7 thg 7, 2015

Nền tảng gia đình & câu chuyện có kết thúc mang tên Hào Anh!

NVH: Ngày bé mình cũng đc Bố Mẹ dạy như bố Kim Hạnh. Mình thích cách dạy ấy. 

Kết hợp với bài "Cắt tóc vỉa hè XII" là đầy đủ Phương pháp tối cần thiết để hình thành tính cách con người
Hoang Linh FB

TT (Tuổi trẻ) đưa tin Hào Anh bị bắt về hành vi trộm cắp,vụ án đã khởi tố.

Cậu bé xa xôi này bị gia đình ruồng bỏ,gán cho chủ đầm tôm để làm thuê.Cảnh sát đã giải cứu Hào Anh ra khỏi cảnh bạo hành như bị đánh đập,xích một chỗ,uống nước tiểu…
 
Cảnh đời đau thương của cậu bé nhà quê làm xã hội rung động,những người hảo tâm cho Hào Anh số tiền tổng cộng trên 800 triệu đồng.Cậu bé khi trở thành thanh niên đã tiêu sạch số tiền này vào bạn gái,điện thoại và xe máy đắt tiền…và tiếp tục được truyền thông cũng như xã hội bao dung khi phạm sai lầm.

Kết thúc buồn có tên Hào Anh cho thấy khó có thể xây dụng một nhân cách nếu thiếu nền tảng gia đình.
 
HL xin chia sẻ câu chuyện của chị Vũ Kim Hạnh vừa công bố trên trang cá nhân để thấy rằng chính gia đình mới quyết định nhân cách con người chứ không phải là tiền bạc,quyền lực hay nhân tố khác….
 
-Bố tôi là một ông thợ may Bắc Kỳ vào Nam từ năm 1940, học chỉ đến lớp 5, cho đến khi mất (cách đây 22 năm) vẫn ăn Bắc, mặc Bắc, sống Bắc, vẫn sáng sáng rời khỏi nhà với cây tăm bên mép dù bụng còn đói.
 
Khi tôi học tiểu học (trường Tân Định, sau này , đến nửa thế kỷ sau, con, cháu tôi vẫn học trường này) thì cảnh nhà quá nghèo, bố mẹ tôi thường bất hòa, cãi nhau liên miên nên mẹ tôi đưa các em về Gò Vấp ở với bà ngoại. Tôi ở một mình với Bố để đi học , chỉ 2 Bố con hủ hỉ với nhau và tôi hưởng trọn nền giáo dục nghiêm khắc của Bố.
 
Bố dạy tiết kiệm, vì nhà mình nghèo, nước mình nghèo, Bố giãng giải. Rót ly nước, muốn uống bao nhiêu rót bấy nhiêu, không được rót dư. Ăn cơm, rơi một hạt cơm phải lượm ăn cho bằng sạch. Bố dạy sự ngăn nắp. Rằng lấy cái gì ở đâu thì để lại đúng chỗ đó để không bao giờ phải quáng quàng đi tìm. Tối đi ngủ, phải đặt đôi dép ngay ngắn, đầu quay ra để sáng bước chân xuống giường đã đặt được chân vào dép. Áo quần luôn sạch sẽ, tươm tất dù nhiều chỗ vá, hay sớn vai, mòn gối.
 
Tôi chơi bạn trong xóm toàn con trai. Có lẽ vì Bố tôi rất mong có con trai nhưng mẹ tôi lại sinh tôi là con gái. Tôi mặc quần áo con trai, cả ngày dan nắng, chơi u bắt mọi, bày trân đánh nhau với lũ con trai trong xóm. Bố nhìn tôi đen nhẻm, nói đùa, tao biết mày cả ngày ngoài đường với đám con trai thì tao đặt mày tên Bạch Tuyết cho mày chết cha mày! Bố nói, chơi với dám con trai thì tùy mày, nhưng Bố dặn, không được đánh đứa nhỏ hơn, yếu hơn, còn với đứa ngang vai hay lớn hơn thì “có sức chơi có sức chịu”, bọn nó đánh thì phải biết đánh lại, về nhà khóc, bố không bênh mà đánh gấp đôi.
 
Và có điều này Bố nhắc đi nhắc lại mỗi ngày. Những gì con có, muốn cho ai thì cho, Bố không cần biết, nhưng nhận cái gì của ai cho, phải cân nhắc thật kỹ, dù một cây kim sợi chỉ. Tốt hơn hết là không nhận của ai hết, không mang ơn ai hết hiểu không? Bỡi chắc gì mình trả được, mà quen thói nhận bừa sẽ thành ra thói tham lam, lợi dụng.
 
Khi tôi viết báo, tôi có hai bút danh. Kim Hạnh và Vũ Khánh. Thực tình, bài nào tôi hài lòng thì tôi ký tên thật, Kim Hạnh. Bài nào chưa ưng, tôi ký bút danh Vũ Khánh, tên của bố tôi, vì nghĩ tên ấy khó ai đoán được là mình. Bố` tôi biết cười ha hả, bố mày, sao bài nào dở mày ký tên tao, còn bài hay thì ký tên mày? Tôi cười thì Kim Hạnh là con Bố, cũng là bố đặt chứ ai Bố.
 
Tôi lớn lên với sự giáo dục hơi xưa cổ và cực kỳ nghiêm khắc như vậy. Một hôm, một vị lãnh đạo khen tôi thế này, đấy con thấy không, nhờ Đảng giáo dục mà con rất chín chắn, trưởng thành. Tôi nói ngay không suy nghĩ, dạ không, con nghĩ, đó là do Bố mẹ con dạy, nhất là Bố con, chứ con vào Đảng năm đó đã 26 tuổi, thì từ nhỏ đến khi ấy là nhờ giáo dục của Bố con, của gia đình chứ ạ?
 
Sau đó, chú 6 Dân hỏi tôi, chú nghe nói mày không chịu là Đảng giáo dục mày nên người, hả? Tôi kể lại câu nói của tôi. Chú 6 Dân nhìn tôi trân trân xong cười to, nói trúng, nhưng…khó nghe, biết không con ?
 
Sau này, khi Bố tôi mất rồi, trong những thăng trầm của cuộc đời, tôi đều đem ra kể và tâm sự với Bố qua những cuộc trò chuyện lặng lẽ trong đầu. Lần nào tôi cũng nhắc lại điều Bố day, hễ cho ai cái gì, Bố không bân tâm nhưng nhận của ai dù cây kim sợi chỉ cũng phải cân nhắc, cân nhắc…Tôi biết ơn Bố đã giáo dục tôi đầy khó khăn, khắc nghiệt. Tôi thực sự biết ơn người không chỉ sinh thành mà còn dạy mình thành người…
 
***Hãy yêu quý gia đình mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét