Nguyễn Xuân Diện sưu tầm
Rằm Tháng 7- ngày lễ của người Việt được giới tăng ni Phật
tử gọi là ngày Đại Lễ Vu Lan, dịp đặc biệt để con cái báo hiếu các bậc sinh
thành, tổ tiên đã khuất. Theo tín ngưỡng dân gian, rằm tháng Bảy cũng là ngày
xá tội vong nhân, các nhà bày mâm cỗ cúng chúng sinh....
1. Theo sự tích xưa, Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ
của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Vu Lan là ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn
cha mẹ (và tổ tiên nói chung) - cha mẹ của kiếp này và của các kiếp trước.
Sau khi đã chứng quả A La Hán, ông tưởng nhớ và muốn biết bây
giờ mẹ như thế nào nên dùng huệ nhãn tìm. Thấy mẹ vì gây nhiều nghiệp ác nên
rơi vào ngục A Tỳ làm quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở, ông đã đem cơm xuống tận
cõi quỷ để dâng mẹ. Tuy nhiên do đói ăn lâu ngày nên mẹ của ông khi ăn đã dùng
một tay che bát cơm của mình đi tranh không cho các cô hồn khác đến tranh cướp,
vì vậy khi thức ăn đưa lên miệng thức ăn đã hóa thành lửa đỏ.Quá thương cảm,
xót xa Mục Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: "dù
ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một
cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm
tháng bảy là ngày thích hợp Ðúng vào ngày rằm tháng 7 thì lập trai đàn để cầu
nguyện, thiết trai diên để mời chư tăng thọ thực. Trước khi thọ thực, các vị
này sẽ tuân theo lời dạy của Ðức Phật mà chú tâm cầu nguyện cho cha mẹ và ông
bà bảy đời của thí chủ được siêu thoát".
Mục Liên làm đúng như lời Phật dạy. Quả nhiên vong mẫu của
ông được thoát khỏi kiếp ngạ quỷ mà sanh về cảnh giới lành. Cách thức cúng
dường để cầu siêu đó gọi là Vu Lan bồn pháp, lễ cúng đó gọi là Vu Lan bồn hội,
còn bộ kinh ghi chép sự tích trên đây thì gọi là Vu Lan bồn kinh.
Và thế là mỗi năm khi ngày này đến gần, những người phụ nữ
trong gia đình lại bận rộn hơn với công việc chuẩn bị cúng rằm nhớ ơn tổ tiên,
lên chùa khấn cầu Phật phù hộ cho gia đình, cha mẹ được bình an phúc đức, tất
bật chuẩn bị những mâm lễ cúng chúng sinh. (VNN).
Hòa thượng Tố Liên: LỄ
VU LAN KHÔNG ĐỐT VÀNG MÃ
Đức Phật Thích Ca không dạy đốt vàng mã để cúng gia tiên.
Ngày Rằm tháng bảy là ngày Mục Kiều Liên cứu bà Thanh Đề. Mục Kiều Liên tu
chứng được 6 phép thần thông mắt trông thấy thân mẫu là bà Thanh Đề phải đày
đoạ ở địa ngục mà ngài không sao cứu nổi mới cầu đến đức Phật. Đức Phật mới dạy
rằng “ dầu ông có thần thông đến đâu chăng nữa cũng không có thể cứu được tội,
nghiệp của thân mẫu ông, phải nhờ đến công đức tu hành của chư tăng mới cứu
được tội nghiệp cho thân mẫu của ông được. ngày rằm tháng bảy sắp tới đây sẽ là
ngày của chư phật hoan hỷ, ngày của chư tăng hành đạo tự tứ. Ông phải chí thành
sắm lễ nghi trai đàn đem dâng cúng dàng chư tăng. Các ngài sẽ cầu nguyện cho
thân mẫu ông được giải thoát.” Chính ý
nghĩa của ngày rằm tháng bảy chỉ có thế thôi, không hơn không kém. Chúng ta
có ai thấy Phật dạy đốt vàng mã cúng gia tiên ngày rằm tháng bảy.
Nguyên nhân của việc
đốt vàng mã vào
ngày rằm tháng bảy là: Triều vua đạt Tôn nhà Đường (762) nhằm lúc Phật giáo cựu
thịnh ở Trung Quốc, vị sư tên là Đạo Tăng, muốn cho dân chúng vì ngày rằm tháng
bảy mà bồng bột theo Phật giáo, bèn lợi dụng tục đốt vàng mã của nhân dân vào
tâu với vua Đạt Tôn rằng : Rằm tháng bảy là ngày của Diêm Vương ở âm phủ xét
tội phúc thăng trầm, nhà vua nên thông sức cho thiên hạ trong việc lễ cúng gia
tiên vào ngày rằm tháng bảy nên đốt nhiều vàng mã để cúng biếu các vong nhân
dùng.
Vua Đạt Tôn đương muốn được lòng dân nên rất hợp ý với lời
tâu của Đạo Tăng liền hạ chiếu cho thiên hạ. Thế nên nhân dân Trung Quốc được
dịp thi nhau đốt vàng mã vào ngày 15/7 để kính gia tiên. Nhưng chẳng bao lâu
lại bị chư tăng công kích bài trừ về việc đốt vàng mã vào ngày trọng lễ của
Phật giáo làm cái lệ ngày 15/7 không còn chính nghĩa nữa. Phần lớn dân chúng
trung hoa ngày đó hầu như tỉnh ngộ cũng nhau bỏ tục đốt vàng mã là cho các nhà
chuyên sinh sống về nghề làm vàng mã gần như bị thất nghiệp, nhất là Vương
Luân, dòng dõi của Vương Dũ người đã bịa đặt chế ra đồ vàng mã. Vương Luân mới
bàn cùng với các bạn đồng nghiệp âm mưu phục hưng lại nghề làm vàng mã. Một
người giả cách ốm mấy hôm rồi chết, tin được loan ra, còn cái xác giả chết kia
lập tức được khâm liệm vào quan tài, có lỗ hổng và sẵn sàng thức ăn nước uống.
Đương khi mọi người họ mạc làng xóm đến viếng thăm đông đúc, Vương Luân với một
lũ người đích thân đem trăm thứ đồ mã có cả hình nhân thế mệnh. Sau đó bày đàn
cúng các quan thiên phủ địa phủ và nhân phủ. Khi mọi người đang xuýt xoa khấn
khứa bỗng trăm nghìn mắt như một, hai năm rõ mười thấy cỗ quan tài rung động
lên. Bấy giờ Vương Luân đứng bên đó mở nắp ván quan, để kẻ giả chết kia lò dò
ngồi dậy, giả vờ lù đù trông trước trông sau rồi bước ra với điệu bộ như người
chết sống lại, rồi thuật rõ chuyện với công chúng rằng: “Các thần thánh trong
Tam phủ, tứ phủ vừa nhận được hình nhân thế mạng cho tôi với tiền bạc đồ mã nên
mới tha cho ba hồn bảy vía của tôi được phục sinh về nhân thế” Hiển nhiên trăm
nghìn mắt thấy tai nghe, nên công chúng đều nhận thấy là hình nhân có thể thế
mạng được thực và trong Tam Phủ, Tứ PHủ cùng ăn đồ lễ vàng mã tằng phúc giảm
tội và miền cho sống thêm. Từ đấy các nghề vàng mã lại được phục hưng một cách
nhanh chóng vì rằng không những linh hồn các gia tiên dùng vàng mã mà cả Thiên
địa quỷ thần trong Tam Tứ Phủ cũng phải tiêu dùng vàng mã nữa và cố nhiên là
vàng mã phải đắt hàng. Người Tàu nắm quyền đô hộ VN 1000 năm cho nên phong tục
của người Tàu như thế nào, ta cũng dập khuôn đúng như vậy, bất luận hay dở phải
trái.
Hoà thượng Tố Liên
(Nxb Đuốc Tuệ1952) - Trang Thanh Hiền đánh máy.
Lược trích từ NXD blog.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét