Đó
là những chiếc xe vận chuyển hàng hoá quá khổ, quá tải gấp 2-3 lần
thiết kế ban đầu không hề được cấp phép, là những chiếc xe khách chở quá
số người qui định cũng gấp 2-3 lần cấp phép chạy ngang dọc khắp các nẻo
đường.
Đó là những cung đường dày đặc những
trạm kiểm soát của lúc là cảnh sát giao thông, lúc là thanh tra giao
thông... Mà có thể nói không đâu trên thế giới có mật độ kiểm soát giao
thông dày đặc như Việt Nam ta.
Phải nói rằng vấn nạn cánh sát, kiểm soát giao thông nhận tiền mãi lộ là vấn nạn quốc gia, nhức nhối bấy lâu nay. Biết bao vụ việc được phanh khui, xử lý nhưng có lẽ chỉ như muối bỏ biển mà thôi rồi mọi chuyện vẫn đâu lại vào đấy, nếu cứ nói về chuyện này thì có lẽ chỉ ngắn gọn là "biết rồi, khổ lắm, nói mãi"...
Nhìn ở góc độ xã hội nếu như một việc
làm phạm pháp mà hệ luỵ có thể nói là rất lớn cho xã hội nhưng vẫn tiếp
diễn hàng ngày, mọi lúc, mọi nơi và mọi người dân đều biết nhưng bất lực
thì không thể nào có được niềm tin của người dân khi Đảng và Nhà nước
đang giương cao ngọn cờ chống tham nhũng, được coi như vấn nạn quốc gia
hiện nay.
Hệ thống giao thông là một yếu tố quan
trọng của hạ tầng nền kinh tế mỗi quốc gia, chiếm tỷ trọng khá lớn trong
tổng đầu tư xã hội, còn được ví như mạch máu của hạ tầng kỹ thuật nền
kinh tế xã hội.
Rõ ràng hạ tầng giao thông của đất nước đang không theo kịp sự phát triển và đòi hỏi bức thiết của nền kinh tế nhưng thật xót xa khi nhìn thấy những con đường đang ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, những con đường mới chất lượng không đạt yêu cầu.
Kinh phí cấp cho xây dựng cơ bản và duy
tu sửa chữa giao thông chưa bao giờ đáp ứng được nhu cầu bức thiết nhất
chứ chưa nói là đủ theo yêu cầu. Việc hạ tầng giao thông xuống cấp và
tồi tệ như hiện nay có phần đóng góp không nhỏ của việc buông lỏng quản
lý giao thông.
Tiền đầu tư cho hệ thống giao thông về
bản chất là tiền lấy từ thành quả lao động của toàn dân, những người
đang hàng ngày lao động để đóng thuế và phí các loại mà trực tiếp là phí
giao thông nhưng họ lại là những người đang thấy rõ nhất những đồng
tiền mình làm ra đang hàng ngày, hàng ngày đi vào túi riêng những ai một
cách rõ ràng nhất.
Những con đường dù cho có làm đạt yêu
cầu chất lượng tốt nhất về kỹ thuật nhưng vẫn phải ngày đêm cõng những
chuyến xe quá tải thì việc xuống cấp nhanh chóng là điều không thể tránh
khỏi. Một sự lãng phí quá lớn đầu tư xã hội vì lợi ích của một nhóm
người mà trong số đó lại chính là những người bảo vệ pháp luật.
Rõ ràng phải có biện pháp mạnh mẽ, toàn diện và triệt để nào đó để dẹp vấn nạn "cướp ngày" đang diễn ra hàng ngày trước mắt mọi người dân này. Người dân phải nhìn thấy sự thay đổi này trước, để họ có niềm tin trước khi chúng ta nói về cuộc chiến chống tham nhũng nào đó, ở đâu đó trên đất nước này.
Trần Trọng Dũng
Ảnh bìa chỉ mang tính chất minh họa (nguồn internet)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét