18 thg 8, 2013

Ký ức của Nguyến Thành Sự - 11


          Nghỉ hè xong lên lại trường, mọi người được nghe một thông tin: chúng tôi  đã bị  “trượt xổ số”. Tất cả các con đường ra nước ngoài “đang bị đóng cửa”, không có đợt nào đi trong thời điểm này. Vậy là toàn bộ lứa chúng tôi được chuyển sang đào tạo trong nước tại Đại học Quân Sự (không biết được đổi tên thành Học Viện Kỹ Thuật khi nào). Vào giữa tháng 9/1974 bộ đội 2 tiểu đoàn của trường Văn Hoá Bộ Quốc phòng đã qua thi và kiểm tra được chuyển đi học tại Đại học Quân Sự. Do cần làm một số công việc, một số người sẽ đi sau, trong đó có tôi. Tình cờ lúc đó bác cục trưởng Cục Chính Trị Bộ Quốc Phòng lên thăm trường. Trường tập hợp học viên để nghe bác phổ biến chủ trương cho các quân nhân là sinh viên  về học tiếp  trường đại học để nhà nước đỡ tốn kém, khi tốt nghiệp nếu cần quân đội sẽ gọi lại. Do vậy, phần lớn những người chưa đi đã được Trường Văn hoá cho xuất ngũ về các trường đại học học tiếp, thay vì phải học lại từ đầu tại Đại Học Quân Sự. Vậy là tôi bất ngờ được xuất ngũ vào ngày 30 tháng 11 năm1974.  Tôi về làm thủ tục với trường đại học rồi lấy giấy giới thiệu quay lên Lạng Sơn nhận lại lý lịch. Nhưng hồi đó học viên đi học lý lịch quân nhân vẫn được lưu tại các bộ tư lệnh binh chủng, nên tôi lại phải quay về Bộ tư lệnh 351.
Trong đầu tôi nhớ mãi ngày từ biệt Trường Văn Hoá Quân Đội (gọi tắt của trường văn hoá Bộ Quốc Phòng). Sáng ra tôi theo xe của trường về Hà Nội công tác, vì có mỗi mình tôi và lái xe nên tôi được lái xe mời lên ca bin ngồi. Học viên của trường văn hoá Quân đội rất được anh em phục vụ trong trường nể trọng, vì họ biết người đã lên đây là những lính “siêu” rồi, thế nên tôi được lái xe ưu ái trên đường đi, hơn nữa anh lái cứ nghĩ tôi đang thực hiện “công vụ” của trường. Xe vượt dốc Sài Hồ hiểm trở đã  nổi tiếng bấy lâu (bây giờ đã có đường 1 mới,  chắc ít ai phải đi qua đó nữa), tới Đồng Mỏ, chúng tôi ngừng lại ăn sáng, uống nước. Mấy lần đi qua Đồng Mỏ, nhưng chỉ ngồi trên tàu nên tôi chưa được thưởng thức cảnh phố xá ở đây. Đồng Mỏ nằm bên dãy núi đá, và một bên đồi. Tôi cũng không ngờ rằng cách đấy 2 năm Đồng Mỏ đã bị bom Mỹ  oanh tạc, chắc bọn Mỹ nghi ngờ nơi đây là kho cất vũ khí đạn dược của ta. Lúc bấy giờ Đồng Mỏ đã không còn để lại dấu vết gì nữa của trận ném bom. Nơi đây thật đẹp, yên bình. Rồi chúng tôi tới Ải Chi Lăng, xe dừng lại ngay tại cửa Ải, tôi xuống xe, ngắm nhìn cái hồ lô đã diệt bao quân Minh xâm lược sáu trăm năm trước đây,  thật là hùng vĩ, thật là hóc hiểm. Cuộc hành trình cho tới chiều là tới bên này cầu Long Biên. Tôi từ biệt lái xe, và cũng từ đó, cuộc hành trình đáng nhớ còn mãi trong tôi. Có lẽ đó là cuộc hành trình duy nhất vì suốt bao năm qua tôi chưa có dịp về lại Lạng Sơn. 

(Sự hùng vĩ, hiểm trở của  Ải Chi Lăng)

         Về tới Hà nội, vào một ngày đầu tháng 11 năm 1974 tôi tới Bộ Tư Lệnh 351. Khi tôi tới xin gặp ban tổ chức, thì cũng lại người sĩ quan ngày nào ra tiếp. Anh ta sạc tôi tại sao thế này, tại sao thế kia. Rồi cuối cùng anh ấy cũng vào trong mang hồ sơ của tôi ra. Sau khi trao hồ sơ đã gắn si cho tôi, thấy tôi vẫn mũ có sao, cầu vai có cái “xơ mít” (phù hiệu học viên) người sĩ quan nói: “anh (không còn là đồng chí nữa!?) đã ra khỏi quân đội thì phải trả lại sao và phù hiệu cho quân đội”.  Trước khi đến đây tôi đã suy nghĩ mãi có nên đeo sao, phù hiệu hay không!. Vì muốn thể hiện rõ tác phong quân đội đến giây phút cuối cùng, thế mà còn chút kỷ vật nhỏ về đời lính  tôi muốn giữ lại mà anh ta cũng lấy mất, thấy thái độ anh ta như vậy nên tôi chẳng van nài, xin xỏ.
          Thế là tôi kết thúc đời lính ngắn ngủi. Tôi đã xa đồng đội khi  nhiệm vụ của chúng tôi còn đang dang dở.


        Khi đã quay về trường đại học tôi học tại Khoá 18 Khoa Toán Lý , ban đầu bao nhiêu thứ phải giải quyết, các môn nợ cần phải trả làm tôi lao đao, không còn thời gian để nghĩ đến đơn vị cũ bây giờ ra sao, các anh em đã cùng tôi học ở Lạng Sơn càng không có điều kiện để tìm gặp lại. Tôi đã rơi vào một khoảng trời khác, rồi cứ thế trôi đi. Tác phong quân đội tôi còn giữ mãi được nhiều năm sau. Thời gian đầu khi phát biểu bài học tôi vẫn quen cách xưng :”tôi” và nói với thầy: “Báo cáo đồng chí giáo viên”. Tay lớp trưởng nhắc mãi đến mấy tháng sau tôi mới quay trở lại được cách xưng hô của thời sinh viên ngày trước.  Rồi dần dần cuộc sống đời thường làm tôi thay đổi.  Khi tôi mới về trường mới thấy lác đác lính sinh viên về học. Nhưng bắt đầu từ tháng 5/1975 lính sinh viên ùn ùn về trường, cứ như thế kéo dài đến mấy năm. Có lúc nhìn áo lính dày đặc trên đường tới giảng đường, tôi cứ ngỡ như mình đang sống ở Trường Văn hoá Quân Đội ngày nào


           Sau khi tốt nghiệp đại học, toàn bộ sinh viên khoa tôi đều được Bộ Quốc phòng đưa vào danh sách “trưng dụng” cả trai lẫn gái, vào phục vụ quân đội. Lúc đầu những người lính như tôi cũng nằm trong danh sách đó. Sau đó người ta lại không cần những anh  đã từng là bộ đội. Vì điều này mà làm cho tôi gặp phải một đôi điều không mong muốn khi ra nhận công tác. Rời khỏi Hà Nội tôi cũng để lại kỷ niệm của mình với 2 công trình làm công viên Thủ Lệ năm 1975, và nạo vét sông Tô Lịch đoạn Ngã tư Cầu Giấy suốt cả tháng 6 năm 1978 do các trường Đại Học tổ chức


          Sơ qua về tôi từ ngày tốt nghiệp đại học vắn tắt như sau:  Ra trường tôi về công tác tại một cơ quan Thống Kê của tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng, tại một phòng tính toán phục vụ cho thống kê. Sau này Thành Phố Đà Nẵng được tách ra, bộ phận tính toán cũng được tách ra, và được lập thành Trung tâm Tin học Thống kê tại miền Trung, tôi là anh phó của Trung tâm này từ 2004 cho đến khi gác kiếm.


(Tôi trước ngày  gác kiếm -12/ 2010)
Những Ưu tư
           Khi tôi về quê hương vì không liên lạc được với ai, nên cũng không ai biết tôi ở phương trời nào.  Các anh em Khoá 18 Toán Lý được tuyển vào quân đội, được đưa vào Trường Sĩ Quan bộ binh 200 gần Hoà Lạc, được rèn suốt sáu tháng, có rẽ còn mệt hơn so với tôi khi được rèn ở  Sư 325. Năm 2006, tôi ra công tác Hà Nội gặp lại anh em trong lớp. Họ vẫn gọi tôi bằng anh xưng em lễ phép như ngày nào khi  ở tuổi gần 60. Lúc đó tôi mới biết riêng lớp tôi vẫn còn 4 người trong quân đội, cho đến nay thì bốn người đó là :
          + Tạ Quang Chính (con bác Tạ Quang Bửu): Bạn tri kỷ thuốc lá với tôi mấy năm học, Thiếu tướng Chủ nhiệm chính trị Cục chính trị, Tổng cục Công Nghiệp Quốc phòng Bộ Quốc Phòng
          + Giáo sư tiến sĩ đại tá Nguyễn Trọng Toàn, Học viện Kỹ thuật quân sự, tay Toàn đã từng dẫn tôi về nhà tại phố Hàng Bông lấy cho tôi mấy chiếc cúc áo bông bị tuột ngày nào.
          + Đại tá Đào Chí Thanh, công tác tại Bộ tư lệnh Phòng Không Không Quân. Hôm tôi đến nhà thấy trên máy tính  anh ấy đang thử chương trình như làm phần mềm trò chơi, tôi hỏi :’Mày thất nghiệp hay sao mà phải đi làm trò chơi”, nó đáp :” Dự án bạc tỷ đấy anh ạ, đây là phần mềm để huấn luyện xạ kích mục tiêu cho bộ đội đấy”. Thế mới biết quân đội đã ứng dụng khoa học khác xa với thời tôi làm lính
          + Còn một bạn nữ nữa cũng là lính: Đại Tá  Đào Ngọc Anh (con gái bác Đào Thiện Thi Bộ trưởng Bộ tài chính những năm tôi về học) công tác tại quân khu 7 mới nghỉ hưu, đã ra lại Hà Nội.
          Thế đấy, tưởng rằng chỉ có các anh em ở đơn vị chiến đấu của tôi trưởng thành, không ngờ các “đàn em” của tôi cũng đã phục vụ trọn đời cho binh nghiệp.
          Cho đến  ngày 5/8/2013 anh Loát còn cho tôi biết về đại đội sáu của tôi:  Đến tháng 3 năm 1974 cả tiểu đoàn 371 trở về trực thuộc trung đoàn 97, đóng ở Trung Hà, Sơn Tây. Lúc đó đại đội 969 cũng ra Bắc rồi và đã được nhập vào 371. Đến cuối năm 1974 anh Loát được tiểu đoàn điều sang 969, ở đây anh làm Tiểu đội trưởng một tiểu đội, để 969 kiện toàn đội ngũ, chuẩn bị đi chiến dịch xuân 1975 tiến tới chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn.
          Tôi cũng được anh Loát cho biết sự ra đi đau đớn và oan ức của anh Điến. Nếu đúng như lời anh Loát nói, thì sự việc khác với thông tin lâu nay tôi đã tưởng anh mất vì đau dạ dày. Anh Loát kể: sau khi phục vụ quân đội, anh Điến về nhà và đi làm. Do sự nhầm lẫn gì đó về xe cộ, anh bị người ta đánh thành bệnh, sau đó anh ra đi trong đau đớn. Cái tìn này làm tôi đau đớn tan nát cõi lòng, thương cảm cho anh vô cùng. Không ngờ người anh thân yêu của đoàn 6  chúng tôi, đã ra đí tất tưởi  và vô lý như vậy.
          Ngày 26/4/2013 Hội cựu chiến binh Đại Học Bách Khoa Hà Nội công bố kỷ yếu cựu chiến binh. Tôi cũng được các anh cấp cho 1 quyển. Tổng số lượng cựu chiến binh  của trường các đợt ra đi là khoảng 2700, không biết các anh ấy có tính số “sư đệ” của tôi không  nhưng một mảng khá lớn cựu chiến binh của trường không được nhắc đến. Trong số danh sách các liệt sĩ ghi trong kỷ yếu, có trường hợp của Lưu Khánh Hồng hơi đặc biệt đó là trường hợp duy nhất được xác định qua phương pháp ngoại cảm (hình như qua nhà ngoại cảm PTBH) an táng ở tại NTLS Đắc Lắc  trang 441. Nhưng trong kỷ yếu của Đại đội 3 do anh Nguyễn Văn  Phúc làm đại đội trưởng, trang 244 lại ghi anh hy sinh tại Quảng Ngãi và mộ vẫn còn, tất nhiên là đồng đội trong C3 của anh có biết). Vậy là 2 thông tin này trái ngược nhau. Quyển kỷ yếu của đại đôi 3 do cựu chiến binh đại đội 3 xây dựng đã hoàn thành và được công bố vào 26/5/2013. Nhân nói về ngoại cảm, ở đâu xa xôi không rõ, nhưng năm 2012  đoàn cựu chiến binh của tiểu đoàn 371 về thăm chiến trường Quảng Trị, và tìm mộ liệt sĩ  có lẽ đã sử dụng đến phương pháp này mà một vài anh em cũng chưa tìm ra!. Tôi thấy phương pháp này thật khó tin, và có dáng vẻ gì đó đồng bóng
          Trở về với đời thường tôi  luôn áy náy trong lòng với câu hỏi: “Tôi đi rồi đơn vị ta sẽ còn đi những đâu” . Năm 2009 anh Châu cho số điện thoại của anh Tuân, tôi gọi cho anh, khi đó tôi mới biết rằng B72 chúng ta còn phải vất vả cho tới 1985 trên các điểm chốt cao nơi biên giới.
          Nhớ lại những ngày nào, chúng tôi đã đội những trận bom B52 “chụp” vào đội hình: bao lần ở Quảng Trị, mấy lần tại Tây nam Huế, tính ra đến vài nghìn quả, không kể những trận “được hù doạ” thêm. Bao nhiêu lần đạn pháo, đạn cối “NỞ RỘ tới thăm  tại trận địa và trên đường hành quân.  Nào Khe Tử,  Động Tranh, nào La Vang, nào A Lưới, nào Dốc Miếu, nào Cửa Việt…. Dù hiểm nguy, dù gian lao vất vả,  anh em ta chẳng hề nao núng, vẫn kiên trung quyết chiến, đem về những chiến công.

Núi rừng Quảng Trị năm xưa vẫn còn đây, bây giờ đã tươi da lành thịt!
(Ảnh do đoàn cựu chiến bính tiểu đoàn 371 chụp năm 2012 khi về thăm Quảng Trị)
Tôi nhớ mãi ngày 6/9/1971, ngày chúng tôi lên đường cầm súng đánh giặc.  Hàng năm cựu chiến binh Bách Khoa đều nhớ đến nhau, tìm gặp nhau để lui về những kỷ niệm. Đi đâu nếu gặp ai đã là lính 6/9/71 lại cùng nhau bồi hồi ôn lại quãng thời gian lên đường hào hùng đó. Tôi cũng nhớ tới  ngày 14 tháng 4 năm 1972,  ngày xuất quân của đoàn 6, từ ngày đó có những anh em đi mãi không về, có những anh em trở thành anh hùng, làm vẻ vang cho đơn vị: Trần Thanh Hải, Lê Văn Trung, Chu Trọng Cát. Các anh đã làm chúng tôi  tự hào khi nhớ tới lời ca  Trùng trập trùng Đoàn Sáu ta đi”, đã Anh Hùng lại có những Anh Hùng.

           Những cái tên đã đi qua trong cuộc đời được khắc sâu trong trí nhớ: Bãi Hà, Ngã Ba Làng Nút, Suối La La, Ba Gơ, Ba Lòng, Thạch Hãn, Như Lệ, Tích Tường, Đông Hà, Lai Phước, Động Ông Do, Thành Cổ, Ái Tử,  Câu Nhi, La Vang, Cầu Nhùng, Mỹ Chánh, Cửa Việt, Dốc Miếu…. Và Cốc Bai, Ô Lâu, A Lưới, Đường 12, Tây nam Huế, Hòn Vượn, Bình Điền, Động Tranh, Khe Tử

          Có những đêm trong mơ lại nghe tiếng bom B52 đanh… đanh.., tiếng pháo rít đuỳnh đoàng, giật thót con tim, thảng thốt tỉnh dậy tôi thao thức, lại da diết nhớ đến những ngày nào, nhớ tới các anh. Mỗi lần nghĩ đến các kỷ niệm với các anh Điến anh Châu, anh Thành, anh Phượng, anh Thể, anh Loát, anh Duy, anh Hùng, anh Thanh, … tôi lại nao nao, bồi hồi.  Lòng tôi buồn nhớ tới các anh đã hy sinh, các anh đã đi trước tôi về cõi vĩnh hằng để lại cho tôi bao nhớ nhung, bao kỷ niệm

          Sau khi liên lạc được với các anh Kỳ, anh Cơ, tôi được anh Cơ cho biết xắp tới có một nhà văn nào đó sẽ viết một cái gì đó về chiến trường Quảng Trị thật rõ ràng, thật hoành tráng,  để mô tả có tính tầm vóc của chiến trường Quảng Trị. Tôi rất hy vọng được thế, nhưng liệu ông ấy có tổng hợp được hết tất cả các cái nhìn của hàng vạn chiến sĩ và những nhà chỉ huy hay không?. Riêng cái nhìn của tôi đã mất trên tám mươi trang mất rồi. Hy vọng rằng ông ấy đừng lặp lại trường hợp B72 bố trí trên bờ bắc sông Cửa Việt, như cái truyện kia, nếu vậy thì sự tổng hợp sẽ méo mó khôn lường.

(Đôi vợ chồng già trên đỉnh Bà Nà, 8/2012)


        Đã bốn mươi năm qua đi, giờ đây đã ở tuổi ban chiều. Những dòng tâm huyết trên tôi viết ra để nhớ lại những gì ở thời xa xôi ấy, những gì mà tôi và đồng đội cùng nhau đã một thời. Đồng đội của tôi giờ đây dần thưa thớt theo tháng ngày. Mong sao những anh em còn lại hãy cùng viết, để gom góp  xây dựng thành bản trường ca Đoàn 672 đã một thời vang danh. Nếu không sẽ chẳng kịp nữa, nếu không những kỷ niệm, những nhọc nhằn của chúng ta những ngày ấy sẽ bị chìm trong quên lãng!

          Chiến tranh đã qua đi, hoà bình đã mang lại bình yên cho đất nước. Trước khi dừng bút tôi mong rằng: “Con cháu chúng ta hãy giữ lấy những gì cha ông mang lại. Đừng bao giờ cúi đầu khuất phục  trước kẻ khác. Hãy làm cho dân hạnh phúc, giữ cho đất nước trường tồn, hãy luôn nhớ câu  “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

                                  
                                   Bắt đầu viết 2/1/2013 kết thúc  27/07/2013
                                                   Hạ sĩ Nguyễn Thành Sự
                                             A Trưởng A1, B1 Đoàn 672 D371
                                                   F351 Pháo Binh  (1971-1973)
  Còn đây:
- B72  của D371  đã làm xe tăng, thiết giáp địch một thời khiếp vía
- Đoạn clip sinh viên Bách khoa lên đường đánh Mỹ (1971)
Hết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét