30 thg 7, 2012

Báo chí thực & ảo


NGHỊCH LÝ VIỆT NAM - BÁO CHÍ THỰC & ẢO ! (7)

Trương Duy Nhất -Cựu nhà báo

“Cái sợ cái hèn của người cầm bút, nhất là làm báo, nguy hiểm lắm. Rất vô thức, nhưng anh ta sẽ làm “lây nhiễm” cái sợ, cái hèn nhát cho đồng bào mình” (Nguyễn Chính, cựu phóng viên báo Đại Đoàn Kết).

          Chưa khi nào báo chí hèn mạt như giai đoạn này. Nhớ vài năm trước, trong bữa nhậu nhân hội nghị tuyên giáo toàn quốc tại Đà Nẵng, một lão bá vai tôi buông câu rất hách “báo chí các cậu hèn bỏ mẹ!”
          Tức. Một tay nó bóp dái, tay kia dán băng keo bịt miệng, thế mà vẫn lớn tiếng chê mình hèn. Định vung cho lão một đấm, nhưng nghĩ lại thấy lão nói đúng chứ đâu sai. Báo chí kiểu gì mà chỉ một cú điện thoại, một văn bản miệng đã răm rắp tự bịt miệng nhau.
          Một cái lệnh miệng từ văn phòng UBND huyện Văn Giang (Hưng Yên) cũng khiến tất cả hơn 700 tòa báo câm lặng, không dám cử phóng viên đến đưa tin. Khi hai phóng viên của đài tiếng nói Việt Nam (VOV) bị đánh đập, trấn áp dã man, bị còng tay bắt giữ như tội phạm, thu máy ảnh, thu thẻ nhà báo, thẻ đảng, thẻ luật gia… nhưng không một tòa báo nào dám lên tiếng, kể cả cơ quan chủ quản của họ. Và bản thân 2 nhà báo bị đánh cũng không dám công khai lên tiếng.
          Phải đợi đúng nửa tháng sau, trước sức ép dữ dội từ dư luận và sự mắng chửi từ các trang mạng lề trái, VOV mới miễn cưỡng đăng vài mẩu tin lên tiếng bảo vệ phóng viên của mình. Nhưng được vài hôm rồi im bẵng đến nay. Không còn nghe bất cứ một tòa báo nào nhắc lại chuyện này nữa. Câu chửi “Đ.M mày! Nhà báo cũng đánh cho chết mẹ mày đi” trong vụ trấn áp Văn Giang vẫn văng vẳng mãi như một nỗi ô nhục của nghề báo.
          Chưa bao giờ báo chí lại sợ hãi đến vậy. Chưa bao giờ báo chí kỳ lạ như giai đoạn này, xa lánh, tránh né hầu hết các vấn đề nhạy cảm. Vì sao tránh, vì sao không đăng, vì sao không can dự? Vì đó là vấn đề “nhạy cảm”- Một lối chỉ đạo và bao biện phản tuyên truyền, thậm chí là… phản động! Nhạy cảm mới cần báo chí can dự. Không nhạy cảm thì viết để làm gì, tuyên truyền làm gì và can dự làm gì?
          Ông Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Thông tin- truyền thông kiêm Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương có than một câu rằng báo chí giai đoạn này “thiếu vắng những cây bút giỏi, những bài báo hay, những cây bút chúng ta từng thấy trong lịch sử như Sóng Hồng, Thép Mới, Hoàng Tùng, Hồng Hà… hoặc những nhà báo rất đáng kính trọng như Hữu Thọ, Hà Đăng, Đỗ Phượng…”
          Vì sao?
          Vì cái thời làm báo của Sóng Hồng, Thép Mới, Hoàng Tùng, Hồng Hà, Hữu Thọ, Hà Đăng, Đỗ Phượng không bao giờ phải nơm nớp lo sợ những mệnh lệnh “nhạy cảm” như thời chúng tôi. Không có ban Tuyên giáo nào cấm cản những Sóng Hồng, Thép Mới, Hoàng Tùng, Hồng Hà, Hữu Thọ, Hà Đăng, Đỗ Phượng lao vào điểm nóng, tránh điều “nhạy cảm”. Báo chí thời chúng tôi, không thiếu anh hào, nhưng không sản sinh ra nổi những Sóng Hồng, Thép Mới, Hoàng Tùng, Hồng Hà, Hữu Thọ, Hà Đăng, Đỗ Phượng… bởi nhà báo không được phép lao vào những Dương Nội, Văn Giang, Vụ Bản… Bởi một cái lệnh miệng của văn phòng UBND huyện Văn Giang thôi cũng đã khiến tất cả các tòa báo câm lặng. Bởi tất tật các vấn đề “nhạy cảm” đều không được phép viết, không được phép đăng.
          Khi nào còn những vòng siết “nhạy cảm” này, thì những mầm mống Sóng Hồng, Thép Mới, Hoàng Tùng, Hồng Hà, Hữu Thọ, Hà Đăng, Đỗ Phượng sẽ bị bóp chết ngay từ những trang bản thảo.
          Nhà báo/blogger Phan Văn Tú có một câu rất đau “trong đầu thằng nhà báo Việt nào hình như cũng có một cái kéo. Nó tự cắt nó trước khi bị người khác cắt”. Cái thói tự biên tập, tự ra lệnh, tự cột nhốt đã hình thành như một thói nết tệ hại trong làng báo.
          Còn nhà báo Đào Tuấn, cây bút kỳ cựu của Đại Đoàn Kết, nay sang tờ Dân Việt thì chua chát rằng: “nhiều người cầm bút giờ còn bi kịch hơn khi hàng ngày phải viết những điều không giống với sự thật … hàng ngày, dù không tin, nhưng vẫn phải viết ra một điều không thật– một cách khéo léo đến dối trá, để thuyết phục người đọc tin rằng đó là sự thật”
          Run sợ đến dối trá. Đến mức bao điểm nóng nhức nhối về đất đai vắng bóng nhà báo. Tại sao báo chí lại tránh né những Dương Nội, Văn Giang, Vụ Bản? Tại sao những tấm băng rôn, những vành khăn tang giữ đất nóng hực và nhức nhối tâm can lại không nên nổi “tác phẩm” nào? Tại sao lại cứ phải “viết ra một điều không thật– một cách khéo léo đến dối trá, để thuyết phục người đọc tin rằng đó là sự thật”?
          Nhìn vào danh sách các tác phẩm đoạt giải báo chí quốc gia để thấy cái gì, điều gì được phản ánh qua báo chí? Ông Hữu Thọ, cựu trưởng ban Tư tưởng-văn hóa trung ương nhận xét về các tác phẩm đoạt giải: “Vẫn còn ít những bài điều tra sâu sát công phu mà tôi thường nói là đọc trên những bài báo thấy ít giọt mồ hôi quá. Những giọt mồ hôi vào trang giấy, nó cựa quậy, nó gây xúc động con người…”.
          Với người cầm bút, phải hiểu lời nhận xét ấy không khác gì một câu… chửi!
          Báo chí chưa bao giờ nhạt chán, hèn nhục đến vậy.
          Việt Nam chưa cho phép báo chí tư nhân, không có báo đối lập. Nhưng không nên “đồng thuận” hóa tất tật trên 700 tờ báo hiện có đến mức thành một chiều, thành sợ hãi như thế thì báo chí chỉ còn là mấy tờ giấy dành để gói xôi vỉa hè. Báo chí phản biện, thậm chí phê phán, đối lập có lợi cho chính phủ hơn là báo chí ca tụng, minh họa chủ trương.
          Bạn đọc ký tên “Hâm mộ đảng ta” viết một comment vào trang tôi rằng: Chưa thấy một chính phủ nào lại sử dụng một dàn truyền thông hùng hậu đến thế chỉ để ngợi ca chính mình, huy động dàn hợp xướng bằng mọi cách phải “tạo sự đồng thuận” với mọi sai đúng mà không chú ý đến vai trò phản biện của báo chí. Có thể nói sự đồng lõa, thỏa hiệp, tuyên truyền cho những quyết sách sai trái của chính quyền trong một thời gian quá dài vừa qua là một cái tội rất to của báo chí. Nếu chú ý đến vai trò phản biện thì hẳn các nhà cai quản đã có chính sách để lựa chọn đội ngũ thực tài, đủ bản lĩnh. Nhưng vì chỉ chú trọng đến mục đích tuyên truyền ngợi ca, tạo đồng thuận, và giải trí tầm thường nên ở Việt Nam, nếu không mù chữ thì ai cũng có thể làm nhà báo được.
          Nhận định có vẻ hơi quá, cực đoan, nhưng đáng suy ngẫm.
          Ngay cả lớp Tổng Biên tập hiện thời cũng là một đội ngũ quá hèn. Trước 75, báo chí có phong trào “ngày ký giả ăn mày”, đóng cửa xuống đường đấu tranh. Thời nay, có ông Tổng nào hoặc cỡ chục tờ báo một sớm mai đồng loạt phản ứng bằng những bản báo in “bị đục bỏ”, những tờ báo trắng để phản ứng? Có ông Tổng nào dám công khai chống lệnh, một cái lệnh cấm cản quen thuộc từ những cú điện thoại, những buổi giao ban mang tên “nhạy cảm” để ưỡn ngực hiên ngang bảo vệ quyền được thông tin?
          Nói thật, dù sao tôi cũng không mê những Sóng Hồng, Thép Mới, Hoàng Tùng, Hồng Hà, Hữu Thọ, Hà Đăng, Đỗ Phượng như cách ông Nguyễn Bắc Son lấy làm “thần tượng”. Tôi mê và thèm ước những cái tên rất gần đây thôi như Võ Như Lanh, Kim Hạnh, Lê Văn Nuôi, Huỳnh Sơn Phước, Nguyễn Công Khế, Thế Thanh, Nam Đồng, Tống Văn Công… – Một thế hệ tổng biên tập tài năng rất gần với chúng tôi, nhưng không hèn nhục như bây giờ.
          Chua và nhục đến mức các trang mạng lề trái cực đoan ví von mỉa mai hình ảnh nhà báo qua vụ Văn Giang rằng: bị đánh mà không dám “ẳng” lên một tiếng.
          Lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam chưa bao giờ nhạt chán, hèn nhục như lúc này. Tôi không nói quá đâu. Tự thân mỗi nhà báo, tôi tin ai cũng nhìn ra điều này.
          Mà “cái sợ cái hèn của người cầm bút, nhất là làm báo, nguy hiểm lắm. Rất vô thức, nhưng anh ta sẽ làm “lây nhiễm” cái sợ, cái hèn nhát cho đồng bào mình”

                                  (Nguyễn Chính, cựu phóng viên báo Đại Đoàn Kết).


Giải thưởng nào cho “nhà báo trong lòng dân”?

            (Theo SGTT.VN ) - Hiểu theo chính danh, Ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21.6 là ngày của nghề báo chứ không phải của nhà báo. Cách hiểu này có vẻ ngày càng hợp lý, khi mà ranh giới giữa người làm báo chuyên nghiệp và những người có khả năng cung cấp thông tin cho công chúng đang mờ dần.
   Chỉ mới đây thôi, trong khi một số nhà báo chính quy chỉ chăm chăm hướng ống kính vào chỗ kín của nghệ sĩ, thì đã có những người dân thay họ làm chứng nhân của sự thật. Vì vậy, kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam năm nay, mời bạn đọc thử so sánh quan niệm làm báo xưa với nay, báo chí “lề phải” với “lề trái”, cách tác nghiệp của nhà báo chính quy và của các công dân vô danh nhưng không vô cảm với thời cuộc, để từ đó có một cái nhìn chân thực về nghề báo hôm nay.
            Theo lệ, cứ đến 21.6 là những người làm trong các cơ quan báo chí nhận được rất nhiều chúc mừng, thăm hỏi, biểu dương... của các cơ quan, lãnh đạo các cấp và cả không ít chiêu đãi tiệc tùng của giới doanh nghiệp. Bên cạnh đó, những năm gần đây còn có rất nhiều “công dân làm báo” hay “nhà báo không xưng danh” nhưng đã đóng góp không nhỏ cho xã hội qua những thông tin phản ánh chân thực, kịp thời nhiều vấn đề nóng bỏng của cuộc sống. Họ đáng nhận được phần thưởng nào?
            Những “nhà báo công dân” – “nhà báo không xưng danh” kể trên thường không có được điều kiện, cơ hội hoạt động, thu thập thông tin dễ dàng như những nhà báo chính quy hưởng lương của các cơ quan báo chí. Thế nhưng, không ít thông tin mà họ âm thầm tự tìm kiếm, thu thập, cung cấp cho các báo, đài hay tự công bố lại rất đắt giá, tác động không nhỏ đến đời sống xã hội và thực sự đọng được trong lòng người đọc – trong lòng dân.
            Một trong những dẫn chứng còn nóng hổi tính thời sự, chính là thực trạng tiêu cực trong thi cử đã bị tố cáo, phơi bày qua các video clip mà một thí sinh cùng những người hỗ trợ tự tổ chức quay ngay trong phòng thi tốt nghiệp trung học phổ thông vừa diễn ra ở trường THPT dân lập Đồi Ngô (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang). Tiêu cực trong thi cử ở nước ta vốn đã tồn tại trong rất nhiều kỳ thi, ở nhiều cấp, nhiều nơi. Bộ Giáo dục và đào tạo đã phát động thành phong trào “Nói không với bệnh thành tích và tiêu cực trong thi cử”, triển khai thực hiện trong toàn ngành suốt mấy năm qua. Tình trạng đó cũng được dư luận xã hội và báo chí quan tâm, phản ánh rất nhiều. Thế nhưng, thẳng thắn nhìn nhận thì cho đến nay chưa có cơ quan chức năng hay nhà báo chuyên nghiệp nào thu thập, ghi nhận được thực trạng và bằng chứng tiêu cực trong thi cử một cách rõ ràng, đầy thuyết phục và không còn đường chối cãi như thí sinh ở trường THPT dân lập Đồi Ngô đã làm được. Về góc độ báo chí – truyền thông thì đó quả là một trong những sản phẩm báo chí xuất sắc.
            Cho đến nay chưa có cơ quan chức năng hay nhà báo chuyên nghiệp nào thu thập, ghi nhận được thực trạng và bằng chứng tiêu cực trong thi cử một cách rõ ràng, đầy thuyết phục và không còn đường chối cãi như thí sinh ở trường THPT dân lập Đồi Ngô đã làm được.
            Hoặc cách đây không lâu, phóng sự truyền hình do một đài truyền hình cấp tỉnh tổ chức, trang bị phương tiện hiện đại cho nhiều nhà báo chuyên nghiệp của đài ghi lại hành động đánh đập trẻ em của người giữ trẻ tại một nhà trẻ gia đình, đã được trao giải nhất báo chí quốc gia. Sau khi nhận giải hơn cả năm trời, các nhà báo đoạt giải vẫn còn kể lại khá nhiều câu chuyện về quá trình tác nghiệp, với không ít biện pháp nghiệp vụ “thông minh, mưu trí” để vượt qua khó khăn, nguy hiểm mà làm nên tác phẩm báo chí ấy. Còn gần đây, trong các vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng (Hải Phòng) hay Văn Giang (Hưng Yên), rất nhiều báo, đài trong và ngoài nước đã đăng tải hình ảnh, video clip ghi lại hiện trường nhưng đều không phải do những nhà báo chính quy của các báo, đài ấy thực hiện, mà là tác phẩm của những “nhà báo công dân” cung cấp. Cho đến nay, tác giả của những “tác phẩm báo chí” đó vẫn chưa tự xưng danh. Những “nhà báo không xưng danh” ấy cũng không kể gì về quá trình “tác nghiệp” để có được sản phẩm đã cung cấp cho các báo, đài sử dụng đăng tải. Thế nhưng, người đọc, người xem chắc chắn sẽ hiểu được là quá trình “tác nghiệp” ấy cũng không kém khó khăn, và cả nguy hiểm so với việc các nhà báo chuyên nghiệp đã gặp và đã kể trong quá trình thực hiện phóng sự truyền hình về người giữ trẻ, đánh trẻ đã được tặng thưởng giải nhất báo chí quốc gia.
            Còn rất nhiều trường hợp và “tác phẩm báo chí” do chính những công dân bình thường làm thay cho các nhà báo chính quy và được công bố, đăng tải trên báo đài, giống như các trường hợp kể trên. Những tác phẩm báo chí đó đã phản ánh được các góc cạnh chân thực của nhiều sự việc xảy ra. Trong đó, có cả việc góp phần minh định để bảo vệ sự thật cho cả nhà báo chính quy trong quá trình tác nghiệp tại hiện trường, như trường hợp hai nhà báo VOV bị đánh trong vụ cưỡng chế đất tại Văn Giang. Đó cũng là góp phần nhằm giúp lãnh đạo và cơ quan chức năng xem xét, chỉ đạo, xử lý kịp thời, công minh các vấn đề liên quan trong nhiều vụ việc. Những “tác phẩm báo chí” của các “nhà báo công dân” ấy chưa thể lọt vào danh sách xem xét trao giải thưởng báo chí chính quy các cấp. Thế nhưng, gây được ấn tượng và đọng sâu trong lòng người đọc, người xem – đó cũng chính là một giải thưởng – “giải thưởng trong lòng dân”, dành cho những người thực sự xứng danh là “nhà báo trong lòng dân”…

                                                                                     Phan Sông Ngân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét