17 thg 9, 2012

Tình yêu của Đồ Nghệ (Tất Nam khi xưa) qua phương ngữ


TS Hà Nguyên Đối
    Có lẽ, cái khác biệt dễ nhìn thấy nhất trong tình yêu đôi lứa của con người xứ Nghệ so với những vùng miền khác là thứ men say tình yêu ấy được biểu hiện qua phương ngữ với những từ ngữ  “đặc Nghệ”
              Khi nào kiềng sắt bén mun
             Chàng hun má thiếp, thiếp hun má chàng
             Diết da da diết quá chừng
             Em cho anh chụt một cái, em đừng kêu đau
                                                            (HPV, tr. 299)
    Ở đây, người ta không dùng từ “hôn” mà dùng từ “chụt”, “hun” để chỉ nụ hôn- vốn là bức thông hành của tình yêu. Nghe “hun”, “chụt” khiến ta từ cảm nhận được âm thanh và tưởng tượng đến động tác để hiểu cái sâu đằm của nụ hôn người Nghệ. Đồng thời, cũng cho ta thấy một kiểu ứng xử rất rõ ràng, minh bạch, đắm say đến hồn nhiên của gái trai nơi đây.
    Hoặc như trong bài vè “ Thương anh lắm anh ơi”, mật độ phương ngữ cũng xuất hiện dày đặc:
                  Nước uống nỏ muốn rót
             Cơm ăn nỏ muốn nhơi
             Cầm lấy đũa đũa rớt
             Cầm lấy đọi đọi rơi
             Thày hỏi: vì răng rứa con ơi?
             Mẹ hỏi: vì răng rứa con ơi?
             Con lặng lặng trả lời:
             Vì sầu riêng bạn cộ
             Ngơ ngẩn sầu bạn cộ
                     (KTVXN, t3, tr.432)
    Ở đây, chỉ diễn đạt tình thương yêu mà kéo dài đến 20 câu (trong đó có 17 câu bằng và 3 câu trắc). Người đọc phải đọc một hơi, người hát cũng phải hát một hơi, không nghỉ, không kịp thở để tuôn ra cho vơi, cho cạn nỗi nhớ thương, niềm yêu đương đang dồn nén, ức chế trong tâm can. Đièu đặc biệt ở đây, ta thấy tác giả dân gian đã dùng rất nhiều phương ngữ xứ Nghệ. Phải chăng những phương ngữ được dùng đã góp phần đẩy nhanh tiết tấu của bài, “tuôn” nỗi nhớ nhung da diết đến địa chỉ cụ thể - “bạn cộ” (bạn cũ). Chúng tôi đồng tình với Ninh Viết Giao khi nhận xét bài vè trên: “17 câu đề vần bằng, âm mở thể hiện tình cảm triền miên lai láng, câu trắc “uống nước nỏ muốn rót” là tiếng nấc, nấc vì nghẹn ngào, nấc vì nỗi nhớ dâng lên trẹn cổ họng. Qua một đoạn ấy thôi, chúng ta cũng biết tình yêu của trai gái Nghệ Tĩnh như thế nào rồi” [71, tr22].
     Đến với ca dao và vè xứ Nghệ về tình yêu đôi lứa, ta bắt gặp rất nhiều cách ngỏ tình khác nhau. Họ có thể nhờ miếng trầu, qua miếng trầu. Bởi thế mà dân gian mới có câu: “miếng trầu nên dâu nhà người”. Bằng miếng trầu, họ đã nói với nhau niềm khao khát lứa đôi:
              Trầu xanh đĩa ngọc
                Quả cau em róc tứ bề
                Trầu têm cánh phượng em đề đôi câu.
                Em đề chữ ân chữ ái
                Em đề chữ thọ chữ ninh
                Em đề chữ tình chữ tính
                                                          (KTVXN, t3.tr.88)
    Đó là cách ngỏ tình kín đáo mà ta thường thấy ở nông thôn trước đây.
    Ngoài ra, họ còn có thể ngỏ tình bằng cách không nói ngay, nói thẳng vào tình yêu, mà nói từ xa đến gần, nói vòng vo rồi mới đi vào ý chính. Có thể nói đây là cách tỏ tình rất tế nhị. Chẳng hạn như trong bài vè “xuân bất tái lai”, chàng trai mở đầu bằng những câu khen người con gái là “yểu điệu thanh tân”, “thục nữ chuyên cần”… sau đó mới nói đến gia sự của cô ta, gia đình, cũng như tâm tình của anh ta đối với cô gái, rồi cuối cùng mới ngỏ tình, mà cũng rất bóng gió, xa xôi:
            Chim tử quy thánh thót
              Dạ bát ngát lòng sầu
              Nghĩa nặng với tình sâu
              Núi non nào kể xiết
                                                        (KTVXN,T3, tr.237)
    Cách ngỏ tình đó như bướm lượn vòng hoa, ban đầu thường vờn một cách ý nhị, bóng gió, xa rồi gần, gần rồi xa, thật là nên thơ và cũng không kém phần lãng mạn.
    Hoặc, cũng có khi họ tỏ tình trực tiếp. Như trong bài vè “em lấy anh thôi”, người con trai không vòng vo hoa lá, không mượn bóng trăng chỉ nẻo, không mượn con bướm đưa đường mà nói thật, nói thẳng nỗi lòng, ý nghĩ của mình, nói có phần sống sượng, thô lỗ nhưng rất thành thật:
                Thôi thôi anh lấy em thôi
             Trang sức anh sắm đủ rồi còn chi
                                      (KTVXN, t3, tr.118)
    Không những tỏ tìnhmà anh còn hứa hẹn một cuộc sống rất tốt đẹp với cô gái- một cuộc sống giản dị của những người lao động.
    Dù là bày tỏ bằng cách nào thì ta cũng thấy được tình yêu sâu sắc, thầm kín nhưng cũng không kém phần mãnh liệt của các chàng trai, cô gái xứ Nghệ.
    Nói đến tình yêu, ta thường nghĩ ngay đến những lời thề non hẹn biển. Song, khác với lời nguyền nhờ vả trăng, sao, trời, đất của trai gái xứ Bắc, các chàng trai cô gái xứ Nghệ thường lấy nhiều hơn cái chết, sự hi sinh bản thân để bảo vệ tình yêu. Chẳng hạn như:
                      Anh mà không lấy được nàng
             Thì anh tự vận giữa gia đàng nhà em
                                                      (CDNT, tr.130)
     Chúng tôi đã thống kê được ở chương 2, tập 1 trong KTVXN viết về tình yêu đôi lứa, có đến 15 lần trai gái vùng đất này đã mượn cái chết để bảo vệ tình yêu.
                   Hai tay cầm tám gươm vàng
            Chết thì mặc chết, buông chàng không buông
                                                     (CDNT, tr.330)
    Quả thật, cũng khó tìm kiếm một lời hứa, lời nguyện nào lại mãnh liệt đến ghê gớm như gái trai xứ Nghệ khi yêu:
                 Cha mẹ dù có chặt chân, chặt tay
           Khoét mặt, khoét mày cũng trốn theo anh
                                                     (CDNT, tr150)
     Những từ ngữ: “chặt chân”, “chặt tay”, “khoét mặt”, “khoét mày” đã nói lên được bản chất tình yêu trong con người Nghệ Tĩnh. Họ có thể vì yêu mà sẵn sàng làm mọi thứ, thậm chí dám chấp nhận cả cái chết chứ không thể sống thiếu người mình yêu.
    Yêu đến thế là cùng! (câu này của hongv).

3 nhận xét:

  1. Đọc bài này mà Đồ Nghệ TN kg có nhận xét nào thì thật là lạ quá à. Có lẽ fải đóng cửa tiệm tạp hóa này lại mất thôi, huhu...

    Trả lờiXóa
  2. Hớn chơi khó Nam rồi. Nam đã "chạy trốn" gái xứ Nghệ, mãi cho tới ngoài tứ tuần mới làm được rể Hải Dương... chừ Hớn lại còn hù Nam. Nói chơi chọc Nam, đừng giận nhé!

    Hồi ở ký túc xá ĐHBK, Q. nhớ Nam có cô cháu gái (học đại học Y khoa), xinh xắn mắt to tròn, mặt trái soan, trông hiền hậu, không như Hớn "hù dọa" ở trên. Q. còn nhớ cô cháu gái này là con ông anh cả của Nam, mình không còn nhớ tên nữa. Ông anh cả của Nam mỗi khi lên HN hay ở lại với Nam và cũng ham đánh cờ tướng với các bạn K14 (trong đó có Quốc).

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nguyên văn tiêu đề bài này là: "Tình yêu của người xứ Nghệ khi xưa qua phương ngữ", mình đổi lại để TN chú ý thôi, chứ bài viết kg dính gì đến cá nhân TN cả. Mọi người đọc thừa thấy điều đó. Thế mà đến giờ chẳng hiểu TN có đọc hay kg mà chẳng thấy ho he gì!

      Xóa