5 thg 11, 2013

Thầy Thái Thanh Sơn: Nhận xét về "Trồng người"

Hồn Việt số tháng 1/2008

Trồng người

Bùi Trọng Liễu
Nguyên giáo sư đại học (Paris, Pháp)

Tết năm Canh Tý (1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào “trồng cây” (kéo dài một tháng từ 6/1/1960 đến 6/2/1960, cám ơn anh ĐT nhắc tôi chi tiết này). Hồ Chủ tịch lại có câu nổi tiếng, được nhắc đi nhắc lại nhiều lần: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.

(Cụ là người thâm hiểu Hán học, chắc Cụ lấy từ điển tích Quản Trọng thời Xuân Thu. Quản Trọng sinh năm 725 trước Công nguyên, mất năm 645 trước Công nguyên, là nhà chính trị và nhà tư tưởng lớn của Trung quốc, tướng quốc nước Tề, giúp vua Hoàn Công, làm nên nghiệp bá. Kế sách của Quản Trọng là: “Kế sách cho một năm, lấy việc trồng lúa làm đầu. Kế sách cho mười năm, lấy việc trồng cây làm đầu. Kế sách cho trọn đời, lấy việc trồng người làm đầu. Lúa, thì trồng một gặt một. Cây, thì trồng một hái mười. Người, thì trồng một gặt trăm”. Nguyên văn trong sách Quản tử của ông, phiên âm là: “Nhất niên chi kế mạc như thụ cốc. Thập niên chi kế mạc như thụ mộc. Chung thân chi kế mạc như thụ nhân. Nhất thu nhất hoạch giả, cốc dã. Thập thu thập hoạch giả, mộc dã. Bách thu bách hoạch giả, nhân dã”).
_____________________________________

Lời bình của Longlongago:

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một con người kiến thức quảng bác, am hiểu sâu sắc nhiều nền văn hóa nước ngoài nhất là văn hóa Pháp, đặc biệt Cụ là một nhà Hán học uyên thâm. Do vậy trong nhiều bài viết và bài nói, Chủ tịch thường sử dụng nhiều điển tích và trích dẫn từ nhiều học giả, nhà tư tưởng, nhà thơ nước ngoài, vận dụng một cách tài tình và rất phù hợp với từng môi trường, hoàn cảnh.

Tuy nhiên nhiều tay "bồi bút" phần do kém hiểu biết, phần do nịnh bợ, lại mang những tư tưởng, những danh ngôn - của người khác - mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng, đem gán quyền tác giả cho Cụ! Đây quả là một điều đáng xấu hổ - anh linh Hồ Chí Minh có biết được chắc phải trừng trị những lũ con cháu ngu dốt nịnh bợ làm cho Cụ mang tội "đạo văn"

Hiện nay ở nhiều nơi - tại những môi trường văn hóa nghiêm chỉnh - chúng ta vẫn còn thấy trưng ra những biểu ngữ trang trọng:

VÌ HẠNH PHÚC MƯỜI NĂM TRỒNG CÂY, VÌ HẠNH PHÚC TRĂM NĂM TRỒNG NGƯỜI .
Lời dạy của HỒ CHÍ MINH

Thật đáng xấu hổ!

Được đăng bởi Qingshan vào lúc 09:36 ngày 10 tháng bảy năm 2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét