“Cuối hè. Không ít gia đình phải nghĩ
đến chuyện trường lớp. Học và kiếm tiền là chuyện dài và còn thiết thân với
nhiều người. Trong hai chuyện đó cái nào khó? Thực chả có chuyện nào là khó cả
nếu đích chỉ là học cho qua quít hay lượm vài đồng bạc lẻ thì ngay con nít ở
đâu cũng thường làm được. Mọi cái chỉ khó dần nếu ta muốn tìm cách đi cho bài
bản hướng đến đỉnh mà thôi”- Bài viết mới của cây bút quen thuộc: tiến sĩ Phạm
Ngọc Cương (Toronto, Canada)
Lòng vòng qua vài nền giáo dục:
Việt Nam nhận ảnh hưởng của rất nhiều
nền giáo dục khác nhau: Tàu, Pháp, Nga, Mỹ…đủ cả. Nhưng do vị trí địa lý, hoàn
cảnh lịch sử, sự chọn lựa chính trị, và ý chí con người mà cho đến tận giờ có
hai nền giáo dục vẫn ảnh hưởng mạnh đến tư duy giáo dục Việt Nam là Trung và
Xô.
Giáo dục Trung Hoa về cơ bản có thể
gọi là nền giáo dục có quán tính luôn ngoái nhìn về đằng sau. Người Tàu dậy
nhau từ thế hệ này sang thế hệ khác rằng vua sáng nhất của họ là Nghiêu- Thuấn-
Vũ. Vạn thế sư biểu là Khổng Tử… Phương cách giáo dục của Tàu trải qua cả mấy
ngàn năm cũng chỉ là làm sao đúc người nay cho giống được người xưa vì xưa là
khuôn vàng thước ngọc. Luôn ngoái lại đằng sau đầy hoài niệm vì quá ít niềm tin
vào năng lực thực tại! Líu lo ca ngợi cái quá khứ là vĩ đại là muôn năm thì mặc
nhiên phủ định đà tiến hóa của lịch sử, triệt tiêu sức sáng tạo và không dám cả
dụi mắt mà nhìn cho kỹ cái hiện hữu, đón nhận và thích ứng với cái mới cái hay
hơn phải đến và tất đến trong tương lai.
Việt Nam đã và đang đánh mất rất
nhiều thời gian và trí tuệ của cả thầy, trò, tiền của, tâm huyết và hi vọng của
toàn xã hội trong việc nhồi nhét nhau tới bội thực các món như triết học Marx-
Lê Nin, kinh tế chính trị học Marx-Lê Nin, Chủ nghĩa cộng sản khoa học, tư
tưởng Hồ Chí Minh, Lịch sử đảng…Việc này có thể gọi đủ tên từ thói thích ăn mày
dĩ vãng tới giáo điều, xơ cứng, phi thực tế, nhưng về gốc rễ cũng là một kiểu
dập theo quán tính giáo dục hướng cổ, cốt đào tạo lòng trung của Trung Hoa. Chỉ
từ khi Trung Quốc nhoài người ra ôm cái tư duy giáo dục thực tiễn của phương
Tây họ mới thoát khỏi sự đì đẹt cả mấy ngàn năm, bắt đầu cất cánh và có hôm
nay.
Liên Xô có nhiều thành tựu trong giáo
dục. Tuyệt vời nhất là biết đổ tiền ra cho phát triển khoa học cơ bản. Thời Xô
Viết, các viện hàn lâm có quyền lực khoa học thật khủng khiếp. Ý tưởng của các
viện sỹ thường được nhà nước tài trợ tối đa để thực hiện. Nền giáo dục Xô Viết
là nền giáo dục sẵn sàng tốn kém để trồng cây đại thụ tức tạo vườn ươm thiên
tài. Mà thiên tài thì ở đâu cũng hiếm nên dẫu thuốc luyện đan được cấp phát tứ
tung mà số thí sinh đạt đến mười thành công lực cũng không quá nhiều. Cùng tốt
nghiệp trường Xô Viết mà kiến thức các tân khoa khác nhau một trời một vực. (Có
thời Việt Nam
từng có câu tổng kết rằng: con bò mà dắt qua Quảng trường Đỏ cũng thành tiến
sỹ). Tuy nhiên, nhờ nền giáo dục gắng trồng đinh lim sến táu ấy mà một nước Nga
Sa Hoàng tiền công nghiệp sau mấy chục năm cất cánh thành Liên bang Xô Viết
siêu cường thế giới.
Việt Nam chưa có tiềm năng theo đuổi nền
giáo dục lấy khoa học cơ bản làm nền tảng này vì chuyện hít thở cho dài hơi
cũng thật không dễ tập.
Bắc Mỹ thấy rõ là đào tạo nhân tài
khoa học cao cấp quá tốn kém vì vậy để bù cho lỗ hổng đào tạo của mình, họ chọn
cách mua hoặc dụ nhân tài thế giới về làm thuê cho họ. Nền giáo dục thiên về
thực dụng thì sẽ bị chê vì tầm nhìn ngắn hạn. Nhưng nếu lý tưởng hóa quá thì sẽ
làm học sinh đuối sức và dễ thành hão huyền. Cách làm của Bắc Mỹ là lấy ngắn
nuôi dài, lấy thực dụng nuôi lý tưởng. Hay có thể gọi ngắn gọn là nền giáo dục
thực-lý (thực dụng- lý tưởng). Bắc Mỹ, khởi thủy chỉ nhăm nhăm tạo ra copycat.
Tức các sản phẩm chất lượng tương đồng cần thiết cho đòi hỏi của xã hội công
nghiệp. Giáo dục ra các kỹ năng (skills) tương thích.
Đây chính là cái mà giáo dục Việt Nam cần theo
đuổi hôm nay.
Về chuyện chính trị, như một trớ trêu của
lịch sử, nói đúng hơn là do viễn kiến ngắn, cùng lợi ích nhóm của giới lãnh đạo
mà Việt Nam trong hai cái xấu đã luôn chọn cái xấu hơn trước. (…) Ngay cùng
trong khối cộng sản khi phải chọn giữa Xô và Trung thì ĐCS đã ngả về Trung
trước, sau ôm hận với Trung mới rẽ qua Xô. Phải chọn giữa Trung và Mỹ thì lại
quặp Trung trước, chỉ khi bẽ bàng với Trung rồi thì mới chịu hé cửa nhìn sang
Mỹ. Tuy vậy, về chuyện giáo dục gần đây Việt Nam đã nhướn mắt tới nền giáo dục Ây
Mỹ và đó là một tín hiệu tốt đáng khích lệ.
Thầy, trò và chương trình
Có nhiều cách tiếp cận khác nhau về
vị trí người thầy và trò. Người thầy có lúc được coi là chủ thể, có lúc được
coi là khách thể. Trò lúc thì là đối tượng cần được khám phá hay có lúc lại
thành thực thể dẫn dắt khám phá! Thực ra các cách đặt vấn đề này đều có gì đó
sai. Chủ thể phải là chương trình giảng dạy mà thầy và trò là những người cùng
giúp nhau khám phá. Vì vậy mà chương trình tốt thì thường chất lượng giáo dục
sẽ không tồi. Chương trình giáo dục tệ thì sự học dễ thành sáo vẹt còn thầy hay
trò giỏi cũng đến thui chột tài năng.
Cũng như đức trị – nơi trông chờ vào
tư cách cá nhân người lãnh đạo – là phó mặc cho may rủi và nhiều phần dẫn đến
tan nát trong quản lý xã hội. Trong khi đó pháp trị-dẫu đích đến cuối cùng là
phục vụ cá nhân- lại xếp luật pháp (chủ trương, chính sách) cao hơn cá nhân và
vì vậy con người lại vào nề nếp ăn khớp với nhau. Uy quyền của người thầy chỉ
nên là quyền của người chịu trách nhiệm đứng lớp cùng những học sinh tự do và
bình đẳng. Sức mạnh của mái trường, nếu có, là sức mạnh của một tập thể luôn
dốc lòng phát triển sức sáng tạo, xiển dương song hành với đức hạnh, thiện ý và
sự công bằng. Chương trình mang tính quyết định vì nó là tổng kết của nhiều trí
tuệ, nhiều ý kiến. Lập chương trình cần dân chủ tập trung theo đúng nghĩa của
từ này. Làm sao để có chương trình giảng dạy tốt? Đó là ý chí chính trị, ý chí
khai phá và canh tân giáo dục tùy thuộc vào tinh hoa cuả từng dân tộc, đặc biệt
phát tiết trong những thời khắc hệ trọng của lịch sử. Giết một thế hệ nhanh
nhất là cho chúng dùi mài những điều vu vơ, vô nghĩa, làm chúng ngộ nhận cái ảo
là tri thức thật, cái lỗi thời là hiện đại, cái không lời giải, cái bế tắc là
đỉnh cao trí tuệ. Tất cả không nhằm bồi bổ mà còn làm thui chột sức sáng tạo
của bản năng sinh tồn.
Hình tượng người thầy ở Bắc Mỹ đã
tiêu giảm nhiều phần thiêng liêng so với quan điểm truyền thống Á Đông. Tuy vậy
đây lại là điểm tốt vì nó thu hẹp khoảng cách thầy trò, thầy chỉ còn là một mắt
xích của sự phân công lao động và sàng lọc xã hội. Thầy giỏi ở Bắc Mỹ là biết
cách biến mình thành một công cụ tuyệt vời của học sinh nhằm khám phá kiến thức
và xây dựng tư duy độc lập cho học sinh.
Nhà trường
“Nhà nước…, là một thực thể đa dạng
và chỉ nên được thống nhất thành một cộng đồng bằng giáo dục”. (1) Vì vậy dẫu
không thể có bình đẳng về tài sản nhưng phải có sự tiếp cận bình đẳng về giáo
dục công. Để hiện thực hóa điều này ở Ontario
các chủ nhà mỗi năm phải đóng tiền thuế bất động sản thường xấp xỉ 1% giá trị
nhà đất. Và bao giờ cũng được hỏi là muốn bỏ tiền đó cho trường công lập hay
trường Thiên Chúa giáo. Vì vậy học trường công không ai phải lo đóng thêm học
phí mà ngay cả sách giáo khoa, dụng cụ học tập như bút, vở… là nhà trường sẽ
cấp miễn phí.
Vài năm trước khi con gái tôi học lớp
sáu thấy bút chì phát cho học sinh không đủ màu và không được gọt sẵn đã thấy
là bức xúc. Tôi nghĩ bọn trẻ này sướng quá không cả biết rằng có bao thiếu niên
khác ở một phần bên kia của địa cầu đang phải vượt lũ hay leo cầu khỉ tìm con
chữ sao bèn bảo cháu tự tìm cách mà giải quyết lấy vấn đề nhỏ ấy. Cháu viết thư
hỏi ông nghị sỹ liên bang hay đi qua nhà vận động tranh cử, ông đó chuyển thư
cho bộ trưởng giáo dục và cả hai ông viết thư trả lời cháu là sẽ khắc phục tình
trạng đó ngay.
Nhiều lúc tôi nghĩ trẻ con bên này
đúng là thượng đế, vậy nền giáo dục dạy dỗ thượng đế cũng đáng để mắt vào nhìn
nhận. Sự học ở Bắc Mỹ luôn được nêu cao rõ ràng là học để kiếm việc, để sống.
Đích của sự học không úp mở hay được đậy điệm bằng những mỹ từ cao quí như học
để làm người, hay phục vụ Tổ Quốc, Nhân Dân… mà nhiều nơi, nhiều nước rao
giảng. Điểm đến cuối cùng của giáo dục Bắc Mỹ là tạo ra những sản phẩm giáo dục
có tính năng tốt, đáp ứng đủ nhu cầu thị trường lao động. Học gì thường học
sinh cũng được cho xem trước bức tranh tương lai là khi ra trường, việc này
được trả công bao nhiêu tiền một tiếng và có bao nhiêu phần trăm người tốt
nghiệp ở đây ra kiếm được việc ngay trong 30 ngày, 60 ngày…hay trong năm đầu
tiên.
Thực tế, duy lợi đến trần trụi!
Kiến thức phổ thông, hiểu theo nghĩa
là cái gì tối cần thiết cho cuộc sống đã ngày một dài thêm mà cuộc đời con
người thì hữu hạn, vậy phải học gì là thiết yếu nhất. Làm gì để sự nghiệp giáo
dục không bị phí phạm hoặc lạm dụng? Không thể cắt xén cái thiết yếu. Phải trọn
vẹn nhưng không thể ôm đồm những chuyện viển vông, hết giá trị thực tế. Một nền
giáo dục duy lợi cũng có không ít thách thức. Từ mấy ngàn năm xưa các triết gia
cổ Hy Lạp đã cảnh báo “Đối với con người chẳng có giới hạn nào là đủ cho việc
thu thập của cải”(2). “Bản chất của lòng ham muốn là vô hạn và phần lớn người
ta sống chỉ để thỏa mãn những ham muốn này”(3); “ Người ta chỉ chú trọng đến sự
sống còn chứ không nghĩ đến chuyện sống tốt đẹp và vì lòng ham muốn thì vô hạn,
người ta cũng muốn những phương tiện thỏa mãn lòng ham muốn này trở thành vô
hạn”. Và họ nhắc tiếp rằng:” Một nền giáo dục bình đẳng cho tất cả mọi người sẽ
chẳng có lợi gì hết, nếu nền giáo dục đó dạy người ta tham danh, hoặc tham lợi,
hoặc tham cả hai.”(4)
Tiền của đáng được coi trọng, nhưng
dù duy lợi đến mấy nền giáo dục Bắc Mỹ cũng không dạy coi tiền trọng hơn đức
hạnh. Giáo dục luật pháp chính là bà đỡ của giáo dục đức hạnh. Học sinh phải có
sự yên tâm là khi là có tài năng, hoặc kỹ năng thì tiền sẽ đến. Tuy nhiên, muốn
được yên ổn trước nhất cả về phần hồn lẫn phần xác thì phải nhớ tuân thủ luật
pháp, tức là biết tôn trọng tự do và quyền lợi của những người khác.
Là một đất nước di dân, Canada càng cần
nhấn mạnh giáo dục luật pháp phải mạnh hơn tập quán và thói quen. Nói cách khác
là nỗi sợ phạm luật nhằm thượng tôn luật lệ luôn phải vượt qua bản năng và quán
tính. Không biết không phải là cái cớ để trốn tội. Chính sách, chương trình
phải mang tính phổ quát, nhưng hành động và trách nhiệm thì phải bổ cụ thể vào
từng cá nhân. Mỗi công việc đều giao đích danh từng học sinh. Đó là chủ nghĩa
tư bản! Không có sự mơ hồ giữa ranh giới “của tôi” hay “không phải của tôi”
cùng lúc. Khái niệm “tất cả” cũng là không tồn tại trên thực tế. Sở hữu, dù là
ý nghĩ hay tư tưởng, đều là của riêng. Trừ những người thừa kế may mắn còn với
quảng đại, ai muốn có sở hữu tài sản thì phải dốc lòng học nhằm đáp ứng đủ và
đúng đòi hỏi của thị trường.
Có thể thấy rõ rằng toàn bộ tư tưởng
chính trị học đường của Việt Nam
hôm nay là nhằm xiển dương một đức tính duy nhất là đức tính tin tưởng và phục
tùng vào đảng. Tiếc thay, dù được nhồi nhét điều đó đến cỡ nào thì đó cũng
không phải là bí quyết để làm yên lòng dân chúng. Chân lý là không thể điều
hành bất kể chuyện gì kể cả chuyện giáo dục bằng lối chủ quan duy ý chí mà phải
bằng qui luật phát triển khách quan. Ngay cả khi đặc quyền tương xứng với khả
năng xã hội dân chủ cũng không chấp nhận độc quyền. Vì độc quyền sẽ triệt tiêu
lợi ích của số đông và khi quảng đại con người thấy không có phần của mình thì
họ sẽ thờ ơ. Để cơ cấu chính trị xã hội tồn tại vững bền thì điều tiên quyết là
mọi thành phần dân chúng đều phải thấy có phần mình trong đó, vì vậy sẽ dồi dào
ý thức và ý chí để gìn giữ, bảo vệ nó.
“Quốc gia không phải chỉ là sự tập
hợp của nhiều người mà là sự tập hợp của nhiều người khác nhau và sự đồng dạng
không tạo thành quốc gia… Biến tất cả mọi người thành đồng nhất thay vì đem lại
phúc lợi cao nhất cho quốc gia lại hóa thành tiêu diệt quốc gia…. Quốc gia càng
đa nguyên chừng nào càng tốt chừng ấy”(5). Đó là chân lý giáo dục tiếp theo của
Bắc Mỹ. Tối đa hóa cái “Tôi”, cái riêng cá nhân của mỗi học sinh. Có vậy mới
nhiều màu sắc, mới phong phú và sáng tạo. Sự khác biệt làm nên sức mạnh. Xuất
phát điểm của xã hội là các cá nhân và điểm đến cuối cùng là toàn xã hội.
(Ngược với Việt Nam nơi xuất phát điểm luôn khoác danh tập thể – mang các danh
xưng khác nhau từ gia đình, dòng họ, tập thể, tổ chức…- dẫu chân tướng của điểm
đến cuối cùng thường là thỏa mãn mục đích ngầm của các các nhân).
Canada giáo dục bằng cách giao
quyền rất lớn và rất sớm cho cá nhân trong việc tự ra quyết định và chịu trách
nhiệm về các quyết định của của mình. Một cháu của tôi năm 7 tuổi, có lần tuyên
bố: “Cuộc đời của con thì con là người quyết định, và khi con càng lớn thì bố
mẹ sẽ có càng ít quyền hơn đối với con”.
Ở Việt Nam, khi bố mẹ nghe con nói như vậy
chắc sẽ nghĩ là cháu láo, nhưng chúng tôi thực sự ngạc nhiên và sung sướng khi
nghe cháu bàn luận như vậy. Dung dưỡng từ bé trong tinh thần như vậy nên các
cháu sẽ mong và cố tự lập từ rất sớm. Biết đi kiếm tiền từ khi còn học cấp hai,
tốt nghiệp phổ thông hầu như đã tự lập trong việc chọn nghề nghiệp tương lai,
kiếm chỗ ở riêng, thường sớm tự lo toan mọi chuyện cho cuộc sống của mình. Các
cá nhân bằng tài năng, ý chí khả năng và niềm tin của mình phải tự tìm cho mình
con đường ngắn nhất dẫn đến thành công, nhưng khi thành công tỏa sáng thì cả xã
hội đều được hưởng phúc lợi qua chính sách thuế.
Từ mấy ngàn năm trước, dân đảo Crete cho nô lệ được hưởng mọi quyền lợi như của chủ nhân
ngoại trừ quyền mang vũ khí và quyền học tập thể dục, thể thao. “Thể dục là một
trong những môn học cần thiết để huấn luyện trẻ con thành người tự do”(6). Thể
dục thể thao là một trong các thế mạnh của trường lớp Bắc Mỹ. Mỗi thầy cô phải
dạy hai môn ở trường trung học và thật lý thú khi thường là giáo viên toán,
tiếng Anh, hay tiếng Pháp… cũng đồng thời là giáo viên thể dục. Môn thể dục
cũng quan trọng và còn tạo nhiều hưng phấn cho học sinh hơn các môn học khác.
Khi lên bục giảng, về nguyên tắc,
người thầy phải thương yêu tất cả học sinh như nhau. Nói thì dễ nhưng chúng ta
là con người, nhiều khi cùng là con cái mình mà các bậc cha mẹ còn thiên vị,
đứa yêu, đứa ghét. Mà đây lố nhố trong lớp tới 25 cháu, cháu vàng, cháu đen
nhẻm, cháu trắng bóc, vô thần, cùng Thiên chúa, Hồi, Hindu…Vì vậy luật phải ấn
định là cấm kỳ thị chủng tộc, tôn giáo, giới tính và tuổi tác. Chú ý từ những
việc nhỏ nhưng tạo công bằng như thường xuyên đổi chỗ ngồi cho học sinh, để mọi
học sinh đều có quyền ngồi gần ánh sáng cửa sổ hay bục giảng. Người thầy phải
luôn đảo khắp lớp để tạo góc tiếp cận đồng đều với toàn thể học sinh.
“Cái quí nhất của một đất nước là dân
chúng và lãnh thổ, một nước phải có khả năng làm quân thù ngán sợ, dù để tấn
công hay phòng thủ” (7). Dù nổi tiếng hiếu hòa mà nhiều trường Canada phát
động phong trào dã ngoại và luyện tập như quân sự cho học sinh. Năm vừa rồi có
lần một cô phóng viên truyền hình óng ả phản ứng dữ dội khi thấy một sỹ quan Canada đang dạy
bắn cho các học sinh phổ thông. Viên sỹ quan nheo mắt nhìn lại người đại diện
cho quyền lực thứ tư đang gầm gào rằng cần dạy cho trẻ về hòa bình chứ không
phải là súng đạn và buông câu: Thưa cô, cô cũng đang có đầy đủ bộ phận của một
con điếm, nhưng cô không làm điếm phải không cô?
Hết lớp 8 học sinh Ontario đã đã phải tự chọn theo tiếp chương
trình học là để vào đại học hay ra làm nghề. Tư tưởng Socrates vẫn phảng phất
đâu đây:”Thượng đế trộn vàng trong một số người, bạc trong một số người khác từ
khi họ được sinh ra, và trộn đồng và sắt trong những kẻ mà trời định làm thợ
hoặc làm nghề nông”. Cái nhân bản là nhà trường cho cha mẹ và học sinh tự quyết
định và chịu trách nhiệm về sự chọn lựa hướng nghiệp của mình.
Dạy con người nghệ thuật làm giàu,
nghệ thuật quản trị hộ gia đình, xã hội cùng nghệ thuật tích lũy của cải, nhưng
để giàu có là chuyện đường dài. Trước nhất hãy dạy các cháu về lối sống tiết
kiệm là cái có thể làm ngay từng ngày từng giờ. Các trường đều phát động các
cháu đi bộ, xe đạp hoặc bàn trượt (scooter) đến trường. Phân loại rác để tái
chế hay dùng lại túi cũ là chuyện hàng ngày luôn được phát động và nhắc nhở.
Chuyện kiếm tiền ở Canada, cũng
như bất kỳ nơi nào khác, rất dễ và cũng rất khó. Cánh cửa làm giàu thật rộng mở
nhưng mỗi cá nhân hãy tự tìm cách vượt qua ngưỡng cửa đó.
Không xếp vấn đề nhạy cảm thành cấm
kỵ. Các cháu học về các khả năng của con người kể cả khả năng sinh lý từ khi
còn rất sớm. Không để con trẻ phải mầy mò trong bóng tối của sự thiếu hiểu
biết. Theo đuổi sự hoàn hảo là một ước vọng chính đáng của giáo dục, nhưng
không thể biến đó thành một đòi hỏi nghiệt ngã, không đòi hỏi sự hoàn hảo ở học
sinh để giảm áp lực cho các em, chấp nhận học sinh có sai lầm, cho tồn tại sự lựa
chọn thứ hai. Con trẻ ở đây luôn được an ủi bằng câu cửa miệng là chỉ có Chúa
Trời là toàn bích, còn chúng ta là con người, không một ai hoàn hảo cả (no one
is perfect)!
Chú trọng giáo dục về sức mạnh mềm,
về quyền con người, về sự dẫn dắt của trí tuệ, của lý luận và lẽ phải, về sức
mạnh của sự bao dung. Có hôm chúng tôi đi làm về muộn vẫn thấy cậu con trai sáu
tuổi ngồi đợi bố mẹ ở chân cầu thang trước cửa. Hỏi sao cháu chưa đi ngủ cháu
nói là phải đợi bố mẹ về để nói lời cảm ơn vì bố mẹ đã lo lắng cho con có cuộc
sống đầy đủ ngày hôm nay. Hỏi ai dạy con nói thế? Cháu nói là không ai dạy cả,
cháu tự muốn thức đợi bố mẹ về, tự muốn được nói lời cảm ơn vì hôm nay ở trường
cô giáo cho làm một đề tài về các bạn ở những nước nghèo nơi không có đủ cả
nước sạch để uống.
Giáo dục các công dân tý hon của mình
không chỉ có ý thức về sự giàu có của đất nước mình mà cần phải sớm có suy
nghĩ, trách nhiệm san sẻ với phần còn lại của thế giới. Có hôm học về cháu nhất
quyết nhịn ăn trong vòng 30 giờ. Hỏi sao? Cháu bảo ở trường đề nghị các cháu tự
nguyện không ăn hơn một ngày để biết thế nào là cảm giác đói hành hạ, để có thể
đồng cảm với rất nhiều bạn trẻ đang thiếu ăn trên thế giới. Hôm đó chúng tôi đã
chủ tâm nấu các món ngon đặc biệt mà cháu thích để kiểm tra độ tự giác nhưng
quả thật là nhà trường đã thành công. Con tôi đã ở lại trường cùng sinh hoạt
với các bạn rồi về nhà thật muộn, đóng chặt cửa phòng riêng và từ chối mọi lời
trêu đùa khuyến khích ăn của bố mẹ.
Là một nước tư bản phát triển, giáo
dục rất coi trọng các giá trị thực tiễn. Thực tiễn đúng là thước đo kiểm nghiệm
mọi lý thuyết. Trong các trường học các cháu không chỉ được học kiến thức cơ
bản mà còn được dạy dỗ để trở thành một công dân đắc dụng. Để tốt nghiệp phổ
thông các cháu phải có ít nhất 40 tiếng lao động thiện nguyện. Số giờ lao động
công ích càng nhiều thì cơ hội dành được học bổng đại học càng cao. Có cháu
ngoài điểm học rất cao, trong vòng 4 năm cuối phổ thông vẫn dành ra được cả
nghìn tiếng để giúp đỡ người già, người di dân mới tới, trẻ em chậm phát triển,
hoặc tại các cơ quan công sở, trường học. Học giỏi mà không có tấm lòng vàng là
chưa đủ.
Canada rất coi trọng lãnh đạo tính
(leadership), nhưng vẫn đề cao tinh thần cộng tác đồng đội (teamwork). Trong hồ
sơ xin vào các đại học danh giá, thí sinh phải chứng minh khả năng lãnh đạo của
mình trong các công việc tại trường, lớp và cộng đồng, đồng thời cũng cần nêu
rõ là mình có tham gia bao nhiêu câu lạc bộ, tổ chức, hội đoàn, thể thao… Giáo
dục Bắc Mỹ cũng hướng tới việc đào tạo con người đa chức năng. Các trường đại
học thường cho các cháu quyền được hoàn thành cùng lúc 2 ngành nghề trong 4 năm
học. Trước khi vào trường đại học y để lấy bằng bác sỹ quân y, con của một
người bạn tôi đã phải hoàn thành một bằng đại học với hai nghề là sỹ quan lục
quân và kỹ sư điện tử trong 4 năm ở trường Võ bị West Point.
Năm lớp sáu, trong môn học về gia
đình, tất cả học sinh đều phải mang búp bê (đã được cài đặt chương trình) về
nhà rồi bế tới trường hàng ngày để chăm sóc trong vài tuần như chăm sóc một em
bé hai tuần tuổi. Cũng phải cho ăn 6-8 lần một ngày, uống nước, cho ợ, thay tã
khi bị ướt và không được để em bé khóc quá lâu nếu không muốn bị điểm kém. Học
sinh chọn môn kinh tế trong lớp 10 sẽ được phát tiền ảo để tham gia chơi chứng
khoán. Không quan hệ cá nhân, không trung gian và không một phí tổn. Khi con
tôi muốn vào trường chuyên, cháu được nhà trường giải thích rất rõ ràng rằng
cháu cần phải thi tuyển như thế nào để được nhận.
Chuyện vào đại học cũng là một đề tài
thú vị. Để nhận học bổng vào đại học, các cháu cần có thư giới thiệu của các
thầy cô giáo phổ thông, và những lá thư này được thầy cô viết một cách tự
nguyện, đúng với quá trình học tập và rèn luyện của các học sinh. Nhiều cháu nhận
tới hàng trăm nghìn đô học bổng, đổi lại các thầy cô nhận được lời cảm ơn và sự
vui sướng là đã có được một học sinh giỏi. Các cháu không cần thi đại học, điểm
tổng kết sáu môn lớp 12 sẽ được trường phổ thông chuyển thẳng tới các đại học
để xem xét. Tôi chưa từng nghe chuyện nâng hay chạy điểm nào ở đây. Vào các
trường, khoa danh tiếng thường là qua hai ban có quyền tương đương nhau 50/50
xét duyệt. Ban đầu là nghiên cứu điểm học, ban thứ hai là xem các cháu đã làm
bao nhiêu giờ lao động công ích cho xã hội, có tài gì khác ngoài tài học. Ví dụ
họ có thể hỏi thí sinh ngoài học giỏi em còn biết làm gì nữa? Nếu em nói biết
vẽ, nhảy đàn, hát, hay hùng biện… thì mời em biểu diễn ngay đi cho chúng tôi
xem em thực tài thế nào. Chỉ thành mọt sách đơn thuần là không được yêu chuộng
ở Canada.
Học sinh ngoan chăm học không đủ mà phải đa năng, hữu dụng và chứng tỏ là biết
mang ích lợi cho xã hội, có chính kiến, cá tính, bản lĩnh sống từ tấm bé.
Thi thì toàn bộ là thi viết. Cách
chấm cũng đáng bàn. Ở Nga thì điểm cao nhất là 5, Việt Nam thì 10,
Tiệp thì 1 là điểm tuyệt đối. Bắc Mỹ thường dùng % . Theo tôi cách tính điểm
này chi li nên chính xác và công bằng hơn cả.
Gia đình
Gia đình là cái nôi của giáo dục, mái
trường đầu tiên của con trẻ. Dù bận rộn tôi luôn dành vài ngày đầu năm đến
trường đón các cháu đi học về. Trên đường về nhà khi thấy các cháu hào hứng kể
về thầy (cô) giáo mới của mình là có cảm giác yên tâm ngay về năm học đó, cháu
sẽ có một năm dễ chịu. Khi các cháu chỉ nói về bạn bè, tôi biết là việc học của
cháu năm đó sẽ có ít nhiều trục trặc, khi cháu im lặng hoàn toàn chả mốn nói về
thầy cũng như về bạn là tôi thấy dông bão sẽ nổi lên đâu đó rồi và thường phải
tìm hiểu tiếp ngay ngọn nguồn, tính cách hỗ trợ cháu.
Muốn có hiệu quả tốt thì suất đầu tư
thường phải cao. Đầu tư không có nghĩa chỉ là tiền bạc mà nhiều khi cần chính
lại là đầu tư tình yêu thương, thời gian, công sức, lời động viên và sự khích
lệ hữu ích vào hi vọng. Không mấy nước có điều kiện như Thụy Sỹ khi cấm các bà
mẹ có con dưới năm tuổi được đi làm. Tuy nhiên dù ở đâu thì khi một cháu bé đi
học là thường cha mẹ cần mất thêm sáu bảy tiếng bổ trợ vòng ngoài mỗi ngày.
Một tập quán xấu mà tôi thấy dẫu là ở
trong hay ngoài nước nhiều gia đình người Việt thường mắc phải là quán tính lo
lắng cho con cái quá đà. Lúc còn nhỏ cần một thì nhiều khi bố mẹ đã mua cho tới
hai ba, khi trẻ cần chơi thì đã ép học, học trường chưa thấy đủ còn tranh thủ
học thêm, làm ăn thì chi chút dành dụm cho đủ tới đời con đời cháu. Vì cho con
nhiều nên thấy uy quyền của mình cũng phải nhiều theo. Chính những điều trên
làm nhiều trẻ em Việt đâm lười biếng, thụ động và thiếu tính độc lập cần thiết
để vào đời.
Xã hội
Xã hội chính là phòng trắc nghiệm lớn
nhất, nơi nghiệm thu cuối cùng của sản phẩm trường lớp. Giáo dục không phải là
tôn giáo và sẽ không có ý nghĩa gì khi dạy toàn chuyện trên trời mà ra đời các
em chỉ nhìn thấy cánh cửa địa ngục. Bánh răng trường và đời ăn khớp thì xã hội
hiền hòa, con người từ trẻ tới già sẽ được đặt trên căn bản sự tin cậy và ủy
thác trách nhiệm. Những tờ quảng cáo đầu tiên tại phi trường quốc tế Canada là
cảnh sát ở đây khác với nhiều nước khác là người bạn thực sự của bạn, bạn có
thể trông cậy vào sự giúp đỡ của họ ở bất kỳ đâu. Thuế vụ Canada thì chỉ
căn cứ vào các thông tin tự khai của các cá nhân để tính thuế. Mọi sự kiểm tra
nếu có hầu như là do sự lựa chọn ngẫu nhiên của máy tính. Nếu phát hiện có sai
sót trong lời khai thì giải pháp là phải hoàn trả đầy đủ lại cho nhà nước cộng
thêm tiền lãi cho việc nộp thuế sai, muộn. Giải quyết việc với các cơ quan công
quyền chủ yếu qua điện thoại, email, thư hoặc fax. Nếu có việc cần gặp thì luôn
luôn có người tiếp đón niềm nở và giải thích cặn kẽ. Y tế cơ bản là không mất
tiền với toàn dân nhưng không vì thế mà các nhà thương “thí” phục vụ công dân
thiếu chu đáo. Thực tế không thấy có sai biệt lớn so với quảng cáo của các cơ
quan công quyền.Vợ tôi đã từng thập tử nhất sinh vì ca sinh khó tại bệnh viện
và có điều kiện được hưởng sự chăm sóc miễn phí mà tận tình, nồng hậu đến nỗi
chỉ mơ ước là khi già và mỏi mệt thì con gái ruột cũng đối xử với mình được một
phần như vậy.
“Nghèo khó là cha đẻ của cách mạng và
tội ác”(8) nhưng đồng thời ”một sự thật là những tội phạm ghê gớm nhất được gây
ra không phải vì thiếu thốn mà vì thừa thãi”(9). Làm sao để người nghèo không
phải lo tiền y tế, học hành mà còn được trợ cấp từ nhà ở, tiền ăn, tiêu dùng,
trông con, đi lại…, và cả người nghèo cũng như người giàu không tham của người
khác?
Có hôm trước bữa cơm mâm cao cỗ đầy,
người bạn tôi nói với con, mình ăn uống thế này phí phạm quá, thương cho những
đất nước nghèo đói, nơi con người đang thiếu ăn. Cháu liền thắc mắc, tại sao
không chịu nấu mà ăn. Bố cháu bảo: họ có gì mà nấu. Cháu thắc mắc hơn: tại sao
không mở tủ lạnh lấy đồ ra nấu. Được biết thậm chí không có cả tủ lạnh, cháu
bảo sao không hỏi xin trợ cấp từ chính phủ. Và khi biết chính phủ nhiều khi
toàn làm ngược là “trợ cấp” cho người giàu và quay lưng trong việc bố thí cho
người nghèo, cháu bảo thế thì bầu chính phủ khác để tìm cho ra người có khả
năng giải quyết chuyện đó. “Đi hỏi già về nhà hỏi trẻ”, nhiều cái suy nghĩ
thẳng băng của trẻ cũng đáng lắm cho người lớn phải suy nghĩ.
Công bằng là khi “những nghề đòi hỏi
nhiều kỹ năng là những nghề ít may rủi nhất… nghề tầm thường nhất là những nghề
không đòi hỏi sự suất sắc”(10). Nhưng khi thấy ngoài xã hội kẻ tầm thường lại
thành công, còn người suất sắc phải chật vật mới sống qua được ngày thì học
sinh sẽ lấy đâu ra đủ hào hứng và tâm huyết để dùi mài kinh sử.
Trường đời
Là cái lớn hơn tất cả các giảng đường
gộp lại. Chỉ có điều ta phải ở tư thế nào để đón nhận nó. Ở một xứ công nghiệp
điện tử hóa cao như Bắc Mỹ mà tôi chưa gặp một giáo sư nào đánh giá thấp việc
đọc sách in của trẻ em. Các bà mẹ không còn trẻ lắm nhưng có con đang học tiểu
học quanh nhà tôi có sáng kiến lập Moms & sons reading club. Các cháu phải
tự chọn cuốn sách để đọc và thảo luận chung. Khi các cháu tranh luận với nhau
về cuốn sách ở phòng bên thì các bà mẹ ngồi bàn luận với nhau về cuốn sách khác
hay chủ đề thú vị gì đó ở nhà ngoài, cùng đề ra giải pháp và cùng thử áp dụng.
Có bữa một bà giáo sư của Uof T gốc
Ireland đề nghị mọi người tham khảo cuốn Năm ngôn ngữ của tình yêu “The 5 love
languages” của Gary Chapman. Đông hay Tây thì ai cũng coi trọng giá trị nền
tảng của gia đình. Phương Đông thiên về cách là tính tuổi, chọn ngày lành tháng
tốt, cầu may tránh rủi thì cách của phương Tây là mổ xẻ bản chất của phong cách
giao tiếp và tiếp cận nó cùng xử lý nó theo phương án chủ động để gìn giữ hạnh
phúc gia đình.
Một hôm khác một bà giáo sư gốc Đan
Mạch đưa ra ý kiến là ở Đan Mạch thường không cho trẻ vào nhà trước khi trời
tối. Vì vậy khi còn sáng là phải ra vườn, ra sân chơi thể thao, đọc sách, tối
mới được vào nhà thì thời gian chả còn mấy để các cháu hí hoáy với máy tính
nữa.
Vợ tôi thì đề ra là tất cả máy tính
trong nhà phải để cùng trong một phòng để dễ bề kiểm soát, và sau 12:00 p.m thì
tất cả máy tính trong nhà phải được tắt.
Trước cửa nhà tôi có nhà hai cụ già
một gốc Đức, một gốc Hong Kong đều đã ngoài
80, đã dạy chúng tôi thật nhiều điều. Một hôm thấy cụ người Hong
Kong chạy sang cho chúng tôi mấy cây hoa. Vợ tôi cầm tay bà định
đưa qua đường vì trời đã khá tối mà xe cộ khúc này được chạy tới 60km/h. Bà cụ
cảm ơn và nói tôi còn chưa già, và nhất quyết không cho dắt. Vợ tôi cứ tấm tắc
mãi là nhiều người chỉ bằng nửa tuổi bà như chúng tôi mà không được mạnh mẽ và
khang kiện về tinh thần như bà. Bà người gốc Đức thì cứ 5:30 sáng tự phóng xe
lên trang trại của bà cách nhà 120 km, chiều về. Khuôn viên nhà bà hơn 600 m2
luôn sạch sẽ tinh tươm. Bà sống một mình và không thuê ai làm bất cứ việc gì dù
là nhỏ nhất từ cắt cỏ, tỉa hoa, dọn tuyết và luôn nói với chúng tôi rằng bà
chưa thấy ai chết vì yêu lao động. Cứ sáng chủ nhật hàng tuần bà mở cửa đón con
cháu bạn bè đến ăn sáng. Bà nói vì yếu sức rồi nên mỗi tuần bà chỉ có thể làm
một bữa sáng vui chung với mọi người. Chúng tôi học bà dành bữa sáng chủ nhật
cho gia đình và đề nghị các cháu phải tự lo liệu bữa đó cho cả nhà.
Mấy năm trước tôi làm cùng công ty
với Jolly – một BMA từ Ấn sang Canada định cư khoảng 15 năm mà năm nào cũng
kiếm cả triệu đô, trong khi thanh niên Canada học hành chí chết để khi ra
trường mong kiếm việc có lương khởi điểm là ba bốn chục ngàn $/năm. Kiếm ra
ngần ấy tiền sau từng ấy năm thì dù ở đâu trên dất Canada này cũng không thể gọi là
nghèo được nữa vậy mà Jolly vẫn đi môt xe Daewoo Lanos cũ giá độ $2000. Hồi đó
thanh niên Bắc Mỹ chưa có phong trào đi xe thân thiện với môi trường như bây giờ,
mà rất thích xe Hummer. Loại xe đó uống xăng như nước, vóc dáng to khỏe, nam
tính như xe tăng trên đường phố. Trong một lần liên hoan các thanh niên hỏi
Jolly là sao chưa mua Hummer chạy? Jolly nói: Chính bản thân tôi đã là Hummer
rồi còn tìm mua làm gì nữa? Nhìn qua cửa sổ tôi chỉ cho các thanh niên đó hơn
hai chục chiếc Hummer của họ đang đỗ và nói: Ở ngoài kia trông chúng ta thật
may mắn vì có thừa mứa Hummer, nhưng ở trong này chúng ta vẫn đang thật thiếu
Jolly. Sau buổi liên hoan đấy, tình cảm của chúng tôi đã vượt qua eo biển chật
hẹp của tình đồng nghiệp tiến sâu vào đại dương bao la của tình bạn.
Ông trời quả là đánh đố con người.
Thường lúc tuổi đời và trí óc còn nhiều non nớt thì đã cần phải ra nhiều quyết
định cực kỳ hệ trọng cho cả đời. Cần hướng nghiệp đúng, chọn nghề gì cho phù
hợp làm sinh kế, yêu thương ai, chọn ai làm bạn đời…. Có lẽ ông trời làm vậy để
khiến kiếp người cứ phải luôn ”học, học nữa, học mãi”, học cho tới cái đúng,
tránh cái sai, để hoàn thiện, để phủ định và tái khẳng định, để vân vân và vân
vân… Tạo khả năng độc lập sớm và chắc chắn về tư duy sẽ giúp giới trẻ nhanh
chóng định hình và có được những chọn lựa hợp lý và đúng đắn.
Henry Ford nói “Anyone who stops
learning is old, whether at twenty or eighty” tạm dịch: ai dừng chuyện học là
người già dù người ấy 20 hay 80. Nói rộng ra, một gia đình hay đất nước cũng
cần như vậy, cần liên tục học hỏi để thích ứng, tồn tại và phát triển.
Chẳng mấy nữa lại hết Hè! Ít nhất,
cần nhắc con dậy đến trường cho đúng giờ vào ngày thứ ba tuần đầu tiên của
tháng chín.
PHẠM NGỌC CƯƠNG, Toronto
Canada
19/8/2012
Trích dẫn: (1); (3); (4); (6);(7);(8);(9);(10)-
Aristotle- triết gia vĩ đại, nhà bác học, nhà tư tưởng Hy Lạp
(2) Solon- một triết gia trong thất
hiền Hy Lạp.
Nguồn: truongduynhat's blog,
tựa đề do honngv đặt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét