6 thg 12, 2013

Nhân đọc bài “Lai Căng” của Nguyen Tuan và phần nhận xét của Van Trinh Hoang

Cứ để mặc những từ lai căng đó thuận tự nhiên theo cách nó xuất hiện, khi không tụ đủ các điều kiện để thích nghi nữa, tự nó sẽ không còn lý do để tồn tại và sẽ biến đi. Còn nếu nó thích nghi, thì tuyệt vời vì tiếng Việt càng thêm phong phú. Lịch sử phát triển tiếng Việt cho thấy, rất nhiều ngôn từ mượn từ tiếng nước ngoài đã được Việt hóa rất tự nhiên, đến mức độ, ngày nay người Việt sử dụng như tiếng mẹ đẻ mà không hề bận tâm nó có lai căng hay không, bởi vì nó đã cấu thành tiếng Việt rất ngoạn mục: hàm súc mà không kém phần sáng sủa, đôi khi lại còn dí dỏm nữa…
Mấu chốt ở đây là các từ lai căng nên được sử dụng đúng chỗ và đúng lúc, ví như từ OK không còn xa lạ với dân thành phố, được sử dụng khá phổ biến, nói ra ai cũng hiểu. Nhưng nếu ở vùng sâu / vùng xa, bạn nói “Có OK không?” , thì bà con sẽ hiểu là bạn hỏi xin… bao cao su đấy.
Chẳng phải bạn Hoàng Trinh cũng đã giật tít “”Đũa Lệch” vẫn OK” trong Blog này đấy sao. Bạn (và mọi người) đã quá thân thuộc với từ lai căng này, đến độ dùng nó một cách vô thức rồi!, nói cách khác từ OK đã sống sót trong ngôn từ người Việt.
Một ví dụ khác, trong y học thường thức chắc hẳn mọi người cũng đã từng nghe và/hoặc biết bệnh Gút (Gout). Gút là từ lai căng mà ngày nay khi được sử dụng ai cũng hiểu là người nói đang đề cập đến bệnh gì, triệu chứng ra làm sao và điều trị như thế nào… Nếu dùng tiếng Việt xưa, bệnh này được gọi là Thống Phong, thì chắc rằng rất ít ai hiểu nổi người nói đang trỏ chính xác đến bệnh gì.
Có hai người bạn, lâu không gặp, hỏi thăm (khoe) sức khỏe của nhau. Một anh nói: “Ngón chân cái của mày bị tấy đỏ thế kia, rõ Gút rồi, … còn bàn chân kia đâu… hì hì hì cũng Gút nốt”. Anh kia bèn đáp lại: “Chân giữa của tao cũng Gút đấy – không những Gút mà còn là Very Good kìa”. Rõ ràng, sự lai căng đã làm tiếng Việt phong phú thêm màu sắc.            
Một thời, loài người đã phát minh ra Quốc tế Ngữ, lập ra Hội Quốc tế Ngữ, gồm các Hội thành viên ở các quốc gia trên toàn thế giới để phổ cập ngôn ngữ này, với mong muốn kết nối các dân tộc trên toàn thế giới bằng Quốc tế Ngữ. Thế nhưng ước vọng tốt đẹp đó đã không thành hiện thực, nó đã “bị chết yểu”, bởi lý do mà ai cũng hiểu được, đó là ngôn ngữ được phát minh ra không có môi trường để “sống” như các ngôn ngữ của các dân tộc trên trái đất. Không phải ngẫu nhiên mà từ “ngôn ngữ”, “ngoại ngữ” còn được gọi và hiểu là “sinh ngữ” (hiểu theo nghĩa sống còn).
Nhà tự nhiên học (Natural science) Đac-Uyn (Charles Robert Darwin), cha đẻ của Thuyết Tiến hóa đã có 1 câu nói nổi tiếng: “Không phải do mạnh hơn, không phải do thông minh hơn. Mà chính do thích nghi hơn, các sinh vật đã sống sót và sống cho đến ngày nay…”
Ngôn ngữ và ngoại ngữ là thực thể sống, hãy để nó thuận tự nhiên theo “quy luật chọn lọc tự nhiên” của Đac-Uyn.

1 nhận xét:

  1. NHẤT TRÍ HOÀN TOÀN VỚI V.Q. Thế nên người ta mới bảo mọi thứ trên đời này đều chỉ là tương đối

    Trả lờiXóa