2 thg 6, 2012

Đừng dạy hộc sinh lừa dối và ăn cắp


Năm học tới, tôi có đứa cháu bên ngoại vào lớp 1, mẹ nó mua sách giáo khoa. Tôi đang uống trà, thấy sách mới, tò mò mở ra đọc. Cuốn sách giáo khoa Tiếng Việt 1- tập 2 trình bày xấu, không hấp dẫn, chọn kiểu chữ không đẹp và đánh dấu chữ  không rõ. Nhưng tôi giật mình khi đọc một bài thơ ngắn. Đây là bài tập đọc dành cho học sinh lớp 1:
                                         Nhanh tay thì được
                                         Chậm chân thì thua
                                         Chân giậm giả vở
                                        Cướp cờ mà chạy
             
(Bài tập đọc trang 15, Tiếng Việt 1, tập 2- NXB Giáo dục Việt Nam, Đặng Thị Lanh chủ biên).
       Học sinh lớp 1 là buổi đầu đời cắp sách đến trường, thuở bập bẹ tập đọc, tập viết. Các bài cho lứa tuổi này cần được chọn lọc nội dung, biên tập kỹ, để mang giá trị giáo dục sâu sắc. Học sinh lớp 1 cần được xem trọng, cần được dạy kỹ, có khi còn phải uốn nắn chu đáo về Đức-Trí-Thể-Mỹ-Dục hơn cả sinh viên đại học. Phải coi trọng “Tiên học lễ, hậu học văn”. Học sinh lớp 1 được quan tâm dạy kỹ, như tạo ra tốc độ đầu có sức bật, sức bay tốt để học sinh học những lớp sau khỏi bị mất đà, mất căn bản, cũng là góp thêm hành trang cho học sinh vào đời sau này. Chẳng thế mà nhà sư phạm Makarenco (Nga) đã xin bỏ giảng dạy đại học để chuyên tâm dạy lớp 1 mong làm tốt việc “dạy trò từ thuở ấu thơ”, chăm cây khi mầm mở lá. Ông có câu nói nổi tiếng: “Tâm hồn trẻ em là một tờ giấy trắng”.  Đúng thế, “tờ giấy trắng” đã vẽ lên cái gì là in dấu, là hằn sâu, khó tẩy xóa. Vì thế, đưa những nội dung gì để dạy các cháu cho có ý nghĩa cần phải chọn lọc kỹ.
            Như bài thơ trên đây, hai câu đầu: “Nhanh tay thì được / Chậm chân thì thua, dạy cho học sinh tác phong nhanh nhẹn là tốt thôi, không sao. Nhưng hai câu kết bài thơ mới phản tác dụng: “Chân giậm giả vờ / Cướp cờ mà chạy”. Tất nhiên đây chỉ là miêu tả trò chơi, một trò chơi cướp cờ không mấy phổ biến, nhưng ý nghĩa không nhiều. Học trò mới “nứt mắt” cắp sách đến trường mà lại dạy trò đánh lừa, dối trá và cướp giật thì không nên. Đây không phải dạy trí thông minh mà tạo sự hình thành thới quen xấu, không thật thà, làm hòng nhân cách. Lừa đảo và chụp giật, vơ nhanh về cho mình là cái mầm lừa thầy, phản bạn, là cái mầm sinh ra lừa lọc, gian dối, tham nhũng khi có chức có quyền trong tay.

Một lỗi sai trong cuốn "Vở luyện tập Tiếng Việt 1" của Nhà xuất bản Đà Nẵng
          Cũng trong sách tập đọc lớp 1 này, thấy có bài sai chính tả như: “Cỏ mọc xanh chân đê / Dâu xum xuê nương bãi” (bài tập đọc trang 33). Đúng chính tả phải là sum sê (hoặc sum suê), từ miêu tả cây cối có nhiều cành lá rậm rạp, tươi tốt (vườn cây trái sum sê, cây đa cổ thụ vươn cành lá sum sê…).

           Và nữa, sách Tiếng Việt 1 còn những sai lỗi chính tả như: Ngày dỗTổ, nhà có dỗ (giỗ), cây lêu (cây nêu ngày tết)… Trước đây, trong cuốn tập viết lớp 1, khi viết vần “ác”, học sinh phải tập viết câu “Ác giả ác báo’. Chưa dạy chữ Thiện cho học sinh, đã dạy chữ Ác. Chưa dạy lòng bao dung cho học sinh đã dạy cách trả thù…

             Tình trạng cẩu thả trong việc chọn lọc, biên tập, xuất bản, hướng dẫn sử dụng sách giáo khoa đã xảy ra nhiều năm, nhưng không khắc phục, vẫn thiếu cẩn thận khi soạn, in, phát hành sách. Người ta vẫn nhớ trước dây đã có một cuốn sách địa lý lớp 10, của NXB Giáo Dục có đến 60 lỗi. Một cuốn sách mà khi đến tay học sinh đã phải kèm theo sáu trang giấy khổ A4 với "Một số nội dung cần sửa". Nói là một số nội dung cần sửa, nhưng trong sáu trang giấy A4 người ta có thể đếm không dưới 60 nội dung cần sửa, những cái sai, sự cẩu thả của sửa lại. Có lẽ vì một cuốn sách giáo khoa 184 trang sách vỏn vẹn 10 chương, 42 tiết học mà có trên 60 nội dung cần sửa, Nhà xuất bản Giáo Dục đã không thể làm cái việc đính chính và thế là trăm lỗi đổ đầu… học sinh. Tuy nhiên, điều thật sự khiến người ta phải nghĩ về sự cẩu thả đến vô trách nhiệm của những người chịu trách nhiệm về cuốn sách là những nội dung cần sửa không phải là những lỗi chính tả hay một đôi từ in sai.
Sai một li, đi một dặm! Sách giáo khoa là loại sách phải được in ấn nghiêm túc, thông tin chuẩn mực. Sai một chữ, một từ đã làm hỏng nghĩa. Sai cả dòng, nhiều dòng, thậm chí cả câu thì câu chữ què cụt khiến cuốn sách trở thành thứ hàng kém chất lượng, chẳng khác mấy hàng dỏm. Vậy nhưng thay vì thu hồi, tiêu hủy thứ hàng phế phẩm, các nhà làm sách lại buộc học trò phải cặm cụi vá víu, sửa chữa những điều mà chính các em chưa được học. Hơn nữa lại sửa theo bản hướng dẫn in ấn luộm thuộm, câu chữ rối rắm, tối nghĩa. Ví dụ như: “Tốc độ dòng chảy của một con sông không đồng nhất là do chảy qua địa thế khác nhau”…
            Lâu nay, đã rất nhiều cuộc hội thảo, nhà nước cũng chi tốn nhiều tiền, phụ huynh nhiều khi cũng cạn túi vì sách giao khoa. Nhưng không hiểu sao, đến tận bây giờ, bộ sách giáo khoa cho năm học mới (2012-2013) không đọc thì không biết, đọc mới thấy nhiều sai sót quá. Từ nội dung đến lỗi chính tả đều có nhiều sai sót.
Tháng 5-2008, tại Hội thảo về đánh giá chương trình và sách giáo khoa, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng GD và ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, từ trước tới nay chưa bao giờ Bộ tiến hành đánh giá chương trình và sách giáo khoa quy mô như lần này, với sự tham gia của 20.000 trên tổng số 35.000 trường trên toàn quốc. Và do chương trình, sách giáo khoa mới chỉ triển khai đại trà được 6 năm nên chưa thể đánh giá được hết hiệu quả và chất lượng. Phó tổng giám đốc NXB Giáo dục Nguyễn Minh Khang cho biết, đã hoàn thiện việc biên soạn và triển khai in 3 cuốn đính chính lỗi sách giáo khoa để gửi về các địa phương phục vụ năm học mới.
            Các nhà khoa học, các nhà giáo kỳ cựu, các giáo viên, phụ huynh và cả học sinh kêu ca nhiều về chất lượng sách giáo khoa, nhưng biết bao cải tiến vẫn chưa khắc phục được những sai sót. Thử hỏi: Các vị làm sách giáo khoa phục vụ giảng dạy học tập hay làm sách để chạy theo lợi nhuận kinh doanh, dịch vụ, lấy việc làm sách giáo khoa để làm giàu?

                 Bùi Văn Bồng
                         6/2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét