TUẤN KHANH
Cuối năm 2006, có một ca sĩ từ Hà Nội vào Sài Gòn trong một tâm trạng
trầm uất nặng nề, do vướng vào một scandal tình ái ngoài ý muốn, chuyện rất ầm
ĩ trên internet. Năm đó, muốn giúp cô quay lại với sân khấu, tôi quyết đưa cô
vào danh sách biểu diễn trong một chương trình văn nghệ ngoài trời, diễn ra tại
trung tâm thành phố.
Dĩ nhiên, đó là một cuộc tranh đấu vật vã muôn phần để vượt qua
các hàng rào kiểm duyệt ý thức lẫn thói đạo đức giả của các người có chức phận
lúc đó.
Ấy vậy mà, khi đến tiết mục của cô, khi chỉ mới hơn 10 giây nhạc dạo
của bài hát mà cô vẫn hay trình diễn, một viên chức mặt còn măng sữa của Thành
Đoàn TNCS đã lao đến chỗ tôi và hét lên “ai cho loại người này lên sân khấu?”.
Thậm chí, dù cô ca sĩ đó đang hát được gần nửa bài, viên chức đó vẫn loay hoay
mưu tìm cách đuổi cô ca sĩ ấy xuống.
Nói đến vậy, để biết, ở Việt Nam, kiểm duyệt là một bàn tay sắt với
mọi loại chương trình, đặc biệt chương trình gọi là trực tiếp với công chúng. Bất
chấp nội dung là gì, ý thức chính trị và kiểm duyệt len lỏi vào mọi nơi: từng
chữ của một bài hát, từng chiếc áo trong phòng hoá trang của nữ diễn viên, thậm
chí động tác trên sân khấu cũng được ràng buộc bởi những quy tắc nào đó, để phù
hợp với sân khấu xã hội chủ nghĩa. Thậm chí để bảo đảm tính an ninh chính trị,
hầu hết các chương trình gọi là trực tiếp, vẫn phát trễ sau 30 phút của giờ diễn
thật.
Nên, khi NSND Lê Hùng nói rằng đoạn nhạc quốc ca thứ hai của người
Trung Quốc chỉ có mười mấy giây đó, là một việc sơ xuất và có vẻ như không
đáng, là điều khó tin được. Mười mấy giây của bài hát ngợi ca Trung Quốc trong
chương trình mang tên Khát vọng đoàn tụ – một chương trình diễn ra vào ngày
27/7 vừa rồi để tưởng nhớ đến những người lính Việt Nam đã chết, mà gần nhất
trong lịch sử là chết oai hùng, chết tức tưởi… để bảo vệ đất nước trước quân
xâm lược Trung Quốc. Sơ xuất là điều đáng để mổ xẻ.
20 năm trước, khi công ước Berne về bản quyền chưa đến Việt Nam
thì mọi chuyện thờ ơ ấy, tạm gọi là có thể, nhưng giờ đây, hầu như chương trình
nào, tiết mục nào khi có nhạc vang lên, đạo diễn và những người kiểm soát sân
khấu vẫn đặt câu hỏi thường nhật là “nhạc ấy ở đâu, dùng được không?”.
Trong mọi câu trả lời trên mặt báo, trong các lời giải thích tạm bợ
và vội vã, đều không thấy việc chỉ đích danh ai đã đưa đoạn nhạc kỳ bí ấy vào
chương trình ngày 27/7. Theo nguyên tắc tổ chức thì luôn luôn, đoạn nhạc đó phải
được duyệt, chấp nhận và được chính thức đưa vào danh sách phát. Có hẳn người
phụ trách riêng để làm việc này theo kịch bản. Nếu người phụ trách không thay đổi,
thì chỉ có một điều là đoạn nhạc ngợi ca Trung Quốc đã được “nhất trí cao độ” để
đưa vào sử dụng.
Trên các trang mạng, tôi thấy nhiều người nói rất nặng ông Lê Hùng
là giặc tàu, tên bán nước…tôi không nghĩ ông Hùng dám cam tâm tự mình thực hiện
phát nhạc nền Trung Quốc cho chủ tịch Trương Tấn Sang như trong một âm mưu.
Gương mặt của ông trên các trang báo khi trả lời phỏng vấn, có một đôi mắt thể
hiện một người luôn hãnh tiến nhưng giờ thì hốt hoảng và sợ sệt trong một tai nạn.
Nên nhớ vị trí NSND trong lòng các nghệ sĩ miền Bắc là vô cùng lớn lao. Họ luôn
tự hào khi viết lá đơn xin danh hiệu đó cùng với tâm trạng thề sẽ cúc cung tận
tuỵ, như một nghệ sĩ cung đình chân thành.
Nếu có trách, hãy trách chuyện mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam nhiều
năm bị cưỡng bức tắm và uống trong tình hữu nghị 16 chữ vàng với Trung Quốc. Những
lần tránh né gọi thẳng tên kẻ gây ra các vụ xung đột, cướp bóc và giết ngư dân
Việt trên biển, thay thế bằng “tàu lạ, kẻ lạ”, khiến khoảng cách của ý thức
phân định ta – giặc bị mù mờ. Thậm chí ngay cả sách lịch sử giáo khoa Việt Nam
cũng ngại việc gọi tên Trung Quốc là giặc xâm lược, thì âm nhạc ca ngợi ta hay
nhạc ca ngợi “nước lạ” cũng mù mờ vậy thôi. Thời gian bào mòn ý thức và sự tỉnh
táo về dân tộc và ngoại bang mới đáng sợ làm sao!
Nếu có trách, hãy nhớ và trách ai đó – bí ẩn và khốn nạn – tìm
cách xoá đi sự thật. Những kẻ rắp tâm kéo kẻ thù gần với dân tộc hơn bằng thực
phẩm, bằng trò vui và tập quên những nỗi đau lịch sử. Nhà báo Huy Đức từng nhắc
về chuyện biên giới tháng 2/1979, sau chiến tranh, Bắc Kinh đột nhiên thành bạn
răng môi, những ghi nhớ tội ác xâm lược của Trung Quốc đột nhiên mất dần. Tấm
bia ghi nhớ ở xã Hưng Đạo, huyện Hoà An về quân xâm lược Trung Quốc dùng búa đập
chết 43 phụ nữ và trẻ em như một trò chơi bị giấu đi vào bụi rậm. Mới đây nhà
báo Lê Đức Dục cũng cho biết bia tưởng niệm ở đồn biên phòng Phú Mỹ, Kiên Giang
cũng bị giấu đi mất dạng. Bia nói về 38 người lính chết anh dũng ở đây để chống
lại quân Khmer Đỏ, cánh tay mặt chia lửa của Trung Quốc. Hôm nay, nếu thường
dân và NSND Việt Nam có lầm lạc về kẻ thù do cứ bị giấu nhẹm dần, thì đó cũng
là lẽ đương nhiên.
Nam Phong tạp chí số 143 (1929) có ghi lại chuyện Mạc Cửu thần phục
nhà Nam năm 1714, nhưng vẫn mang theo tâm khí truyền đời của giặc Phương Bắc,
nên vẫn tìm cách trấn yểm linh khí đất Nam, nhằm có cơ hội cướp cả triều đình.
Trong sách nghiên cứu Thất Sơn Huyền Bí của Dật Sĩ và Nguyễn Văn Hầu có ghi lại
chuyện nhiều đời họ Mạc cũng như các thầy địa lý đi từ Tàu sang, chôn cọc có trấn
bùa ở Tịnh Biên, Bảy Núi, để mong huỷ diệt anh linh Việt. Từ năm 1849 cho đến
1856, đức Phật Thầy Tây An từng gửi thư cho Đức Cố Quản Thành để nhắc phòng ngừa
chuyện này. Hiện một vài di tích về âm mưu này, trước năm 1975, vẫn còn được để
ở dinh thờ tại Láng Linh (Châu Đốc), gồm cọc bùa và thẻ, bùa chú ghi tiếng Tàu,
chôn giấu ở núi và sông vùng Bảy Núi, được tìm thấy.
Thế giới hiện đại không thể có tình đại đồng bất phân như trong
sách thiếu nhi. Người Trung Quốc vẫn ghi nhớ người Nhật là kẻ thù. Người Do
Thái ghi tâm người Đức không thể là bạn. Người Campuchia thì dễ hiềm khích với
người Việt, và người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ, người Việt Nam không có cớ gì
quên đi lịch sử rằng mình có những lý do phải lo ngại Trung Quốc.
Việc bào mòn ý thức ấy, cũng như những thẻ bùa yểm mà “kẻ lạ” đã từng
âm thầm cài đặt trên đất nước Việt nhằm huỷ diệt nguyên khí tổ tiên để lại. Mà
hôm nay, đoạn nhạc “mười mấy giây” ngày 27/7 nhắc nhở và thúc đẩy đoàn tụ với tổ
quốc xa xôi nào đó, chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Điều cần phải tìm và giải
quyết là phải nhổ bật mọi cọc nhọn được cài đặt, đang nhằm vào trái tim Việt,
mà cay đắng thay, kẻ đóng cọc có thể không phải từ “nước lạ” lén lút đến, mà
ngang nhiên là từ những người cùng màu da, tiếng nói nhưng linh hồn đã lạc
loài.
Trách phạt một chương trình văn nghệ hay kỷ luật ông Lê Hùng đâu
có nghĩa lý gì. Và chúng ta cũng đừng dễ dàng hài lòng với một kết quả quá
nhanh và quá nguy hiểm như vậy. Chuyện “chỉ mười mấy giây” ắt đã phải bắt nguồn
từ mười mấy năm, hoặc hơn. Đừng nghe những gì họ đang nói, mà có lẽ nên nhìn kỹ
hơn những gì họ đã làm.
TK (TuanKhanh’s Blog)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét