầu tôi được chiêm ngưỡng biển kiểu này.  Sang bên phía bắc đèo Ngang đã đến đất Kỳ Anh.

          Tôi thấy huyện Kỳ Anh hồi đó có vẻ nghèo lắm, từ chân đèo Ngang đi đến hàng chục cây số chỉ thấy đồi sim, thỉnh thoảng thấy có người chăn bò đeo áo tơi đi ngoài nắng, có lẽ đây là đặc tính của dân Kỳ Anh, mưa áo tơi, nắng cũng áo tơi, đi nắng mà có áo tơi che đậy thì cứ như mang cái nhà trên lưng. Sau này về Hà Tây, dân Tùng Thiện cũng mặc áo tơi giống vậy, nhưng áo tơi ngắn và đẹp hơn. Ngày nay đi qua Kỳ Anh, không còn những dấu tích xưa nữa. Lần đầu tiên đi công tác ra Hà Tĩnh năm 2006, tôi đã ngỡ ngàng không nhận ra, và cũng không tin nổi đây là đất Kỳ Anh năm xưa, tuy vẫn còn những đoạn có đồi trống , nhưng da thịt Kỳ Anh đã thay đổi quá nhiều. Đã đi vào vùng đất quê hương, tiếng anh Tráng càng sôi nổi rộn rã. Rồi anh kể nhà anh từ cha đến con đều đặt tên là Tráng, chỉ khác nhau phần lót, ba của anh là Phạm Công Tráng, còn anh là Phạm Bá Tráng, rồi anh em gì gì Tráng nữa … nhiều lắm.

          Xe chạy tới vùng Cẩm Xuyên, thì đã xế chiều. Hồi đó đường 1 hẹp mà vẫn vắng. Vừa ngồi trên xe tôi vừa nghĩ, đường xá thế này mà hồi đi học Nguyễn Vũ Tiến (C4 D371), tết rồi hè vẫn về Quảng Bình, quả thật gian nan. Mặt trời đã lặn được khoảng 30 phút rồi. Đoàn xe dừng lại một làng ven đường, chúng tôi toả vào các nhà xin trú tạm, đến nay tôi không nhớ gì, và trong đầu không còn có hình ảnh gì về cái xóm đó. Chỉ nhớ xóm đó có những rặng tre rủ mát ven đường. Ngủ qua đêm sáng hôm sau xe tiếp tục lên đường. Đi một hồi khoảng 9 giờ thì đến thị xã Hà Tĩnh. Có lẽ thị xã Hà Tĩnh chỉ là một đoạn đường 1 chăng?. Xe đi chậm vào thị xã, tôi tranh thủ ngó nghiêng tìm hiểu. Tôi đã thấy cửa hàng mậu dịch ăn uống, một hình ảnh quen thuộc mà gần 2 năm chưa được thấy. Xe đi vòng qua một đoạn đường đang sửa chữa, ngay giữa thị xã. Ngày nay  đã mấy lần vào Thị xã Hà Tĩnh. Tôi cố nhớ lại những hình ảnh xa xưa, nhưng khó thấy. Thị xã Hà Tĩnh đã mở rộng và trở thành một Thành phố, khang trang hơn năm xưa nhiều quá. Sau này mỗi lần ra Hà Tĩnh tôi đều được bạn bè ở đây đưa lên thăm ngã ba Đồng Lộc, thăm lại ngã ba mà tôi đã đi qua năm nào. Lúc đó tôi  đứng trước nơi an nghỉ của 10 chị đã hy sinh tại đây năm 1968, nghẹn ngào rơi nước mắt, các chị đều tầm tuổi tôi, lúc các chị hy sinh thì tôi còn đang cắp sách đến trường, các chị ra đi khi tuổi thanh xuân đang tươi đẹp trong trắng. Ngày nay ai về đây cũng nhớ tới các chị. Nơi an nghỉ của các chị luôn nghi ngút mùi hương của đồng bào, đồng chí khắp mọi miền về thắp để tưởng nhớ tới các chị, những liệt nữ anh hùng.

          Chúng tôi đến Bến Thuỷ và qua phà. Khi đến gần ga Vinh thì xe đỗ và chúng tôi xuống. Chúng tôi phải hành quân khoảng 5 cây số nữa đi về phia bắc, đến một xóm thuộc huyện Hưng Nguyên, và xin vào nghỉ chân tại nhà dân ở đó. Dân ở vùng này nói rất khó nghe, họ phát âm giống người làng Sét Hà Nội, mà không giống với tiếng Nghệ An ta thường nghe. Xóm thôn ở đây cũng đặc biệt lắm, kinh tế của bà con có vẻ khá giả, nhà cửa đàng hoàng, sinh hoạt như dân thành thị. Nghỉ lại Hưng Nguyên đến chiều chúng tôi lại hành quân về ga Vinh, chờ đến tối trời chúng tôi mới lên được tàu. Vậy là từ hôm rời khỏi Cửa Việt đến nay chúng tôi mới được đi tàu. Đại đội tôi ngồi hết trọn một toa. Mấy hôm đi trên nhiều xe, vừa phải đứng, vừa bị sóc, mà không được tập trung. Nay đi tàu, nhẹ nhàng, nằm ngồi thoải mái, lính tráng tha hồ râm ran, la hò.

          Khoảng hai giờ chiều hôm sau tàu mới tới Thanh Hoá, và chúng tôi lại xuống tàu đi ra khỏi thị xã Thanh Hoá, theo con đường tới làng Nhồi cách thị xã 5 cây số. Trời hôm đó ít nắng, khi đi tới gần Nhồi, chúng tôi gặp một đám thanh nữ đang tắm, hay làm gì đó dưới một con kênh nhỏ. Người ta nói con gái trong này mạnh bạo quả là đúng, khi chúng tôi đi qua dù có không ngoái nhìn cũng phải quay đầu ngó. Các cô la ó, kêu gọi,  thậm chí lại đưa ra những điệu bộ trêu ghẹo ngày nào. Làng Nhồi nằm phía trong con đường nhựa nhỏ. Phải đi qua một cái cầu bắc qua con kênh mới tới xóm chúng tôi trú quân. Đây là một làng gần thị xã nên nhà cửa, đều xây gạch, có cổng có rào. Có lẽ đây cũng là nơi tạm nghỉ của cánh lái xe trong khi chờ đợi hàng hoá, vì tôi thấy trong xóm có vài ba xe Zin, hết ra lại vào. Ở đây có mấy ngày mà tôi cảm thấy không khí chiến tranh đã đi xa.

          Đã gần về đến nhà, tôi bắt đầu cảm thấy lòng nôn nóng. Mấy ngày ở Sen Thuỷ tôi vẫn thấy bình thường, ở bao lâu cũng được. Nhưng sao ra đến đây bụng thấy nôn nao thế, không hiểu các anh em khác có như tôi không. Nếu cứ ở đây lâu chắc mọi người khó chịu lắm. May quá đến chiều ngày thứ tư chúng tôi có lệnh hành quân. Khoảng bốn giờ là chúng tôi đã xuất phát. Chúng tôi không vào ga Thanh Hoá, mà đi vòng ra phía cầu Hàm Rồng. Đến gần tối là chúng tôi tới đầu cầu bên này. Tôi lại thấy xúc động. Cách đây chục năm tôi còn nhỏ, khi cầu Hàm Rồng làm xong, tôi mới được đi nghỉ mát Sầm Sơn. Nhưng chỉ ngồi trên tàu, nay bước từng bước trên cầu thấy rõ từng cái đinh ốc, trong lòng cảm thấy lâng lâng khó tả. Tưởng rằng qua bờ bắc sẽ có tàu ngay, nào ngờ chúng tôi dài cổ chờ. Hồi đó mật độ tàu ít, toàn đơn vị toả ra, ngả ba lô ngồi, nằm chờ đợi. Ánh đèn điện chỗ trái núi bên đầu cầu chiếu sáng cả  quãng đường. Tôi lại được nghe tiếng loa phát thanh quen thuộc những ngày nào. Nhất là tiếng một bài hát mới về Hà Nội :”Hà Nội niềm tin và hy vọng”, nghe thật hay. Bàì này tôi đã được nghe Nguyễn Văn Cơ hát khi ở Cửa Việt. Cơ cũng yêu văn nghệ lắm. Anh ấy còn đánh giá được cả giọng hát từng người ca sĩ. Đại đội tôi tối đó thật vui vẻ. Cũng tiếc cho các anh ở Thanh Hoá, đã đến cổng nhà rồi mà chưa được về. Hình như chờ tàu cùng chúng tôi có đơn vị nào đó. Tiếng râm ran, trò chuyện của lính thật nức lòng

          Rồi cuối cùng tàu đã đến. Khoảng  10 giờ đêm tàu mới từ ga Thanh Hoá chạy sang. Đoàn tàu đỗ cách cầu Hàm Rồng về phía bắc vài trăm mét, đây thật là một ga đặc biệt. Tôi để ý từ hôm ra, xe cộ tàu bè đón chúng tôi toàn kiểu này, chắc đây là cách của đường dây 559 đưa đón các đoàn vào ra để giữ bí mật, và an toàn chăng?. Đêm đó lại càng vui hơn, tàu đã đưa chúng tôi đi dần về phía Thủ Đô. Khi tàu qua Ga Phủ Lý thì trời đã sáng , đường Quốc Lộ và đường tàu đã gần nhau, những cảnh mà gần 2 năm nay bây giờ chúng tôi mới gặp lại. Dưới đường học sinh đi học, nông dân vác cày, các quán nước ven đường đã mở, hình ảnh quen thuộc đã trở về trong ánh mắt chúng tôi.   Đến 8 giờ sáng hôm đó tàu đến ga Thường Tin và lại đổ chúng tôi xuống đây. Xuống ga, tôi cũng tranh thủ quan sát xung quanh. Ở đây có con đường nối đường 1 tới Vân Đình. Chúng tôi lại hành quân theo con đường đối diện với  ga Thường Tín. Đi được khoảng hai cây số thì rẽ trái vào một làng (Làng này ngày nay hình như không còn nữa, chỗ làng này đã nằm trong cụm khu công nghiệp Vân Bình, anh Duy đã từng làm giám đốc bệnh viện Thường Tín, chắc nắm rõ chỗ này lắm!) . Làng ở vùng Thường Tín đẹp quá. Hình ảnh của làng đập vào mắt tôi là cái hồ bán nguyệt, có xây tường  sau khi đi qua cổng làng. Chúng tôi vào làng và ở trong dân. Nghe nói đây là đầu mối đầu tiên của đường dây 559. Có lẽ về gần đến Hà Nội nên những hoạt động ăn uống, ở nhà dân thế nào, đầu óc tôi không ghi nhận được điều gì. Tôi chỉ nhớ tôi đã dạo quanh làng và ra đường nhựa phía ngoài để tận hưởng cảnh đẹp ở đây. Tiếc quá một ngôi làng đẹp mà ngày nay không còn nữa.

          Sáng hôm sau, khoảng gần 10 giờ mấy xe Zin lại đón chúng tôi đi tiếp về phía Hà Nội, đến gần trưa thì đến xe đến Quần ngựa. Ở đây ban chỉ huy đại đội vào làm việc với Bộ Tư lệnh, còn chúng tôi được tự do cho tới hai giờ chiều sẽ tập hợp đơn vị. Trưa đó chẳng biết đi đâu, tôi đi bộ xuống Cầu Giấy, ghé thăm nhà Doãn Hồ Liên bạn học lớp  K14   của tôi. Đến 2 giờ chiều toàn đại đội đã tề tựu lên xe. Khoảng gần bốn giờ chiều chúng tôi đã về đến Mỏ Chén,

Về lại Mỏ Chén thân yêu

          Chúng  tôi về đến Mỏ Chén là ngày 10/5/1973. Tính từ ngày rời khỏi Cửa Việt 23 tháng 4 đến khi về tới Mỏ Chén chúng tôi đi gần hết 17 ngày. Sau đó Đại đội 6 bố trí chỗ ăn ở theo sơ đồ dưới đây. Vị trí B1, B2 thì đúng như hình nhưng B3, tôi chưa nhớ chính xác. Như vậy là chúng tôi đã ở gọn vào một góc phải gần phía ngoài của Mỏ Chén. Cho đến lúc này tôi vẫn canh cánh không hiểu Tuyên bị thương nặng hay nhẹ, mà đã một năm chưa thấy về đơn vị, anh Cơ bị thương sau 8 tháng đã trở về rồi. 

          Trước khi đi chiến đấu, Mỏ Chén đông vui, bây giờ chúng tôi về, Mỏ Chén có mỗi đại đội tôi nên có vẻ im ắng. Về đây chúng tôi được biết D371 đã trực thuộc Trường bắn. Chỉ huy trường bắn lúc đó là Trung tá Phạm Văn Quang, nhà anh ấy ở ngay phố Liên Quan, huyện Thạch Thất. Anh Tuân cũng đã ra Mỏ Chén, không biết anh đi theo đường nào. Về đây trước hết chúng tôi củng cố chỗ ăn ở. Anh Điến thành lập lớp bổ túc để nâng cao trình độ cho số anh em dân tộc, tôi phụ trách “giáo vụ”, và một số anh em đại học như “Nguyễn Sĩ Cứ”…làm giáo viên. Chủ yếu lớp học là dạy toán cho anh em. Trình độ đủ cả, lớp 4, lớp 5 … Vào thứ hai, thứ tư, thứ sáu là có lớp. Lớp học học ở các nhà để pháo đã trống. Bấy giờ pháo ở đây không còn nữa, chắc đã được mang đi phục vụ chiến trường. Một số các anh ở D bộ cũ cũng được phiên chế vào C6: anh Thành ngành Lý  đại học tổng hợp ở C bộ cùng tôi, anh Bổng, anh Việt. Hai anh này lại là cây ghi ta và văn nghệ. Lại nữa, về đây do là đơn vị thuộc Trường bắn nên vấn đề văn nghệ báo chí lại phải tham gia . Anh Châu chỉ định tôi cùng một số người làm trong ban biên tập tờ báo của C6. Số anh em dân tộc thì coi như thôi rồi, còn lại cánh sinh viên và các anh Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An. Nhưng vận động mãi đến ngày phải nộp bài chỉ lèo tèo được trên chục bài.


       Anh Châu lại động viên ban biên tập, thôi các cậu cứ sưu tầm, sáng tác bổ sung thêm. Sưu tầm thì báo chí, sách vở chẳng có, thế là bọn tôi liều cứ sáng tác đại, chủ đề thì là tinh thần và thành tích chiến đấu. Tình quân dân trong vùng giải phóng, tâm tư anh em, những suy nghĩ trên đường ra trận v.v… Thành tích của đại đội 6 để chúng tôi thoải mái khai thác. Hết văn xuôi, lại làm thơ, thơ lục bát là khó làm nhất nên làm thơ tự do, thơ bốn chữ. Thơ bốn chữ là lãi giấy nhất và cũng dễ làm. Cuối cùng chọn người chữ đẹp để viết vào. Tôi không nhớ rõ ai viết bài vào báo nhưng hình như là Thành thì phải. Tờ báo này được đem đi thi trên Trường bắn. Có lẽ thế mạnh của nội dung các bài là nói rõ những hoạt động của đại đội 6 nên nó khác biệt và đặc biệt. Tôi không biết nó có được giải gì, nhưng khi tôi đi học ở Lạng Sơn, Nhuận có qua đây và nói “Ông được giấy khen của trường bắn về tờ báo”, tiếc rằng lúc đó tôi không về lấy được

          Cuối tháng 5 năm 1973 toàn đại đội 6 được về phép 20 ngày. Trước khi nghỉ anh Điến gọi mấy anh em dân tộc lại dặn dò. Đại đội 6 đã chiến đấu đạt được nhiều thành tích, trong đó có công đóng góp to lớn của các anh em. Nên chúng ta phải trả đúng phép  để khỏi bị khuyết điểm, bị phê bình. Và anh Điến đã không phải lo lắng. Số anh em dân tộc đã trả phép đúng thời gian, có anh còn đến đơn vị sớm trước mấy ngày. Qua chiến đấu toàn đơn vị đã trưởng thành và  dạn dày sương gió, anh em dân tộc đã hết bỡ ngỡ và quen với cách sống của người miền xuôi , hồi mới về đơn vị có ông rẩt sợ thịt chó. Nay ăn thịt chó như “thần”. Trước khi về phép anh Tuân gọi tôi ra và nói :” Cậu viết cho tớ một số công thức tích phân đơn giản nhé”. Tôi nói : “để em về nhà lấy quyển cẩm nang toán chép đầy đủ cho anh”

          Những ngày phép tôi về nhà và tìm tới trường nơi người yêu học. Đoạn  này tôi sẽ nói riêng.

          Nghỉ phép lên anh Điến đã lên làm tiểu đoàn phó, còn anh Thành lên làm  đại đội trưởng. Anh Ngọc lên làm chính trị viên phó, anh Mằn lên làm đại đội phó. Phúc (người Nghệ An) ở trung đội ba lên làm Trung đội phó. Đến nay tôi còn hơi thắc mắc, Phúc không phải tiểu đội trưởng, mà cho đến lúc đó chức vụ B phó C 6 chưa có. Lại cũng tình cờ thôi, sau khi nghỉ phép lên khi đi tiếp phẩm ra Thạch Thất tôi gặp Phúc ngồi uống nước với một người em ven đường. Tôi nghe Phúc nói, kỳ nghỉ phép vừa rồi anh Ngọc cũng về Nghệ An thẩm tra lý lịch của Phúc để kết nạp Đảng. Lại cũng tình cờ Phúc biết được, hoàn cảnh éo le của gia đình anh Ngọc. Nếu Phúc nói đúng, không biết bây giờ anh Ngọc đã giải quyết được công việc gia đình suông sẻ chưa (việc này không rõ anh Châu có biết không?)

          Một hôm anh Châu lại gọi tôi lên và nói chuẩn bị chúng ta phải tham gia văn nghệ với Trường bắn và bảo tôi : “Cậu hãy sáng tác một vở kịch đi “. Thế là tôi vắt óc tìm chủ đề,  chắp bút làm sườn kịch.  Nội dung nói về uy lực của B72 chúng tôi. Tôi bịa ra vài nhân vật vừa ta, vừa địch, viết được khoảng 30 trang giấy khổ to, thấy nhiều như thế nhưng khi dựng vở chỉ được chưa đến 10 phút, câu cú lổn nhổn, chẳng thấy trau chuốt gì cả. Nhưng tới ngày phải báo cáo với anh Châu, tôi nói hết những tồn tại. Anh Châu nói: “thôi được ta cứ tập, vở có 3 nhân vật vậy ta lấy thêm cậu Duy, cậu Cơ nữa có gì bảo các cậu ấy đóng góp xây dựng thêm”. Vở kịch lúc đầu cũng chỉ túc tắc tập
    
          Về Mỏ Chén  ở C bộ cũng nhàn, vì thông tin thì cũng chẳng có nội dung gì để luyên tập thêm, chỉ ở các trung đội, các anh ban chỉ huy  làm kế hoạch cho bộ đội các tiểu đội đi học xạ kích, đội ngũ. Xe luyện và cán bộ bộ luyện ở Mỏ Chén bây giờ không biết cất đâu. Một hôm tôi thấy trước sân mấy anh tiếp phẩm của nhà bếp, cứ chiều lại lôi xe ra sửa, lúc thì nan hoa, lúc thì cong cái nọ, lúc thì gãy cái kia. Thấy vậy có cái gì dễ chữa là tôi xắn tay vào làm giúp. Dinh thấy vậy nói:” ông biết chữa xe à”. Tôi nói tôi đã chữa xe đạp lấy tiền người ta lúc còn 14 tuổi, Dinh thấy xe bị hỏng tốn tiền chữa mãi mà cứ hỏng. Thấy tôi chữa được xe, và C bộ chẳng có việc gì. Dinh bảo: “hay là ông đi tiếp phẩm đi”. Gợi ý ấy cũng hay, ở nhà chẳng làm gì. Đi tiếp phẩm tự do đi về, chẳng phải tập tành gì cả, tối chẳng phải sinh hoạt. Thế là tôi đồng ý.

          Đầu tiên tôi lấy đồ nghề sửa xe cho chắc chắn. Và hàng ngày  ra Thạch Thất mua thực phẩm. Sau thấy Thạch Thất ít rau. Tôi nghĩ hay là ra chợ Tùng Thiện xem có rau ?. Nhưng hôm đi ra Tùng Thiện cũng chẳng có gì. Tôi tiếp tục đi chợ Sơn Tây. Ở chợ Sơn Tây thì rau riếng đủ cả, mà rẻ. Thế là hàng ngày nếu cần đi chợ thì tôi hoặc ra Thạch Thất, hoặc đi Sơn Tây. Đi chợ Sơn Tây thì hơi xa, nhưng rau rẻ nên tôi vẫn chịu khó đi, vì vậy đại đội có nhiều thực phẩm  hơn. Tôi lại làm quen được với cánh tiếp phẩm bên sân bay Hoà Lạc. Nhà bếp ở đó dùng nhiều thịt, thừa nhiều rau lắm, nhất là bầu, bí. Thế nên có khi sang họ để lại cho khỏi phải đi xa, lại chỉ tốn ít tiền. Hơn nữa lại được làm quen với cánh không quân lâu lâu gặp xe ô tô đi Sơn Tây, đi nhờ cũng đỡ vất vả. Một hôm anh Thành cùng tôi ra Sơn Tây, anh  về  nhà vì bố anh ấy ốm. Anh tâm sự với tôi và hỏi : “Trong lúc chưa có việc gì Ban chỉ huy giao cho cậu đi tiếp phẩm, cậu có áy náy điều gì không”. Tôi nghĩ trong đầu: “Sống với anh Thành lâu trong chiến trường anh nói ít mà hôm nay lại thông cảm hỏi tôi thì thật là đáng quý”. Tôi nói :”không sao cả, vì đi tiếp phẩm được tự do, cũng như các anh đã từng cử em đi công tác trong chiến trường”. Nói thế thôi chứ có những lúc tôi cũng cực lắm. Có hôm chở nặng, trời mưa đường trơn một mình giữa đường vắng đẩy xe lên dốc. Tôi phải lấy vai tỳ vào xe, quỳ chân để đẩy, dép trơn trượt lên trượt xuống. Lại có hôm chở nặng đang lao xuống chỗ dốc Tùng Thiện, thì cả đàn bò ở đâu tràn ra, không phanh được, thế là cứ nhắm mắt đâm đại vào đàn bò đến đâu thì đến.   Thấy tôi vất vả, nên mấy anh em anh nuôi thường để dành nhiều thức ăn bồi dưỡng cho tôi.

          Tuy vất vả nhưng đi tiếp phẩm cũng có nhiều điều thú vị, được giao tiếp với mọi người. Ở Sơn Tây khi đi mua chỗ nọ chỗ kia tôi đã gặp được vài người, có cả những cô gái, những nữ sinh mới nghỉ học đi bán đi mua, mặt còn non tơ, tóc tai mượt mà, da trắng mịn. Con gái thị xã Sơn Tây thật trắng trẻo, sự trắng trẻo, mượt mà tự nhiên không chải chuốt, không kiêu kỳ như con gái Tỉnh thành.

          Một hôm vào buổi chiều cả đại đội được tập hợp tại nhà của trung đội 2, ban chỉ huy đại đội cũng đã đầy đủ. Anh Châu đứng lên nói lý do: “Đại đội ta được chọn 2 người tiêu biểu để bầu danh hiệu: “Anh hùng quân đội”. Rồi anh nói: “bó đũa chọn cột cờ, chúng ta không nên bỏ”. Cuối cùng đơn vị đề nghị  tôn vinh được Lê Văn TrungTrần Thanh Hải là anh hùng quân đội. Còn đơn vị tự đề nghị là “đại đội anh hùng”. Các danh hiệu này sau khi tôi đi học, thì mới có sự công nhận chính thức. Sau này đến năm 2008 thì phải, thì có thêm anh Chu Trọng Cát được phong Anh Hùng.

          Rồi ngày diễn văn nghệ của Trường bắn đã đến gần. Nhóm kịch chúng tôi phải gia tăng thời gian tập. Bản thảo ban đầu tôi soạn ra đã thay đổi nhiều. Về tối dưới ánh trăng và một cái đèn dầu ba chúng tôi vừa tập vừa sửa kịch bản, sửa đến đâu ghi luôn đến đó. Thế là tác giả kịch bản đã trở thành của 3 người Sự, Cơ, Duy. Hôm lên trình diễn ở sân khấu Ban chỉ huy trường bắn. Tôi đóng vai trắc thủ B72 làm động tác đưa ống nhòm lên, mấy nữ quân nhân ở dưới, tưởng chúng tôi lợi dụng ống nhòm để ngắm các cô. Nên tôi lướt ống nhòm tới đâu, thì người thì che mặt, người lẩn trốn. Oan cho chúng tôi, vì đứng ở trên sân khấu nhìn xuống mờ mờ ảo ảo có thấy rõ cái gì đâu. Buổi diễn văn nghệ đó là buổi hoạt động văn hoá cuối cùng của tôi tại đại đội sáu. Mà cũng kỳ lạ, 3 đứa chúng tôi sau đó đều được cử đi học, nhưng mỗi mình tôi chỉ học được một năm rồi về với đời thường.

          Sau buổi diễn vài hôm Anh Châu  gặp tôi hỏi :’ Cậu có biết tiếng Anh không”
Tôi đáp: “ Em học tiếng Nga được bốn năm, còn tiếng Anh thì chưa học”. Vài hôm sau tôi được gọi lên Trường bắn khám sức khoẻ. Bác sĩ quân y của trường bắn đã lớn tuổi. Chắc là đã được đào tại từ thời chống Pháp. Bác khám rất cẩn thận, tôi xưng cháu với ông ta. Bác khám rất kỹ tai, mũi, họng. Đầu tiên bác khen hết lời, khi soi lỗ mũi ông nói : “Mũi cậu đẹp lắm, nhưng ôi trời nó hơi hẹp”. Khi khám tai, đầu tiên ông nói :”Lỗ tai cậu cũng đẹp lắm”, sau đó thì :”hỏng rồi cậu ơi, sao lại có lỗ thủng ở góc trên thế này”.  Tôi trả lời :”hồi năm 1970 cháu bi viêm tai giữa, không biết có để lại điều gì không?”, rồi ông khám nhanh qua tim phổi.

          Sau đó tôi được quyết định đi học, cũng chẳng biết đi học ở đâu, trường nào. Hôm về tập trung tại Bộ tư lệnh 351 tôi mới biết mình sẽ học tại Trường Văn Hoá Bộ Quốc phòng. Như vậy tôi là người được C6 cử đi học đầu tiên. Đầu tháng 9 năm 1973 tôi đã hoàn thành các thủ tục để đi học.

          Vào chiều  thứ bảy đầu tháng 9, tôi đi theo xe Comanca của Trường bắn về Hà Nội để tập trung tại Bộ tư lệnh 351


          Hôm đó sau khi về đến Hà nội tới Bộ Tư lệnh 351, trong khi chờ đợi để làm việc, vì có mang theo xe đạp, tôi xuống Văn Điển, theo lời hẹn với anh Châu tới nhà anh chơi. Hôm đó chị Hiền vợ anh mời tôi ở lại ăn cơm, mải vui đến hơn sáu giờ tối mới quay lại Bộ tư lệnh. Bị muộn giờ mất khoảng nửa tiếng, nên bị anh Đai uý, có lẽ là cán bộ chính trị quạt cho một trận. Đêm đó tôi ngủ lại một khu lán của 351. Lúc này nhà tôi đã chuyển về Hà Nội, không sơ tán nữa. Vài hôm sau tôi đi cùng đoàn với vài người nữa đi tàu lên Lạng Sơn.

          Trường văn hoá Bộ Quốc Phòng trước đây là trại lính của Pháp, sau thành căn cứ của Nhật tại Lạng Sơn. Ngày nay nó là trụ sở Ban chỉ huy quân sự tỉnh Lạng Sơn. Nằm cạnh là Uỷ ban ND, và Tỉnh Uỷ Lạng  Sơn, từ cổng trường ra ga chỉ khoảng 300 mét. Bến xe Lạng Sơn cũng ở ngay đó. Trước cổng trường có trường cao đẳng sư phạm Lạng Sơn (ngày nay đã được di chuyển về phía bên trái của BCH QSLS). Phía sau trường là nhà thờ đạo thiên chúa. Chùa Tiên, Giếng Tiên.  Ngày nay xem bản đồ tôi thấy Lạng Sơn đã mở rộng nhiều, về cả hướng đông (phía đường số 4, La Ngà) và tây. Hồi đó đường tàu hoả từ Mai Pha đi sát núi và đi ven bờ tây sông Kỳ Cùng theo đường Hùng Vương bây giờ, và đi qua cầu Kỳ Lừa. Cầu Kỳ Lừa chung cho cả tàu hoả, và ôtô. Ngày nay sau khi đi qua Mai Pha đường tàu đã cắt qua sông Kỳ Cùng và đi dọc theo phía bên phải (phía đông) sông lên, và vị trí ga đã thay đổi. Trường Việt Bắc trước đây nằm ở vị trí Bắc Sơn Plaza bây giờ.  Khu vực quanh trường Văn Hoá, bây giờ cũng đã thay đổi. Kỳ Lừa hồi đó, sầm uất từ ga (cũ) đi qua cầu Kỳ Lừa cho tới chợ Kỳ Lừa (cũ), ngày nay thì đã mở thật rộng, và trở thành một thành phố.

          Thực ra tôi đến Lạng Sơn hơi sớm so với lịch trình. Mới lên được vài hôm thì tôi gặp Trần Văn  Đang lính của đoàn Bông Lau mà tôi đã nói ở trên, cũng đang ở đây. Nó lên đây từ tháng tư thì phải. Và chuẩn bi đi Tiệp, hay Đức gì đấy.
         
          Hoá ra trường này ôn luyện văn hoá, và ngoại ngữ để chuẩn bi cử đi đào tạo ở nước ngoài. Đến đây được nửa tháng, cũng chưa vào học, một hôm Nhuận ở đơn vị (C6) lên đây, hai chúng tôi gặp nhau. Nhuận nói : “Đơn vị cử Nhuận và Duy đi học quân y”. Tôi cũng quên không hỏi Nhuận tại sao học quân y mà phải lên đây. Vài ngày sau thì Nhuận về Hà Nội
         
          Tranh thủ khi chưa vào học tôi dạo quanh trường. Trường khá rộng, hiện tại có nhiều phòng trống, có khu nhà đóng kín, có nhà để làm kho. Có đến mấy dãy nhà còn để lại dấu tích là nơi sản xuất thuốc lá. Xem mấy nhãn bao thuốc, giấy bạc có lẽ hồi chiến tranh phá hoại nhà máy thuốc lá Sông  Cầu sơ tán về đây. Khoảng nửa tháng sau thì các khu nhà trống đó được dọn dẹp sạch sẽ. Dần dần học viên về rất đông, phần lớn là sinh viên, bộ đội từ chiến trường ra, từ các đơn vị hải quân và phòng không, không quân v.v….  Chắc sau khi ký hiệp định Paris quân đội có thời gian để đào tạo cán bộ, tăng cường sức mạnh Quốc phòng.




        Gần tháng 10/1973  trường bắt đầu củng cố tổ chức và vào học. Trường có 2 tiểu đoàn. Tiểu đoàn tôi có 3 đại đội. các cán bộ tiểu đoàn đều là các giáo viên có kinh nghiệm. Thậm chí có những lớp đào tạo riêng cho các đối tượng: Ngoại ngữ (Tiếng  Nga) cho các sĩ quan sẽ đi học ở nước ngoài, ở lớp này tôi thấy có một chị là trung uý cũng xinh gái con “Lưỡng Quốc tướng quân” Thiếu Tướng Nguyễn Sơn, tên chị ấy là Hoa hay Cúc gì đó. Các lớp phổ thông cho các anh em chiến sĩ ở miền Nam ra chưa học hết phổ thông, có người khi mới ra huân chương đầy mình, chưa đủ 18 tuổi, chưa biết chữ, phải học một năm 3, 4 lớp, sau hơn hai năm là có bằng cấp 3 rồi, lúc đó trường chỉ đào tạo toán và văn thôi!.

          Cánh đại trà chúng tôi là sinh viên đại học và các anh đã tốt nghiệp cấp 3. Thành phần học viên ở đây đủ loại, từ tất cả các binh chủng, kể cả công nhân quốc phòng. Đại đội tôi là đại đội 1. tiểu đoàn 1. Trung đội tôi là trung đội 1, và tôi lại được cử làm tiểu đội trưởng tiểu đội 1, giống như hồi ở C6 D371.  Đại đội tôi có 2 trung đội còn lại toàn lính Nam Bộ, người thì là cán bộ chỉ huy, người thì biệt động Sài Gòn, người là lính của miền Tây. Cán bộ chỉ huy trong Nam Bộ không có hàm mà chỉ có chức, thí dụ đại đội Bậc trưởng, Đại đội Bậc phó, Tiểu đoàn Bậc trưởng, Tiểu đoàn Bậc phó, không có uý tá gì hết. Khi ra Bắc họ được tiền “cửa rừng”, đến 700 đồng (là cả một tài sản hồi đấy chứ không ít đâu). Vì không có hàm nên sau này ra Bắc khi phong hàm cho các anh ấy, không biết cấp trên làm thế nào. Hồi đó đấy cũng là câu hỏi lớn mà các anh ấy chờ câu trả lời.

          Rồi có cả lính kỹ thuật của không quân, lính tăng thiết giáp, lính tên lửa, thậm chí lính tên lửa Sam 3 nhưng chưa có điều kiện chiến đấu, lính ra đa, lính thông tin, hải quân, các nhà quay phim quân đội, công nhân quốc phòng …

          Lính từ chiến trường ra, từ Lào về, từ các đơn vị phòng không trên đất Bắc. Lính sinh viên các trường đại học về đây cũng đủ loại, Bách Khoa, Tổng hợp, Sư phạm, Kinh tế, Mỏ, Xây dựng, Thuỷ lợi v.v… Đại đội có khoảng 100 người mà đủ các thành phần, đủ các kiểu..

          Đại đội trưởng của tôi là một phiên dịch quân sự đã ở Liên Xô hàng chục năm, anh ấy dạy tiếng Nga, Anh nói tiếng Nga thì không chê vào đâu được. Anh ấy tên là Vũ Tư Chiệc người Thái Bình, cấp bậc trung uý. Đại đội phó là một học viên, anh ấy là Đại uý xe tăng, vốn là sinh viên đại học Lâm nghiệp, chiến công đầy mình, chỉ mới 3 năm nhập ngũ anh đã là tiểu đoàn trường tiểu đoàn xe tăng, anh ấy tên là Quý (tôi quên họ rồi), trung đội trưởng của tôi cũng là thiếu uý xe tăng là cấp dưới của anh Quý. Học được khoảng 4 tháng anh Quý được đi đào tạo sĩ quan cao cấp ở nước ngoài

          Thôi hãy sơ qua công việc học để đi vào các câu chuyện đáng nói. Ở đây chúng tôi được ôn luyện lại chương trình cấp 3, mặc dù như tôi đã là sinh viên đại học năm thứ ba, gồm các môn toán, lý, hoá. Các thầy đều là các giáo viên giỏi. điều kiện học tập khá tốt, hồi cấp ba chúng tôi học không có giáo cụ, hoặc có thì để xó nào không biết. Còn ở đây sách học thí nghiệm về điều gì,  thì phòng thí nghiệm hầu như có ngay cái đó.

          Bộ đội được phát chăn bông, mặc áo bông, vì Lạng Sơn rét lắm. Có hôm lạnh đi trên cỏ còn đọng tuyết,  nước ngấm qua giày, buốt đến tận óc, buốt đi đến tận từng thớ thịt
          Lúc đầu thì đại đội đông người, nhưng cứ lâu lâu, binh chủng nào đó có đợt đưa người đào tạo ở nước nào đó là đại đội lại bớt đi một số. Cuối cùng khi trung đội trưởng (lớp trưởng) lớp tôi đi, thì tôi lên làm lớp trưởng.
         
          Nhà trường cứ lập mỗi trung đội thành một lớp.  Trung đội tôi đều là lính trẻ và có chiến đấu thì hoàn cảnh cũng đơn giản. Ở các trung đội khác, thì mỗi anh có một hoàn cảnh. Trung đội tôi ngoài mấy anh sĩ quan, tôi là thằng cũng được nể trọng vì vừa là sinh viên và vừa mới ở đất lửa đi ra. Ở tiểu đội tôi lính pháo binh có vài anh. Thậm chí có cả lính của đại đội  969 pháo binh,  lính của các trung đoàn 38, 45 nữa. Chính vì vậy chúng tôi rất quý nhau. Có anh là người Hà Nội, là dân của vùng đào Phúc Tân, có anh là dân của đất vùng cao Hà Giang. Có anh họ Lại, cùng họ với anh Châu, nằm cùng gường tầng nên tôi càng thấy thú vị. Cũng qua lính 969 tôi nghĩ sau khi ký hiệp định, đại đội 969 đóng ở phía tây, hoặc bắc  Đông Hà, hồi đó tôi cũng quên hỏi, nhưng qua chuyện trò, tay lính 969 kia nó có ở cùng với dân

          Những  anh ở mãi đơn vị ra đa, hàng ngày tiếp xúc với sóng ngắn, nên thường chậm có con. Các anh ấy nói: “Sóng ra đa nó phá tế bào sinh sản ghê lắm. Nên cánh lính Liên Xô khi nào cần xử lý sự cố đều tắt máy, và có leo lên rada sửa thì cũng chỉ đứng trên giàn anten chỉ vài ba phút. Còn lính ta, khi sửa cứ bật máy phát sóng, lên đứng cả nửa tiếng. Lâu lâu nhớ vợ nhưng tình hình căng thẳng, không về được có anh lên giàn anten đang phát sóng đứng cho nguôi cơn nhớ”.  Khi các anh đi học trên này, tại chiêu đãi sở, vợ lính tên lửa, ra đa lên thăm chồng ở lại lâu lắm. Các chị ấy ở cho đến khi cái bụng lớn lên rõ ràng mới chịu về. Những lúc như thế bọn tôi rất thông cảm với các anh các chị. Có tiêu chuẩn gì được phân phối có dịp đều để giành cho họ

          Hôm mới lên trường, tôi thấy trong trường có một kho hậu cần. Ở đấy có nhiều thùng lương khô bằng gỗ, tôi muốn đến xin một cái đựng quần áo. Một hôm lò dò tới cửa kho, gặp ngay một nữ quân nhân, cô gái vẫn còn trẻ có nước da hơi nâu, chưa được xinh lắm nhưng nét mặt có duyên, tôi nói : “Em ơi cho anh xin một cái hòm, có được không?”. Cô ta đáp với ánh mắt tinh nghịch : “ để đến tối đã anh, ban ngày lộ liễu quá”. Tôi ngớ người chưa hiểu, rồi hiểu ra cười và : “À” một tiếng. Cô vừa cười vừa nói  : “Em đùa đấy, để em chọn cho anh một cái, anh cứ đi đâu, tý quay lại lấy”. Sau đó khoảng một tháng, kho dọn đi và cô bộ đội gái cũng không còn ở đó nữa.

           Khi tôi lên làm lớp trưởng, cứ mỗi tuần là phải trực ban tiểu đoàn, ở trường bộ đội ăn theo bếp tiểu đoàn, tôi  phải đi kiểm tra  bếp, nên tiếp xúc với các nữ quân nhân nhà bếp. Các chị em đều mới nhập ngũ. Tiếp xúc nhiều lần rồi cũng quen. Một hôm đi xuống khu phía sau, nơi rửa bát đũa, thấy có chậu nước gạo đục đục tôi nói: “Đơn vị không nuôi lợn, để nước bẩn thế này, sao không đổ đi”. Một cô trông có vẻ láu lỉnh nói : “Ông cà tẩm ạ. Nước gạo bọn em để rửa bát cho sạch đấy”, thế là mấy cô nhao nhao lên :” không có nước gạo xoong nồi bát đĩa dính mỡ làm sao rửa sạch hả anh”. Thế là tôi mới vỡ lẽ và đành phải im, và cũng biết thêm một kinh nghiệm. Nhưng ngày nay thì chất tẩy rửa đầy rẫy, cần gì kinh nghiệm đó nữa. Bộ đội nữ khi nhập ngũ các cô còn đang tuổi lớn, có cô quần áo mặc vài tháng là chật. Lúc rỗi thời gian bọn nam  xúm lại tán chuyện, khi thân tình còn xưng mày và anh, hoặc mày và tao với các nữ bộ đội. Một hôm đang vui, tôi chỉ vào một  cô nói: “Cái con này chóng lớn thế nhỉ, tao nghe mấy thằng ở trung đội anh chúng nó nói, chúng mày mau lớn, đến nỗi chó nhảy ba ngày không tới gấu quần”, thế là cả đám nữ  cười rũ rượi.

          Thường tối thứ bảy không đi đâu, tôi lại sang phòng cánh lính Nam Bộ, các anh lính này ở miệt vườn nên thật thà, vui tính, ngay thẳng.

          Có một anh kể chuyện: Tụi bay biết anh tao lấy vợ thế nào không, anh ấy kể: “Làm lính (bộ đội giải phóng), lâu lâu mới được về nhà, Ổng mê một cô trong xóm, mà cô này chẳng để ý gì cả, một hôm vào buổi tối ổng thình lình chụp cô kia vác chạy ra giữa đồng, rồi nói : “Tôi ưng cô lâu rồi, nếu cô không đồng ý làm vợ tôi thì tôi không cho về”. Cô kia thấy anh là người trong xóm cũng hiền, và ở trong thế kẹt, nên đành đồng ý. Thế là từ đó họ thành vợ chồng, sau đẻ ra đến mấy đứa con.

          Một anh là lính biệt động Sài Gòn tên là Nguyễn Đông Điều. Anh Điều giỏi tiếng Anh và ca  cải lương rất hay, có lẽ ở đây chỉ có anh biết ca cải lương. Anh kể chuyện về cuộc hội ngộ của 2 cha con anh rất cảm động. Anh kể rằng: “Tui được sinh ra tại Sài Gòn khi ông già tui ở chiến khu rồi sau đó ra Bắc. Má tui một mình ở Sài Gòn buôn bán nuôi con. Tui lớn lên đi học. Biết ông già đi cách mạng, nên hồi đi học tui tham gia phong trào học sinh, sinh viên. Hết tú tài thôi học tham gia biệt động Sài Gòn, sau được rút ra ngoài. Ống già tui đã về Nam công tác rồi lại ra Bắc mấy lần mà không gặp được vợ con. Khi tui ra ngoài nầy ở Đông Anh. Một bữa thấy có ông cán bộ cỡ gần 50 tuổi đến hỏi và tìm tui. Từ nhỏ chưa thấy cha, chỉ có cái hình ổng hồi trẻ, nên tui còn ngờ ngợ. Còn ông già, móc box lấy cái hình ra săm soi. Một hồi ổng hỏi có phải Điều đó không. Thế là hai cha con nhận nhau”. Thật cảm động

          Có anh đã lớn 39 tuổi là thiếu tá, đang học xin nghỉ phép về cưới vợ, nghe nói vợ anh ấy còn trẻ. Khi anh ấy lên trường mọi người xúm lại hỏi tình hình cưới vợ thế nào. Anh ấy nói :”Nếu biết sớm lấy vợ là được như thế tao đã cưới từ lâu rồi, tiếc quá!”. Thế là mọi người bò lăn ra cười.

          Ở đây chuyện của lính các binh chủng cũng nhiều. Nhất là hải quân, các anh ở đoàn 126 đặc công nước kể chuyện huấn luyện rất gian khổ. Có khi luyện tập trời thì rét lạnh, phải uống nước mắm, bơi đến 50 cây số, đứa nào kiệt sức thì ca nô đi sau sẽ vớt lên. Huấn luyện xong chuẩn bị theo đàn anh  thì ký hiệp định Paris nên lên đây
         
          Còn chuyện của mấy anh Sam 3  thì kể, vừa huấn luyện từ Liên Xô về, đồ đạc mới mang về đến Kép đã bị bom Mỹ đánh tan hoang cả. Còn tên lửa Sam 3 cũng chưa kịp đem ra đánh B52 thì đã ký hiệp định Paris rồi. Đôi khi các anh lính phòng không gọi đùa mấy anh hải quân là “quân Bọ nước”. Mấy anh hải quân cũng không vừa nói lại: các ông là “bọn Chầu trời”

          Ở đây có nhiều bộ đội, nên nhiều lúc nhu yếu phầm như xà phòng, thuốc đánh răng thường khó mua. Nhưng nếu các anh Hải quân mà diện quân phục hải quân trắng, cầu vai xanh, đội mũ hải quân thả xuống 2 giải xanh, diễu ra phố, thì các cô nhân viên các cửa hàng mậu dịch, hợp tác xã sẽ ưu tiên số một, muốn mua gì có nấy. Chắc họ thích loại quân phục này vừa lạ vừa đẹp, làm mấy chàng hải quân khác người. Chứ quần áo màu cỏ úa ai cũng quen rồi ưu ái sao cho đủ!.

          Có lần các anh lớp tôi xử ra: muốn ăn thịt chó. Nhưng toàn dân cày đường nhựa nên chỉ ăn là giỏi. Tuy nhiên mọi  người cũng quyết tâm làm. Tôi có tham gia cách nướng dồi mà anh Phượng đã hướng dẫn tôi ngày nào. Rồi họ phân công mấy người xin lá mơ, tôi cũng được phân công đi xin, và trường hợp ngày nào lại diễn lại. Tôi đi mãi theo đường số 4, về hướng La Ngà xa năm sáu cây số. Đến đâu hỏi cũng chẳng thấy gì sáng sủa. May sao có một anh tới vườn nhà người bà con, thì xin được. Cuối cùng các anh ấy cũng làm được bữa thịt chó, nhưng không thể ngon bằng hồi tôi ở Mỏ Chén

          Đất Lạng Sơn rất phù hợp với làn da mái tóc phụ nữ, các cô gái Kinh ở đây tóc rất mướt, dài. Nước da thì mịn màng, mai mái trắng, rất ưa nhìn. Con gái thành phố nằm mơ cũng khó có  được. Tôi đã nghe nói khí hậu vùng cao đã tôn vẻ đẹp phụ nữ lên nhiều lần. Nay thấy điều đó có lẽ là thực. 

          Hồi ở nhà đã được học bài thơ :
                             Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
                   Có nàng Tô Thị có Chùa Tam Thanh
         
 Chẳng biết trước kia Kỳ Lừa có thuộc Đồng Đăng không, nhưng khi ở đây tôi thấy Đồng Đăng ở cách xa Kỳ Lừa đến trên mười cây số, từ Đồng Đăng lên Hữu Nghị Quan khoảng 4 cây số, còn Tam Thanh và Nhị Thanh, Tô Thị đều ở ngay Kỳ Lừa. Bên cạnh Tam Thanh và Nhị Thanh, còn có dấu tích của Thành nhà Mạc nữa. Sau tường rào của trường còn có Chùa Tiên. Cả chùa Tiên và Tam Thanh, hồi đó có các đơn vị thông tin của Bộ QP đóng quân. Chùa Tiên nằm trong một núi đá, ná ná giống  Huyền Không Động tại chùa Non Nước ở Đà Nẵng. Sau chùa Tiên còn có giếng Tiên. Giếng Tiên là một hốc nhỏ bằng cái mũ sắt ở giữa tảng đá lớn nằm trên   lưng chừng đồi, nước chảy liên tục trong veo, múc không xuể. Bên cạnh Ga Lạng Sơn có cái chùa, tôi thấy ở đây gần như lúc nào cũng có người ở xuôi lên hành hương, có người mang nồi niêu lên ăn ở lại đấy đến hàng tháng. Tàu hoả Hà Nội Lạng Sơn hồi đó có lẽ đông đúc cũng do các cụ, các bà từ dưới xuôi gồng gánh  lên viếng chùa trên này cộng với những người buôn bán đi lại. Vào các ngày rằm, mùng một, tết, lễ hội có khi lính đi tàu phải kê đồ đạc đứng cả vào nhà vệ sinh trên toa

          Tôi lên Lạng Sơn khoảng một tháng, thì bắt đầu vào mùa đông. Sau khi thể dục và ăn sáng, lính thường ngồi tại giường tán chuyện trên trời, dưới đất, chờ tới giờ lên lớp. Mấy anh nghiện thuốc thường mời nhau, rồi lại mời bọn chưa biết hút chúng tôi. Họ nói: ” cứ hút một hơi cho ấm bụng, chẳng việc gì đâu”. Lúc đầu tôi chưa chịu, sau họ mời quá, nên nể, rit thử một hơi, cũng cảm thấy ấm người, thế là ngày qua ngày, nghiện thuốc lá lúc nào không biết. (Sau này tôi là tên nghiện thuốc nặng nhất cơ quan nơi tôi làm việc. Phải bỏ đi bỏ lại sáu bảy lần mới được. Mà cũng nhờ vợ và con gái tôi. Nếu tôi cứ hút trong nhà thì vợ và con lại bị viêm phế quản, không chịu được mùi thuốc lá). Thuốc lá sợi Lạng Sơn rất nhiều loại mà lại rẻ, nên tôi càng nhanh nghiện nặng.

          Hồi còn ở đơn vị, ngày tháng sao đi  chậm vậy. Thế mà khi đi học ngày tháng thoi đưa đã hết năm 1973. Vào tháng 4 năm 1974, có một đoàn quân y về khám cho toàn trường. Khi một nữ bác sĩ trẻ chắc chỉ lớn hơn tôi vài tuổi, cũng có vẻ xinh đẹp, khám cho tôi, chị ấy cứ nắn qua nắn lại chỗ bụng tôi lâu lắm. Tôi thấy lạ, không biết chị này có ý gì đây. Khoảng vài phút sau chị ấy hỏi: “Đồng chí có bệnh gì về gan không?”. Tôi đáp :”Không”. Chị ấy lại hỏi :”Gần đây đồng chí có đau ốm gì không”. Tôi trả lời: “tôi bị sốt rét 2 tháng ở Quảng Trị vào 1972”. Chị ấy nói :’Chắc do sốt rét nên gan đồng chí bị hơi to”. Kể ra tôi cũng gặp may, chị bác sĩ đã cẩn thận khám, mà chỉ cảm nhận bằng tay đã thấy được hậu quả của sốt rét của tôi. Nhưng cũng kỳ lạ là qua mấy mươi năm tôi chẳng thấy có bác sĩ nào khám kỹ cho tôi như vậy, mà họ cũng chẳng nói gan tôi có bị to hay không, trừ khi tôi nói ra.

          Học ở đây mỗi người đều có sự hồi hộp riêng, nếu binh chủng không gọi về đi đào tạo thì chỉ chờ kết quả thi theo đề thi đại học, hoặc được kiểm tra với điểm cao mới được chọn đi nước ngoài theo tiêu chuẩn chung của bộ Đại học và Trung  học chuyên nghiệp. Thế nên dù thế nào tôi và người yêu cũng quyết định sẽ cưới vào kỳ nghỉ hè của tôi. Sau này anh Khánh (C4 D371) nói đùa với tôi : “mày là thằng tảo hôn”, vì tôi cưới vợ lúc 24 tuổi. Quả thật hoàn cảnh buộc chúng tôi phải làm vậy, vì nếu tôi đi học, thì phải ba hoặc bốn năm mới về, thế thì người yêu tôi héo hon chờ đợi bao lâu, vậy nên phải cưới thôi.  Hè đó sau khi kiểm tra xong về nghỉ phép (hè), mọi người giành cho tôi tất cả các tiêu chuẩn thuốc lá. Có mấy anh có nhà ở Hà Nội, đến ngày cưới của chúng tôi, họ không đến dự được, chắc anh em cũng mải lo việc riêng và gia đình.\


(Còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét