23 thg 11, 2014

NÓI và LÀM của QUAN THAM

honngv: Từng là Tổng thanh tra Chính phủ, đáng phải làm gương LIÊM SỈ, ông Trần Văn Truyền đã có những phát ngôn nổi bật liên quan đến các vấn đề tham nhũng cũng như công tác chống tham nhũng. Nhưng hãy xem "ông" Tổng thanh tra này làm như thế nào ?

Một lần nữa xét xem "thành ngữ mới" đúng sai ra sao : "Đừng nghe quan nói mà hãy xem quan làm".

Kinh khủng ! Bỉ ổi !
Bực lắm, bực lắm !

1. NÓI:
Hình ảnh Những phát ngôn nổi bật về chống tham nhũng của ông Truyền số 1
 Nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền.

Ý thức tự kiểm tra, giám sát nội bộ còn yếu

Năm 2009, trả lời phỏng vấn trên báo điện tử VnExpress về vấn đề giám sát quà biếu được các cơ quan chống tham nhũng đặt ra như thế nào khi các địa phương sẽ tiến hành đại hội Đảng bộ và bầu các chức danh lãnh đạo vào năm 2010, ông Truyền cho biết: “Chính phủ đã có quy chế quà biếu, quà tặng và công chức phải có nghĩa vụ thực hiện quy chế đó. Việc phát hiện vi phạm, trách nhiệm trước hết thuộc về các đơn vị, gắn liền với trách nhiệm cá nhân. Cán bộ không chỉ giữ mình trong sạch mà còn phải giám sát những người trong tổ chức. Trong phòng chống tham nhũng ý thức tự giác rất quan trọng, không thể hô hào chung chung. Tôi rất tán thành với nhận định của Quốc hội kỳ này là ý thức tự kiểm tra, giám sát nội bộ còn yếu”.

Cản trở lớn trong đấu tranh phòng chống tham nhũng là bệnh thành tích

Trong cuộc trao đổi về những con số và vấn đề đáng chú ý tại báo cáo tình hình phòng chống tham nhũng năm 2010 của Chính phủ và báo cáo thẩm tra nội dung này của Ủy ban Tư pháp gửi đến Quốc hội, Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền lúc bây giờ cho rằng, một trong những cản trở lớn trong đấu tranh phòng chống tham nhũng hiện nay là bệnh thành tích.

“Việt Nam, người ta nói tham nhũng của chúng ta không nghiêm trọng như ở nhiều nước, tức là “ruỗng” từ trên xuống, mà chính là “tham nhũng vặt”. Tức là bôi trơn, hối lộ cho người thi hành công vụ, ví dụ ở lĩnh vực y tế, Giáo dục, có khi dăm ba chục ngàn cũng làm, nên đương nhiên là ở cấp cở sở phát hiện nhiều thì xử lý nhiều”, ông Truyền cho biết thêm.

Đấu tranh chống tham nhũng là phải biết hy sinh 

Trao đổi với báo Tuổi trẻ tại hành lang Quốc hội trước phiên đối thoại với Tổ chức Minh bạch quốc tế về tham nhũng trong giáo dục (sáng 28/5/2010), Tổng thanh tra Chính phủ khi còn đương chức Trần Văn Truyền cho biết, tham nhũng trong giáo dục đang phức tạp và khuyên những người đấu tranh phải biết hy sinh. Bản thân ông cũng phải hi sinh nhiều.

"Đấu tranh chống tham những, tiêu cực rất gian nan, khó khăn nên chúng ta phải có bản lĩnh, dám đương đầu và chấp nhận để đấu tranh. Nếu đấu tranh mà giải quyết được tình trạng tiêu cực thì đó là có lợi cho cái chung, đất nước đang cần, nhân dân đang mong", ông Truyền nói.

Tặng quà trong mối quan hệ bình thường thì pháp luật không cấm

Năm 2008, trả lời phóng viên báo An ninh Thủ đô bên hành lang hội trường Quốc hội về việc tặng và nhận quà biếu, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền lúc bây giờ cho rằng: “Tặng quà trong mối quan hệ bình thường thì pháp luật không cấm. Đối với người Việt Nam chúng ta, trong những dịp lễ tết thường tặng quà nhau để thể hiện tình cảm. Việc này không những chỉ có ở cá nhân mà cả giữa cơ quan với cơ quan, giữa lãnh đạo với lãnh đạo... Tuy nhiên, hiện nay có hiện tượng lợi dụng việc tặng quà để tranh thủ vụ lợi”.

“Điều chúng tôi muốn nhấn mạnh đó là vừa qua có một số người lợi dụng quà biếu để chạy chức, chạy việc, thậm chí là chạy tội... Điều này làm mất đi ý nghĩa chung của quà tặng. Vì vậy, chúng ta đã có quy chế cấm biếu quà, trường hợp nào được nhận, không được nhận, nhận thì trả như thế nào, trả lại ở đâu... Rất tiếc trong thời gian qua có nơi không thực hiện đúng việc này”, ông Truyền cho biết thêm.

Xử lý tham nhũng cán bộ nghỉ hưu dễ hơn

Theo tin tức trên báo Pháp luật TP.HCM, năm 2005, khi còn là Phó chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra trung ương, ông Truyền từng khẳng định rằng: “Hiện nay tính chất tham nhũng ngày càng phức tạp. Mức độ tổn thất do tham nhũng cũng lớn hơn”. Bên cạnh đó, cách thức tham nhũng cũng rất đa dạng; có thể là vi phạm pháp luật để tham nhũng, cũng có thể bằng những cách rất hợp pháp như mua bán, đầu cơ đất đai.
"Qua những vụ tham nhũng lớn vừa rồi, chúng tôi nhận thấy xử lý cán bộ đã nghỉ hưu dễ hơn nhiều. Còn người gián tiếp mà đang tại chức, họ chạy (chức) rất dữ", ông Truyền nói.

2. LÀM:

Hai căn nhà và một mảnh đất ở Bến Tre, hai căn khác ở TP HCM cùng một nhà công vụ tại Hà Nội là những bất động sản liên quan đến ông Trần Văn Truyền, nguyên tổng thanh tra chính phủ, vừa bị điều tra.
 
Theo xác minh của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, căn biệt thự ở xã Sơn Đông, TP Bến Tre (Bến Tre) có diện tích hơn 16.500 mét vuông là đất của ông Trần Hoàng Anh, cán bộ cảnh sát giao thông Công an tỉnh - con trai ông Trần Văn Truyền. Nguyên Tổng thanh tra Chính phủ giải trình số tiền xây dựng căn biệt thự này là từ 7 tỷ đồng tiền của vợ chồng ông dành dụm và 4 tỷ đồng mượn của bà Phạm Thị Kim Anh, trú quận 9, TP HCM và hiện ông đang ở trong căn nhà này.
 
Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương, việc mua đất và xây dựng nhà của các con ông Truyền được thực hiện theo các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, với cương vị nguyên là cán bộ lãnh đạo cấp cao, ông Truyền đã thiếu cân nhắc và chủ quan khi xây dựng công trình biệt thự lớn trong khuôn viên đất rộng, trong khi nhà ở và đời sống nhân dân địa phương trong vùng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn; gây phản cảm và tạo dư luận xấu, lan rộng trong xã hội.
 
Căn nhà số 6, Lê Quý Đôn, phường 1, TP Bến Tre với tổng diện tích hơn 260 m2 (ông Truyền mua năm 2003 với giá chưa tới 280 triệu đồng) nhiều năm nay được sử dụng làm trụ sở cho một doanh nghiệp làm đại lý phân phối bia, rượu, nước giải khát. Căn nhà này vừa bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu thu hồi vì đã được cấp sai quy định "hỗ trợ tiền sử dụng đất đối với người có công với cách mạng chỉ xét một lần cho một hộ gia đình...”. Việc UBND tỉnh Bến Tre chỉ đạo cho sửa chữa, bán cho ông Trần Văn Truyền căn nhà số 06 Lê Quý Đôn cũng có một số khuyết điểm, vi phạm.
 
Thửa đất số 598B5 có diện tích 350 m2 ở đường Nguyễn Thị Định, phường Phú Khương, TP Bến Tre do Quân khu 9 cấp cho ông Truyền. Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Truyền đã biết mình không đúng đối tượng được cấp đất, nhưng vẫn nhận và sau khi được Ban thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre yêu cầu trả lại, ông Truyền đã không kiên quyết, dứt khoát thực hiện, sau đó lại có đơn xin làm nhà tạm để con dâu sử dụng, thể hiện sự thiếu gương mẫu của người cán bộ lãnh đạo, gây dư luận không tốt đối với cá nhân ông Truyền.
Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bến Tre và các cơ quan chức năng thực hiện không nghiêm chỉ đạo của Ban thường vụ Tỉnh ủy về việc thu hồi đất, để kéo dài, gây dư luận không tốt đối với lãnh đạo ở địa phương. Hiện phần đất này đã bị UBND tỉnh Bến Tre ra quyết định thu hồi vào ngày 19/11 vừa qua. 
 
Căn nhà số 105 Nguyễn Trọng Tuyển, phường 15, quận Phú Nhuận đang được cho thuê bán trái cây. Năm 2003, khi đã chuyển ra Hà Nội công tác, ông Truyền có đơn gửi UBND TP HCM trình bày hoàn cảnh khó khăn do công tác xa ở Hà Nội và có nhu cầu nhà ở tại TP HCM trong khi gia đình không có khả năng mua đất để xin thuê nhà và đã được UBND thành phố giải quyết cho thuê căn nhà.
 
Đến tháng 3/2011, ông Truyền làm đơn trình bày hoàn cảnh khó khăn, về nhà ở và đề nghị UBND TP HCM bán căn nhà này cho mình và để con gái là Trần Thị Ngọc Huệ đứng tên và được các cơ quan chức năng của TP HCM đồng ý. Vào tháng 7/2014, qua kiểm tra và báo cáo của công an quận Phú Nhuận, ông Truyền và gia đình không sử dụng căn nhà này mà cho người khác ở và bán hàng.
Ủy ban Kiểm tra đã yêu cầu TP HCM thu hồi căn nhà này vì xác định ông Truyền đã thiếu trung thực, không báo cáo thông tin đầy đủ, đúng sự thật về nhà, đất. Tại thời điểm làm đơn xin mua căn nhà này, vợ ông Truyền là bà Phạm Thị Thủy đang đứng tên sở hữu căn nhà số 465/48C khu phố Phước Hậu, phường Phú Khương, quận 9, TP HCM; con gái là Trần Thị Ngọc Huệ đang đứng tên sở hữu căn hộ 28.04A, Khu căn hộ cao cấp Hùng Vương tại quận 5, TP HCM.
 
Căn nhà 3 tầng số 465/48C ở khu phố Phước Hậu, phường Long Phước, quận 9 do bà Phạm Thị Thủy, vợ ông Trần Văn Truyền đang đứng tên sở hữu. 
 
Căn nhà có diện tích hơn 500 m2 này được xác định là tài sản thừa kế ông Truyền nhận được từ người mẹ nuôi là bà Trần Thị Lý. (Bà Lý mất để lại di chúc và năm 2008 con ruột bà Lý là Phạm Thị Kim Anh đã thực hiện di chúc và tặng căn nhà này cho vợ ông Truyền).
 
Theo Ủy ban Kiểm tra, từ khi được tặng căn nhà, ông Truyền chưa sử dụng, nay theo báo cáo đã giao lại cho bà Kim Anh quản lý và ông nhận của bà Kim Anh 4 tỷ đồng để làm nhà biệt thự ở Bến Tre. Một người hàng xóm cho biết căn nhà này bỏ không lâu nay.
 
Năm 2004, ông Trần Văn Truyền được Cục Quản trị A, Ban Tài chính quản trị trung ương hợp đồng với Văn phòng Chính phủ cho thuê nhà công vụ phòng số 607, B1, khu nhà A, 61 Trần Quang Diệu, quận Đống Đa, Hà Nội với diện tích 95 m2... Tháng 10/2011, ông Truyền nghỉ hưu theo chế độ nhưng chưa trả lại nhà. Đến đầu năm nay, khi có thông tin, dư luận về thực hiện chế độ nhà công vụ và Ủy ban Kiểm tra trung ương nắm tình hình thì ông mới đề nghị trả lại nhà. Đến tháng 5 năm nay, Bộ Xây dựng đã tiếp nhận lại căn hộ trên.
Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương, sau khi đã nghỉ hưu gần 3 năm ở tỉnh Bến Tre, ông Trần Văn Truyền mới trả lại nhà công vụ ở Hà Nội. Với cương vị nguyên là cán bộ cấp cao, ông có khuyết điểm khi chưa thật sự gương mẫu trong sử dụng nhà công vụ.
                                                                                                                                   Nhóm phóng viên

3 nhận xét:

  1. Nghe thủng (hiểu kỹ) quan nói, rồi thưởng ngoạn quan làm.
    Hãy để tâm thảnh thơi, (nhớ mở thêm điệu nhạc du dương), trong lúc đọc bài trên, các bạn sẽ dễ dàng nhận ra rằng ông Truyền không có bất cứ một ngôn từ, hô hào, giáo huấn một cách nghiêm túc, đĩnh đạc, mang tính minh bạch và tôn nghiêm của pháp luật nhà nước CHXHCNVN nói chung và luật chống tham nhũng nói riêng. Giọng văn chống tham nhũng của y vừa bông lơn, vừa bỡn cợt, hàm chứa một nội dung vô thưởng vô phạt, tếu táo ba phải... Đại loại: ... "Đấu tranh chống tham những, tiêu cực rất gian nan, khó khăn nên chúng ta phải có bản lĩnh, dám đương đầu và chấp nhận để đấu tranh. Nếu đấu tranh mà giải quyết được tình trạng tiêu cực thì đó là có lợi cho cái chung, đất nước đang cần, nhân dân đang mong”...
    Kiểu như, trước bàn dân thiên hạ y tự sướng “tụi bay coi đấy bàn thắng của tao đẹp không”
    Lời nói của y không ngược hẳn với việc làm của y lắm đâu, chỉ chênh chếch khoảng 30 độ thôi, chứ nếu ngược thì y đã nuốt gọn một tỉnh rồi.

    Trả lờiXóa
  2. Vụ TRần Văn truyền "bị xử lý" được đưa lên Truyền thông lúc này ko phải nằm trong chương trình chống tham nhũng mà chỉ nhằm mục đích xoa dịu lòng dân đang quá bức xúc nếu như không dùng từ phẫn nộ. Bởi từ nay cho đến ĐH X!! ko còn mấy thời gian nên một trong những cách mà LĐ vận dụng là đưa lên những vụ có vẻ là "kiên quyết" nhưng thực ra có quan nào tại vị bị sờ gáy đâu, mà kể cả những vụ đã nghỉ hươu rồi cũng chỉ đánh nhẹ thôi vì nếu đánh mạnh thì động hết cả dãy Trường sơn, Rồi mà xem TV Truyền vẫn an tâm hưởng thụ những tài sản không lồ cướp được của dân. Còn nhựng vụ đang tại vị không bao giờ được xử lý mà nếu có quá lọ thì cũng chỉ xử qua loa thí dụ như vụ PMU 18 Bùi Tiến Dũng, vụ Tiên lãng (HP), vụ Huỳnh Ngọc Sỹ, vụ Dương Chí Dũng.v.v...tất acr những vụ đó đều xử để xoa dịu dân còn các can phạm vẫn hưởng thụ toàn vẹn số tài sản khổng lồ theo c/đ CSCN, Cái gọi là "ngồi tù" của một số vị thực chất là đi an dưỡng.
    Vì một nỗi tất cảe chúng ta đều thế, Lòng vả như lòng sung: lấy dân làm gốc mà đã gọi là gốc thì vững chãi, bền chặt cứ thế mà leo trèo, gặt hái muôn năm ko bao giờ cạn

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tiếc rằng chưa biết làm dấu tích "thích" dưới môic nhận xét. Nhận xét này "lộ" quá nhưng tớ "Thích".

      Xóa